Ai ra xứ Huế
Chữ Lễ trong gia giáo Huế nhìn từ di chúc ‘Trị mạng thị nhi từ’ của Hiệp tá Hồng Khẳng
14:59 | 18/01/2022


VÕ VINH QUANG

Chữ Lễ trong gia giáo Huế nhìn từ di chúc ‘Trị mạng thị nhi từ’ của Hiệp tá Hồng Khẳng
Hiệp tá Hồng Khẳng ở Lạc Tịnh viên -(Nguồn: Manhhai Flickr)

1. Lời dẫn

Huế, kinh đô của triều Nguyễn, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của đất nước trong nhiều thế kỷ. Truyền thống văn hóa Huế được kết tinh từ những truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình dòng họ, làng xã... trong đó có những lời gia huấn nhẹ nhàng, gần gũi và đầy nhân văn, có “sức nặng” rất lớn trong tâm tình, ý chí và tư tưởng của con cháu. Nếu ở làng xã, Hương ước là những ước định có tính quy tắc ràng buộc (tạm gọi là luật lệ, quy định của làng mà tất cả những người trong làng phải tuân thủ) thì ở gia tộc có Gia huấn để giáo dưỡng, điều chỉnh hành vi, cách cư xử... của con cháu trong tộc họ.

Gia huấn chính là những lời dạy bảo con cháu của tổ tiên ông cha về truyền thống gia đình, về đạo lý làm người, về đối nhân xử thế... Gia huấn có thể biểu đạt bằng hình thức truyền ngôn (truyền miệng), bằng văn bản thư tịch (sách vở hoặc một phần di chúc), hoặc bằng những bản khắc trên gỗ, đá, đồng (hình thức văn khắc).

Một trong những bản di chúc chứa đựng những lời gia huấn súc tích về truyền thống lễ nghi tiêu biểu của gia tộc xứ Huế mà chúng tôi được tiếp cận chính là văn bia Trị mạng thị nhi từ trên ngôi mộ Hiệp tá Đại học sĩ Nguyễn Phúc Hồng Khẳng ở đồi Dương Xuân. Trị mạng thị nhi từ là bản huấn thị ngắn gọn, kết tinh lời dặn dò về “lễ” 禮 thông qua hình thức tang - tế (việc tang chế và cúng tế) của hoàng thân Hồng Khẳng đối với con cái, đặt tại mặt tường sau ngôi mộ hợp táng của vợ chồng Hiệp tá Hồng Khẳng và phu nhân Trương Đăng Thị Bích.

Văn bia “Trị mạng thị nhi từ” của Hiệp tá Nguyễn Phúc Hồng Khẳng
Hiệp tá Hồng Khẳng cùng các con tại Lạc Tịnh viên (Nguồn: Manhhai Flickr)


2. Lời gia huấn trong Trị mạng thị nhi từ của Hiệp tá Hồng Khẳng

2.1. Tiểu sử của Hiệp tá Hồng Khẳng

Hiệp tá Đại học sĩ Nguyễn  Phúc Hồng Khẳng 阮福洪肯  sinh ngày 16 tháng 7 năm Tân Dậu (21 tháng 8 năm 1861), mất ngày 22 tháng giêng năm Tân Mùi (10 tháng 3 năm 1931), tên tự Sĩ Hoạch 士彠, hiệu Vấn Trai 問. Mặc dù là con trai thứ 13 của Tùng Thiện vương Miên Thẩm, cháu nội của vua Minh Mạng, song cuộc đời và sự nghiệp của ông trải qua nhiều biến cố, lắm thăng trầm như chính ông tâm sự: “... Vợ chồng  ta đã chịu đựng biết bao nỗi khốn khổ, ngay từ khi mới chung sống cùng nhau thì đúng vào thời xáo trộn, tai họa đến chúng ta phải ra đi với áo quần cũ tồi tàn và lúc đói cũng không có gì ăn; chúng ta đi tìm chỗ ẩn núp khi thì sống trên chiếc thuyền tam bản, khi thì sống trong núi rất gần bên ‘ông cọp’; và chúng ta đã thay đổi đến sáu hoặc bảy lần chỗ ở rất khốn khổ; chúng ta đã chạy bộ đến những nơi xa. Sau thời gian thử thách ấy, ta bước vào con đường làm quan, bước vào ‘phù trầm hoạn hải’...1

Theo Lạc Tịnh viên niên phổ di cảo của Ưng Trình - con trai đầu của Hiệp tá Hồng Khẳng thì năm Đinh Hợi (1887), hoàng tôn Hồng Khẳng được bổ nhiệm chức Tư vụ sở Điển Nghi, coi việc các lăng nhà vua “mới lên thuê nhà ở Bến Than để tiện cho việc quan, và để cho thân mẫu dọn hàng: rượu, dầu, than, củi. Chẳng dè ở nhằm hang cọp, đêm nào cũng bị cọp rình; thân phụ [Hồng Khẳng] phải thuê thuyền, ban đêm đem người nhà xuống ngủ”2. Năm Kỷ Sửu (1889), ông mua 8 sào đất hoang ở làng Dương Xuân bên bờ sông Phủ Cam để lập nên Lạc Tịnh viên như hiện tại. Năm 1898, ông Hồng Khẳng giữ chức Án sát tỉnh Thanh Hóa, rồi sau đó giữ chức Bố chính tỉnh ấy. Năm 1908, vì bất đồng chính kiến trong vụ đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Hồng Khẳng bị điều về Kinh và bãi miễn chức vụ. Đấy là giai đoạn ông làm ra tập thơ Lạc Tịnh viên thi thảo. Năm Quý Sửu (1913), ông được bổ nhiệm lại chức Thị lang bộ Hộ (lúc đã 54 tuổi), rồi thăng chức Tham tri bộ Hộ năm Ất Mão (1915). Năm Mậu Ngọ (1918), ông Hồng Khẳng được thăng hàm Thượng thư và năm Kỷ Mùi (1919) thì ông được thăng hàm Hiệp tá Đại học sĩ, về trí sĩ.

Bài viết “La vie de S.E.Hồng-Khẳng” của H.Le.Breton trong B.A.V.H 1933


Hiệp tá Hồng Khẳng đương thời không chỉ được triều đình Nam triều trọng vọng, mà chính những học giả người Pháp kính tôn là Thầy, chẳng như H. Le Breton - Hiệu trưởng Trường Quốc Học, trong bài La Vie de S. E. HÔNG- KHANG (L’un des derniers lettrés d’Annam (Cuộc đời của ngài Hồng Khẳng - một trong những danh Nho cuối cùng của An-nam, B.A.V.H, 1933 đã nói:

S. E. Hong-Khang fut mon premier maỵtre, et le plus cultivé, dans l’étude de la langue annamite” (Ngài Hồng Khẳng là vị thầy đầu tiên của tôi, vị thầy có trình độ văn hóa, đạo đức nhất...).

Hay như lời mở trong bài “L’un des derniers Lettrés d’Annam: S. E. Hong- Khang” (Một trong những bức thư An Nam cuối cùng: ngài Hồng Khẳng) của Le. Breton đăng tải trên tạp chí La Revue du Pacifique (1934) có đoạn: “On peut être un homme de progrès, tout en respectant le passé. Tel est l’enseignement essentiel que je veux dégager de la vie de S. E. Hong-Khang, l’un des derniers hauts-lettrés d’Annam”3 (Một người có thể là một người cầu tiến, đồng thời tôn trọng quá khứ. Đây là lời dạy cốt yếu mà tôi muốn rút ra từ cuộc đời của Ngài Hồng Khẳng, một trong những vị cao nhân cuối cùng của An Nam).

Bài viết “L’un des derniers lettrés d’Annam: S.E.Hong-Khang” của Le. Breton ở tạp chí La Revue du Pacifique (Chủ bút: Léon Archimbaud), Paris, 15-01-1934. (Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp - Gallica)


Điều đó chứng tỏ rằng tài năng và đức hạnh của Hiệp tá Đại học sĩ Nguyễn Phúc Hồng Khẳng đã được người đương thời trân quý và mến phục.

Hiệp tá Đại học sĩ Hồng Khẳng là chủ nhân vườn Lạc Tịnh nổi tiếng là một gia tộc gia giáo xứ Huế. Vợ ông là bà Trương Đăng Thị Bích (1862 - 1947), hiệu Tỷ Quê, cháu gọi Thượng thư Trương Đăng Quế (1793 - 1865) là ông nội bác. Bà chính là người soạn công trình ẩm thực nổi tiếng “Thực phổ bách thiên” điển hình tiêu biểu cho thành tựu của ẩm thực Việt Nam.

2.2. Bài văn bia “Trị mạng thị nhi từ”

Văn bia Trị mạng thị nhi từ ghi lời di huấn hàm súc của Hiệp tá Hồng Khẳng, được biên soạn vào năm 1920, viết trong lúc minh mẫn (Trị mạng 治 命) để dạy bảo con cháu (thị nhi 示兒) về hiếu đạo và lễ nghi trong tang chế, thờ phụng.

Sách Lạc Tịnh viên niên phổ di cảo cho biết cụ thể nguồn gốc bài này cùng những lời dạy bảo (8 điều) của Hiệp tá Hồng Khẳng ở Trị mạng thị nhi từ do người con trai đầu là Tế tửu Quốc tử giám Ưng Trình dịch thành quốc ngữ:

“Năm Canh Thân (1920), tức là năm thân phụ [Hồng Khẳng] 60 tuổi, có làm bản ‘Trị mạng thị nhi từ’ nghĩa là những lời dặn con, trong thời kỳ bình tĩnh... ‘Ta chẳng có tài đức, học thức cũng tầm thường, chỉ nhờ sinh vào họ nhà vua, cho nên phải tự giữ mình cho xứng đáng. Tuy có làm công chức, hơn 30 năm, lên đến nhất phẩm mới về hưu, nhưng mà chưa làm gì có ích nước lợi dân, nghĩ rồi tự thẹn. Huống sau ngày ta tạ thế, nếu con cháu dùng sinh tư để tế tự, ta há chẳng thẹn lắm hay sao. Nay ta dặn những điều mà con cháu nên kính cẩn... ... 08/Thường năm, ngày kỵ, bà con có đoái đến, thì tùy gia phong kiệm, mà khoản đãi cho
vừa lòng. Song không nên dùng cơm bánh, cỗ bàn ấy, mà đặt lên bàn thờ,  chẳng những trái đạo làm người, mà còn sẽ bị âm trách nữa. Những điều ta dặn, ta đã chạm vào một tấm đá vuông, sẽ khảm vào tường phía hậu đầu, để cho con cháu nhớ”4.

Ảnh chụp Lạc Tịnh viên niên phổ di cảo, trang 41, đoạn đầu về Trị mạng thị nhi từ


Trong Trị mạng thị nhi từ, từ bản chữ Hán trên hậu đầu ngôi mộ hợp táng song phần của vợ chồng ông Hồng Khẳng - Trương Đăng Thị Bích cho đến bản dịch (đã nói trên) đều nhấn mạnh về “lễ”, thông qua lời dạy bảo về việc hành lễ trong “tang - tế” (hai trong 4 lễ nghi phong tục: quan - hôn - tang - tế). Đối chiếu bản chữ Hán với bản dịch ở Lạc Tịnh viên niên phổ di cảo, chúng tôi thấy rằng bản chữ Hán thể hiện ngắn gọn, súc tích và kết tinh ở đạo lý “lễ vô bất kính, tổng quý tâm thành” 禮無不敬,總貴心誠 (lễ là không được bất kính, cốt ở tấm lòng thành). Đấy chính là lời giáo huấn chung cho “Lễ” chứ không hẳn chỉ ở lễ nghi tang - tế. Bởi thế, chúng tôi xin cung cấp toàn văn bản chữ Hán nói trên.

Văn bản chữ Hán Trị mạng thị nhi từ được gắn trang trọng ở tấm bia đá tại hậu đầu ngôi mộ vợ chồng ông Hồng Khẳng. Bia đá thanh hình chữ nhật với chiều cao 40cm, rộng 80cm, dày 5cm. Diềm bia trang trí giản đơn với hình hồi văn liên hoàn. Toàn văn bia có 20 dòng toàn chữ Hán chân phương rất sắc nét, dòng ít nhất 5 chữ, dòng nhiều nhất 13 chữ, toàn văn 228 chữ. Dưới đây là phần chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và bước đầu có một vài nhận xét về giá trị tư liệu của văn bia này.

Hán văn:

治命示兒辭

余以才德涼簿,見聞淺陋,幸託銀潢,早登仕籍。卅年之間,惟以勤 謹,從事尋至崇階。致政未有涓埃圖報,開化利益於國家也。安敢儼然: 生既受鼎鍾之養,死又享腥血之虞。豈不自愧自量,先自預省者耶。吾聞 孔夫子曰:生事之以禮,死葬之以禮,祭之以禮。是則禮云禮云,玉帛云 乎哉。況乎冥紙牲粢,肴饌飯餅之類,各宜裁酌之。嗣凡歲辰忌臘與奠祭 弔賻諸禮,只應用香燈花菓茶酒數品,亦足以明禋祀。禮無不敬,總貴心 誠而已矣。子子孫孫若能永遠遵循從吾所好,可謂孝矣!可謂孝矣! 餘無贅 言,正室張比圭知道。

啟定乙丑年夏四月初九日。陽春樂靜園問齋洪肯手筆

Phiên âm:

TRỊ MẠNG5 THỊ NHI TỪ

Dư dĩ tài đức lương bạc, kiến văn thiển lậu, hạnh thác ngân hoàng6, tảo đăng sĩ tịch. Táp niên chi gian, duy dĩ cần cẩn tòng sự. Tầm chí sùng giai trí chánh, vị hữu quyên ai đồ báo7, khai hóa lợi ích ư quốc gia dã. An cảm nghiễm nhiên: sinh kí thụ đỉnh chung8 chi dưỡng, tử hựu hưởng tinh huyết9 chi ngu. Khởi bất tự quý tự lượng, tiên tự dự tỉnh giả da. Ngô văn Khổng Phu tử viết: “Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế chi dĩ lễ”10. Thị tắc lễ vân, lễ vân, ngọc bạch vân hồ tai. Huống hồ minh chỉ11 sinh tư, hào soạn phạn bính chi loại; các nghi tài chước chi. Tự phàm tuế thời kị lạp dữ điện tế, điếu phụ chư lễ, chỉ ưng dụng hương đăng hoa quả trà tửu sổ phẩm, diệc túc dĩ minh nhân tự. Lễ vô bất kính, tổng quý tâm thành nhi dĩ hĩ. Tử tử tôn tôn nhược năng vĩnh viễn tuân tuần tòng ngô sở hiếu. Khả vị hiếu hĩ! Khả vị hiếu hĩ! Dư vô chuế ngôn, Chính thất Trương Tỷ Quê12 tri đạo.

Khải Định Ất Sửu niên hạ tứ nguyệt sơ cửu nhật.
Dương Xuân Lạc Tịnh viên - Vấn Trai Hồng Khẳng thủ bút

Dịch nghĩa:


LỜI [DI CHÚC] DẠY CON LÚC MINH MẪN

Ta tài bạc đức mỏng, hiểu biết nông cạn13, may nhờ trời cao giúp đỡ nên sớm đường quan chức. Trong khoảng 30 năm làm quan, ta luôn lấy cẩn thận, siêng năng để làm việc. Cho đến lúc chức cao nghỉ hưu, ta chưa thể đem sức lực nhỏ bé để báo đáp ân tình, mở mang giáo hóa ích lợi cho quốc gia vậy. Sao dám chỉnh tề rằng: sống thì được nuôi dưỡng bằng sự giàu sang phú quý, mất lại được hưởng sự yên vui bởi sinh vật hiến tế?!. Há chẳng tự thẹn, tự tư lường, [cho nên] trước tiên ta tự dự xét chính mình vậy thay.

Ta nghe Khổng Phu tử nói rằng: “[Cha mẹ] còn sống thì lấy lễ mà phụng sự, [cha mẹ] qua đời thì theo lễ mà chôn cất, theo lễ mà cúng tế”, ấy chính là lễ vậy, lễ vậy, là lụa ngọc (trân quý) vậy thay.

Huống hồ, các loại giấy tiền, vàng mã, nếp gạo, muông sinh, cỗ bàn, cơm bánh… tất thảy nên trù liệu cắt giảm cả. Từ nay, phàm các lễ kỵ chạp, cúng tế, phúng điếu hàng năm thì chỉ nên dùng vài thứ hương đèn, hoa quả, trà rượu, cũng đã rõ ràng đầy đủ cho việc tế tự rồi. Lễ là không bất kính, cốt yếu nhất là tấm lòng thành mà thôi vậy. Con con cháu cháu các đời nếu mãi mãi tuân thủ, noi theo ý tốt này của ta, thì khá gọi là có hiếu vậy, khá gọi là có hiếu vậy! Ngoài ra, ta chẳng nói rườm, chánh thất Trương Tỷ Quê [Thị Bích] biết rõ thế.

Ngày mồng 9 tháng 4 năm Ất Sửu, niên hiệu Khải Định (1925).
Lạc Tịnh Viên ở đất Dương Xuân, Vấn Trai Hồng Khẳng thủ bút.

* Di chúc “Trị mạng thị nhi từ” dạy bảo cháu con hợp hòa theo lễ giáo

Trong kho tàng tư liệu văn hóa Việt Nam, hiện tượng “huấn dụ” (dạy bảo), “di huấn” (những lời dạy dỗ để lại), “di ngôn” (lời tốt đẹp của cha ông để lại) , “giáo tử” (dạy con), “gia huấn” (lời răn dạy của cha ông đối với người trong gia tộc)… ở các tư liệu thành văn như được chép trong gia phả, khắc vào gỗ, khắc trên đá... có khá nhiều. Chẳng hạn như “Thánh dụ huấn địch thập điều” của vua Minh Mạng, “Thánh dụ huấn địch thập điều diễn nghĩa ca” của vua Tự Đức, “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi, “Tích thiện gia huấn bi ký” (văn bia ghi chép về việc tích chứa điều thiện) của Nguyễn Nghiễm… Tuy vậy, những hình thức “gia huấn”, “huấn dụ”, “thánh dụ”, “di ngôn” kia dù có đặc điểm giống, song không trùng khớp với kiểu văn bản “trị mạng” (di chúc).

Trị mạng 治命 là di chúc, lời răn dạy, dặn dò con cháu của người có tinh thần sáng suốt, thần trí minh mẫn. Ngược với trị mạng 治命 là loạn mạng 亂 命(lời mệnh lệnh lúc tinh thần bấn loạn). Thuật ngữ Trị mạng bắt nguồn từ sách Tả Truyện 左傳, Tuyên Công năm thứ 15 宣公十五年: “Xưa, Ngụy Vũ tử 魏武子 có người thiếp yêu nhưng không có con. Vũ tử bị ốm, dặn dò người thiếp rằng: Sau khi ta qua đời thì cho thiếp tái giá. Đến lúc lâm trọng bệnh thì Vũ tử bảo là: Tất thiếp phải tuẫn tiết cùng ta. Khi Vũ tử mất, người thiếp bèn cải giá, nói rằng: “Lâm trọng bệnh thì tất tâm trí bấn loạn, ta theo lời ngài lúc trị (bình tĩnh) vậy. (“疾病則亂,吾从其治也” tật bệnh tắc loạn, ngô tòng kỳ trị dã).

Từ đó về sau, thuật ngữ trị mạng dùng để chỉ lời Di chúc để lại lúc tâm trí minh mẫn, sáng suốt nhất”14

Loại hình di chúc “trị mạng” bằng văn bản này cũng xuất hiện ở trong các tư liệu thành văn của nước ta, chẳng hạn như bài thơ “Trị mạng” của Nguyễn Khuyến, từng được tác giả Nguyễn Thế Nữu (Xã Yên Bắc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam) công bố ở Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 2009: “Trong di chúc ông muốn xóa bỏ một số lệ tục tang ma hồi đó, với một thái độ cương quyết với mười chữ “bất khả” (không được) dứt khoát  mạnh mẽ15.

Tuy vậy, di chúc khắc vào bia đá, đặt tại lăng mộ để dạy bảo cháu con và truyền lại muôn đời thì đấy là văn bản đầu tiên chúng tôi được thấy.

Bản Trị mạng thị nhi từ trên mặc dù được biên soạn từ năm 1920 (theo thông tin từ Lạc Tịnh viên niên phổ di cảo, đã dẫn) cho đến lúc khắc vào bia đá do Hiệp tá Đại học sĩ Hồng Khẳng thủ bút (vào ngày 09 tháng 4 năm Ất Sửu, niên hiệu Khải Định thứ 10 (tức ngày 01 tháng 05 năm 1925), thì đã trải qua 5 năm, và văn bia trên đá này xuất hiện trước ngày ông Hiệp tá tạ thế (1931) đến 6 năm. Bởi thế, văn bia Trị mạng thị nhi từ khắc đá này là sự đúc kết những ý tứ sâu xa bằng lời văn ngắn gọn, súc tích, vừa hàm chứa tinh thần khiêm cung, ý muốn đem sở năng của mình ra cống hiến cho quốc gia, lại vừa bao hàm lời căn dặn cháu con đầy mẫu mực.

Về “lễ” nói chung, trong văn hóa phương Đông, tất thảy mọi việc đều phải đúng lễ, hợp lễ. Lễ là thước đo của sự giáo hóa, của truyền thống văn hóa ở mỗi quốc gia, mỗi vùng đất. Lễ là đạo lý cốt yếu nhất, phù hợp nhất để từ đó con người vận hành một cách hài hòa, điều tiết cân đối mọi mối quan hệ xã hội “lễ chi dụng, hòa vi quý” 禮之用 和為貴 (Cái sở dụng của lễ là lấy hài hòa [cân bằng giữa các mặt đối lập] làm trọng yếu).

Đối với đời sống của từng cá nhân, từng gia tộc, “lễ” cũng thể hiện ở nhiều khía cạnh, trên nhiều bình diện cuộc sống. Riêng tại Trị mạng thị nhi từ, Hiệp tá Hồng Khẳng đã tinh chọn lời giáo huấn về lễ rằng: “Ta nghe Khổng Phu tử nói rằng: “[Cha mẹ] còn sống thì lấy lễ mà phụng sự, [cha mẹ] qua đời thì theo lễ mà chôn cất, theo lễ mà cúng tế”, ấy chính là lễ vậy, lễ vậy, là lụa ngọc (trân quý) vậy thay”. Có thể nói, đạo lý này chính là gốc rễ của hiếu đạo, tức thực hành lễ trong gia tộc là vun bồi đạo hiếu kính với tổ tiên cha ông. Lễ - hiếu đạo ấy không cần xa xỉ, hoang phí, phô trương mà chỉ cần “không bất kính” và có tấm lòng thành hướng về tổ tiên: “... Huống hồ, các loại giấy tiền, vàng mã, nếp gạo, muông sinh, cỗ bàn, cơm bánh… tất thảy nên trù liệu cắt giảm cả. Từ nay, phàm các lễ kỵ chạp, cúng tế, phúng điếu hàng năm thì chỉ nên dùng vài thứ hương đèn, hoa quả, trà rượu, cũng đã rõ ràng đầy đủ cho việc tế tự rồi. Lễ là không bất kính, cốt yếu nhất là tấm lòng thành mà thôi vậy. Con con cháu cháu các đời nếu mãi mãi tuân thủ, noi theo ý tốt này của ta, thì khá gọi là có hiếu vậy, khá gọi là có hiếu vậy!”. Có thể thấy, lời di chúc huấn dụ này của Hiệp tá Hồng Khẳng mang giá trị xuyên suốt thời đại, nhất là trong giai đoạn xã hội hiện nay. Vị chủ nhân Lạc Tịnh viên dạy bảo con cháu làm đúng lễ, không cần xa hoa vật phẩm bên ngoài, mà chỉ cần tấm lòng thành hướng đến tổ tiên, không được bất kính dẫu trong ý nghĩ hay trong từng hành động.

Đây thực sự là bản di chúc gia huấn độc đáo, súc tích trên đá, dẫu ngắn gọn nhưng thể hiện rõ nét nền tảng gia phong lễ giáo rất truyền thống và cũng rất hiện đại, tất thảy đều hướng đến việc hành xử “đúng lễ”, đến tấm lòng thành của con cháu đối với ông cha.

Lời di huấn theo lễ trong Trị mạng thị nhi từ được khắc đá trên không chỉ có tầm ảnh hưởng đối với con cháu trong gia đình Lạc Tịnh viên, mà truyền thống lễ giáo này còn có sức lan tỏa khá lớn ở trong nước và quốc tế. Với các bài viết về cuộc đời và sự nghiệp, thơ văn của Hiệp tá Hồng Khẳng, trong đó có bản dịch Trị mạng thị nhi từ tương đối đầy đủ, đăng tải ở các tạp chí B.A.VH (1933), La Revue du Pacifique (1934), H. Le Breton đã góp phần những lời giáo huấn truyền thống của một gia tộc Huế điển hình như gia đình Lạc Tịnh viên thông qua Trị mạng thị nhi từ phổ biến đến cộng đồng người trong nước và quốc tế thời bấy giờ. Qua Trị mạng thị nhi từ cùng nguồn tư liệu hiện tồn ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Hiệp tá Đại học sĩ Hồng Khẳng (như Lạc Tịnh viên niên phổ di cảo, các bài viết trên BAVH, La Revue du Pacifique... ), nét đẹp của gia phong xứ Huế thực sự được tỏa lan đến muôn nơi, góp phần tô điểm thêm cho truyền thống văn hóa của vùng đất Cố đô, trong đó có văn hóa gia tộc truyền thống Huế. Ở đó, Hiệp tá Hồng Khẳng dùng lời dạy cần kiệm hợp lễ để huấn thị con cháu, để thông qua đó khắc ghi đạo lý “Lễ vô bất kính, tổng quý tâm thành” (Lễ là không bất kính, cốt yếu nhất là tấm lòng thành). Đây chính là câu chữ kết tinh nhất, biểu đạt rõ nét nhất quan niệm giáo dục về Lễ 禮 nói chung của vị chủ nhân Lạc Tịnh viên, chứ không hẳn chỉ tập trung vào sự tiết chế ở lễ nghi tang - tế. Và, theo chúng tôi, câu huấn thị “Lễ vô bất kính, tổng quý tâm thành” xứng đáng trở thành một câu thành ngữ giá trị trong tiến trình giáo dưỡng về lễ của các gia đình, dòng tộc Huế nói riêng, cũng như các gia tộc Việt Nam nói chung.

V.V.Q
(TCSH394/12-2021)

---------------------------------------------
1. H. Le. Breton, “Cuộc đời của ngài Hồng Khẳng, một trong những danh Nho cuối cùng của An-nam”, BAVH tập XX, 1933 (bản dịch của Hà Xuân Liêm), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.204 - 205.
2. Nguyễn Phúc Ưng Trình, Lạc Tịnh viên niên phổ di cảo, Đại học Y khoa Minh Đức phát hành, 1954, tr.3
3. H. Le. Breton, “L’un des derniers Lettrés d’Annam: S. E. Hong-Khang”, La Revue du Pacifique, 1934, 207pp.
4. Lạc Tịnh viên niên phổ di cảo, Sđd, tr.41-42.
5. Trị mạng 治命: Di chúc của người tỉnh táo, tinh thần sáng suốt, thần trí minh mẫn nhất.  
6. Ngân hoàng 銀潢: tức dãi thiên hà 天河, ngân hà 銀河. Sách Cựu Đường thư 舊唐書, Bành Vương Cận truyện _ 彭王僅傳 có câu: Ngân hoàng dục khánh, tuyền ngạc phân huy “銀潢毓慶,璿萼分輝” (Dải ngân hà hun đúc điều tốt đẹp, hoa ngọc rạng ngời). Ở đây có thể hiểu “hạnh thác ngân hoàng” là: May nhờ trời cao giúp đỡ (điều tốt đẹp).
7. Quyên ai đồ báo 涓埃圖報: Đem chút sức lực nhỏ bé (quyên ai 涓埃) để báo đáp ân tình (đồ báo 圖報), thành  ngữ này cũng viết “quyên ai chi báo” 涓埃之報 .
8. Đỉnh chung 鼎鍾: Có nhiều nghĩa, ở đây dùng chỉ sự phú quý vinh hoa (giàu có đẹp đẽ).  
9. Tinh huyết 腥血: Máu sống, tức phiếm chỉ cách dùng máu các con vật còn sống đến hiến tế (gọi là con hi 犧 [con muông thần dùng để cúng tế] và con sinh 牲[con muôn sinh] dùng để cúng tế).
10. Đây là câu nói của Khổng Tử được ghi lại trong Luận Ngữ, thiên Vi Chính đệ nhị. Cụ thể, câu đầy đủ ở đây là:  孟懿子問孝,子曰:“無違”, 樊遲禦,子告之曰:“孟孫問孝於我, 我對曰無違”樊遲曰:“何謂也”. 子 曰:“生,事之以禮;死,葬之以禮,祭之以禮” (Mạnh Ý tử hỏi về đạo Hiếu. Khổng tử nói: “Không được làm trái lễ”. Phàn Trì đánh xe cho Khổng tử, Khổng tử kể lại rằng Mạnh Ý tử có hỏi ta về đạo hiếu, ta trả lời là không được vi phạm lễ. Phàn Trì hỏi lại “Như thế là ý gì?” Khổng Tử nói “[Cha mẹ] còn ở trên đời, ta dùng lễ mà phụng sự. [Cha mẹ] chết, theo lễ mà an táng, theo lễ mà cúng tế”.
11Minh chỉ 冥紙: Một loại giấy tiền vàng mã để đốt cúng quỉ thần.  
12. Chính thất Trương Tỷ Quê 正室張比圭: tức bà Chính thất Trương Đăng Thị Bích (1862 - 1947), cháu nội bác của Cần Chánh điện Đại Học sĩ Trương Đăng Quế.
13. Dư dĩ tài đức lương bạc, kiến văn thiển lậu 余以才德涼簿,見聞淺陋: (Ta tài đức mỏng manh, hiểu biết nông cạn). Đây là lời khiêm cung thường thấy trong văn ngôn của người xưa. Ví như vua thường xưng với bề tôi là “quả nhân” (kẻ ít đức nhân), quan lại thường xưng với người là “ti chức” (chức phận thấp hèn), dân thường xưng với vua quan là “thảo dân” (thần dân nhỏ mọn như cỏ rác)… Sự khiêm cung ấy thể hiện đức tính khiêm tốn, nhún mình mà tôn vinh người. Đây là một nét văn hóa rất đẹp trong cách ứng xử của người xưa.
14. Dịch từ Xuân thu Tả truyện 春秋左傳, Tuyên Công năm thứ 15 宣公十五年; link: http://ctext.org/chun-qiu-zuo-zhuan/xuan-gong-shi-wu-nian/zh  
15. Nguyễn Thế Nữu, “Nhân kỷ niệm 100 năm bài thơ Trị mạng của Nguyễn Khuyến”, Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (93) 2009; tr. 33.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Làng Mỹ Á (04/01/2022)