Ai ra xứ Huế
Nam Đông không xa
16:34 | 22/01/2020

PHẠM HỮU THU

Ngồi trong ngôi nhà Gươl ở huyện Nam Đông, tôi thật sự phấn khích khi được những cô gái Cơ Tu, dịu dàng trong bộ thổ cẩm mời thưởng thức những món ngon được chế biến từ “cây nhà lá vườn” hay sản vật của núi rừng Thừa Thiên Huế.

Nam Đông không xa
Một góc thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông - Nguồn: thuathienhue.gov.vn

“Không gian ẩm thực” là hợp phần của sự kiện “Nét đẹp văn hóa con người Nam Đông” lần đầu tiên được huyện này tổ chức vào giữa tháng 7/2019. Từ nguồn nguyên liệu như: nếp than, cũ và lá sắn, ngô, bắp chuối rừng, đoác, măng giang, kiến đỏ, gà kiếng, heo rừng đến các loài như: ốc, ếch, cá được đánh bắt từ những con sông con suối được chế biến, gói gém tươm tất vào những tàu lá chuối rồi đựng vào từng chiếc mẹt tre đãi khách. Trong mớ “tà lục tà lạo” ấy, thực khách, tùy sở thích có thể chọn vài món rồi nhâm nhi với ly rượu được ủ từ cây đoác hay từ nếp than được đựng trong những chiếc cốc cắt từ gốc cây giang hay lồ ô cho thấy nền văn hóa ẩm thực của người Cơ Tu gần gũi với tự nhiên và thân thiện với môi trường.

Riêng sắn tôi đã tranh thủ “nếm” đủ. Nếu xã Thượng Long có món sắn hấp chấm mật ong thì xã Thượng Nhật và Hương Hữu chỉ giới thiệu món ăn dân dã: sắn luộc chấm muối ớt và sắn nướng; có lẽ do ở gần thị trấn Khe Tre nên xã Thượng Lộ “trình làng” món sắn cũ được hấp kèm với xôi nếp than hay sắn được bào nhỏ để nấu cháo. Sau khi trải nghiệm, vị giác và khứu giác mách bảo tôi rằng, giống sắn một thời từng tạo nên thương hiệu Nam Đông hầu như đã vắng bóng. Nó không đến nỗi tuyệt chủng như gạo de An Cựu nhưng muốn mua, muốn thưởng thức loại sắn này quả là không dễ.

Hơn hai mươi năm về trước, khi con đường qua đèo La Hy còn chênh vênh và đầy bụi đỏ; hễ sau mỗi chuyến lên Nam Đông không chỉ tôi mà nhiều người khác đã tranh thủ ghé chợ Khe Tre mua một ít sắn Nam Đông. Đó là giống sắn có da khá mỏng, vỏ màu hồng nhạt và củ không quá to. Người Cơ Tu gọi tên là sắn “Thăn Nung”, thường được trồng hai bên sườn đèo La Hy, các bìa rừng hay các vườn đồi của đồng bào dân tộc. Thời đó, gạo còn là mặt hàng xa xỉ, nên sắn Thăn Nung trở thành “kho” dự trữ lương thực của đồng bào vì nó được thu hoạch quanh năm do không bị thối vì bị ngâm nước như sắn ở đồng bằng. Sáng lên rẫy, trước khi về tranh thủ nhổ vài bụi cho vào a ter là có đủ nguồn lương thực cho cả ngày hôm sau. Bếp nhà sàn của người Cơ Tu thời ấy lửa cũng đỏ quanh năm. Tôi từng được hít hà trong không gian sực nức mùi thơm của sắn nướng và sung sướng đón nhận từ chủ nhà món quà “nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn”. Để nông sản này trở thành đặc sản (khi hấp hay luộc không cần cho thêm vài lá dứa hay bông “nắp ấm” nhưng vẫn có hương vị đặc trưng) trong buffet của các nhà hàng, theo tôi, Nam Đông nên tìm cách phục tráng giống sắn quý hiếm này; đặc biệt là nhờ các nhà khoa học phân tích, đối chiếu lượng tinh bột, biết đâu đây sẽ nguồn lương thực chính yếu cho người bị bệnh Đái tháo đường đang ngày mỗi gia tăng?

Phát triển theo xu thế này, A Lưới đã thành công khi phục tráng giống lúa Ra Dư. Một loại gạo ít tinh bột, ăn không thấy ngán, chủ yếu được trồng trên rẫy nên năng suất không cao. Bù lại, nhờ đã tạo dựng được thương hiệu và người tiêu dùng chấp nhận mức giá phù hợp nên hiện nay gạo Ra Dư đang lâm vào tình cảnh “cung không đủ cầu”.

*

Đến Nam Đông, sau khi tham dự sự kiện “Không gian ẩm thực Nam Đông”, Đoàn Famtrip do Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức đã có dịp đến xã Hương Hòa thăm trang trại của gia đình ông Nguyễn Sinh. Ông Nguyễn Sinh quê ở Vinh Giang, huyện Phú Lộc lên Nam Đông lập nghiệp. Trang trại của gia đình rộng 10 ha chủ yếu trồng cao su, từ năm 2015 mới bắt đầu trồng cây ăn trái. Ông cho biết, hiện vườn của ông đã trồng 1.600 gốc ổi, 1.100 gốc cam, 200 gốc sầu riêng; 200 cây dừa Xiêm. Năm ngoái, chỉ riêng bán ổi gia đình ông đã thu được 360 triệu. Đây mới là mùa ổi thứ hai; còn cam, theo ông Nguyễn Sinh, đến cuối năm nay mới thu hoạch. Để phục vụ cho trồng trọt ông Nguyễn Sinh đã nuôi 50 con bò để lấy phân (hiện đàn bò còn 25 con) và để tạo cảnh quan, ông cho đào 5 hồ để nuôi cá. Dự kiến đến năm 2021 doanh thu từ trang trại của ông Nguyễn Sinh sẽ đạt 3 tỷ.

Trồng cây, lập trang trại, bên cạnh sự cần mẫn nổi tiếng của người “Khu Ba Phú Lộc”, ông Nguyễn Sinh cho biết “kiến thức tôi có được là nhờ có mạng Internet.” Thăm trang trại, du khách không chỉ được vào vườn ngắm từng quả ổi, quả cam, cách chăm sóc mà còn được chọn hái những quả mà mình thích và ăn tại chỗ, bởi theo lời giới thiệu của chủ nhân, đây là ổi sạch, không có thuốc trừ sâu. Cảnh tượng này làm tôi liên tưởng đến Nam Bộ, khi được về Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang thăm vườn và thưởng thức đủ các loại đặc sản miệt vườn. Nhờ tiếp thị bằng cách này, chủ nhân không hề “lỗ vốn”, bởi trước khi rời trang trại hầu như ai cũng tranh thủ mua vài kg ổi làm quà. Không kịp đóng gói, chủ nhân sẵn sàng shipter cho khách đúng điểm hẹn. Lên xe, nhiều doanh nhân tấm tắc khen và đều chọn trang trại này là điểm đến tương lai khi đưa khách lên Nam Đông (dĩ nhiên để trở thành điểm đến cần phải bổ sung vài dịch vụ như nhà đón tiếp, nhà vệ sinh, quầy thanh toán, mô hình thao diễn…).

Thôn Dổi của xã Thượng Lộ, với tôi không mấy xa lạ, vì nó không chỉ nằm gần thị trấn Khe Tre mà còn là quê của anh Hồ Tưới, người mà tôi quen thân khi ông còn làm Bí thư Huyện ủy Nam Đông. Nhưng với thác Kazan, đây là nơi tôi đến lần đầu.

Thác Kazan cách ngã ba nhà bia ghi danh liệt sĩ Thượng Lộ chừng 300 mét về phía Tây Nam. Từng tắm ở thác A Ka, thác Mơ, thác Trượt, thác Phướn của Nam Đông nên dịp này dù đường đi còn lắm chênh vênh nhưng tôi cố “phượt” để được hòa vào lòng hồ mát lạnh lọt thõm dưới lớp đá tai mèo còn dày đặc rêu phong và điệp trùng cây xanh đến âm u của núi rừng Trường Sơn.

Đích thị Kazan là điểm du lịch sinh thái tuyệt với. Nhưng để biến nó thành điểm đến thuận lợi và an toàn thì không thể không đầu tư. Ít nhất là phải mở rộng tuyến đường vào và có bãi đổ xe, nhà vệ sinh, nơi thay quần áo, quầy giải khát, giỏ đựng rác; đặc biệt để lên tới thác cần phải có sạn đạo. Tôi mừng khi được anh Lê Hữu Minh, Q. Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, từ đây đến năm 2025, thôn Dỗi - nơi có thác Kazan sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ 1,35 tỷ để làm đường vào điểm du lịch, đường nội bộ, bãi đổ xe, nhà đón tiếp, nhà vệ sinh, bảng chỉ dẫn và cơ sở lưu trú ở nhà dân - homestay, sau khi HĐND Thừa Thiên Huế thông qua chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Ngồi trong ngôi nhà Gươl khá đẹp của thôn Dổi, Đoàn Famtrip được HTX Du lịch cộng đồng thác Kazan mời ăn trưa và thưởng thức văn nghệ. Nghe lão nghệ nhân dân gian hát, xem những cô gái Cơ Tu nhún nhảy theo nhịp trống, nhịp chiêng, nhiều doanh nhân trẻ từ Huế lên tỏ ra phấn khích và mong trên cái nền hiện có, địa phương tiếp tục nâng cấp nhằm đắp ứng nhu cầu về nguồn tìm hiểu bẳn sắc dân tộc hiện nay. Nữ Bí thư Huyện ủy Nam Đông Lê Thị Thu Hương còn khá trẻ. Nhờ có kiến thức và đi đó đi đây khá nhiều nên cô khát khao dùng những hiểu biết đó để góp phần thúc đẩy Nam Đông hội nhập. Ngoài việc cử Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Dương Thanh Phước, nữ Bí thư Huyện ủy của huyện miền núi này còn dành thời gian tiếp cận, hàn huyên với Đoàn. Sau khi Nam Đông trở thành huyện Anh hùng trong thời kỳ Đổi mới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn huyện miền núi này để xây dựng huyện đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới. Ngoài đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mục tiêu cao nhất của Nam Đông là nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Trong khi điện - đường - trường - trạm và nước sạch cơ bản được bao phủ (sau khi HueWaco xây dựng nhà máy ở Thượng Long) thì việc nâng cao mức thu nhập thực tế của người dân đã trở thành chương trình hành động của cả hệ thống chính trị và khai thác nguồn tài nguyên du lịch sinh thái cộng đồng đang được Nam Đông nhắm đến. Khi trao đổi, yếu tố về thuận lợi giao thông đã được tính đến. Nó trở thành điểm son và là bàn đạp giúp Nam Đông cất cánh, đặc biệt là sau khi tuyến cao tốc La Sơn -Túy Loan hoàn thành, tuyến đường từ Huế lên và từ Đà Nẵng ra Nam Đông đã được rút ngắn, có nhiều đoạn xe chạy với tốc độ từ 80-100km/h. Do không còn phải vượt đèo La Hy như trước nên các đơn vị lữ hành đã thấy vui và yên tâm hơn khi đưa khách lên Nam Đông. Vấn đề còn lại là chung tay, góp sức khai thác tiềm năng du lịch của Nam Đông như thế nào?

Những điều mà Nam Đông cần làm cho du lịch, theo góp ý của Đoàn Famtrip là những câu chuyện kể, ví như khi tham quan vườn ổi, khách cần nghe cách trồng trọt, chăm sóc như thế nào để tạo ra sản phẩm sạch; không nhất thiết phải đâm trâu nhưng cần phải tìm cách khôi phục lễ hội độc đáo này đúng bản sắc văn hóa của người Cơ Tu và khi quảng diễn nên may sẵn y phục truyền thống của người Cơ Tu để bán hoặc cho du khách thuê; kèm theo đó là nên xây dựng một hoặc hai làng văn hóa tiêu biểu, đủ điều kiện đón khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm đời sống của người Cơ Tu. Do đường nông thôn ở Nam Đông khá tốt, cảnh quan đẹp nên cần thiết kế để mở tour xe đạp khám phá; đồng thời tích cực mở thêm cơ sở lưu trú, chuẩn bị đón lượng khách đến từ Huế và Đà Nẵng đổ về. Khi mở nhà nghỉ hay homestay nên mời Hiệp hội lữ hành du lịch tư vấn; đồng thời đề nghị Sở Du lịch phối hợp với Trường cao đẳng du lịch huấn luyện, đào tạo nhằm trang bị kỹ năng, cách thức phục vụ cho người dân tham gia kinh doanh lưu trú hay làm dịch vụ homestay. Thay mặt Đoàn Famtrip, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Thừa Thiên Huế Dương Thị Công Lý đề nghị huyện nên có cơ chế khuyến khích cho các thành viên trong Hiệp hội khi tổ chức đưa khách lên Nam Đông.

Những đóng góp thiết thực, chân thành của doanh nhân đều được nữ Bí thư Huyện ủy Nam Đông Lê Thị Thu Hương cám ơn và ghi nhận. Bí thư Huyện ủy cho biết, Nam Đông đang xây dựng đề án làng văn hóa truyền thống Cơ Tu; ở đó ngoài nhà Gươl còn có nhà sàn, vườn tược và vườn cây bản địa; đồng thời sẽ hỗ trợ người dân làm homestay và mong trong một ngày gần đây sẽ được ngồi lại với nhau nhằm cụ thể hóa những đề xuất. Mở đầu cho xu thế phát triển này, Công ty YesHue Eco hiện đang đầu tư chừng 30 tỷ để xây dựng Khu du lịch sinh thái thác Mơ, nơi chỉ cách Huế 45km và Đà Nẵng 60km nhờ nằm gần tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đi qua. Tại đây, kể từ năm 2020, du khách sẽ được tắm suối, cắm trại, nghỉ dưỡng ở các khu resort; đồng thời tổ chức sự kiện và YesHue Eco cam kết sẽ có nhà hàng đủ để phục vụ cho 1.500 thực khách. Còn Công ty CP Truyền thông quảng cáo và Du lịch Đại Bàng - Eagletourist, sau thời gian đưa khách từ Huế lên đang tính đến phương án tìm nơi lưu trú để đưa nguồn khách từ Đà Nẵng ra. Một số doanh nhân khác sau chuyến đi này đang tìm cơ hội hợp tác đầu tư. Do đã trải nghiệm hồ Tả Trạch vào mùa Đông nên nữ Bí thư Huyện ủy Nam Đông tha thiết đề nghị các doanh nghiệp nên khảo sát tour này và nhấn mạnh: “Nó đẹp lắm không thua gì các hồ nổi tiếng mà tôi đã trải qua”.

Tôi đã lên và đã ngắm biển nước trong xanh của Tả Trạch vào ngày hè nhưng mùa mưa thì chưa. Với lưu vực rộng hơn 700 cây số vuông, tôi tin, khi ấy những bức tranh thủy mặc sẽ hiện ra. Non nước mình đẹp như thế thì xin cứ đi, cảm nhận và rồi sẽ thẩm thấu.

P.H.T  
(SHSDB35/12-2019)


 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng