Ai ra xứ Huế
Đàn Nam Giao được phục hồi
15:40 | 25/03/2022

HOÀNG XUÂN NHU

Đàn tế trời lộ thiên này được khởi công xây dựng vào ngày 25-3-1806 dưới sự đốc công của Thống chế Phạm Văn Nhân và hoàn thành cuối năm đó, qua đầu năm 1807 triều đình Gia Long bắt đầu cử hành lễ Nam Giao lần đầu tiên tại đây.

Đàn Nam Giao được phục hồi
Đàn Nam Giao trong dịp lễ

Khuôn viên đàn Nam Giao hình chữ nhật chiều dài 390m, chiều rộng 265m, giới hạn bởi một vòng tường thành xây bằng đá bọc chung quanh. Trong khuôn viên ngày xưa trồng rất nhiều thông. Về phía nam Đàn tế có trồng một cụm thông tượng trưng cho vua Gia Long, còn những cây thông khác trồng riêng rẻ, tượng trưng cho các hoàng thân và văn võ bá quan. Mỗi cây thông đầu có đeo một thẻ bài bằng đồng hay bằng đá có khắc họ tên chức tước người trồng cây, thời gian trồng cây, các quan từ tứ phẩm trở lên trong triều đình, các quan địa phương trong dịp về kinh dự lễ Nam Giao đều phải lên đàn trồng thông. Quy định này được giữ mãi cho đến triều Thiệu Trị, Tự Đức. Đến năm 1884, Vua Hàm Nghi lại ấn định: Sau khi thăng trật và làm lễ bái mạng xong, các quan phải lên đàn Nam Giao tự mình trồng thông dưới sự giám sát của một viên quan Bộ Công và một viên quan Bộ Lễ. Mỗi vị đều có trách nhiệm đều phải chăm sóc một cây thông, nếu thông chết phải trồng lại. Năm 1834, trong một dịp tế Nam Giao chính vua Minh Mạng đã tự tay trồng mười cây thông ở Trai Cung; nhà vua cho treo bảng đồng khắc bài minh do chính nhà vua soạn lên trên mỗi thân cây. Nhờ chính sách "trồng cây gây rừng" qua các triều đại từ 1806 đến 1945 mà ngày xưa ở đàn Nam Giao có được một rừng thông xanh rì bát ngát. Thiết nghĩ bài học vua quan Nhà Nguyễn trồng thông ở đàn Nam Giao đáng để cho ngươi đời suy ngẫm, tham khảo và vận dụng.

Thẻ bài bằng đồng to bằng bàn tay dày 0,5cm treo ở mỗi cây thông Nam Giao

Mặt 1: Thiệu Trị lục niên Bính Ngọ.
Mặt 2: Thủy sư hữu doanh nht vệ Chưởng vệ Nguyn Doãn thực.

(Dịch nghĩa: 1) Năm Bính Ngọ - Thiệu Trị năm thứ sáu. 2) Cây do Chưởng vệ thứ nhất Nguyễn Doãn trồng. Ông Doãn thuộc Hữu doanh Thủy quân đóng ở Huế).

Đàn Nam Giao được xây dựng ở phía Nam kinh thành Huế, gồm ba tầng: hai tầng dưới hình vuông, gọi là Phương Đàn, tượng trưng cho Đất, tầng trên hình tròn, gọi là Viên Đàn, tượng trưng cho Trời. Bốn mặt đàn hướng về bốn phương, đều có tam cấp bước lên mỗi tầng. Phía tả có sở Thần khố và Thần trù, là nhà kho và là nơi sửa soạn lễ vật mỗi lần tế lễ. Phía hữu có Trai Cung là nơi nhà vua ngự để trai giới trước lúc hành lễ.

Theo tục lệ cổ, cứ ba năm một lần, vào mùa xuân, chọn ngày lành tháng tốt, đến giờ nhất định thì nhà vua cử hành lễ tế trời ở đàn Nam Giao, gọi là lễ Nam Giao.

Nếu tính từ thời vua Hùng cho tới ngày nay, cả nước ta có nhiều di tích đàn tế Giao ở nhiều địa phương khác nhau. Song hiện nay chỉ tồn tại một di tích đàn Nam Giao ở Huế, còn tất cả các đàn khác đã bị mai một và hủy hoại hoàn toàn theo thời gian và tiến trình lịch sử của đất nước.

Trong quần thể di tích cố đô Huế ngày nay bao gồm cung điện, đền đài, miếu mạo, lăng tẩm... nếu không tính đến đàn Nam Giao là một thiếu sót lớn. Gắn với lễ Nam Giao, nó gọi nhớ một thời thịnh trị, thống nhất sơn hà của chế độ phong kiến, đồng thời phản ánh một nét văn hóa cung đình khá độc đáo của Việt Nam. Nó nằm ở vị trí trung tâm của quần thể di tích cố đô, cách kinh thành không xa, đang cùng chung số phận với các di tích khác: Bị bào mòn và hủy hoại hữu hình bởi con ngươi thời gian, mưa nắng, bão tố và chiến tranh. Song số phận đàn Nam Giao càng hẩm hiu hơn: bị bào mòn và hủy hoại vô hình, nếu trong ký ức con người không còn dấu ấn của nơi tế Trời cách đây ngót nửa thế kỷ trở về trước, và càng nghiêm trọng hơn nếu nhận thức của các cơ quan trách nhiệm ở trung ương và địa phương quá giản đơn, tùy tiện và thực dụng trong việc khai thác và sử dụng di tích.

Gần 15 năm qua di tích đàn Nam Giao đã được sử dụng không đúng mục đích của nó. Nhân dân thành phố Huế vô cùng phấn khởi được tin gần đây Bộ Văn hóa - Thông tin và ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế có kế hoạch triển khai việc xây dựng đài liệt sĩ tại một địa điểm khác, tạo điều kiện trùng tu, tôn tạo đàn Nam Giao đúng nguyên trạng của nó, làm cho nó tương xứng với vị trí trung tâm của quần thể di tích cố đô Huế, tương xứng với giá trị có tầm cỡ vừa quốc gia vừa quốc tế của quần thể di tích này. Việc làm này phù hợp lòng dân, được nhân dân cả nước hoan nghênh.

H.X.N
(TCSH53/01&2-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Làng Mỹ Á (04/01/2022)