Ai ra xứ Huế
Giác Vương Nội Viện thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu ở đâu?
14:43 | 27/07/2018

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Đồi Dương Xuân ở nam sông Kim Trà (sông Hương) từng có phủ Dương Xuân là mặc định nhưng vì đồi lại lớn rộng, có nhiều phần nhấp nhô theo phương thẳng đứng, uốn éo theo bình đồ nên đồi có nhiều gò, cồn. 

Giác Vương Nội Viện thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu ở đâu?
Ảnh chụp vệ tinh vùng “Gò Dương Hóa - xứ Bàu Vá” - (TVĐ ghi chú).

Vì thế những giả thuyết về vị trí phủ Dương Xuân cũ ở trên gò, cồn nào thuộc đồi Dương Xuân là loại trừ nhau, dẫn đến  tranh luận kéo dài.  Tạm dùng thuật ngữ  “gò Bình An - cồn Bông Sứ” thuộc đồi Dương Xuân để chỉ cuộc đất có phủ Dương Xuân - tiền thân cung điện Đan Dương - sơn lăng vua Quang Trung (giả thuyết của ông Nguyễn Đắc Xuân, 2007) và thuật ngữ “gò Dương Hóa - xứ Bàu Vá” thuộc đồi Dương Xuân có phủ Dương Xuân cũ - tiền thân đền Vũ Sư - đình Dương Xuân Hạ (giả thuyết của ông Trần Viết Điền, 2007). Trong khuôn viên phủ Dương Xuân cũ có ao, do cơ Tả Thủy đào, bắt gặp ấn đồng “Trấn lỗ tướng quân chi ấn” nên phủ Dương Xuân cũ có khi gọi là Phủ Ấn 1. Rõ ràng trong thư tịch cổ từng có chép về Phủ Sau (後府 (Hậu Phủ)) thì ắt hẳn phải có Phủ Trước hay Phủ Tiên (先府 (Tiên Phủ)). Hậu (北) và Tiên (先) ở đây chỉ thời gian nên Phủ Tiên là phủ được xây dựng trước và Phủ Sau là phủ được xây dựng sau. Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Bính Tý, năm thứ 5 [1696]. Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 1, có nhật thực. Tháng 3, dựng trường pháo ở Phủ Sau…”2. Ngoài ra, phủ Dương Xuân cũ có khi còn gọi là phủ Thợ Đúc, do phủ ở gần nơi cư ngụ của những cư dân làm nghề đúc đồng và nơi ở của họ gọi là Phường Đúc.

Một công trình khác thuộc phủ chúa ấy là Giác Vương Nội Viện (xin viết tắt GVNV), lạc thành năm 1695, nơi chúa Nguyễn Phúc Chu và hoàng gia, đa phần là Phật tử, làm Phật sự thường xuyên. Xác định được GVNV sẽ góp phần giải quyết vấn đề nơi tọa lạc phủ Dương Xuân cũ.

Thế thì Giác Vương Nội Viện ở đâu trong quần thể vương phủ Dương Xuân thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu hoặc ở đâu trong vương phủ Phú Xuân?

1/ Giả thuyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về Giác Vương Nội Viện

Trong sách Thiền Lâm ngôi chùa lịch sử Thiền viện lớn nhất xứ Đàng Trong, (Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2017), tác giả Nguyễn Đắc Xuân, đã đề cập một Phật viện có tên Giác Vương Nội Viện.

Tác giả viết: “Phật viện có tên “Giác Vương Nội Viện” nằm trong vương cung tức trong phủ Dương Xuân, lạc thành vào ngày trước lễ Phật Đản năm 1695. Số phận của “Giác Vương Nội Viện” gắn liền với sự hiện hữu của phủ Dương Xuân”3. Phật viện này bị xóa sổ trước khi Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân, tác giả Nguyễn Đắc Xuân viết: “Mùa đông năm 1801, Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân quật phá Cung điện/lăng Đan Dương, lấy hài cốt vua Quang Trung giã nhỏ, bắn vào không trung, đầu lâu bỏ vào một cái vò giam vào Ngục thất. Toàn bộ kiến trúc Cung điện Đan Dương, tức phủ Dương Xuân cũ bị đập phá chôn sâu xuống đất. Khu vực Cung điện Đan Dương bỏ hoang phế, cấm dân chúng đến ở…”4. Tác giả cho rằng vua Gia Long đã cố tình che giấu toàn bộ phủ Dương Xuân nhưng tác giả lại cho biết công chúa Ngọc Ngôn, con vua Gia Long, đến “cấm địa” để trùng tu Giác Vương Nội Viện, một cấu kiện của phủ Dương Xuân: “Phật viện ra đời năm 1695 bị phá hủy chôn vùi vào năm 1801 (đầu triều Gia Long), Thái trưởng Công chúa Ngọc Ngôn trùng tu chùa Huệ Lâm vào thời Minh Mạng. Không thể biết chùa Huệ Lâm xây dựng năm nào và do ai khai sơn nhưng chắc chắn nếu có thì phải xây dựng từ năm 1801. Điều này không thể xảy ra. Vì từ sau năm 1801 khu vực này bị cấm hoàn toàn, cho nên theo tôi, Trưởng Công chúa Ngọc Ngôn trùng tu Phật viện (Giác Vương Nội Viện) ra đời vào thời Nguyễn Phúc Chu (1695) và đặt tên cho Phật viện cũ vừa được trùng tu là chùa Tuệ Lâm.”5.

Trong hai trang viết cho thấy tác giả sách đã viết sai về sự kiện vua Gia Long “trị tội” vua Quang Trung. Thật vậy, từ tháng 5, Tân Dậu [1801], Nguyễn vương Phúc Ánh tái chiếm Phú Xuân, sớm quật mộ vợ chồng vua Quang Trung, bổ quan tài, nhận diện “thi thể” (xác ướp), phơi thây ở các chợ để thiên hạ biết, sau đó đưa vào giam ở Nhà đồ. Hơn một năm sau mới trị tội tiếp trong lễ Hiến phù. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên), bản dịch, tập I, Nxb. Sử Học, Hà Nội, 1982 chép: “Nhâm Tuất, năm Gia Long thứ 1 [1802], mùa đông, tháng 10, ngày Kỷ Hợi, mồng 1, xa giá đến Thanh Hoa yết lăng miếu ở núi Thiên Tôn. Ngày Nhâm Tý, xa giá đến hành cung Thượng Lập, ra lệnh đi đường sông. Ngày Quý Sửu đến Kinh sư. Ngày Đinh Mão, vua thân yết Thái miếu rồi đến thăm sức khỏe của Từ cung. Đặt yến lớn đãi bầy tôi… Tháng 11 làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày Quý Dậu tế thiên địa thần kỳ. Ngày Giáp Tuất hiến phù ở Thái miếu…”6.

Dẫu không có tư liệu lịch sử, tác giả vẫn cố “nén” một số công trình kiến trúc của quần thể phủ Dương Xuân, như Phật viện Giác Vương Nội Viện, vào cồn Bông Sứ, nơi có chùa cổ Huệ/Tuệ Lâm và chùa Phổ Phúc/ Vạn Phước. Từ năm 2007, chúng tôi đã viết nhiều bài phản biện giả thuyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nêu giả thuyết quần thể vương phủ Dương Xuân không ở gò Bình An mà ở gò Dương Hóa, trong đó phủ Dương Xuân cũ là tiền thân của đền Vũ Sư và sau đó là đình làng Dương Xuân Hạ.

Một tư liệu lịch sử tối quan trọng được trích trong Hải ngoại kỷ sự, được tác giả Nguyễn Đắc Xuân phóng ảnh, phiên âm, dịch nghĩa rồi bình luận với mục đích làm “phép co” khoảng cách giữa chùa Thiền Lâm với phủ Dương Xuân. Tác giả phiên âm có từ bị sai hoặc phiên âm đúng nhưng dịch nghĩa quá thoáng. Thật vậy, Hòa thượng Thạch Liêm viết trong Hải ngoại kỷ sự (do Nguyễn Đắc Xuân dẫn): 使者相朢於道國師強余一往以慰王心輿葢從中門直至殿 上王迊於東階乍見如宿好橚入宮中金儼然旛幢魚磬與蕞林無別”. Tác giả Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) phiên âm: “Sứ giả tương vọng ư đạo, quốc sư cưỡng dư nhất vãng dĩ úy vương tâm. Dư cái tòng trung môn trực chí điện. Thượng vương nghênh ư đông giai, sạ kiến như túc hảo, huề nhân cung trung kim tướng nghiễm nhiên, phan tràng ngư khánh dữ tối lâm vô biệt”; và dịch nghĩa: “Sứ giả đi lại liên tiếp, Quốc sư ép ta qua yết kiến một lần cho thỏa lòng Quốc vương.Võng lọng từ cửa giữa đi thẳng vào đền. Vua đứng đón ở thềm phía đông; thoạt mới gặp nhau, như quen biết sẵn từ trước; dắt vào trong cung, có bài trí tượng Phật, phướng tàn chuông mõ, chẳng khác cảnh chùa7. Trong văn bản viết 入 (nhập) thì phiên thành 人 (nhân), Từ 輿 (dư) có nghĩa “kiệu” hoặc “xe” nhưng dịch là “võng”. Nên chăng dịch 輿葢(dư cái) là “kiệu che lọng” hoặc “xe che lọng” đi thẳng vào đền?… Nếu một vị sư ngồi võng thì không thể nghiêm trang bằng ngồi kiệu hoặc xe đang được rước vào cung điện vua chúa. 橚入宮中 (Huề nhập cung trung) tác giả NĐX dịch “dắt vào trong cung…” thì khiếm nhã, nên chăng dịch “mời vào trong cung…”. Chi tiết của đoạn trích văn chúng tôi quan tâm là “thềm điện phía đông” (東階 (đông giai)). Như thế cung phủ nơi chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp Hòa thượng Thích Đại Sán phải hướng về phía đông. Khi tác giả viết “thềm phía đông” (trên sườn gò) thì có khả năng vương phủ có thềm phía khác như “thềm phía bắc” hay “thềm phía tây bắc”. Có khả năng “đông giai” (東階) thuộc “Phủ Sau” 後 府 (Hậu Phủ) và “bắc giai” (thềm điện phía bắc) (北階 (bắc giai)) thuộc “Phủ Tiên” (先府 (Tiên Phủ)). Hậu (北) và Tiên (先) ở đây chỉ thời gian nên Phủ Tiên là phủ được xây dựng trước và Phủ Sau là phủ được xây dựng sau.

2. Ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh về Giác Vương Nội Viện

Trong hội thảo khoa học “Thuận Quảng thời Tây Sơn”, Huế, 21/12/2017, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh có bài tham luận “Lăng tẩm vua Quang Trung và mối quan tâm tìm kiếm của hậu thế hơn 50 năm qua”, đã bác bỏ giả thuyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về Giác Vương Nội Viện khi viết: “Cuối cùng của chương kết (1) tác giả lại còn có mục cuối “Trước những thông điệp của người xưa”, viết trong 8 trang, qua đó để lại một vài sai lầm nghiêm trọng nữa.

Đó là sai lầm về việc khẳng định rằng trong phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn Phúc Chu có một Phật viện. Tác giả đã dẫn phần mô tả Phật viện này của Hòa thượng Thạch Liêm trong Hải ngoại kỷ sự. Từ sai lầm thứ nhất cho là chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp đón Hòa thượng Thạch Liêm trong phủ Dương Xuân nên đã dẫn đến sai lầm tiếp theo này: có Giác vương Nội viện trong phủ Dương Xuân. Thật ra Giác Vương Nội Viện này được lập trong vương phủ Phú Xuân. Lưu ý câu này: “Ngày mồng 6 (tháng Tư) truyền Tỳ kheo giới, Quốc mẫu và Vương huynh đặt tiệc chay, ghi các lời pháp ngữ. Phật viện trong vương cung lạc thành, Quốc vương xin ta đề bức hoành và câu đối. Bức hoành viết bốn chữ “Giác Vương Nội Viện. Tác giả Nguyễn Đắc Xuân ngộ nhận vương phủ Phú Xuân thành phủ Dương Xuân nên viết rằng: “Giác vương Nội viện là một bộ phận gắn kết với phủ Dương Xuân. Khi phủ Dương Xuân chuyển qua làm cung điện Đan Dương được lưu dấu bởi chùa Tuệ Lâm chăng (?)8.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh xác quyết nơi Minh vương Nguyễn Phúc Chu tiếp Hòa thượng Thạch Liêm và Giác vương Nội viện là ở trong vương phủ Phú Xuân, ở bờ bắc sông Kim Trà (sông Hương) với bằng chứng “Ngày mồng 6 (tháng Tư) truyền Tỳ kheo giới, Quốc mẫu và Vương huynh đặt tiệc chay, ghi các lời pháp ngữ. Phật viện trong vương cung lạc thành, Quốc vương xin ta đề bức hoành và câu đối. Bức hoành viết bốn chữ “Giác vương Nội viện”9. Phải chăng nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh suy diễn rằng Quốc mẫu (bà Tống Thị Lĩnh) và vương huynh (con của cố thế tử Nguyễn Phúc Diễn) phải ở vương cung Phú Xuân? Thường khi chúa Nguyễn băng, chúa kế thống thường xếp các bà quả phụ ở một phủ không nằm trong chính dinh. Chùa Thiên Hòa ở Dương Xuân có tiền thân là vườn của ngài Thái Thái, tức phủ của bà nội của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, hậu của Minh vương Nguyễn Phúc Chu. Như thế khi chúa Nguyễn Phúc Trú kế thống chúa Nguyễn Phúc Chu, chúa đã bố trí mẹ của ngài ở phủ Thiên Hòa trên đồi Dương Xuân. Quốc mẫu, mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu về ở phủ Dương Hòa, thuộc dinh Tả Thủy, do chúa Nguyễn Phúc Tần xây dựng cho thế tử Nguyễn Phúc Trăn. Dẫu chưa xác định được tọa độ phủ Dương Xuân cũ nhưng trong sách Thiền Lâm ngôi chùa lịch sử Thiền viện lớn nhất xứ Đàng Trong, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã chứng minh chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp Hòa thượng Thạch Liêm tại phủ Dương Xuân khi viết: “Đọc kỹ ký sự của Thích Đại Sán ta biết Hòa thượng đang ngồi nghỉ chân ở một ngôi đền trước khi về chùa Thiền Lâm, thì Nội giám của chúa Nguyễn Phúc Chu đến mời Hòa thượng vào phủ để chúa được hội kiến. Thấy Hòa thượng có vẻ chần chừ vì chưa muốn gặp, Nội giám liền bảo chỗ Hòa thượng đang ngồi cách phủ chúa “chỉ trong gang tấc”. Điều đó chứng tỏ:

a) Phủ chúa - nơi sẽ tiếp Hòa thượng Đại Sán ở gần chùa Thiền Lâm tức ở nam sông Hương. Phủ chúa ở nam sông Hương tức là phủ Dương Xuân.

b) Đoạn ký sự lại viết: “Qua nửa đêm (至夜分) còn lưu luyến chưa cho từ biệt. Quốc sư nói rằng: “Lão Hòa thượng đi thuyền quá mệt mỏi. Rồi đây đàm đạo còn nhiều ngày. Về đến chùa Thiền Lâm canh ba đã điểm trống (歸至禅林已三皷矣). Hàn huyên đến nửa đêm chúa lưu luyến chưa cho Hòa thượng về. Khi Hòa thượng về đến chùa Thiền Lâm thì trống đã điểm canh ba. Canh ba cũng là nửa đêm (từ 11 giờ đến 1 giờ sáng). Thời gian Hòa thượng đi từ phủ Dương Xuân về đến chùa Thiền Lâm rất ngắn. Do đó ta có thể hiểu chùa Thiền Lâm tọa lạc rất gần phủ Dương Xuân.”10

Chúng tôi nghĩ rằng, lập luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có tính thuyết phục hơn suy luận của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh. Thật vậy, theo Hòa thượng Thạch Liêm thì đang trên đường đến chùa Thiền Lâm, qua ba lớp núi, sứ giả đi lại để chuyển lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu; rằng muốn hội kiến với Hòa thượng gấp. Khi Hòa thượng Thạch Liêm nhận lời thì được rước bằng kiệu có che lọng thẳng tới vương phủ. Nếu là vương phủ Phú Xuân (theo kiến giải của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh) thì đoàn rước Hòa thượng Thạch Liêm phải quay trở lại bến thuyền, xuống thuyền, vượt sông Hương để qua bờ bắc, rồi lên bộ mới vào vương phủ Phú Xuân. Chắc chắn Hòa thượng Thạch Liêm sẽ ghi lại trong kỷ sự và hóa ra nhà chúa tổ chức đón rước Hòa thượng Thạch Liêm quá bất cập ư!

Hòa thượng Thích Đại Sán đến Thuận Hóa ngày 3/3/1695, cập bến ở đâu? Khi chúa Nguyễn Phúc Chu nóng lòng gặp Hòa thượng lại muốn tiếp ở phủ Dương Xuân nên thuyền chở Hòa thượng, thuyền chiến cơ Tả Thủy, phải cập bến thuyền, nơi cơ Tả Thủy thường neo đậu, đó là “bến đò Trường Súng”. Hòa thượng Thạch Liêm từ Hoàng Phố tỉnh Quảng Đông, đáp thuyền buôn đi Hội An vào đêm treo đèn rằm tháng giêng năm Ất Hợi (Khang Hy thứ 34, tức ngày 27 tháng 2 năm 1695), khoảng hơn hai tuần lễ lênh đênh trên biển, thuyền đến Cù Lao Chàm ngoài cửa biển Hội An, rồi chuyển sang chiến thuyền của chúa Nguyễn Phúc Chu, đi thẳng vào đất Thuận Hóa vào ngày 29 tháng 1 năm Ất Hợi (ngày 13 tháng 3 năm 1695), ngụ tại chùa Thiền Lâm (Huế) và làm quốc khách của chúa Nguyễn Phúc Chu. Nếu Hòa thượng đi đến chùa Thiền Lâm cũ, phía Bến Ngự thì không có gò nhỏ nhấp nhô như Hòa thượng đã viết: “Đi quanh hai ba lớp núi, nghe trong rừng tre có tiếng trống chuông11. Chỉ có thể theo con đường cổ quan viên đi lễ miếu, dân chúng đi lễ các miếu, chùa, con đường này có cầu ván sau này gọi là cầu ván Dương Xuân Hạ. Con đường này từ bến đò Trường Súng, qua cơ sở Tàu Voi (về sau là Bồ Ghè) thẳng tới dốc Lịch Đợi (nay có Ga Huế), qua cầu, lên dốc qua bên phải miếu đến chùa Viên Giác (sau năm 1695), đổ dốc rồi lên dốc thì đến cồn Bông Sứ (ở cồn khoảng năm 1695 có miếu đền cổ). Con đường ngoằn ngoèo theo sườn gò trên đồi Long Sơn và cồn Bông Sứ, bên trái trồng nhiều tre, lồ ô, đi như thế mới thấy quanh hai ba lớp núi. Từ ngôi đền nơi Hòa thượng Thích Đại Sán nghỉ chân, trao đổi với quan nội giám phủ chúa ở Dương Xuân, nhìn qua phía tây có thể thấy gò Dương Hóa “trong gang tấc”. Nếu đền là miếu lễ Lê Thánh Tông, dựng thời Nguyễn Phúc Tần và sau này vua Gia Long dựa trên nền cũ mà tôn tạo thì miếu ở trên gò Lịch Đợi, Hòa thượng không thể thấy qua hai ba lớp núi được! Người xưa viết nhân cũ sửa mới là nói về quy chế tế lễ, còn nhân nền cũ sửa mới thì can cớ chi người xưa viết “chọn đất” để xây miếu. Vì thế khả năng Hòa thượng Thích Đại Sán nghỉ chân ở ngôi đền, nhìn qua gò Dương Hóa thì có một số mẫu ruộng được chúa Nguyễn Phúc Tần cấp để canh tác nhằm lo việc cúng tế ở miếu lễ Lê Thánh Tông cũ vậy. Từ đền, đi tiếp thì gặp khe chảy qua trước chùa Kim Tiên (bờ nam) và chùa Thiên Lâm cũ (bờ bắc). Vì thế kiệu rước Hòa thượng nếu rẽ trái thì đến chùa Thiền Lâm, nếu rẽ phải thì thẳng tới thềm đông phủ Sau, còn phủ Dương Xuân cũ có thềm quay về Tây Bắc, đầu hồi bên phải hướng ra sông Hương.

3/ Sự hình thành phủ Dương Xuân và Giác Vương Nội Viện

Trong vòng mươi ngày chúa Nguyễn Phúc Chu có thể huy động nhân vật lực để biến ngôi chùa Thiền Lâm nhỏ, làm bằng tranh, vườn chùa rộng nửa mẫu, thành thiền viện Thiền Lâm. Còn trong phủ Dương Xuân chỉ trong vòng một tháng Minh vương vội xây dựng một Phật viện, để khi làm lễ lạc thành, Hòa thượng Thích Đại Sán chủ lễ, đặt tên “Giác Vương Nội Viện” và cho những câu đối thì liệu có kịp không?

Phủ Dương Xuân cũ và Giác Vương Nội Viện quả gắn bó hữu cơ với nhau. Sự ra đời phủ cũ Dương Xuân và Giác Vương Nội Viện có nguyên nhân thiên tai và tín ngưỡng cầu đảo, thờ phụng.

a/ Tai ương và cầu đảo

Khi chúa Nguyễn Phúc Lan dời chính dinh vào thủ phủ Kim Long thì tất nhiên trong chính dinh và bao quanh chính dinh phải có các cơ, đội thủy binh, tượng binh, pháo binh, mã binh… Các cơ đội này phải có bản doanh của những vị chánh phó chỉ huy ở và làm việc. Phủ Tập Tượng hữu, phủ Tập Tượng tả, dinh Tả Thủy… dần dần được xây dựng. L.Cadière đi trước và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về sau đều thừa nhận phủ Dương Xuân có tiền thân là một hành cung tạm để nhà chúa tránh lụt.

Đại Nam thực lục tiền biên (Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 1, bản dịch Viện sử học, Nxb. Hà Nội, 1978) từng chép khi có những trận bão lụt lớn, gia đình phủ chúa ở Kim Long tất yếu phải di tản bằng thuyền, lên đồi Dương Xuân phía đối ngạn sông Kim Trà để tránh nạn và tiến hành cầu đảo: “Canh Tuất, năm thứ 22 [1670], mùa hạ, tháng 4, các huyện Hương Trà và Quảng Điền mưa nước mặn, năm sáu ngày mới bớt.

… Tháng 6 núi Ngọ Trản [Hòn Chén] lở, dài 6,7 trượng, rộng. Chúa sai quan cầu đảo… Mùa thu tháng 7, ở kinh kỳ phát hỏa, cháy lan hơn 700 nhà… tháng 9 ngày Nhâm Thân, có khí lạ hiện ra ở phương thân, dài như tấm lụa, sắc đỏ vàng, sắc đỏ vàng, sáng thâu đêm, đến tháng 12 mới tắt. Bấy giờ những tai dị thường hiện ra luôn, người ta bàn luận phân vân bất nhất. Chúa nói rằng: “Ta chớ nên lấy tai dị làm lo, chỉ nghĩ xét mình sửa đức để ngăn thôi”… Tân Hợi, năm thứ 23 [1671], tháng 9, gió bão mưa như trút, mặt đất nước sâu tới 3 thước, người và súc vật tổn thương nhiều.”12 “Kỷ Mùi, năm thứ 31 [1678],… Mùa hạ tháng 4, núi Hải Vân lở. Mùa hạ, tháng tư, núi La Chử (tên xã) lở. Tháng 11 lụt to
.”13

Thiên tai bão lụt, nước dâng cao thì chúa Nguyễn Phúc Tần cùng toàn gia, với số thành viên hàng trăm người, phải di tản bằng thuyền và phải tạm trú ở đồi Dương Xuân trước chính dinh, phía bờ nam sông Kim Trà. Mưa to, gió lớn không lẽ che tạm ở giữa đồi và khi chạy lụt không có phương tiện; vì vậy thủy quân với thuyền chiến là phương tiện tất yếu được huy động. Đơn vị thủy quân ấy là cơ Tả Thủy. Đơn vị này cũng như đơn vị Tập Tượng tả, đóng quân ở bờ nam sông Kim Trà, khu vực đối ngạn bờ bắc là cồn Giã Viên. Trên đất có tàu voi, dưới bờ sông có bến thuyền. Quân lính hàng ngàn người thì phải có trại binh, dinh quan Trưởng phó dinh. Từ bến thuyền vào nơi gò Dương Hóa có một con khe, dân sở tại gọi là khe Triều Tiên, Kim Trà đây là con đường thủy để thuyền nhỏ của thủy binh hằng ngày qua lại bến thuyền [bến Trường Súng] và trại thủy binh ở gò ấp Dương Hóa. Bản doanh của đại quan trong ban chỉ huy cơ Tả Thủy phải ở sườn gò Dương Hóa, mặt hướng ra sông. Thế thì khi tránh lụt, chúa Nguyễn Phúc Tần thường xuyên ở tạm bản doanh cơ Tả thủy, còn hoàng gia ở trại thủy binh vậy.

b/ Một đơn vị quân đội chuyên phòng chống thiên tai bão lụt cho chính dinh Kim Long:

Năm Kỷ Mùi [1679] đã lụt to vào tháng 11 thế mà năm sau lụt lại càng lớn. “Canh Thân [1680], năm thứ 31… Tháng 8, gió bão, nước lụt ngập, mặt đất sâu hơn trượng [hơn 4m Tây], người và súc vật bị thương và chết nhiều.”14

Do ba trận lụt to liên tiếp, chúa Nguyễn Phúc Tần cùng hoàng gia phải ba lần di tản lên gò Dương Hóa, nhờ bản doanh cơ Tả Thủy ở gò, quá bất tiện, cho nên chúa Phúc Tần cho xây dựng phủ Dương Xuân và tất nhiên dựng những doanh trại chắc chắn, bền vững cho các đơn vị quân đội, trong đó có doanh trại cơ Tả Thủy ở Dương Hóa. Sự kiện này được Lê Quý Đôn chép trong Phủ biên tạp lục, ở mục Sản vật phong tục: “Họ Nguyễn có xây dựng thì phần nhiều lấy gỗ ở các phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Gia Định. Như năm Canh Thân [1680] làm phủ Dương Xuân cùng cửa Nghi Môn, hạ lệnh cho quan công đường Quảng Nam sai xá nhân truyền cho cai trường lấy gỗ súc ở phủ Quy Nhơn một tích 695 cây, gồm cột lớn dài 32 thước, kiến thủy dài 3 thước 3 tấc, kèo lá dong dài 24 thước, cùng các hạng xuyên xà; một tích 813 cây, cũng dài lớn như thế. Đều sai cai xã Tăng Quang lấy thuyền trường đà chở nộp, 24 chiếc chỉ chở được 180 cây…”15 Cơ Tả Thủy là một đơn vị thủy quân có tham dự trong lần duyệt binh lớn ở xã An Cựu. Sử chép: “Quý Tỵ, năm thứ 5 [1653]… Tháng 3, mở cuộc duyệt binh lớn ở xã An Cựu, xét khí giới cùn sắc để định thưởng phạt. …Bốn đội Tiền thủy, Hậu thủy, Tả Thủy, Hữu thủy, mỗi đội 5 thuyền, đều hơn 500 người… cơ Tả Thủy 5 thuyền; hơn 200 người16. Đặc biệt các cơ thủy binh đều có thuyền hải đạo, thuyền chiến có thể đi biển. Sử chép: “Thao diễn thủy quân: Sai thuyền hải đạo của các cơ đội: (4 thuyền Khanh Nhất, Minh Nhất, Minh Nhị, Minh Tứ cơ Tả Thủy,… theo thứ tự bày hàng từ Phủ Cam trở xuống, hễ nghe hiệu trống thì mở thuyền chèo nhanh, đến mé sông Nội Thủy thì quay về. Chúa tới xem, thưởng bạc tiền theo cấp bực.”17 Cơ Tả Thủy không những lo bảo vệ vòng ngoài chính dinh Kim Long cùng với những cơ đội khác mà còn phục vụ nhà chúa chống bão lụt nữa. Lại thêm bản doanh bộ chỉ huy và trại thủy binh lại ở ấp Dương Hóa thuộc làng Dương Xuân lại có những miếu thần cổ xưa, nổi tiếng linh thiêng của xứ Thuận Hóa. Vì lẽ đó, chúa Nguyễn Phúc Tần đã đặt kế tử Nguyễn Phúc Trăn vào Ban chỉ huy cơ Tả Thủy, nhằm khi có bão lụt, chúa và chánh thất phu nhân cùng người phục dịch ở phủ Dương Xuân ở hành cung/phủ Dương Xuân, các thành viên khác cùng lương thực, tiền bạc, thuốc men,… thì ở tạm trại thủy binh ở làng Dương Xuân, chủ yếu ở ấp Dương Hóa.

c/ Làng cổ trên gò có nhiều miếu cổ và gần trại binh thuộc dinh Tả Thủy

Làng cổ Dương Hóa, nay là ấp Hạ 1 của làng Dương Xuân (Nam), có tiền thân là làng cổ người Chiêm, trên gò phía đông của làng có tháp (kalan) đã đổ nát, cư dân Việt - Chăm biến nơi này thành miếu thần Xích Mi của Dương Xuân và làng. Cư dân Dương Hóa - Dương Xuân cũng lập miếu thờ Ponagar (Diễn Phi Chúa Ngọc) ở sườn đồi phía tây bắc miếu Xích Mi, nay ở ấp Tiên Tĩnh (Hạ 2). Tướng Lê Bôi của thời vua Lê Thái Tổ từng có những hoạt động quân sự ở Hóa Châu, trong đó có việc bình định những nhóm người Chiêm nổi loạn, hoạt động ở rừng thuộc đồi núi phía nam sông Linh Giang (sau này là nam sông Hương). Về sau ông là Thành Hoàng của làng Dương Hóa (1). Sau cuộc thân chinh bình Chiêm năm 1471 của vua Lê Thánh Tông thắng lợi, quân nhà vua bắt được vua Chiêm Trà Toàn, kẻ dựa thế nhà Minh bảo kê nên coi thường và quấy phá Đại Việt, cùng với hàng vạn tù binh Chiêm. Vua Lê đã giao cho một số tướng lĩnh quản lý tù binh dưới dạng cho họ cùng với di dân Việt khai phá những vùng đất hoang, ven đồi núi hoặc những vùi đang bồi tạo ven đầm phá. Đô tổng binh Thiêm sự họ Lê, muội húy, hiệu Kim Ngọc quản lý một số tù binh cùng di dân Việt khai hoang lập làng Dương Hóa, về sau ông trở thành vị khai canh của làng Dương Hóa, Dương Xuân (Nam) và có miếu khai canh(2). Cũng như các làng khác trên đất Đại Việt, làng Dương Hóa cũng lập miếu thờ Đông Hải đại vương Nguyễn Phục (Phi vận tướng quân). Chưa đầy một năm, con của Trà Toàn là Trà Toại làm loạn, vua Lê cử tướng Võ Hoàng Thành, lãnh chức Tổng bá quan để vào Thuận Hóa chuẩn bị đánh dẹp loạn Trà Toại. Võ Hoàng Thành sớm dẹp loạn và được vua Lê giao quản lý đám tù binh Chiêm và tiến hành di dân Việt vào Hóa châu để khai hoang lập ấp. Võ Hoàng Thành coi như hậu khai khẩn làng Dương Xuân và khai canh làng Nam Phổ. Ban đầu ông đóng quân ở Dương Hóa, sau khi thành Tổng bá quan ông ở Dương Hóa, khi mất được an táng ở Dương Hóa (3), bên mộ ông có miếu thờ hậu khai khẩn Võ Hoàng Thành (xin tham khảo chi tiết ở [6]).

d/ Chúa Nguyễn Phúc Tần mở rộng dinh Tả Thủy thành phủ đệ của kế tử Nguyễn Phúc Trăn:

Năm 1684, nhà chúa chịu hai đại tang, một là con trưởng Nguyễn Phúc Diễn mất và nguyên phi họ Chu mất, sử chép: “Giáp Tý, năm thứ 36 [1684]… Mùa đông tháng 10, hoàng tử cả là Diễn (lại có tên là Hán) mất. Diễn được lập làm Thế tử, phong là Chưởng dinh Phước Mỹ hầu, đến nay mất, 45 tuổi. Chúa rất thương tiếc... Tháng 11, ngày Quý Hợi, có đàn quạ hơn ngàn con đậu và kêu ở lầu phía nam nội phủ, bắn cũng không tan. Ngày Tân Tỵ, nguyên phi là Chu thị băng, thọ 60 tuổi...”18: Vì Thế tử Nguyễn Phúc Diễn mất, nên chúa Nguyễn Phúc Tần lập con thứ Nguyễn Phúc Trăn (Thái) làm thế tử vào năm 1684, phong chức Phó chánh dinh Tả Thủy và chúa cho mở rộng dinh Tả Thủy thành phủ đệ của Thế tử Nguyễn Phúc Trăn. Phủ đệ của Thế tử nằm phía sau phủ Dương Xuân, trên đỉnh gò phía tây nam, sát gần các miếu Xích Mi, miếu Phi Vận. Thế tục gọi là “Phủ Hậu” hay “Phủ Sau”. Sự kiện này Tiền biên chép: “Anh Tông... húy là [Phúc Trăn], sinh năm Kỷ Sửu [1649], là con thứ hai của Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế. Mẹ là Hiếu Triết hoàng hậu Tống thị. Trước kia hoàng tử cả Diễn mất sớm, Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế cho chúa là lớn tuổi và hiền đức, phong là Tả Thủy dinh phó tướng Hoằng Ân hầu, làm phủ đệ tại dinh Tả thủy...”19: Như thế sinh thời Nguyễn Phúc Chu chào đời năm 1675 ở Nội phủ, lên 10 tuổi ở với thân phụ Nguyễn Phúc Trăn tại phủ đệ, gần phủ Dương Xuân cũ, tức Phủ Sau. Phủ này hướng về đông, trên gò Dương Hóa. Khi thân phụ kế thống thì Nguyễn Phúc Chu là kế tử ở tại Phủ Sau và khi chúa Nghĩa băng ở chính dinh Phú Xuân năm 1691, chúa Nguyễn Phúc Chu trong thời gian chịu tang, có thể biến Phủ Sau làm từ đường thờ Anh Tông như Nguyễn Phúc Trăn biến phủ Kim Long thành từ đường thờ Nguyễn Phúc Tần. Vì Nguyễn Phúc Chu rất mộ Phật, dù đã lên ngôi kế thống nhưng vài năm đầu chúa thường xuyên có mặt ở Phủ Sau để tiến hành các nghi lễ báo hiếu theo Phật giáo và tất nhiên Quốc sư Hưng Liên Quả Hoằng, thường trú tại chùa Thiền Lâm, thường qua Phủ Sau để giúp chúa Nguyễn Phúc Chu việc Phật sự và thường bàn bạc việc trị nước. Đây là lý do, Phủ Sau bài trí “tượng Phật uy nghi”, phướng tàn chuông khánh nhiều như cảnh chùa theo như Hòa thượng Thạch Liêm từng chứng kiến. Phủ Sau là Phật viện trong quần thể phủ Dương Xuân. Năm 1695, khi chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp kiến Hòa thượng Thích Đại Sán ở Phủ Sau, thì trong vòng một tháng vào ngày Phật Đản, Hòa thượng Thích Đại Sán đã đặt tên Phủ Sau là Giác Vương Nội Viện, soạn những câu đối và làm lễ lạc thành Phật viện, tiến hành lễ thọ Bồ tát giới cho chúa Nguyễn Phúc Chu và hoàng gia.

e/ Khi mở rộng dinh Tả Thủy thì có việc di dời các miếu cổ trên gò Dương Hóa

Khi lập phủ đệ cho thế tử mới, Nguyễn Phúc Trăn con trai thứ hai thay con trưởng Nguyễn Phúc Diễn qua đời năm 1684, xem như chúa Nguyễn Phúc Tần đã mở rộng phủ Dương Xuân, ở sườn gò Dương Hóa có hướng Tây Bắc, có bậc thềm tây bắc (phủ Trước). Lúc bấy giờ, phía tây phủ Trước, trên phần gò cao hơn phủ, đang có các miếu cổ đang quay về hướng đông. Mở rộng dinh Tả Thủy thành phủ đệ của quan Phó dinh Tả Thủy phải di dời hai miếu Xích Mi và miếu Đông Hải Đại Vương [1684]. Một vấn nạn về thời gian di dời hai miếu, cần giải quyết, đó là thông tin thời điểm di dời hai miếu muộn hơn 150 năm. Thật vậy, trong bài: “Các tác phẩm điêu khắc Chàm ở Xuân Hòa” (B.A.V.H, tập IV, 1917), Cadière viết: “Trong một cuộc dạo chơi trên một đồi ở gần ga Huế, tình cờ tôi bắt gặp một số điêu khắc Chàm mà cần nêu lên.

Các thứ ấy ở trong xóm Xuân Hòa hay Xuân Huế hay có người lại gọi là Thiên Hóa. Muốn đến đó, phải rời đường Nam Giao, ở giữa vùng cao trước cánh đồng nghĩa địa, người ta sẽ đến chùa Tường Vân và đi theo con đường cạnh chùa ấy, đi mãi sẽ đến một đám đất thấp ở đó có hai bụi cây che hai cái “miếu xóm” hay miếu Bà Dàng. Chính trước một trong hai miếu ấy, miếu Dàng có đá chạm.

Tất cả có 5 cái: Một đỉnh cột… Con sư tử… Hai đầu Makaras… Cái Linga…

Hai cái miếu gần đó có chạm trổ ấy ngày trước không phải ở vị trí như hiện giờ. Hai miếu ấy nằm cách đây 5 hoặc 6 mét về phía bắc ở chân một chỗ đất lồi lên mà hiện nay là đền chính thức Thần mưa. Vũ Sư đền này, theo Địa Lý Duy Tân được xây dựng niên hiệu Minh Mạng (1826). Người ta cho tôi biết lịch sử đền này là cái miếu phải dời chỗ đi đã 50 năm rồi. Lý do chuyển đi là những tai họa xảy đến cho xóm. Có thể là hai vị thần nhỏ kia. Vị Thần mưa là một thần chính thức nên 2 vị thần kia phải đi tìm chỗ trú ngụ nơi khác ở trên đồi đá như ngày nay ta đã thấy.

Hai vị thần ấy là ai?

Tên chính thức của vị thần ghi trên bài vị của đền và đọc ở ngày tế lễ là: “Cổ tích dương phi xích nữ trung đẳng thần...”.


Bây giờ, sang chuyện của vị nữ thần thờ ở miếu kia. Chức vị cũng khá đặc biệt: “Kỷ mùi khoa tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung20. Cadière không biết vị thần này và ông đã nêu thắc mắc trong bài đã dẫn. Bài viết của L.Cadière cho biết có một cuộc di dời các miếu thần của làng Dương Xuân, trên gò thuộc ấp Dương Hóa, nhô ra Bàu Vá. Hai miếu thần được dân làng dời cách năm 1917 khoảng 50 năm, tức khoảng năm 1865; lý do làng gặp tai ương vì hai vị thần này “cấp bậc” thấp hơn vị thần thờ ở đền Vũ Sư (?). Để kiểm chứng thông tin này, chúng tôi buộc phải điền dã để nghiên cứu hai miếu nói trên. Chỉ cần thấy kiểu thức miếu và nhất là loại gạch thẻ của thời chúa Nguyễn, cổ hơn gạch thẻ tận dụng để đắp hai con rồng hai bên bậc cấp của đền Vũ Sư; biết ngay hai miếu này dựng lại do di dời là trước thời điểm vua Minh Mạng cho dựng đền Vũ Sư.

Vậy hai miếu Xích Mi và miếu Đông Hải Đại Vương cùng với mộ Võ Hoàng Thành được dời vào năm Giáp Tý [1684] nhằm mở rộng dinh Tả Thủy và dựng phủ đệ cho kế tử Nguyễn Phúc Trăn; công trình này là Phủ Sau. Khi Nguyễn Phúc Trăn qua đời, Phủ Sau biến thành từ đường thờ Anh Tông Nguyến Phúc Trăn có tôn tri tượng Phật, trông như cảnh chùa. Chúa Nguyễn Phúc Chu lo việc hiếu sự theo điển lễ nhà Phật ở Phủ Sau, tiếp Hòa thượng Thạch Liêm ở cơ sở này và năm 1695 đã biến thành Giác Vương Nội Viện.

Hiện nay ở “cồn Dương Hóa - xứ Bàu Vá” những di tích lịch sử quý hiếm thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang dần dần biến mất hoặc bị phá nát để tạo những mặt bằng khu dân cư mới. Có những di tích đã được xác nhận và có những di tích còn tranh luận về phương diện lịch sử nhưng những di chứng, di vật có thể giám định chúng thuộc thế kỷ XVII. Kiến giải của chúng tôi về Giác Vương Nội Viện nêu trên có thể kiểm chứng trên thực địa; vì còn đó mặt bằng kiến trúc, những móng tường, những đầu trụ hình búp sen,… trên gò Dương Hóa, sau lưng đình Dương Xuân Hạ. Nên chăng Hội Khoa học Lịch sử tỉnh nhà kiến nghị cơ quan hữu trách, rằng sớm có kế hoạch thăm dò khảo cổ học “cồn Dương Hóa - xứ Bàu Vá” kẻo để muộn thì về sau sẽ gặp khó gấp bội. Chúng tôi nghĩ rằng, ở đồi Dương Xuân vẫn còn Phủ Dương Hòa (đình ấp Dương Hóa), chùa Thiên Hòa (phủ Tiên Hòa có vườn Thái Thái), điện Long Châu (điện Voi Ré có tiền thân là phủ Tập Tượng Hữu)… khá nguyên vẹn; giúp các nhà khảo cổ có tiêu bản đối sánh về vật liệu xây dựng, môtip trang trí,… trong việc khảo cổ học tìm kiếm vương phủ Dương Xuân. Nghiên cứu di tích lịch sử trên đồi Dương Xuân sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề văn hóa, lịch sử của khu vực trọng yếu của thủ phủ Thuận Hóa, đô thành Phú Xuân trong giai đoạn thịnh đạt của các chúa Nguyễn.

Huế, 12/4/2018
T.V.Đ  
(TCSH353/07-2018)

-------------
Tài liệu tham khảo:


[1] Lê Quí Đôn - Phủ Biên Tạp Lục, bản dịch, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977.
[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch, tập I, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1992
[3] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên), bản dịch, tập I, Nxb. Sử Học, Hà Nội, 1982.
[4] Nguyễn Đắc Xuân - Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương, sơn lăng của Hoàng Đế Quang Trung, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2007.
[5] Nguyễn Đắc Xuân - Thiền Lâm ngôi chùa lịch sử Thiền viện lớn nhất xứ Đàng Trong, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2017.
[6] Trần Viết Điền - “Làng cổ Dương Hóa”, Tạp chí Sông Hương, số 333, tháng 11/2016, tr. 11-16.
[7] Trần Viết Điền - “Phủ Dương Xuân: Vài chi tiết cần trao đổi với tác giả Nguyễn Đình Đính”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở KH&CN Thừa Thiên Huế, Số 1 (135) 2017, tr. 134-148.
[8] Trần Đại Vinh - “Lăng tẩm vua Quang Trung và mối quan tâm tìm kiếm của hậu thế hơn 50 năm qua”, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Thuận Quảng thời Tây Sơn”, Huế, 21-12-2017.
[9] Thích Đại Sán - Hải ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, 1963.



................................................
Chú thích:

1: Chi tiết ở [6], [7]; 2: [3], tr. 110; 3: [5], tr. 136; 4: [5], tr. 136; 5: [5], tr. 137; 6: [3], tr. 530,531; 7: [5], tr. 84; 8: [8], tr. 162; 9: [8], tr.163; 10: [5], tr.86; 11: [9], tr. 35; 12: [3], tr. 83; 13: [3], tr. 90; 14: [3], tr. 92; 15: [1], tr. 320; 16: [3], tr. 62; 17: [3], tr. 123; 18: [3], tr. 94; 19: [3], tr. 96.
20: Cadiere - “Các tác phẩm điêu khắc Chàm ở Xuân Hòa”, B.A.V.H, tập IV, 1917), tr. 294.  





 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng