TRƯỜNG AN
“Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất trắng trời…”
Câu thơ cùa nhà thơ Tố Hữu ngày xưa lại vọng về vào mùa mưa năm nay ở Thừa Thiên Huế. Mưa liên miên hai tháng đến đá cũng chau mày. Rồi lụt. Mấy năm liền Huế không lụt, hoặc chỉ lụt nhỏ, đùng cái một tháng trước thời điểm “Ông tha mà bà chẳng tha/ Bà cho cái lụt hăm ba tháng mười” thì lụt lớn. Thông báo nước trên các sông thường trực vượt ngưỡng báo động hai, báo động ba liên tục được Ủy ban Phòng chống lụt bão tỉnh cập nhật. Cộng đồng Facebook chia sẻ thông tin, nhắc nhau cảnh giác ông thủy bà thủy. Nhiều người mất trắng tài sản giữa màn mưa trắng xóa mà những lồng cá trôi xuôi dòng nước bạc là hình ảnh để lại nhiều cảm thông nhất trong lòng người xứ Huế gần xa. Mưa ngớt, lũ lụt rút đi thì trời chuyển sang đông và không khí lạnh tràn ngập. Lạnh mười bốn mười lăm độ đe dọa thời khắc chuẩn bị xuống vụ đông xuân mới…
Nhưng rồi nắng cũng hoe vàng trên cõi thế. Cái nóng hừng hực “lò đốt” tham nhũng của Bộ Chính trị khiến lòng dân náo nức, tăng thêm niềm tin vào công cuộc đổi mới dựng xây đất nước, vào Chính phủ kiến tạo… Bởi đã từ bao giờ, nấm độc tham nhũng đã len lỏi bủa tràn khắp đó đây, khiến nền kinh tế gần như không vươn lên nổi.
Giữa những tia nắng hy vọng ấy, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh và bà con cử tri về những kết quả đạt được trong năm 2017 khiến người dân Huế an lòng. 12/13 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra: Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch (6.742/6.772 tỷ đồng), tỷ lệ hộ nghèo giảm 1.13% so với kế hoạch 1.1%; Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt kế hoạch 2.100 usd, giá trị xuất khẩu đạt mức 800 triệu usd, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 19.000 tỷ đồng, 16.000 lao động được tạo việc làm mới… Tổng sản phẩm xã hội toàn tỉnh năm 2017 ước đạt 30.253 tỷ đồng, tăng 7,76% so với năm 2016. Đây là mức tăng hợp lý trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn, và thuộc nhóm cao nhất so với các tỉnh khu vực miền Trung…
Thừa Thiên Huế đang ngày càng trở nên bền vững trong việc giữ cho mình môi trường trong lành với không gian xanh sạch, đẹp. Nhiều du khách đến Huế đã thốt lên: “Không đâu dùng nước máy lại có cảm giác sạch và ngon như Huế”. Quả không nói quá về chuyện này, mà cái sự “nước sạch và ngon” không chỉ thị dân Huế mới được sử dụng, gần như mọi người dân đều được dùng. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch lên đến 78% là con số minh chứng. Và rừng xanh, trong khi nhiều nơi gần như triệt phá các cánh rừng còn sót lại, Thừa Thiên Huế vẫn giữ được kế hoạch duy trì độ che phủ rừng 57%. Những người yêu thiên nhiên từ phương xa đến đã không giấu giếm sự ngạc nhiên trước những thảm rừng xanh của đại ngàn Bạch Mã, rừng nguyên sinh A Roàng, A Lưới… Không chỉ ở Bạch Mã, vào sâu rừng A Lưới bây giờ, tiếng chim đại ngàn lảnh lót xuyên qua các triền núi khiến người ta có quyền ngạc nhiên về sự ẩn mật của một vùng đất. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không đánh đổi môi trường cho sự phát triển nóng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Cao nhiều lần đã nêu thông điệp: “Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nhất quán là tuyệt đối không đánh đổi môi trường để lấy đầu tư, lấy phát triển kinh tế, gây ảnh hưởng đến nhân dân. Quan điểm này đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất và nghiêm túc triển khai xuyên suốt nhiều năm qua”. Vâng, Huế không cần phải vội vàng trong phát triển kinh tế để rồi trả giá đắt cho sự nóng lòng.
Mới vài năm trước, có ai nghĩ A Lưới sẽ phát triển du lịch, dịch vụ. Vậy mà bây giờ, nếp nghĩ trở thành cư dân của vùng đất du lịch đã bén vào tư duy của người dân. Sản phẩm núi rừng A Lưới giờ đã về cung ứng giữa lòng đô thị Huế, ở địa chỉ 98 Đặng Huy Trứ - Huế, với măng rừng, rau rớn, ba kích, thịt heo thịt bò gác bếp, mật ong… Những thứ mà trước đây dân Huế phải đặt mua từ Tây Nguyên, Tây Bắc thì giờ đã có thể chỉ cần chạy xe năm phút là có thể tầm về. Du lịch, dịch vụ đang trở thành tâm điểm phát triển kinh tế của toàn tỉnh, những sản phẩm du lịch mới đang dần định hình trong bản đồ tâm thức du khách.
Năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai, thực hiện quyết liệt chủ đề “Năm doanh nghiệp, năm kỷ cương, kỷ luật hành chính”. Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên đối thoại, trao đổi, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua nhiều diễn đàn như: “Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Cà phê doanh nhân”, “Trao đổi và tháo gỡ”… Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, hải quan, xây dựng… rút ngắn thời gian giải quyết, giảm hồ sơ, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến… Đặc biệt, môi trường đầu tư được cải thiện, nhà đầu tư được hỗ trợ từ khi nghiên cứu dự án đến khi dự án triển khai… Tỉnh đã cấp 64 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.648 tỷ đồng, gấp 1,7 lần về lượng, 1,4 lần về vốn. Trong đó có những dự án đặc biệt lớn như Tập đoàn Banyan Tree đã có kế hoạch mở rộng đầu tư dự án Laguna giai đoạn 2, nâng tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ usd. Trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện thêm nhiều tập đoàn kinh tế có thương hiệu quan tâm đến nghiên cứu xúc tiến đầu tư như Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), tập đoàn khách sạn hàng đầu Nhật Bản ROUTE INN, Công ty J.W (Hàn Quốc), tập đoàn Sunjin (Hàn Quốc), tập đoàn Phương Trang, Tôn Đông Á, Công ty Vinaconex…
Bên cạnh những thành tựu, những hạn chế lớn vẫn còn trong bức tranh kinh tế xã hội chung của tỉnh. Thứ nhất, mức độ tăng trưởng chung còn chậm, chưa xuất hiện những nhân tố có tính đột phá; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao; việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển xây dựng, chỉnh trang đô thị và phát triển sản xuất còn khó khăn… Thứ hai, một số cấp, ngành chưa thật sự xác định rõ công việc trọng tâm, trọng điểm; công tác cải cách hành chính còn nhiều bất cập… Thứ ba, mặc dầu xác định mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, trung tâm khoa học công nghệ của cả nước; nhưng sự kết hợp giữa các ngành của tỉnh với các đơn vị Trung ương trọng yếu về các lĩnh vực này còn rất yếu.
Năm 2018, tỉnh xác định các chương trình trọng điểm bao gồm: phát triển du lịch - dịch vụ và phát triển doanh nghiệp; phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, trọng tâm là hạ tầng giao thông; cải cách hành chính. Toàn tỉnh cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ hơn 90 dự án trọng điểm. Trong đó có khoảng 35 dự án khởi công mới, tiêu biểu như: Trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương, Nhà máy điện Mặt trời Phong Điền, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, Dự án cải tạo môi trường nước thanh phố Huế, mở rộng Ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, nhà máy sản xuất gỗ MDF, dự án Laguna, dự án khu phức hợp du lịch - dịch vụ Đăng Kim Long…
Trong các dự án đang triển khai này, việc thực hiện Dự án cải tạo môi trường nước thành phố Huế đã khiến đời sống thị dân Huế xáo trộn nhiều mặt. Gần như tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri, các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh và thành phố Huế đều có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề này. Tỉnh đang có những điều chỉnh, quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, tăng cường giám sát chất lượng thi công… Và người dân Huế cũng đã phần nào thông cảm cho tỉnh và thành phố khi nghĩ về tương lai đô thị, về cái lợi của dự án này mang lại sau khi hoàn thành.
Dự cảm về tương lai cũng khởi động từ những ý tưởng mới của lãnh đạo tỉnh. Ví như trong phát triển du lịch - dịch vụ, tỉnh xây dựng và phát động chương trình “Sản phẩm du lịch của năm”. Tỉnh đã xác định sản phẩm du lịch mới của tỉnh năm 2018 là tuyến đi bộ dọc sông Hương (đường Nguyễn Đình Chiểu) gắn với không gian bảo tàng dọc đường Lê Lợi. Hãy thử hình dung cảnh tượng du khách đến Huế, có những giờ phút thảnh thơi thả bộ dọc sông Hương êm đềm, rồi ghé vào chiêm ngắm các tác phẩm mỹ thuật của Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị, các họa sĩ lừng danh Huế trong Bảo tàng Mỹ thuật Huế đang dần định hình, họ sẽ nhận ra Huế thâm trầm, sâu lắng đến nhường nào… Một Huế sinh động về vẻ đẹp tri thức, phong phú nét tài hoa của nghệ thuật, bên cạnh giàu có vẻ đẹp thiên nhiên cảnh quan; đó là một Huế ắp đầy tính văn hóa - nhân văn thật sự mà mọi người có thể tìm thấy từ mỗi bước chân đi, mỗi mắt nhìn chạm đến cõi tiềm thức, mỗi cảm nhận trong những đáy mắt người và lá cỏ đang rung lên trong gió… Để hiểu hơn một câu thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử “Sao anh không về chơi thôn Vỹ”.
Và công chúng Huế chính là những người gìn giữ và làm phong phú vẻ đẹp tiềm ẩn đó.
T.A
(TCSH347/01-2018)