Ai ra xứ Huế
Thừa Thiên Huế: Phía trước là “thành phố di sản”
08:49 | 17/01/2020

VÕ TRIỀU SƠN  

Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11/2019, nhiều cuộc họp quan trọng liên quan đến vấn đề phát triển Thừa Thiên Huế trong tương lai đã được xúc tiến.

Thừa Thiên Huế: Phía trước là “thành phố di sản”
Ảnh: Văn Đình Huy

Bộ Chính trị nhận thấy các tiêu chí xét công nhận thành phố trực thuộc Trung ương cho Thừa Thiên Huế như hiện nay là không còn phù hợp, cần có Nghị quyết mới cho Thừa Thiên Huế phát triển. Ý tưởng đề xuất Thừa Thiên Huế trở thành “Thành phố Di sản” đã được lưu ý và nhiều cuộc họp đã xúc tiến để xây dựng bộ tiêu chí đô thị di sản.

Trong bối cảnh đó, quan điểm nhân văn của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã được nhiều người tán đồng: “Mọi phấn đấu cũng nhằm mục đích hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đô thị, đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân được tốt hơn, xây dựng một xứ sở - quê hương hạnh phúc gắn với việc phát huy được giá trị di sản vốn có của Huế”...
  

“Thành phố di sản”

Ngày 25/10, tại thành phố Huế, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X. Theo đó, tỉnh đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009 - 2018 là 7,16%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá từ 17.500 tỷ đồng lên 32.749 tỷ đồng, tăng 1,86 lần. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 1.794 USD tăng 2,24 lần so với năm 2009. Thừa Thiên Huế từng bước khẳng định là trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh...

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất là “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” vẫn chưa đạt được. Mức tăng trưởng chưa có tính đột phá, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu ngân sách thấp và chưa đảm bảo tự cân đối ngân sách. Hệ thống đô thị phát triển chậm; lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo chưa phát triển đúng tầm, thậm chí có nguy cơ mất vị thế trong vùng.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW thì tỉnh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển Thừa Thiên Huế trở thành “Thành phố Di sản” quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, thành phố Festival, trung tâm du lịch, văn hóa và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Tại hội thảo này, nhiều ý kiến đề xuất một số kiến nghị đáng lưu ý. GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng: Cần xây dựng, thực hiện cơ chế đặc thù cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt nói chung và di sản Huế nói riêng; trong đó thực hiện chiến lược khai thác kinh tế di sản. TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm: Dù kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế tăng trưởng chưa cao nhưng tỉnh đã giữ gìn, phát huy được các giá trị văn hóa di sản, bảo vệ di sản. Vì thế cần có chính sách đặc thù để giúp tỉnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng “Thành phố di sản” có 4 yếu tố cấu thành: Nền cảnh thiên nhiên, địa văn hóa, ý tưởng quy hoạch ban đầu, quỹ kiến trúc đô thị. Xét những điều kiện đó thì Thừa Thiên Huế xứng đáng trở thành đô thị di sản. Muốn xây dựng mô hình này, địa phương xác định ngành du lịch là trụ cột phát triển kinh tế, các ngành khác phải giúp đỡ cho ngành này phát triển. Nếu không thì địa phương này vẫn nghèo dù nằm trên di sản.

Nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính TP. Huế để phát triển đô thị Huế thành vùng lõi của đô thị di sản Thừa Thiên Huế trong tương lai; nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch; khai thác hiệu quả vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai; phát triển các dịch vụ Đô thị thông minh…

Ngay sau đó, ngày 26/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị xây dựng nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với sự tham gia của nhiều chuyên gia về quy hoạch, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu... Tại hội nghị, tỉnh đã đưa ra các trụ cột phát triển chính như phát triển thành phố Huế thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia, là một trong 3 thành phố di sản của Đông Dương; đô thị lịch sử sống động; nuôi dưỡng, phát triển ngành công nghiệp tri thức... KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng đề án phát triển thành phố Huế tầm nhìn 2020 - 2030, nâng diện tích từ 70km2 lên 348km2 là một chủ trương rất đúng trong bối cảnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang phát triển nhanh và mạnh. Tuy nhiên, tỉnh cần có tầm nhìn sâu và rộng hơn, tầm nhìn xa hàng trăm năm. Từ đó vạch ra các chương trình quy hoạch và kế hoạch thực hiện cho các giai đoạn từ 5 - 10 năm và vài chục năm với chuỗi tư tưởng thống nhất, kế thừa tiếp nối trong phát triển kinh tế cũng như phát triển đô thị.

Bộ Chính trị: Sẽ ban hành một ghị quyết phù hợp cho Thừa Thiên Huế

Sáng 15/11, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.

Tờ trình về Đề án tổng kết 10 năm do Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn trình bày cho thấy, kinh tế Thừa Thiên Huế đã tăng trưởng khá cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp gắn với du lịch đang trở thành kinh tế mũi nhọn; kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện; bước đầu hình thành phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong phát triển du lịch; đã hình thành chuỗi 7 đô thị lớn và 4 khu kinh tế cùng với hệ thống chuỗi khu công nghiệp, khu chế xuất...

Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ; hệ thống đô thị phát triển chậm; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; chưa đạt được mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thấp…

Phát biểu tại buổi làm việc, các Ủy viên Bộ Chính trị khẳng định: nếu áp dụng bộ tiêu chí xét công nhận thành phố trực thuộc Trung ương cho Thừa Thiên Huế như hiện nay là không còn phù hợp.

Tập thể Bộ Chính trị cho rằng, cần nghiên cứu một cơ chế đặc thù phù hợp về đầu tư nguồn lực cho Thừa Thiên Huế. Trong định hướng phát triển thời gian tới, Thừa Thiên Huế cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch; tăng cường thu hút đầu tư tập trung; giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển. Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải có nét đặc sắc, riêng biệt của cả nước.

Bộ Chính trị tán thành với việc sớm ban hành nghị quyết cho sự phát triển của Thừa Thiên Huế, nhưng phải có điểm nhấn. Nhiệm vụ sắp tới là cần tiếp tục phát triển, định hướng theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị, nhưng phải ra được một nghị quyết mới, thể hiện được khát vọng và quyết tâm để xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương.

Kết luận tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: So với nhiều địa phương khác trong cả nước, Thừa Thiên Huế có những nét rất riêng biệt về những giá trị di sản văn hóa, nên tỉnh cần chú trọng gìn giữ nét bản sắc riêng này. Nói đến Huế là nói đến cố đô, vùng đất rất đặc thù. Con người sâu lắng, trầm tư, ít ồn ào, từ giọng nói đến tính cách. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế cần phải có sự đổi mới, táo bạo, khát khao hơn nữa để vươn mình mạnh mẽ, trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống của tỉnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, Bộ Chính trị sẽ ban hành một nghị quyết mới để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường; giúp Thừa Thiên Huế phát huy được vai trò, vị thế là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Trong nghị quyết phải cụ thể hóa, xây dựng bộ tiêu chí đặc thù, cơ chế đặc thù, chính sách đặc thù về trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế.

Xây dựng bộ tiêu chí “Đô thị di sản”

Chiều ngày 16/11/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) đã đồng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về tiêu chí đô thị Di sản.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam và quốc tế vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về đô thị di sản. Tùy theo các mục tiêu khác nhau mà các tổ chức đưa ra tiêu chí cho các đô thị di sản khác nhau. Tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Kiến trúc Quốc gia đã đề xuất giải quyết ba vấn đề, gồm: Phương án phát triển đô thị Thừa Thiên Huế thành “đô thị di sản” hay “đô thị có tính chất đặc thù về di sản”; đề xuất sơ bộ tiêu chí đánh giá đô thị có tính chất đặc thù về di sản phù hợp với điều kiện của đô thị Thừa Thiên Huế; bổ sung các nội dung vào quy định về phân loại đô thị có tính chất đặc thù về di sản, đảm bảo thuận lợi, phù hợp với đô thị Thừa Thiên Huế trong việc đề nghị công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I.

Hội nghị nhằm lựa chọn phương án đề nghị công nhận đô thị Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản, hay đô thị có tính chất đặc thù về di sản. Để xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp với điều kiện hiện nay của thành phố Huế, có thể đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, công nhận Huế là đô thị di sản, bằng xây dựng bộ tiêu chí, đề xuất công nhận đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị di sản. Xây dựng các tiêu chí đặc thù cho đô thị Thừa Thiên Huế trong việc đề nghị công nhận là đô thị di sản trực thuộc Trung ương.

Phương án 2, đề xuất đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị có tính chất đặc thù về di sản. Đề xuất bổ sung tiêu chí đô thị đặc thù về di sản để áp dụng cho đô thị Thừa Thiên Huế.

Với phương án 1, việc công nhận Huế là đô thị di sản trực thuộc Trung ương là phương án thuận tiện trong việc huy động các nguồn lực hỗ trợ trong việc phát triển đô thị Thừa Thiên Huế, tuy nhiên phương án này phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đồng thời phải xây dựng bộ tiêu chí đô thị di sản cho từng loại đô thị.

Đối với phương án 2, đề xuất đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị có tính chất đặc thù về di sản là phương án khả thi, ít tác động đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện theo phương án này sẽ tiết kiệm được thời gian và nguồn lực thực hiện. Việc lựa chọn phương án thực hiện là nội dung quan trọng để triển khai các bước tiếp theo đồng thời tạo sự nhất quán trong các công tác tuyên truyền, báo cáo các cấp thẩm quyền liên quan để xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, để đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo phương án này, Viện Quy hoạch Kiến trúc Quốc gia cũng đề nghị Thừa Thiên Huế 5 việc, gồm:

Thứ nhất, nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí đô thị có tính chất đặc thù về di sản;

Thứ hai, đề xuất Quốc hội bổ sung tiêu chí xác định đô thị có tính chất đặc thù về di sản và bổ sung quy định: “Đối với đô thị có tính chất đặc thù di sản thì tiêu chí quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 50% mức quy định; các tiêu chí khác phải đảm bảo mức quy định của loại đô thị tương ứng”;

Thứ ba, lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế với phạm vi ranh giới toàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm cơ sở để đầu tư phát triển đô thị và làm cơ sở để đánh giá phân loại đô thị;

Thứ tư, lập chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị để thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng khắc phục các tiêu chí còn thiếu, còn yếu về phân loại đô thị;

Thứ năm, đề xuất với Trung ương các cơ chế chính sách đặc thù để quản lý, bảo tồn di sản và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.

Tuy nhiên, trên cơ sở những nội dung đã được Viện Quy hoạch Kiến trúc Quốc gia tham vấn, đề xuất, các chuyên gia kiến nghị Thừa Thiên Huế cần quan tâm nhiều hơn nữa đến tính chất đô thị di sản cận đại đầu thế kỷ XX của Thừa Thiên Huế, vấn đề kinh tế biển, cây xanh đô thị và đặc biệt là yếu tố văn hóa phi vật thể của Huế.

Nhiều ý kiến cho rằng: Để thuyết phục Quốc hội, thuyết phục Trung ương đồng thuận công nhận đô thị Thừa Thiên Huế thành đô thị có tính chất đặc thù về di sản, thì cần bổ sung thật đầy đủ những yếu tố liên quan đến văn hóa Huế - văn hóa Phú Xuân và làm rõ đó là điểm mạnh của Huế mà không nơi nào có được. Bên cạnh những di sản văn hóa đã được xếp hạng, Thừa Thiên Huế vẫn còn rất nhiều giá trị văn hóa tinh thần khác rất độc đáo, riêng có nhưng vẫn chưa được quan tâm gìn giữ một cách hợp lý và thỏa đáng. Do đó, cùng với việc xây dựng bộ tiêu chí về đô thị di sản, Thừa Thiên Huế thực hiện song song ngay việc gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mất đi.

Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Nếu Thừa Thiên Huế được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên những tiêu chí về đô thị di sản thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tạo cho Huế một vị thế ngang tầm với 5 đô thị trực thuộc Trung ương hiện nay và ngang tầm với vị thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng quay trở lại bảo tồn di sản, cũng là cơ hội để giải quyết những mâu thuẫn muôn thủa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa trầm lắng của người Huế với sự năng động đổi mới sáng tạo.

V.T.S  
(SHSDB35/12-2019)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng