Ai ra xứ Huế
Huế nhìn từ quy hoạch
08:55 | 23/01/2017

LÊ VĂN LÂN

Đô thị phát triển nhanh là điều đáng mừng, nhưng phát triển nhanh và kiểm soát được là điều hệ trọng. Và để kiểm soát được, đô thị phải được phát triển theo một kịch bản. Kịch bản đó chính là quy hoạch đô thị, chân dung tương lai của đô thị.

Huế nhìn từ quy hoạch

Quy hoạch Huế

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được đón nhận nồng nhiệt của các chuyên gia, các nhà văn hóa, các nhân sĩ trí thức tôn giáo cũng như các nhà quản lý và người dân thành phố, những người yêu Huế khắp nơi. Quy hoạch là bước đột phá chuyển Huế từ một thành phố “nén” sang một thành phố “mở”, tạo điều kiện thuận lợi cho Huế trong “gọt dũa” đô thị cổ, hạn chế việc phát triển đô thị theo lối lan tỏa, mở rộng mảng xanh đô thị, giải quyết những bức xúc do quá trình phát triển đô thị mang lại.

Theo quy hoạch này thành phố được mở rộng gấp 5 lần hiện nay. Từ 70, 99km vuông lên khoảng 348,54km vuông. Ranh giới phía Đông đến bờ biển Thuận An. Ranh giới phía Tây đến Bình Điền. Ranh giới phía Bắc đến sông Bồ - Tứ Hạ. Ranh giới phía Nam đến đường tránh Huế. Thành phố Huế mở rộng có rừng, có biển, đầm phá, có phi trường, bến cảng...

Thành phố mới bao gồm thành phố lịch sử và 4 đô thị phụ trợ gồm Hương Thủy - Thuận An - Hương Trà - Bình Điền. Xây dựng các công trình cao tầng, hiện đại làm điểm nhấn đô thị ưu tiên trên trục quốc lộ 1A ở khu vực Hương Thủy, Hương Trà, khu đô thị An Vân Dương. Xây dựng các vành đai xanh tạo mối liên kết giữa các đô thị, hạn chế quá trình đô thị hóa với diện tích được bố trí gần 10.000hecta. Tận dụng không gian mặt nước, xây mới các hồ tạo cảnh quan, nghỉ dưỡng và thoát lũ. Không gian mặt nước bao gồm khu vực sông Hương và các nhánh, khu vực đầm phá và ven biển Thuận An. Các kênh đào trong và ngoài kinh thành, các ao hồ nhân tạo và hồ điều hòa tự nhiên. Riêng các hồ điều hòa để cải thiện năng lực thoát lũ của sông Hương, quy hoạch bố trí diện tích 2,4km vuông để xây dựng 15 hồ điều hòa thoát lũ.

Kinh tế xã hội của Huế dần phát triển theo hai trục: Trục phát triển kinh tế theo hướng Bắc - Nam, tạo thành từ trục giao thông chính quốc gia và hành lang kinh tế Đông - Tây. Củng cố và phát triển các khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ, Thủy Phương. Các cụm công nghiệp làng nghề: Hương Sơ, Bình Điền. Trục phát triển du lịch theo hướng Đông - Tây từ Thuận An đến Bình Điền; theo đó Thuận An phát triển du lịch sinh thái biển, đầm phá với các khu nghỉ dưỡng cao cấp; đầu tư xây dựng cảng Thuận An đến năm 2020 tiếp nhận tàu trọng tải 5.000DWT, tạo động lực để Huế phát triển đô thị hướng biển. Phát triển du lịch sinh thái, sông, hồ dọc sông Hương, Ngự Hà, các điểm du lịch đặc thù Cồn Hến, Dã Viên, Thủy Biều, Kim Long... Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tâm linh ở Trung Huyền Trân, đồi Thiên An, các chùa ở Huế... Phát triển trung tâm văn hóa kinh tế tri thức, thành phố xây dựng làng đại học ở các phường An Tây, An Cựu với diện tích gần 150hecta, cùng với nó là các khu nghiên cứu phát triển ở An Tây, Thủy Dương, Phú Bài phát triển các ngành công nghiệp sạch có kỹ thuật cao không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường...

Không gian đô thị Huế

Thành phố mới phát triển theo mô hình cụm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm và bốn đô thị phụ trợ theo các trục không gian chính: Trục cảnh quan lịch sử, trục cảnh quan sông nước, trục không gian đô thị. Trục cảnh quan lịch sử được thiết lập gồm trục trung tâm thành phố, trục cảnh quan Bắc - Nam, trục Nam Giao, nhằm bảo đảm các yếu tố mang tính biểu tượng và tính lịch sử của Huế. Các đô thị được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, hình thành các dãy cây xanh giữa các đô thị để hạn chế phát triển lan tỏa và phòng chống bão lụt.

Tạo lập cụm đô thị di sản, văn hóa, cảnh quan thân thiện với môi trường; theo đó, thành phố có bảy vùng kiến trúc cảnh quan với sự khác biệt về mức độ và mật độ đô thị: Khu vực phía Bắc sông Hương, khu vực phía Nam sông Hương, khu đô thị mới An Vân Dương, khu vực Bình Điền, Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An. Khu vực Kinh thành Huế, Bao Vinh, Thủy Biều, Kim Long, Hương Long... là khu vực bảo tồn cảnh quan, giảm thiểu mật độ dân cư, cải tạo xây dựng theo hướng có chiều cao và mật độ xây dựng thấp bảo đảm hài hòa, không ảnh hưởng đến di tích, nhà vườn, các làng nghề truyền thống... Khu vực phát triển mới tập trung ở các khu đô thị mới: An Vân Dương, Hương Sơ, An Hòa... Một số khu dân cư mới ở Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền theo mô hình đô thị sinh thái theo hướng thấp tầng mật độ thấp; một số khu vực trung tâm phát triển công trình cao tầng mật độ cao.

Mở rộng không gian tầm nhìn đối với trục cảnh quan chính từ Kỳ đài hướng về Ngự Bình quy định độ cao công trình kiến trúc; chú trọng tầm nhìn từ khu vực Tây Nam Huế đến khu vực đô thị trung tâm. Xây dựng cảnh quan đường phố trung tâm đô thị, đường phố lịch sử: Hùng Vương - Hà Nội - Lê Lợi - Điện Biên Phủ... Giới hạn độ cao, hình dáng công trình.

Đặc biệt, đối với sông Hương và các sông liên quan như: sông Như Ý, sông An Cựu, các hồ, hào. Không gian ven sông chủ yếu là hệ thống công viên cây xanh kết hợp các công trình kiến trúc khống chế chiều cao, bảo đảm sự hài hòa chung. Theo đó, quản lý hai bên bờ sông Hương là 200m; các sông An Cựu, Như Ý là 50m. Sông Hương đoạn từ lăng Gia Long đến Kim Long là khu vực bảo tồn, tôn tạo, xây dựng có kiểm soát, tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh, tôn vinh giá trị các di tích, khai thác du lịch hợp lý. Sông Hương đoạn từ Kim Long đến Bao Vinh là khu vực phát triển kết hợp hài hòa bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn những nét đặc trưng của khu vực Kinh thành Huế. Từ Bao Vinh đến Thuận An là không gian sinh thái nông nghiệp. Hình thành phát triển các khu du lịch tắm biển, sinh thái đầm phá... vui chơi mặt nước; tổ chức khu dịch vụ phía Tây cảng Thuận An.

Quy hoạch và môi trường

Với mục tiêu xây dựng Huế thành một đô thị lịch sử sống động, một đô thị sáng tạo, một đô thị môi trường kiểu mẫu hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Quy hoạch đã đề cập nhiều lĩnh vực khá cụ thể. Đặc biệt là trên lĩnh vực bảo vệ môi trường. Một đô thị phát triển “nóng” hay không “nóng” chính là ở lĩnh vực này. Chúng ta có nhiều bài học từ phát triển đô thị ở Huế cũng như cả nước thời gian qua (đuờng phố đầy bụi bặm, giăng đầy những “lô cốt”; đường phố mới mưa đã ngập, có nơi ngập tận phi trường).

Trước hết về thoát nước mặt, Huế là thành phố có nhiều thuận lợi bởi hệ thống sông, hồ, hào... bao bọc. Do vậy thoát nước mưa theo hướng tự chảy, tận dụng không gian mặt nước hiện có để điều tiết nước mưa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quy hoạch chỉ rõ lưu vực thoát nước được chia làm các khu là sông Hương, sông Bồ, và sông An Cựu. Hệ thống thoát nước là hệ thống đường ống chính được phân nhánh và ưu tiên tự thoát. Cải thiện năng lực thoát lũ của sông Hương. Cải tạo, nạo vét và chỉnh trị các sông ngòi hiện có, thực hiện các dự án cải thiện năng lực xả lũ, năng lực thoát nước cho đường ống. Xây dựng 15 hồ điều hòa với diện tích 2,4km vuông để giảm lũ của nhánh chính sông Hương

Về thoát nước thải: Nước thải sinh hoạt đến năm 2020 trên 98.000 mét khối/ngày, dự kiến đến năm 2030 là trên 150.000 mét khối/ngày. Nước thải công nghiệp đến năm 2030 là trên 23.000 mét khối/ngày. Đối với khu vực kinh thành Huế, các khu phố cũ, các khu vực hiện đang sử dụng thoát nước chung, tiến tới chuyển đổi sang thoát nước riêng. Các khu vực đô thị mới, khu công nghiệp... xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng. Xây dựng trạm xử lý nước thải phía Bắc ở phường Hương Sơ, phía Nam ở khu đô thị An Vân Dương. Xây dựng mới các nhà máy xử lý nước thải cho từng đô thị, tại các khu công nghiệp. Tổng công suất các nhà máy xử lý nước thải đến năm 2020 là 142.200 mét khối/ngày, đến năm 2030 là 208.200 mét khối/ngày. Đưa tỷ lệ nước thải được xử lý ra môi trường đến năm 2020 là 76,2% và đến năm 2030 là 97,2%.

Về chất thải rắn. Dự kiến chất thải rắn được thu gom đến năm 2020 trên 107.000 tấn/năm và đến năm 2030 trên 144.000 tấn/năm. Chất thải rắn hiện nay chủ yếu là chôn lấp về lâu dài không ổn. Quy hoạch nêu rõ: Xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn tại các khu Hương Bình, Tứ Hạ, Bình Điền, Phú Sơn, Phú Xuân. Các nhà máy có công nghệ hiện đại, sử dụng các công nghệ tái chế, thân thiện môi trường, giảm tối đa lượng rác thải chôn lấp. Đến năm 2020 chất thải rắn được tái chế là 60%, đến năm 2030 là 90%.

Cũng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, thành phố sẽ phát triển hệ thống giao thông công cộng Bắc - Nam kết nối Hương Trà - Huế - Hương Thủy; tuyến Đông - Tây kết nối Thuận An - Huế - Bình Điền. Phát triển mạng lưới đường đi bộ và xe đạp trong khu vực đô thị hiện nay và các khu đô thị mới. Quy hoạch các khu phố còn công trình kiến trúc Pháp và khu vực phía Đông Kinh thành (đường Mai Thúc Loan...) thành khu vực công cộng.

Thực hiện theo đúng lộ trình này, tương lai Huế sẽ là một thành phố sạch, phát triển bền vững và là một thành phố đáng sống.

Ứng xử với quy hoạch

Để thành phố phát triển lành mạnh phải có ứng xử đúng đắn với quy hoạch, phải xem quy hoạch là khoa học, là pháp luật. Phát triển theo quy hoạch chính là góp phần tạo nguồn lực cho phát triển đô thị.

Trước hết, cần công bố rộng rãi quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đến cán bộ và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là trong khu vực điều chỉnh. Đồng thời ban hành quy định quản lý xây dựng theo đồ án. Đồ án liên quan đến nhiều địa phương, do vậy cần được thảo luận cũng như xây dựng các kế hoạch, giải pháp thực hiện ở các kỳ họp HĐND từ tỉnh đến các địa phương liên quan, tạo sự đồng thuận bảo đảm quy hoạch được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ.

Tiếp đó, cần lập và điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch các phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với đồ án. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, đất đai trong thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật.

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng quyết định đã gần 3 năm. Xây dựng quy hoạch đã khó nhưng để thực hiện nghiêm túc là điều không đơn giản. Quy hoạch đứng trước nhiều thách thức bởi vì thực hiện nó sẽ biến thành phố trở thành một đại công trường, gây nhiều xáo trộn lớn. Mặt khác, đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn (trong lúc ngân sách của địa phương là rất hạn hẹp), cần sự đầu tư của Trung ương và cả quốc tế; đồng thời phải khai thác tốt nhất nguồn lực do quy hoạch mang lại, khơi dậy sự sáng tạo trong dân.

Quy hoạch mở rộng thành phố chính là tương lai của Huế, cũng như Thừa Thiên Huế. Vượt qua những khó khăn, thách thức để thực hiện thành công quy hoạch chính là thước đo về năng lực, về khả năng quản lý trong việc đưa Huế xứng tầm là một đô thị sáng tạo văn hoá, một đô thị môi trường kiểu mẫu.

L.V.L  
(SHSDB23/12-2016)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng