Ai ra xứ Huế
Ca Huế tri âm
14:42 | 11/05/2021

PHAN THUẬN THẢO     

Ca Huế là loại hình âm nhạc thính phòng dành cho giới danh gia vọng tộc, tao nhân mặc khách ở kinh đô Huế ngày xưa. Đây là loại hình âm nhạc có tính chất tri âm tri kỷ, cho nên, Ca Huế có hình thức diễn xướng gọi là Ca tri âm1.

Ca Huế tri âm
Ảnh: internet

Về sau, sự biến chuyển của xã hội đã làm nảy sinh các hình thức diễn xướng khác là ca trên sân khấu, trên các phương tiện thông tin đại chúng… để phục vụ các đối tượng khán giả đa dạng. Bài viết này xin đề cập đến hình thức diễn xướng nguyên thủy của Ca Huế là hình thức Ca tri âm nhằm góp phần nhận diện bản chất của Ca Huế để bảo tồn nghệ thuật ấy một cách hiệu quả.

Hình thức Ca tri âm đã có từ lâu, khi nghệ thuật Ca Huế ra đời và phát triển dưới thời quân chủ. Sau khi chế độ quân chủ kết thúc vào năm 1945, xã hội có nhiều thay đổi, song thú thưởng thức Ca Huế vẫn còn được duy trì suốt mấy thập kỷ sau đó. Bài viết này được thực hiện từ việc tham dự trực tiếp của tác giả tại các buổi Ca Huế tri âm, cùng những thông tin phỏng vấn các nghệ nhân Ca Huế kỳ cựu. Từ những thông tin như thế, bài viết xin giới hạn phạm vi thời gian từ thập niên 1960 trở lại đây, và không gian gói gọn trong phạm vi thành phố Huế - nơi phát sinh và phát triển của bộ môn nghệ thuật này.

1. Không gian, tính chất của Ca Huế tri âm

Ca Huế tri âm là hình thức diễn xướng của/dành cho những người tri âm mộ điệu, nghĩa là những người yêu thích và đã có nền tảng hiểu biết về loại hình này. Không gian diễn xướng của Ca Huế tri âm có thể là một khoang thuyền hay một gian phòng, vì vậy, có khi người ta còn gọi đây là Ca Huế thính phòng. Tuy nhiên, hai khái niệm này không hoàn toàn trùng khớp với nhau, bởi Ca Huế thính phòng chỉ về không gian diễn xướng, còn Ca Huế tri âm chỉ tính chất tri âm tri kỷ trong âm nhạc giữa các thành phần có mặt trong buổi diễn xướng, từ đó quyết định đến tính chất và nội dung trình diễn. Lúc đầu, Ca Huế diễn ra trong phủ đệ các ông hoàng bà chúa; về sau, nó được đưa xuống thuyền để có một không gian thoáng đãng hơn. Lúc này, khoang thuyền đã trở thành một thính phòng nhỏ, đó là một thính phòng bồng bềnh trên sông nước, cùng phong cảnh hữu tình với gió mát trăng thanh… dễ dàng đưa con người đến những cung bậc cảm xúc thăng hoa. Vì thế, thú đi thuyền nghe Ca Huế trên sông Hương đã trở thành một món ăn tinh thần đặc biệt của tao nhân mặc khách tự thuở nào.

Với một loại hình nghệ thuật biểu diễn bất kỳ, trong đó có Ca Huế, để tồn tại, nó phải hội tụ 3 yếu tố: người sáng tác, người biểu diễn và người thưởng thức. Người sáng tác là người tạo ra tác phẩm. Với Ca Huế thì các bài bản âm nhạc đã có từ lâu, người ta chủ yếu đặt thêm lời mới cho các bài bản này, thảng hoặc có thể sáng tác thêm các bài bản âm nhạc mới (như trường hợp bài “Tương tư khúc”2). Người biểu diễn Ca Huế là các nhạc công chuyên nghiệp, một thành phần không nhỏ là các ông hoàng bà chúa, quan lại trí thức - những người xem đây là thú vui tao nhã, là nơi thể hiện tài năng nghệ thuật, tâm tư tình cảm… của mình. Các ông hoàng bà chúa, các bậc thức giả thời bấy giờ chịu ảnh hưởng của Nho gia, trong đó “lục nghệ” được xem như thước đo của người quân tử. Lục nghệ gồm: lễ (lễ nghĩa), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa), thư (thư pháp), số (toán học). Theo đó thì âm nhạc là một trong những bộ môn mà các nhà Nho cần luyện tập để trở thành người chính danh quân tử. Các bậc thức giả ở Huế ngày xưa không hẳn luyện đàn với mục đích để trở thành quân tử, nhưng ít ra tư tưởng Nho học bao trùm xã hội thời đó không cản trở họ luyện đàn, chơi nhạc; ngược lại, nó càng khuyến khích họ lấy âm nhạc làm một thú tiêu khiển thanh tao, nho nhã3. Chính vì thế, Ca Huế được giới danh gia vọng tộc ở Huế ưa chuộng, được nuôi dưỡng và phát triển trong suốt một thời gian dài. Họ vừa là những người chơi nhạc, vừa là khán giả thưởng thức, lại đồng thời là những người sáng tác lời cho Ca Huế. Tùy theo khả năng của từng người, một vài hoặc cả ba yếu tố đó có thể cùng tồn tại trong một con người (3 trong 1), đó chính là giới trí thức, danh gia vọng tộc Huế xưa - chủ thể của nghệ thuật Ca Huế.

Sau năm 1945, Huế không còn là kinh đô, giới danh gia vọng tộc mất đi danh phận của mình. Song Ca Huế từ trước đó đã lan tỏa ra khỏi chốn cung phủ để đến với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Dù xã hội có nhiều thay đổi, song Ca Huế tri âm - hình thức “chơi” Ca Huế trong từng nhóm nhỏ gồm những người tri âm mộ điệu - vẫn còn tồn tại. Đó có thể là những người quen biết thân tình với nhau hoặc chưa quen biết nhau, nhưng cùng có chung niềm đam mê Ca Huế. Giữa họ - những người biểu diễn và người thưởng thức - đã có sự đồng điệu với nhau, họ đến với nhau để cùng chia sẻ thú vui âm nhạc qua tiếng đàn ngọt, giọng hát hay, giai điệu trau chuốt, lời ca sâu sắc… Trong không gian nhỏ và ấm cúng chỉ đủ chỗ cho mươi người, cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức, người ta trở nên gần gũi, thân tình với nhau hơn, lời ca, tiếng nhạc cũng vì thế mà trở nên tinh tế, đằm thắm hơn.

2. Trình thức diễn xướng Ca Huế tri âm

Cuộc chơi bắt đầu khoảng 5 - 6 giờ chiều, khi ánh chiều đã buông, mọi người gác qua một bên những lo toan, bề bộn của công việc thường ngày để lòng lắng lại trong những lời ca, điệu đàn. Những người thân hữu đến với nhau, cùng quây quần trong những khuôn chiếu nhỏ được trải trong khoang thuyền hay trên sàn nhà, hoặc ngồi trên sập gụ, ghế salon sang trọng (nên hình thức trình diễn này còn được gọi là “ca salon”). Những câu chào hỏi, những câu chuyện rôm rả làm cho không khí trở nên ấm cúng, thân tình hơn. Rồi lư trầm được đốt lên, tỏa hương nhè nhẹ, bỗng chốc làm cho không gian trở nên huyền ảo và tinh sạch trong cái nghĩa tinh thần của nó. Vài dĩa mứt gừng, một chung trà đơn giản được bày ra trên chiếu để bạn hữu mời nhau cùng thấm giọng khiến tiếng hát thêm đượm, tiếng đàn thêm thanh. Đó cũng là lúc các nhạc công cầm lấy đàn so dây, nắn phím, ca nương cũng bắt đầu cầm lấy phách chuẩn bị cất giọng. Những đoạn nhạc dạo lúc này tuy là để thử dây, nhưng cũng tạo không khí hứng thú cho người trong cuộc. Ai nấy đã sẵn sàng bắt đầu cuộc chơi âm nhạc.

Cuộc chơi mở đầu bằng một bản hòa tấu. Thông thường, đó là một liên khúc gồm 4 bài: Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, hoặc có khi đổi thành bài Cổ bản hoặc bài Lộng điệp. Dù là bài gì đi chăng nữa thì đó cũng phải là một bài bản thuộc hơi Khách, bởi cuộc chơi Ca Huế bao giờ cũng bắt đầu bằng những bài bản Khách có tính chất tươi sáng khiến lòng người trở nên phấn chấn, đầy hứng khởi. Hòa điệu tiếp nối bản hòa tấu đó là những bài ca Khách như Cổ bản, Lộng điệp, Lưu thủy, hay những bản trong Mười bài ngự. Đây là những bài bản ngắn, có nhịp một4 đơn giản, dễ hát, tính chất vui, sáng, vừa để tạo hứng thú, vừa để “mở giọng” (luyện giọng) cho ca nương. Sau những bài ca Khách nhịp một thì đến bài ca Khách nhịp ba5, đó là bản Phú lục6 sang trọng, đài các. Bài bản này có nhịp điệu chậm vừa cho nên ca nương và nhạc công có thể trình diễn những kỹ thuật luyến láy, nhấn nhá tinh tế, thể hiện nét quý phái trong tiếng ca, điệu đàn. Bản Phú lục nhịp ba (thường gọi là Phú lục chậm) bao giờ cũng được tiếp nối bởi Phú lục nhịp một (thường gọi là Phú lục nhanh) với sự đẩy nhanh tốc độ ở phần sau của bản nhạc.

Sau một vài tiếng đồng hồ đàn ca, các món ăn tối bắt đầu được dọn ra chiếu. Tất cả nghỉ ngơi để thưởng thức bữa ăn tối trong sự thết đãi thân tình của gia chủ. Đó chỉ là những món ăn đơn giản, thanh tao. Người ta không ăn quá nhiều, quá no, bởi khi quá no thì cơ thể sẽ mỏi mệt, lười biếng, khó chơi nhạc. Mọi người chỉ nhấm nháp vài món, rồi bữa ăn còn kéo dài với vài món cay nồng để nhắm rượu. Rượu ở đây cũng không phải để uống cho say, mà uống chỉ để thêm nồng tình nghĩa, cho lâng lâng lòng, để nâng cánh cho cảm xúc âm nhạc càng thêm thăng hoa…

Khi bóng đêm đã bao trùm không gian cũng là lúc lòng người lắng lại. Đây là thời điểm thích hợp dành cho những bài ca theo hơi Nam với âm hưởng chậm buồn, bâng khuâng, đầy hoài cảm. Đầu tiên có thể là những bài lý, hò, vốn là những bài bản được du nhập từ âm nhạc dân gian nên có cấu trúc ngắn gọn, dễ nghe, dễ cảm nhận. Sau cùng mới đến những bài bản lớn, chính thống của Ca Huế như Tứ đại cảnh, Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Quả phụ… Trong số các bài bản chính thống này, những bài Tứ đại cảnh, Nam ai, Nam bình được đặc biệt yêu thích, được trình diễn lặp đi lặp lại nhiều lần với các lời ca khác nhau, khiến người biểu diễn và người thưởng thức cùng đắm đuối vào những tiếng ca, điệu đàn ngọt ngào, sâu lắng. Lý giải tại sao các bài bản này được dành những tình cảm đặc biệt và được trình tấu lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng tôi cho rằng đây là những bài hơi Nam chậm buồn, diễn tả những nỗi u hoài đẹp đẽ hay tâm trạng bâng khuâng, day dứt của người nghệ sĩ nhạy cảm trước những thay đổi của thời cuộc, của xã hội lắm sự nhiễu nhương… Còn bản Nam xuân vì có lai hơi Xuân nên nửa vui nửa buồn. Riêng bài Quả phụ thì quá ai oán, vả lại bài này đã gắn với một điều kiêng kỵ rằng ai ca bài này sẽ bị vận vào thân cái số phận của một người quả phụ, cho nên, ca nương kiêng không dám ca bài này. Cũng chính vì những lý do trên mà các bài Nam xuân, Quả phụ ít được trình diễn, ít được biết đến, dẫn đến việc ít được đặt lời mới. Hiện tượng không có nhiều lời ca lại khiến cho chúng càng ít được trình diễn và trở nên kém phổ biến so với các bài còn lại. Cái vòng luẩn quẩn đó khiến các bài bản này không được trình diễn thường xuyên, khiến cho nguy cơ bị thất truyền của chúng là khá cao.

Trong cuộc chơi, có khi, một trang giấy được khán giả đưa đến cho ca nương, trong đó có ghi lời của một bài ca vừa được sáng tác tại chỗ. Ngay lúc ấy, ca nương đọc qua vài lần rồi hát lên bài ca đó trong sự tán thưởng của tác giả và của bạn tri âm. Tài văn chương, tâm tư, tình cảm ý nhị, sâu sắc của các bậc thức giả được thể hiện ngay trong cuộc chơi, khiến cho cuộc chơi thêm phần sang trọng.

Đêm càng sâu, âm hưởng u buồn của những bài bản Nam càng thêm da diết. Các bài ca về những tình cảm u hoài, về nhân tình thế thái, những trăn trở trước cuộc đời… của các bậc thức giả càng trở nên thấm thía trong tiếng ca, điệu đàn càng lúc càng trở nên nhuần nhụy, khiến người trong cuộc lúc thì chìm đắm trong trạng thái cảm hoài, lúc thì thăng hoa trong cái tinh tế của nghệ thuật âm nhạc. Bên những người bạn tri âm, đồng cảm với nghệ thuật, người biểu diễn càng cảm thấy hứng khởi, càng có dịp “trổ” những “ngón ruột” của mình, khiến nghệ thuật càng được nâng tầm. Quả thật là tiếng đàn của Bá Nha chỉ thăng hoa khi có được người nghe là Tử Kỳ7.

Để thay đổi không khí, xen giữa các bản Ca Huế chính thống, người ta còn chơi các bài dân ca như Lý, Hò, Vè, Chầu văn, có khi là những trích đoạn tiêu biểu của ca kịch Huế (còn gọi là Ca Kim Sanh). Rồi bữa ăn khuya được dọn ra để mọi người được nghỉ ngơi, tiếp thêm năng lượng. Thuở ấy, thú “ngủ đò” ở Huế còn thịnh hành, nên trên sông Hương thường có nhiều chiếc thuyền con chèo loanh quanh bán thức ăn cho khách ngủ đò và khách chơi Ca Huế, nào là trứng vịt lộn, bún bò, bánh bao, chè… Sau khi nghỉ ngơi, ăn uống “dằn bụng”, mọi người lại tiếp tục cuộc chơi cho đến 2 - 3 giờ sáng hôm sau.

Trong những buổi Ca tri âm, ca nương và nhạc công ngoài tiền cát-xê còn được nhận tiền thưởng8. Giữa khuôn chiếu, người ta đặt một cái đĩa, trên đó có tiền thưởng của những người mộ điệu. Việc bỏ tiền ra đĩa cũng giống như bỏ thẻ thưởng trong nghệ thuật Ca Trù, không chỉ thể hiện khía cạnh kinh tế mà còn là một lời khen, sự tán thưởng của người nghe đối với các nghệ sĩ biểu diễn. Trong Ca Huế tri âm, kết thúc mỗi bài không có vỗ tay, bởi giữa người biểu diễn và người thưởng thức không có khoảng cách rạch ròi, cũng không có tiếng trống chầu thể hiện sự khen, chê trong khi biểu diễn như ở nghệ thuật Ca Trù. Người nghe thể hiện sự tán thưởng của mình bằng thái độ tập trung im lặng nghe kỹ từng ngón nhấn, từng nét luyến láy tinh tế, từng lời ca “đắt”… Người nghe càng tập trung thì càng thể hiện họ đang bị cuốn hút hoàn toàn vào phần trình diễn, họ tuyệt nhiên không cần phải thể hiện điều gì, cho dù là sự gật gù tán thưởng. Sự im lặng lắng nghe từng lời, từng chữ đã là sự động viên đối với người biểu diễn khiến họ càng tập trung nắn nót bài ca, tiếng đàn của mình thêm đẹp, thêm thanh. Khi một bài ca kết thúc, có thể có một vài lời nhận xét của người thưởng thức, kể cả người nghe lẫn người biểu diễn dành cho nhau: “Chà, lời ca quá sâu sắc!” hay “Tiếng đàn nhị ngọt ghê!”, “Đàn nguyệt nhấn hay quá, nghe mà nhớ tiếng đàn của thầy A…”. Người nghe còn có thể thể hiện sự tán thưởng của mình bằng hành động cụ thể: bỏ tiền thưởng vào đĩa. Bằng những cách đó, người nghệ sĩ biết được mình đang tấu nhạc cho những người sành điệu, như thể Bá Nha gặp được Tử Kỳ, họ càng hứng khởi trổ tài nhiều hơn. Tuyệt nhiên không có tiếng vỗ tay từ phía khán giả, bởi Ca Huế tri âm không phải là một cuộc biểu diễn mà là một cuộc chơi của những người đồng điệu.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tâm (1946-), giọng ca vàng của nghệ thuật Ca Huế, hồi tưởng khoảng đầu thập niên 1970, nhóm của cô hay nhận lời mời ca tri âm cho một người ái mộ Ca Huế, một “đại gia” thời ấy là ông Thảo - một người Huế, là chủ thầu xây cầu Mới (tức cầu Phú Xuân)9. Ông Thảo là một người có tiền, có tiếng, và rất có văn hóa. Mỗi lần thưởng thức Ca Huế, ông thường mời nhóm nghệ sĩ đến để họ ca đàn với nhau trên sập gụ, trong gian phòng có lư xông trầm, có bày biện hoa tươi, tóm lại là chủ nhân bày biện một không gian lý tưởng để thưởng thức nghệ thuật Ca Huế. Chủ nhân và một số bạn tri âm thì ngồi hơi cách riêng ra xa để thưởng thức. Trong trạng thái ấy, ông có thể một mình im lặng tập trung nghe kỹ từng lời ca, tiếng nhạc, lại vừa thể hiện sự tôn trọng đối với nghệ sĩ, ông muốn để các nghệ sĩ trổ tài trong trạng thái tự nhiên nhất và không bị làm phiền bởi sự hiện diện của ông. Nhưng có lần, một số khách mời của ông đã gây nên sự cố. Trong tình huống đó, các nghệ sĩ trong nhóm đã phản ứng bằng cách không trình diễn nữa, khi mà cuộc chơi chỉ mới bắt đầu. Thế là chủ nhân phải đứng ra giải quyết. Người ta phải dời đến một vị trí khác không có những vị khách phá đám thì mới có thể bắt đầu lại cuộc chơi10. Như thế, thời ấy đã có những vị khách chưa có kiến thức về nghệ thuật Ca Huế, kể cả những ứng xử văn hóa trong một cuộc chơi lẫn cách thưởng thức nghệ thuật âm nhạc, cho nên họ mới có thái độ, hành động không phù hợp. Vấn đề quan trọng là cách giải quyết phải như thế nào cho hợp lý. Các nghệ sĩ đã cương quyết dừng cuộc chơi để phản đối, đó là một ứng xử rất “Huế” - quyết liệt nhưng bình hòa. Thoạt trông thì phản ứng ấy có vẻ bình ổn nhưng ẩn chứa bên dưới là thái độ dứt khoát với những người không biết tôn trọng nghệ thuật và nghệ sĩ. Chỉ với sự tự trọng trong nghề nghiệp và bản thân thì nghệ sĩ mới có được sự tôn trọng của những người khác trong xã hội.

Kết luận

Ca Huế tri âm - cuộc chơi âm nhạc của những người đồng điệu - phản ánh đúng bản chất của nghệ thuật Ca Huế ngày xưa. Nó thường được tổ chức trong một thính phòng nhỏ, có thể là một gian phòng hay một khoang thuyền, với một nhóm nhỏ những người tri âm mộ điệu, đã có nền tảng hiểu biết về Ca Huế. Ở đây, tùy vào khả năng, một người có thể đảm nhiệm một vài hoặc cả ba vai trò: người biểu diễn, người thưởng thức, tác giả sáng tác lời. Chính yếu tố con người là quan trọng nhất, nó tạo nên tính chất của một buổi Ca Huế tri âm.

Ngày nay, Ca Huế tri âm được hiểu với ý nghĩa gần với Ca Huế thính phòng, cho dù một bên chỉ về tính chất, bên kia chỉ về không gian diễn xướng, và người ta thường dùng thuật ngữ Ca Huế thính phòng nhiều hơn. Điều này dễ gây nên sự nhầm lẫn rằng đó chính là bản chất của Ca Huế. Thực ra, việc tổ chức trình diễn trong một gian phòng hay một khoang thuyền không quyết định đến nội dung của buổi diễn. Chính tính chất tri âm tri kỷ, nền tảng văn hóa, sự hiểu biết, niềm yêu thích Ca Huế… của những người tham gia là những điều làm nên bản chất của nghệ thuật Ca Huế. Vì vậy, muốn bảo tồn nghệ thuật Ca Huế, chúng ta không đơn thuần tạo ra một gian phòng cho nó mà phải có những con người thực sự có hiểu biết, niềm đam mê, tài năng đối với bộ môn nghệ thuật này. Có như vậy, bản chất của nghệ thuật Ca Huế mới có thể được gìn giữ với thời gian.

P.T.T.
(TCSH386/04-2021)

-----------------------------------
1. Chữ dùng của các nghệ nhân, để phân biệt với hình thức ca biểu diễn trên sân khấu.
2. Xem thêm Phan Thuận Thảo, Một số biến đổi của Ca Huế trong thế kỷ XX qua câu chuyện về bài Tương tư  khúc, Sông Hương, số 255, tháng 9/2018.
3. Các bậc quân tử Trung Hoa ngày xưa như Khổng Tử hay Gia Cát Lượng đều rất rành về âm nhạc. Họ đều chơi giỏi đàn Cầm - nhạc cụ của người quân tử, chiếm địa vị cao trong văn hóa Trung Hoa.
4. Nhịp một: trong một chu kỳ nhịp gõ một tiếng phách.
5. Nhịp ba: trong một chu kỳ nhịp gõ ba tiếng phách
6. Bài viết của Hoàng Yến vào năm 1919 cho biết đã có bài ca Khách nhịp ba khác là bài Lưu thủy nhịp ba, nhưng đến nay chỉ còn bài Phú lục.
7. Tích truyện xưa của Trung Quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc về Bá Nha là quan nước Tấn, chơi đàn rất giỏi, kết bạn với Tử Kỳ là một danh sĩ ẩn dật ở nước Sở biết nghe và hiểu được sâu sắc tiếng đàn của mình. Về sau, khi Tử Kỳ chết sớm, Bá Nha đập vỡ cây đàn, quyết không đánh đàn nữa vì thế gian không còn ai hiểu tiếng đàn của mình. Mối thâm tình giữa Bá Nha và Tử Kỳ đã trở thành biểu tượng của những người tri âm, tri kỷ trong nghệ thuật âm nhạc.
8. Những lúc nghệ sĩ chơi với nhau thì không có tiền cát-xê.
9. Cầu Phú Xuân được xây dựng năm 1972.
10. Phỏng vấn ngày 29/6/2020.


Tài liệu tham khảo:

1. Phan Thuận Thảo, Một số biến đổi của Ca Huế trong thế kỷ XX qua câu chuyện về bài Tương tư khúc, Sông Hương, số 355, tháng 9/2018.
2. Hoàng Yến, Âm nhạc Huế - đờn nguyệt và đờn tranh, Tạp chí Những người bạn Huế xưa, bản dịch của Đặng Như Tùng, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993.
3. Phỏng vấn NNƯT Thanh Tâm, ngày 29/6/2020.
4. Quan sát tham dự của tác giả trong các buổi sinh hoạt Ca Huế tại Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn (31 Nguyễn Chí Thanh, Huế), tư gia của nhà văn Bửu Ý (7 Phạm Ngũ Lão, Huế), trình diễn Ca Huế thính phòng ở Bảo tàng Văn hóa Huế (23 Lê Lợi, Huế)… và các show diễn dành cho khách du lịch…  



 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng