Ai ra xứ Huế
Bên dòng sông Hương
15:59 | 10/04/2019

LGT: Cuốn sách Florette ou la rivière des parfums của tác giả T. Trilby(*) được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chuyện bên dòng sông Hương(**). Bối cảnh câu chuyện xảy ra ở Huế và vùng phụ cận vào thập niên 1920 của thế kỷ XX.

Bên dòng sông Hương
Nguyên tác cuốn "Florette ou la rivière des parfums" của tác giả T. Trilby - Ảnh: internet

Nhân vật chính là cô bé Pháp Florette, 13 tuổi. Cô bé đang học tại trường nội trú ở Pháp nhưng phải tạm bỏ học để sang xứ Đông Dương, cụ thể là thành phố Huế để thăm mẹ bị ốm nặng. Cùng đi có anh trai tên Jean, 19 tuổi, đang học đại học Y khoa ở Paris. Xoay quanh nhân vật chính là cô bé người làm của gia đình tên là Thị Năm, 15 tuổi, người bản xứ, xuất thân gốc dân tộc ít người vùng ven xứ Huế, biết tiếng Pháp. Nhân vật này theo sát Florette trong quá trình buồn vui, xúc động, biến cải tâm hồn, suy nghĩ, ý chí của Florette.

Thông qua nhân vật chính Florette, nhà văn dẫn dắt người đọc đến với thế giới tuổi thơ qua những nghĩ suy trong trắng, ngây thơ, ngộ nghĩnh và đáng yêu. Từ những buổi sinh hoạt ở trường nội trú đến hành trình xuyên quốc gia trên chuyến bay của hãng hàng không Air France đi từ nước này sang nước nọ để đến Sài Gòn với nhiều điều mắt thấy tai nghe của thuở thập niên 1920, mà đối với thời hiện đại chúng ta hôm nay chắc có nhiều lạ lẫm mà quen thuộc. Tác giả cũng cho thấy mình khá sành điệu và biết rõ sinh hoạt ở Huế với những dòng miêu tả sông Hương, cảnh vùng phụ cận, cảnh rừng, cảnh núi, ruộng đồng những năm 20 mới khai phá vừa gần gũi, vừa đáng yêu. Chẳng hạn, một chi tiết cụ thể, đó là miêu tả đám rước ở làng của một vùng quê miền núi khá sinh động mà ít có tài liệu sách vở người Việt nhắc tới.

Trong truyện nổi bật tính cách một thiếu nhi Pháp yêu mến, gắn bó với sinh hoạt văn hóa, đời sống thường nhật của người Huế xưa. Đặc biệt, tinh thần dũng cảm, hy sinh, quên thân mình vì người khác của cô bé Pháp 13 tuổi, chắc chắn là động lòng nhiều bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Đó là chương kể lại một mình Florette sống nhiều ngày trong rừng sâu để theo dõi bọn mẹ mìn bắt cóc một em bé người làng, cuối cùng đã cứu được em bé, với nhiều chi tiết hồi hộp, gay cấn.

Dưới đây là trích đoạn viết về chuyện bên dòng sông Hương những năm 1929.


                                Nguyễn Phin (giới thiệu và dịch)



T. TRILBY

Xe lăn bánh tiến vào giữa thành phố đang ngái ngủ, đêm đã khuya mà người tài xế lại không rành đất Huế. Hầu như không có người khách bộ hành để hỏi, và hết đường đi họ gặp bờ sông, có một ngôi nhà Annam lớn, kiểu dáng lạ. Người tài xế dừng xe, anh em nó bước xuống đi vào khu vườn. Vô tình đúng ngay nhà ba mẹ chúng, ông Massenac đang đợi chờ anh em nó.

Đêm yên tĩnh, khu vườn ngập tràn ánh trăng. Florette đi vào vườn hoa, hít đầy lồng ngực mùi hương thoáng nhẹ, ngọt ngào. Một lối đi dài hai bên trồng cây thông, phía cuối là ngôi nhà mà mục đích chính anh em nó tìm đến. Anh em sóng đôi, sải những bước dài, họ gặp một mái hiên bằng sắt uốn cong, một con chim sơn ca lớn bay về phía chúng như quen với nhau từ lâu. Họ đặt va-li ở lối đi, chạy nhanh về hướng ông Massanec.



Sáng hôm sau, mặt trời lên cao đã lâu Florette mới tỉnh giấc. Một cô bé Annam bước vào phòng, tiến đến gần giường, nó đặt một khay thức ăn cho buổi điểm tâm trên tủ đầu giường. Nó cúi đầu, nói giọng nhẹ nhàng, gần như là hát:

- Xin chào em gái.

Florette ngạc nhiên, nó không nghĩ cô gái bé nhỏ này là người da vàng.

- Xin chào, tên chị là gì?

- Thị Năm.

- Chị nói được tiếng Pháp ư?

- Vâng.

- Chị bao nhiêu tuổi?

- Mười lăm.

- Chị làm gì ở đây?

- Chị đến đây làm đầy tớ cho cô chủ có “khuôn mặt xanh”.

- Cô bé đó là tôi đó sao?

- Đúng đó em gái à.



Một giờ sau, Florette mới bước ra khỏi phòng, hai anh em bắt đầu đi dạo, họ muốn biết rõ xứ Annam nhỏ bé, vì thế nó muốn nhìn gần, rất gần dòng sông Hương, anh nó đôi khi lừa nó, nói theo mắt nhìn của anh là dòng sông bùn vắt ngang qua cửa sổ, có nhiều chiếc tam bản đắm trên đó. Nó mong không phải như vậy.

Khu nhà tĩnh lặng, nó đi khám phá một mình, có một lối đi dẫn đến mái hiên uốn gợn sóng, bên dưới là cửa sổ được chia cách bởi các trụ cột cao phủ đầy hoa hồng đang độ nở rộ.

Trên lối đi, có những viên đá xám cũ kỹ, khu vườn tràn ngập cây xanh, một lối đi dài trồng toàn thông mà nó đã thấy đêm qua, bên trái nhiều cây cọ, những cây huệ đỏ, bên phải cơ man nào là chuối, loại cây mà nó đã gặp trên Đường Cái Quan, lá rộng phủ màu xanh, bên cạnh khu trồng chuối là một loại cây khác thường, có hoa màu lửa, hàng ngàn cánh hoa mỗi cành là một búi lớn màu đỏ.

Florette đi đến cuối con đường cây thông, nó nhìn thấy dòng sông thật hùng vĩ trước mặt, trước khi tham quan khu vườn, Florette muốn thăm các phần bên dưới. Nó vào nhà, bên trái, phòng khách hôm qua nó đến, bây giờ rất khác, hôm nay nó nhìn thấy nhiều phòng lớn, nền lát gạch ca rô đen trắng, nhiều đồ vật làm rối mắt. Một chiếc bàn gỗ có bốn chân chạm trổ rồng phượng, trong góc phòng, một chiếc giường gỗ, phủ nệm lụa có viền sặc sỡ. Cầu thang bằng gỗ tếch, trên tường, vài chiếc ngà voi, gần tường, trên chiếc bàn thấp, một chậu hoa đỏ hồng mà nó không biết tên. Ở xứ này thứ gì cũng lạ.

Nó bước ra ngoài, khu vườn ngập tràn nắng ấm, trong nhà tất cả cửa chớp đều đóng kín, khiến tối om, mùi thơm lạ thoang thoảng đưa đến mũi Florette, nó hít một hơi dài, muốn gọi tên, nhưng lạ quá, có phải mùi bùn của sông hay mùi hoa hồng, mà nó ngỡ như hoa mộc lan của Pháp.

Hai người họ đang đi trên con đường vây quanh là dòng sông mà Florette chỉ mới thấy trong giấc mơ - sông Hương là con sông lớn màu bạc, hai bên bờ là những bụi cây nở hoa, nước sông xạm màu bùn lờ đờ chảy, trên đó thuyền tam bản và các phương tiện khác đang lưu thông.


 

Trước mặt Florette, con đường lớn rậm rạp cây xanh, phủ bóng mát vùng không gian rộng lớn, nhà nhà sơn màu trắng, cửa chớp đóng kín. Những vi-la là những khu đất vuông vức, có những tàng cây thấp bé sống động cùng những chậu hoa đầy màu sắc, lối đi trải sỏi thấp thoáng những bụi cây đẹp, như phong cách khu vườn Pháp, hòa lẫn nhiều loại cây hồng phấn.

Suốt dọc đại lộ, những người phu kéo xe và những xe hơi đầy rẫy, dường như phương tiện còn nhiều hơn hành khách. Florette nghe theo lời khuyên của Thị Năm, có nhiều loại xe cộ, đẹp có xấu có, những người phu kéo xe ai nấy hom hem. Florette chọn một người vẻ đáng thương nhất, có vẻ đói ăn. Cô bé leo lên chiếc xe lạ lẫm hai bánh này, Thị Năm theo sau, Florette thử cân ước chừng hai đứa có lẽ cũng nặng bằng một người đàn ông. Người kéo xe là một cậu bé gầy còm, nghe Thị Năm chỉ đường xong, nó còng lưng giữa hai càng xe và kéo.

Đại lộ có mặt đường được bảo dưỡng tốt, xe cộ bon bon và những tàng cây thẳng tắp, hè phố phủ bóng cây mát dịu. Thị Năm giải thích đi qua phố Tây có những giáo đường, bệnh viện, văn phòng của Chính phủ bảo hộ. Một khu phố châu Âu không có gì hấp dẫn lắm đối với Florette, nó chỉ muốn khám phá thành phố châu Á. Người phu xe bắt đầu chạy nhanh hướng về phía bờ sông, trước mặt là dòng nước xanh mát. Lúc này Florette mới nhận ra đi dạo trên xe kéo thật bất tiện, nếu không có chú bé kéo xe đáng thương cô sẽ đi dạo tự nhiên hơn.

Trên một khoảng đất trống gần sông có một khu chợ họp dưới những tàng cây. Chú bé kéo xe ngừng lại, Florette yêu cầu Thị Năm trả tiền, nó không biết định giá những đồng tiền anh nó nhét vào xách cho nó là bao nhiêu, tiêu xài ra sao. Cả hai tiến vào chợ, những bà già tụ tập dưới tán cây me, cây xoài cổ thụ. Họ bày ra đủ kiểu các mặt hàng, đặt trong thúng có, trên mẹt có, và bày cả ngay trên đất nữa. Trước mắt Florette cơ man nào là màu sắc, nó nghe tiếng người bán, người mua trao đổi mặc cả nói với nhau giọng chát chúa. Thị Năm bày nó tên các loại quả, này đây là măng cụt, này đây là vải thiều, này đây chuối, xoài, cam xanh, dưa hấu… Một mảng màu mới đẹp làm sao!
 

Florette muốn nếm thử tất cả các loại trái cây mà nó mới thấy lần đầu, và đề nghị Thị Năm phải mua mỗi thứ một ít để hai đứa đi ra bờ sông ngồi thưởng thức. Nó nói gì Thị Năm cũng nghe, nó không muốn từ chối cô chủ mặt xanh bất cứ điều gì.

Mua trái cây xong, Thị Năm đưa nó thăm các quầy hàng rau quả, rồi quầy bán gia cầm, quầy bán cá tươi. Sau đó là đi vào dãy nhà kho bố trí giữa lối đi là các quầy hàng tơ lụa, quày hàng da, hàng sơn mài, hàng trang sức. Người bán chào hàng, người mua mặc cả giọng sắc nhọn như cãi cọ. Phần lớn người bán cũng như người mua mặc đồ Annam nói với nhau bằng thổ ngữ lạ. Người châu Âu rất ít, thường đi qua cười nói ồn ào chứ ít mua đồ.

Rời khỏi đám đông, Florette dừng khá lâu trước quầy hàng bán hoa, nơi trưng bày cái đẹp. Nó muốn mua nhiều thứ hoa, nào là hoa phượng, hoa sứ, hoa dâm bụt, toàn là hoa lạ, Thị Năm bày nó lên nhưng nói là không nên mua, bởi vì những thứ đó có thể hái trong vườn nhà.

Florette muốn chọn một chỗ phù hợp ngồi đánh chén, tránh xa không khí xô bồ của khu chợ lúc nãy. Họ đã dừng lại dưới tàng cây me cổ thụ.

