Ai ra xứ Huế
Nhân đọc thơ vua Thiệu Trị đề trên nghiên mực nói lại về “sự tích” nghiên mực Tức mặc hầu
09:02 | 03/08/2020

NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG

Giới nghiên cứu văn hóa và sưu tập cổ vật đã từng biết hoặc từng nghe một chiếc nghiên quý của vua Tự Đức đã thất tán từ nhiều năm trước qua bài viết “Nghiên mực Tức Mặc Hầu của Đức Dực Tôn Hoàng Đế” của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển (VHS).

Nhân đọc thơ vua Thiệu Trị đề trên nghiên mực nói lại về “sự tích” nghiên mực Tức mặc hầu
Nghiên mực Tức Mặc Hầu - Ảnh: internet

Bài viết mô tả về một chiếc nghiên “kỳ lạ” của vua Tự Đức chỉ cần hà hơi vào sẽ cho mực ngay lập tức và được nhà vua phong cho tước hầu (Tức mặc hầu). Qua bài viết này, nhiều người vẫn tin chắc là đã từng tồn tại một chiếc nghiên “bảo vật, thế gian hy hữu, một trân ngoạn thế thượng vô song” (VHS). Một số nhà nghiên cứu đã tin vào mô tả của cụ VHS, hết lời tán tụng chiếc nghiên mực ấy qua các nghiên cứu của mình. Tuy không phủ nhận đây là chiếc nghiên đặc biệt quý vì nó gắn với tên tuổi của vua Tự Đức - vị vua hay chữ, giỏi thơ - nhưng có thực là chiếc nghiên được “phong tước hầu” (như một hiện tượng cá biệt) và “cho mực ngay lập tức” không thì điều này vẫn chưa được nghiên cứu và nhận định một cách kỹ lưỡng.

 

1. Thông tin đề cập và các nghiên cứu về chiếc nghiên “Tức mặc hầu”

Đề cập và nghiên cứu về chiếc nghiên gọi là Tức Mặc hầu có các nguồn thông tin sau:

a. Sách Đại Nam thực lục, các sử quan triều Nguyễn đã chép lại sự việc năm Thiệu Trị thứ 2 [1842] có người dâng lên vua Thiệu Trị chiếc nghiên mực cổ, đồng thời chép lại lời nhận xét và đánh giá của vua Thiệu Trị về lai lịch và giá trị của chiếc nghiên quý này.

b. Sách Quốc triều chính biên toát yếu cũng đã căn cứ nội dung nói về chiếc nghiên Tức mặc hầu trong Đại Nam thực lục và đã đưa nguyên văn đoạn này vào sách, đồng thời giải thích về tên gọi Tức mặc hầu của chiếc nghiên. Năm 1924, Bộ Học thời Khải Định cho ấn hành sách với tên gọi Sử Quốc triều chính biên toát yếu ra chữ quốc ngữ.

c. Năm 1917, tác giả E.Gras có bài viết Về chiếc nghiên mực của Tự Đức (Sur un encrier de Tu-Duc) đăng trong tạp chí B.A.V.H số 3 (Bulletin des Amis du Vieux Hué 4e année No3, Jullet-Sept 1917) ở trang 207, 208 miêu tả về đặc điểm của chiếc nghiên mực của vua Tự Đức; ở trang 209 có bản vẽ của Tôn Thất Sa mô tả chi tiết mặt chính và cạnh của chiếc nghiên; cũng trong số này, ở trang 212 có bản dịch ra tiếng Pháp bài minh (bằng chữ Hán của vua Tự Đức khắc ở nghiên Tức mặc hầu) do Ngô Đình Diệm dịch.

d. Năm 1959, tác giả Nguyễn Thiệu Lâu có bài “Sự tích về một cái nghiên xưa” đăng ở Tuần báo Nhân Loại, số Xuân năm Kỷ Hợi, được in lại trong sách Quốc sử tạp lục của Nguyễn Thiệu Lâu (Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018, từ tr.193-195).

e. Năm 1969, tác giả Vương Hồng Sển có bài bút ký khảo về “Nghiên mực Tức Mặc Hầu của Đức Dực Tôn Hoàng Đế” ở báo Bách Khoa thời đại, được in lại trong hồi ký Hơn nửa đời hư của Vương Hồng Sển (Nxb. Tổng hợp, Tp.Hồ Chí Minh, tái bản, 2013, tr.187).

f. Năm 2003, tác giả Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) đã trả lời về “khám phá lai lịch và sự mất tích của “Tức Mặc Hầu” - báu vật huyền thoại thời Vua Tự Đức” in trong sách Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa (Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh).

g. Năm 2012, tác giả Nguyễn Đắc Xuân đăng bài viết “Nhớ thầy Vương Hồng Sển, đi tìm nơi ẩn náu của chiếc nghiên Tức mặc Hầu của vua Tự Đức” đăng lại trên blog Gác Thọ Lộc của cá nhân.

h. Năm 2012, tác giả Phan Thanh Hải (PTH) có bài viết “Huyền thoại về ‘Tức mặc hầu’” in trong sách Với di sản Huế (Nxb. Thuận Hóa).

i. Năm 2016, blog Nguyễn Thế Thành có đăng bài “Về nghi án, ông Diệm là người trực tiếp trách nhiệm về sự mất tích nghiên mực của vua Tự Đức” của tác giả Nguyễn Văn Lục.

k. Năm 2019, tại website Nhật báo văn hóa đăng bài “Từ Vị Ương Nghiễn của Vua Thiệu Trị đến Tức Mặc Hầu của Vua Tự Đức” của tác giả Nguyễn Duy Chính (NDC).

Trở lên là các thông tin, bài viết liên quan đến chiếc nghiên “Tức mặc hầu” thời Nguyễn của các sử quan triều Nguyễn và các tác giả sau đó. Các thông tin, bài viết a, b, d chủ yếu là mô tả, nhận định về chiếc nghiên mực được dâng lên vua Thiệu Trị vào năm 1842, được khẳng định tên gọi của nó là “Tức mặc hầu”. Các nghiên cứu c, e, f, g, h cung cấp thông tin, mô tả, nhận định về về chiếc nghiên mực “Tức mặc hầu” của vua Tự Đức. Các thông tin, nghiên cứu i, k có nội dung đánh giá lại về thực tế liên quan nghiên mực “Tức mặc hầu”. Tất cả thông tin, cứ liệu, đánh giá được đề cập trong các tài liệu đã cho thấy, rõ ràng đây là một cổ vật rất được chú trọng quan tâm, thu hút sự chú ý. Nhưng đặc tính chiếc nghiên mực “Tức mặc hầu” này như thế nào hiện vẫn tồn tại những thực hư chưa được “hóa giải” một các thỏa đáng.

2. Trở lại huyền thoại về chiếc nghiên “Tức mặc hầu”

Đây là chiếc nghiên mực được giới nghiên cứu miêu tả là kỳ lạ, độc đáo và là bảo vật hiếm có, nhưng đã bị biển thủ “dĩ công vi tư” từ những năm 60 của thế kỷ trước, và hiện nay cũng không biết thông tin gì về nó. Hình dáng của chiếc nghiên này chỉ được thấy miêu tả qua bản vẽ của Tôn Thất Sa in trong BAVH (tập IV, 1917) và các bức ảnh khá rõ do PTH sưu tầm chú thích, dịch nội dung nguyên bài thơ của vua Tự Đức từ các bức ảnh này.

Trong bài “Nghiên mực Tức Mặc Hầu của Đức Dực Tôn Hoàng Đế”, tác giả Vương Hồng Sển đã từng viết: “Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên những gì thuộc văn phòng tứ bảo, ông hết sức tâng tiu. Ông có một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông rất ưng ý đến nỗi phong nghiên mực chức là Tức Mặc Hầu. Nghiễm nhiên ông đã nhân cách hóa (personnifier) một vật vô tri, một cục đá mài mực, phong quan tước hầu, vì biết dâng mực cho ông cấp kỳ, theo ý ông muốn (...) thế mà khi cấp bách, muốn có mực kịp lúc, chỉ cần thổi một hơi thổi vào mặt nghiên, tức thì mực tươm ra đủ dùng. Quả là “nghiên mực tiên”, còn đòi hỏi gì nữa, và chưa lạ lùng quá sức tưởng tượng hay sao? (...) Vua Tự Đức làm việc bằng cây bút thật nhiều, mỗi khi viết gặp gấp rút, không sẵn mực dưới tay, nếu đợi cung phi lấy nghiên lấy nước, mài mực thì lâu hoắc, ý nghĩ đâu có chờ mài mực và sẽ bay mất đi còn gì, những khi muốn viết vội vài chữ, hoặc ghi một câu thi hay vừa nảy trong trí, ngài chỉ hà hơi vào nghiên tức thì mớ mực cũ còn lại, lại ướt lên và tươm ra óng mướt, ôi quý hóa thay nghiên mực nầy. Tôi tả vụng về thế ấy, làm sao có người chịu tin là sự thật nó như vậy? Nhưng tôi xin cam đoan, tôi đã từng cầm nghiên mực ấy trên tay, và đã từng tự làm thí nghiệm, và đã thấy y như đã nói”.

Chính từ thông tin của học giả Vương Hồng Sển đã khiến nhiều người trong giới nghiên cứu tin rằng chính vua Tự Đức đã “rất ưng ý đến nỗi phong nghiên mực chức là Tức Mặc Hầu” (VHS); “Cái nghiên được phong quan với tước hầu” (NĐX); “Một chiếc nghiên để mài mực mà được phong đến tước Hầu thì âu cũng là chuyện xưa nay hiếm” (PTH). Thế là câu chuyện về một báu vật đã hình thành được tán tụng và kéo dài nhiều năm.

Trước Vương Hồng Sển, năm 1959, tác giả Nguyễn Thiệu Lâu có bài “Sự tích về một cái nghiên xưa”. VHS đã từng dẫn lại bài này và “phản biện” những nhận định về chiếc nghiên Tức mặc hầu mà NTL đề cập. Thực ra, đoạn dẫn sử liệu để đối chiếu với chiếc nghiên mà Nguyễn Thiệu Lâu từng “mục kỷ sở thị” (tận mắt mình chứng kiến) ở “viện Bảo tàng đế đô” [từ dùng của Nguyễn Thiệu Lâu] chính là một đoạn sử đã chép trong Đại Nam thực lục. Nghiên tức mặc hầu (mà Nguyễn Thiệu Lâu chứng kiến) đã được chép là vào năm Thiệu Trị năm thứ 2 [1842]: “Có người đem dâng vua cái nghiên mực cổ. Đo theo thước bây giờ: nghiên dài 7 tấc, 8 phân, rộng 4 tấc 7 phân, dày 5 phân, chất rất bền chắc, và nhuần mỵ, cách pha chế có vẻ cổ kính, mộc mạc, rõ hệt là một tấm ngói âm dương (Ngói âm dương: nguyên chữ là “âm dương ngõa”, tức là thứ ngói viên ngửa âm và viên úp dương), người ta nhân hình thế nó mà đục mài thành chỗ đựng nước, chỗ mài mực. Đầu nghiên có bài minh rằng: Kỳ sắc ôn nhuận/ Kỳ chế cổ phác/ Hà dĩ trí chi/ Thạch cừ bí các/ Cải phong Tức mặc (Tức mặc hầu: tên cái nghiên, do cổ nhân đặt cho (theo sách “Văn phòng tứ phả” (…) Đời xưa phong cái nghiên là tức mặc hầu. Nghiên tức là Tức Mặc Hầu. Tức mặc là tên đất; mà nghĩa chánh: tức là tới, mặc là mực. Vậy nên đời xưa nhơn tên đất mà phong hầu cho cái nghiên; lại có ý nghĩa riêng là cái đựng mực. Lan đài là nơi làm sách, nơi ấy phải cần nghiên, bút v.v... nghiên là Tức mặc hầu, bút là Quản thành tử, đều dự tước trong Lan đài cả (...) Vua [tức vua Thiệu Trị, người viết] sai đem trình lên chỗ vua ngự, bảo Nội các rằng: “Đây là cái nghiên cổ Thạch Cừ, gác Thạch Cừ nguyên từ Tiêu Hà [đời Hán] dựng ra để chứa sử sách và bản đồ. Đến Tuyên đế năm Cam Lộ thứ 3 [51 trước Công nguyên], họp các nhà Nho giảng Ngũ kinh, tức là ở chỗ gác ấy. Từ năm Cam Lộ thứ 3 đến năm Nguyên Phù thứ 3 [1100 sau Công nguyên], đời Tống Triết Tông, Tô Thức được viên ngói ở gác ấy, đem mài thành cái nghiên, tính ra gồm 1.149 năm, trải đến bây giờ lại hơn 740 năm nữa. Vậy thì cái nghiên này xuất hiện từ đời Hán, thành hình ở đời Tống mà trình tiến ở ngày nay. Thật là một vật quý báu của làng văn !”1.

Sách Quốc triều chính biên toát yếu2 khi nói về nghiên mực Tức mặc hầu đã dẫn lại nội dung trên. Nguyễn Thiệu Lâu cũng đã dẫn lại y nguyên nội dung viết về cái nghiên đó trong Quốc triều chính biên toát yếu. Đáng lưu ý là, sử triều Nguyễn đã xác định chiếc nghiên “tức mặc hầu” ấy xuất hiện vào năm Thiệu Trị thứ hai, tức ở đây đang nói đến một cái nghiên khác. Cái nghiên được gọi là “tức mặc hầu” mà Nguyễn Thiệu Lâu đã viết chính là cái nghiên được dâng cho vua Thiệu Trị năm 1842, không liên quan gì đến cái nghiên “Tức mặc hầu” thời Tự Đức mà VHS đang xét. Nghĩa là đến đây, có thể thấy, chí ít trong lịch sử, thời Nguyễn đã từng tồn tại 2 chiếc nghiên mực có danh xưng là Tức mặc hầu.

Điều này đã được tác giả Nguyễn Duy Chính khẳng định qua nghiên cứu trong bài viết đã nêu. NDC nhấn mạnh: “Với người Việt Nam, một chiếc nghiên được phong tước hầu tương đối lạ lùng, tưởng như có một không hai (và có lẽ cũng vì thế mà cụ VHS đã huyền thoại hóa chiếc nghiên khá nhiều) nhưng thực ra trong Tây Thanh Nghiễn Phổ cũng đã ghi nhận một số nghiên tàng trữ trong cung làm bằng ngói từ đài Đồng Tước và cung Vị Ương. Tức Mặc Hầu cũng là một trong những tên văn nhân gọi món đồ dùng để mài mực một cách trịnh trọng”. NDC nhận định tiếp: “Hai chiếc nghiên đó khác hẳn nhau, một chiếc do Tô Thức (Đông Pha) đời Tống làm ra từ ngói ở cung Vị Ương là nghiên cổ, còn chiếc nghiên của vua Tự Đức được đục từ đá Đoan Khê năm Tự Đức nguyên niên (1848) là nghiên mới chế tác riêng cho vua Dực Tôn khi ông lên ngôi. Nếu tính theo niên đại thì chiếc nghiên của vua Thiệu Trị đã tồn tại 700 năm trong khi chiếc nghiên của vua Tự Đức chỉ mới hơn một thế kỷ, dù có quí giá nhưng chắc cũng không diệu dụng, ly kỳ như lời cụ Vương Hồng Sển ca tụng”. Những nhận định của NDC đã căn cứ vào chứng cứ tư liệu là hoàn toàn chính xác, thuyết phục. Chỉ đáng tiếc, NDC không đi đến tận cùng vấn đề khi phân tích thêm khái niệm “tức mặc hầu” để có thể làm rõ hơn về những nhầm lẫn bản chất của chiếc nghiên thời Tự Đức nên hệ quả đã được tán tụng hết mực qua những ý kiến các tác giả trước đó. Ở đây, cũng cần nói thêm là, có lẽ, khi dùng chiếc nghiên làm từ ngói ở cung Vị Ương này, vua Thiệu Trị mới liên tưởng để viết nên bài thơ ngũ ngôn luật (được khắc trên điện Long An) về cảnh phê tấu sở trước khi triều sớm của chính nhà vua. Bài thơ mở đầu bằng hai chữ Vị Ương ấy, xin dẫn 2 câu đầu và 2 câu cuối:

未 央 窗 裡 坐      Vị Ương song lý tọa, Vị Ương ngự bên cửa,
庭 際 漸 熹 微      Đình tế tiệm hi vi. Ngoài sảnh trời dần trong.
催 遞 呈 批 摺      Thôi đệ trình phê tập, Ngưng trình phê tấu sớ,
臨 軒 早 索 衣      Lâm hiên tảo sách y. Soạn khăn áo ra cung.               

Trở lại “huyền thoại”, sau khi đã bỏ qua phần tư liệu mà NTL đã trưng dẫn, VHS đã bàn luận một cách tư biện, rồi đi đến phản biện, cũng như không thừa nhận cái nghiên thời Thiệu Trị mà Nguyễn Thiệu Lâu dẫn trong bài viết là “Tức mặc hầu”. VHS đã chủ quan nhấn mạnh: “Có một nghiên thật, đó là nghiên Tức Mặc hầu của Việt Nam, một quốc bảo, thì nó đang xa chạy cao bay”. Có lẽ trong bài viết của mình, vì xuất phát từ lòng trân quý cổ vật nên sự bình luận của học giả Vương Hồng Sển từ chỗ say sưa đến “quá đà”, rồi huyền thoại hóa câu chuyện chiếc nghiên vậy.

Trong bài viết “Nhớ thầy Vương Hồng Sển, đi tìm nơi ẩn náu của chiếc nghiên Tức mặc Hầu của vua Tự Đức”, ở luận điểm “Cái nghiên được phong quan với tước hầu”, tác giả Nguyễn Đắc Xuân nhận định: “Tôi tưởng tượng đến cái nghiên này luôn luôn ở trên bàn trong điện Càn Thành, khi vua Tự Đức ra điện Cần Chánh làm việc hay lên nghỉ trên Khiêm Cung, Ngài luôn sai thị nữ mang theo. Những khi hứng đến vội vã, chưa kịp sai thị nữ mài mực, Ngài chỉ việc hà hơi vào cái nghiên mực thì mớ mực cũ còn lại ướt lên và tươm ra óng mướt đủ cho ngài dùng để ghi chép ý thơ. Và phải chăng với cái nghiên Tức Mặc Hầu, vua Tự Đức đã biên soạn nên các bộ Huấn Địch Thập Điều Diễn Nghĩa Ca, Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh Tập, Tự Đức Thánh Chế Tự học Diễn (sic) Nghĩa Ca, Tự Đức Thánh Chế Văn Tam Tập? Với 36 năm ngồi trên ngai vàng với bao triệu lần Ngài chấm mực trên nghiên Tức Mặc để phê hàng ngàn trang Châu Bản (...)”. Đúng như Nguyễn Đắc Xuân đã nói là “tôi tưởng tượng”. Nhưng cái tưởng tượng mang tính suy đoán ấy có 2 điểm đáng bàn: thứ nhất “chỉ việc hà hơi vào cái nghiên mực” mà có thể ngự chế hàng nghìn trang thơ văn thì cũng chỉ tồn tại qua “tưởng tượng” mà thôi; thứ hai “chấm mực trên nghiên Tức Mặc để phê hàng ngàn trang Châu Bản” cũng là vậy, đáng nói thêm là điều này lại càng phi thực tế, trong khi trước tác thơ văn thì thường dùng mực đen, nhưng phê duyệt tấu chương điển lệ buộc phải dùng mực son (màu đỏ). Chẳng lẽ chiếc nghiên lại có thể kỳ diệu để “ướt lên và tươm ra óng mướt” đến 2 màu mực (!). Nói chung “tưởng tượng” vẫn là tưởng tượng, dẫu có thể cảm thông rằng tưởng tượng này là vì đã tin vào thầy Vương Hồng Sển, cũng bởi quá trân quý đối với một cổ vật quý giá (nếu đúng là có thực).

3. Sự thật thì Tức mặc hầu thực chất là khái niệm chỉ cái nghiên đựng mực

Vậy, khái niệm Tức mặc hầu nên hiểu như thế nào cho phù hợp, phải chăng đó là “cấp mực ngay lập tức” (?) và cái nghiên mực mà Vương Hồng Sển nhắc đến có thật là được phong tước hầu duy nhất (?). Điều này có thể kiểm chứng được qua các nguồn tài liệu khác nhau.

- Đề cập đến khái niệm Tức mặc hầu, các từ điển và sử liệu đã cung cấp một số thông tin sau:

+ Trong Hán ngữ đại từ điển, ở mục giải thích từ ngữ có đoạn với đại ý như sau: Theo ghi chép của Tô Dị Giản đời Tống trong phần Nghiên phổ ở sách Văn phòng tứ phổ, Văn Tung người thời Đường từng lấy nghiên mực phỏng theo con người. Tức mặc hầu, Thạch Hư Trung Truyện: Vật dụng rất có ích, hay ở chỗ cẩn trọng yên tĩnh, thường vâng lệnh ngự hầu trên án, vì được dùng thường xuyên, nên đóng góp công lao, phong là Tức mặc hầu3.

+ Trong Quyển 4, sách Ấu học quỳnh lâm (幼 學 瓊 林), phần Khí dụng thiên (các loại vật dụng liên quan đến sách vở) tại tờ 29a có đề cập: 石虛中/即 墨侯/硯名亦殊 (Thạch hư trung, Tức mặc hầu, danh nghiễn diệc thù, nghĩa là: Thạch hư trung, Tức mặc hầu là những danh nghiên đặc biệt).

+ Từ trang web zh.wikipedia.org nếu đánh từ khóa “即墨侯” (Tức mặc hầu) sẽ cho ra kết quả là: 文房四宝,古人還戲言,筆為管城侯,墨為松滋侯,紙 為好畤侯, 硯為即墨侯, 人稱四侯 (Văn phòng tứ bảo, cổ nhân hoàn hí ngôn: Bút vi Quản thành hầu; Mặc vi Tùng tư hầu; Chỉ vi Hảo chỉ hầu; Nghiễn vi Tức mặc hầu, nhân xưng tứ hầu, nghĩa là: Văn phòng tứ bảo, người xưa ví von rằng: Bút là Quản thành hầu; Mực là Tùng tư hầu; Giấy là Hảo chỉ hầu; Nghiên là Tức mặc hầu, lấy nhân xưng thành 4 tước hầu).

+ Trang web https://zh.wiktionary.org (维基词典) có mấy dòng giải thích về nguồn gốc, cách viết của 3 chữ Tức mặc hầu như sau: 写法 (编辑): 规范字 (简化字): 即墨侯(中国大陆、新加坡、马来西亚) 繁体字 (中国大陆、新加 坡、马来西亚). Nghĩa là: Phương pháp viết (biên tập): Chữ tiêu chuẩn (dạng giản thể): 即墨侯Tức Mặc Hầu ([phổ biến] ở Trung Quốc Đại lục [tức Trung Quốc], Tân Gia Ba [tức Singapore], Mã Lai Tây Tịnh [tức Malaysia]). Chữ phồn thể [cũng phổ biến ở các nước trên].

+ Như đã nêu, các sử quan triều Nguyễn đã giải thích trong Quốc triều chánh biên toát yếu rằng: “Tức mặc là tên đất; mà nghĩa chánh: tức là tới, mặc là mực. Vậy nên đời xưa nhơn [nhân] tên đất mà phong hầu cho cái nghiên; lại có ý nghĩa riêng là cái đựng mực.

+ Cần nói thêm là, nếu gõ 3 chữ Hán “即墨侯” trên thanh tìm kiếm Google sẽ cho ra 39 kết quả định nghĩa 3 chữ Tức mặc hầu này bằng tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn; và nếu tìm ở khu vực ảnh thì sẽ xuất hiện rất nhiều nghiên mài mực. Điều ấy khẳng định rằng, danh từ chung đó là phổ dụng trong các nước đồng văn.

Tất cả những bằng chứng đó cho thấy, khái niệm “tức mặc hầu” là khái niệm chung gắn với điển tích để “gọi” cái nghiên mực. Các cứ liệu cũng chỉ rõ sự tương đồng trong cách “gọi” nghiên mực của các nước trong khu vực đồng văn trước đây.

Do vậy, việc nhận định chiếc nghiên mực được vua Tự Đức “phong quan với tước hầu” (như một hiện tượng cá biệt) là chẳng mấy thuyết phục và cũng không có gì to tát để rồi huyền thoại hóa sự kỳ lạ của chiếc nghiên như các nhà nghiên cứu đã từng quan niệm.

Điều này được củng cố thêm qua một số dẫn chứng từ các bài thơ chữ Hán mà chúng tôi ghi nhận được. Khái niệm Tức mặc hầu là để chỉ cái nghiên mài mực cũng tồn tại ở một số cổ thi của Trung Hoa và Việt Nam.

+ Đầu tiên phải kể đến bài thơ khắc trên chiếc nghiên cổ dâng cho vua Thiệu Trị năm 1842 được ghi trong sách Đại Nam thực lục thời Nguyễn:

其色温潤     Kỳ sắc ôn nhuận,   Nhuần nhị hình sắc,
其製古樸     Kỳ chế cổ phác.    Chế tạo mộc mạc.
何以寘之     Hà dĩ trí chi?      Đâu nơi đặt vào?
石渠秘閣     Thạch cừ bí các.    Thạch Cừ dấu gác.
改封即墨     Cải phong Tức mặc, Đổi phong Tức mặc,
蘭臺列爵     Lan đài liệt tước.   Lan Đài xếp tước.
永宜寶之     Vĩnh nghi bảo chi,   Báu vật truyền đời,
書香是托     Thư hương thị thác.  Văn chương ủy thác.

+ Bài thơ Kinh Diên Đoan Khê thạch nghiễn (經 筵 端 谿 石 硯: nghiên đá Kinh Diên Đoan Khê) khắc trên chiếc nghiên thời Tự Đức năm 1848 với 44 câu, trong đó có nhắc đến 3 chữ Tức mặc hầu:

爲天下冠聲價重     Vi thiên hạ quán thanh gia trọng,
褒奬宜拜即墨侯     Bao tưởng nghi bai tức mặc hầu.

(Thiên hạ đứng đầu tăm tiếng nổi/ Thưởng khen ban tặng được danh hầu).

+ Bài thơ Từ tịch tẩy nghiễn (除 夜 洗 砚)4 - đêm trừ tịch rửa nghiên của Vương Mại (王迈1184 - 1248) thời Tống cũng có hai câu như sau:

多谢吾家即墨侯  Đa tạ ngô gia tức mặc hầu,
朝濡暮染富春秋5  Triêu nhu mộ nhiễm phú xuân thu.

(Cảm tạ nghiên ta tức mặc hầu/ Sớm chiều dầm dãi thịnh xuân thu).


+ Ngoài ra, từ website digital.library.mcgill.ca còn thu được thông tin thêm là thời vua Đạo Quang (1820-1850), một tác giả Trung Quốc là Lăng Chỉ Viện (凌祉媛 1831-1852) đã từng làm một bài thơ ngũ ngôn luật thi dường như là đề vịnh để xưng tụng chiếc nghiên gọi là “Tức mặc hầu” của Tùng Mộng Liêu. Nhan đề bài thơ cho biết ông Tùng Mộng Liêu sở hữu một chiếc nghiên hình vuông, mặt bên có khắc 4 chữ “Vĩnh Hòa cửu niên” [năm 553] gọi là Tức mặc hầu 6.

Từ một số giải thích ở các từ điển và thông tin sử liệu, có thể thấy được những điểm chung của các nước đồng văn7 khi gọi chiếc nghiên mực là Tức mặc hầu xuất phát từ quan niệm: xem 4 loại vật dụng (bút, nghiên, giấy, mực) là “tứ bảo” có ý nghĩa mật thiết đến chữ nghĩa, văn chương. Quý trọng chữ nghĩa, kiến văn nên người xưa đã vinh danh “tứ bảo” ấy bằng cách phong tước hầu cho cho chúng. Tức mặc hầu theo nghĩa phái sinh để hình thành nên một khái niệm chung định danh cho cái nghiên mài mực mà thôi. Điều này đường như đã được củng cố thêm bằng các “chứng tích” thơ chữ Hán.

4. Bài thơ khắc trên hai chiếc nghiên khác của vua Thiệu Trị đã chứng thực thêm: Tức mặc hầu chỉ là khái niệm khác để chỉ nghiên mực và cũng góp phần thông tin là triều Nguyễn có đến 4 nghiên mực Tức mặc hầu

Tháng 6/2016, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã trưng bày chuyên đề Bảo vật hoàng cung với 64 cổ vật triều Nguyễn như ấn vàng, ấn ngọc, sách vàng, kiếm vàng, mũ vua, v.v. Đây là những bảo vật trong hơn 2.000 món hiện vật ngự dụng (chủ yếu được chế tác từ chất liệu quý như vàng, bạc, ngọc, v.v.) được Chính phủ Lâm thời Việt Nam tiếp quản từ triều Nguyễn, lưu giữ bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ 1945. Các hiện vật này đều là cổ vật đặc biệt quý hiếm, mang nhiều thông tin lịch sử của triều Nguyễn và phản ánh trình độ chế tác của nghệ nhân xưa. Trong số đó, có một hiện vật là chiếc nghiên mực bằng ngọc được bịt vàng bên ngoài. Trên phần nắp bịt vàng có khắc 1 bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị. Bài thơ này chứa một thông tin văn hóa lịch sử khá thú vị liên quan đến câu chuyện bút nghiên thuở trước, chuyện mà ít ai ngờ tới. Trước hết xin dịch toàn văn bài thơ này.

Nguyên văn chữ Hán:  Phiên âm:

松使消磨彼弗憂    Tùng sử tiêu ma bỉ phất ưu
堅剛方正表千秋    Kiên cương phương chính biểu thiên thu
詞場靜鎮無橈亂    Từ dương tĩnh trấn vô nhiêu loạn
文陣當先孰與侔    Văn trận đương tiên thục dữ mâu
砥礪可期功不替    Chỉ lệ khả kỳ công bất thế
貞珉永勒事堪留    Trinh mân vĩnh lặc sự kham lưu
人間四絶聲名重    Nhân gian tứ tuyệt thanh danh trọng
篇籍昭垂即墨侯   Thiên tịch chiêu thùy tức mặc hầu.

Dịch thơ:

Mòn dần thỏi mực hết lo ưu,8
Ngay thẳng rắn bền rõ kiếp sau.
Điềm tĩnh từ chương không rối rắm,
Ngay hàng văn đoạn kỹ đều nhau.
Đá mài có lúc công đem bỏ,
Ngọc sáng mãi khắc việc giữ lưu.
Tứ bảo
9 trên đời danh trọng mãi,
Sáng cùng sách vở xứng danh hầu
.

Cuối bài là dòng chữ khắc niên đại và tên bài thơ: 紹 治 六 年 丙 午 吉 月 日 恭 鐫 御 製 墨 硯 詩 一 首(Thiệu Trị lục niên bính ngọ cát nhật cung thuyên, Ngự chế mặc nghiễn thi nhất thủ: Cung khắc vào ngày lành tháng tốt niên hiệu Thiệu Trị, năm Bính ngọ [1946], một bài thơ Ngự chế về Nghiên mực).

Nhân tiện, cũng xin nói thêm là vua Thiệu Trị còn có một chiếc nghiên đá khác cũng khắc bài thơ này, hiện lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bài thơ Ngự chế mặc nghiễn thực tế đã được khắc vào 2 chiếc nghiên mực khác nhau: một chiếc được khắc trên nắp vàng (bọc ngoài ngọc); một chiếc khắc trên nắp đá với 2 kiểu chữ: chân thư và lệ thư.

Nội dung bài thơ trên chiếc nghiên này ngẫu nhiên đã cung cấp một thông tin rất quan trọng liên quan đến huyền thoại chiếc nghiên mực “Tức mặc hầu” thời Tự Đức. Ở hai câu cuối, vua Thiệu Trị viết: Nhân gian tứ tuyệt thanh danh trọng/ Thiên tịch chiêu thùy tức mặc hầu. Bài thơ gọi cả 2 cái nghiên này đều là Tức mặc hầu. Nếu nhìn vẻ dáng, xét tính chất của 2 chiếc nghiên làm bằng ngọc và đá thì chắc rằng không thể “có mực ngay lập tức” được. Nhưng cả 2 chiếc nghiên vẫn được xưng là “Tức mặc hầu” đó thôi. Điều này cũng cho thấy, chiếc nghiên Tức mặc hầu thời Tự Đức cũng không phải là duy nhất có biệt danh này, cũng chưa đến mức là “Một bảo vật, thế gian hy hữu, một trân ngoạn thế thượng vô song” mà học giả Vương Hồng Sển từng tán tụng. Nhưng dẫu sao, đây vẫn là cổ vật cực kỳ quý vì lẽ gắn với tên tuổi của một vị vua hay chữ mà cuộc đời gắn với nhiều thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Đáng tiếc chiếc nghiên mực này đã bị thất lạc từ hơn nửa thế kỷ qua.

4. Kết luận

Từ các thông tin, đặc biệt là nội dung bài thơ Ngự chế mặc nghiễn của vua Thiệu Trị đã góp phần làm rõ về “sự tích một chiếc nghiên mực” thời Tự Đức vốn đã bị nhầm tưởng là phong hầu, phong tước rồi huyền thoại thành “một quốc bảo”! Qua bài thơ của vua Thiệu Trị, chúng ta cũng có thêm căn cứ để khẳng định triều Nguyễn có chí ít cũng đến 4 chiếc nghiên được gọi là Tức mặc hầu, theo đúng định danh mà các bài thơ được khắc trên 4 chiếc nghiên này.

Có lẽ đến đây, giới nghiên cứu cũng như độc giả đã thêm phần “tường minh” về “Nghiên mực Tức Mặc Hầu của Đức Dực Tôn Hoàng Đế” mà học giả Vương Hồng Sển cũng như nhiều người khác đã từng đề cập. Có lẽ cũng nên khép lại “sự tích một chiếc nghiên mực” được tô vẽ nhiều “huyền thoại” bao phủ trong nghiên cứu.

N.P.H.T 
(TCSH376/06-2020)

-------------------
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tái bản,  2002, tr.421 - 422.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Cao Xuân Dục chủ biên, Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb. Thuận Hóa,  Huế, tái bản, 2016, tr.350.
3. Nguyên văn tiếng Trung: 语出宋.苏易简《文房四谱.卷三.砚谱》:文嵩即墨侯石虚中传:上利其器用,  嘉其谨默, 诏命常侍御案之右, 以备濡染, 因累勋绩, 封之即墨侯。后以即墨侯指砚。
4. Nguyên văn bài thơ Trừ tịch tẩy nghiễn: 多谢吾家即墨侯 / 朝濡暮当富春秋 / 为供文字逢青眼 / 要策功名真  黑头 / 濯以清泉尘已蜕 /衣之文锦翠如虬 / 呼童除放陈丰馔 / 少劳精神并汝酬
5. Dịch từ nguồn dẫn trong Hán ngữ đại từ điển, bản điện tử (tiếng Trung) tại website: www.quword.com,  mục từ 即墨侯 (tức mặc hầu).
6. web digital.library.mcgill.ca. Từ khóa: 松 寮 [松 寮主藏有磚硯一方側鐫永和九年四字古趣巉然  文洵文房佳品也奉題一律未識即墨侯能點頭否].
Trung Hoa có 4 giai đoạn dùng niên hiệu Vĩnh Hòa là Hán Thuận Đế nhà Đông Hán (136-141), Tấn Mục Đế nhà Đông Tấn (345-356), Diêu Hằng vua nước Hậu Tấn (416-417); Chu Nhất Quý tại Đài Loan năm 1721. Ở đây là Vĩnh Hòa cửu niên nên chỉ có thể là năm 553 thời Đông Tấn.
7. Nội dung kiến văn các nước Nhật Bản, Triều Tiên cũng giải thích về khái niệm Tức mặc hầu là danh từ  chung chỉ cái nghiên mài mực.
8. Câu này nghĩa đen là Cây thông kia mòn mỏi hết muộn phiền. Ở đây nhà vua dùng chữ tùng (thông) với  nghĩa hoán dụ để chỉ thỏi mực xạ. Ngày xưa, người ta dùng nguyên liệu chính để làm mực chính là hổ phách (nhựa thông).
9. Tứ tuyệt nhân gian: 4 tuyệt phẩm trong nhân gian ở đây chính là bút, giấy, mực, nghiên, được xem là “văn  phòng tứ bảo”.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng