VÕ TRIỀU SƠN
Voi đang ngày càng hiếm hoi, vậy mà ngày xưa, nó từng xuất hiện ở Huế hàng ngàn thớt voi trong kinh thành. Nhiều tư liệu xưa đã đề cập đến chuyện nuôi voi trên đất Cố đô xưa.
Cuốn “Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức Michel Đức Chaigneau” (Lê Đức Quang - Trần Đình Hằng Nxb. Thuận Hóa, 2016) đã ghi lại một số hồi ức của người đàn ông Pháp từng sinh ra lớn lên tại Huế ngày xưa ấy, trong đó có hình ảnh của voi. Ông cho biết, voi thuộc lực lượng quân bị của người An Nam. Thời Minh Mạng, lực lượng này lên đến 800 con, trong đó 130 con phục vụ ở Hoàng thành. Cứ một con voi thì có 4 người coi sóc, trong đó có những người phải lên núi hái lá cho voi ăn, không đủ thì phải ra vùng ven kinh thành để lấy thêm lá chuối. Ông kể lại chuyện voi bảo vệ một thằng bé con vị quản tượng: “Tôi không bao giờ quên một lần đi thăm trại nuôi voi ở Huế. Khi vào một khu chuồng thì thấy một chú voi bị cột dây, gần voi là một chú bé chập chững bước đi. Tôi muốn đến với đứa bé nhưng giật mình sửng sốt khi liền nghe một tiếng kêu như cằn nhằn, đồng thời lại nhận luôn vào mặt một cái phun nước từ vòi con vật…”. Cũng theo ông, “dù thịt voi rất dai, người An Nam cũng không chê một số bộ phận, khi có dịp thì sẵn sàng thưởng thức. Nhưng dịp để được ăn thịt voi thật là hiếm, chỉ lính tráng là có cơ hội. Tôi nhớ đã có lần nếm thử món làm từ bàn chân voi, mà tôi thấy cũng không tệ. Thực tế do hôm đó đói bụng ngon miệng nên khẩu vị của tôi trở nên dễ tính hơn”…
*
Ngày đông, tiết hàn đọc lại vài đoạn hồi ký “Lý lịch sự vụ” của Nguyễn Đức Xuyên, do nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh dịch và chú giải, thấy có nhắc nhiều chuyện thú vị liên quan đến việc nuôi voi công, từ việc cống voi, dùng voi trong các kỳ tế lễ cho đến việc người xưa nuôi voi sao rất chi công cần mẫn cán, mà quan điểm của vua trong việc nuôi voi công lại rất tăn măn tỉ mỉ vì dân.
Nguyễn Đức Xuyên là hậu duệ đời thứ XV dòng họ Nguyễn, khai canh làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Dòng họ ấy vốn có nhiều võ công dưới thời Lê trung hưng. Nguyễn Đức Xuyên vốn có sức khỏe, thiếu thời đã tinh thông võ nghệ, năm 1780 theo tòng quân với Nguyễn Ánh, được làm đội trưởng đội cấm binh bảo vệ chúa. Sau lập nhiều công trạng, được liên tục thăng chức, thường giao việc quản tượng, đến năm Gia Long thứ 7, được làm khâm sai Chưởng tượng quân lãnh tượng chính cai Tào vụ. Vua yêu đến mức “Xuyên có tính hào phóng, chi phí lại rộng, có lập ban tuồng gồm nam bộ, nữ bộ, cơ thiếp cũng xen trong nữ bộ. Vì của dùng không đủ, tâu xin với Thánh tổ cho lãnh bổng năm sau. Vua mệnh ban cho tiền 1000 quan, gạo 1000 phương, và dụ rằng như không đủ thì tâu với trẫm. Nhà nước đối với khanh không hề hà tiện”. Lúc mất, vua rất tiếc, dụ Bộ Lễ rằng: “Xuyên là người trung dũng, thuần phác, phò tá hoàng khảo là Thế tổ Cao hoàng đế dẹp yên họa hoạn, rồi đến thờ trẫm cung kính thành thực ra đạo làm tôi, không ngờ bị bệnh hơn tuần đã không dậy được. Ta nghĩ bậc kỳ cựu, nói đến thì nước mắt rơi. Tặng Đặc tiến Tráng võ tướng quân tả trụ quốc Thái phó, thụy Trung Dũng. Ban cho nhiều gấm đoạn sô sa, tiền, bãi triều 3 ngày. Sai quan dụ tế. Ngày đám tang cũng nghỉ triều 1 ngày, phái binh 1000, 10 thớt voi đưa tiễn...”.
Cuốn hồi ký biên niên “Lý lịch sự vụ” ra đời trong bối cảnh năm 1822, vua Minh Mạng cho các quan từng giữ trọng trách viết lý lịch sự vụ nạp tại Sử quán để làm tài liệu viết sử. Nguyễn Đức Xuyên đã viết hồi ký, bao quát các công việc liên quan đến công vụ trong suốt 43 năm. Trong đó, có nhiều tài liệu quý liên quan đến nuôi voi công.
Khá nhiều đoạn nhắc đến việc các nơi cống voi, nuôi voi dụng voi, hàng năm được sai hầu cờ mao tiết ra binh tượng mã..., ở đây chỉ xin trích những đoạn được xem là chính yếu. Ví như ngay sau khi thống nhất giang sơn, năm Gia Long thứ hai (1803), vua đã có lệnh: “Nước nhà mới định, các nha nhân mỗi tệ của giặc, thả cho bổn thuộc hiếp mua vật sản trong chợ, và chận các con đường hiểm yếu cướp đoạt của cải người đi đường. Nay nước nhà cũng chỉ có dân mà thôi, làm như thế thời nhân dân không ở yên được. Khanh nên lấy nội dinh từ chánh Vệ úy đến phó đội ngầm đến các chợ tại kinh thành xem xét, phàm tên nào giành giật mua hiếp vật sản trong chợ, và cướp bóc của cải người đi đường, thì bất luận nặng nhẹ, xét ra thực giải nạp lên, tức thì dùng chính pháp để chúng sợ hãi”... Lại ban thêm chỉ dụ liên quan đến việc nuôi voi: “Voi công tại kinh theo hầu cũng vậy, cùng voi công nuôi dưỡng tại các nơi cũng vậy, thời bổn tước đã đinh ninh nghiêm gia cấm tập. Chỉn e khi quân coi ấy cỡi đi ra ngoài vào vườn của dân đạp phá vật hạng của dân. Tất cả tệ đoan đó khó mà tố cáo, vậy phải truyền nên sức cho các xã thôn phường trong hạt biết rõ: Hệ tự hậu các quân voi mà cỡi voi đi lấy cỏ đến dân thôn nào... chúng nó cố lấy thế voi mà chiếm lấy từ một cây tre, bẻ từ một cây măng nhẫn lên, thời dân xã ấy cứ chận bắt trong đặng một thớt voi cho đặng một tên cùng đem nạp...”.
Năm Gia Long thứ sáu (1807), có việc kể về voi tham gia lễ tế Nam Giao: “Tháng 2 ngày 3, sai thần mặc địa triều phục hầu lễ phân hiến tại án thần Tuế nguyệt nhân đại lễ tế Nam Giao. Thần được đem 2 thớt voi ngự, mỗi thớt 10 viên quân, 8 thớt voi hầu, mỗi thớt 6 viên quân, voi xe 1 thớt, 10 viên quân, 10 thớt voi tiền đạo, mỗi thớt 5 viên quân, voi theo sau 10 thớt cũng thế. Mặt tả đàn 20 thớt, mặt sau 16 thớt. Lưu giữ trong hoàng thành 10 thớt. Quan quản tri 1 viên, quân theo voi 50 người. Cộng số voi 87 thớt để phụng hầu lễ Đại Tự như lệ thường...” .
Hay như ngày 17 tháng 5 năm Gia Long thứ chín (1810), cách đây vừa tròn 200 năm, có việc voi nuôi chết hàng loạt, Nguyễn Đức Xuyên tâu: “Ngày 17, thần vì việc voi công ở hai trấn Thanh Hoa, Nghệ An phần nhiều bạo tử, viên phân quản cho là thời dịch. Thần suy nghĩ kỹ cho rằng hai trấn đó thường có bọn đầu sỏ giặc xuất hiện mà e ngại voi công, nên ngờ bọn đó ngầm bỏ chất độc, việc người cũng nên đề phòng. Thần bèn có văn truyền nghiêm phòng xem kỹ cỏ voi ăn, đề phòng người ngoài vào ra nơi nuôi dưỡng của tàu tượng, từ đó voi chết gấp giảm đi. Thần bèn đem chuyện đó gửi văn thư ra Bắc thành và cho đến trấn Bình Hòa ở trong, để rõ việc mà dự phòng...”.
Năm Gia Long thứ 11 (1812), có những đoạn sau: “Ngày mồng 7 (tháng 5), gặp lễ ninh lăng đức Quốc Hiếu Ninh, hoàng thượng thân hành đưa tiễn. Ban chiếu cho thần coi sóc voi hầu, binh biền, thị vệ hầu đọa ngự. Phàm trước, sau, phải, trái, sai thị vệ, tượng binh phải mười phần kính cẩn”. Ngay cả việc chăm sóc voi vua cũng rất lưu tâm: “Ngày 16 (tháng 5), khâm chỉ chuẩn thần xem xét các vật dụng cần dùng cho voi và thuốc nam, thuốc bắc điều trị cho voi, cần dùng vị nào nhất nhất kê rõ dâng lên ngự lãm. Vâng chỉ chuẩn ban “Kim bửu” làm bằng mà sao lại truyền khắp dinh trấn, phàm có voi công lưu thú trong hạt thì quan sở tại và viên quản tượng cơ chiếu theo tâu để định lệ trong sổ bộ.”
“Tháng 3 ngày mồng 7 (Năm Gia Long thứ 12 (1813), sáu mường thuộc đạo Cam Lộ là Cha Bôn, Thượng Tô, Phá Băng, Xương Khâm, Trầm Bồn và Mường Vang dâng tuế cống 4 thớt voi đực”. “Ngày 19, vua và quan dân nước Cao Miên dâng nạp 88 thớt voi đực, voi cái tại thành Gia Định. Chuẩn cho thành trả bạc công 313 hốt. Voi hạng I cao 6 thước trở lên: 7 thớt, mỗi thớt 5 hốt bạc. Voi hạng II cao 5 thước 3 tấc trở lên: 43 thớt, mỗi thớt 4 hốt bạc... Chọn sai thị tượng nhị về tam đội Cai đội Loan Đức hầu Lê Văn Loan, tam vệ tam đội Cai đội Hán Thanh hầu Hồ Văn Đá coi sóc viên quân 3 vệ 1,2,3 cộng 33 người, đóng tại dinh Quảng Nam, 2 cơ Tiền, tả tượng từ đội trưởng đến quân 20 người, đóng tại trấn Bình Định, 2 cơ Định tượng, Kiên tượng từ đội trưởng đến quân 20 người, đóng tại trấn Bình Hòa, có cơ Bình tượng từ đội trưởng đến quân 31 người, cộng lại 140 người đến thành chờ phân bổ cỡi chăn số voi ấy”
“Ngày 27, thần vì voi công thuộc cơ Cường tượng đóng ở Nghệ An phần nhiều bị chết, xin bỏ ngạch Cương tượng cơ, đem bổ viên quân và voi công còn lại vào Dũng tượng trấn đóng tại Nghệ An. Được hoàng thượng chuẩn y tấu”.
Đến năm Minh mệnh thứ nhất (1820), “mùa hạ tháng tư ngày mồng 3, đốc trấn Thanh Hoa là Ngoạn Ngọc hầu Nguyễn Văn Ngoạn dâng biểu nói rằng vào tháng 2 ngày 12, theo các trang trưởng, xã trưởng, tổng trưởng trang Mỹ Quan, xã Na Cầu, tổng Đông Ngạn, huyện Tống Sơn báo có voi rừng phỏng chừng 34 thớt xâm phạm vào xứ Thung Tranh của 2 trang xã... Nguyễn Văn Ngoạn ủy sai cựu Thị nội Tín võ vệ thuộc nội vệ úy Tín Đức hầu dẫn 200 viên quân đem theo thuốc đạn đến nơi vây bắt, bắn chết 28 thớt voi đực cái, lấy được ngà voi 7 chi, nặng 5 yến 3 lạng, bắt sống một thớt voi đực nhỏ, 2 thớt voi cái nhỏ cao 2 thước 4 tấc đến 2 thước 8 tấc mà chưa biết ăn cỏ, cho chăn nuôi tại trấn...”.
Ngày 7 tháng tư năm đó, có việc liên quan đến lễ cúng ở Long Châu miếu (Điện Voi Ré) để cầu an cho voi công, việc đã thành lệ: “Do năm Quý Hợi, thần chiếu theo lệ tiền triều sắm sửa lễ cúng tại Long Châu miếu ở địa phương làng Nguyệt Biều, huyện Hương Trà, thường năm vào ngày tốt tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 11, dùng lễ vật 2 heo 2 cổ xôi, 1 long châu để tế. Đến năm Giáp Tý thần đem việc ấy tâu lên được ban chỉ chuẩn phát tiền công 300 quan để sắm đủ tế phẩm. Tháng 8 năm ấy, voi đực là đô đốc Bích bị thiên thời chết, kính vâng chỉ đình không lãnh tiền công nữa. Từ năm ấy đến nay, lệ tế hàng năm cách 1 năm, thần và nội quân các vệ, cơ tượng chia đóng góp tiền đủ lễ vật tam sinh, xôi, hào soạn dâng cúng chư thần linh và sắm sửa lễ tam sinh, xôi hào soạn thiết đàn truy kỵ âm hồn các quân binh nôi quân tử trận ở chiến trường hay bị bệnh chết ở nơi trấn đóng, cầu an cho voi công, đã thành thường lệ”...
Năm Minh Mệnh thứ hai, ngày 28 tháng giêng, vua chỉ dụ: “Phàm các voi công trấn đóng ở các thành, dinh trấn, từ rày về sau có bị thiên thời chết, thì y lệ rút lấy 2 ngà nạp vào kho công. Lại chiếu xét xác nào có công chinh chiến thì mai táng xác ấy. Như thớt nào chưa có công ấy thì mổ xẻ xác ấy lấy xương đùi cẳng mỗi chân 2 đoạn và hàm răng trên dưới 2 bộ lưu lại...”.
Lại có việc viên quản tượng phạm lỗi bị phát: “Nộn tài bá Ngô Văn Nộn ở đội 2 vệ 2 Thị tượng cỡi con voi đực tên Ve được chọn theo hầu Kiến An công, lúc đó công ở tại vườn xã Dương Xuân, đòi đem con voi đó đến, chợt gặp ngự giá đi xem dại trước hoàng thành. Ngô Văn Nộn cỡi voi ấy phạm tất, thần được chỉ chuẩn cho phạt Ngô Văn Nộn 100 roi, truất xuống cấp dưới, không được sung lại vào cỡi voi hầu”...
Những tư liệu kể trên phản ánh khá đầy đủ các việc liên quan đến voi công, đặc biệt là các chuyện thời sự voi tràn về phá thôn ấp, chuyện cơ cấu voi đi tế lễ đàn Nam Giao, chuyện tế lễ Điện Voi Ré... Nhưng cũng qua các chuyện về trách phạt Ngô Văn Nộn, chuyện chỉ dụ cấm lính tượng phá phách hoa màu của dân, cho thấy các vua triều Nguyễn vừa có ý thể hiện quyền uy, vừa có ý vì dân như thế nào...
V.T.S
(SHSDB23/12-2016)