TRẦN VĂN DŨNG
1. Lời dẫn
Châu Hương Viên 周香園 vốn là hưu đình, địa chỉ văn hóa gắn liền với cuộc đời và tên tuổi của danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) cũng như nhiều văn nhân thi sĩ nổi tiếng khác. Ngoài thành danh trên con đường quan nghiệp, cụ còn được công chúng biết đến là một nhà thơ, nhà biên kịch tuồng, soạn lời Ca Huế tài ba ở mảnh đất Thần kinh. Giáo sư Trường Quốc Học Ưng Quả đã từng nhận xét cụ Ưng Bình là “một bậc tài hoa đã nổi danh trong đất nước, lỗi lạc nơi thi ca, lão luyện về kịch nghệ”1. Kiến trúc Châu Hương Viên không phải là một tư dinh kín cổng cao tường như những nơi khác, mà đây là chốn tụ hội của giới văn nghệ sĩ xứ Huế đương thời, nơi gặp gỡ của tao nhân mặc khách lừng danh một thuở.
Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, dưới tác động khắc nghiệt của thời tiết cũng như không được sự quan tâm chăm sóc, sửa chữa thường xuyên nên kiến trúc Châu Hương Viên chỉ còn lại chiếc bình phong, nhà chính và nhà phụ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc tìm ra phương án thích hợp, khôi phục lại ngôi nhà rường cổ, sớm xây dựng nơi đây trở thành địa chỉ văn hóa, nơi sinh hoạt thi ca, biểu diễn tuồng, trình diễn Ca Huế thính phòng là một hành động hết sức cần thiết.
2. Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị
Nguyễn Phúc Ưng Bình 阮福膺苹, hiệu Thúc Giạ Thị 菽野氏, sinh ngày 9/3/1877 tại làng Vỹ Dạ (Huế), là một trí thức xuất thân trong một gia đình hoàng tộc triều Nguyễn. Ông là chắt nội của hoàng đế Minh Mạng, cháu nội của nhà thơ nổi tiếng Tuy Lý vương Miên Trinh (1820 - 1897) mà sinh thời vua Tự Đức đã ban câu: “Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường” lưu danh trong văn học nước nhà. Thân sinh thi sĩ Ưng Bình là cụ Tiểu Thảo Hường Thiết (1850 - 1937), một nhà nho đức cao vọng trọng, rất am hiểu về văn hóa, văn minh phương Tây lẫn Á Đông, là tác giả của Tứ Tự ca, Liên Nghiệp Hiên thi tập; còn thân mẫu là bà Nguyễn Thị Huệ, thông thạo chữ Hán, có nhiều bài thơ Nôm được truyền tụng như Nhớ quế, Thượng cầm hạ thú, Xuất gia… Vì vậy, nề nếp gia phong của dòng tộc đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc Học Huế và đỗ đầu kỳ thi Ký lục năm 1904, ông được bổ làm Ký lục ở Hội An (1904 - 1906). Đến năm 1909, Ưng Bình thi đỗ Cử nhân Hán học. Sau đó, ông được triều đình bổ dụng làm Tri huyện, rồi lần lượt giữ các chức vụ Tri phủ Điện Bàn (1915), Tri phủ Hà Trung (1917), Viên ngoại Bộ Binh (1918), Tri phủ Triệu Phong (1921), Án sát Quảng Bình (1922), Thị lang Bộ Học (1926), Bố chính Hà Tĩnh (1927), Tuần vũ Hà Tĩnh (1928), Tuần vũ Phú Yên (1931), Phủ doãn Thừa Thiên (12/1931 - 1/1933). Đến tháng 2/1933, cụ Ưng Bình cáo lão về hưu với chức Thượng thư Bộ Lễ. Tuy hưu trí, ông vẫn được tín nhiệm bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ (1939 - 1940), Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ (1940 - 1945). Năm 1943, ông được vua Bảo Đại thăng hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Đó là sự ghi nhận của triều đình Huế về tài năng, đức độ, công lao đóng góp của ông đối với đất nước. Ngoài ra, cụ Ưng Bình còn được chính quyền Nam triều, chính phủ bảo hộ tặng thưởng nhiều huy chương, danh hiệu cao quý như Đệ nhị hạng Long bội tinh, Đệ nhị hạng kim khánh, Đệ ngũ hạng Bắc đẩu bội tinh, Huy chương Hàn lâm viện2…
Mặc dù mang thân phận hoàng gia và từng có địa vị khá cao trong triều chính nhưng cụ Ưng Bình nổi tiếng là một người sống giản dị, thanh bạch, dân dã. Ông có sở trường sáng tác về nhiều thể loại thơ chữ Hán và Quốc ngữ, Ca Huế, tuồng, hò Huế, ca trù, thể loại nào cũng thể hiện sự kết hợp rất hài hòa giữa yếu tố nghệ thuật bác học với dân gian. Cụ Ưng Bình đã để lại cho nền văn học cận đại Việt Nam nhiều bài thơ tuyệt tác, là những di sản tài liệu quý giá để cho người đời sau còn có cơ sở nghiên cứu và tìm hiểu được phần nào về bối cảnh lịch sử, xã hội, nhân vật thời đó, cũng như có cơ hội hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị ở miền sông Hương núi Ngự. Nhà văn Phù Giang Phan Thế Roanh đã nhận xét về cụ Ưng Bình như sau: “Tính người vui vẻ, cử chỉ tự nhiên, đức độ khác thường, lại thêm hiếu khách, cho nên Tiên sinh đã được bạn tác nể vì, nhân dân mến phục. Đối với một người giàu tình cảm, sẵn hoa cốt, lại sành âm nhạc như Tiên sinh, thì những khi rảnh việc phải là những lúc ngắm cảnh nước biếc non xanh, thưởng hát nghe đàn, ngâm thơ uống rượu. Tiên sinh ham nhất là các điệu tuồng cổ, ca Huế, hò mái nhì, cả đến ca trù, chèo cổ. Tiên sinh thường tự soạn khúc hát, tự cầm roi chầu, cười nói phong lưu, khiến ai cũng nhận thấy một tâm hồn nghệ sĩ”3. Cụ Ưng Bình đã để lại nhiều trước tác có giá trị cho hậu thế đã được xuất bản thành sách như: Tình Thúc Giạ (1942), Bán Buồn Mua Vui (1954), Đời Thúc Giạ (1961), Tiếng Hát Sông Hương (1972), Thơ ca Tuyển (1992)...
Trong số các tác phẩm đã được ấn hành của ông, đáng chú ý có tuồng Lộ Địch xuất bản lần đầu năm 1936, tái bản năm 1959. Cốt truyện dựa theo tác phẩm Le Cid của nhà văn Pháp Pierre Corneille. Vở tuồng Lộ Địch được công diễn từ năm 1937, đã gây tiếng vang trên sân khấu miền Trung và miền Nam một thời. Điểm đặc sắc ở tuồng Lộ Địch là có nhiều nét khác biệt với nguyên tác Le Cid, đặc biệt là phần kết cuộc, tác giả đã để nhân vật chính Chi Manh (Chimène) đi tu để giữ được trọn vẹn phẩm giá người phụ nữ theo tinh thần văn hóa Á Đông. Trong lời tựa giới thiệu cuốn sách Tuồng Lộ Địch, cụ Ưng Quả đã nhận định vở tuồng Lộ Địch là mẫu mực của việc chuyển biên một tác phẩm sân khấu châu Âu sang sân khấu truyền thống Việt Nam: “Vào khoảng mười năm nay, trong nước thấy nhóm lên cái phong trào cải lương kịch nghệ. Những người chủ trương phần đông là ở trong Lục tỉnh. Tôn chỉ tả thiệt của họ có lẽ chân chính, công phu tập luyện của họ nhiều chỗ nên khen, nhưng ai cũng nhận một điều: là cái cốt cách đoan trang văn vẻ của lối kịch xưa tuyệt nhiên không còn thấy trong lối kịch mới. Điều đó thật đáng tiếc. Những người trí thức trong nước đã từng cảm giác nơi cổ kịch cổ văn không khỏi phàn nàn, rồi đến phiên họ cũng tìm phương cải cách. Cải cách đây là thoát những sự thần tiên huyễn mộng của tuồng cổ để chuyên trọng về tâm lý, bỏ cái lối trường thiên đại đoạn của tuồng Tống tuồng Đường để cho mỗi bản kịch được duy nhất, như thế là theo phương pháp mới, một mặt lại giữ phong nghi cho trầm trọng tôn cái văn sức lên cực điểm để cho ta còn hưởng cái văn cảm ngày xưa. Tuồng Lộ Địch của cụ Ưng Bình có những tính cách ấy và sẽ tiêu biểu cho cuộc chấn hưng kịch nghệ sàu này”4.
Trước khi khai diễn vở tuồng Lộ Địch tại rạp hát Vỹ Dạ (còn gọi là rạp Xuân Kinh) vào tháng Giêng năm 1937, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã sáng tác bài thơ để đọc chào mừng trước khán giả:
“Rạp hát Vương tôn đã khoác màn,
Đã ra sân khấu giữa Trường An.
Hiếu tình ngắm rõ gương bi kịch,
Thanh sắc mừng thêm vẻ lạc quan.
Giá ngọc treo cho đào Hữu Hạnh,
Nhà vàng dựng để kép Phương Lan.
Ham vui điệu cũ câu tuồng mới,
Tri kỷ xin chào bạn khán quan”5.
Ngoài tuồng Lộ Địch, ông còn soạn vở tuồng Tào Lao (1937) dựa theo các chuyện tích xưa. Trong vở tuồng này, cụ Ưng Bình đã sử dụng tới 21 làn điệu dân ca xứ Huế để làm chất liệu tạo nên vở tuồng hay và hấp dẫn người xem.
Riêng đối với Ca Huế, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã có nhiều đóng góp lớn về mặt lý luận cũng như soạn lời Ca Huế, góp phần quan trọng để phát triển bộ môn nghệ thuật độc đáo này ở vùng đất đế đô trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Cụ Ưng Bình cho biết Ca Huế ra đời dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu và mối quan hệ giữa các bài bản Ca Huế với âm nhạc cung đình: “Đức Hiếu Minh, hiệu Thiên Túng đạo nhơn, là ông chúa thượng văn, năng đề vịnh. Con ngài là ông Tứ (tức Đán), cháu là ông Dục đều có tiếng giỏi từ chương… Lạ chi, gặp đời ông chúa thượng văn, thời triều đình sao cũng có ban nhạc phủ. Triều đình có nhạc phủ, thời tao nhơn, mặc khách ở trị hạ tất phải hưởng ứng mà thành ra ca khúc, ca chương… Ca Huế bản nào về dịp nào, đã sẵn có khuôn khổ “Xàng xê xự”, hễ ưa đến điệu nghệ, mà có tình tứ thì làm được; miễn sao vần cho thuận, câu cho xuôi, ý nghĩa cho rõ ràng, mạch lạc cho thông suốt, ấy là bản ca dễ ca, mà dễ lưu truyền vào nhạc phủ”6. Quan điểm này được nhiều nhà nghiên cứu sau này đồng tình và ủng hộ như học giả Thái Văn Kiểm, GS. Trần Văn Khê.
Có thể nói, cụ Ưng Bình đã trải qua con đường hoạn lộ khá dài từ 1904 đến 1933 với việc nắm giữ nhiều chức quan trong triều đình Huế nhưng mục đích của đời ông chính là sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Điều này để lại dấu ấn sâu đậm nét trong toàn bộ sự nghiệp văn chương phong phú của Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Tên tuổi và dấu ấn của danh nhân Ưng Bình gắn liền với Châu Hương Viên. Đây chính là nơi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị dành trọn những tháng ngày sống với thi ca, nghệ thuật sau khi rời quan trường.
3. Châu Hương Viên: Nhận diện giá trị và hướng bảo tồn
Châu Hương Viên tọa lạc tại địa chỉ số 355 Nguyễn Sinh Cung, phường Phú Thượng, thành phố Huế. Đầu năm 1933, sau khi rời chốn quan trường để vui thú điền viên, cụ Ưng Bình mua lại mảnh vườn với diện tích 4 sào 7 thước ở làng Vỹ Dạ để xây dựng tư thất làm không gian hưởng tuổi già với lớp quan viên hưu trí ở kinh kỳ. Ông đặt tên cho hưu đình của mình là Châu Hương Viên. Chính tại Châu Hương Viên, cụ Ưng Bình đã lập nên “Vỹ Hương thi xã”, về sau đổi thành “Hương Bình thi xã” vang bóng một thời, quy tụ các văn nhân tên tuổi ở Kinh đô Huế, cùng nhau sáng tác và ngâm vịnh thi phú. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, ái nữ của thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị cho biết cụ thường xướng họa cùng với những người thân trong phòng Tuy Lý vương, đây cũng là những thành viên tích cực trong thi đàn: “Đối với anh em trong gia đình Tuy Lý, Thầy tôi cũng thường xướng họa với những người thân thương như Quật Đình Ưng Ân, Hòe Đình Ưng Oanh, Thúc Thuyên Ưng Tôn, Vân Hán Ưng Quả, Mân Hương Ưng Thiều, Vu Hương Ưng Thuyên, Di Sơn Ưng Dị, Thúc Dật Ưng An, Thúc Đoan Ưng Trung, Ưng Hoát, Ưng Thông, Như Không, Như Nguyện”7. Tòa soạn báo Tràng An ở Huế cũng đã từng có lời bình luận, đánh giá về hoạt động, danh tiếng của Vỹ Hương thi xã này ở đất kinh kỳ như sau: “Từ khi cụ [Ưng Bình] rảnh công chốn lang miếu, về nhà chỉ lấy cúc tùng làm bạn,… nên may mắn hơn người, tâm hồn đã lắm phen gặp gỡ được “Ly Tao Thần Nữ” đến giúp vài vần thơ. Cũng nhờ thế mà một làng đông đúc tao nhân mặc khách đã hai năm nay buộc cụ làm bậc “anh cả” ra đứng chủ trương một “Thi xã” ở Thần kinh, thường thường trăng thanh gió mát cùng nhau hội họp ngâm thơ uống rượu. Lại nhờ cảnh trí của sông Hương núi Ngự giúp cho Thi xã này thêm nhiều thi vị mà ít nơi thành thị khác sánh được”8.
Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị và con gái Tôn Nữ Hỷ Khương đứng trước cổng vòm của Châu Hương Viên năm 1958 |
Châu Hương Viên gồm các công trình chính như cổng ngõ, bình phong, đình bát giác (Lộc Minh đình 鹿鳴亭), nhà chính, nhà phụ, sân vườn và bến thuyền. Đến thăm Châu Hương Viên phải đi qua cổng ngõ theo kiểu vòm, có trang trí các họa tiết hoa văn, búp sen, kim khánh, phía trên đắp nề ba chữ Hán: “Châu Hương Viên 周香園”, hai bên trang trí câu đối:
“Khoái mã trường chu đông tây đắc lộ,
Hầu môn cự thất tả hữu vi lân.
Và một đôi câu đối chữ Nôm:
Ưng đọc thi tiên, thẳng đó một đường lên Vỹ Dạ,
Muốn nghe kinh Phật, cách đây vài cửa đến Ba La”9.
Rất tiếc cổng ngõ này đã bị phá hủy khi mở rộng nâng cấp đường Thuận An vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XX để phục vụ nhu cầu dân sinh. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương cho biết: “Nguyên cái cổng xây bằng vôi, trên 30 năm. Chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ cho mở đường Huế - Thuận An, nên cái cổng xưa với đôi câu đối phải phá đi. Thầy tôi phải trồng hai bên hai bụi tre vàng để thay cửa ngõ”10.
Sau cổng ngõ, nằm phía bên trái là Lộc Minh Đình. Công trình Lộc Minh Đình được xây dựng theo kiểu nhà bát giác, chất liệu bằng gỗ, bên trên lợp ngói liệt, xung quanh dựng nhiều đá theo kiểu hòn non bộ. Đây là không gian lý tưởng để cụ Ưng Bình ngâm vịnh thi ca và tiếp đón, xướng họa với những người bạn tâm giao, nhân tài thơ văn trong Thi xã và để lại nhiều thi phẩm có giá trị cho hậu thế. Nơi đây không bao giờ thiếu vắng những cung đàn điệu hát, hoặc giọng ngâm thơ lẫn với tiếng hò, Ca Huế. Ngoài ra, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị còn dùng để đặt tên cho một tập thơ chữ Hán nổi tiếng: “Lộc Minh Đình thi thảo”.
Bình phong tại Châu Hương Viên |
Bên cạnh Lộc Minh Đình là chiếc bình phong dựng theo kiểu cuốn thư. Bình phong bắt nguồn từ các yếu tố “triều”, “án” trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi xâm nhập vào tư thất của cụ Ưng Bình. Ngoài ra, bình phong còn thực hiện chức năng trang trí mỹ thuật và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc Châu Hương Viên. Bình phong có chiều dài 6,6m, chiều cao 1,4m, trang trí các họa tiết “tứ quý” (mai, lan, cúc, trúc) và đắp nổi hai câu đối chữ Hán bằng nghệ thuật khảm sành sứ.
Ði qua một đoạn là đến ngôi nhà chính làm theo lối kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái, có chiều dài 15,4m, chiều rộng 11,6m, mái lợp ngói liệt, có đắp các chi tiết trang trí bằng vôi vữa chủ đề “mây hóa long”. Bộ khung sườn bằng gỗ với các hàng cột mỗi chiều và những bộ vì kèo, liên ba được chạm trổ tinh xảo, cùng với những bức hoành phi, đối liễn chạm khắc chữ Hán trang hoàng khắp ba gian nhà. Trong cuốn sách Tiếng hát sông Hương có đoạn mô tả về ngôi nhà chính như sau: “Từ cổng vào mấy chục thước, giữa đám cây xanh, ẩn hiện một tòa nhà ngói, không tráng lệ nguy nga, nhưng đầy ý thơ dấu cổ, với sân lát bến xây, tường hoa non bộ; bên trong thì viện sách, hiên đàn, lầu thơ, đài Phật, hoành phi, câu đối, sập gụ, ghế bành”11. Ngoài ra còn có nhà phụ xây theo kiểu Pháp có chiều dài 3,7m, chiều rộng 6,9m làm nơi sinh hoạt thường ngày và bếp lửa. Xung quanh là một khu vườn rộng với nhiều loại cây trái tiêu biểu của xứ Huế.
Vào ngày 4/4/1961, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị qua đời vì tuổi già sức yếu tại Châu Hương Viên, hưởng thượng thọ 85 tuổi, để lại niềm tiếc thương trong lòng giới mộ điệu cả nước. Từ đó, Châu Hương Viên được giao lại cho người con trai trưởng là ông Bửu Bá quản lý và sử dụng. Đến năm 1968, ông Bửu Bá chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống nên Châu Hương Viên được chuyển giao cho bà Tôn Nữ Hỷ Khương quản lý. Tuy nhiên do bà sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh nên không thường xuyên đến Huế chăm sóc Châu Hương Viên.
Ngôi nhà chính tại Châu Hương Viên |
Bức hoành phi đề chữ “Lạc Thiện” từng treo tại Châu Hương Viên |
Trải qua thời gian cũng như những biến cố xã hội, Châu Hương Viên dần rơi vào cảnh hoang phế. Ngôi nhà chính với một phần mái ngói bị đổ sập, các cấu kiện gỗ bị mối mọt, đứng trước nguy cơ bộ khung gỗ nhà rường có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Khu vườn cũng bị các hộ dân sống xung quanh lấn chiếm, mở đường, xây dựng nhà cửa hiện đại nên ngôi nhà rường cổ nằm lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng hiện đại. Từ diện tích rộng hàng ngàn m2, dài từ đường Thuận An (nay là đường Nguyễn Sinh Cung) ra đến bờ sông Hương nhưng nay Châu Hương Viên bị thu hẹp khuôn viên còn khoảng 276,5m2. Các hoành phi, đối liễn... đã từng được trang hoàng tại Châu Hương Viên bị lưu lạc khắp nơi. May mắn tại ngôi nhà của bà Tôn Nữ Hỷ Khương (địa chỉ số 339/10 Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn còn lưu giữ được 1 bức hoành phi sơn son thếp vàng, đề chữ Hán: “Lạc Thiện 樂善”, với dòng lạc khoản: “Bảo Đại ngũ niên hạ 保大五年夏”, nghĩa là mùa Hạ năm Bảo Đại thứ 5 (1930) và cặp câu đối đề chữ Hán có hình dáng hai tàu lá chuối xanh. Bức hoành phi này do các quan viên tại Hà Tĩnh tặng kỷ niệm cụ Ưng Bình khi được triều đình Huế bổ nhiệm giữ chức Tuần vũ Phú Yên vào năm 1930.
Trước cảnh hoang phế, đổ nát của Châu Hương Viên, con cháu hậu duệ cụ Ưng Bình cùng các văn nghệ sỹ xứ Huế luôn mong muốn công trình này sớm được các cơ quan ban ngành tiến hành nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích và quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như ngày xưa. Ước nguyện này đã trở thành hiện thực khi Châu Hương Viên đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng di tích cấp tỉnh (theo Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 26/12/2019). Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa nhằm tôn vinh, khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa của di tích và thể hiện sự tri ân cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Đồng thời cũng là bước đi quan trọng và có tính định hướng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Lưu niệm danh nhân Ưng Bình tại Châu Hương Viên.
Ngày 13/11/2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 118/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên. Đến ngày 1/10/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 2461/QĐ-UBND về phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên. Trên cơ sở các yếu tố nguyên gốc hiện còn, công tác trùng tu, bảo tồn di tích Châu Hương Viên theo hướng thích nghi với công năng mới, nhằm phát huy hiệu quả giá trị di tích trong bối cảnh đương đại. Cụ thể là hạ giải toàn bộ di tích; chống mối mọt toàn bộ khu vực di tích; tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại toàn bộ di tích gốc bao gồm nhà chính, nhà phụ, bình phong. Ngoài ra còn xây dựng khu vệ sinh; cải tạo, chỉnh trang sân vườn mặt trước và khu vực xung quanh khuôn viên cắm mốc di tích; xây dựng hệ thống cấp thoát nước; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, chống sét, thiết bị an ninh… Sau khi di tích Châu Hương Viên được trùng tu, phục hồi sẽ là một dấu ấn quan trọng trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn liền với danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng như trở thành không gian diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật như biểu diễn tuồng, Ca Huế thính phòng… và là địa chỉ sinh hoạt, giao lưu của các câu lạc bộ thơ văn, Ca Huế. Ngoài ra trong thời gian sắp đến cần nghiên cứu xây dựng các tour tuyến du lịch khám phá kiến trúc quý tộc triều Nguyễn theo đường bộ (từ Đập Đá đến cầu Chợ Dinh)12 và đường thủy (sông Hương) để phục vụ du khách.
4. Thay lời kết
Sau khi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị rời chốn quan trường, trở về sống tại Châu Hương Viên tọa lạc bên dòng sông Hương thơ mộng thì nơi đây đã trở thành địa điểm hội ngộ của nhiều văn nghệ sỹ tài hoa ở chốn Thần kinh. Giới nghiên cứu văn hóa Huế đều xem cụ Ưng Bình là một tấm gương về sự cống hiến cho Ca Huế, tuồng và cho nghệ thuật văn chương. Và chắc chắn hầu hết mọi người đều đồng tình với lời nhận định của học giả Phù Giang Phan Thế Roanh về cuộc đời và sự nghiệp của Ưng Bình Thúc Giạ Thị: “Cuộc đời của Tiên sinh là cả một bài thơ diễm lệ, thân thế của Tiên sinh là nơi kết hợp tài ba. Tiên sinh là một bậc thi bá, một đấng vương tôn, một vị trọng thần, một nhà học giả, một nghệ sĩ, một Phật gia; liêm khiết mà phong lưu, cao quý mà khiêm nhường, trong nói năng cử chỉ không hề lộ vẻ công hầu khanh tướng, lá ngọc cành vàng”13.
Vì vậy, thi bá Ưng Bình Thúc Giạ Thị xứng đáng là một trong những danh nhân văn hóa tiêu biểu của vùng đất kinh đô vào cuối thế kỷ XIX - giữa thế kỷ XX. Việc hồi sinh di tích Châu Hương Viên sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế; đồng thời tạo ra không gian bảo vệ, trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan thưởng lãm nơi lưu giữ một phần ký ức Huế xưa.
T.V.D
(TCSH397/03-2022)
_________________________
1. Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1936), Tuồng Lộ Địch, Imp.Tiếng Dân, Huế, tr.1.
2. Souverains et Notabilités d’ Indochine. Editions du Gouvernement Général de l’Indochine (1943), Nhà in Viễn Đông Bác Cổ (I.D.E.O), Hà Nội, tr. 5.
3. Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1972), Tiếng hát sông Hương, Tôn Nữ Hỷ Khương xuất bản, in tại Việt-Liên Ấn Quán, tr. 15.
4. Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1936), Tuồng Lộ Địch, Imp.Tiếng Dân, Huế, tr.3.
5. Tràng An báo (1937), Vận văn, Số 230, ra ngày 18/6/1937, tr. 7.
6. Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1942), Bán buồn mua vui, Nxb. Khánh Quỳnh, Huế, tr.VI.
7. Tôn Nữ Hỷ Khương (2002), “Ưng Bình Thúc Giạ Thị với nhân vật và thi ca xứ Huế”, Tạp chí Sông Hương, Số 160, Huế, tr. 91.
8. Tràng An báo (1937), Mấy câu thi phê bình tuồng Lộ Địch, số 230, ra ngày 18/6/1937, tr. 2.
9. Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1972), Sđd, tr. 13.
10. Tôn Nữ Hỷ Khương (1996), Hồi ức về cha tôi Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 21.
11. Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1972), Sđd, tr. 13.
12.. Tuyến du lịch tham quan các kiến trúc quý tộc triều Nguyễn trên đường Nguyễn Sinh Cung như Biệt thự bác sĩ Ưng Thông - Phủ thờ Kiến Tường công - Nhà thờ Tiểu Thảo Hường Thiết - Tiểu Bồ biệt thự (nhà thờ Thúc Thuyên Ưng Tôn) - Phủ thờ Tuy Lý vương - Phủ thờ Phong Quốc công - Châu Hương Viên.
13. Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1972), Sđd, tr. 35.