- Thị Năm chúng mình ngồi đây thơ mộng quá, vừa ăn vừa kể chuyện, em muốn chị kể về đất nước mình, em tò mò muốn biết câu chuyện lịch sử đẹp, em sẽ ghi nhớ trong trí não, sau đó sẽ viết lại, bởi vì em muốn trở thành nhà văn mà.

- Một nhà văn, một quý ông viết sách!

- Đúng Thị Năm à, em muốn vậy.

- Nhưng em không thể, em gái ơi, bởi vì em không phải là quý ông.

- Ở Pháp, phụ nữ cũng có thể viết văn.

Thị Năm đã bắt đầu thấy cảm phục, kính nể “đại văn hào” tương lai. Nó nhỏ nhẹ nói với Florette:

- Vậy em sẽ viết về cái gì?

- Chị sinh ở Huế à?

- Không, làng chị ở miền núi, cũng không xa con đường đi ra phố người Âu.

- Hãy kể về ngôi làng của chị đi, em chắc là em rất thích.

Cô bé Annam nhìn kỹ Florette, nó xoa tay lên lồng ngực và mắt không rời dòng sông, bởi vì dòng nước trước mặt nó đêm nay đang chảy qua làng mà đã bốn năm nay nó chưa trở về, giờ đây làng chỉ còn trong ký ức.

- Làng tôi tên là làng Thừa, ẩn mình trong khu rừng dày, dưới chân núi, có khoảng trăm ngôi nhà, đó là một ngôi làng lớn. Nhà tuy nhỏ nhắn nhưng đẹp, tường được dựng bằng tre ngâm, người ta gọi là tường da rắn khô. Mái lợp tranh. Ở cuối căn nhà có phòng ngủ, nơi đặt những chiếc giường phản, thường dành cho khách. Gối cũng bằng gỗ cứng, chắc không hợp với em đâu. Có một tủ chè bên cạnh, có lẽ cũng giống tủ nhà em, trên bàn là một khay trà, có ấm chén uống trà, một cái tráp đựng đồ trầu cau, chén đũa ăn cơm. Tôi có thể nhìn thấy tất cả đồ vật thân thương như hiện ra trước mắt tôi, như dòng nước chảy.

- Nghe chị kể mà em cũng thấy như vậy đó.

- Trên tủ chè có một tượng Phật lớn bóng lên nước đồng đen, màu của suy nghĩ những điều cao cả. Nào bây giờ đến hồ bông súng đi. Tôi đã xa chiếc giường nằm ngủ hàng ngày bên cạnh cái hồ bông súng vươn vòi dài trên mặt nước, nhìn kìa, trắng, hồng, vàng, tía - màu của mặt trời, ban đêm chúng như thầm thì với ta như lời yêu thương. Hãy nhìn các cây thân mềm sẽ thấy nó bị rỗng ruột do bị chim bồng chanh màu xanh - đỏ cắn, chim rời nơi ẩn nấp bay lên đậu trên bông súng như để tự tôn vinh vẻ đẹp của chúng.

“Kể gì nữa đây? Hãy nghe giọng buồn của tiếng cồng chiêng từ đâu đưa đến? Còn bây giờ quay về góc khác, hãy nhìn xa xa phía đồng bằng, này đây đồng lúa xanh, kia là những đụn cát thấp thoáng phía chân trời đỏ hồng, sau lưng nhà là núi, mọi người đi ngủ ban ngày để ban đêm thức làm việc. Họ đi theo con đường mòn có nguy cơ hiểm họa rình rập, bởi bạn có thể gặp con báo, “ông” hổ, những tên cướp áo đen. Trong vùng tối lực lượng đó luôn rình mò, con người thì khiếp đảm, còn những con vật bé nhỏ nằm im run rẫy trước uy phong của nó. Mau chuồn nhanh vì người thợ săn bắt đầu làm việc và những con vật hung dữ đang đói mồi. Hãy nghe tiếng hổ gầm, tiếng mèo rừng meo meo, và đoàn voi dữ hoang dã đang rầm rập tiến bước”.

“Xuống núi bạn sẽ gặp các loại cây cỏ, kỳ hoa dị thảo kể cho bạn nghe nhiều câu chuyện đẹp, kể rằng xa xưa có những người chiến binh Annam áo quần sặc sỡ dát bạc vàng, được thiết kể bởi các ông hoàng, họ ra đi cùng với voi thần đi đến các đất nước xa xôi tìm một công chúa xinh đẹp để sau này tôn vinh thành hoàng hậu. Họ cứ đi xuyên rừng hoang, không ngại nguy cơ bị ông hổ, bà báo và những tên cướp áo đen luôn rình rập. Cuối cùng các chiến binh đã tìm thấy công chúa, nhưng hành trình quá dài, cuộc chiến đấu với hổ, báo, với những tên cướp áo đen quá cam go, họ đã bị tiêu diệt gần hết. Họ chết không như những người thường, đem chôn trong đất, linh hồn họ đã biến thành những con đom đóm. Đó như chuyện cổ tích về con đom đóm, đêm đêm những con đóm đóm đến vây quanh tỏa sáng khắp làng. Loại côn trùng bé nhỏ này có cánh mang những chùm ánh sáng. Kia là những cây cau tôi đã kể cho em nghe, đến lúc mặt trời đi ngủ nó mới đến”.

Florette nghe với vẻ chăm chú. Ngôi làng của Thị Năm dưới chân núi, nó đã thấy, nó muốn đến đó sống vài ngày. Trong nhà, nó sẽ ăn cơm bằng đũa, đêm đến nó sẽ ở cạnh hồ bông súng nghe tiếng chim kêu và tiếng gầm rú của những con vật hung dữ, đó mới chính là quê hương nó cần khám phá. Huế, thành phố của người Âu chẳng có gì hấp dẫn để khám phá. Ông bạn vong niên của nó từng nói: Hãy học hỏi những chuyến đi, đừng bằng lòng với những gì mà người hướng dẫn thiết kế. Hãy tự tìm hiểu những điều bạn thích thì mới gọi là thú vị.  

T.T
(TCSH361/03-2019)

......................................  
(*) T. Trilby là nhà văn nữ, quốc tịch Pháp, sinh tại Louveciennes, ngày 12/07/1875, mất tại La Rochelle, ngày 18/11/1962; tên thật: Marie Thérèse Léontine de Marnyhac. Bà tham gia cuộc thi trên báo “Tiếng vọng Paris” và đạt giải nhất về nhiều phóng sự ký nhiều tên khác nhau. Bút danh Trilby có lẽ xuất hiện vào năm 1903 với xuất bản phẩm “Lẩn quẩn”. Năm 1919 bà xuất bản hai tiểu thuyết “Y tá Ninette” và “Trở về” mang hơi hướng của những năm chiến tranh khốc liệt.
Tính đến năm 1930 Trilby đã cho ra đời mười hai tiểu thuyết trong bộ sưu tập Stella, cũng thời kỳ đó bà cũng có một danh sách dài hợp tác với nhà xuất bản Flamarion, nơi bà được xem là tác giả chính cho đến năm 1961 với khoảng bốn mươi tiểu thuyết Trilby cho bộ sưu tập “Sách thiếu nhi” do họa sĩ Manon Iessel (1909 - 1985) minh họa. Bà được nhận giải Hàn lâm Pháp vào năm 1949.


(**) Chuyện bên dòng sông Hương là cuốn sách xưa, đã trên 70 năm, không còn bản quyền tác giả. Trang thông tin về in ấn, đầu sách có ghi: Droits de traduction, de production et d’ adaptation réservés pour tous les pays. C 1946, text et illustration by Ernest Flammarion. Printed in France. (Bản quyền dịch thuật, in sao và phóng tác thuộc về tất cả các quốc gia. Bản quyền năm 1946. Văn bản và minh họa của Nxb. Enest Flamarion, in tại Pháp, có ghi: Imprimerie Sévin-Dessaint, à Doullens (Somme)- 4/1958 (Dépôt legal: 4e trimetre 1946. (Nhà in Sévin-Dessaint, thành phố Doullens (tỉnh Somme)- 4/1958). Nộp lưu chiểu quý 4, năm 1946.  




 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng
Chè hột sen (11/01/2019)