VÕ VINH QUANG
Hoàng Trung Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) là một danh nhân văn hóa xứ Huế thế kỷ XIX. Tổ quán họ Đặng tương truyền ở làng Hà Trung (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang), rồi dời lên Kinh thành, sau lại về làng Hiền Sĩ (Phong Sơn, Phong Điền).
Đến đời thứ 4, ông Đặng Quang Tuấn chuyển về tị nạn ở đất Thanh Lương (thị xã Hương Trà hiện nay) làm nghề dạy học. Rồi sau đó lại nhập tịch làng Bác Vọng (Quảng Phú, Quảng Điền).
Đặng Huy Trứ xuất thân từ một gia đình có truyền thống gia giáo nhiều đời, ông nội là Đặng Quang Tuấn (1752 - 1825) và cha Đặng Văn Trọng (1799 - 1849) làm nghề dạy học, học trò đỗ đạt và thành đạt nhiều. Bác cả là Đặng Văn Hòa (sau đổi Đặng Văn Thiêm) đỗ đạt vang danh, làm quan trải đến chức Thượng thư các Bộ (Hộ, Lễ, Binh, Công), hàm Thiếu Bảo, Văn Minh điện Đại Học sĩ. Bác thứ 2 là Đặng Văn Chức (1795 - 1847) làm Ngự y trong Thái Y viện triều Nguyễn. Anh họ (con trai của Thượng thư Đặng Văn Hòa) là Phò mã Đô úy Đặng Huy Cát (1832 - 1899) lấy công chúa Tĩnh Hòa (con gái vua Minh Mạng), sinh ra Đặng Hữu Phổ… cùng nhiều danh nhân họ Đặng làng Thanh Lương nổi bật khác.
Dù không thành công trên con đường khoa bảng, song những thăng trầm trên bước đường sự nghiệp của ông đã góp phần kết tinh nhiều giá trị, nhiều cột mốc và đóng góp độc đáo cho lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Hướng về quê cha đất tổ, Đặng Huy Trứ cũng như những người con họ Đặng (tiêu biểu như ông bác là Thượng thư Đặng Văn Hòa, anh họ Phò mã Đặng Huy Cát, anh họ Bố chính Đặng Huy Tá, em trai là Ất Tiến sĩ (tức Phó bảng) Đặng Huy Xán… đã có nhiều công đức, đóng góp xây dựng trùng tu chùa chiền miếu mạo, đền thờ Văn Thánh ở Hiền Sĩ, Thanh Lương, Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây. Những công đức ấy còn được khắc ghi trong nhiều chuông đồng, bia đá tại các làng trên.
Một trong những văn chuông ghi rõ ý tình thiện nguyện và công đức đóng góp của Đặng Huy Trứ chính là văn chuông “Thừa Quảng Bác Vọng Văn Thánh từ chung” 承廣博望文聖祠 鐘 (Chuông đền thờ Văn Thánh của xã Bác Vọng, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên) chúng tôi xin giới thiệu dưới đây.
Hán văn:
承廣博望文聖祠鐘
於論鼓鐘於樂辟雝, 文王以有聲也ₒ 文王既沒 , 微吾夫子萬古醉夢中人矣ₒ 迄今洙 泗鐸猶鏗乎在聞也ₒ 國朝大定來吾鄉多由科目出者, 聖道扶持之功用也ₒ 可云數畝之宮 以崇報耶ₒ 昔思自南歸, 同駙馬都尉少文兄謀之未果行, 恐越祀也ₒ 昨奉嚴闢邪教ₒ 旨 準諸地方村邑皆建聖祠ₒ 愚聞之喜然而南北惟命有志焉, 而未能也ₒ 歲之夏出守天長, 因鑄造鐘一鼓一豫為鄉ₒ 聖祠祀器蓋以堅吾志也ₒ 他日, 祠成, 懸之兩楹, 元音嘗響天 地間, 以鳴國家之盛, 是亦聲教之一助鐘鼓云乎哉ₒ
嗣德十四年辛酉秋七月既望ₒ 教授承務郎同知府領天長府知府丁未科解元鄧輝著 恭記
Phiên âm:
THỪA QUẢNG BÁC VỌNG VĂN THÁNH TỪ CHUNG
Ô! luân cổ chung, Ô! lạc Bích Ung[1], Văn Vương dĩ hữu thanh[2] dã. Văn Vương[3] kí một, vi ngô phu tử[4] vạn cổ túy mộng trung nhân[5] hĩ. Hất kim Thù Tứ[6] đạc do khanh hồ tại văn dã. Quốc triều đại định lai, ngô hương đa do khoa mục xuất giả, thánh đạo phù trì chi công dụng dã. Khả vân sổ mẫu chi cung[7] dĩ sùng báo da. Tích tư tự Nam quy, đồng Phò mã Đô úy Thiếu Văn[8] huynh mưu chi vị quả hành[9], khủng việt tự dã. Tạc, phụng nghiêm tịch tà giáo, chỉ chuẩn chư địa phương thôn ấp giai kiến Thánh từ. Ngu văn chi hỉ nhiên, nhi Nam Bắc duy mệnh hữu chí yên, nhi vị năng dã. Tuế chi hạ, xuất thủ Thiên Trường, nhân chú tạo chung nhất, cổ nhất, dự vi hương. Thánh từ tự khí cái dĩ kiên ngô chí dã. Tha nhật từ thành, huyền chi lưỡng doanh, nguyên âm thường hưởng thiên địa gian, dĩ minh quốc gia chi thịnh, thị diệc thanh giáo chi nhất trợ chung cổ vân hồ tai.
Tự Đức thập tứ niên Tân Dậu thu thất nguyệt ký vọng.
Giáo thụ Thừa vụ lang Đồng Tri phủ lĩnh Thiên Trường phủ Tri phủ Đinh Mùi khoa Giải nguyên Đặng Huy Trứ cung ký.
Dịch nghĩa:
[BÀI KÝ Ở] CHUÔNG THỜ VĂN THÁNH [XÃ] BÁC VỌNG, [HUYỆN] QUẢNG ĐIỀN, [PHỦ] THỪA THIÊN
Ôi, đạo luân thường hợp hòa cùng chuông trống; Ôi! Vui cùng trường Bích Ung. [Chu] Văn Vương lấy đó mà vang danh [bậc vua hiền tài] vậy. Sau khi Văn Vương mất, [Khổng] Phu tử của ta là người say sưa trong giấc mộng về [đạo chúa Thánh tôi hiền] ngàn xưa thay! Đến nay, tiếng chuông [ở lớp học của Khổng tử nơi] sông Thù, sông Tứ vẫn còn nghe vang vọng[10].
Từ lúc Quốc triều đại định đến nay, làng ta có nhiều người xuất thân [làm quan] từ Khoa cử, ấy là công dụng của sự phò trì đạo Thánh, [nên] có thể rằng dùng chút đất đai nho nhỏ để báo đáp [ân phò trì] đó thay.
Nhớ xưa, [tôi] từ Quảng Nam về[11], cùng với anh là Phò mã Đô úy Thiếu Văn mưu tính [đúc chuông] song thi hành chưa được quyết đoán, sợ vượt khỏi việc tế tự vậy. Mới rồi, kính vâng mệnh vua nghiêm trị tà giáo, ban thánh chỉ chuẩn cho các địa phương, thôn ấp đều xây dựng đền thờ Văn Thánh.
Kẻ ngu tôi nghe tin này thật vui sướng, nhưng trải đi Nam về Bắc theo mệnh vua, tôi ghi lòng ý muốn [đúc chuông] ấy, song chưa thể làm được. Mùa hè năm này [1861], tôi ra giữ chức ở Thiên Trường, nhân đó chú tạo được một chuông, một trống sớm tính đưa về làng [Bác Vọng]. Đồ thờ trong đền Văn Thánh ấy làm tôi vững chí vậy. Một ngày kia, đền thờ xây xong thì đặt treo [chuông trống] ở hai cột hai bên, nguyên âm (âm thanh gốc) thường vọng khắp trong trời đất, để âm vang thời thịnh trị của quốc gia, ấy cũng là tiếng chuông trống như một cách trợ phò cho thanh giáo[12] vậy.
Ngày rằm tháng 7, mùa thu năm Tân Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1861).
Giáo thụ Thừa Vụ lang, Đồng Tri phủ lãnh chức Tri phủ ở phủ Thiên Trường là Đặng Huy Trứ, đỗ Giải nguyên khoa Đinh Mùi (1847) kính ghi.
Bài ký trên quả chuông (văn chuông) đền thờ Văn Thánh xã (làng) Bác Vọng do chính Giải nguyên Đặng Huy Trứ biên soạn năm Tân Dậu (1861) hiện ở làng Bác Vọng Đông, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là cứ liệu giá trị, góp phần bổ sung nguồn tư liệu căn bản để thể hiện “chân dung văn hóa” danh nhân Đặng Huy Trứ.
Suốt cuộc đời hành sự của mình, ông đã thiết đặt nhiều dấu ấn quan trọng cho truyền thống văn hóa, lịch sử của đất nước. Người đời vinh danh ông là nhà cải cách, gieo mầm canh tân và khai hóa thời cận đại của Việt Nam, là ông tổ nghề nhiếp ảnh, là tấm gương tiêu biểu cho đạo làm quan với việc thẳng thắn chống thói hối lộ, tham nhũng (ghi chép rõ trong sách Từ thụ yếu quy). Dấu ấn với đất nước thì sâu đậm như thế, song với quê hương thì ít người tìm hiểu quan tâm. Do vậy, quả chuông và văn chuông đền thờ Văn Thánh làng Bác Vọng trên chính là nguồn tư liệu giá trị để bổ khuyết, nhằm hoàn thiện hơn “chân dung văn hóa” Đặng Huy Trứ.
Văn chuông Văn Thánh làng Bác Vọng còn giúp chúng ta thấy Hoàng Trung Đặng Huy Trứ luôn ấp ủ xiển dương đạo lý thánh hiền, ước mơ về một xã hội thanh bình thịnh trị, chúa thánh tôi hiền, nêu cao “thanh giáo”. Việc cùng anh họ là Phò mã Đô úy Đặng Huy Cát luôn ấp ôm mong ước đóng góp công sức để vun bồi cho truyền thống văn hóa của quê hương, chính là ý niệm cao đẹp được tích lũy từ truyền thống gia phong lễ giáo của cha ông để lại. Để rồi, ý niệm cao đẹp ấy tiếp tục lan tỏa đến con cháu, mọi người trong tộc Đặng ở Bác Vọng - Thanh Lương. Điều này được thể hiện rõ ràng trong bài ký trên chuông tế tự ở đền thờ giáp Đông làng Bác Vọng (Bác Vọng Đông giáp từ tế chung ký 博望東甲祠祭鐘記, do các con cháu họ Đặng gồm Phò mã Đô úy Đặng Huy Cát, Bố chính Đặng Huy Tá, Ấm sinh Đặng Huy Trinh, Giải nguyên Đặng Huy Trứ, Phó bảng Đặng Huy Xán… cùng chú tạo và ghi khắc vào chuông, soạn năm Tân Mùi (1871) với đoạn: “Nhà thờ của Giáp Đông (xã Bác Vọng) thờ phụng các vị thượng đẳng thần. Trước đây, Lễ Trai công (Đặng Văn Hòa) cho tu bổ nhà thờ, tiến dâng các vật dụng thờ phụng vào nơi đây, nhằm để kính đáp đền sự che chở của các vị thần linh cho đến hôm nay vậy. Mà bọn con cháu chúng tôi từ đó ngưỡng vọng đức cao há đâu phải thành tựu chỉ ngày nay mới có. Ấy nên, tiền nhân gieo mầm, hậu bối chúng tôi thi hành tiếp nối, không thể bỏ quên đạo lý đó dẫu chỉ một ngày” (bản dịch của Võ Vinh Quang).
V.V.Q
(TCSH370/12-2019)
Chú thích:
1/ Bích ung 辟廱 (cũng đọc là tích ung): Thời Tây Chu, bậc thiên tử lập nên lớp Đại học để giảng dạy đạo lý thánh hiền cho con em nhà quý tộc. Lớp ấy được dựng trong một bức tường thành kín, bao bọc 4 mặt xung quanh là hồ nước, trước cửa có chiếc cầu bắc qua. Từ đời Đông Hán về sau, các triều dùng Bích Ung để tôn vinh Nho học, làm trường học để thi hành điển lễ Nho phong. Ban Cố 班固 đời Hán 漢 trong sách Bạch Hổ thông白虎通, thiên Bích Ung 辟雍 có câu: “Thiên tử lập Bích Ung hà? Sở dĩ hành Lễ Nhạc, tuyên đức hóa dã. Bích giả, bích dã, tượng bích viên, hựu dĩ pháp thiên, ư Ung thủy trắc, tượng giáo hóa lưu hành dã” 天子立辟雍何?所以行禮樂宣德化也ₒ 辟者,璧也,象璧圓, 又以法天,於雍水側,象教化流行也 (Nghĩa là: Bậc Thiên tử cớ sơ lại lập nên trường Bích Ung? Ấy là để thi hành Lễ Nhạc, tuyên rõ đức hóa của thánh hiền vậy. Bích 辟 đồng nghĩa với bích 璧 (ngọc quý, hình tròn, có lỗ ở giữa) vậy, tượng hòn ngọc, lại ý là khuôn phép của trời; Còn Ung ở bên cạnh nước, tượng như việc giáo hóa đạo thánh hiền lưu hành thông suốt vậy).
2/ Ô! luân cổ chung, ô! lạc Bích ung, Văn vương dĩ hữu thanh 於論鼓鐘於樂辟雝,文 王以有聲: (Nghĩa là: Ôi, đạo luân thường hợp hòa cùng chuông trống; Ôi! Vui cùng trường Bích ung. Văn vương lấy đó mà vang tiếng [bậc vua hiền tài] vậy). Đây là các câu xuất ý từ mục Văn Vương chi thập 文王之什 thuộc Đại Nhã 大雅 của Kinh Thi 詩經.
Cụ thể, “Ô! luân cổ chung, ô! lạc Bích ung” 於論鼓鐘於樂辟雝 xuất từ thiên Linh đài 靈臺 (Cự nghiệp duy tung, phần cồ duy dong, Ô! luân cổ chung, Ô! lạc Bích ung. Ô! luân cổ chung, Ô! lạc Bích Ung, đà cổ bồng bồng, mông tẩu tấu công 虡業維樅,賁鼓維鏞,於 論鼓鐘, 於樂辟廱ₒ 於論鼓鐘, 於樂辟廱, 鼉鼓逢逢, 矇瞍奏公 (nghĩa là: Làm cái giá treo rồi treo chuông khánh để đánh, thêm cái trống lớn và chuông lớn. Ôi! Đạo luân thường hòa cùng chuông trống; ôi! Vui cùng trường Bích ung. Ôi! Đạo luân thường hòa cùng chuông trống; ôi! Vui cùng trường Bích ung. Tiếc trống da con Lạc đà vang tùng tùng, là Sư cổ tấu diễn nhạc công).
Câu “Văn vương dĩ hữu thanh” 文王以有聲· xuất từ thiên Văn vương hữu thanh 文王 有聲· (Văn vương hữu thanh, duật tuấn hữu thanh, duật cầu quyết ninh, Duật quan quyết thành, Văn vương chưng tai 文王有聲, 遹駿有聲, 遹求厥寧, 遹觀厥成, 文王烝哉 (nghĩa là: Văn vương có tiếng tăm, tài đức của Văn Vương còn to lớn hơn tiếng tăm đó, vì mong thiên hạ được yên hòa, mà thấy được sự thành tựu của Văn Vương, Văn vương đáng bậc Quân vương thay).
Thiên Linh đài 靈臺 có 4 chương (2 chương có 6 câu và 2 chương có 4 câu) thể hiện ý mừng vui của dân chúng khi chuông trống ở trường Bích Ung vang lên, chỉ sự giáo hóa thấm nhuần khắp nơi. Và, Văn vương hữu thanh 文王有聲·dùng để ca ngợi tiếng tăm của bậc quân vương hiền tài như Chu Văn vương.
3/ Văn vương 文王: tức Chu Văn Vương周文王 (1152 - 1056 TCN), họ Cơ 姬, tên Xương 昌. Ông là con của Chu Vương quý Cơ Quý Lịch 周王季姬季歷, một thủ lĩnh bộ tộc Chu (một bộ tộc nhỏ) cuối thời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Chu Văn Vương là người đã xây nền móng triều đại nhà Chu (một trong ba triều đại cổ của Trung Hoa - thường gọi là Tam Đại: Hạ, Thương, Chu). Thời Chu Văn Vương tại vị, ông luôn cần mẫn thi hành chính sự, chiêu hiền đãi sĩ, thu nạp hiền tài. Cơ Xương bái Khương Tử Nha làm quân sư, đẩy mạnh giáo hóa Nho học, khiến triều Chu ngày càng hưng thịnh, Nho sĩ phát huy tài nghệ, góp công dựng xây đất nước vững mạnh và chăm lo cho đời sống nhân dân được no đủ, hoan ca. Từ nền tảng xã hội được Chu Văn Vương dày công gây dựng, con trai ông là Chu Vũ Vương Cơ Phát đã lật đổ Trụ vương tàn bạo, xóa bỏ triều Thương, lập nên triều Chu, mở ra một thời kỳ thịnh vượng lâu dài cho lịch sử Trung Hoa. Chu Văn Vương cùng Chu Vũ Vương, Nghiêu, Thuấn, Đại Vũ và Thành Thang thường được nhắc đến như là hình tượng những đại minh quân hiền minh thời tiền Tần.
4/ Ngô phu tử 吾夫子: bậc Phu tử (Thầy của muôn đời) của ta, tức chỉ Khổng Tử.
5/ Vạn cổ túy mộng trung nhân 萬古醉夢中人: người say sưa [chìm đắm] trong giấc mộng (về đạo Thánh hiền, về chúa thánh tôi hiền) từ vạn cổ (ngàn xưa) để lại. Câu này ý chỉ về việc Khổng tử luôn mơ ước về một xã hội chúa thánh tôi hiền, thanh bình thịnh vượng như đời vua Nghiêu, vua Thuấn, Chu Văn vương, Chu Vũ vương... Khổng Tử 孔 子 (551 - 479 TCN): tên húy Khâu 丘, tự là Trọng Ni 仲尼, sinh vào thời Xuân Thu, tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ông là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội trứ danh. Khổng Tử sinh ra trong thời loạn, những thiết chế xã hội, lễ nghi tốt đẹp nhất làm nền tảng cho xã hội ổn định của các triều đại trước… đã dần đi vào suy thoái, chư thần lấn át thiên tử, quan đại phu lại giàu có và thế lực hơn vua. Bởi vậy, Khổng Tử luôn ước mong thiết lập một xã hội tốt đẹp. Luận ngữ - cuốn sách tập hợp những lời giảng dạy của Khổng Tử - đã rất nhiều lần nhắc đến những giấc mộng được gặp gỡ, noi theo đạo của Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương, Chu Công Đán. Nếu không được mộng thấy Chu Công, mơ theo xã hội hòa bình thời Văn vương, Vũ vương thì Khổng tử cảm thấy đạo lý của mình đang đi vào đường suy kiệt. Chẳng hạn, ở sách Luận Ngữ, Thiên Thuật nhi, VII có câu: “Tử viết: thậm hĩ! Ngô suy dã. Cửu hĩ ngô bất phục mộng kiến Chu Công” 子曰: 甚矣,吾衰也ₒ 久矣, 吾不復夢見周公” (Khổng Tử rằng: Đạo của ta suy lắm rồi. Đã lâu ta không còn mơ thấy Chu Công). Giấc mộng của Khổng Tử đối với các bậc Thánh hiền trên chính là sự cụ thể hóa của niềm ao ước dựng xây xã hội an bình, tốt đẹp theo đạo lý Nho gia của ông.
6/ Thù Tứ 洙泗: dòng sông Thù (洙水 Thù thủy), sông Tứ (泗河 Tứ hà). Có con sông bắt nguồn từ phía Bắc huyện Tứ Thủy 泗水縣 tỉnh Sơn Đông 山東省 chảy xuống phía bắc Khúc Phụ 曲阜 (quê hương của Khổng Tử) thì phân thành 2 dòng: dòng sông Thù 洙水 chảy theo hướng Bắc, dòng Tứ 泗水 theo hướng Nam. Thời Xuân Thu, các dòng sông này thuộc nước Lỗ 魯國. Khổng Tử trong thời gian ở đây đã tập hợp học trò để giảng dạy đạo lý. Người đời sau nhân đó lấy “Thù tứ” 洙泗 chỉ đạo của Khổng Tử hoặc Nho gia.
7/ Sổ mẫu chi cung 數畝之宮: nhà cửa có phạm vi khoảng vài chục bước chân vuông (ý chỉ nhà cửa, địa phương có diện tích không lớn, [Cung 宮 ở đây là tường viên 牆 垣, nghĩa là tường thành thấp, nhỏ, ý chỉ khuôn viên, khu vực]). Đây là điển tích xuất xứ từ sách Lễ ký 禮記, thiên Nho hành 儒行: “Nho hữu nhất mẫu chi cung, hoàn đổ chi thất, tất môn khuê du, bồng hộ úng dữu” 儒有- 畝之宮, 環堵之室, 篳門圭窬, 篷戶瓮牖 (Bậc Nho gia ở trong địa phương nhỏ vài bước chân, với nhà nhỏ hẹp, cửa ngõ tranh tre mái lá, cửa sổ thấp bé). Đời sau, nhân đó lấy “nhất mẫu chi cung”/ hoặc “sổ mẫu chi cung” để chỉ chỗ ở đơn giản của kẻ hàn sĩ.
8/ Phò mã Đô úy Thiếu Văn 駙馬都尉少文: tức Đặng Huy Cát (1832 - 1899), con trai thứ hai của Văn Minh điện Đại học sĩ Đặng Văn Hòa (bác ruột của Đặng Huy Trứ) và bà Nguyễn Thị Thảo. Đặng Huy Cát có tên tự là Thiếu Văn, hiệu Mộng Quế. Ông lấy công chúa Tĩnh Hòa (bút hiệu Huệ Phố), con gái thứ 34 của vua Minh Mạng vào năm 1851.
9/ Quả hành 果行: hành động quyết đoán. Đây là chữ xuất từ lời Tượng 象 của quẻ Mông 蒙卦 ở Kinh Dịch 易經: “Tượng viết: Sơn há xuất tuyền, Mông. Quân tử dĩ quả hành, dục đức” 象曰: 山下出泉, 蒙, 君子以果行育德. (Lời Tượng rằng: [Nước từ] Núi chảy ra suối, là quẻ Mông. Bậc Quân tử lấy đó mà hành động quyết đoán, nuôi dưỡng đức hạnh của mình). Quẻ Mông 蒙卦 (hay Sơn Thủy Mông 山水蒙) là quẻ thứ 4 trong Kinh Dịch, tiếp nối quẻ Thủy Lôi Truân, mang ý nghĩa là những gì vừa mới bắt đầu, khởi điểm nên đương mờ mịt không rõ, nên bậc quân tử cần giữ vững chính đạo, vun bồi trí tuệ để băt đầu lựa chọn chính xác con đường đi đến “hanh” (thông) của mình.
10/ Ý chỉ Nho học do Khổng Tử khởi xướng và lưu truyền vẫn còn kéo dài cho đến lúc này.
11/ Theo chính Đặng Huy Trứ ghi chép trong “Bài ký thờ vọng thân phụ và thân mẫu ở lỵ sở Quảng Nam (năm Giáp Dần 1854” ở Đặng Dịch Trai ngôn hành lục (Nhóm Trà Lĩnh biên dịch, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 2007, tr.212 - 214) thì vào năm Giáp Dần (1854) này, ông đang chờ bổ nhiệm chức vụ ở Lỵ sở Quảng Nam (không rõ sau được bổ nhiệm chức gì). Từ năm 1856 đến 1864 thì ông lại nhậm các chức như: thông phán ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương, Tri phủ Thiên Trường, Hàn lâm viện Trước tác, Ngự sử… Tiếp đó, đến 1864, Đặng Huy Trứ lại được bổ nhiệm chức Bố chính Quảng Nam. Như vậy, văn chuông này biên soạn vào năm Tân Dậu (1861), lại viết “từ [Quảng] Nam về” thì có lẽ vào khoảng thời gian 1854 - 1856.
12/ Thanh giáo 聲教: tiếng tăm và sự giáo hóa của Thiên tử (hoàng đế), hiểu ngắn gọn tức chỉ về ân uy của đế vương. Chữ này xuất xứ từ thiên Vũ Cống 禹貢 ở sách Kinh Thư 書經 với câu: “Đông tiềm vu hải, tây bị vu lưu sa, sóc, nam kỵ thanh giáo, ngật vu tứ hải「東漸于海, 西被于流沙, 朔, 南暨聲教, 訖于四海」([Thánh đức vua Vũ nhà Hạ lan tỏa] phía đông đến tận biển, phía tây đến tận bãi sông, phía bắc - nam thì kịp đem tiếng tăm và giáo hóa tỏa khắp bốn biển).