Ai ra xứ Huế
Góp thêm tư liệu về lễ tế Nam Giao năm 1936
08:25 | 04/02/2020

ĐỖ MINH ĐIỀN  

Lễ tế Đàn Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới thời nhà Nguyễn. Trong phân cấp hoạt động tế tự, tế Giao được liệt vào hàng đại tự, do triều đình đứng ra tổ chức.

Góp thêm tư liệu về lễ tế Nam Giao năm 1936
Toàn cảnh đàn Nam Giao năm 1936 (Nguồn ảnh: https://www. flickr. com/photos)

Tế Nam Giao là nghi thức chịu sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng Khổng - Nho, nhằm thể hiện tính chính danh của triều đại và quyền uy của bậc Thiên tử. Theo sử liệu, lễ tế đầu tiên được tổ chức vào năm 1807, và từ đó, hoạt động tế tự tuy có gián đoạn nhưng liên tục được các vua Nguyễn cử hành đều đặn cho đến ngày triều Nguyễn cáo chung.

Từ trước đến nay, nghiên cứu về lễ tế Nam Giao nói chung, bên cạnh việc kế thừa nguồn tư liệu chính sử được biên soạn dưới thời nhà Nguyễn thì những ghi chép, mô tả, khảo cứu của các học giả phương Tây, mà chủ yếu là người Pháp như: Léopold Cadière1, Orband2… được xem là những cứ liệu rất đáng tin cậy. Thế nhưng, bước đầu khảo sát hệ thống tư liệu báo chí đương thời, chúng tôi bắt gặp khá nhiều thông tin liên quan đến các kỳ tế Giao vào giai đoạn cuối triều Nguyễn. Trong số đó phải kể đến báo Tràng An - một trong những tờ báo để lại nhiều dấu ấn trong diễn trình lịch sử báo chí Việt Nam.

Báo Tràng An là tờ báo ra đời khá sớm ở Huế. Tràng An báo chính thức góp mặt trong làng báo chí Việt Nam vào năm 1935, đây là tờ báo tư nhân do ông Bùi Huy Tín - chủ nhà in Đắc Lập, đứng tên khai sinh kiêm luôn Chủ nhiệm, in ấn phát hành. Báo ra đều đặn hằng tuần (1 tuần hai số, vào thứ ba và thứ 6), với chủ trương cung cấp thông tin về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…, trong phạm vi một số tỉnh ở Trung Kỳ.

Trong suốt thời gian hoạt động của mình, báo Tràng An cập nhật kịp thời rất nhiều tin tức, về: tình hình chính trị một số nước, nghị định của Khâm sứ Trung kỳ, lệnh thăng thưởng, thuyên chuyển nhiệm sở đối với quan lại Nam triều, hội Truyền bá chữ Quốc ngữ, bầu cử, thi tuyển… đến các thông tin về thể thao (như Tuần lễ Thể thao ở Huế 1936), kinh tế thương mại (Hội chợ thương mại Huế năm 1936, giá nhà đất), văn hóa (Lễ Phật đản năm 1935), xã hội (tin khiếu kiện, tai nạn giao thông, dịch bệnh, các vụ tự tử, giết người), quảng cáo, tin sách... Tất cả những tin bài trên báo Tràng An là nguồn tư liệu vô cùng giá trị, góp phần giúp chúng ta nhận diện đầy đủ hơn về bối cảnh chính trị xã hội diễn ra ở Trung kỳ vào nửa đầu thế kỷ XX.

Hoàng đế Bảo Đại trong ngày tế Nam Giao 1936 (Nguồn ảnh: https://www.flickr.com/photos)


Lễ tế Giao là một sự kiện trọng đại được tổ chức ở Kinh đô, thu hút sự chú ý của rất nhiều tầng lớp lúc bấy giờ. Nắm bắt được nhu cầu của bạn đọc, từ số 101 đến 106 báo Tràng An ưu tiên thời lượng, nhằm cung cấp thông tin liên quan xung quanh lễ tế Nam Giao. Đầu tiên, trên số 101 (ra ngày 28 Févrler 1936), tác giả Phan Thị Nga đăng bài “Nhân lễ Nam Giao sắp tới, mấy lời thỉnh cầu”. Tiếp đó số 102 (ra ngày 06 Mars 1936), là các bài. [1] Chương trình lễ tế Nam Giao, [2] Đám rước Hoàng thượng lên Trai Cung. Đến số 104 (ra ngày 10 Mars 1936) gồm các tin [1] Tương lai của lễ Nam Giao của Hoài Thanh, [2] Lễ Nam Giao, đám rước Hoàng thượng lên Trai Cung, lễ thử. Sang số 105 (ra ngày 13 Mars 1936) có bài [1] Tế Giao của Bùi Huy Tín, [2] Hai giờ đêm đi xem lễ Nam Giao của Hoài Thanh và cuối cùng là bài “Về lễ Nam Giao” của tác giả Phan Thị Nga đăng trên trang đầu báo Tràng An, số 106, ra vào ngày 17 tháng 03 năm 1936.

Chánh tế của lễ Nam Giao được ấn định diễn ra vào rạng sáng ngày mồng 10 tháng 03 năm 1936, nhưng trước đó, mọi công tác chuẩn bị từ việc tập duyệt, sắm sửa lễ phẩm, tập thử lễ trên Đàn… được gấp rút thực hiện. Trên Tràng An số 102 và 103 cung cấp cho chúng ta khá chi tiết về chương trình tế lễ.

- Ngày 06 tháng 03 năm 1936, vào lúc 9h: Các cơ quan liên quan họp tại đàn Nam Giao để sắp đặt và chia cắt các công việc.

- Ngày 07 tháng 03 năm 1936, vào lúc 15h: tập thử Đạo ngự lần thứ nhất ở trước quảng trường Ngọ Môn.

- Ngày 08 tháng 03 năm 1936, vào lúc 9h: tập thử Đạo ngự lần thứ hai, đến 15h thì tập thử lễ trên đàn Nam Giao lần thứ nhất.

Lễ tế Giao vào ngày 10 tháng 03 năm 1936 diễn ra cùng thời điểm với Hội chợ thương mại. Trong lúc binh lính và quan viên đang bận rộn công việc thì khắp phố phường ở Huế một bầu không khí háo hức, vui nhộn đến lạ thường, “Kinh thành Huế đã khoác một cái áo lộng lẫy choáng lộng, quang cảnh tưng bừng một ngày đại hội. Hai dãy phố cờ xí rợp trời, người đi như mắc cửi, xe chạy không ngớt. Nếu nhận kỹ ta thấy đến một phần tư là người bắc. Họ đua nhau về coi vì nhiều người đồn lễ Nam Giao năm nay là lễ chót”3.

Đoàn Ngự đạo tế Giao năm 1936 (Nguồn ảnh: https://www.flickr.com/photos)


- Ngày 09 tháng 03 năm 1936, vào khoảng 8h sáng, Đạo ngự nghinh rước Hoàng thượng lên Trai Cung. Lúc ra đoàn Ngự đạo ra đến cửa Ngọ Môn thì lệnh phát chín tiếng súng. Đám rước Hoàng thượng lên Trai Cung đi từ cửa Ngọ Môn ra đường Citadelle (đoạn từ Thương Bạc vô đến cửa Thượng Tứ, người Huế vẫn quen gọi là đường Thượng Tứ), phố Paul Bert (dọc đường Trần Hưng Đạo bây giờ), qua cầu Tràng Tiền, đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi) rồi rẽ lên đường Nam Giao (tức đường Điện Biên Phủ). Đám rước chia thành 3 đạo, với số người tham gia gần 1. 200. Đến 12h, Đạo ngự tới Trai Cung. Tại đó có lính “bồng súng” đón chào Hoàng thượng. Lúc 15h cùng ngày, tập thử lễ trên đàn lần nhì (cũng là lần cuối) có Hoàng thượng ngự lãm, “công chúng có giấy mời được phép vào đàn Nam Giao coi, nhưng chỉ được đứng ở tầng thứ 2, còn tầng thứ nhất là nơi hành lễ thì không có ai vào coi cả, nghĩa là không cho một nhà báo nào lên tới đó”4.

- Ngày 10 tháng 03 năm 1936, rạng sáng (1h) tất cả bộ phận có nhiệm vụ, quan viên, binh lính họp tất cả lại để sửa soạn lễ vật. Đến 1h45, “Những người có giấy mời họp tại nhà riêng ở trong đàn, có quan Đổng lý Văn phòng Phạm Quỳnh và quan Bửu Thạch”5 tiếp đón. Khoảng 2h sáng, lễ Nam Giao chính thức bắt đầu. 7h30, tổ chức lễ Khánh hạ trước sân Trai Cung. Sau đó, vào lúc 8h, Đạo ngự rước Hoàng thượng hồi cung. Khi đến cửa Ngọ Môn cũng cho bắn 9 phát súng. Lễ tế đến đây là kết thúc.

Đối với đoàn Ngự đạo phục vụ lễ tế, bao gồm: Tiền đạo, Trung đạo và Hậu đạo. Số 102 và 103 báo Tràng An mô tả số lượng viên binh tham gia, hệ thống nghi trượng, lỗ bộ như sau:

- Tiền đạo: 6 viên binh (gồm 3 chánh - phó quản và 3 suất đội); 2 lính cầm Ngự tiết, 2 lính cầm Ngự tượng; 2 voi (mỗi voi có 4 lính đi kèm); 5 lính cầm cờ Ngũ hành; một cái Chiêng do 4 lính khiêng và 1 người đánh; 1 trống do 4 lính khiêng và một người cầm dùi; 10 viên tuần sát; 3 lính mang trống Ngũ lôi; 2 lính mang Chũm chọe; 6 lính khiêng một cái bàn trên có cắm cờ Bắc Đẩu; 4 lính mang cờ Túc Tịnh; 28 lính mang cờ Nhị thập bát tú; 2 lính mang cờ Bảo Vỹ; 2 lính mang chàng Vũ Bảo; 2 lính mang phan Chấn Thiên Thanh; 2 lính mang phan Tán Võ Công; 2 lính mang phan Phu Văn Đức; 2 lính mang phan Trương Trị Hòa; 2 lính mang phan Trí Thăng Bình, 2 lính mang phan Diệu Tam Quang; 2 lính mang phan Thạch Lục Hiệp; 10 lính mang Tú Kỳ; 10 lính mang Long Kỳ. Tổng cộng là 131 viên binh.

- Trung đạo: 10 viên binh (3 chánh - phó quản, 7 suất đội); 1 xe Tứ mã có 2 lính hầu; 12 lính Kỵ mã; 5 lính mang cờ Ngũ hành; 6 lính về ban Nhã nhạc; 8 lính mang cờ Bát quái; 1 Long đình Phúc Tửu có 4 lính khiêng và 2 lính che lọng; 4 lính mang cờ Châu Tước; Huyền Võ; Thanh Long, Bạch Hổ; 12 lính về ban đại nhạc; 2 lính mang Loan Kỳ; 2 lính mang Thanh Đạo kỳ; 1 Châu án; Phúc tửu trên che tàn Cửu Long với 4 lính khiêng; 8 lính mang tàn; 6 lính mang quạt; 2 ngự mã; 4 lính hầu; 1 Long liễn (12 lính hầu); 2 lính mang Kỉnh kỳ; 12 lính mang Tú kỳ; 2 lính mang tàn Cửu Long; 4 lính mang cờ Nhật, Nguyệt, Phong, Vân; 10 lính mang Lỗ bộ; 10 lính mang Long kỳ; 1 Thị vệ mang cờ Tả đạo; 10 lính mang Chân tượng; 10 lính cầm Chàng; 6 lính khiêng 1 Long đình Kim Bửu; 6 lính về ban Nhã nhạc; 4 lính mang tàn; 4 lính mang quạt; 6 vị Tôn tước mang Ngọc tiết; 40 tuần binh; 1 Long đình trên để tượng Đồng nhân có 4 lính khiêng và2 lính mang lọng đi bên; 1 Long đình trên để bộ Cổn Miện với 4 lính khiêng và hai lính mang lọng đi bên; 1 Long đình trên để Ngự phục với 4 lính khiêng và hai lính mang lọng đi bên; 2 lính mang đèn lồng; 2 lính mang Hương hạp; 2 lính mang Đề lô (một số tư liệu ghi là Lộ đề); 2 lính mang Phất trần; 2 lính mang Vũ phiến; 2 viên Suất đội mang Kim kiếm; 2 viên Thị vệ mang Ngự kiếm; 38 lính hầu Ngự Liễn (trên Hoàng thượng ngự); 6 lính mang lọng vàng; 12 lính về ban Nhã nhạc; 8 lính mang Môn kỳ; 1 lính kéo Ngự thủ xa (thêm 1 lính đi bên); 2 lính mang lọng; 20 lính mang Hoàng kỳ. Tổng cộng 377 viên binh.

- Hậu đạo: 5 viên binh (2 chánh - phó quan, 2 Suất đội; 1 Suất đội tuần binh); 100 lính mang cờ Ngũ hành; 2 lệnh Chinh cổ có 8 lính khiêng và 2 quyền suất đi bên; 5 lính mang cờ Ngũ trấn (ở giữa là Trung trấn, hai bên có Nam trấn, Đông trấn, Bắc trấn và Tây trấn); 16 lính mang Long kỳ; 8 lính mang Phương kỳ; 40 lính mang Giác kỳ. Rồi đến các vị Hoàng thân, Tôn nhân, văn võ đình thần. Sau cùng hai voi và 8 lính đi kèm. Tổng cộng 144 viên binh. Tổng cộng cả 3 đạo là 622 viên binh.

Từ những thông tin trên báo Tràng An, có thể thấy lễ tế vào năm 1936 được triều đình tổ chức rất quy củ, với đầy đủ nghi trượng, tàn, lọng, lỗ bộ, cờ xí. Đây là cứ liệu rất quan trọng giúp chúng ta hình dung một cách đầy đủ và chân xác nhất về quy cách và lễ thức tế Giao dưới thời nhà Nguyễn. Qua đó, bổ sung những thiếu sót về mặt tư liệu, từng bước hoàn thiện hơn nữa nhằm phục vụ công tác bảo tồn và phục hồi lễ tế Nam Giao.

Đ.M.Đ  
(SHSDB35/12-2019)

-------------
1. Xin xem thêm, Cadière, L. (1914), “Documents  historiques sur le Nam Giao” (Tư liệu lịch sử về Nam Giao); “Les pins du Nam Giao: Note historique” (Những cây thông ở Nam Giao: ghi chú lịch sử), BAVH, No. 1. Cadière, L. (1915), “Le cortège” (Ngự đạo); “La disposition des lieux” (Bài trí, liệt ban); “Le rituel du Sacrifice” (Nghi lễ tế), BAVH No. 2/1915. Cadière, L. (1936), “Le sacrifice du Nam Giao: le cortège” (Ngự đạo); “Le sacrifice du Nam Giao: La disposition des lieux” (Lễ tế Nam Giao: Bài trí, liệt ban); “Le sacrifice du Nam Giao: Le rituel du sacrifice” (Lễ tế Nam Giao: Nghi lễ), BAVH No. 1/1936.

2. Orband, R. (1915), “Préliminaires et préparatifs” (Việc  chuẩn bị); “L’invocation ou prière” (Chúc văn); “Officiants et ministres” (Chánh tế, bồi tế và trợ tế); “Les Danses” (Vũ điệu); “Détail des offrandes et des objets de culte” (Lễ phẩm), BAVH No. 2/1915. Orband, R. (1916), “Les fêtes à Hué” (Lễ hội ở Huế), BAVH No. 2/1916. Orband, R. (1936), “Le sacrifice du Nam Giao: L’invocation ou prière” (Lễ tế Nam Giao: cầu đảo hay cầu nguyện); “Le sacrifice du Nam Giao: Officiants et Ministres” (Lễ tế Nam Giao: các vị tư tế và thừa hành); “Le sacrifice du Nam Giao: Les danses” (Lễ tế Nam Giao: các vũ điệu), BAVH No. 1/1936. Orband, R. et L. Cadière (1936), “Le sacrifice du Nam Giao” (Lễ tế Nam Giao), BAVH No. 1/1936.

3. Báo Tràng An (1936) “Lễ Nam Giao, đám rước Hoàng  thượng lên Trai Cung, lễ thử”, số 104, tr: 1.

4. “Lễ Nam Giao, đám rước Hoàng thượng lên Trai Cung, lễ  thử”, số 104, bđd, tr: 1.

5. Báo Tràng An (1936) “Chương trình lễ tế Nam Giao”, số  102, tr: 1.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng