Ai ra xứ Huế
Vai trò của màu xanh xứ Huế
15:06 | 08/05/2020

NGUYỄN AN NHIÊN  

Tương lai của loài người sẽ thế nào khi những vấn đề như: Thay đổi khí hậu, sự ô nhiễm không khí, sự khai thác tài nguyên quá mức, sự khan hiếm trầm trọng về nước, mất cân bằng đa dạng sinh học một cách khủng khiếp... không được cải thiện, thậm chí những vấn nạn này ngày càng tồi tệ hơn.

Vai trò của màu xanh xứ Huế
Sinh viên Huế với môi trường. Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Quay lại lịch sử để thấy khi con người không có những cách thức tác động hợp lý vào môi trường sống đã gây ra biết bao thảm họa nối tiếp thảm họa như cháy rừng ở Peshtigo (1871), bão Galveston (1900), bão Katrina (2005), bão bụi ở Great Plains (1930); hỏa hoạn và động đất ở San Francisco (1906), động đất ở Nhật Bản ngày 11/3/2011, động đất ở Tứ Xuyên năm 2008. Sự cố Formosa ở miền Trung, Việt Nam (2016), Cháy rừng ở Úc (2019)... Trong thời điểm hiện tại, cả loài người đang cùng nhau chống lại đại dịch Covid 19, một đại dịch làm cả hành tinh xáo trộn.

Và rồi những thảm họa nào sau những thảm họa đã kể trên rơi xuống trái đất nếu loài người không sớm cảnh tỉnh trong việc tác động một cách tiêu cực lên môi trường sống. Người ta cũng đã đặt ra những giả định như nếu một ngày con người không còn trên trái đất thì điều gì sẽ xảy ra? Và dĩ nhiên các câu trả lời đều có một điểm chung là trái đất sẽ tự chữa lành những vết thương mà con người đã gây ra trên mình nó… Đã đến lúc nhân loại cần đứng lên cứu lấy màu xanh của hành tinh chúng ta. Trong xu hướng phát triển kinh tế xã hội ôn hòa với môi trường tự nhiên, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xem phát triển kinh tế phải phù hợp với việc bảo vệ môi trường tự nhiên. UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện đề án Ngày Chủ nhật xanh - “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”. Sáng 20/1/2019,   “Ngày Chủ nhật xanh” được khởi động bằng những việc như: Ra mắt đội hình thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị; ký cam kết thực hiện đề án; ra quân làm vệ sinh môi trường trên và dọc hai bờ sông Hương; tổ chức đội hình tuyên truyền và lập lại trật tự nếp sống văn minh đô thị tại một số tuyến đường chính ở thành phố Huế; tổ chức trồng cây xanh dọc quốc lộ 1A từ Huế về sân bay Phú Bài…

Cũng trong thời gian gần đây, những mô hình như: “Huế - thành phố 4 mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an...” đã tạo nguồn cảm hứng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và bản sắc của một thành phố độc đáo, khác biệt. So với các tỉnh thành khác, Huế có những nét riêng biệt của mình về văn hóa, thiên nhiên, con người... Xu hướng phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường thiên nhiên là một xu hướng phù hợp với hướng đi của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, bên cạnh đó, lựa chọn xu hướng này chứng minh cho một sự kiến tạo giá trị bền vững mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang lựa chọn. Huế có một sự ưu đãi của thiên nhiên về cảnh quan, sông núi. Những địa danh như núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, núi Bạch Mã, sông Hương, bãi biển Thuận An, Lăng Cô, bãi biển Cảnh Dương, phá Tam Giang.... từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật và cho chính cuộc sống hàng ngày của con người nơi đây cũng như cho những du khách thập phương. Bên cạnh thiên nhiên ưu đãi, Huế còn có một gia sản đồ sộ do tiền nhân nơi đây kiến tạo nên như Đại Nội, Hổ Quyền, Văn Miếu, Điện Hòn Chén, Cầu ngói Thanh Toàn, Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học, Chùa Thiên Mụ, Chùa Diệu Đế, Chùa Từ Đàm, Chùa Từ Hiếu, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Nhà thờ chính tòa Phủ Cam, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Đan viện Thiên An... Với những di sản đó, việc phát triển kinh tế, văn hóa hài hòa với môi trường sống là một lựa chọn tối ưu nhằm giữ vững, bảo tồn giá trị vốn có và phát huy những giá trị ấy tỏa sáng hơn trong tương lai.

Lịch sử cho thấy hướng phát triển kinh tế bằng cách khai thác năng lượng từ tự nhiên, khiến tự nhiên ngày càng mất cân bằng sinh thái, xu hướng phát triển kinh tế bằng cách can thiệp thô bạo vào tự nhiên chỉ đem lại những lợi nhuận vật chất trước mắt, còn về lâu dài sẽ sinh ra những thảm họa mà chính chúng ta, con cháu chúng ta gánh vác. Vì thế việc tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trương xây dựng kinh tế gắn liền với việc phát triển môi trường tự nhiên thân thiện sẽ tạo ra một vị thế khác biệt cho Huế ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Hướng tới phát triển một đô thị xanh, một thành phố Huế thân thiện với môi trường, bảo lưu phát triển những ưu đãi có từ thiên nhiên không những đem lại môi trường sống trong lành cho người dân mà con là sự bảo vệ nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các nghệ sĩ. Chúng ta nhận thấy rằng hầu hết các tác giả lớn cùng với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật ở Huế đều mang màu sắc, hương vị và dư âm của cảnh quan, thiên nhiên vùng sông Hương núi Ngự. Cảnh quan, văn hóa Huế đã âm thầm đi vào văn chương của nhà văn Trần Thùy Mai để ta thấy Huế đẹp, buồn và kiêu hãnh. Biết bao đỉnh núi, mái chùa, tường thành đã cấu nên những áng văn chương se sắt lòng người, bao la sầu nhân thế trong văn chương của Trần Thùy Mai. Không gian để thế giới văn chương của Trần Thùy Mai khởi đi cũng chính là sự mê hoặc của biết bao điều huyền bí của quá khứ tiền nhân ẩn mình trong những bờ tường Thành Nội rêu phong, nơi thâm u huyền bí của cả một vùng đất thiêng... Thế giới trong Vịt trời lông tía bay về, Lễ hội ăn mày, Cổ tích làng, Giếng loạn... đầm phá Tam Giang dường như lại là nguồn cảm hứng bất tận trong văn chương của nhà văn Hồng Nhu. Sông nước, thiên nhiên, con người nơi đầm phá là hương vị khiến cho văn chương của Hồng Nhu có sức neo nậu lòng người, đầy tính thơ và dư âm lãng mạn. Sông Hương lại là mạch sống trong tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng hay trong tập truyện ngắn Người Sông Hương của nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Thiên nhiên xứ Huế lại là nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Trúc Chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng...

Xu hướng phát triển một thành phố xanh của Thừa Thiên Huế cũng góp phần vào thực hiện những chính sách về môi trường của cả nước. Đứng trước thực trạng ôi nhiễm môi trường, Nhà nước đã có những chủ trương, biện pháp mang tính chiến lược, nhằm giải quyết những vấn nạn về môi trường hiện nay và đáp ứng với công ước quốc tế về môi trường. Hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và làm hủy hoại môi trường”. Căn cứ quy định này, Quốc hội khóa IX tại kỳ họp thứ IV ngày 17/12/1993 đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường gồm 7 chương với 55 Điều. Vào năm 2012 Thủ tướng Chính phủ cũng đã Quyết định Phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như: Bảo vệ môi trường là yêu cầu sống còn của nhân loại; Chiến lược bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững; bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại nhưng vẫn giữ được tiềm năng và cơ hội cho các thế hệ mai sau; đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững. Phát triển phải tôn trọng các quy luật tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng, ít chất thải, các-bon thấp, hướng tới nền kinh tế xanh. Ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; coi trọng tính hiệu quả, bền vững trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học; từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, là nghĩa vụ của mọi người dân; phải được thực hiện thống nhất trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, phân cấp cụ thể giữa Trung ương và địa phương; kết hợp phát huy vai trò của cộng đồng, các tổ chức quần chúng và hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường áp dụng các biện pháp hành chính, từng bước áp dụng các chế tài hình sự, đồng thời vận dụng linh hoạt các cơ chế kinh tế thị trường nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm các quy định của pháp luật các yêu cầu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường được thực hiện. Tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ tài nguyên và các giá trị của môi trường phải trả tiền; gây ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và đa dạng sinh học phải trả chi phí khắc phục, cải tạo, phục hồi và bồi thường thiệt hại...

Như vậy xu hướng phát triển một thành phố Huế xanh - sạch - sáng là một xu thế phù hợp với tầm nhìn chiến lược của quốc gia, phù hợp với xu thế sinh thái của nhân loại. Thành phố Huế tự thân đã có những nét đẹp khác biệt so với các thành phố trong cả nước. Nay, với những chính sách vì môi trường thì chắc chắn rằng trong tương lai Huế sẽ là một thành phố lý tưởng để sống, để yêu thương và cống hiến.

N.A.N  
(SHSDB36/03-2020)



 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng