Ai ra xứ Huế
Cuộc chuyển mình chiến lược và quy mô nâng cấp đô thị Thừa Thiên Huế
14:28 | 21/04/2020

ĐẶNG YÊN  

Trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, Thừa Thiên Huế đã có sự phát triển ổn định về kinh tế, phát huy các giá trị văn hóa, di sản, là một trong những trung tâm về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Cuộc chuyển mình chiến lược và quy mô nâng cấp đô thị Thừa Thiên Huế
Ảnh Hồ Ngọc Sơn

Sự đồng lòng, chung tay, góp sức của chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã làm nên những thành quả đó và cần hơn nữa tư duy, nhận thức có tầm chiến lược, tận dụng tối đa những điều kiện khách quan và chủ quan để Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, ở cả chiều rộng, chiều sâu. Đặc biệt, để định hướng phát triển cho tương lai, Thừa Thiên Huế đã được Trung ương quan tâm, chỉ đạo sát sao và xây dựng cơ bản chiến lược phát triển trong vòng 25 năm tới. Những nội dung, mục tiêu lớn và định hướng cụ thể là điều kiện thuận lợi, là những định hướng quan trọng để tỉnh xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn kế tiếp, nhằm phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh riêng có của Huế.

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ những mục tiêu quan trọng, cấp thiết, cụ thể. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh, không chỉ là riêng của Thừa Thiên Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu, đặc sắc của châu Á.

Từ đó có thể thấy, văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế là các trụ cột chiến lược để xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trung tâm của vùng, quốc gia, khu vực Đông Nam Á và châu Á trong tương lai. Huế xác định yếu tố văn hóa là một trụ cột quan trọng bậc nhất để xây dựng chiến lược phát triển, nâng tầm đô thị Thừa Thiên Huế. Huế đẹp, cổ kính và thơ mộng. Ai từng sinh ra và lớn lên ở Huế hay thăm Huế một lần đều ấp ủ nỗi nhớ khôn nguôi. Chúng ta nhận thức rằng Huế là nơi lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Văn hóa Huế được làm giàu bởi sự hài hòa các dòng văn hóa đô thị, văn hóa làng, văn hóa cung đình và văn hóa dân gian. Chính người Huế đã sáng tạo thêm nhiều giá trị tinh thần và vật chất, làm giàu cho kho tàng văn hóa dân tộc. Người Huế xây dựng trên quê hương bao công trình kiến trúc mang dáng dấp riêng, không đâu có thể nhầm lẫn được. Người Huế sáng tạo bao câu ca, điệu hò ru mát tâm hồn, làm say sưa không biết bao nhiêu người khách đến Huế. Người Huế biến những thực phẩm hàng ngày thành một nền ẩm thực riêng, nào bún bò, cơm hến, bánh nậm, bánh ít, nào tré, mè xửng, chè cung đình... tất cả mang phong vị rất Huế khiến ai nếm một lần là nhớ mãi. Văn hóa Huế là một nền văn hóa của cái đẹp trong di sản vật thể và tinh thần. Sự dung hợp giữa các dòng văn hóa trên đã làm giàu cho di sản văn hóa Huế, làm nên bản sắc Huế. Đồng thời, bản sắc của một thành phố văn hóa cũng được phát triển thông qua sự gắn kết với văn học nghệ thuật bằng cách chỉ ra một hệ hình văn hóa, các đặc trưng văn học nghệ thuật, điều đã tạo nên di sản tinh thần của một vùng đất. Huế là một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới.

Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng văn hóa là một trong những tài nguyên quan trọng nhất mà phát triển du lịch bền vững thế kỷ XXI hướng tới. Nhận định đó cho thấy việc ứng dụng văn hóa vào du lịch là điều cần thiết và có triển vọng, không chỉ riêng đối với Huế mà còn với cả nước. Huế từ lâu là một trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước. Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng điểm của địa phương. Huế được nhiều khách trong nước và quốc tế biết đến như một điểm đến thân thiện, mến khách, một trong những địa phương tiềm năng lớn của du lịch cả nước, tiềm ẩn những giá trị hấp dẫn, độc đáo, tính khác biệt, nổi trội của vùng đất kinh kỳ. Huế không chỉ nổi tiếng bởi quần thể di tích nhà Nguyễn, các kiến trúc cổ truyền độc đáo, các danh lam thắng cảnh, di sản ẩm thực phong phú và một nền văn học nghệ thuật có bề dày lịch sử của đất nước Việt Nam. Sự yêu mến của du khách trong và ngoài nước dành cho Huế những năm qua đã chứng minh điều đó. Trong bối cảnh văn hóa đương đại, việc sử dụng các dịch vụ du lịch văn hóa luôn được chọn lựa với số lượng khách du lịch ngày mỗi gia tăng. Trong những năm gần đây, thị phần khách du lịch đến Thừa Thiên Huế có sự chuyển dịch lớn, trong đó phải kể đến thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường Tây Âu, Mỹ. Phát huy lợi thế thành phố của những di sản và lễ hội - nguồn tài nguyên quý giá của du lịch, ngành kinh tế - du lịch kết hợp với những tiềm năng khác của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển khá toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước, thực hiện sự liên kết về du lịch với các tour du lịch trong tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Lầu Ngũ Phụng. Ảnh: Vĩnh Hướng


Bên cạnh đó, Nghị quyết 54 chỉ rõ “Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu Châu Á. Xây dựng Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam”. Theo đó, Đại học Huế kế thừa truyền thống Viện Đại học Huế ra đời từ năm 1957 và chính thức được thành lập tháng 4/1994 theo Nghị định 30/CP của Chính phủ trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố Huế. Sau 60 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, Đại học Huế có 08 trường đại học thành viên, 02 khoa trực thuộc, 6 trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phục vụ, Viện nghiên cứu và Nhà xuất bản. Đại học Huế có vai trò thúc đẩy sự phát triển đất nước và khu vực bằng việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và sản phẩm khoa học - công nghệ tiến tiến, hiệu quả. Đại học Huế phấn đấu trở thành một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và khu vực, là một cơ sở đào tạo tiên phong, nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học vùng. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục các cấp đóng góp vai trò không nhỏ, trong đó trường chuyên Quốc học Huế với lịch sử phát triển, là thương hiệu giáo dục của vùng đất Cố đô. Những điều kiện này chứng tỏ Huế thể hiện đầy đủ vai trò và chức năng của một trung tâm giáo dục hiện nay và trong tương lai.

Ở lĩnh vực y tế với chiến lược “Tập trung xây dựng và nâng cao năng lực các thiết chế y tế trên địa bàn để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước”. Trong đó, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế là rất khả quan. Bệnh viện Trung ương Huế được thành lập năm 1894, là bệnh viện tây y đầu tiên ở Việt Nam và được phong Hạng đặc biệt năm 2009. Là một trong ba Bệnh viện Đa khoa Trung ương lớn nhất cả nước thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện là Trung tâm y tế chuyên sâu, phấn đấu về mọi mặt để trở thành Trung tâm Y học cao cấp. Bên cạnh đó, hệ thống các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện Quốc tế đã đi vào hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt, Trường Đại học Y Dược Huế nhiều năm qua là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành Y - Dược ở trình độ đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành quả nghiên cứu vào đào tạo và khám chữa bệnh. Qua gần 60 năm xây dựng và phát triển và hơn 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, Trường Đại học Y Dược Huế đã không ngừng vươn lên thực hiện tốt các nhiệm vụ của nhà trường trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh và chỉ đạo tuyến y tế cơ sở. Đó là định hướng phát triển Bệnh viện Trường theo cả hai định hướng Trung tâm “Trường - Viện” theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế.

Về đô thị, phần Nhiệm vụ, giải pháp, mục 2 của Nghị Quyết 54: “Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, đô thị, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế...”. Như vậy, định hướng mô hình đô thị Thừa Thiên Huế đã được Nghị quyết 54 xác định bao gồm thành phố Huế mở rộng, các thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền và các huyện theo mô hình thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành. Ngày 20/02/2020, Văn phòng Chính phủ vừa có Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế. Trong thời gian tới, dự án hỗ trợ hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh; chuẩn bị đầu tư dự án đường ven biển, cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương, đường Vành đai 3 sẽ bắt đầu được tiến hành. Đây là một trong những dự án động lực, kích thích sự phát triển của Huế trên tiềm năng, thế mạnh có sẵn. Nghị quyết 54 cũng chỉ rõ giải pháp: “Xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhanh và bền vững Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế”. Hy vọng sự tìm tòi, nghiên cứu ban hành các tiêu chí đặc thù phân loại đô thị, đơn vị hành chính, mô hình đô thị phù hợp với Thừa Thiên Huế sẽ diễn ra đúng lộ trình, phương pháp, tạo sự thuận lợi cho cơ chế, chính sách tạo đột phá trong phát triển của tỉnh nhà.

Trên cơ sở của Nghị quyết 54, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào ngày 3/2/2020. Sự khả quan trong công cuộc chuyển mình của một đô thị được đánh giá cao từ GDP tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm và cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; giảm nghèo bền vững, chênh lệch giàu nghèo thấp nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Di tích, di sản, văn hóa vật thể và phi vật thể được giữ gìn, trùng tu, tôn tạo và quan tâm đặc biệt, đó là nền tảng quan trọng cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Đặc biệt, tỉnh đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất, cải cách đổi mới mang tính đột phá như giải phóng mặt bằng khu vực I kinh thành Huế, phong trào “Chủ nhật xanh” và “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần”. Tỉnh đã đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư Công nghệ thông tin và ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả; Thừa Thiên Huế thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu trong quản lý hành chính nhà nước, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh.

Về sự đổi thay diện mạo của Huế, đáng chú ý nhất là Dự án di dời hơn 4.200 hộ dân Thượng thành Huế được xem là một dự án mang dấu ấn lịch sử của xây dựng và bảo tồn Kinh thành Huế, nhằm trả lại môi trường nguyên trạng cho khu vực di tích. Trong những ngày đầu năm 2020, nhiều hộ dân ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu dọc đường Ông Ích Khiêm, Xuân 68... đã bắt đầu tự nguyện tháo dỡ nhà cửa để chuyển đến nơi ở tạm, chờ xây nhà mới tại khu tái định cư thuộc phường Hương Sơ. Vào sáng ngày 22/2, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến khu vực 2, Khu dân cư phía Bắc Hương Sơ để làm lễ khởi công xây dựng nhà ở mới cho 25 hộ nghèo tái định cư. Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Ngọc Thọ nói: “Phải làm sao để không có hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau, khi đến nơi ở mới, mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn” và đó cũng là tinh thần của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong việc xây dựng, phát triển quê hương Thừa Thiên Huế. Sau khi di dời dân, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai công tác bảo tồn, trùng tu, phục hồi và tôn tạo các yếu tố gốc của công trình di tích trên cơ sở các hồ sơ, tư liệu lịch sử. Ngoài ra, công tác chỉnh trang thành phố Huế được đầu tư về hạ tầng cơ sở như dự án cải thiện môi trường nước, tôn tạo công viên, đường đi bộ. Cùng với cầu đi bộ gỗ lim ở bờ Nam, tuyến đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, con đường đi bộ bờ Bắc Sông Hương tạo nên một trục song song rất ấn tượng. Đường kéo dài từ cầu Trường Tiền lên đến cầu Dã Viên được ốp đá, hai bên là thảm cỏ xanh được chăm chút cùng hệ thống cây xanh công viên đã điểm tô cho không gian Huế trở nên duyên dáng, thơ mộng, xứng tầm đô thị sinh thái.

Hơn bảy trăm năm cuộc đất “Ô châu ác địa” biến chuyển, thay màu áo mới thành một Cố đô nhiều dấu ấn văn hóa - lịch sử. Một Huế hai sắc thái, bờ Bắc nguyên vẹn kinh thành cổ kính, và khu phố xá đông vui, nhộn nhịp ở bờ Nam. Bài toán quy hoạch Huế ngày nay được đặt lên hàng đầu, làm sao để dung hòa được một Cố đô vừa cổ kính với một thành phố hiện đại, duy trì tính phát triển bền vững, không làm giảm các giá trị lịch sử, văn hóa, môi trường... Cần bàn tay và khối óc của những nhà quy hoạch và những trái tim yêu Huế tha thiết.

Đ.Y  
(SHSDB36/03-2020)



 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng