Ai ra xứ Huế
Doanh nghiệp Huế, những động lực phát triển
10:19 | 04/05/2018

VĨNH AN

Sự nhẹ nhàng của tính cách sẽ khiến doanh nghiệp (DN) Huế dễ gần gũi với khách hàng hơn; sự chu đáo trong cuộc sống khiến khách hàng có cảm giác được DN Huế quan tâm hơn; lòng yêu thiên nhiên và nếp sống hòa hợp với thiên nhiên sẽ khiến khách hàng yên tâm về sự phát triển xanh và bền vững hơn của DN Huế… Và đó chính là lợi thế của DN Huế, là đặc tính văn hóa nổi bật của DN Huế.

Doanh nghiệp Huế, những động lực phát triển
Một góc cầu đường bộ Hải Vân - Ảnh: wikimapia

“Năm doanh nghiệp” 2017 - dấu ấn chuyển động

Doanh nghiệp (DN) có vị trí đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm vùng đất. Những năm gần đây, hoạt động của DN Thừa Thiên Huế đã có bước phát triển mạnh, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế xã hội, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo... Năm 2017, Thừa Thiên Huế xác định là “Năm doanh nghiệp” với mục tiêu tạo một cú hích thật sự hoàn toàn mới, gắn với thời kỳ số hóa đã phủ khắp. Kết quả là Cổng dịch vụ trực tuyến được hình thành, 1200 tài khoản DN được cấp, thủ tục đăng ký kinh doanh nhanh và rút gọn, 100% đăng ký thành lập mới được tiến hành qua mạng… Số DN thành lập mới đến cuối năm 2017 là 700, với số vốn đăng ký trên 6.500 tỷ đồng.

Việc mở rộng quan hệ xúc tiến đầu tư đã tỏ ra có hiệu quả: có hơn 350 DN, tập đoàn quyết định thành lập mở chi nhánh tại tỉnh, trong đó có những tập đoàn lớn như EcoPark, Vingroup, BRG… Năm 2017 toàn tỉnh đã thu hút 70 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt tập đoàn Banyan Tree đã có kế hoạch mở rộng dự án Laguna (giai đoạn 2), nâng tổng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD…

Bên cạnh những thành công đó, DN của Thừa Thiên Huế có những đóng góp nhất định song cũng tồn tại những yếu kém và bất cập, đây cũng là tình trạng chung của DN Việt Nam: DN ngoài quốc doanh còn mang nặng tính hình thức, chạy theo số lượng, phát triển bề rộng, chưa quan tâm đến chất lượng và bề sâu; DN hoạt động thiếu tính ổn định bền vững và hiệu quả thấp, năng lực cạnh tranh không cao, mới thể hiện được trong một số ít ngành nghề như: dệt, may, da giày, sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ... Còn phần lớn sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa dịch vụ chưa đạt được sức cạnh tranh thắng thế ngay cả trên thị trường trong nước. Ðây chính là hậu quả của phát triển tràn lan, thiếu tính quy hoạch và không chú ý tới yếu tố kỹ thuật công nghệ và lợi thế kinh doanh, là nhân tố quan trọng quyết định trong cạnh tranh của DN; các yếu tố đồng bộ trong phát triển DN chưa được tính đến một cách vững chắc, nên khi bung ra, một số các điều kiện không được đáp ứng đầy đủ, DN trở nên đuối sức trước thị trường...

Thực tế cho thấy Thừa Thiên Huế chưa có nhiều DN có thương hiệu mạnh. Nhiều người vẫn cho rằng Huế không cần phải có nhiều nhà máy lớn, nên chú ý vào phát triển các DN nhỏ phục vụ cho du lịch - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp… Bởi một vùng như Huế, một doanh nghiệp nhỏ có thể được bắt đầu tại điểm xuất phát thuận lợi với một chi phí rất thấp. Doanh nghiệp nhỏ cũng phù hợp với tiếp thị internet. Thích ứng với thay đổi là lợi thế rất quan trọng trong kinh doanh và đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, không bị ràng buộc với bất kỳ tính chất quan liêu và quán tính nặng nề. Nó thường dễ dàng hơn để đáp ứng cho yêu cầu, đòi hỏi của thị trường một cách nhanh chóng.

Dĩ nhiên, đó cũng chỉ là ý kiến để tham khảo. Bởi Huế cũng cần có những khu công nghiệp lớn dành sản xuất sản phẩm công nghệ cao cấp; những khu du lịch phức hợp sinh thái lớn phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng, thưởng thức văn hóa ẩm thực, cảnh quan… đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao…

Tiền đề cho cú hích 2018

Năm 2017, mối quan hệ giữa cộng đồng DN với chính quyền Thừa Thiên Huế đã ngày càng được thắt chặt; môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng khởi sắc, kích thích các DN đầu tư mở rộng kinh doanh… Đầu năm nay, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018”. Quan điểm chung là tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch; tập trung nguồn lực, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về cả số lượng cũng như chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động; tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị...
 

Xưởng sản xuất tại Công ty CP Dệt may Huế - Ảnh: internet
Sản xuất phấn nụ truyền thống Huế - Ảnh: Huefestival.com

Kế hoạch nêu rõ mục tiêu của tỉnh là, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 15% so với năm 2017 và đạt khoảng 6.800 doanh nghiệp đang hoạt động vào cuối năm 2018. Lao động trong doanh nghiệp đạt hơn 100.000 người, tăng trên 5% so với năm 2017. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt 920 triệu USD, tăng 15% so với năm 2017. Tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp đạt trên 13.1 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2017. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng trên 15% so với năm 2017. Phát triển 3 - 5 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 1 - 3 doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ, nhà đầu tư…

Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu tập trung vào 6 nhóm giải pháp, trong đó đáng chú ý là các giải pháp về công tác tuyên truyền đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức; nhóm giải pháp về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; nhóm giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị cho khu vực kinh tế tư nhân… Một số giải pháp tỏ ra hết sức cụ thể và thực tế như: tăng cường các kênh tiếp nhận ý kiến DN, công khai danh sách DN được thanh tra và không quá 1 lần/ năm, hoàn thiện hệ thống thông tin DN và hộ kinh doanh, hỗ trợ DN trong quá trình tiếp cận nguồn vốn… Những giải pháp đó chính là những chính sách có tính chất tạo hành lang thông thoáng cho DN phát triển.

Cái điều cần, là DN Huế phải tự xây dựng cho mình vóc dáng văn hóa DN để phát triển bền vững.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Huế

Văn hóa doanh nghiệp có thể được hiểu là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp ấy và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích chung. Marvin Bower - Tổng giám đốc, McKinsey Co. đã nói ‘Văn hóa doanh nghiệp là tất cả các thành tố mà chúng ta đang thực hiện trong quá trình kinh doanh và di sản để lại cho thế hệ kế tiếp’.

Dẫn chứng về các DN sản xuất sản phẩm truyền thống Huế như mè xửng Huế, nem tré Huế, phấn nụ Huế, tôm chua Huế… là đã có sẵn căn nền của di sản văn hóa vùng đất. DN chỉ cần kế thừa và phát huy bằng chính nếp sống Huế mà họ được hun đúc từ khi sinh ra và lớn lên.

Trong bối cảnh đó, DN Thừa Thiên Huế rõ ràng có nhiều thuận lợi hơn để khởi nghiệp và phát triển, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ. Chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ của Huế có xu hướng thân mật với khách hàng, họ thường tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, qua đó tiếp nhận những tâm tư, tình cảm, nhu cầu, xu hướng của khách hàng để có những phản hồi, điều chỉnh kịp thời phù hợp với thị trường.

Sự nhẹ nhàng của tính cách sẽ khiến DN Huế dễ gần gũi với khách hàng hơn; sự chu đáo trong cuộc sống khiến khách hàng có cảm giác được DN Huế quan tâm hơn; lòng yêu thiên nhiên và nếp sống hòa hợp với thiên nhiên sẽ khiến khách hàng yên tâm về sự phát triển xanh và bền vững hơn của DN Huế. Và đó chính là lợi thế của DN Huế, là đặc tính văn hóa của DN Huế…

V.A
(SHSDB28/03-2018)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng