Ai ra xứ Huế
Tinh thần tương thân tương ái của Đồng tôn tương tế phổ
14:45 | 18/10/2021

TRẦN VĂN DŨNG

Trong suốt quá trình tồn tại của mình, Đồng tôn tương tế phổ đã cố gắng chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho những người hoàng phái, tôn thất. Tinh thần tương thân tương ái từ những năm 20 của thế kỷ XX này đã góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tinh thần tương thân tương ái của Đồng tôn tương tế phổ
Các thành viên Đồng tôn tương tế phổ cùng quan khách chụp ảnh lưu niệm tại Phủ Tôn Nhân. Nguồn: BAVH

1. Những tiền đề ra đời của Đồng tôn tương tế phổ

Kể từ sau sự kiện Thất thủ Kinh đô Huế (7/5/1885), Chính phủ bảo hộ Pháp đã dần can thiệp cả vào việc quản lý ngân sách tài chính của Nam triều. Năm 1894, triều đình vua Thành Thái phải giao cho Khâm sứ Pháp Boulloche “giúp lo việc hộ chính của bản quốc. Phàm dự toán thu chi mỗi tháng bộ Hộ đệ lên Phủ Phụ chính duyệt qua rồi đệ lên quý đại thần chấp chiếu để tiện trù tính1. Đến năm 1900, Toàn quyền Pháp ra Nghị định đặt Hội đồng Bảo hộ bên cạnh tòa Khâm sứ để “bàn bạc định ra ngân sách thu chi trong hạt Trung Kỳ nhưng do Khâm sứ đại thần tính toán suy nghĩ, ngân sách thu ấy đến phiên họp của Hội đồng Đông Dương thì Toàn quyền đại thần quyết định, sẽ có chỉ dụ thi hành2. Vì thế, triều đình Huế đã phải tiết giảm, thậm chí bỏ bớt rất nhiều đặc ân dành cho hoàng tộc triều Nguyễn. Việc chu cấp tiền bạc để đảm bảo đời sống cho con cháu thuộc dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn không còn đầy đủ như trước đây, dần dần nhiều gia đình hoàng phái, tôn thất rơi vào cảnh nghèo nàn, túng thiếu. Điều này được phản ánh một phần nào qua cuộc phỏng vấn của phóng viên báo Tràng An với Thượng thư kiêm nhiếp Tôn Nhơn phủ Đại thần Ưng Trình (1882-1974) về bản kiến nghị người hoàng phái cũng phải nộp thuế thân như những người dân khác của Tiểu ban Đại biểu viện tại Hội đồng thường niên của Viện Dân biểu Trung Kỳ. Cụ Ưng Trình đã trả lời như sau: “Con trai và đàn ông của Phủ Tôn Nhơn từ 18 đến 60 tuổi được 2.000. Trong số ấy người có đủ ăn, cũng hơn 500 còn 3 phần 4 không có nghề nghiệp ruộng đất gì hết”3. Qua đây cho thấy, con cháu hoàng phái đến tuổi trưởng thành phần lớn không có nghề nghiệp và ruộng đất, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống xã hội bức thiết, một số thành viên hoàng tộc có tư tưởng tiến bộ, chức hàm cao và uy tín lớn trong dòng họ đã cố gắng ra sức vận động thành lập một tổ chức hội nhằm tập hợp những người trong hoàng phái, tôn thất trên tinh thần tự nguyện, với mục đích đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chăm lo tang ma, hiếu hỷ và chuyện học hành. Vào tháng 11/1926, Đồng tôn tương tế phổ (尊 相濟譜 - Association Secours Assistance Mutuels Famille Royale Annam) họp phiên đầu tiên để ra mắt, công bố Chương trình và bầu Hội đồng trị sự lâm thời. Buổi lễ có sự tham dự của các hội viên nòng cốt của Phổ ban đầu, cùng nhiều quan khách người Việt và Pháp đã đến tham dự lễ ra mắt của Phổ tại Hội quán (thuộc trụ sở Phủ Tôn Nhân), cùng 21 vị sáng lập Đồng tôn tương tế phổ(*).

2. Bản Chương trình hoàn hảo của một hội đoàn mang màu sắc hoàng gia

Như mọi tổ chức hội được thành lập thời bấy giờ4, tất cả thành viên Đồng tôn tương tế phổ đã bàn bạc và thống nhất về dự thảo Chương trình rất chi tiết gồm 55 điều khoản, đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, cách thức tổ chức và các quy trình vận hành Phổ. Bản Chương trình này do những hội viên có vốn kiến thức Nho học, Tây học uyên thâm, tâm huyết trong Phổ tham gia soạn thảo. Đó là Binh bộ Tham tri Ưng Bàng, Lang trung Bộ Hình Tôn Thất Toại, Hương công sung Hành chánh Tham tá Bửu Trưng, Công bộ Tham tri Ưng Đồng, Thị độc học sĩ Tạm phái Lễ bộ Ưng Gia, Tá quốc khanh sung Pháp-Việt trường Trợ giáo Ưng Lộc. Bản Chương trình này đã được Quyền Khâm sứ Trung Kỳ J. d’Elloy duyệt ký vào ngày 6/10/1926.

Đến ngày 16 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 2 (tức ngày 11/9/1927), Đồng tôn tương tế phổ tổ chức Đại hội đồng bất thường tại Phủ Tôn Nhân. Đại biểu tham dự Đại hội đồng có 99 người, trong đó có Hoài Ân công Bửu Liêm, Hiệp tá Đại học sĩ Hường Khẳng, Tham tri Bộ Lễ Hường Thiết, Thị lang Bộ Lễ Ưng Đồng... cùng đông đảo quan viên, khách mời. Sau một hồi thảo luận, xem xét lại bản Chương trình lần cuối, các thành viên tham dự cuộc họp đã thống nhất thông qua Chương trình sửa đổi, duyệt y Điều lệ cấp học bổng, cho mượn sách, phát viết mực cho các học sinh học giỏi. Bản Chương trình sửa đổi này đã được Khâm sứ Trung Kỳ Friès duyệt ký vào ngày 13/3/1928. Từ đây, Đồng tôn tương tế phổ trở thành một hội với tổng số 184 hội viên, có đầy đủ tư cách pháp nhân, được thừa nhận bởi chính quyền đương thời, cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có ngân sách, có con dấu riêng. Chính phủ bảo hộ cấp con dấu cho Đồng tôn tương tế phổ để đóng trên các giấy tờ của Phổ. Dấu hình tròn, chia làm 2 phần, viền ngoài khắc tiếng Pháp với dòng chữ Association Secours Assistance Mutuels Famille Royale-Annam (Hội Cứu tế - Tương tế hoàng tộc - Trung kỳ), viền trong khắc dòng chữ Đồng tôn tương tế phổ Ủy ban Trung ương Huế 同尊相濟譜 Comite Central Hue bằng chữ Hán và tiếng Pháp5.

Văn bản ngày 7 tháng 11 năm Bảo Đại thứ 5 (1930) của Hội đồng trị sự Đồng tôn tương tế phổ trình về việc định ngày họp. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I 


Sau khi Khâm sứ Trung Kỳ xem xét thông qua bản Chương trình, toàn bộ nội dung của nó được Hội đồng trị sự bổ chính và xuất bản, nhằm phổ biến rộng rãi cho bà con hoàng tộc nắm vững được mục đích, tôn chỉ, lý tưởng, phương thức hoạt động, cũng như quyền và nghĩa vụ của hội viên. Cuốn sách mang tựa đề Chương trình Đồng tôn tương tế phổ do nhà in Đắc Lập (Huế) ấn hành vào năm 1930. Ngoài ra, các văn bản liên quan đến cuộc họp Đại hội đồng hàng năm cũng được Hội đồng trị sự tổng hợp, xuất bản thành sách để phát cho các hội viên tiện tham khảo, theo dõi giám sát.

Trang bìa cuốn Chương trình của Đồng tôn tương tế phổ do nhà in Đắc Lập (Huế) ấn hành vào năm 1930


Đồng tôn tương tế phổ thành lập không phải vì phục vụ mục đích “bàn việc chính trị và tôn giáo” mà “để buộc cái tình liên lạc, thân ái của bà con và khuyên nhau cùng làm sự lành, phải chiếu theo cách thức sau: Thứ nhất, là để lấy tâm lực hoặc tiền bạc mà tương trợ cho nhau trong cơn tai nạn với khi cách biệt trần gian; thứ hai, là nếu người trong khánh phổ có con học hành thông minh và cần mẫn mà nhà nghèo thì Phổ cấp tiền cho học, bất kỳ học chữ hay học nghề, thứ ba, là có hỷ sự thì Phổ viết thư chúc mừng như giấy mời, tặng hạ”6. Do vậy, sinh hoạt tại hội quán, các hội viên tuyệt đối không được bàn luận chuyện chính trị, bài xích tôn giáo hoặc những chuyện gây hiềm khích, gây rối lẫn nhau cũng như ảnh hưởng xấu đến uy tín của Phổ để tập trung vào việc đoàn kết, tương trợ và phát triển dòng họ hoàng phái.

Về vấn đề hội viên của Đồng tôn tương tế phổ được quy định gồm 6 loại hội viên: Hội viên Sáng lập là 21 hội viên đã lập ra Phổ. Trong sổ sách của Phổ các hội viên ấy đều được đứng tên trước tiên; Hội viên Ân nghĩa là những người đóng góp cho Phổ hơn 20 đồng trở lên, Phổ sẽ có thư cảm tạ và có tặng một bức bằng (Ân nghĩa), cùng khắc tên vào bảng sơn son thếp vàng của Phổ treo tại hội quán; Hội viên Lạc trợ là những người đóng góp cho Phổ từ 5 đồng đến 19 đồng và Phổ có thư cảm tạ; Hội viên Công dự là những người đã vào Phổ có góp tiền sơ nhập, có góp tiền tháng và có hưởng các quyền lợi của Phổ. Hội viên Vĩnh viễn là những người có góp tiền lệ nhập Phổ và đóng góp 90 đồng bạc một lần (có nghĩa tính góp tiền trong 15 năm) thì sau này không đóng nguyệt liễm nữa mà cũng được hưởng quyền lợi như Hội viên Công dự; Hội viên Vinh dự là những Hội viên Công dự sinh hoạt được hơn 15 năm trở lên nhưng hiện gặp gia cảnh khó khăn nên được miễn đóng nguyệt liễm và được hưởng quyền lợi như thường7. Theo thể thức được ấn định, người xin gia nhập Phổ phải đảm bảo điều kiện là người trong khánh phổ (nếu là phụ nữ có chồng phải có sự đồng ý của người chồng), từ 18 tuổi trở lên, phải là người lương thiện. Sau đó viết đơn gửi đến Phổ trưởng, trong đơn nói rõ nhận biết và tuân theo Chương trình của Phổ. Đơn xin vào Phổ sẽ được niêm yết tại hội quán của Phổ trong vòng 2 tuần, nếu không có ai dị nghị, đàm tiếu thì Hội đồng trị sự đồng ý cho người ấy tham gia vào Phổ. Hội viên gia nhập vào Phổ được 6 tháng trở lên mới được hưởng các quyền lợi quy định trong Chương trình. Trong trường hợp người nào muốn xin ra khỏi Phổ cũng phải có đơn gửi đến Phổ trưởng xem xét. Trong 3 tháng không đóng nguyệt liễm, bị phạm lỗi và làm nhiều điều bất lợi cho Phổ, sẽ bị mời ra khỏi Phổ. Những trường hợp xin ra hoặc bị mời ra khỏi Phổ đều không được đòi lại số tiền đã đóng góp từ trước đến nay. Để duy trì hoạt động của Phổ, Đại hội đồng quyết định hội viên bắt đầu tham gia vào Phổ phải nộp 1 đồng và hàng tháng góp ba giác (0,5đ).

Bằng chứng nhận Ân nghĩa hội viên của Đồng tôn tương tế phổ cấp cho ngài Ưng Bàng vào năm 1928 - Ảnh: Tác giả chụp từ Bộ sưu tập Lê Gia


Về cơ cấu tổ chức, theo khoản 8: Phổ được điều hành hoạt động do một Hội đồng trị sự. Lúc mới thành lập Phổ vào năm 1926, Hội đồng trị sự gồm: 1 Phổ trưởng, 1 Phó Phổ trưởng, 1 Thư ký, 2 Phó Thư ký (1 người chuyên chữ Pháp và 1 người chuyên chữ Hán), 1 Trưởng quỹ, 1 Phó Trưởng quỹ. Đến năm 1927, Hội đồng trị sự có sự điều chỉnh bộ máy tổ chức. Và từ đây có sự thay đổi cơ cấu tổ chức theo từng thời kỳ để phù hợp với tình hình thực tế và sự phát triển lớn mạnh của Phổ. Các thành viên tham gia Hội đồng trị sự được lựa chọn từ các hội viên theo phương thức bỏ phiếu kín, người nào cao phiếu hơn sẽ được chọn vào vị trí xứng đáng. Hội đồng trị sự phải thay phiên nhau thường trực tại hội quán, định kỳ nửa tuần phải họp một lần hoặc trong trường hợp cần thiết do Phổ trưởng triệu tập. Nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng trị sự được quy định một cách cụ thể và rõ ràng trong Chương trình đã được phê duyệt.

Chương trình của Đồng tôn tương tế phổ còn quy định Phổ có 2 Hội đồng, cụ thể: Hội đồng Chủ trương gồm hoàng đế Bảo Đại làm Hội trưởng, Phụ chánh Thân thần Tôn Thất Hân làm Phó Hội trưởng, ngài Tôn Nhơn Phủ đại thần làm hội viên. Hội đồng Danh dự gồm có quan Trung kỳ Khâm sứ đại thần làm Hội trưởng, ngài Cơ mật viện trưởng đại thần làm Phó Hội trưởng, các ngài Cơ mật đại thần làm Hội viên. Qua đây cho thấy, Đồng tôn tương tế là một tổ chức hội mang tính chất đặc thù, có tính khác biệt so với các hội đoàn ái hữu đương thời, đó là sự góp mặt tham gia của hoàng đế Bảo Đại, Khâm sứ Trung kỳ và nhiều quan lại cao cấp của Nam triều. Ngoài ra, Phổ hoạt động dưới sự bảo trợ nhiệt thành của Phủ Tôn Nhân. Điều này được phản ánh rõ nét qua lời phát biểu của Phổ trưởng Ưng Bàng trong kỳ họp Đại hội đồng: “Trong cả các hội, không có hội nào dễ phát đạt như hội Tương Tế của Đồng Tôn, là vì một bên hội riêng, mà có cơ quan của nhà nước giúp cho, như là Phủ Tôn Nhân. Vậy thì một bên theo phép công, một bên theo lệ riêng, cả hai có quan trọng yếu giúp lẫn nhau công tư lưỡng tiện8. Một điều cũng hết sức đặc biệt nữa là người giữ chức vụ Phổ trưởng Đồng tôn tương tế đều đã từng đảm nhiệm (ngài Ưng Bàng) hoặc đang đương chức (ngài Tôn Thất Đàn) kiêm nhiếp Tôn Nhân Phủ đại thần.

Các hội viên ở các tỉnh ngoài Kinh đô Huế mỗi năm cũng tổ chức đại hội bầu 1 đại biểu, 1 thư ký để điều hành, tổ chức các hoạt động tại địa phương và kết nối liên lạc với Hội đồng trị sự đóng ở Kinh đô Huế. Các đại biểu và thư ký ở các tỉnh phải được Hội đồng trị sự chuẩn y công nhận mới chính thức đi vào hoạt động. Hàng năm cứ đến tháng 1, Phổ tổ chức họp Đại hội đồng một lần để làm những công việc sau: Tổng kết những việc đã làm được trong một năm, báo cáo tài chính thu chi, bầu cử Hội đồng trị sự mới, thảo luận những công việc sẽ được triển khai thực hiện trong năm mới...

Để thực hiện mục đích khuyến khích việc học tập, rèn luyện đạo đức, du học các nước phương Tây, khởi nghiệp gắn liền thực nghiệp của con cháu hoàng tộc, Chương trình của Đồng tôn tương tế phổ quy định như sau: “Khoản thứ 53. Số tiền trợ cấp để mà: 1. Làm học lẫm cho học trò các trường cụ thể hoặc học lớp ba, lớp nhì, lớp nhất các trường sơ đẳng và các trường công nghiệp, mà cha mẹ thiệt nghèo khó, không có thể nuôi con ăn học được, nhưng mà phải có học hạnh mới cấp cho; 2. Mua sách để thưởng những học trò trong Khánh phổ học hạnh kiêm toàn; 3. Mua giấy viết mực mà cấp cho học trò nghèo không cấp học lẫm nhưng có học hạnh mới được; 4. Mua các thứ nhật trình và tạp chí có ích để tại hội quán để bà con đến xem cho quảng kiến văn và có dịp gặp nhau; Khoản thứ 54. Khoản cấp học lẫm cách phát giấy mực, cách phát phần thưởng và cách mua nhựt trình tạp chí, thời có đạt một hội đồng học ban có năm ông hội viên có làm điều lệ riêng. Nhưng điều lệ ấy cũng phải trình Đại hội đồng duyệt y, rồi mới được thi hành. Như học trò trong Khánh phổ tốt nghiệp Trung học rồi, mà có đơn xin Phổ giúp cho để hoặc ra Hà Nội hoặc qua Tây theo học, thời Phổ xét quả người có chí mà nhà nghèo, sẽ hết sức kiếm cách giúp cho; Khoản thứ 55. Khi nào số bạc tích của Phổ được sung đủ sẽ lập một sở thực nghiệp và sở dục anh để giúp cho những người cô quả nghèo cực trong Khánh Phổ mà không vô Phổ được”9.

3. Hội của những người hết lòng vì dòng họ hoàng phái

Trải qua một quá trình vận động không biết mệt mỏi của 21 vị tham gia sáng lập Đồng tôn tương tế phổ, nhân dịp tổ chức đại lễ Hưng quốc Khánh niệm vào ngày mồng 2 tháng 5 năm Bảo Đại thứ nhất (1926), các vị sáng lập Phổ đã họp thông qua Chương trình và thống nhất phân công Hội đồng trị sự lâm thời. Đến tháng 11/1926, kỳ họp Đại hội đồng lần thứ nhất đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Tôn Nhân với hơn 200 hội viên tham dự để bầu Hội đồng trị sự chính thức và bàn luận một số công việc quan trọng cần phải triển khai thực hiện trong thời gian sắp đến. Tại buổi họp này, tất cả hội viên đều thống nhất bầu Hội đồng trị sự chính thức gồm, Phổ trưởng: Thượng thư bộ Hình Tôn Thất Đàn (có số phiếu bầu cao nhất); Phó Phổ trưởng: Ưng Bàng; Tổng Thư ký: Bửu Trưng, Trưởng quỹ: Tôn Thất Toại; Phó Thư ký: Ưng Gia, Tôn Thất Sung, Phó Trưởng quỹ: Ưng Đệ, Ưng Nhung.
 

Chân dung Phổ trưởng Tôn Thất Đàn. Ảnh Tư liệu

Ngài Tôn Thất Đàn giữ cương vị Phổ trưởng hơn 10 năm, tức từ tháng 11/1926 đến khi ông đột ngột qua đời vào tháng 5/1936 vì bạo bệnh, còn các chức danh khác như Phó Phổ trưởng, Tổng Thư ký, Trưởng quỹ, Phó Thư ký, Phó Trưởng quỹ... được thay đổi nhân sự tại các kỳ họp Đại hội đồng thường niên. Những người được các hội viên tín nhiệm bầu nắm giữ các chức vụ quan trọng trong Hội đồng trị sự của Đồng tôn tương tế phổ là những người đức cao vọng trọng, có uy tín cao trong hoàng gia triều Nguyễn. Họ làm việc bằng lòng nhiệt tâm, tinh thần trách nhiệm, không tư lợi cá nhân và không nhận một khoản phụ cấp chức vụ hay chút bổng lộc gì, chỉ chung một tấm lòng vì sự vững mạnh, thanh danh của dòng họ hoàng gia trước những thách thức, biến động của đất nước.

Sau hơn 8 tháng thành lập Đồng tôn tương tế phổ, Hội viên Công dự ở trong và ngoài Kinh thành Huế đã lên đến 511 người. Các phi tần, hoàng thân, công chúa và những người thành danh trong chốn quan trường hoặc kinh doanh phát đạt mang dòng máu hoàng tộc đã ra sức đóng góp tài chính cho Phổ. Tính tại thời điểm này, số tiền nộp gia nhập Phổ, tiền nộp nguyệt liễm và tiền ủng hộ là 2100 đồng; đồng thời vua Bảo Đại ban cho Phổ thêm 1000 đồng. Như vậy, tổng số tiền của Phổ đang nắm giữ là hơn 3000 đồng. Đến năm 1931, ngân sách của Đồng tôn tương tế phổ là hơn 6079 đồng.

Trong số những hội viên có nhiều đóng góp lớn, không thể không nhắc đến Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Đàn 尊室檀 (1871-1936), linh hồn của Đồng tôn tương tế phổ. Ông chính là trung tâm đoàn kết của con cháu hoàng gia triều Nguyễn và cũng trở thành một trong những yếu nhân quan trọng lãnh đạo và điều hành Phổ phát triển vượt bậc.

Tôn Thất Đàn có biệt tự là Hinh Nhi 馨兒 và biệt hiệu là Lạc Viên 樂園. Ông là hậu duệ của Cương quận công Nguyễn Phúc Trăn (thuộc hệ thứ 5). Năm 1890, ông được vào Trường Quốc Tử Giám học tập. Năm 1897, tham gia kỳ thi Hương ở Thừa Thiên, đỗ Cử nhân và là người khai khoa trong phòng Cương quận công. Sau đó nhập học tại Trường Quốc Học Huế để học tập tiếng Pháp. Năm 1899, ông nhậm chức tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Sau đó nhậm chức tri huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 4/4/1931, Tôn Thất Đàn được cử làm đại diện của Nam triều cầm đầu phái bộ đi dự cuộc đấu xảo thuộc địa ở Pháp.

Ngày 2/5/1933, vua Bảo Đại cải tổ nội các, ông nghỉ hưu mang hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Ngày 1/8/1933, ông được phong tước Phò Nhơn nam (扶仁男). Ông qua đời vào ngày 8/5/1936, hưởng thọ 66 tuổi, được vua Bảo Đại truy tặng hàm Đông Các Đại học sĩ.

Tôn Thất Đàn là người có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình soạn thảo Chương trình của Đồng tôn tương tế phổ trở nên hoàn chỉnh, thể hiện được tâm nguyện của toàn thể hội viên. Báo Tràng An số 123 (ra ngày 15/5/1936) cũng có đoạn đánh giá về công lao của Tôn Thất Đàn đối với Đồng tôn tương tế phổ như sau: “Trong lúc quan [Tôn Thất Đàn] còn tại chức có lập nên hội Đồng tôn tương tế là một hội tương tế trong hoàng gia mà hiện nay cơ sở rất vững bền, giúp ích cho người trong hoàng phái được nhiều lắm… Hoàng thượng muốn đáp lại công vị tôi lương đống vừa tạ thế đã truy tặng chức Đông Các Đại học sĩ và sắc khâm mạng đệ đồ ngự tứ làm lễ tứ tế. Hai ngài Thái hoàng thái hậu, Hoàng thái hậu ban ý chỉ cho khâm đệ các gấm, sô ban cho cụ để làm đồ tẩm liệm”10. Điều này cho thấy, vua Bảo Đại và hoàng gia rất yêu quý vị quan văn võ song toàn này.

4. Hành trình theo đuổi học vấn và đề cao tinh thần thực nghiệp

Suốt thời gian hoạt động của mình, Đồng tôn tương tế phổ đã tích cực nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho nhiều học trò có gia cảnh nghèo khó được tiếp tục học chữ hoặc học nghề; đồng thời tặng học bổng, khen thưởng cho các con cháu trong hoàng tộc đạt thành tích cao trong học tập. Điển hình vào năm 1934, Phổ đã tổ chức long trọng buổi lễ phát phần thưởng cho các học sinh hoàng phái, tôn thất tại Phủ Tôn Nhân. Trên Hà Thành ngọ báo số 2036 cho biết cụ thể quan viên tham dự lễ; và trong dịp phát thưởng này, vua Bảo Đại đã ân thưởng nhiều sách quý cho các học sinh chăm học và có thành tích cao. Quá 5 giờ lễ phát thưởng kết thúc. Buổi tối tại Phủ Tôn Nhân có thiết tiệc trà nhân dịp lễ Hưng quốc Khánh niệm với hơn 400 người hoàng phái đến tham dự tiệc. Ngoài ra, Phổ còn tổ chức buổi trình diễn múa bài bông và hòa âm nhạc do các công tử, công tôn có tiếng về đánh đàn hay đảm nhiệm, đồng thời học sinh hoàng phái các trường ở Kinh đô còn hát nhiều bài nhắc lại công khai quốc của vua Gia Long, được công chúng khen ngợi, tán thưởng hết lời11.

Đồng tôn tương tế phổ còn đặt học bổng cấp cho học sinh ban cao đẳng tiểu học và trung học. Mỗi năm Ban trị sự định cách thức để cấp học bổng và số tiền mỗi phần. Học bổng sẽ phân phát trong khi nhóm hội. Vào năm 1936, Đồng tôn tương tế phổ đã cấp học bổng cho những người trong hoàng tộc thi đỗ bằng Cao đẳng tiểu học Pháp Việt và Sơ đẳng tiểu học Pháp Việt tại các kỳ thi khoa 1934-1935.

Hội đồng trị sự của Đồng tôn tương tế phổ, đặc biệt là Phổ trưởng Tôn Thất Đàn luôn khuyến khích, động viên những người trẻ tuổi trong hoàng phái theo học kỹ nghệ tại Trường Bách công12 để kịp thời cung cấp nguồn nhân lực tay nghề cao cho xã hội như ngành đường sắt, công chánh. Điều này gắn liền với khát vọng đào tạo nguồn nhân lực lành nghề cho nhu cầu kiến thiết đất nước trong tình hình mới vào đầu thế kỷ XX của triều đình Huế.

Đánh giá về hoạt động của Đồng tôn tương tế phổ sau 14 năm thành lập, Tràng An báo số 434 (ra ngày 7/7/1939) với tựa đề “Một công cuộc xã hội trong hoàng gia - Phổ Đồng Tôn” đã đánh giá: “Đã mười bốn năm nay, có hơn sáu bảy trăm người trong Hoàng phái ở Huế và ở các tỉnh, Đàng Ngoài, Đàng Trong lập hội Tương Tế để giúp lẫn nhau, gọi là Phổ Đồng Tôn. Mục đích của Phổ là khánh điếu vãn lai để tỏ cùng nhau tấm tình thân ái, cấp học lẫm để giúp cho con nít nhà nghèo sơ học, hay là theo công nghệ, nhờ vậy mà con nít của Hoàng phái biết dùng tài trí sẵn có mà học tập về những việc có ích ở giữa đời”13.

Đến năm 1945, sau khi triều Nguyễn cáo chung, Phủ Tôn Nhân cũng không còn lý do gì để tồn tại, đồng nghĩa với việc Đồng tôn tương tế phổ phải ngừng hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Lúc bấy giờ, Tôn Nhân Phủ chuyển đổi thành một tổ chức dòng họ lấy tên là Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc dưới sự cố vấn trực tiếp của Đức Từ Cung. Đến ngày 18/10/1968, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc có đơn gửi đến Bộ Nội vụ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa xin thành lập Nguyễn Phước Tộc tương tế hội. Sau đó, Tổng trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị định số 876/BNV/KS/14 cho phép thành lập và phê duyệt Điều lệ của Nguyễn Phước Tộc tương tế hội. Rất tiếc, Hội Nguyễn Phước Tộc tương tế hoạt động có hiệu quả trong một thời gian cũng phải ngừng hoạt động.

Có thể nói, trải qua gần trăm năm mà thông điệp nhắn gửi của Đồng tôn tương tế phổ đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là truyền thống về tinh thần tương thân tương ái, cùng giúp nhau vượt qua gian khó, đoàn kết dòng tộc, và đến nay vẫn còn mang giá trị thời sự sâu sắc.

T.V.D
(SHSDB42/09-2021)

-------------------------
1. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục chính biên - Đệ lục kỷ phụ biên, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.220.
2. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr. 377-378.
3. Tràng An báo (1938), “Phỏng vấn Vấn đề thuế thân và Hoàng Phái”, Báo Tràng An, Số 362 (ra ngày 7/10/1938), tr. 1.
(*) 21 vị sáng lập gồm: Binh bộ Tham tri Ưng Bàng, Công bộ Tham tri Ưng Đồng, Hương công sung Hành chánh Tham tá Bửu Trưng, Thị độc học sĩ Tạm phái Lễ bộ Ưng Gia, Tá quốc khanh sung Pháp-Việt trường Trợ giáo Ưng Lộc, Cung hộ chánh sứ Bửu Thảo, Quang lộc tự khanh Hồng Đề, Thủ hộ chánh sứ Ưng Hiệp, Hình bộ lang trung Tôn Thất Toại, Thị độc học sĩ Tôn Thất Oanh, Pháp-Việt trường Đốc giáo Ưng Nhung, Thừa Thiên sứ Tòa phán sự Ưng Đệ, Điện báo Tòa phán sự Ưng Dinh, Khâm sứ Tòa phán sự Tôn Thất Lương, Hàn lâm viện tu soạn Tôn Thất Kiểu, Điện báo Tòa phán sự Tôn Thất Tiên, Pháp-Việt trường Trợ giáo Bửu Tiếp, Thừa Thiên sứ Tòa phán sự Tôn Thất Đổ, Y chánh Nha thông sự Ưng Nghệ, Sơ đẳng trường Trợ giáo Ưng Hiệp, Sơ đẳng trường Trợ giáo Bửu La.
4. Có thể kể tên một số hội, như: Hội Quảng Tri (1905), Hội Nữ công Huế (1926),...
5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (2013), Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn (1802-1945), Nxb Hà Nội, tr. 40.
6. Đồng tôn tương tế phổ (1943), Chương trình, Imprimere, Huế, tr. 9.
7. Đồng tôn tương tế phổ (1943), Chương trình, Imprimere, Huế, tr. 10.
8. Tràng An báo (1939), “Một công cuộc xã hội trong hoàng gia - Phổ Đồng Tôn”, Báo Tràng An, Số 434 (7/7/1939), tr. 1.
9. Đồng tôn tương tế phổ (1930), Chương trình, in tại Nhà in Đắc Lập, tr. 24 - 25.
10. Tràng An báo (1936), “Tin thêm về quan Hiệp tá trí sĩ Tôn Thất Đàn mất”, Báo Tràng An, Số 123 (ra ngày 15/5/1936), Huế, tr. 2.
11. Ngọc Trản (1934), “Cụ Phù Quang quận công chủ tọa lễ phát phần thưởng cho học sinh hoàng phái tại Tôn Nhân Phủ”, Hà Thành ngọ báo, Số 2036 (ra ngày 21/6/1934), tr. 1.
12. Ngày 27/10/Kỷ Hợi (29/11/1899), vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập Trường Bách công (Ecole professionnelle). Theo khoản 5 của Nghị định ngày 9/11/1921, Toàn quyền Đông Dương đã tiếp nhận ngôi trường từ Nam triều, đổi thành Trường Kỹ nghệ thực hành (Ecole pratique d’industrie).
13. Tràng An báo (1939), “Một công cuộc xã hội trong hoàng gia - Phổ Đồng Tôn”, Tlđd, tr. 1.




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ca Huế tri âm (11/05/2021)