Ai ra xứ Huế
Huế đang cần một trung tâm sách
09:21 | 18/08/2022


NGUYỄN KHẮC PHÊ

Huế đang cần một trung tâm sách
Ảnh: Thái Lộc - TTO

Một vị khách từ thành phố Hồ Chí Minh ra chia vui với Huế nhân kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng, trong lúc thả bộ dọc đường Lê Lợi gặp tôi đã hỏi:

- Tôi muốn tìm mua một số sách giới thiệu văn hóa Huế và bộ Toàn tập Phan Bội Châu, nhờ anh chỉ dùm...

Tôi lưỡng lự giây lát, rồi cũng phải chỉ cho ông tìm đến các quán sách hai bên đường Lê Lợi. Vị khách khẽ lắc đầu:

- Tôi cũng đã ghé một hai quầy, nhưng nói thật anh đừng giận, nó linh tinh lộn xộn quá... Thế Huế không có hiệu sách nào đàng hoàng hơn à?

Tôi chợt nhớ hiệu sách của Công ty Phát hành sách bên đường Trần Hưng Đạo, nhưng rồi không dám giới thiệu ông qua đó, vì bây giờ so với mươi năm trước, nó đã bị thu nhỏ và "chìm" lẫn giữa dãy phố la liệt đủ thứ hàng hóa màu sắc sặc sỡ.

Từ câu chuyện bất chợt trên đường nầy, hẳn chúng ta đều thấy Huế đang cần có một hiệu sách lớn, một trung tâm bán đủ các loại sách báo, không chỉ phục vụ cho du khách đến Huế ngày một đông và phục vụ cho nhu cầu sách báo ngày một cao của hàng vạn thanh niên học sinh ở Huế, mà đây còn là một điểm sáng, một địa chỉ văn hóa phản ánh bộ mặt tinh thần và trí tuệ của thành phố đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Những năm qua Huế đã xây dựng được nhiều công trình mới, nhưng việc xây dựng một trung tâm sách báo như thế, chưa được sự quan tâm đúng mức. Có thể do hoạt động của Công ty Phát hành sách những năm qua gặp khó khăn và các quầy sách báo "bung ra" dọc một số đường phố chính tạo cảm giác thỏa mãn về loại hàng hóa nầy. Nói cho thật công bằng thì những quầy sách tư nhân nầy rất năng động, nhưng dù sao đó cũng chỉ là những quầy, những sạp manh mún, chật chội, không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Chính một số chủ quầy sách cũng rất muốn mở rộng mặt bằng để có thể giới thiệu được nhiều mặt hàng hơn và họ rất khó thực hiện được vì thiếu vốn và nhất là không có địa điểm thuận lợi.

Chính vì vậy, các cơ quan hữu quan cần có chủ trương về việc xây dựng Trung tâm
sách Huế và dành một địa điểm thuận lợi trên các trục đường chính của thành phố cho công trình này. Đồng chí Giám đốc Công ty sách và thiết bị trường học cho tôi biết: Nếu được giao nhiệm vụ và tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, đơn vị sẵn sàng đứng ra xây dựng Trung tâm sách này.

Tôi tưởng tượng đến một ngày nào đó gặp lại vị khách đi tìm mua sách năm trước, sẽ được chỉ cho ông tới Trung tâm sách vừa khai trương, có thể không đồ sộ bằng cửa hàng sách lớn trên đường Nguyễn Huệ ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng là tòa ngang dãy dọc, đủ để khách hàng đi lại thoải mái tới tận các gian sách trưng bày đẹp mắt theo các đề tài: Sách giới thiệu văn hoá Huế, sách nghiên cứu về triều Nguyễn, sách dành cho Thiếu nhi, sách giáo khoa, sách văn học... Nơi đó có thể là trong khuôn viên Câu lạc bộ Thuận Hóa, cũng có thể là tầng dưới của Trụ sở Hội Nhà báo khi ngôi nhà này được xây dựng lại, hoặc là tầng dưới khách sạn Morin... Mơ tưởng như vậy là viễn vông chăng? Không! Chi cục Thuế chẳng đã xây được trụ sở nguy nga bên đường Lê Lợi đó sao? (Mà cơ quan này, dù xây ở một nơi khác cũng không vì thế mà thất thu!). Nghĩa là nếu được cấp thẩm quyền quan tâm thì nhất định sẽ có chỗ.

Hy vọng là Ủy ban Nhân dân tỉnh TT Huế, Ủy ban nhân dân TP Huế, Sở Văn hóa thông tin.... với tầm nhìn xa rộng, coi trọng văn hóa, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Huế sớm có một Trung tâm sách hiện đại và văn minh.

31.3.1995
N.K.P
(TCSH75/05-1995)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng