TRẦN VIẾT ĐIỀN
Võ dân tộc còn gọi là võ ta, nghĩa là võ cổ truyền dân tộc Việt, vốn đã tồn tại lâu đời, đa dạng, khó tra cứu.
Có những lò võ gắn bó với những nhân vật lịch sử kiệt xuất như lò võ của Dương Đình Nghệ ở châu Hoan (thế kỷ 10), lò võ Bạch Câu (thế kỷ 11) ở Thanh Hóa,… Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Thuận Quảng đẳng xứ (Đàng Trong), giai đoạn Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trị vì, ở Huế xuất hiện một môn phái võ ta, hình thành ở chùa Thiên Phúc (chùa Pháp Vân, tục gọi chùa Khoai) do một đệ tử của chùa Quốc Ân, người Việt gốc Hoa, từ tổ đình Quốc Ân, ra riêng lập thảo am, vừa coi sóc tự thổ vừa nghiên cứu thiền học vừa dựa trên võ Thiếu Lâm để tạo ra một môn võ trở thành võ ta, truyền thừa trên 300 năm; gắn với lịch sử bi tráng của nước ta vào thế kỷ 18, 19,… Tìm nguồn gốc một phái võ ta, tạm gọi “Võ ta Ngọc Trản”, trước hết phải truy tìm tông tích, hành trạng của tổ sư cùng một số cao đệ của ngài. Ngoài tư liệu thư tịch, phải nhờ vào truyền ức dân gian có chọn lọc, soát xét cẩn thận bối cảnh lịch sử có liên quan… chúng tôi mới hình thành một giả thuyết công tác.
Một môn phái võ cổ truyền “thuần Huế” bị mai một
Khoảng năm 1970, có một lò võ được thành lập ở khu vực Kiệt Miếu Đôi (nay là kiệt 246 đường Hùng Vương) do sư phụ Nguyễn Bon tổ chức. Theo sư phụ Bon, ông là truyền nhân đời thứ 5, gia truyền, của môn phái Sơn Nhân. Tổ sư là một vị sư ở chùa Long Quang, có tổ đình Quốc Ân, dưới chân núi Tam Thai hay núi Long Sơn. Ông sơ của sư phụ Bon làm tá điền, cày ruộng Tam bảo tự điền của chùa và đời ông cố của sư phụ Bon giữ nghiệp như thế. Điều đặc biệt gia tộc nông dân này vừa làm ruộng vừa luyện võ trong bí mật. Theo sư phụ Bon thì trải qua 5 đời, nhiều biến cố ở Huế làm môn phái Sơn Nhân không mở rộng, chỉ âm thầm truyền dạy trong gia đình mà thôi. Lúc bấy giờ có ông Lê Văn Giao, nhà ở cạnh sư phụ Bon, có một khoảng sân rộng nửa sào, rất thuận tiện để võ sinh rèn luyện. Hôm tổ chức bái tổ để nhập môn, môn sinh khoảng 15 người, gồm Lê Văn Phiên, Hồ Văn Đấu, Hồ Văn Thể, Hồ Văn Hưu,… và các con trai ông Lê Văn Giao là Lê Văn Tuấn, Lê Văn Hổ, Lê Văn Ú, Lê Văn Bình… Lần đầu tiên phái võ cổ truyền Sơn Nhân tổ chức bái tổ nhập môn rất trang nghiêm. Sau khi sư phụ Bon thắp hương khấn nguyện thì lần lượt các môn sinh phải quỳ trước bàn thờ tổ, trên đầu đội một viên bờ lô dày 13cm. Sư phụ Bon vừa lâm râm khấn vái vừa dùng búa tạ gõ lên viên bờ lô để nó vỡ vụn… Bài quyền nhập môn là bài Ngọc Trản. Sau khi bái tổ thì võ sinh vừa đọc vừa múa quyền: “Ngọc Trản, Ngân đài, Thập Tự Liên Ba (Hoa)…”. Hồi ấy ở Huế có hai võ đường dạy võ cổ truyền nổi tiếng là võ đường Vạn An ở An Cựu và võ đường Bạch Hổ ở Dương Nỗ; tên những bài quyền không khác những bài quyền phái Sơn nhân. Chúng tôi có hỏi sư phụ Bon rằng cả ba ông tổ của 3 môn phái đều học võ từ các sư phụ gốc Bình Định chăng? Sư phụ Bon không biết lai lịch hai môn phái Vạn An, Bạch Hổ, còn môn phái mà sư phụ Bon được truyền thừa là từ chùa Long Quang thuộc núi Thiên Thai, độc lập với các môn phái võ ta Bình Định. Các vị tiền bối chỉ làm ruộng ở Thần Phù, Dạ Lê và luyện võ. Hỏi về tổ sư thì sư phụ Bon chỉ biết ngài rất giỏi võ, có phép khinh công; chỉ cần xoay cái nón mây quay tít trên mặt nước là ngài có thể nhẹ gót qua sông. Khi võ sinh bái tổ thì cánh tay trái đặt ngang thắt lưng, bàn tay trái ngửa, còn bàn tay phải chụm lại như búp sen, chĩa ngang vuông góc với cánh tay phải thẳng đứng, cùi tay phải tựa trên lòng bàn tay trái. Với kiểu bái tổ khi thể hiện các bài quyền hai tay như lá sen hoa sen. Trong bài quyền chủ đạo Ngọc Trản có cụm từ Liên Ba (Hoa). Sư phụ Nguyễn Bon không biết tên húy của tổ sư, chỉ biết người đời gọi sư tổ là ngài Liên Ba (Hoa).
Võ cổ truyền Bình Định, trong đó võ đường Phi Long Vịnh, gốc từ Huế
Hàng trăm năm qua, Bình Định là vùng đất võ, có nhiều dòng họ nổi danh võ thuật. Trong đó, họ Trương ở làng Kỳ Sơn có nhiều cao thủ, nhiều lần thượng đài thường đạt giải cao. Ở làng Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) có võ đường họ Trương mang tên Phi Long Vịnh, do võ sư Phi Long Vịnh, tên thật là Trương Văn Vịnh, sinh năm 1935, cai quản. Từ năm 18 tuổi, võ sư Phi Long Vịnh, đến nay đã trải qua hàng trăm trận tỉ thí nhưng ông chưa một lần thất bại. Theo võ sư Vịnh, võ đường họ Trương theo truyền thống thờ ông Quan Thánh (tức Quan Công - Quan Vân Trường) là để nhắc nhở con cháu, đệ tử của môn phái biết trọng nghĩa khí, học võ là để hành hiệp trượng nghĩa. Theo võ sư Phi Long Vịnh: “Truyền thống này có từ thời ông tổ của dòng họ là danh sư Trương Văn Hiến, tức thầy giáo Hiến, người dạy cả văn lẫn võ cho anh em nhà Tây Sơn và nhiều vị văn thần, võ tướng của triều đại này”. Cũng trong gia phả còn chép lại bài thiệu quyền Ngọc Trản. Trong quá trình tìm tư liệu để nghiên cứu về nguồn gốc và đặc trưng võ cổ truyền Bình Định, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bài thiệu quyền Ngọc trản trong gia phả họ Trương ở Phù Mỹ.(1)
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện bản chép bài thiệu của bài quyền Ngọc Trản:
Ngọc trản ngân đài
Tả, hữu tấn/tiến khai thập tự
Liên diệp liên hoa
Đả sát túc, tọa, hồi mai phục
Tấn/tiến đả tam chiến
Thoái/thối thủ nhị linh
Hoành tả, tọa, bạch xà lan lộ
Hữu hoành sát thanh long biên giang
Phụ tử tương tùy
Hoành hữu, tọa, bạch xà lan lộ
Tả hoành sát thanh long biên giang
Phụ tử tương tùy
Hồi tàng địa hổ
Song phi, triển dực
Hạ bàn đoản đả
Hồi tiễn tọa khai cung
Huỳnh long quyển địa
Tấn đả song quyền
Hoành tả, phục hạc khai linh
Trực tiền quyển địa
Tấn/tiến đả song quyền
Hoành hữu, phục hạc khai linh
Trực tiền quyển địa
Tấn, đả song quyền
Hướng, hậu đả thập tự
Diện tý
Hồi, tẩu mã giang tiên
Bái tổ, lập như tiền(2)
Đại thể bài thiệu Ngọc Trản của phái Sơn Nhân, Bạch Hổ, Vạn An ở Huế cũng giống bài thiệu Ngọc Trản ở dòng họ Trương nói trên. Đặc biệt ở Huế không xướng “liên diệp liên hoa” mà xướng “liên diệp liên ba”. Nghiên cứu khi bái tổ, mở đầu múa bài quyền Ngọc Trản, ở Huế khác ở Bình Định. Nhưng khi xem video ghi lại võ sư Phi Long Vịnh thi triển bài quyền Ngoc Trản thần công có thế “liên diệp liên ba” giống như thế “bái tổ” của võ sinh phái Sơn Nhân ở Huế; còn những thế trong bài quyền Ngọc Trản của Huế và Bình Định không khác nhau lắm.
Tổ dòng họ Trương, truyền thừa là Trương Văn Vịnh, gốc Huế
Trương Văn Hiến là người Nghệ An, tài kiêm văn võ. Có thuyết nói rằng ông là anh em chú bác với Nội Hữu Trương Văn Hạnh, một đại thần thân tín của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Lại có thuyết cho rằng ông vốn người Minh Hương, họ Chu, làm môn khách nhà Trương Văn Hạnh, lấy họ Trương khi kết nghĩa với quan Nội Hữu. Dinh cơ của họ Trương ở làng Phú Lễ, nơi kế tử Nguyễn Phúc Luân được Võ Vương gửi quan Nội Hữu “giáo dưỡng”. Tháng 7 năm 1765, Võ Vương băng hà, để lại di chiếu công tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân kế thống. Quyền thần Trương Phúc Loan do biết Phúc Luân là người thông minh, quyết đoán khó lấn quyền được nên họ Trương đã âm mưu cùng Thái giám Chữ Đức (khuyết họ) và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông bắt giam công tử Luân, giết chết hai thầy học của Phúc Luân là Nội hữu Cai cơ Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỷ, đồng thời giả di chiếu đưa công tử thứ mười sáu là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi chúa xưng hiệu là Định Vương. Đêm kẻ gian giết Ngoại tả, Trương Văn Hiến thoát được, trốn vào Nam. Trên đường đi, Trương Văn Hiến có vào nghỉ chân trong một ngôi chùa ở núi Hải Vân, đàm đạo với sư trụ trì Trí Viễn. Theo lời khuyên của thiền sư, Trương Văn Hiến vào Quy Nhơn lập nghiệp. Ngoại thành Quy Nhơn có phú gia Phan Nghĩa, nhà bị kẻ cướp đến phá phách, Trương Văn Hiến xông vào cứu nguy, giữ được cơ nghiệp cho phú gia. Cảm nghĩa, ông Nghĩa đã giúp cho ông Hiến mở trường dạy văn và dạy võ ở Tuy Viễn. Nghe tiếng thầy Hiến là thầy giỏi, ông Hồ Phi Phúc liền cho ba người con Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đến thọ giáo. Nghe lời khuyên của thầy, họ đã thành ba thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn với danh nghĩa “phù Nguyên diệt Trương”. Sau khi quân Lê - Trịnh chiếm đô thành Phú Xuân năm 1774, sớm vượt Hải Vân đánh Tây Sơn và chúa Nguyễn; Tây Sơn thất thế phải hàng quân Lê - Trịnh. Có khả năng thầy Trương Văn Hiến thất vọng sinh bệnh và sớm qua đời. Chỉ cần di chứng “Ngọc Trản thần công” ở Phù Mỹ, có thể kết luận Trương Văn Hiến từng học võ ở Huế, thuộc hàng cao đệ của môn phái võ ta Ngọc Trản.(3)
Tổ sư “Võ ta Ngọc Trản” là ai?
Qua các phần trên, có thể kết luận võ ta Bình Định, phái Phi Long Vịnh thuộc họ Trương, phái Sơn Nhân Dạ Lê, phái Vạn An ở An Cựu và phái Bạch Hổ của Dương Nỗ là chung một tổ sư có nguồn gốc từ chùa Quốc Ân/Vĩnh Ân. Nhưng chùa Quốc Ân là tổ đình, sinh ra hai chùa có luyện võ ta đó là chùa Pháp Vân (Thiên Phúc, tục gọi là chùa Khoai) và chùa Long Quang (nay trở thành điện thờ Thánh, thờ Tam Tòa, Quan Đế). Sau loạn Đoàn Trưng (1865), hai chùa Thiên Phúc và Long Quang bị triệt giải theo lệnh của triều đình. Đại Nam Nhất thống chí (bản Duy Tân) chép: “Giác Linh: hiệu là Huyền Khê hòa thượng, người Quảng Đông, hòa thượng là đời thứ 25 của sơn phái Lâm Tế. Lúc còn ít tuổi, tính thích du hiệp, tinh võ nghệ, vì báo cừu mà giết người; bèn trốn đi ở chùa, đầu vượt biển sang Đông Phố (nay là Gia Định) làm sư vân du, sau đến Thuận Hóa, treo tích trượng ở chùa Pháp Vân (nay đổi là Thiên Phúc). Hòa thượng tinh thiền học, tăng đồ ngày càng nhiều, nghe Hòa thượng giỏi võ nghệ, có người xin học cũng dạy không từng từ chối. Được ít lâu đồ đệ e rằng thầy giấu nghề không truyền hết, họ muốn thử. Một hôm, ngồi ăn ở phương trượng, có người ngầm cắp cái chùy sắt, đứng sau vung đánh, hòa thượng nghe tiếng chùy, liền giơ đũa gạt, chùy văng ra xa, võ nghệ cao đến như thế.”(4) Sử quan chép về hòa thượng Huyền Khê là Giác Linh thuộc “đời thứ 25 của sơn phái Lâm Tế” chưa ổn. Thật vậy, nếu theo hai bài kệ truyền thừa của phái Lâm Tế khá phổ biến ở Đàng Trong thì không có chữ Giác hoặc chữ Huyền. Hơn nữa chữ Giác Linh thường gặp ở cuối dòng chính giữa của các bài vị thờ các thiền sư, tôn trí ở bàn thờ tổ của các chùa. Hai tác giả - dịch giả Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn đã viết về thiền sư Huyền Khê trong sách[2]: “Hòa thượng Giác Linh theo sử sách là đã từng ở Đông Phố trước khi ra Thuận Hóa khai sơn chùa Thiên Phúc (chùa Khoai, hiện nay thuộc xã Thủy Xuân, Huế), cho nên chúng ta có thể giả thiết Ngài đã đi với đám quan quân này. Và cũng từ hai lý do trên, chúng ta có thể giả thiết Thiền sư Huyền Khê Giác Linh là người đi tiên phong đối với Tổ Nguyên Thiều trong việc hoằng hóa ở vùng Nam Hà. Nhưng căn cứ vào long vị hiện thờ tại bàn tổ chùa Báo Quốc chúng ta được biết Ngài được thờ sau Tổ khai sơn là Thiền sư Giác Phong và được viết: 三十五世 清國南遊開山法雲佛清玄溪和尚猊座 “Tam thập ngũ thế Thanh quốc Nam du khai sơn Pháp Vân Phật Thanh Huyền Khê Hòa thượng nghê tòa”. Đồng thời tại tháp của Ngài đã từng có tại chùa Báo Quốc cũng đã ghi: #三十五世開山法 雲寺清國南遊諱佛清玄溪和尚寶塔 “Tam thập ngũ thế khai sơn Pháp Vân tự Thanh Quốc Nam du húy Phật Thanh Huyền Khê Hòa thượng bảo tháp”. Qua hai căn cứ trên ta cũng có thể thấy là Thiền sư Huyền Khê thuộc thế hệ thứ 35 húy là Phật Thanh thì không thể là người đồng hàng với Tổ Nguyên Thiều được mà lại cách Tổ Nguyên Thiều đến hai thế hệ, và do thế không thể là người sang Việt Nam trước Tổ Nguyên Thiều được” (sdd, tr84)(5). Như thế, sau loạn Đoàn Trưng 1865, long vị của sư Huyền Khê bị hủy, sử quan còn đọc ở mảnh vỡ chữ Giác Linh và chữ tam (三) mất nét thành nhị (二) vậy. Có thể kết luận khai sơn Pháp Vân tự (Chùa Khoai hay Thiên Phúc tự) là ngài Phật Thanh - Huyền Khê và đồng thời là Tổ sư môn phái võ ta, có nguyên ủy Thiếu Lâm. Ngài là pháp huynh đệ của ngài Phật Ý - Linh Nhạc (khai sơn chùa Từ Ân), là pháp tử của ngài Thành Đẳng - Minh Lượng/Yêu (khai sơn chùa Đại Giác ở Đông Phố). Ngài Thành Đẳng - Minh Lượng là pháp tử của ngài Nguyên Thiều, khai sơn chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định), khai sơn chùa Vĩnh Ân/ Quốc Ân (Huế), khai sơn chùa Kim Cang (Đồng Nai).
Tổ sư Phật Thanh tham gia cuộc khởi nghĩa Tây Sơn
Tại sao không rõ năm viên tịch của hòa thượng Huyền Khê? Một điều chắc chắn, những đệ tử xuất gia và đệ tử cư sĩ của ngài sẽ có pháp danh theo kệ truyền thừa với chữ Tổ. Bà Tôn Nữ Ngọc Cầu với pháp danh Tổ Bửu, nên có thể suy đoán những huynh đệ của bà Ngọc Cầu, tức con trai Dận Quốc Công Nguyễn Phúc Điền, gồm các vị Nguyễn Phúc Hậu, Nguyễn Phúc Tuyền, Nguyễn Phúc Khâm và Nguyễn Phúc Nghiễm (đều làm chưởng cơ hoặc chưởng dinh), là những đệ tử Phật tử của Phật Thanh - Huyền Khê, đều có pháp danh với chữ Tổ. Có thể họ học võ với Huyền Khê tại chùa Long Quang, tổ chức trên đất đai của phủ Dận Quốc Công thuộc làng An Cựu, dưới chân núi Thiên Thai (Đông Sơn). Với chức trụ trì hai chùa Thiên Phúc và Long Quang, cũng là hai võ đường nổi tiếng, học trò theo học rất đông, một bộ phận là các công tử hoàng tộc cho nên tự điền, tự thổ, vàng bạc châu báu vào tay hòa thượng Phật Thanh - Huyền Khuê không nhỏ! Khi xảy ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, cố vấn là thầy Trương Văn Hiến, với danh nghĩa “phù Nguyễn diệt Trương” thì ít nhiều các vị trong hoàng tộc triều Nguyễn có ủng hộ ngầm và tất nhiên sư Phật Thanh - Huyền Khê cũng hưởng ứng. Sau khi, phe cánh Trương Văn Hạnh - Lê Cao Kỷ bị hại, Trương Văn Hiến trốn vào Phù Cát đào tạo nhân sự cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thì sư phụ của họ Trương là ngài Phật Thanh phải biết và ngầm ủng hộ. Khoảng thời gian từ 1765 đến 1773, ngài Phật Thanh - Huyền Khê đã bí mật rời Phú Xuân, vào chùa Thập Tháp với vỏ bọc là một thương gia giàu có, làm hộ pháp chùa Thập Tháp Di Đà. Khả năng khi anh em nhà Tây Sơn rời Tây Sơn Thượng về xuôi, đóng bản doanh ở chùa Thập Tháp và xây dựng thành Hoàng Đế thì “nhà buôn” Huyền Khê đã tích cực tham gia với chức Đệ Tam trại chủ lo việc quân lương cho cuộc khởi nghĩa.
Một khả năng cao, rằng một số chùa như Quốc Ân, Thiên Phúc, Long Quang,… vào thời chúa Nguyễn Phúc Thuần là do các đệ tử của ngài Phật Thanh - Huyền Khê, tức những vị sư hoặc cư sĩ với pháp danh mở đầu chữ Tổ…, đồng đạo với Phật tử Tổ Bửu (Nguyễn Phúc Ngọc Cầu), trụ trì. Gặp khi quân Lê - Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, nhà chúa tan đàn sẻ nghé, các vị hộ pháp của chùa (chưởng cơ, chưởng dinh) phải xuôi nam, tiếp đến Tây Sơn đóng đô ở Phú Xuân với hai đời vua, một số chùa được trưng dụng phục vụ việc binh nên nói chung các chùa ở Huế xuống cấp trầm trọng. Những người cô thế như bà Tổ Bửu - Ngọc Cầu làm sao tôn tạo các chùa Quốc Ân, Thiên Phúc, Long Quang,…(6).
Vào năm 1801, Nguyễn Vương tái chiếm Phú Xuân, tiếp đến lên ngôi hoàng đế năm 1802 đã sắc hòa thượng Tế Bổn - Viên Thường (1769 - 1848) trú trì chùa Long Quang và Pháp Vân. Ngài Tế Bổn - Viên Thường là đệ tử đắc pháp của ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt (? - 1823) tại chùa Từ Ân ở Gia Định. Nguyên chùa Từ Ân là do thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc (1725 - 1821), đệ tử đắc pháp với ngài Thành Đẳng - Nguyệt Ẩn (1686 - 1769) tại chùa Đại Giác do ngài Thành Đẳng là tổ khai sơn chùa này. Ngài Thành Đẳng - Nguyệt Ẩn và ngài Minh Vật - Nhất Tri là pháp huynh đệ, đều là đệ tử của tổ Nguyên Thiều - Siêu Bạch (1648 - 1726). Ngài Thành Đẳng - Minh Yêu có pháp danh theo bài kệ truyền thừa của ngài Đạo Mân “…Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên…”, còn ngài Minh Vật - Nhất Tri (? - 1786) có pháp danh theo bài kệ truyền thừa của ngài Vạn Phong Thời Ủy “…Hạnh Siêu Minh Thiệt Tế…”. Ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt là đệ tử của ngài Minh Vật - Nhất Tri, tu học ở chùa Kim Cang nhưng sư phụ Minh Vật sớm phái ngài Thiệt Thành vào chùa Từ Ân làm thủ tọa, giúp sư huynh Phật Ý - Linh Nhạc. Như thế trước khi thọ giới với ngài Minh Vật - Nhất Tri thì ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt đã tinh thông thiền học, thậm chí là một thiền sư đang phải ẩn danh (?). Điều kỳ lạ là ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt coi sư huynh Phật Ý - Linh Nhạc như bậc thầy, có mối tình cảm “sâu nặng”. Vì thế có người gán ghép pháp danh ngài Thiệt Thành là Tổ Thành với suy nghĩ rằng Tổ Thành là đệ tử của Phật Ý.(7)
Tổ sư Phật Thanh - Huyền Khê mai danh ẩn tích sau khi từ bỏ Tây Sơn
Linh mục L. Cadiere từng viết về ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt như sau:
“Sự trùng tu chùa Quấc-Ân ở Huế lúc trước (chùa Quốc Ân) được gắn liền với tên của một vị công chúa nhà Nguyễn, Công Chúa Ngọc Tú (玉琇) hay Long Thành Công Chúa (隆城公主). Bà là con cùng mẹ và là chị cả của vua Gia Long. Bà đã theo mẹ là Hiếu Khang Hoàng Thái Hậu và cả triều đình vào Nam khi Bắc quân đến Huế. Bà được gả cho Cai Cơ Lê Phúc Điển (黎福日典). Ông ta đã chiến đấu dũng cảm với quân Tây Sơn, rồi bị bắt và bị giết. Bà mất chồng khi còn trẻ, không có con và không muốn tái giá. Bà hay đi lễ chùa Từ Ân (慈恩 寺), ở đây Trú Trì Liên Hoa (蓮花), còn gọi là Thiệt Thành (寔誠) hay Liễu Đạt (達) khuyên nên giữ Tam Quy (三皈), Ngũ Giới (五戒). Vị sư này, quê ở vùng quanh Huế chăng? Ông ta có tu tại chùa Quấc Ân trong vài năm chăng? Dầu sao đi nữa thì theo các tài liệu biên niên còn lưu trữ ở chùa, Hòa Thượng Liên Hoa có dặn dò bà, khi nào hoàn cảnh cho phép trở về Huế, thì đừng quên lo cho chùa Quấc Ân. Bà về Huế khoảng năm 1801 và mất năm 1823, thọ 65 tuổi. Năm 1805, bà chỉ định hai Đại Sư Trí Hải (智海) và Chính Văn (正聞) xây lại chùa Quấc-Ân, cùng triệu tập một số Tăng Chúng cho chùa. Nhân đó, bà cúng 300 quan tiền. Ngôi chùa mới khá đơn giản. Theo sự đồn miệng, thì đó cũng chỉ là một am tranh, nhưng dầu sao, tác phẩm của Ngài Nguyên Thiều đã được hồi sinh. Vì thế, tên của Trú Trì Liễu Đạt và Công Chúa Long Thành được ghi một cách trịnh trọng trong sổ ghi danh các vị Sư và các ân nhân của chùa. Người ta còn giữ lại ở chùa 5 bức chân dung. Các chân dung được đặt ở bàn thờ dành cho các danh sư đã tu tại chùa, trong đó có chân dung của Ngài Liễu Đạt, còn gọi là Liên Hoa...”(8). Nếu ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt chỉ tu học ở chùa Kim Cang với sư phụ Minh Vật - Nhất Tri, khi sư tổ Siêu Bạch đã viên tịch, thì ngài không thể nặng lòng với tổ đình Quốc Ân như thế. Cho nên, L. Cadiere nêu vấn đề ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt có ở chùa Quốc Ân vài năm là có cơ sở! Huỳnh Minh trong sách “Gia Định xưa & nay” từng viết về ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt: “Vị trụ trì chùa Từ Ân là Thiệt Thành, pháp danh Liễu Đạt. Ngài là đệ tử của hòa thượng Phật Ý, trụ trì chùa Khải Tường, và là đời thứ 35 nối truyền của phái Lâm Tế… Huống chi, hòa thượng Liễu Đạt này là người Trung Hoa, ngài giỏi võ nghệ lắm, lòng dạ cương trực, đã từng giết nhiều nhiều tham quan ô lại, rồi sau vô Nam tu phái Lâm Tế, ngụ chùa Từ Ân. Con người cương trực như thế, tự nhiên rất đáng trân trọng…”(9). Một vị sư đạo cao đức trọng như ngài Phật Ý - Linh Nhạc không thể chứa chấp một người “sát nhiều người” như Thiệt Thành, trừ khi Thiệt Thành từng là sư đệ thân thiết của ngài, từng tu học cùng nhau ở tổ đình Đại Giác? Thường “cáo chết ba năm quay đầu về núi”, thiền sư Thiệt Thành - Liễu Đạt đã từ chùa Từ Ân, lên chùa Đại Giác để nhập thất và sau đó đã tự thiêu cúng dường chư Phật năm 1823 là một bằng chứng về mối quan hệ từng có lâu năm giữa Thiệt Thành và Phật Ý, thế nên khi Thiệt Thành “phạm tội giết nhiều tham quan ô lại” đã từ miền Trung vô Nam ngụ ở Từ Ân thực chất là “đi trốn” và “mai danh ẩn tích”!
Rõ ràng, sư bá, sư thúc, sư huynh của ngài Thiệt Thành là những vị trú trì các chùa nổi tiếng ở Gia Định, một thời cưu mang gia đình Nguyễn Vương Phúc Ánh đang bị quân Tây Sơn truy đuổi. Khi nên công đại định, vua Gia Long, Minh Mạng đã tôn tạo, sắc tứ nhiều chùa ở Gia Định và tất nhiên ưu ái các vị sư có công. Một đại đệ tử Tế Minh (công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Tú) đã trùng tu chùa Quốc Ân, đại đệ tử Tế Bổn - Viên Thường đã được vua Gia Long ra sắc về Huế trú trì chùa Long Quang và chùa Pháp Vân (hai lò võ ta). Khi hòa thượng Thiệt Thành -Liễu Đạt được vua Gia Long sắc về giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ trong giai đoạn từ năm 1817 đến năm 1822, có khả năng ngài đã nhắc nhở đệ tử Tế Bổn - Viên Thường đang trú trì chùa Long Quang, trùng tu chùa Pháp Vân. Có thể ngài Thiệt Thành đã bí mật chỉ nơi chôn giấu giấy tờ tự điền, tự thổ của hai chùa, đặc biệt có gần 50 mẫu ruộng ở xã Thần Phù và Dạ Lê đã bị chiếm dụng thời quân Lê - Trịnh và Tây Sơn chiếm đóng Phú Xuân. Nhưng tại sao sau khi ngài Thiệt Thành viên tịch (1823), mãi đến thời Thiệu Trị, khi ngài Tế Bổn - Viên Thường được vua Thiệu Trị sắc làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ, kiêm trú trì Long Quang, Pháp Vân thì ngài Tế Bổn - Viên Thường mới dâng sớ đòi lại gần 50 mẫu tự điền nói trên. Kết quả triều đình đã giải quyết hoàn lại chùa Long Quang 27 mẫu, số còn lại không giải quyết. Ngài Tế Bổn - Viên Thường tiếp tục kiện thì bị hình quan phạt trượng nhưng tuổi già sức yếu, hình quan cho ngài nộp bạc thay vì bị đánh trượng. Dẫu cố giấu tông tích hành trạng thời trẻ ở Phú Xuân nhưng người đời vẫn nhận ra ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt rất giỏi võ. Thi thoảng ngài cũng luyện võ, khi bái tổ để múa bài Ngọc Trản thì hai tay triển thế “liên diệp liên ba (hoa)”; vì thế chính vua Minh Mạng cũng gọi ngài Thiệt Thành là hòa thượng Liên Hoa. Đại đệ tử Tế Chánh - Bổn Giác đã âm thầm thờ ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt ở tổ đình Quốc Ân, còn ngài Tế Bổn - Viên Thường đã âm thầm lập tháp thờ sư tổ Phật Thanh - Huyền Khê ở chùa Long Quang và chùa Pháp Vân. Đến thời Thiệu Trị, Tự Đức người đời không còn nhắc đệ tam trại chủ Huyền Khê, sớm từ bỏ Tây Sơn vào Nam giúp chúa Nguyễn phục hưng cựu đô. Đến đây chúng tôi khẳng định tổ sư võ ta Ngọc Trản, nguyên ủy Thiếu Lâm, là do sư tổ Phật Thanh - Huyền Khê sáng tạo và khai sơn Pháp Vân tự (hay Thiên Phúc tự, chùa Khoai) và Long Quang tự.
Lời kết
Tóm lại, giả thuyết công tác của chúng tôi như sau: Khoảng thời gian chúa Nguyễn Phúc Khoát trị vì thì Đông Phố (Biên Hòa) đã định hình, người Việt gốc Hoa đến lập nghiệp đông đúc; thiền sư Thành Đẳng - Minh Yêu đã dựng được chùa Đại Giác trong đó có cao đệ là Phật Ý - Linh Nhạc. Tiếp đến, có một thanh niên người Quảng Đông, đệ tử Thiếu Lâm, do báo cừu nên phạm tội giết người, theo thuyền buôn trốn qua Đông Phố, đã đến chùa Đại Giác thọ giới thiền sư trú trì Thành Đẳng - Minh Yêu, được ngài Thành Đẳng ban pháp danh Phật Thanh - Huyền Khê và thành sư đệ trẻ tuổi của Phật Ý - Linh Nhạc. Do Đông Phố đông đúc người Hoa, sư phụ và sư huynh gửi Phật Thanh - Huyền Khê ra đô thành Phú Xuân để trốn và tu học tại chùa Quốc Ân, trú trì là thiền sư Minh Hằng - Định Nhiên, pháp huynh đệ với Thành Đẳng - Minh Yêu. Sợ đệ tử bị lộ, sư Minh Hằng - Định Nhiên bố trí sư trẻ Phật Thanh - Huyền Khê lên chòi giữ rẫy trồng khoai của chùa ở đồi Dương Xuân. Ở rẫy, Phật Thanh - Huyền Khê vừa nghiên cứu thiền học vừa luyện võ, đặt những bài quyền mới trên căn bản võ Thiếu Lâm, trong đó có bài Ngọc Trản. Do tinh thông thiền học, nho học, võ học nên học trò theo học càng ngày càng đông, nhất là võ học. Các học trò sớm thành đạt, các công tử của phủ Dận Quốc Công Nguyễn Phúc Điền ở An Cựu đã tạo điều kiện cho tổ sư Phật Thanh - Huyền Khê lập thêm chùa Long Quang ở chân núi Đông Sơn (núi Thiên Thai) để tăng chúng vừa tu thiền vừa luyện võ. Nhờ vậy, tổ sư Phật Thanh - Huyền Khê có nhiều tự điền, tự thổ và tất nhiên có nhiều của cải. Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát băng 1765, quyền thần Trương Phúc Loan tác quái, gây bất mãn trong dân và các quan đại thần, một bộ phận hoàng phái cũng bất mãn, khiến sư Phật Thanh - Huyền Khê ngầm ủng hộ những phe chống Trương Phúc Loan. Có khả năng cao đệ Trương Văn Hiến đã “móc nối” sư phụ rời Phú Xuân vào Bình Định, đến tổ đình Thập Tháp Di Đà dưới vỏ bọc là một thương gia giàu có, làm hộ pháp chùa này. Phong trào Tây Sơn phát triển, từ căn cứ ở Tây Sơn thượng đạo về xuôi; thương gia Huyền Khê trở thành đệ tam trại chủ, lo quân lương và Nguyễn Nhạc cho bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa đóng bản doanh ở chùa Thập Tháp Di Đà. Chưa diệt được Trương Phúc Loan thì quân Lê - Trịnh đã chiếm đô thành Phú Xuân năm 1774, sớm vượt Hải Vân truy bức nhà chúa và đánh phá quân Tây Sơn. Nguyễn Nhạc đầu hàng quân Lê - Trịnh, truy bức chúa Nguyễn cho nên đệ tam trại chủ Huyền Khê rời bỏ Tây Sơn, đến chùa Kim Cang (Đồng Nai) dưới vỏ bọc đệ tử Thiệt Thành - Liễu Đạt thọ giới sư thúc Minh Vật - Nhất Tri nhưng sớm vào chùa Từ Ân (Gia Định) giữ chức Thủ tọa, giúp sư huynh Phật Ý - Linh Nhạc. Thiệt Thành - Liễu Đạt cùng các pháp huynh để ở các chùa ở Đồng Nai Gia Định ngầm giúp Nguyễn Vương Phúc Ánh nên công đại định. Dẫu sao, lúc còn là thiền sư Phật Thanh - Huyền Khê, ngài đã “tu xuất” dưới vỏ bọc “phú hộ” Huyền Khê, sớm giúp Tây Sơn khởi nghĩa, với vai trò Đệ Tam trại chủ. Rời Tây Sơn lại phải vào chùa với pháp danh Thiệt Thành - Liễu Đạt, tức hòa thượng Liên Hoa. Tổ sư phái võ ta Ngọc Trản là ngài Phật Thanh - Huyền Khê hay Thiệt Thành - Liễu Đạt, còn gọi là ngài Liên Hoa.
T.V.Đ
(TCSH391/09-2021)
----------------------
Tài liệu tham cứu:
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1997. tr. 522.
[2] Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn, Chư Tôn Thiền Đức & Cư sĩ hữu công Phật Giáo Thuận Hóa, Nxb. Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh, 2011.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (Bản Duy Tân), Tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1992. (tr. 2480).
[4] Nhiều soạn giả, Danh lam xứ Huế, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1993 (trang 239).
[5] Huỳnh Minh, Gia Định xưa & nay, Nhà in Hạnh Phúc, Gò Vấp 1970. (tr. 179 - 180).
[6] Léopold Cadière, La Pagode Quấc-Ân (Bulletin des Amis du Vieux Huê - BAVH, Tập 3 (Juillet-Septembre), 1915).
[7] Đoàn Phú, Kỳ tài đất võ Bình Định, báo Đồng Nai (25/08/2917).
Chú thích: (1) xem [7], (2) nguồn Wepkipedia, (3) xem [1] (tr. 321, tr, 522), (4) xem [3] (tr. 248), (5) xem [2] (các tr. 82, 83, 84), (6) xem [4] (tr, 239), (7) xem [2] (các tr. 58, tr. 69, 70, 71, 72, 73, tr. 96), (8) xem [6] (tr. 308-309), (9) xem [5] (tr. 179, 180).