Ai ra xứ Huế
Con đường Âm Hồn
14:57 | 12/01/2018

NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

Sau đêm binh biến Thất thủ Kinh đô, kinh thành Huế ngập chìm trong máu lửa, tiếng khóc than. Những dãy nhà gỗ, mái tranh chạy dọc hai bên đường Đông Ba đến giáp hoàng cung ngập chìm trong biển lửa. Bọn Tây tay súng, lưỡi lê hàng ngang tha hồ tàn sát quân dân ta.

Con đường Âm Hồn
Miếu Âm Hồn - Huế

“Máu đào nhuộm đỏ Hương Giang khóc!
Xương lạnh đắp tròn Ngự Bình đau!!!”


Không thể nào đếm xuể bao nhiêu người phải chít vội vành khăn tang cho những người thân trong tư thế chết đầy bi thảm, tức tưởi, đau đớn... thân xác lõa lồ, co quắp, thối rửa, bỏng sình...

Mãi đến gần 10 năm sau, năm 1894, những người phu lục lộ nạo vét những ao, mương, cống rãnh trong Đại Nội, họ phát hiện nhiều hài cốt bị vùi lấp còn vướng chút áo quần. Tin được cấp báo cho bộ Lễ. Với sự phản hồi nhanh chóng, hơn 40 thùng sắt tây (15cm x 20cm x cao 40cm) được chuyển đến. Xương tàn, cốt lạnh được thu gom và tập trung tại khu đất chừng trên 30m2 ở góc đường Đông Ba (Mai Thúc Loan) và đường Lục Bộ (Lê Thánh Tôn) chếch về hướng Tây Bắc. Phổ 23/5 được thành lập do những cư dân sống quanh đây, cùng với những người phu lục lộ lo việc tang chay, kinh kệ theo nghi lễ Phật giáo. Những thi hài này được đưa đi an táng tại nghĩa trang 49 & 62 đường Nguyễn Khoa Chiêm (ngã ba Bánh Bèo núi Ngự Bình) và những lần sau chôn tại cồn Mồ chùa Trà Am. Ba bệ thờ dã chiến được dựng lên bằng những viên gạch vồ trên là một tấm đá Thanh nguyên, màu nâu, quay mặt về hướng Đông. Đáng lẽ những hài cốt đều nằm ở đường Đông Ba, phải hướng mặt về hướng đó. Theo thuật phong thủy hướng Nam cung hỏa, không phù hợp cho người chết. Sau đó Phổ Âm Hồn 23/5 quyên góp xây một thảo am gồm 3 ngôi miếu; ở giữa lớn hơn để thờ những các quan binh, bên phải hương linh nữ, bên trái dành cho những người nam bị chết trong biến cố trên. Cũng từ đó con đường trước Âm Hồn được gọi là đường Âm Hồn, có chiều dài chứng 1.450m chạy thẳng từ thượng thành cửa Thượng Tứ đến giáp vuông góc với đường phân 2 hồ Tịnh Tâm (Lê Văn Hưu). Từ 1923 các đường đều có tên gọi, đường Âm Hồn vẫn giữ tên cũ. Từ năm 1957 đường Âm Hồn được đổi thành đường Nguyễn Hiệu. Sau năm 1975 đổi thành Lê Thánh Tôn cho đến bây giờ.


Đến nay, đường Âm Hồn không được dùng nhiều nhưng địa danh này vẫn được người dân xứ Huế nhắc đến mỗi khi cần tìm một địa chỉ nào đó trong nội thành. Con đường Âm Hồn không còn, nhưng ngã tư Âm Hồn luôn tồn tại (Ngã tư Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn) thu hẹp chừng vài trăm mét ngang dọc.

Khoảng không gian vật lý ngã tư Âm Hồn không thênh thang rộng lớn, nhưng cũng có nhiều chuyện để kể.

1. Miếu Âm Hồn. Nơi thờ các hương linh gồm quan quân, binh lính và đồng bào đã chết thảm. Am chính gồm 3 am thờ bên phải đường Mai Thúc Loan (4,5m x 4,5m), Am phụ (4,5m x 2m) thờ cạnh nhà dân. Sau năm 1975, chủ trương của Nhà nước bài trừ các loại văn hóa phản động, đồi trụy, tín ngưỡng văn hóa không rõ ràng, không có nguồn gốc... một số cơ sở tín ngưỡng dựng lên với mục đích kiếm lời, lường gạt người nhẹ dạ được phá bỏ. Miếu Âm Hồn ban đầu cũng nằm trong diện triệt phá. Những người làm nhiệm vụ phá bỏ khi đến miếu Âm Hồn đã ngần ngại vì cũng biết ít nhiều lai lịch chỗ này nên chưa vội ra tay. Phổ trưởng Âm Hồn - bác Lê Viết Bé tìm ba tôi (cụ Nghè Nguyễn Thượng Cửu). Ba tôi gặp chị Mai - Bí thư chi bộ Phường trình bày câu chuyện Miếu Âm Hồn. Bí thư Mai sau khi biết đây là nơi thờ tự những người dân vô tội, quan quân triều Nguyễn chống Pháp thất bại bị giết hại không được chôn cất, đề nghị ba tôi viết toàn bộ lai lịch miếu cũng như cung cấp thêm những chi tiết có liên quan để làm hồ sơ trình bày với Thành ủy. Ba tôi thực thi ngay, trong tờ trình có một chi tiết liên quan đến cụ Nguyễn Tất Thành khi đang theo học ở Huế có lần đã đến xem tế lễ Âm Hồn, nghe những mẫu chuyện về ngày quốc nạn. Ngoài ra ba tôi còn cung cấp 2 văn bản bằng tiếng Pháp có liên quan đến Bác Hồ. Sau lần đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh nhờ ba tôi giúp xây dựng mô hình trường Pháp Việt Đông Ba, Trường Quốc Học, vẽ lại ghi đầy đủ quy cách, kích thước nhà ở Dãy trại, bàn ghế 112 Mai Thúc Loan để họ phục dựng. Miếu Âm Hồn sau đó được giữ lại.

Năm 2015, miếu Âm Hồn được trùng tu khang trang sáng sủa, chỉn chu hơn, rất tiếc do không hiểu biết nên đã bị sai lệch nhiều: như thêm tên “Cổ miếu Âm Hồn”, các câu đối bị chỉnh sửa sai bản gốc và bị đảo lộn, bên trái vào giữa, vế nọ lộn vế kia. Ngay cả câu đối ở trụ ngoài bên trái cũng bị chỉnh sửa.

2. Nhà lưu niệm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh: số 112 (cũ) 158 Mai Thúc Loan. Năm 1895, cậu bé Nguyễn Tất Thành theo gia đình vào Huế sinh sống tại làng Dương Nổ. Về sau, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc làm “Thừa biện” bộ Lễ, được cấp ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan sống cùng các con. Trong thời gian ở Huế, cậu Thành đã nhiều lần đến xem tế lễ tại Âm Hồn, nghe chuyện kể về tội ác của giặc Pháp và những lời lẽ lên án quân Pháp trong bài văn tế càng làm tăng thêm lòng hận thù giặc Pháp, quyết tâm đi tìm đường cứu nước. Tại ngôi nhà 112 (158) Mai Thúc Loan trưng bày sắp đặt lại theo nếp cũ. Đặc biệt một số đồ dùng khác được người dân mến mộ Bác đã đem tặng.

3. Khách sạn Bao Báp (Nhà nghỉ 170 Mai Thúc Loan): Trước năm 1975, đây là một dãy nhà chữ U. Cây Bao Báp trước nhà có nguồn gốc từ châu Phi. “Nghệ sĩ ưu tú” Lê Cung Bắc (Lê Hữu Ty) ở phòng cuối của dãy hành lang bên phải. Lê Hữu Ty là em trai của thầy Lê Hữu Khải dạy môn kịch nghệ ở Đại học Văn khoa Huế 1970... Do trường Nguyễn Hoàng không có lớp đệ nhất C, nên Ty vào học lớp đệ nhất C ở trường Quốc Học. Trong thời gian là sinh viên Ty thành lập ban kịch Thụ Nhân, tham gia kịch truyền hình cùng Vũ Đức Duy, Vũ Huyến với những vở kịch của Nghiêm Xuân Hồng “Người viễn khách thứ 10”; “Những người không chịu chết” của Vũ Khắc Khoan và một số vở kịch khác, được đánh giá là một diễn viên tài năng. Năm 1975, anh tham gia đoàn kịch nói Bông Hồng. Năm 1982, anh chuyển từ sân khấu kịch sang sân khấu điện ảnh với trên 200 vai diễn và đạo diễn 80 phim truyền hình, 70 phim nhựa: Hãng phim Giải Phóng thử nghiệm Lê Cung Bắc qua bộ phim nhựa đầu tay “Trên cả hận thù”, “Ta tắm ao ta”, “Giọt lệ chưa khô”. Năm 1994 “Nhịp đập trái tim” được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải thưởng đạo diễn phim nhựa. Năm 1995 “Người đẹp Tây Đô”, “Không thể rẽ trái”, được trao Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. Phim “Dòng đời” 52 tập đạt 3 giải thưởng: Đạo diễn, quay phim và nữ diễn viên chính xuất sắc. Phim “Vó ngựa trời Nam” được nhiều giải thưởng liên hoan phim truyền hình năm 2010,...

4. Nhà số 121 Mai Thúc Loan có thương hiệu “Phấn Nụ”, nữ hướng dẫn viên du lịch chính là công chúa Lương Linh, em út của cựu hoàng Duy Tân và là người con thứ 19 của vua Thành Thái. Dân cư quanh đây thường gọi bà là Mệ Sen. Lần lượt vua cha rồi đến vua anh bị phế truất, cắt đứt lương bổng phụ cấp do Pháp trả, ngân khố hoàng triều chẳng còn gì để chu cấp cho các gia đình hoàng tộc. Bà rất rõ điều này nên khi còn trong Đại Nội cũng như khi bị quản thúc tại An Lăng, đã quyết tâm học tập. Nhờ chất giọng phát âm chuẩn, bà được Tòa khâm sứ bổ nhiệm làm nữ điện thoại viên, trực máy nghe và trả lời các cuộc gọi. Công việc này cũng gây cho bà nhiều tổn thương, đôi lúc chưa kịp phục vụ người gọi, hay trả lời chậm, không vừa ý khách thường bị gác máy, hay to tiếng... Một nhân viên có thẩm quyền ở Tòa khâm sứ cảm phục tấm lòng của 2 vua anh - cha, thân bà là công chúa đã chuyển bà về làm nữ thư tịch tại thư viện. Trong môi trường này, bà đã có dịp tiếp cận với những sách báo, tài liệu, văn bản... liên quan đến lịch sử đất nước, con người xứ Huế, nhất là những công trình, những di sản của Triều Nguyễn do tổ tiên bà tạo dựng vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Cứ mỗi lần có “thượng khách” từ “Mẫu quốc” đến thăm Huế, Tòa sứ đều nhờ bà làm hướng dẫn viên. Khi ứng xử với khách bà giữ một phong cách rất “Mệ”, trở thành một “nhà ngoại giao văn hóa” lúc nào không hay. Ngoài ra, bà còn là người phụ nữ Huế đầu tiên trong những năm 1960 lái ô tô dạo khắp phố phường Huế. Sau năm 1975, thương hiệu “Phấn nụ Mệ Sen” là một mặt hàng luôn luôn “cháy”, phải đặt cọc trước mới có. Bà mất sau năm 1988.

5. Góc đường Lê Thánh Tôn - Mai Thúc Loan hướng Tây Nam, bên phải miếu Âm Hồn là nơi dừng chân một thời của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, tác giả “Bông Hồng cài áo” dựa theo bài viết - một lời bộc bạch, một tiếng nấc của thầy Nhất Hạnh.

6. Tiếp tục lần ra cửa Đông Ba, cách nhà thầy Đàn vài căn hộ (người thầy dạy tiếng Pháp cho không biết bao thế hệ học sinh, sinh viên, người lớn ở Huế), tiệm sách cũ “Đèn Sách” chủ nhân là hậu duệ của một trong 12 danh tướng triều Nguyễn - Nguyễn Tri Phương.

7. Kế tiếp ngôi nhà 79 Mai Thúc Loan, ngôi nhà có gác gỗ trước năm 1945, bà ngoại tôi mở tiệm bán chiếu và đổi tiền chẵn thành tiền lẻ, đồng thành giác, xu, hào để nhiều người tiện lợi đi chợ hay buôn bán. Ông ngoại tôi là cụ Trần Bá Thái không tham gia quan trường như các bậc cha anh (cách vài nhà, phía đối diện ông chú là Thị lang Trần Văn Tư). Ông tuy chưa lão nhưng đã hưởng sự nhàn hạ, phong lưu. Một tay bà ngoại lo toan mọi việc. Họ Trần gốc ở Thái Bình, sau này theo Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào Châu Ô, Châu Rí lập nghiệp, nhiều người đời sau làm quan văn, võ: cụ Trần Bá Lộc - Võ Đốc Công Chánh Tạo Sứ; cụ Trần Bá Đắc - Cao Thọ Minh Nghĩa Đô Úy Võ Khố Đô Đốc; cụ Trần Bá Bửu, Quan viên tử - Đắc Tăng Trung Thuận Đại Phu Hàn Lâm Viện Thị Độc Đại học sĩ. Người cô của cụ là vợ của vua Hiệp Hòa bị bức tử Tam ban triều điển (dải lụa, thanh kiếm, rượu độc thuốc độc), do vua muốn loại trừ hai bậc phụ chánh chuyên quyền Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường bất thành.

Mẹ tôi, bà Trần Thị Bạch Lan năm nay đã 96 tuổi, lứa học sinh trường Đồng Khánh của những năm 1930, mẹ tôi đã nuôi dạy 12 anh em chúng tôi nên người. Mẹ tôi là chị cả con bà ngoại với cụ Trần Bá Thái. Người em gái kế tiếp mẹ tôi là bà Trần Thị Ngọc Trai, vợ của thầy Hoàng Văn Ngủ, thân mẫu của những đứa em tôi khá thành đạt, có chút tiếng tăm Hoàng Công Thức, Hoàng Thị Như Huy, Như Ý, Hoàng Văn Hiển. Người con trai kế bà là cậu tôi Trần Bá Khuê nay đã mất. Trong chiến dịch mùa xuân 1975, cậu là sư trưởng Sư 3 Sao Vàng chỉ huy cánh quân từ Bà Rịa - Vũng Tàu tiến chiếm Sài Gòn, sau đó là Tư lệnh Quân khu V, thay tướng Đoàn Khuê ra Trung ương...

8. Đối diện với nhà ông ngoại tôi cụ Trần Bá Thái là nhà của thầy Trần Đinh - cụ là người đã soạn sách giáo khoa lịch sử lớp nhất, lớp nhì vào những thập niên 1950 - 1970. Hầu hết tất cả học sinh các trường tiểu học ở Huế đều lấy sách lịch sử của cụ làm sách giáo khoa để học.

9. Gần miếu Âm Hồn, ngôi nhà cổ của cụ Thượng Trần Đình Ba, nay mở Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, là nhà sưu tập đồ cổ Trần Đình Sơn, anh đã đóng góp rất nhiều về lĩnh vực văn hóa không chỉ dừng lại ở thời Nguyễn mà còn nhiều lĩnh vực khác như đồ ngọc bôi, đồ đồng, các loại tượng Phật, Việt - Chăm - Miên - Thái; y phục áo, mão, vật dụng hoàng gia...

10. Ngay trước mặt miếu Âm Hồn là nhà của liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, đây là nhà thờ họ Đặng, lúc thiếu thời thân phụ Đặng Thùy Trâm đã sống ở đây.

11. Liên gia số nhà 96 - 98 - 1/100 - 1/100 Lê Thánh Tôn là khuôn viên của gia đình con cháu họ Hoàng, gốc Quảng Trị do thầy giáo Hoàng Văn Ngủ mua lại của người quen vào khoảng năm 1960, cùng với vợ là bà Trần Thị Ngọc Trai. Thầy giáo Hoàng Văn Ngủ, học sinh Quốc Học 1938 khi mới 16 tuổi với những kết quả tốt, đạt thứ hạng cao qua nhiều kỳ thi do Tòa khâm sứ cũng như Nam triều tổ chức. Năm 20, cụ đã được tuyển chọn làm thầy giáo dạy Pháp Văn - Quốc Văn. Ông làm thơ với bút danh Ngũ Xa Thơ (Năm xe thơ) và bút hiệu khác, có “Hồn quê” xuất bản 1952 .

- Hoàng Thị Như Huy sinh năm 1958, nữ sinh Đồng Khánh, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế 1976. Không thể ngờ chuyện ăn uống, bếp núc như một hấp lực, luôn tạo cho Như Huy những cảm giác thăng hoa diệu kỳ. Nếu không có Như Huy chắc đến bây giờ “Thực phổ bách thiên” của bà Trương Thị Bích vẫn còn ngủ yên trong tủ sách nào đó... Hoàng Thị Như Huy có nhiều công lao vực dậy, nâng tầm của ẩm thực Việt trên khắp mọi miền đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Như Huy đã được phong tặng nhiều danh hiệu: Huy chương ẩm thực Pháp và danh hiệu thành viên danh dự Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp (1998), là người phụ nữ Huế đầu tiên được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân dân gian…

- Cậu út Hoàng Văn Hiển xếp bút nghiên, thà làm một anh lính biên ải còn hơn làm một thư sinh mắt trắng suốt ngày với bút, mực, ấn chỉ văn phòng. Nay đã là một Tiến sĩ Sử học (người có học vị cao nhất của xóm Âm Hồn), cấp hàm Phó giáo sư, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Huế.

12. Lạc Viên: Năm 1908, ông nội tôi là Nguyễn Thượng Oánh - quan đương triều tại bộ Hộ, ở khu vực gần cửa Thượng Tứ - chùa Giác Hoàng mua thêm một khoảnh đất liền kề lập nên “Lạc Viên”, số 9 kiệt 5 đường Âm Hồn. Còn thửa đất ban đầu nhà có số 7 kiệt 5 đường Âm Hồn, sau này chính là “Tuyệt Tình Cốc”. Đây là nơi o tôi (chị của ba tôi) Nguyễn Thị Thanh sinh ra và lớn lên. Bà là mẹ của 4 chị em: Ngọc Lan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngọc Thương, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Ba tôi, ông Nghè Nguyễn Thượng Cửu ở nhà số 9.

Con đường kiệt trước nhà có tên là đường ông Tư Tộ (Tộ là tên hiệu của ông nội, Tư làm quan chức Tư Vu Hàm). Ông nội tôi thường hay viết đại tự cho các bức hoành phi, các câu đối, trướng liễn. Ông học rộng biết nhiều, nhất là chữ Hán thuộc loại siêu đẳng và quà của khách hàng là cân trà Tàu, cặp rượu gạo, con gà trống kiến... O tôi kết duyên với người cháu của cụ Hoàng Giáp Hoàng Hữu Bính (1889) là cụ Hoàng Phủ Dực, còn gọi là Ấm Dực (chúng tôi thường gọi là dượng Ấm, o Ấm). Đây là giòng họ khoa bảng ở làng Bích Khê, Quảng Trị. Khi làm thơ cụ lấy bút hiệu là Bích Hồ, sau này cụ làm ở ngành hỏa xa, trưởng ga An Cựu - Huế. O tôi, mẹ anh Tường, anh Phan... là một tay làm bánh ngọt có hạng nên được bà Đạm Phương - Hội trưởng Nữ công học hội mời cộng tác.

Lạc Viên khởi công năm 1943 đến năm 1944 hoàn thành. Năm 1943, khi chú Lưu Trọng Lư công tác tại mặt trận văn hóa khu IV (Quảng Bình - Quảng Trị) được nghỉ phép thường ghé về đây thăm người vợ là cô Mừng đang mang thai ở đây. Mẹ tôi sắp xếp cho hai ông bà ở phòng sau được ngăn bởi một tấm màn vải.

Rất nhiều lần khi chú Lưu về thường hay hẹn hò bạn bè văn nghệ, đàn hát, ngâm thơ, hát chèo uống rượu. Nhạc sĩ Phạm Duy có đến góp vui một vài lần. Nhạc sĩ Phạm Duy thường chọn con đường làm ngõ đi lối về Huế thăm chú Lưu, Ông nói: Đây là con đường thật sự của Huế, nó êm đềm đầy sức sống, quyến rũ với những bức tường xanh màu cổ độ, những ngôi nhà cổ thấp mái phủ rêu xanh, khuất sau những tàn cây xanh mướt hương thơm tự đâu lan tỏa ngát cả lối đi. Nhất là những cây bông gòn dọc bờ thành Tam Tòa chỉ còn trơ những trái khô treo lủng lẳng giữa lưng trời. Những cây bàng trĩu trái, chim chóc la lối, cải vả om sòm. Nhất là những hàng rào chè tàu màu lục thâm, tiểu trúc vàng xanh lẫn lộn, những khối dâm bụt (hoa cẩn) cái bụp, cái xòe như những hoa đăng được chủ nhân cắt tỉa cẩn thận, làm tăng thêm cái vẻ kín cổng cao tường. Những hình khối, mảng màu của cây, cỏ, hoa lá tạo nên một giai điệu trầm bổng du dương mà không lổn chổn.

Đã có một con đường Âm Hồn như thế.

Lạc Viên là một trong những cơ sở in lụa đầu tiên tại Huế vào những năm 1979 do một số anh em trong gia đình tham gia dưới sự hướng dẫn của thầy giáo họa sĩ Lê Văn Ba - Giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

13. Tuyệt Tình Cốc. Sau năm 1951, o tôi được sự đồng thuận của các bác cho dựng lại ngôi nhà tranh 3 gian hai chái. Khoảng năm 1966, gia đình anh Tường chuyển ra ở số nhà 37 Mai Thúc Loan. Ngôi nhà tranh, là nơi anh gặp gỡ bạn bè, anh Phan ôn tập bài thi (đang là sinh viên năm 3 Đại học Y Huế).

Tuyệt Tình Cốc lấy tên một địa danh trong tiểu thuyết Kim Dung. Nơi đây có giống hoa đẹp “Tình hoa”, có gai nhọn độc, ai vô tình khi hái không chú ý để gai đâm vào da thịt (điều kiện có), lại đang yêu (điều kiện đủ), thì chất độc phát tác nhanh lâm nguy đến tính mạng, triệt phế võ công. Khu vườn này chẳng có loại “Tình hoa” đó, nhưng thay vào đó là hoa dạ lý hương, vào mùa hoa nở, từ chạng vạng hoa chỉ có mùi thoang thoảng, nhưng sau 8 giờ tối mùi hương lan tỏa khắp vùng rất rộng, mùi nồng nặc. Cây sống khỏe, khi hoa nở các nhà chung quanh đều phải đóng kín cửa vì mùi thơm độc đó. Anh Tường bảo cu Điền chặt bỏ gần hết nhánh đem vất xuống hồ trước đường. Khu nhà vắng vẻ, yên lặng rất thích hợp cho việc gặp gỡ bằng hữu trí thức, bàn bạc kế sách chống lại sự độc tài của gia đình họ Ngô, chính quyền Thiệu - Kỳ - Khánh - Có - Trần Văn Hương, nhất là Mỹ.

Nhóm sinh viên của anh Phan thì sôi nổi, mạnh mẽ hơn, họ thích “ăn miếng trả miếng”, biện pháp mạnh: Tổ chức sinh viên - học sinh thăm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, đốt phá Phòng thông tin Hoa Kỳ, rải truyền đơn kể tội chính quyền Sài Gòn, tội ác đế quốc Mỹ; biểu tình, bãi khóa, lập đoàn sinh viên quyết tử, đêm không ngủ...

Ở hai chái dưới là phòng tranh của họa sĩ Đinh Cường, với sự sắp đặt, bày biện, anh Cường đã biến khoảng không gian tăm tối, nhếch nhác, xập xệ thành một nơi ấm cúng, sáng sủa, dễ chịu. Tại đây anh Cường bận rộn với bức chân dung Quách Thị Trang - người con gái đã kết thúc tuổi thanh xuân của mình với ngọn lửa bất diệt, phản đối chính quyền Sài Gòn.

“Việt Nam, Việt Nam” tên bìa của một tờ báo của lực lượng đấu tranh vì hòa bình Việt Nam, lên án chính quyền Sài Gòn, kể tội ác của đế quốc Mỹ và quân đội đồng minh. Hai chữ này được khắc trên một chiếc guốc mức đàn ông. Các anh đã biết sáng tạo, tìm những vật liệu có sẵn, ít tốn kém, đạt hiệu quả cao (khi bị bố ráp đã kịp thời vứt lên mái nhà sau).

Để in truyền đơn, các anh đã vận dụng tất cả sự hiểu biết, sự khéo tay, những vật liệu sẵn có dễ kiếm, nhất là dễ tiêu hủy khi gặp sự cố. Chỉ cần một khung gỗ cao 2cm hình chữ nhật vừa cỡ tờ giấy A4, khối bột trắng (có thể bột sắn, bột nếp, bột bình tinh) được nhồi theo cách nhồi bột sắn làm bánh bột lọc hơi khô. Bột được nén chặt vào khuôn gỗ và phải làm thế nào để bề mặt phẳng lỳ không gợn. Sau đó dùng loại mực để đóng khuôn dấu (tampon) màu đen, dùng ngòi bút muỗng hoặc dùng ngòi bút dẹp, bên dưới thân bút có một bầu nhỏ để chứa mực, mũi bút bẻ ngược, khi viết êm không làm xơ giấy, nét đều.

Bản mẫu được viết rất nhanh, đẹp, chính xác. Để tránh mực khô, trên bề mặt bột trước khi in có bôi đều một lớp dầu ăn, để tránh giấy dính chặt vào khuôn bột. Đặt mẫu ngược lên khuôn, dùng tay có vấn vải phẳng, vuốt nhẹ cho mẫu mực ăn vào bột, khi thấy đã đều lấy bản mẫu ra hủy ngay và những tờ giấy trắng khác tiếp tục đặt lên, vuốt đều, nhẹ lấy ra ta có một bản khác. Cứ thế chừng 100 bản là mực nhòe, dùng dao gạt bỏ mặt, đắp lớp bột khác vào, sẽ có những tờ in mẫu khác.

* “Hậu Tuyệt Tình Cốc”: Sau năm 1975, ngôi nhà tranh ba gian hai chái không ai ở. Khu vườn, nền nhà được trồng khoai sắn để cải thiện bữa ăn. Ba tôi làm giấy cho em tôi mảnh đất đó, miếng còn lại đã có người cháu ngày xưa chuyên kéo xe cho ông nội và ba tôi đi làm âm thầm cơi nới thêm, sau đó thành nhà của họ. Mãi gần 15 năm sau, hồ sơ giấy tờ về sở hữu “Tân tuyệt tình cốc” được ủy ban phường Thuận Lộc gởi giấy báo: hồ sơ hợp lệ, đóng chút thuế để nhận thẻ đỏ.

Trong khu nhà đó có vài người cũng nên kể đến: Nguyễn Thượng Hân (1954), với sự hỗ trợ của mấy anh em, trồng được các giống mai thế, xương rồng bát tiên, sứ đủ màu... Hân xây dựng ngôi nhà mới. “Hữu Tình Cốc” không còn là “Tuyệt Tình Cốc” nữa, rất hữu tình với khách mê hoa nhất là hoa hồng. Đến nay “Hậu Tuyệt tình cốc” là khu vườn đầy các loại hoa từ “Vương giả chi hoa”, đến “Tài tử chi hoa”, “quốc hoa các nước”, “tiên hoa”, trăm hoa đua nở trên Hữu tình cốc. Trước ngày xa Huế, chị Lâm Thị Mỹ Dạ đã đẩy xe lăn cùng anh Hoàng Phủ Ngọc Tường ngắm lại khu vườn xưa đầy ắp hoa lá quanh người.

Nguyễn Thượng Hải (1950), cùng với họa sĩ Kim Long, tập hợp một số họa sĩ amateur lập nhóm họa sĩ “Về Lại”, triển lãm trong các kỳ Festival Huế từ năm 2000 đến nay. Hải cũng cùng anh em văn nghệ sĩ (Tạp chí Sông Hương, Hội Âm nhạc Huế) tổ chức Gala Tinh Hoa - Sông Hương, tôn vinh Nhà xuất bản Tinh Hoa đã từng chắp cánh cho nền tân nhạc Việt Nam những ngày đầu. Hải cũng cùng một số anh em thân hữu Huế về lại ngôi nhà cũ anh Sơn cùng gia đình sinh sống trước 1975 mở lại “Gác Trịnh”...

Nguyễn Thượng Hỷ (1955), hoàn tất hồ sơ nhiều ngôi nhà, đình, miếu cổ. Năm 1995, Hỷ qua học tại Nhật với thầy Fumi Tanaka về “Trùng tu nhà cổ”. Về Việt Nam, Hỷ thực hiện việc trùng tu nhà cổ, làm các hồ sơ bảo tàng. Hỷ đã đo vẽ gần 400 nhà cổ suốt cả dải đất miền Trung (Ngũ Quảng). Hỷ cũng cùng kiến trúc sư Kazik băng rừng lội suối leo đèo vào đo vẽ phương án trùng tu tháp Mỹ Sơn.

14. Tiếp giáp hàng rào “Tuyệt tình cốc” là khu biệt thự của cụ Thương thư Bộ Lại Thái Văn Toản. Nhà vườn đã vô chủ hơn nửa thế kỷ qua. Rời khỏi kiệt 100 Lê Thánh Tôn, cụ Đông y sĩ Đoàn Ngọc Phách nguyên là Tổng thư ký Hội Y dược Việt Nam Trung Việt từ 1975 trở về trước. Cạnh nhà cụ Phách là gia đình cụ Hách - một thầy giáo dạy nhiều loại nhạc cụ dân tộc trống, kèn, đàn ở đoàn Ba Vũ cùng thời với cụ La Văn Cháu, Trần Kích...

Những cư dân sống quanh miếu Âm Hồn vẫn thường hương khói cho những hương linh được tôn thờ tại miếu Âm Hồn, như lời của hai câu đối trước trụ cổng (bên phải từ ngoài vào):

“Nhất nhật phong trần vô hạn cảm
Bách niên hương hỏa bất thăng bị”


Tạm dịch:

“Một ngày còn sống thương khôn xiết
Trăm năm hương khói nỗi đau dâng!”


Lạc Viên, Giáng Thu Đinh Dậu
N.T.H  
(SHSDB27/12-2017)



 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng