Ai ra xứ Huế
Báo chí Huế đầu thế kỷ XX: TUẦN BÁO SÔNG HƯƠNG
10:45 | 20/06/2017

Kỉ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

THANH BIÊN (*)

Báo chí Huế đầu thế kỷ XX:  TUẦN BÁO SÔNG HƯƠNG
Báo Sông Hương Tục bản số 1, 19-6-1937. Chủ nhiệm Nguyễn Cửu Thạnh - Ảnh tư liệu của Hồ Vĩnh

1. Mở đầu

Trong bối cảnh đất nước giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Kinh đô Huế trở thành tâm điểm điển hình cho vấn đề giao lưu, tiếp xúc văn hóa và văn minh Việt - Pháp, được thể hiện rõ nét trên nhiều phương diện, đặc biệt là về tư tưởng.

Chính trong bối cảnh chính trị - xã hội chịu nhiều áp lực, thậm chí là xung đột, nhất là khi sức mạnh chính trị của triều đình Huế phần nào bị kiềm tỏa bởi sự hiện diện của chế độ bảo hộ Pháp quốc, thì bản lĩnh quốc gia và bản sắc dân tộc càng có nhu cầu và điều kiện để thể hiện. Xem xét vai trò của bộ Lễ trong giai đoạn này sẽ cho thấy rất rõ điều đó, và tất cả, là tiền đề cho cuộc chuyển mình trong vấn đề tư tưởng để canh tân xứ sở, từ những vấn đề then chốt nhất là văn hóa và giáo dục. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà ở Huế đã diễn ra nhiều hoạt động mạnh mẽ tiêu biểu cho xu hướng canh tân, trong đó đáng chú ý là trên phương diện báo chí, nổi bật với nhiều đại diện như Tiếng Dân, Thần Kinh tạp chí, Sông Hương tuần báo...

2. Vài nét về nhà trí thức Phan Khôi

Khi nói đến báo Sông Hương, nhiều người dễ dàng có sự liên tưởng đến tạp chí Sông Hương ở Huế ngày nay mà ít có người biết rằng từ đầu thế kỷ XX, cũng đã từng có một tuần báo Sông Hương nổi tiếng một thời. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Phan Khôi (6/10/1887 - 2017), người con xứ Quảng trên đất Huế, sáng lập tuần báo Sông Hương và đúng 80 năm tuần báo này bị đình bản (1937 - 2017), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đôi nét về Sông Hương tuần báo để góp thêm một góc nhìn về đời sống văn hóa tư tưởng ở Kinh đô Nam triều hồi đầu thế kỷ XX.

Qua hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, chúng tôi mong muốn được chuyển tải đến quý bạn đọc một số thông tin quan trọng về mục đích tôn chỉ, sự hình thành, quá trình hoạt động cũng như nguyên nhân tuần báo này bị đình bản, mặc dù chỉ mới tồn tại trong một thời gian không lâu.(**)

Nhờ môi trường chính trị tư tưởng của Kinh đô Huế nên đã hội tụ nhiều nhân tài cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng về đây hoạt động, để lại nhiều thành tựu nổi bật, như trường hợp báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng và tuần báo Sông Hương của Phan Khôi. Điểm chung nhất có thể nhận thấy ở đây là tính tiên phong, vai trò đầu tàu nổi bật, cả về tính chất khai mở lẫn tinh thần phản biện của hai nhà chí sỹ xứ Quảng Nam trong việc tạo nên nền tảng tri thức giáo dục văn hóa căn bản của xã hội trong bối cảnh Đông - Tây hội ngộ những năm đầu thế kỷ XX, ở ngay tại kinh đô Huế.

Phan Khôi sinh ngày 6/10/1887 tại làng Bảo An (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), trong một gia đình khoa hoạn, với lý lịch rỡ ràng khi có thân phụ là Phó bảng Phan Trần, từng đảm nhận Tri phủ Diên Khánh; là cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu... Nhờ đó, ông sớm được thừa hưởng nền giáo dục Hán học truyền thống và từng đỗ thú tài năm 18 tuổi. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là từ đây, ông đã sớm từ bỏ nền giáo dục khoa cử truyền thống để nhanh chóng bước qua lối tân học, tiếp cận với chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp cũng như văn minh phương Tây (tham gia phong trào duy tân, dám cắt tóc ngắn...).

Có lẽ vì vậy mà ông sớm ra Hà Nội tham gia Đông kinh nghĩa thục (1907), học tiếng Pháp, rồi tới Huế xin vào học trường Pellerin, mở lớp dạy học tại quê nhà. Sau đó, ông còn ra Hải Phòng làm cho Công ty vận tải đường thuỷ của Bạch Thái Bưởi, được Nguyễn Bá Trác giới thiệu lên Hà Nội viết bài cho Nam phong tạp chí của Phạm Quỳnh, lại vào Sài Gòn viết bài cho Lục tỉnh tân văn. Đến năm 1920, ông trở ra Hà Nội, viết cho tờ Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh tạp chí. Trong những năm 1928-1933, Phan Khôi sống tại Sài Gòn và tham gia viết bài trên Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn,..., để lại dấu ấn nổi bật với nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về học thuật, về chính trị, văn hóa. Năm 1933, ông ra Hà Nội và viết cho Thực nghiệp dân báo cùng tham gia nhiều sinh hoạt báo chí khác, nhất là về vấn đề giải phóng phụ nữ, vấn đề duy vật, duy tâm...

Cho đến năm 1935, Phan Khôi vào Huế làm chủ bút tờ Tràng An, sau đó đến đầu năm 1936, ông được phép đứng ra sáng lập để xuất bản tuần báo Sông Hương. Sông Hương duy trì được 37 số và về sau, do nhiều nguyên nhân, lại được chuyển giao cho nhóm của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.

Phụ lục 1: Quyết định số 3120 ngày 3/6/1936 của Toàn quyền Đông Dương cho phép xuất bản Sông Hương tuần báo
Phụ lục 2: Báo cáo mật, số 2154 ngày 1/7/1937 của Giám đốc Sở Cảnh sát Trung Kỳ gửi Khâm sứ Trung kỳ về tuần báo Sông Hương
Phụ lục 3. Quyết định đình bản tuần báo Sông Hương (số 1437 ngày 11/10/1937 của Toàn quyền Jules Brévier)


3. Tuần báo Sông Hương

Trong hồ sơ tuần báo Sông Hương, có cung cấp thêm một số thông tin về nhân vật chủ bút Phan Khôi. Tú tài Phan Khôi từng bị tòa án Quảng Ngãi kết án 3 năm lao động khổ sai theo bản án số 59 ngày 9/6/1908 do đã tham gia biểu tình, hơn nữa, ông cũng đã bị hủy bằng tú tài. Sau khi được đặc xá vào dịp Tết năm Tân Hợi (1911), ông mới tham gia biên tập cho nhiều tờ báo ở Nam kỳ và mãi đến năm 1923, mới được cấp lại bằng tú tài. Hồ sơ cho biết: “ông ta không còn quan tâm đến vấn đề chính trị nữa”.

Một thời gian sau, hồ sơ cũng cho biết ngay từ ngày thành lập (tháng 3/1935), Phan Khôi đảm trách vai trò chủ biên của tờ báo Tràng An tại Huế. Tuy nhiên, cho đến tháng 1/1936, ông không còn làm việc ở tờ báo này nữa bởi trong quá trình tác nghiệp, đã xảy ra những quan điểm bất đồng giữa hai vị chủ bút và giám đốc tờ báo Tràng An.

Đến ngày 06/3/1936, Phan Khôi có đơn gửi lên Toàn quyền Đông Dương để xin phép được xuất bản tuần báo bằng chữ Quốc ngữ, có tên là Sông Hương (La Rivière des parfums). Trong đơn gửi quan Toàn quyền, ông nêu rõ mục đích tôn chỉ của tuần báo là “viết về các vấn đề khoa học, nghệ thuật và văn học, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến chính trị Đông Dương và Trung Kỳ”.

Theo quy trình thẩm định, Sở Mật Thám Trung Kỳ cũng có văn bản đồng ý với yêu cầu sáng lập tuần báo Sông Hương của ông Phan Khôi. Hơn nữa, Bộ Lại của triều đình Huế cũng có công văn gửi Khâm sứ Trung kỳ với nội dung “không có ý kiến gì về việc quan Toàn quyền Đông Dương cho phép ông Phan Khôi sáng lập tờ báo Sông Hương với mục đích là một tuần báo viết về khoa học, nghệ thuật và văn học”. Sau đó, Khâm sứ Trung kỳ phải có công văn số 950s/a gửi Toàn quyền Đông Dương với nội dung đề nghị xét duyệt, cấp phép cho tuần báo theo quy định.

Ba tháng sau theo đơn đề nghị, Toàn quyền Đông Dương ban hành Quyết định số 3120 ngày 3/6/1936 cho phép nhà báo Phan Khôi xuất bản tại Huế tuần báo Sông Hương. Quyết định đó cũng chỉ ra rằng sự cho phép này đã đồng ý cho Phan Khôi theo đúng những điều kiện mà ông đã yêu cầu trong đơn đề nghị gửi Toàn quyền trước đó. Tờ báo có trụ sở tại số nhà 60 đường Jules Ferry - Huế (tức là đường Lê Lợi ngày nay) và tuần báo ra số đầu tiên vào ngày 01/8/1936. Tuy nhiên, tờ báo vận hành đến số 32 thì tạm ngừng xuất bản một thời gian.

Cho đến ngày 31/5/1937, vì lý do sức khỏe nên Phan Khôi đã giao quyền quản lý tờ báo Sông Hương cho ông Nguyễn Cửu Thạnh bằng một hợp đồng ký giữa các cá nhân mà không có thị thực của công chứng viên hợp pháp. Sông Hương tục bản nguyên là Sông Hương của Phan Khôi, vẫn để Phan Khôi đứng tên sáng lập viên nhằm giữ thế hợp pháp về hình thức, nhưng chủ nhiệm là Nguyễn Cửu Thạnh.

Sông Hương tục bản, số 1 ra ngày 19 tháng 6 năm 1937, khổ báo 40x32,5 cm và 49x42,5 cm, có 4 trang, giá mỗi số 2 xu. Sông Hương tục bản xuất bản số 14 vào ngày 14/10/1937 thì nhận được thông báo bị đình bản bởi quyết định số 4137 ngày 11/10/1937 của Toàn quyền Jules Brévier.

Phân tích thông tin có liên quan, mới thấy rõ sự tình phức tạp của tờ báo. Công văn mật số 1719 ngày 15/7/1937 của Lê Thanh Cảnh và Nguyễn Quốc Túy gửi Khâm sứ Trung Kỳ cho thấy nhiều nội dung quan trọng khi cho rằng ông Nguyễn Cửu Thạnh đã xuất hiện bất hợp pháp trong tờ báo Sông Hương bởi không có một quyết định nào của Toàn quyền Đông Dương cho phép ông ta sáng lập tờ báo. Văn bản còn nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rằng vào năm 1936, Toàn quyền Đông Dương đã cho phép ông Phan Khôi sáng lập tại Huế tờ báo Sông Hương, một cơ quan chuyên về văn học. Nhưng theo quy định hiện hành, chúng tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Cửu Thạnh đã thế chân ông Phan Khôi từ hai tháng nay như là Giám đốc quản lý tờ báo Sông Hương, một cơ quan chuyên về chính trị. Ông Nguyễn Cửu Thạnh đã tận dụng tình hình này để lôi kéo những người thợ không lành nghề (nhà báo không chuyên nghiệp) để làm theo ý mình. Chúng tôi báo cho ông biết rằng một trong số chúng tôi là ông Lê Thanh Cảnh đã đệ đơn khiếu nại ông Nguyễn Cửu Thạnh lên tòa án tỉnh Thừa Thiên vì tội vu khống và có lời lẽ lăng nhục”.

Chính vì vậy mà ông Nguyễn Cửu Thạnh phải có văn bản phúc đáp công văn số 702 ngày 6/7/1937 của quan Khâm sứ Trung kỳ. Những văn bản qua lại giữa hai bên như vậy cho thấy sự chuyển giao tờ báo Sông Hương không thay đổi quyết định cho phép của quan Toàn Quyền Đông Dương trước đó và không thay thế trách nhiệm đối với ông Phan Khôi. Ông Nguyễn Cửu Thạnh cho biết đã có bản hợp đồng ký kết giữa ông và ông Phan Khôi. Ông không có tham vọng thế chân để quản lý tờ báo này để chịu hoàn toàn trách nhiệm mà khi chuyển giao cơ quan này, ông Phan Khôi chỉ muốn ông Nguyễn Cửu Thạnh chia sẻ với nhau một phần trách nhiệm trên phương diện thương mại và pháp luật bởi ông Phan Khôi vẫn tiếp tục là Giám đốc chính thức. Cho nên, để tránh những điều phiền phức không hay xảy ra thì kể từ số báo thứ 5, Phan Khôi vẫn đứng tên chủ bút.

Chính trong công văn của Khâm sứ Trung Kỳ gửi ông Phan Khôi cho biết một số nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề này bởi đã có bản hợp đồng ngày 31/5/1937 về việc chuyển giao chức quản lý tờ báo Sông Hương từ ông Phan Khôi chuyển sang cho ông Nguyễn Cửu Thạnh (hợp đồng ký tư không có thị thực của công chứng viên hợp pháp). Văn bản cũng nhấn mạnh sự thỏa thuận giữa hai ông sẽ không làm thay đổi quyết định của Toàn quyền Đông Dương và ông Nguyễn Cửu Thạnh có vai trò là người quản lý tờ báo này. Cho nên, số báo đầu tiên của série mới sẽ xuất hiện tại Huế vào ngày 19/6/1937 và ban chủ nhiệm tờ báo được chuyển đến địa chỉ số 68 đường Jules Ferry.

Tuy nhiên, đằng sau tất cả nội tình đó vẫn là vấn đề an ninh chính trị được dẫn dắt xuyên suốt. Bởi căn cứ theo công văn số 2154 ngày 1/7/1937 của Giám đốc Sở Cảnh sát Trung Kỳ gửi Khâm sứ Trung kỳ thì Sở Mật Thám không thể đưa ra một ý kiến chính xác để quyết định liệu sự thay thế người quản lý được tiến hành giữa hai ông Phan Khôi và Nguyễn Cửu Thạnh không được sự chấp thuận trước của Chính quyền thì liệu việc xuất bản tờ báo có được tiến hành theo những thủ tục thông thường, và liệu có hợp pháp hay không? Không chỉ có vậy, “ông Nguyễn Cửu Thạnh đã giao du với nhóm cộng sản Nguyễn Khoa Văn. Sở Mật Thám đã báo hiệu một vài thay đổi kể từ khi chức quản lý được giao cho ông Nguyễn Cửu Thạnh”. Hơn nữa, giá của một tờ báo hạ xuống còn 0$02 mặc dù khủng hoảng kinh tế và giá cả trong cuộc sống tăng cao. Số báo ngày 19/6/1937 là số 1, đáng lẽ ra nó phải là số 33 của tờ Sông Hương. Trong các số báo cũ chỉ nêu tên Phan Khôi là Giám đốc - Quản lý, còn ở số báo mới thì lại có cả Giám đốc Phan Khôi và người quản lý Nguyễn Cửu Thạnh. “Chắc chắn tờ báo Sông Hương sẽ thay thế những tờ báo không còn tồn tại như là Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn và cho phép nhóm Hương Giang tiếp tục tuyên truyền cách mạng”.

Tình hình tờ báo ngày càng căng thẳng, phức tạp. Công văn số 3231 của Giám đốc sở Cảnh sát Trung kỳ gửi Khâm sứ Trung kỳ về việc ông ta đã gửi cho Khâm sứ bản sao công văn số 132 CA ngày 29/7/1937 và qua đó, Giám đốc Hội đồng khiếu nại và Kiểm soát hành chính đã được thiết lập để thu hồi giấy phép xuất bản đã được cấp cho ông Phan Khôi trước đây đối với tuần báo Sông Hương. Cho đến đỉnh điểm thì ngày 9/9/1937, Giám đốc Sở Cảnh sát và An ninh Trung kỳ đã có công văn số 243ss gửi Khâm sứ Trung Kỳ, có gửi kèm bản dịch 6 bài báo xuất hiện trong tờ Sông Hương, mặc dù quan Khâm sứ đã đưa ra những lời cảnh báo và tờ báo đã có những lời cam kết sẽ không đề cập đến vấn đề chính trị nữa nhưng những người lãnh đạo tờ báo này có vẻ xem thường chính quyền. Chính vì vậy mà để chính quyền “không phải mất mặt thêm một lần nữa thì điều cần thiết là phải trừng phạt và đề nghị thu hồi giấy phép xuất bản tuần báo này”.

Từ đó, Khâm sứ Trung Kỳ có công văn số 1079 ngày 2/10/1937 gửi đến Toàn quyền Đông Dương về việc thu hồi giấy phép xuất bản tờ Sông Hương tục bản. Chỉ 9 ngày sau, Toàn quyền Đông Dương có quyết định số 4137 ngày 11/10/1937 về việc thu hồi giấy phép xuất bản đối với ông Phan Khôi, chủ biên Sông Hương tuần báo kể từ ngày 14/10/1937.

Cho đến ngày 16/10/1937, Giám đốc Sở Cảnh sát Trung kỳ có công văn số 301 gửi Khâm sứ Trung kỳ cho biết văn phòng Cảnh sát Huế đã nhận được một bài báo số 14 của tờ Sông Hương tục bản cùng ngày. Nạp bản của số này đã được thực hiện tại Vinh vào chiều ngày 14/10, trong khi đó lệnh thu hồi giấy phép xuất bản được thông báo bằng quyết định số 4137 ngày 11/10/1937 của Toàn quyền Đông Dương đã được thông báo cùng ngày lúc 16 giờ 45 tại văn phòng báo Sông Hương. Hai ngày sau, 18/10/1937, Giám đốc Sở Cảnh sát Trung kỳ lại có công văn số 3034 gửi quan Khâm sứ Trung kỳ để cung cấp thêm nhiều thông tin mới về Nguyễn Cửu Thạnh, chủ biên tờ Sông Hương tục bản mà Toàn quyền Đông Dương đã thu hồi giấy phép xuất bản vào ngày 11/10/1937. Theo đó, ông Thạnh có ý định sẽ xuất bản một tờ báo mới thay thế cho tờ Sông Hương tục bản (có ý định tìm một đối tác có khả năng thành công trong việc xin phép xuất bản nhưng thủ tục hành chính rườm rà, và ông không muốn nhiệm vụ của nhóm Hương Giang bị gián đoạn, nhất là trong thời điểm chuẩn bị cho kỳ họp của Viện Dân Biểu Trung Kỳ). Vì vậy ông đã nghĩ đến việc áp dụng chiến thuật như đã áp dụng với tờ báo Sông Hương, là mua lại những tờ báo đang gặp khó khăn về tài chính như là Y Dân của Thanh Hóa hay Bắc Hà của Bắc Kỳ.

4. Vấn đề đặt ra

Đã 80 năm trôi qua kể từ khi tờ Sông Hương tục bản bị đình bản và câu chuyện đó đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau để lý giải nguyên nhân bị đình bản. Tuy nhiên, cũng từ hồ sơ lưu trữ này, có thể thấy được một nguyên nhân chính trị quan trọng có tính quyết định đến vấn đề này.

Qua nghiên cứu hồ sơ số 1660/ RSA, chúng tôi đã tìm thấy công văn số 2145 ngày 1/7/1937 của Giám đốc Sở Cảnh sát Trung kỳ gửi Khâm sứ Trung kỳ, với nội dung liên quan đến nguyên nhân Sông Hương tục bản bị đình bản. Qua đó thì ông Nguyễn Cửu Thạnh đã có quan hệ với nhóm cộng sản của Nguyễn Khoa Văn - chủ biên tờ báo Nhành Lúa và hoạt động của ông mang tính chất tuyên truyền cho nhóm này. Có những thay đổi bất thường xảy ra trong tờ Sông Hương tục bản, như giảm giá của mỗi tờ báo dù giá cả sinh hoạt ngày càng tăng; số báo ngày 19/6/1937 lẽ ra là số 33 của tờ Sông Hương thì lại là số 1 của Sông Hương tục bản; số báo trước đây chỉ đứng tên người sáng lập Phan Khôi, nhưng những số mới của Sông Hương tục bản lại để tên cả hai người, với Phan Khôi là người sáng lập và chủ nhiệm Nguyễn Cửu Thạnh. Rõ ràng Sông Hương tục bản đã thay thế các tạp chí không còn hoạt động như Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn của nhóm Nguyễn Khoa Văn và sẽ tiếp tục tuyên truyền đấu tranh cách mạng.

Mặc dù tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn nhưng Sông Hương hay Sông Hương tục bản đã để lại một dấu ấn khó phai trong lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Huế kinh kỳ nói riêng. Đi sâu phân tích nội dung lịch sử, văn hóa và khoa học của tờ báo này, sẽ thấy nhiều đóng góp quan trọng, cả trên phương diện tư liệu lẫn học thuật, tư tưởng. Đặc biệt đáng chú ý ở đây là giá trị chính trị tư tưởng của tờ báo bởi từ lúc đầu, chỉ hoạt động với mục đích kinh tế nhưng dần dần, đã có sự chuyển hóa, thu hút những người yêu nước lựa chọn để làm vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên mặt trận báo chí, tư tưởng, học thuật.

Sông Hương và trụ sở tờ Sông Hương luôn gắn liền với bối cảnh lịch sử, chính trị xã hội của vùng Kinh đô Huế trong thời kỳ giao lưu, tiếp xúc văn minh Pháp - Việt đầu thế kỷ XX; luôn gắn liền với cái nôi học thuật tư tưởng, báo chí Huế xưa nay, nhất là với tạp chí Sông Hương hiện nay. Vấn đề đặt ra là Huế cần có không gian lưu giữ, tái hiện lại những chất riêng đặc trưng đó, trong một bối cảnh tổng thể, sinh động, gắn liền với những vấn đề khoa học, tư tưởng và thời sự nổi bật một thời của cả quốc gia dân tộc trong Tiếng Dân của nhà chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng, Sông Hương của Phan Khôi v.v.

T.B
(SHSDB25/06-2017)  

----------------------
(*) Cử nhân, công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, số 2 Yết Kiêu, phường 5, thành phố Đà Lạt.
Xin chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp quý báu cho việc hoàn thành bài viết này của ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, và TS. Trần Đình Hằng - Phân Viện Trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.

(**) Hồ sơ số 1660, lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt). Xem thêm:
- Phan Thị Mỹ Khanh (2001), Nhớ cha tôi Phan Khôi (Hồi ký), Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng.

- Sông Hương (2009), Sông Hương: tuần báo ra ngày thứ bảy, H.: Nxb. Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.  





 

Các bài mới
Các bài đã đăng