Ai ra xứ Huế
Đề xuất “Bình phong” trong kiến trúc truyền thống Huế thành sản phẩm du lịch đặc thù
10:30 | 27/08/2021


PHẠM ĐĂNG NHẬT THÁI

Đề xuất “Bình phong” trong kiến trúc truyền thống Huế thành sản phẩm du lịch đặc thù

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, cùng với phát triển du lịch chung của tỉnh Thừa Thiên Huế thì việc xây dựng chương trình sản phẩm du lịch đặc thù cũng được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng du lịch của tỉnh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Để ngành du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị(1) đề ra, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Từ đó, xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có chất lương, đa dạng, đặc thù để Huế trở thành điểm đến du lịch có đẳng cấp của Việt Nam, là thương hiệu điểm đến du lịch quốc gia. Mặc dù du lịch được xem là chiến lược quan trọng, nhưng trong thời gian qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế vẫn chưa tìm ra sản phẩm du lịch đặc thù nào riêng có của mình, trong đó, thiếu chiến lược phát triển sản phẩm, thiếu những nghiên cứu cần thiết nhằm xác định cụ thể “tính hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản và đại diện” của từng loại tài nguyên du lịch là nguyên nhân quan trọng nhất.

Cho nên, đề xuất “Bình phong trong kiến trúc truyền thống Huế thành sản phẩm du lịch đặc thù” là tập trung vào các sản phẩm như: du lịch tìm hiểu về Bình phong trong phong thủy của Huế; du lịch công trình có kiến trúc Bình phong tiêu biểu; du lịch trải nghiệm chế tác Bình phong thành sản phẩm lưu niệm và quà tặng. Vì vậy, sự quan tâm, hỗ trợ của các ban ngành liên quan cho việc mở tuyến tham quan, thuyết minh và trải nghiệm, chế tác ra những sản phẩm lưu niệm, quà tặng để phục vụ du lịch đặc thù, phù hợp với bản sắc văn hóa Huế là một điều rất cần thiết.

2. Đề xuất kiến trúc Bình phong thành sản phẩm du lịch đặc thù của Huế

“Bình phong” - Một khái niệm và hình ảnh hầu như không quá xa lạ đối với người Việt chúng ta, đặc biệt là những người con, người dân xứ Huế. Từ xa xưa, Bình phong đã xuất phát từ các yếu tố “triều”, “án” trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho con người ở trên vùng đất đó. Về sau Bình phong kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật và dần trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống Việt nói chung và Huế nói riêng. Chúng ta dễ dàng thấy sự phong phú, muôn hình vạn trạng của những bức Bình phong từ các mảng kiến trúc:

- Kiến trúc cung đình, vua chúa: đền đài, cung điện, lăng tẩm, phủ đệ,...

- Kiến trúc cộng đồng, tín ngưỡng: đình, chùa, miếu, điện,...

- Kiến trúc nhà ở, dân gian: nhà vườn, từ đường, họ tộc, am, mộ,...

Hình ảnh Bình phong xuất hiện trong tổng thể kiến trúc, Bình phong được xây dựng ngay trước mặt tiền của công trình. Thậm chí trong kiến trúc cung đình, lăng tẩm vua chúa... hình ảnh Bình phong còn có cả trước, sau và phía bên của công trình đó nữa. Đối với các công trình kiến trúc thuộc yếu tố cộng đồng, tín ngưỡng và nhà ở trong dân gian thì càng cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của Bình phong đối với đời sống tinh thần của người dân xứ Huế.

2.1. Bình phong trong vị thế của vùng đất Kinh đô Huế

Ngay từ khi chúa Nguyễn Phúc Thái, năm 1687, đã phát hiện ra vị thế phong thủy đặc biệt của ngọn núi Bằng Sơn (núi Ngự Bình)(2), chúa đã cho dời cả thủ phủ Đàng Trong từ vùng đất làng Kim Long (1636 - 1687) về vùng đất làng Phú Xuân. Lúc ấy, ngọn núi Bằng Sơn như trở thành bức bình phong cân đối và vững chãi đối với thủ phủ Phú Xuân lần thứ nhất (1687 - 1712). Rồi “đến năm 1739 chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi lại cho xây phủ mới bên tả phủ cũ(3). Vùng đất Phú Xuân lại được chọn làm thủ phủ lần thứ 2 (1738 - 1775). Cho đến khi chúa Nguyễn buộc phải rời khỏi dinh Phú Xuân và Lê Quý Đôn vào tiếp quản Đô thành Phú Xuân năm 1775, cũng đã hết lời ca ngợi thế phong thủy của mảnh đất này, đặc biệt là vai trò của triều sơn (núi Ngự Bình). “Đến đầu thế kỷ XIX, khi quy hoạch và xây dựng Kinh đô Huế nói chung, Kinh thành nói riêng, vua Gia Long và các triều thần đã tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến các nguyên tắc Dịch lý và thuật Phong thủy liên quan đến phương diện kiến trúc(4). Ngoài ra, theo TS. Phan Thanh Hải “đối với Kinh đô Huế, núi Ngự Bình không phải là triều sơn mà chính là án,... án cũng có 2 loại: Ngoại án và nội án; ngoại án hay tiền án là chiếc bình phong đặt ở phía bên ngoài, ở phía trước công trình; còn nội án là chiếc bình phong (cũng có khi gọi là trấn phong) đặt ngay trong công trình”(5).

Núi Ngự Bình làm Bình phong của Kinh thành Huế (Nguồn: internet)


Như vậy, núi Ngự Bình được xem như là chiếc “Bình phong” có nhiệm vụ làm “án” cho toàn bộ kiến trúc của Kinh thành Huế. Vì thế, hình ảnh Bình phong của núi Ngự chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong việc các chúa Nguyễn lựa chọn vùng đất Phú Xuân để xây dựng thủ phủ của xứ Đàng Trong và Kinh đô của đất nước dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Đặc điểm phong thủy của “sông Hương núi Ngự” đã chắp kết, góp phần tạo nên những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Huế từ các thế kỷ  trước và của ngày hôm nay.

2.2. Tuyến du lịch đặc thù cho các công trình có kiến trúc Bình phong tiêu biểu

Từ các nguyên tắc Dịch lý và phong thủy trong việc chọn một cuộc đất đẹp, hay chọn một hướng tốt, nhiều thế triều sơn, thủy tụ,... các vua quan thời Nguyễn đã quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh của phương diện kiến trúc. Từ đó, kiến trúc Bình phong được quan tâm để xây dựng, đa dạng về chủng loại, hình dáng và ý nghĩa, giá trị văn hóa nghệ thuật trong tổng thể xây dựng các công trình ở Huế. Về cơ bản, có thể tạo ra 3 tuyến du lịch cho loại hình kiến trúc Bình phong tiêu biểu là đại diện cho các công trình của cung điện, lăng tẩm và các công trình đặc biệt khác.

 

Bình phong ở trước và Bình phong sau của Cung Trường Sanh

2.2.1. Tuyến kiến trúc Bình phong trong cung điện của Đại Nội

Đại Nội là vòng thành thứ hai của Kinh thành Huế, bao gồm các công trình bên trong của Hoàng Thành và Tử Cấm Thành như: Cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng thái hậu), Cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng thái hậu), Điện Phụng Tiên, Thái Bình lâu, vườn Thiệu Phương,... Bên trong các công trình này vẫn còn hệ thống kiến trúc Bình phong được xây dựng công phu, tiêu biểu đại diện cho hình thức Bình phong chốn cung điện của Hoàng Thành Huế.

2.2.2. Tuyến kiến trúc Bình phong trong lăng tẩm

Có thể nói rằng tất cả các lăng tẩm ở Huế đều có Bình phong. Điển hình trong đó có lăng vua Tự Đức, nơi vẫn còn lưu giữ được nhiều Bình phong cổ tuyệt đẹp, có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật khảm sành sứ điêu luyện cao nhất hiện nay. Tiêu biểu là chiếc Bình phong phía sau Ích Khiêm Các với đầy đủ các họa tiết trang trí tứ linh hiếm hoi vẫn còn khá nguyên vẹn. Bình phong phía trong của cửa Huy Khiêm thuộc Khiêm Cung trang trí hình dáng Long Mã tựa hình Kỳ Lân đang lướt trên sóng nước, lưng chở Hà đồ với thần thái hết sức sinh động và tinh tế(6).

Bình phong trước và Bình phong sau của Cung Diên Thọ
Bình phong bên và mặt bằng tổng thể của ba vị trí Bình phong ở Cung Diên Thọ


Trên cụm di tích An Lăng (lăng vua Dục Đức) là khu mộ chung của ba thế hệ làm vua: Dục Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu)(7), đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu năm 2018. Mặc dù tổng thể kiến trúc An Lăng không rộng lớn như các lăng vua Gia Long, Thiệu Trị, Minh Mạng hay lăng vua Tự Đức… nhưng có thể nói An Lăng là một minh chứng cho sự phong phú với các thể loại Bình phong trong hệ thống lăng tẩm ở Huế. Trong đó, đáng chú ý là bức Bình phong trước mộ vua Dục Đức có chữ “Song Hỷ” rất lạ được đắp nổi bằng sành sứ. Ngoài ra, ở phía trước, trong và sau khu vực lăng mộ ở An Lăng còn có Bình phong được trang trí với biểu tượng chữ “Thọ”, Bình phong với họa tiết hình Rồng, Long Mã, Song Phụng, Tam Lân hí cầu…

Bình phong chữ “Song Hỷ” và chữ “Thọ” ở trước mộ vua Dục Đức và Hoàng hậu Từ Minh
Bình phong “Tam Lân hí cầu” và “Song Phụng” ở sau mộ vua Dục Đức và Hoàng hậu Từ Minh


2.2.3. Tuyến kiến trúc Bình phong các công trình đặc biệt khác

Ngoài các Bình phong trong chốn cung điện, lăng tẩm, phủ đệ, đình, chùa, miếu, điện và cả trong nhà vườn, nhà ở trong dân gian xứ Huế, các từ đường, họ tộc,... vẫn còn có một số công trình đặc biệt khác của thời Nguyễn mà yếu tố Bình phong cũng là những câu chuyện đặc sắc cần phải nói đến của các công trình: Đàn Nam Giao, Điện Voi Ré, Trường Quốc Học, Đài chiến sĩ trận vong và Viện Cơ mật.

Mặt bằng tổng thể bố trí Bình phong ở 3 cửa Tây - Bắc - Nam của Đàn Nam Giao


 

Các Bình phong của Đàn Nam Giao: vị trí cửa Tây - cửa Bắc - cửa Nam

- Các Bình phong của Đàn Nam Giao

Đàn Nam Giao (nơi để vua làm lễ tế Trời Đất), một tổ hợp kiến trúc nằm trong khuôn viên hình chữ nhật, được vua Gia Long cho xây dựng năm 1807. Trong đó, bốn mặt khuôn viên của Đàn Nam Giao đều trổ cửa theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và hướng Nam là cửa chính. Trước mỗi cửa đều được xây Bình phong. Tuy nhiên, nay chỉ còn ba bức ở các phía Đông, Tây, Nam và cả 3 Bình phong đều có hình dạng chữ nhật ngang đơn giản như một đoạn bức tường thành, vát xéo ở 2 góc trên và được xây bằng gạch đặc, trát vữa xi măng. Kích thước các Bình phong này đều như nhau (rộng 12,5m; cao 3,2m; dày 0,8m).

Như vậy, có thể thấy rằng: Hình ảnh Bình phong là yếu tố không thể thiếu được trong các công trình ở đầu thế kỷ XIX. Ngay cả công trình đặc biệt như Đàn Nam Giao, yếu tố Bình phong cũng như được “modul hóa” ở cả 4 phía.





 

Cổng tam quan & Bình phong Long Mã của Điện Voi Ré

- Bình phong của Điện Voi Ré (Miếu Long Châu)

Công trình hiện tọa lạc trong kiệt 373 Bùi Thị Xuân, phường Thủy Biều cũng được xây dựng theo lối phong thủy, có tiền án (Thành Lồi - thành cũ của người Chăm đã có sẵn) và minh đường (hồ Điện). Điện Voi Ré là nơi thờ những chú voi anh dũng trong các trận chiến dưới thời Nguyễn, do chính quan đại thần Nguyễn Đức Xuyên chỉ huy xây dựng năm 1817. Tổng thể của điện có dạng hình vuông, bước qua cổng tam quan là một bức Bình phong có họa tiết Long Mã được đắp nổi, uy nghi, nằm ở vị trí chính giữa và cùng diện tường của 2 cửa trước khi vào miếu. Phía sau Bình phong là họa tiết các chữ thọ được dán các mảnh ghép sành sứ trắng rất đẹp.

Tuy nhiên, thời gian đã làm phai mờ nhiều họa tiết khác trên bức Bình phong này. Điện Voi Ré cũng đã được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1825, 1876, 1917, 1960 và đã được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1998.

- Bình phong Long Mã ở Trường Quốc Học Huế

Trường Quốc Học Huế được thành lập vào ngày 23/10/ 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái (nhằm ngày 17 tháng 9 năm Bính Thân) và được xây dựng trên phần đất của công trình Dinh Thủy Sư (hay còn gọi là Thủy Trại - nơi trú đóng, huấn luyện binh lính đường thủy của quân đội triều Nguyễn, thủy quân hoàng gia, niên hiệu Gia Long thứ 5, từ năm 1806). Năm 1915 trường được xây dựng lại bằng gạch ngói theo kiến trúc kiểu Pháp, cơ bản giống như hiện nay. Hướng chính của trường nằm xoay ra đường Jules Ferry (sau năm 1955 là đường Lê Lợi). Nhưng điều đáng nói ở đây là phía bên trái hàng rào của cổng chính Trường Quốc Học có một “Bình phong Long Mã” được dựng ở mặt tiền của đường vào năm thành lập trường.

Bình phong Long Mã ở bên hàng rào trái của Trường Quốc Học; Dòng chữ Hán trên Bình phong “Thành Thái bát niên thập nhất nguyệt cát nhật tạo” (Làm vào ngày tốt, tháng 11, năm Thành Thái thứ 8) - Năm 1896


Theo quan niệm phong thủy: Bình phong là “vật thể” dùng làm “triều” hoặc “án” để che chắn các luồng gió, khí độc cho công trình. Bình phong luôn được bố trí, xây dựng ngay chính diện trước hoặc sau và nằm trên trục chính (trục thần đạo) của mỗi công trình. Tuy nhiên, Bình phong Long Mã ở trường Quốc Học lại nằm ở vị trí hàng rào, phía bên tả, không nằm trên “trục chính” cũng như giữ vị trí “triều” hay “án” của bình phong cho công trình “điểm nhấn” của trường. Mặt khác, theo địa bạ triều Nguyễn, trường Quốc Học lại được đặt ở đất Tả doanh Thủy sư(8) khi mà “Việc thiết lập Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ ở bờ nam sông Hương và sự ra đời của khu phố Tây (quartier Européen) vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX,... đã tạo ra hệ quả là các trại thủy binh của triều Nguyễn ở bờ Nam sông Hương bị xóa sổ...”(9). Phải chăng, Bình phong Long Mã trên tường rào của Trường Quốc Học chính là “di tích” Bình phong của công trình Tả doanh Thủy sư hay là chiếc Bình phong được dựng lên “phía bên tả” như là một sự ghi nhớ rằng “đây từng là vị trí trục chính của công trình Tả doanh Thủy sư” mà vua Thành Thái đã cho dựng với ý nghĩa của Bình phong Long Mã ở nơi này?

- Ý tưởng Bình phong cho thiết kế Đài chiến sỹ trận vong

Kiến trúc Đài chiến sỹ trận vong tọa lạc giữa khung cảnh thiên nhiên bên bờ Nam sông Hương, trước mặt đài là cổng Trường Quốc Học. Công trình kiến trúc này được hoàn tất xây dựng vào ngày 18/9/1920, mang dáng dấp của một bức Bình phong, được xây theo kiểu  cách, trang trí của Huế và được lồng ghép vào giữa một cửa tam quan lớn. Đài dùng để tưởng niệm những người Pháp đã từng sống và làm việc ở Huế cùng với những người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ (Annam) qua tham chiến tại Âu châu và đã tử trận trong Đệ nhất Thế chiến (1914 - 1918)(10). Bản vẽ của công trình chính là đồ án đạt giải nhất của Tôn Thất Sa (1882 - 1980), giáo viên dạy môn hội họa tại Trường Bá Công Huế (nay là trường Cao đẳng Công nghiệp Huế).

Đài chiến sĩ trận vong (Ảnh chụp lại từ B.A.V.H, 1937)
Đài chiến sĩ trận vong năm 2020


Nhưng, về ý tưởng hình dáng như bức “Bình phong” của đài là do cụ Nguyễn Đình Hòe(11) đề xuất. Bởi lẽ, trong các ý kiến họp bàn của hội đồng để thiết kế và xây dựng thì: “Về hình thức của Đài, có người đề nghị làm một tấm bia đá lớn để khắc tên các tử sĩ và xây một nhà bia để che mưa nắng. Nhưng, Nguyễn Đình Hòe phản đối, cho rằng những bia cỡ lớn như vậy chỉ dành riêng cho các vị Hoàng đế Việt Nam. Ông đề nghị nên thay bia bằng một cái Bình phong xây theo kiểu cách của địa phương. Ý kiến này được mọi người đồng tình(12).

 

Phía sau cổng chính Tam quan là Bình phong - Bức Bình phong và tòa nhà chính của Viện Cơ Mật (Ảnh tư liệu - Nguồn: Panoramio)

- Dựng lại bức Bình phong ở Viện Cơ Mật (Tam Tòa)

Như chúng ta đã biết, vị trí khu đất Tam Tòa hiện nay (Viện Cơ Mật) đã trải qua nhiều lần xây dựng, cải tạo kiến trúc và thay đổi chức năng sử dụng lẫn tên gọi khác nhau trong tiến trình hình thành và phát triển từ thời các chúa Nguyễn đến triều các vua Nguyễn. Theo bài viết của tác giả Trịnh Nam Hải(13), Cơ Mật Viện (Tam Tòa) đã trải qua 5 lần thay đổi quan trọng nhất về chức năng và bộ mặt kiến trúc. Trong đó: Đầu tiên vị trí này là trung tâm của thủ phủ, kinh đô các chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn (1738 - 1801). Rồi là chỗ ở của Hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng). Tiếp theo là xây dựng chùa Giác Hoàng (1839 - 1899). Từ 1899 - 1945 là Viện Cơ Mật (hoàn thành xây dựng năm 1903). Lần thứ 5 là trụ sở của một số cơ quan công quyền của tỉnh Bình Trị Thiên, tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế (1945-2000). Qua những biến động của lịch sử đã làm cho bức Bình  phong ở Tam Tòa không còn nữa (có thể từ sau 1954), để lại một khoảng trống và mất cân đối trong tổng thể kiến trúc của Tam Tòa, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa nghệ thuật cũng như phong thủy, tâm linh của một di tích lịch sử - kiến trúc độc đáo.

Từ 2001 cho đến nay (có thể được xem là lần thứ 6), Tam Tòa đang là trụ sở chính của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Vào tháng 8/2009, qua kết quả thăm dò khảo cổ học của Trung tâm đã khẳng định nền móng xuất lộ phía sau cổng Tam quan, là móng của bức Bình phong được xây (1899 - 1903) cùng thời gian xây dựng công trình Viện Cơ Mật. Cho nên, bức Bình phong đã được phục hồi năm 2009 cùng với những hạng mục tu bổ: cổng Tam quan năm 2007 và tòa nhà chính Viện Cơ Mật năm 2005.

Như vậy, điểm qua các công trình đặc biệt trên, chúng ta có thể khẳng định: Bình phong đã là loại hình kiến trúc, nghệ thuật và là nét văn hóa đặc sắc, được phát triển rực rỡ nhất vào thời Nguyễn (từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) trên hầu như tất cả các thể loại kiến trúc truyền thống của Huế. Hình ảnh Bình phong đã đi vào trong ý niệm, tâm thức của các vị vua, quan triều Nguyễn, những người được sinh ra và lớn lên, sống và làm việc tại Kinh đô Huế xưa. Ngày nay, Bình phong cũng đã được mô phỏng, đơn giản hơn, lồng ghép vào ở một số công trình kiến trúc hiện đại ở Huế tạo nên sự đặc sắc và riêng có.

Bình phong ở Tam Tòa năm 2020


2.3. Chế tác sản phẩm du lịch từ hình ảnh kiến trúc Bình phong của Huế

Cùng với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế và định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài việc đưa hình ảnh kiến trúc “Bình phong” của Huế vào các tuyến du lịch đặc thù nhằm nhấn mạnh, thuyết minh rõ ràng hơn ở mỗi công trình thì sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bình phong của Huế. Ngoài ra, việc xây dựng chương trình du lịch trải nghiệm và chế tác ra các sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch nhằm kích cầu hoạt động cho các làng nghề thủ công truyền thống Huế cũng là một đề xuất cần thiết và tạo hiệu quả kinh tế xã hội hiện nay.  

Sản phẩm “Bình phong” được chế tác từ Bình phong đình làng Bàn Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế


Việc lấy ý tưởng "Bình phong truyền thống Huế" từ các công trình di tích, cung điện, lăng tẩm,  phủ đệ hay đình làng và ngay cả Bình phong trong nhà vườn Huế để chế tác, làm ra những sản phẩm quà lưu niệm du lịch hay trải nghiệm tự làm ra sản phẩm Bình phong là một ý tưởng khá thú vị. Sự phong phú về hình dáng, mẫu mã, mô típ trang trí của Bình phong đã bao hàm bên trong nó bởi các giá trị văn hóa, những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết trong dân gian... Mặc khác, sự đa dạng, phong phú về mặt chất liệu, vật liệu, màu sắc từ quy trình, kỹ thuật thực hiện từ các ngành nghề thủ công mỹ nghệ thuyền thống ở Huế là một trải nghiệm khá thú vị để du khách có thể tự tạo ra các sản phẩm quà tặng du lịch cho riêng mình hoặc mua sản phẩm Bình phong để làm quà lưu niệm riêng có của Huế sau mỗi chuyến du lịch. Đây cũng là cơ hội để ngành nghề thủ công mỹ nghệ như: chế tác kim hoàn, điêu khắc, đúc đồng, gốm, chạm khắc mộc, mỹ nghệ, Pháp lam truyền thống... ở Huế phát triển. Đồng thời, kết hợp với kỹ thuật công nghệ máy móc hiện đại, để tạo ra sản phẩm và hướng đến thị trường du lịch tốt hơn.

Một điều thú vị rằng: Trong “Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế”(14), do Sở Công thương tỉnh tổ chức, bộ sản lưu niệm “Bình phong” đặc trưng Huế của tác giả đã vượt qua hơn 200 sản phẩm của 47 cơ sở, nhóm, cá nhân tham gia. Qua hai vòng sơ khảo và chung khảo, có 56 mẫu, bộ thiết kế/ sản phẩm vào vòng chung khảo và kết quả có 13 sản phẩm đạt giải. Trong đó, sản phẩm "Bình phong" truyền thống Huế đã đạt giải nhì trong cuộc thi này (15).  Chứng tỏ rằng: “Bình phong trong các công trình kiến trúc truyền thống Huế” cũng đã được ban tổ chức cuộc thi nhìn nhận và đánh giá cao cho ý tưởng, giá trị văn hóa, cũng như định hướng cho việc tạo ra sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho Huế để phục vụ du khách trong tương lai.

Tác phẩm “Bình phong trong kiến trúc Huế” của Phạm Đăng Nhật Thái


2.4. Phát huy chương trình du lịch đặc thù cho loại hình kiến trúc Bình phong của Huế

Để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của kiến trúc Bình phong và tăng thêm sự đa dạng cho sản phẩm du lịch của Huế, chúng ta cần:

- Hiểu rõ hơn về giá trị của Bình phong trong yếu tố phong thủy để giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của Bình phong trên các công trình truyền thống cũng như trong đời sống, văn hóa, tính cách, tinh thần của con người Huế.

- Xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù, đưa hình ảnh, kiến trúc Bình phong của Huế vào tuyến du lịch và tạo ra sản phẩm có dạng hình Bình phong bằng cách: nhận diện, đặc trưng, quảng cáo, vật phẩm, quà tặng, lưu niệm, ấn phẩm có hình Bình phong để nâng cao giá trị của những kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu của Huế. Phối hợp với các cơ sở thủ công mỹ nghệ, xưởng chế tác, sản xuất và giới thiệu sản phẩm quà tặng du lịch, tiếp tục phát huy thế mạnh đặc thù của kiến trúc Bình phong để phục vụ khách du lịch.

- Các hướng dẫn viên du lịch cần thuyết minh, thuyết trình rõ ràng hơn về các ý tưởng, câu chuyện, họa tiết, màu sắc, biểu tượng và vật liệu mà trong quá trình bảo tồn, phục chế các nghệ nhân làm nên bức Bình phong cũng như kỹ thuật phục dựng các công trình di tích.

- Nâng cao sự hiểu biết cho người dân cũng như khách du lịch về cách nhìn nhận, trân trọng và giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan xung quanh... nơi có di tích Bình phong hiện hữu.

- Phát triển du lịch, tìm hiểu, trải nghiệm, chế tác các sản phẩm quà tặng, lưu niệm mô phỏng hình Bình phong của các di tích, kiến trúc tiêu biểu của Huế.

- Đẩy mạnh mặt hàng sản phẩm du lịch, ngoại giao, văn hóa ra các nước Đông Nam Á và thế giới để giới thiệu, phát huy gia trị di sản của loại hình kiến trúc Bình phong này.

3. Kết luận

Ý tưởng đề xuất kiến trúc Bình phong vào chương trình du lịch đặc thù và chế tác thành sản phẩm đặc trưng của Huế là góp phần trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc Bình phong. Đó cũng chính là giữ gìn, nâng cao giá trị của kiến trúc truyền thống Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường. Đề xuất đưa ra hình ảnh kiến trúc Bình phong trở thành chương trình du lịch đặc thù và chế tác thành sản phẩm lưu niệm nhằm đưa hệ thống Bình phong của Huế trở thành di sản kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh và quốc gia trong tương lai.

P.Đ.N.T  
(TCSH389/07-2021)

-----------------------------------
1. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa  Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Phan Thanh Hải (2005), Với di sản Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 74.
3. Trần Đại Vinh (Chủ biên) (2018), Làng Văn vật Thừa Thiên Huế, Tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 207
4. Phan Thuận An (2017), Kinh thành Huế, Nxb Hội nhà văn, tr. 114.
5. Phan Thanh Hải (2005), Với di sản Huế, Sđd, tr. 77.
6. https://thuathienhue.gov.vn
7. http://hueworldheritage.org.vn
8. Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Thừa Thiên, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, tr.95.
9. Trần Đức Anh Sơn (2018), Huế - triều Nguyễn. Một cái nhìn, Nxb. Thế giới, tr.111.
10. Đài chiến sỹ trận vong: được xây dựng theo mong muốn của ông Richard Orband, một quan chức Pháp tại Huế, bấy giờ đang giữ chức Chủ tịch Hội Đô thành Hiếu cổ.
11. Cụ Nguyễn Đình Hòe: Sinh năm 1866 tại làng Thọ Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyên quán làng Hiền Lương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Cụ là một nhà Hán học giỏi Pháp văn đầu tiên ở Huế. Cụ từng làm phiên dịch tiếng Pháp cho triều đình Huế trước năm 1885, là một trong những giáo viên người Việt đầu tiên của Trường Quốc Học hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ năm 1901 - 1911, Nguyễn Đình Hòe làm Giám đốc kiêm giáo sư Trường Sư phạm Pháp Việt, Phó hiệu trưởng Trường Hậu Bổ Huế (1911 - 1917). Năm 1923 giữ chức Thượng thư bộ Lễ sung Cơ mật viện Đại thần, Thái tử Thiếu bảo, rồi về hưu năm 1935. Cụ mất năm Nhâm Ngọ (1942) tại Huế, thọ 76 tuổi.
12. Phan Thuận Hóa (2017), Đài chiến sĩ trận vong - một kiến trúc nghệ thuật bên bờ sông Hương, Tạp chí Sông Hương, số đặc biệt, tháng 3.
13. Trịnh Nam Hải (2015), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Cơ Mật Viện (Tam Tòa), Tạp chí Sông Hương, tháng 10 năm 2015.
14. https://thuathienhue.gov.vn
15. Quyết định số 3189/QĐ-UBND Phê duyệt kết quả Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2020.  

Tài liệu tham khảo:


1. Phan Thanh Hải (2005), Với di sản Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Trần Đại Vinh (Chủ biên) (2018), Làng Văn vật Thừa Thiên Huế, Tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Phan Thuận An (2017), Kinh thành Huế, Nxb. Hội Nhà văn.
4. Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Thừa Thiên, Nxb. Tp Hồ Chí Minh.
5. Trần Đức Anh Sơn (2018), Huế - triều Nguyễn - Một cái nhìn, Nhà xuất bản Thế giới.
6. Phan Thuận Hóa (2017), Đài chiến sĩ trận vong - một kiến trúc nghệ thuật bên bờ sông Hương, Tạp chí Sông Hương, số đặc biệt, tháng 3.
7. Trịnh Nam Hải (2015), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Cơ Mật Viện (Tam Tòa), Tạp chí Sông Hương, tháng 10.
8.https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Thong-tin-du-dia-chi/tid/Binh-phong-va-non-bo-trong-kien-truc-cung-dinh-Hue.
9. http://hueworldheritage.org.vn/TTBTDTCDH.aspx?TieuDeID=35&TinTucID=14&l=vn
10.https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Tin-tuc-su-kien/tid/Hoi-thi-thiet-ke-san-pham-thu-cong-my-nghe-nam-2020-13-san-phambo-san-pham-dat-giai/newsid.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ca Huế tri âm (11/05/2021)