Ai ra xứ Huế
Ruộng tịch điền và vị vua khởi xướng dưới triều Nguyễn
09:31 | 30/05/2018

TRẦN ĐÌNH BA

1. Lược sử, ý nghĩa lệ cày ruộng tịch điền
Trước hết, chúng ta phải khẳng định một sự thật hiển nhiên rằng, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp lúa nước, hay nói như lời nhà Nho Phan Kế Bính (1875 - 1921) có đề cập trong Việt Nam phong tục, thì đó là một “Nông quốc”1, quốc gia lấy nông nghiệp làm gốc.

Ruộng tịch điền và vị vua khởi xướng dưới triều Nguyễn
Chuẩn bị cho lễ cày tịch điền (Nguồn http://tocphamtruong.com)

Nước Việt, trong suốt chiều dài lịch sử từ thời lập quốc cho đến thậm chí là trước đổi mới năm 1986, về cơ bản, là một quốc gia nông nghiệp. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, khi nói về  kinh tế nước Việt, đã luôn khẳng định rằng, không phải bất cứ một ngành nghề nào khác, mà chính nông nghiệp và chỉ có thể là nông nghiệp, mới là tài sản gốc quý giá nhất của dân Việt. Điều này, được ông chứng thực trong bài viết “Ruộng đất, cơ sở của tài sản An-nam” đăng trên báo L’ annam Nouveau số 80, 1931 và khẳng định “Cho nên chúng tôi hoàn toàn tin ở tương lai của xứ sở này, nơi đất bao giờ cũng nuôi người” 2. Vậy là với vị thế gần như độc tôn của mình, nông nghiệp luôn được các thể chế chính trị quan tâm.

Với vai trò quan trọng của nông nghiệp, các triều đại nối tiếp nhau trong lịch sử nước Việt đều luôn “Dĩ nông vi bản”. Còn riêng đối với người nông dân, tài sản vô giá của họ và gia đình, chính là sức kéo, đất đai. Nếu “con trâu là đầu cơ nghiệp”, thì ruộng đất chính là “tấc đất tấc vàng”. Nông nghiệp được xem là vấn đề kinh tế ảnh hưởng lớn lao đến sự thịnh vượng hay suy vong của các triều đại. Người nông dân chiếm số lượng đông đảo tuyệt đối trong xã hội, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chính trong nền kinh tế. Triều đại nào, vị vua nào có chính sách cho việc nông tang tốt, giúp dân no đủ, thì quốc thái dân an. Ngược lại, nếu để cho mùa màng bị thất bát, dân bị đói, thì nào là loạn lạc, dân phiêu tán, xã hội bất ổn. Bởi vậy, các triều đại không ngừng thể hiện sự quan tâm đến nền kinh tế cày bừa này.

Để khuyến khích nông nghiệp, mỗi một triều đại đều có những biện pháp giống hoặc khác nhau tùy mức độ tiếp cận cũng như hoàn cảnh thực tế để tạo điều kiện cho diện tích, năng suất canh tác không ngừng nâng cao. Nào là luật lệ bảo vệ sức kéo, trị tội trộm cắp, xẻ thịt trâu bò, nào là đặt chức quan Hà đê sứ, nào miễn giảm thuế mỗi khi mất mùa, nào chính sách hạn điền, hạn nô,… Ngoài những biện pháp thực tế tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cũng có những biện pháp mang tính khuyến khích về mặt tinh thần, tâm linh mang tính lễ nghi như thờ Thần Nông, tế Nam Giao, cày tịch điền3… Trong đó, biện pháp cày tịch điền được thực hiện tương đối sớm.

Về ruộng tịch điền, khi dịch Khâm định Việt sử thông giám cương mục ra quốc ngữ, các dịch giả đã chú thích rằng đó là “Thửa ruộng chính thiên tử tự cày lấy, hoa lợi sẽ dùng vào việc cúng tế” 4. Đây là một nghi lễ nông nghiệp có khởi nguyên từ Trung Hoa, mà vua Minh Mạng đã có ghi trong dụ của mình ngày 30 tháng 5 năm Mậu Tý (1828), có đoạn: “Từ Đường Ngu đến Chu [lễ này] rất phân minh đầy đủ. Từ Hán trở về sau, có nhiều việc làm trái với xưa, nhưng lễ này cũng không dám bỏ” 5. Trong Cổ sử tân thâm, nhà sử học người Trung Quốc Dương Khoan cho biết ruộng tịch điền là loại ruộng cày cấy, hoa lợi thu được từ loại ruộng này sẽ được dùng vào việc tế tự, hoặc còn dùng cả cho việc chẩn cấp cho dân nghèo hay tiếp khách. Và đây là loại ruộng tàn dư của thời công xã nguyên thủy6. Lễ cày tịch điền ở Trung Quốc nhằm ngày hội xuân, vua quan lần lượt xuống ruộng cày một vài đường đất nhằm khích lệ nông dân phát triển nông nghiệp. Sau khi đã làm lễ cúng Thần Nông, nhà vua đích thân xuống cày 3 luống.

Từ sự giao thoa văn hóa, phong tục, lệ cày tịch điền sau đó được vua Việt ứng dụng để khuyến khích nông nghiệp nước nhà với ý nghĩa thiết thực. Qua ghi chép còn để lại trong sử sách, thì vua Lê Đại Hành (980 - 1005) là vị vua đầu tiên đã “xuống đồng” để cày tịch điền. Các vị vua của những triều đại về sau nối tiếp thành một tục lệ khuyến nông tốt đẹp và duy trì đến thời nhà Nguyễn.

2. Cày tịch điền thời vua Minh Mạng

Vua Minh Mạng được đánh giá là một vị vua Nguyễn có nhiều chính sách canh nông ưu việt thời nhà Nguyễn. “Dĩ nông vi bản” gắn với vua Minh Mạng trong sự nghiệp xây dựng một nước Đại Nam hùng mạnh, chính trị ổn định, kinh tế phát triển, biên giới lãnh thổ được mở rộng. Đó là biểu hiện cao nhất của một quốc gia lấy nông nghiệp làm nền tảng kinh tế, cũng như cơ sở, động lực cho sự tồn tại của thể chế chính trị. Việc khuyến khích nghiệp nông tang tạo điều kiện cho diện tích, năng suất canh tác không ngừng nâng cao. Trong đó, biện pháp cày tịch điền được thực hiện tương đối sớm và đến thời Minh Mạng được tiếp tục phục dựng, duy trì, có tính điển lệ dưới triều Nguyễn sau nhiều năm chiến tranh đình trệ.

Là một vị vua anh minh, vua Minh Mạng tỏ rõ sự quan tâm của mình tới nghề gốc của dân. Vì thế việc khuyến khích nông nghiệp được vua chú ý, trong đó có lễ cày tịch điền. Vua Minh Mạng đã tỏ bày “Dân coi lương thực là trời, nên lễ cày tịch (cày ruộng tịch điền) không thể nào bỏ” 7. Sự hiểu biết của vua về lệ cày ruộng tịch điền không chỉ ở việc biết rằng nghi lễ ấy có nguồn gốc từ Trung nguyên, mà ở nước Việt ta, ngài còn cho hay, nghi lễ này được thực hiện từ thời Lê. Và ý nghĩa của lễ cày tịch điền, được vua chỉ rõ “Đời xưa vua cày ruộng tịch điền, để lấy gạo làm xôi tế Giao Miếu, nhân thể để xét thời tiết làm ruộng khuyên giúp nông dân, thực là việc lớn trong vương chính” 8.

Vua cũng tỏ bày rằng vua cha (chỉ vua Gia Long) sau khi việc binh đao xếp lại, vương triều được lập, cũng một lòng coi trọng nghề nông, tiếc rằng các quan bộ Lễ chưa hiểu rõ tấm lòng ấy, chưa khảo chứng lại được tục lệ xưa để khôi phục. Nói vậy, nhưng cũng phải đến năm thứ chín thời trị vì của mình, vua mới khôi phục lại được tục lệ khuyến nông tốt đẹp này. Ấy là vào mùa xuân tháng 2 năm Mậu Tý (1828), vua Minh Mạng đặt ra lễ cày ruộng tịch điền. Tuy lần đầu tiên làm lễ cày tịch điền, nhưng cách thức, nghi lễ cày tịch điền được vua Minh Mạng và triều thần thực hiện rất quy củ, cẩn trọng. Ruộng tịch điền ngay ở trong kinh thành Huế thuộc hai phường Hậu Sinh, An Trạch chứ không như các triều đại trước vua cày tịch điền ở các địa phương gần kinh thành. Nghi lễ thực hiện, được miêu tả trong Đại Nam thực lục Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.

Ban đầu là việc chuẩn bị lúa giống để gieo trồng nơi ruộng tịch điền, được thực hiện rất kỹ lưỡng, “chiểu tư cho các hạt chọn mua các hạng thóc nếp thơm, thóc trắng, có thể gieo trồng được, phải phân biệt hạng nào hết hạn cày cấy sớm hay muộn, phải nên ruộng sâu hoặc ruộng khô, đệ nộp lên tất cả”. Lúa giống được chọn theo từng địa phương có thế mạnh về giống lúa ấy, như “phủ Thừa Thiên, thóc thơm ở An Cựu, thóc nếp ở An Thuận; tỉnh Quảng Trị thóc Minh Xuân, thóc trắng mỗi hạng đều hai hộc; tỉnh Quảng Nam, thóc nếp thơm, thóc cánh mỗi thứ hai hộc; ở Bắc thành, thóc cánh, thóc nếp mỗi thứ ba hộc, đều giao cho phủ Thừa Thiên cất vào kho để đùng” 9.

Trâu bò cày ruộng tịch điền cũng phải đảm bảo sức kéo tốt, và việc này do phủ Thừa Thiên lĩnh nhận phần việc. Bò cày chọn hai con, một con chính, một con phụ. Trâu đen cày 12 con. Việc nuôi trâu, bò cày tịch điền được thực hiện với chuồng trại tắm nghỉ ở ngoài thành, phía hữu sau Kinh thành. Nhân lực để tham gia lễ cày tịch điền, cũng như chăm sóc ruộng này có 30 nông phu ở xã Phú Xuân, có cấp lương mỗi tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo.

Diện tích cày ruộng tịch điền, có quy chế cụ thể với 4 mẫu 4 sào 4 thước 4 tấc 9 phân. Trong đó dùng 2 mẫu 9 sào 12 thước 5 tấc 9 phân để cấy thóc nếp. 1 mẫu 4 sào 6 thước 9 tấc 2 phân dùng cấy thóc cánh. Các loại thóc giống được đưa về từ các địa phương được gieo trồng và đánh dấu để sau này thu hoạch, biết được giống nào cho hạt mẩy chọn làm thóc giống sang năm.

Để thực hiện lễ nghi trang nghiêm, thể hiện sự tôn kính với thần nông nghiệp, triều đình cũng quy định nơi làm ruộng tịch điền ở hai phường Hậu Sinh và An Trạch, thì bên tả dựng đài Quan Canh, đằng trước là ruộng tịch điền, đằng sau là điện thay áo, bên hữu là đàn Tiên Nông và đình Thần thương trữ thóc. Lại có cả sở Diễn canh (tập cày) ở phía bắc cung Khánh Ninh, có tên là vườn Vĩnh Trạch. Thời gian cày ruộng tịch điền hàng năm, được vua quy định là vào ngày tốt tháng 5. Vậy, cách thức cày tịch điền như thế nào?

Trước khi cày, phủ Thừa Thiên có nhiệm vụ cho nông dân cày bừa ruộng tịch điền trước cho đất mềm ra. Trước 5 ngày cày tịch điền, vua sẽ thân chinh ra vườn Vĩnh Trạch xem tập cày. Một ngày trước khi cày, quan phủ Thừa Thiên dâng 1 cái roi, 1 cái cày, 1 thùng thóc đặt lên án vàng ở thềm giữa điện Cần Chánh. Vua kiểm tra nông cụ. Ngày cày ruộng tịch điền, giờ Tỵ vua đến cung Khánh Ninh nghỉ. Giờ Tý cúng Tiên Nông. Giờ Mão vua tế đàn Tiên Nông. Việc ấy xong xuôi, vua thay trang phục mũ cửu long, áo hoàng bào, đai ngọc bằng mũ Đường cân cửu long, áo long bào chẽn tay, thắt đai ngọc rồi bắt đầu thực hiện việc cày ruộng tịch điền:

“Vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, kỳ lão và nông phu đều 2 người dắt trâu, thị vệ 2 người đỡ cày. Ca sinh hát bài “Hòa từ”, nhạc sinh múa cờ màu; nhã nhạc cử nhạc. Phủ Thừa Thiên bưng thúng thóc đi theo. Hoàng tử cùng quan Hộ bộ đều cử một người theo sau vãi thóc. Vua cày 3 đường đi 3 đường lại xong, ngự lên đài Quan Canh”10. Sau đó, tới lượt các hoàng tử, rồi các quan văn võ tiếp lượt cày theo số đường cày khác nhau. Hoàng tử, thần công thì cày 5 đường đi 5 đường lại, văn võ đại thần cày 9 đường đi 9 đường lại. Các thuộc lại kinh huyện đi theo sau bưng thùng thóc vãi lúa.

Hoạt động cày ruộng tịch điền, thể hiện nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Thóc thu được từ ruộng này, dùng làm xôi cúng tổ tiên, đó chính là lòng kính nhớ tới công ơn của tiền nhân. Ý nghĩa rộng lớn hơn nữa, thể hiện sự quan tâm của vua đối với sự vất vả một nắng hai sương của nhà nông, cũng như thể hiện sự coi trọng hoạt động kinh tế nông nghiệp lúa nước. Qua nghi lễ cày ruộng tịch điền của vua Minh Mạng, ta còn thấy được những điều đáng lưu ý. Trước đây, chẳng hạn như thời Lý - Trần, ruộng tịch điền được triều đình sử dụng ngay những khu ruộng công như Đọi Sơn, Tín Hương, Ứng Phong,… và sau khi làm lễ xong thì giao cho dân địa phương cày cấy11. Nhưng vua Minh Mạng lại khác. Nhà nước đã sử dụng riêng một phần diện tích ruộng đất làm ruộng tịch điền, tính chất linh thiêng của loại ruộng này rõ ràng thể hiện rõ hơn. Ruộng lại được phân ra các phần trồng lúa nếp, lúa tẻ có hơn kém khác nhau, quy chế cụ thể.

Trước khi vua cày ruộng tịch điền, thì mảnh ruộng đó đã được “chăm sóc” kỹ càng để cho đất mềm, nhuyễn. Giống đã được chọn và tích trữ trước đó trong kho. Thời Lý - Trần, theo GS. Trương Hữu Quýnh, nông dân cày ruộng tịch điền theo nghĩa vụ lao dịch thì vua Minh Mạng đã có quy chế lấy số lượng nông phu thạo nghề nhất định để cày cấy, chăm sóc mảnh ruộng đó, có lương bằng tiền, gạo. Suy xét, ta thấy tính chuyên nghiệp ở thời vua Minh Mạng trong cày tịch điền đã nâng cao so với trước.

Lại nói về lễ cày tịch điền ở trên. Sau khi làm lễ cày ruộng tịch điền một thời gian, ngày 30 tháng 5 năm Mậu Tý (1828), vua dù chỉ mới đẩy cày ba đường, nhưng đã phần nào trải nghiệm sự vất vả của nhà nông, nên đã ban dụ cho các quan truyền lệnh “gia ân miễn giảm ba phần mười số thuế thóc gạo năm Minh Mệnh 10, để tỏ rõ lòng trẫm suy nghĩ đến mọi việc”12. Qua cày ruộng tịch điền, vua không chỉ nhắn nhủ cho muôn dân thấy sự quan tâm của đấng kim thượng với hoạt động nông tang, mà còn nhắc nhở đội ngũ quan viên thay mặt triều đình chăm dân, phải hết lòng hết sức mà khuyến khích nghề nông, nên trong lời tổng kết dụ ở trên, vua ghi rõ “Từ nay về sau, người có trách nhiệm với dân phải hiểu được ý của trẫm khuyến khích việc nông tang, làm cho dân đủ ăn đủ mặc, vui vẻ ấm no, để an ủi tấm lòng coi trọng nghề nông, tôn sùng đạo gốc của trẫm”13.

Ngoài việc vua đích thân xuống đồng cày, thì sau đó năm Nhâm Thìn (1832) ngài cũng định lệ cày ruộng tịch điền kể từ năm Quý Tỵ (1833) cho các địa phương với những quy cách, thể lệ rất chi tiết. Tỉ như đất cày tịch điền ở phía ngoài thành của tỉnh hay trấn, đặt làm 3 mẫu tịch điền, lấy dân sở tại 15 người, sung làm nông phu tịch điền và giữ đàn sở, trừ miễn lao dịch. Lại dự bị một con trâu đen để cày ruộng tịch điền và 2 con trâu đen để làm trọn khu ruộng ấy. Đồ cày ruộng và thóc nếp đều có đủ. Mỗi năm trên bộ báo cho biết ngày cày tịch điền thì các viên Tổng đốc, Tuần phủ hay trấn quan đem các văn võ thuộc hạt, mặc triều phục, tới đàn Tiên nông làm lễ. Trang phục cày tịch điền là mũ văn công, áo bào hàng màu, hẹp tay, thắt dây lưng, vận quần ngắn đi giày và bí tất. Quy cách cày là cầm cày, 2 người kỳ lão dắt trâu, 2 người nông phu đỡ cày; thông phán, kinh lịch bưng hòm, một người gieo thóc. Cày 9 luống lại; khi xong, lại đổi mặc triều phục làm lễ ở vọng khuyết 5 lạy. Lễ xong, thì nông phu cày trọn khu ruộng ấy. Sau khi cày, gieo hạt, chăm sóc thì lúa thu được ở ruộng ấy để làm xôi cúng tế14. Đến thời vua Tự Đức nghi lễ cày ruộng tịch điền có những thay đổi nhất định. Chẳng hạn như năm Giáp Dần (1854), xem xét việc có thể mệnh quan (quan Kinh doãn) đi cày thay, hoặc năm Ất Mão (1855) quyết định sau lễ Cung canh (vua tự cày) thì không ban thưởng các loại the (vải) cho các quan trông coi việc để giảm chi phí15… Hay vào năm Mậu Dần (1878), diện tích ruộng tịch điền ở các địa phương được tăng thêm so với trước để có thể tự cung ứng lúa gạo tịch điền, không phải mua ngoài nhân gian mà lại đảm bảo ý nghĩa16.

Vậy là lệ cày ruộng tịch điền được các triều vua trải qua thời gian dài tiếp nối, duy trì như một tục lệ tốt đẹp, thể hiện sự tôn vinh nền nông nghiệp lúa nước, coi trọng nghề nông. Riêng ở thời Nguyễn, vua Minh Mạng trở thành vị vua tiên phong khôi phục lại tục lệ tốt đẹp ấy, cũng như ban hành những quy định mang tính quy củ để đời sau noi theo, thể hiện sự trân trọng của nhà nước đối với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, một trong những cơ sở tồn tại của chế độ phong kiến Trung ương tập quyền ở nước Nam ta.

T.Đ.B
(TCSH351/05-2018)


--------------------------
1. Phan Kế Bính (1970), Việt Nam phong tục, Phong trào văn hóa xuất bản, Sài Gòn, tr. 253.
2. N.V.V, “Ruộng đất, cơ sở của tài sản An-nam”, L’annam Nouveau số 80, 1931. Xem Nguyễn Văn Vĩnh (2013), Lời người man di hiện đại: Phong tục và thiết chế của người An Nam, Nxb. Tri thức, Hà Nội, tr. 186. Bài viết trên được dịch ra tiếng Việt bởi Dương Tường.
3. Pierre Huard, Maurice Durand (1993), Hiểu biết về Việt Nam (Connaissance du Vietnam), Nxb.  Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 186 - 187.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb. Giáo  dục, Hà Nội, tr. 243.
5. Minh Mệnh (2000), Ngự chế văn (Dụ văn), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện  Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, tr. 270.
6. Xem Trương Hữu Quýnh (1982), Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI - XVIII, tập I: Thế kỷ XI -  XV, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 73.
7. Minh Mệnh, Ngự chế văn (Dụ văn), Sđd, tr. 270.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập Hai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 712.
9. Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập III, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 109.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Hai, Sđd, tr. 713.
11. Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI - XVIII, tập I: Thế kỷ XI - XV, Sđd, tr. 73 - 74.
12. Minh Mệnh, Ngự chế văn (Dụ văn), Sđd, tr. 270.
13. Minh Mệnh, Ngự chế văn (Dụ văn), Sđd, tr. 270.   
14. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Ba, Sđd, tr. 278.  
15. Quốc sử quán triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, tập 4, Nxb. Giáo  dục, Hà Nội, tr. 187 - 188.
16. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Tám, Sđd, tr. 273.   






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng