Ai ra xứ Huế
Lễ phục cung đình triều Nguyễn và nhân sinh quan về tư tưởng, tín ngưỡng
14:45 | 13/07/2022


NGUYỄN THỊ MINH HUẾ

Lễ phục cung đình triều Nguyễn và nhân sinh quan về tư tưởng, tín ngưỡng
Rồng 5 móng trên áo hoàng bào (Hiện vật gốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh)
Một số kiểu thức bát bửu trên lễ phục cung đình triều Nguyễn

Các đồ án trang trí trên Lễ phục đại triều hoàng hậu triều Nguyễn
(Hiện vật do nghệ nhân Trịnh Bách phục chế)

Lễ phục hoàng thái hậu
(Hiện vật gốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế)

Ngũ sắc Huế trên lễ phục triều Nguyễn (Hình ảnh: Minh Huế)
Vua Đồng Khánh trong lễ phục đại triều (Tư liệu sách Tổng tập, nghìn năm văn hiến Thăng Long)

Lễ phục cung đình triều Nguyễn là một bộ phận của nghệ thuật trang trí cung đình Huế với nhiều đặc điểm nghệ thuật độc đáo. Thông qua những bộ lễ phục còn lại hiện đang được trưng bày trong các bảo tàng nhà nước và tư nhân, những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc trưng dưới triều Nguyễn đã được thể hiện một cách rõ nét, đặc biệt là những đồ án hoa văn họa tiết trang trí đã phản ánh nhiều giá trị nhân sinh quan, tư tưởng tín ngưỡng sâu sắc của một thời đại.

Là nền văn hóa lúa nước lâu đời, nên quan niệm đa tín kính trời, đất, sông, núi, cây lương thực, yêu quý hòa hợp với thiên nhiên, đề cao vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa thể hiện qua các hoa văn họa tiết trên lễ phục cũng là biểu hiện giá trị tinh thần, thế giới quan và văn hóa tâm linh đặc trưng của vua chúa nhà Nguyễn. Yếu tố văn hóa phồn thực truyền thống cũng xuất hiện thông qua hình ảnh như trên là mây trời, dưới là cỏ cây hoa lá sinh trưởng tươi tốt và phong phú. Tác giả Hoàng Anh Tuấn nhận định về vấn đề này: “Tựu chung ý nghĩa của hoa văn trên áo vua đều tượng trưng cho quyền uy của vua và xen lẫn vào đó là ít nhiều ý tưởng phồn thực dân gian” [8.216]. Đây là các đặc điểm đặc trưng về văn hóa tâm linh tiêu biểu của dân tộc ta. Ngoài ra, tư tưởng đề cao ngũ hành trong dân gian và ngôn ngữ màu sắc văn hóa vùng miền với các gam màu: trắng, xanh lục, đỏ, tím, vàng trên lễ phục cung đình là một trong các dấu hiệu mang đặc trưng riêng của dân tộc. Màu sắc trên lễ phục quý bà trong cung không quá rực rỡ, mà phù hợp với bản chất hiền hòa, trang nhã của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là bậc mẫu nghi thiên hạ.

Bên cạnh đó, xuất phát từ mục đích nô dịch và nặng chất tín điều từ thời Bắc thuộc, tư tưởng Nho giáo đã du nhập và có nhiều ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam và trở thành quốc giáo, ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực giáo dục và trở thành nền tảng các thiết chế chính trị, tư tưởng và hệ thống quan niệm đạo đức, bởi: “Các vua đầu triều Nguyễn nhận thức được vai trò quan trọng của Nho giáo trong việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế, nên đã lấy Nho giáo làm quốc giáo” [2.120]. Vì vậy, các họa tiết trang trí trên lễ phục cung đình với những ước vọng lập danh như thanh gươm, thảo sách, tháp viết… trong hệ thống bát bửu; rồng ẩn trong mây; hình ảnh cá chép v.v, hầu hết minh chứng sâu sắc cho những ảnh hưởng rộng khắp của Nho giáo.

Nếu tiếp cận lễ phục cung đình triều Nguyễn dưới lăng kính của triết lý Khổng giáo, hình ảnh rồng đang uy dũng bay lên giữa đám mây ngũ sắc ở trung tâm ngực áo, tam cấp thủy ba chấn giữ gấu áo chính là một trong những biểu hiện tượng trưng trời đất, tức hai quẻ Càn - Khôn theo Kinh Dịch (triết học Nho giáo). Đó chính là bố cục thể hiện vũ trụ quan của tư tưởng nhân sinh mà Kinh Dịch nhắc tới: Hai khí âm dương hóa sinh muôn vật, muôn vật đều bẩm thụ khí của trời và đất mà sinh ra, như nhà sử học Trần Trọng Kim cũng đã khảo cứu: “Đạo trời đất là chủ ở sự sinh vạn vật” [4.74]. Như vậy, quan niệm này của Khổng giáo đã ảnh hưởng và được thể hiện rất sinh động thông qua nghệ thuật trang trí lễ phục cung đình Huế. Hầu như các đồ án trang trí lễ phục vua, hoàng hậu, hoàng thái hậu, hoàng tử, công chúa… đến văn võ bá quan đều có bố cục trên thiên, dưới địa và người khoác lên lễ phục chính là nhân. Điều này thể hiện ước muốn giao hòa giữa thiên - địa - nhân, một quan niệm được các bậc hậu Nho gọi là tam tài.

Trong khi đó, Đạo giáo không đề cập nhiều đến việc giải thích vũ trụ, thế giới và không quan tâm bàn luận đến vấn đề nhập thế, trị quốc như Nho giáo. Lão tử chủ trương “vô vi bất trị”, kẻ thống trị không can thiệp đến đời sống của nhân dân. Ông cho rằng: “Quốc gia cai trị cực kỳ tốt, nhân dân có được sự ăn uống ngon lành, quần áo mặc đẹp đẽ, mới được yên ổn thoải mái, tập tục được sung sướng” [6.219]. Tuy nhiên, khi đã đạt tới cảnh giới của sự giàu sang, phú quý thì cái chết là nỗi ám ảnh của con người từ cổ chí kim. Vì vậy, mong muốn bất tử khiến vua quan Trung Quốc nuôi nhiều đạo sĩ luyện đan, tìm đảo tiên, linh chi, thảo dược quý để kéo dài tuổi thọ, và dần trở thành một đặc điểm chung trong tầng lớp thống trị. Tuy không ảnh hưởng hoàn toàn luồng tư tưởng phản quy luật sinh tử tự nhiên, nhưng khát vọng trường thọ của các vị vua triều Nguyễn cũng là lý do xuất hiện nhiều hình ảnh bát tiên, bát bửu trong nghệ thuật tạo hình, nhất là nghệ thuật trang trí kiến trúc và lễ phục.

Song song cùng Nho giáo và Đạo giáo, Phật giáo cũng đồng thời tồn tại và góp phần hình thành hệ tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”Nho - Đạo - Phật chi phối mọi cơ cấu văn hóa xã hội và nghệ thuật dưới thời Nguyễn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần cho biết: “Triều Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, có ảnh hưởng rất to lớn đối với sự phát triển của văn hóa nước nhà, trong đó có Phật giáo” [7.134]. Việc hướng đến một cảnh giới an lạc, vĩnh hằng sau cuộc sống này là xu hướng tất nhiên con người phải đặt ra trong suốt cuộc đời của mình. Họ dễ dàng tìm thấy chân lý cuộc sống ở Phật giáo với hệ thống triết học, phân tích nỗi khổ, tìm nguyên nhân và tìm lỗi diệt khổ. Từ đó chúng sinh học và làm theo để xây dựng phương pháp tu chứng, hướng về Phật, tu nhân, tích đức với mong ước có cuộc sống tốt đẹp hơn trong kiếp sau, thể hiện bằng các biểu tượng như hệ bát bửu, kiểu thức chữ vạn, bánh xe luân hồi, hoa sen, v.v.

Trên hết, dù bị chi phối bởi bất cứ luồng tư tưởng nào, con người vẫn có một thế giới để đối diện, để đương đầu trước những trắc trở trong cuộc mưu sinh của con người bình thường, con người bản năng, họ đã ước vọng cầu may mắn, phúc lành thông qua hình ảnh 5 con dơi (ngũ phúc) trên lễ phục. Kinh thi chia ra làm 5 loại phúc: giàu (phú), yên lành (khang ninh), thọ (sống lâu), có đức tốt (du hảo đức), hết tuổi trời, nằm xuống một cách yên lành (khảo chung mạng).

Những con số gián tiếp xuất hiện trên trang phục cung đình Huế cũng là biểu hiện mang những tư tưởng tín ngưỡng văn hóa, triết học Á Đông. Đối với Chu Dịch, con số là một trong những phạm trù quan trọng có liên quan tới “tượng”, “văn”“sự nhận thức về số liên quan tới mặt lượng của sự vật” [5.109]. Triều đình nhà Nguyễn đã tiếp biến những ý nghĩa tư tưởng của con số vào nghệ thuật, với khía cạnh con số là lượng sự vật, hoa văn họa tiết trên mỗi đồ án trang trí tạo hình, vì “số” có ý nghĩa thẩm mỹ khi xét nó dưới góc độ liên quan đến “văn” (vẻ đẹp).

Khi khảo sát trên lễ phục, áo hoàng bào nhà vua chỉ có một con rồng gọi là Độc long, số 1 (nhất) - là duy nhất, là số đầu tiên trong hệ số đếm. Trong dòng chảy nghệ thuật hội họa thế giới, “số một là biểu tượng của một người đứng thẳng: con người là sinh vật duy nhất có được khả năng này” [3.598]. Chân rồng trên áo vua có 5 móng hoặc 5 con rồng trên áo hoàng bào vua, áo hoàng thái hậu có Ngũ phụng, tượng trưng cho quy luật: sinh (1) - lão (2) - bệnh (3) - tử (4) - sinh (5). 9 con rồng trên mũ của vua, mũ cửu phụng của hoàng hậu (9 con phượng)… là những con số thường xuất hiện trên lễ phục với những ý nghĩa tâm linh phong phú, được nhà nghiên cứu Phan Thuận An khẳng định: “từ hào “cửu ngũ” trong Kinh Dịch để thể hiện thành những hình ảnh đó” [1.57]. Và cũng là những số “sinh” theo quy luật thước Lỗ Ban (Trung Quốc) đã du nhập vào Việt Nam từ xưa và vẫn tồn tại đến ngày nay.

Chu Dịch còn quan niệm: “Thiên nhất, Địa nhị” [5.111] là trước nói trời đất, sau nói số, số dùng để thay mặt, thuyết minh cho trời đất.

Nam Phương hoàng hậu đội mũ cửu phụng và mặc áo bào thất phụng

Riêng về hình ảnh ngọn lửa trên lễ phục vua cũng mang nhiều ẩn số văn hóa. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã khảo cứu về ý nghĩa của lửa: “Theo Kinh Dịch lửa ứng với phương nam, màu đỏ, mùa hè, trái tim. Mối liên hệ cuối cùng này là không đổi thay, cho dù lửa tượng trưng cho nhiệt huyết (nhất là tình yêu và sự giận dữ), cho dù tượng trưng cho tinh thần (ngọn lửa tinh thần, nó cũng là khí và quẻ li) hay nhận thức trực giác mà sách Gitâ đã nói đến… Ý nghĩa siêu nhiên của lửa trải rộng từ những linh hồn lang thang (ma trơi, đèn lồng Viễn Đông) đến anh linh thánh thần” [3.545]. Đó có thể là một trong những ý nghĩa ngọn lửa được trang trọng thêu trên lễ phục cung đình.

Ra đời trong bối cảnh mà các yếu tố văn hóa khu vực và văn hóa phương Tây đang trên đường giao lưu tìm kiếm định chân, nên việc rập khuôn lại một số quan điểm Nho giáo, ảnh hưởng Phật giáo và tàn dư của Đạo giáo phương Đông, đặc biệt trong lối lễ phục vua là xu hướng khó tránh khỏi của triều Nguyễn. Tuy nhiên, đằng sau đó là sự tích tụ tư tưởng phản kháng hiện diện thường trực, đề cao những giá trị truyền thống dân tộc sâu sắc. Các đồ án trang trí trên lễ phục là khúc biến tấu nét chỉ, đường thêu theo cảm quan thẩm mỹ, xu hướng nghệ thuật phù hợp với nhân sinh quan người Việt Nam đương thời, có nguồn gốc xuất phát từ thiên nhiên, nhưng không phải là sự sao chép một cách máy móc, sáo rỗng, mà là quá trình phản ánh tư tưởng, thế giới nhân sinh quan đặc trưng của dân tộc thông qua những hình ảnh kỳ vĩ, thiêng liêng của vạn vật và vũ trụ.

N.T.M.H
(TCSH45SDB/06-2022)

--------------------------------
Tư liệu tham khảo:

1. Phan Thuận An (2006), Kiến trúc Cố đô Huế, Nxb. Đà Nẵng.
2. Lê Văn Anh, Phạm Hồng Việt (2009) Giáo trình Lịch sử tư tưởng Phương Đông và Việt Nam, Đại học Huế, Huế.
3. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng - Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
4. Trần Trọng Kim (2008), Nho Giáo, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
5. Lưu Cương Kỷ, Phạm Minh Hoa (2002), Chu Dịch và Mỹ học, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
6. Cơ Kỷ Sở (Nguyễn Kim Hanh sưu tầm và biên dịch) (2006), Đạo lý của Lão Tử, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
7. Nguyễn Khắc Thuần (2008), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (tập V), Nxb. Giáo Dục, Hà Nội.
8. Hoàng Anh Tuấn (1992), “Về áo vua triều Nguyễn hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Những vấn đề văn hóa xã hội thời Nguyễn, Nxb. Khoa học xã hội, Tp. Hồ Chí Minh, tr 201 - 219.
*
Công trình này được tài trợ từ đề tài mang mã số: DHFPT/2021/22, Đại học FPT.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng