Ai ra xứ Huế
Ngự Hà - Sự hồi sinh kỳ diệu
14:21 | 22/02/2023

NGUYÊN QUÂN
            Bút ký dự thi

Bây giờ như đã là một thói quen, cứ mỗi lần có việc phải đi qua một trong năm cái cống bằng gạch cổ bắc qua dòng sông Ngự Hà, tôi cũng dừng lại chụp vài tấm ảnh.

Ngự Hà - Sự hồi sinh kỳ diệu
Sông Ngự Hà xanh trong hôm nay - Ảnh: Tác giả

Áng chừng hình ảnh tôi lấy từ con sông đào nhỏ bé này cũng đã lên vài ba trăm tấm. Cái thú la cà chụp ảnh để “cúng Facebook” đã trở lại thành nghiện ngập, một động thái mua vui không tốn kém gì ngoài thời gian, mà thời gian của một người đã chạm ngạch cổ lai hy thì giàu có vô tận. Tôi đã treo lên tường Face nhà mình khá nhiều ảnh mang chủ đề về một con sông, hai hàng cổ thụ, những ngôi nhà tầng, biệt thự mới toanh đa sắc vươn mọc ven bờ và những con đò thả chài giăng lưới... Những hình ảnh có vẻ đơn điệu chỉ như một thứ nhật ký ghi thoáng mọi hoạt cảnh sinh động vần chuyển sớm, trưa, chiều, tối, bốn mùa mưa nắng trong đục trên bờ dưới nước của con sông mà tôi vẫn quen đề từ giới thiệu là “Sông trước hiên nhà”.

Với mớ hình ảnh này cũng được khá nhiều người tương tác trên không gian mạng xã hội, có nhiều người khen dòng sông êm ả hiền lành, có nhiều góc ăn ảnh và cũng chẳng thiếu người ngỏ ý chê rằng nhìn riết vài góc ảnh bó rọ, trùng lặp đâm chán mắt. Khách quan mà luận thì ý niệm gà què ăn quẩn cối xay của họ dành cho những bức ảnh về một chủ đề “Sông trước hiên nhà” của tôi cũng không có gì quá đáng. Bởi Ngự Hà vốn dĩ là một dòng chảy cực ngắn, nếu chạy xe máy tà tà, thì từ điểm “khởi nguồn” là cống Thủy Quan đến nơi kết thúc là cống Lương Y, chỉ mất vỏn vẹn không đầy mươi, lăm phút đồng hồ. Chính vì những lời bình luận đa chiều của bạn bè tương tác trên mạng xã hội, trong đó rất nhiều người chưa từng đến Huế hoặc đã đôi lần vãng lai xứ sở Thần kinh, một miền đất đã được công nhận di sản vật thể quý hiếm của nhân loại, mệnh danh là Bài Thơ Đô Thị. Nhưng đa số những người từng đến Huế cũng như chưa đến Huế, có chung một tâm sự là chỉ biết, chỉ nghe và đi thăm thú đền đài lăng tẩm, hay lênh đênh sông Hương nghe ca Huế chứ không mấy ai từng được nghe tới cái địa danh sông Ngự Hà. Vì những người bạn tương tác này, nên tôi cũng xin điểm thoáng qua một chút lịch sử của sông và tâm sự của tôi về Ngự Hà, để những ai mới nhìn nó qua mấy cái ảnh tôi chụp, có thể hình dung và cảm thông tại sao tôi đam mê chụp địa danh này.

Ngự Hà là một nhánh sông ngắn, hẹp, chảy vắt ngang kinh thành Huế từ Tây sang Đông. Hai bờ được nối với nhau bằng 5 chiếc cầu bề thế, kiên cố - đó là: Cống Ngự Hà (còn có tên là Khố kiều, dân gian gọi là cống Cầu Kho). Cầu này khởi thủy được xây dựng bằng gỗ và tre đặt tên Thanh Câu (thời Gia Long), đến năm Minh Mạng thứ 1 cho xây lại bằng đá, trên có làm mái che. Cầu Khánh Ninh (sau này dân gian gọi tên là cống Hắc Báo), được xây vào năm Minh Mạng thứ 6. Cầu Vĩnh Lợi, xây dựng kiên cố vào năm Minh Mạng thứ 7, thời Thiệu Trị lại cho làm thêm mái che. Cống Thủy Quan, là thủy khẩu nằm phía tây (đầu nguồn sông) nên còn có tên Tây Thành Thủy Quan. Cầu Lương Y, là thủy khẩu nằm phía đông (cuối dòng sông) còn có tên là Đông Thành Thủy Quan. Theo sử liệu, sông Ngự Hà hình thành sau hai lần khởi công, thời vua Gia Long khi xây dựng kinh thành Huế (1804), một năm sau (1805) nhà vua cho đào từ nhánh Bao Vinh vào đến Võ Khố (khu vực Cầu Kho ngày nay), được đặt tên là Thanh Câu. Đến 1825 (năm Minh Mạng thứ 6) mới được đào tiếp cho đến giáp sông Kẻ Vạn và đổi tên thành Ngự Hà. Thời đó con sông được sử dụng làm đường giao thông thủy,  vận tải hàng hóa,  khí tài quân sự từ ngoại thành vào trong Nội thành, và nhánh sông đào này cũng là một “mạch chính” thủy lợi hoàn chỉnh nối kết  hơn 40 cái hồ trong Thành bằng năm hệ thống cống ngầm rất lớn; cống được xây bằng gạch, mục đích tiêu thoát, thay nước úng đọng toàn bộ ao hồ trong kinh thành qua cống Lương Y chảy theo sông đào Hàng Bè để ra biển vào mùa mưa lũ. Nhờ vậy cứ sau mỗi mùa mưa, là nước ao hồ lại được thay mới, sạch hóa.

 

Ảnh: Tác giả

Lược sử về con sông là vậy,  quá trình  và công năng thủy lộ hình thành hàng trăm năm này cũng chẳng có gì đặc sắc hơn hàng trăm công trình đền đài lăng tẩm sơn son thếp vàng lộng lẫy, tọa vị trên vùng đất Cố đô Huế. Sông Ngự Hà tuy quan trọng là vậy, cũng chẳng được vua Thiệu Trị điểm danh trong “Thần kinh nhị thập cảnh” (Hai mươi cảnh đẹp đất Thần kinh) như những cảnh gần đó là hồ Tịnh Tâm hay chùa Giác Hoàng.

Với tôi, Ngự Hà hiện nay không chỉ đơn giản là một con sông có cảnh quan rất đẹp nhờ vào dòng nước luôn trong xanh và có thiết kế gập khúc đối xứng phối cảnh với độ cong những chiếc cống rêu phong rất trữ tình. Hai bên bờ sông, dưới những tàng long não cổ thụ là thảm cỏ ba lá xanh mướt, bao bọc từng lối đi nhỏ lát gạch nâu. Nhiều khúc đoạn ngay sau khi đã được giải tỏa nhà ở, công ty cây xanh đã nhanh chóng ươm, trồng những loài cây lưu niên mới, mỗi khúc đoạn, mỗi loài hoa, mỗi màu hoa. Cư dân trong những căn nhà khang trang đối diện phía bên kia đường cũng góp công làm đẹp ven bờ bằng nhiều tiểu cảnh, mà chỉ có câu thơ bất hủ của Bà Huyện Thanh Quan trong thi tuyệt phẩm “Qua Đèo Ngang” mới đặc tả được tinh thần của hai bờ Ngự Hà hôm nay, đúng là “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Những thảm hoa cỏ tự phát theo sở thích từng người, tạo nên nhiều góc nhìn bốn mùa đa sắc thích mắt.

Ngự Hà còn mang thêm một ý nghĩa vô cùng đặc biệt với tất cả cư dân Nội thành Huế, đó là sự hồi sinh kỳ diệu của một con sông tưởng chừng như đã vĩnh viễn không còn cơ hội sống sót. Với riêng tôi, sự phục sinh của Ngự Hà còn trả lại cho tôi một thế giới huyền tích, gắn liền với tâm thức tuổi thơ qua nhiều câu chuyện mà ba tôi, mạ tôi và những người hàng xóm lớn tuổi lúc trà dư tửu hậu thường kể về những gì liên quan đến con sông vắt ngang Nội thành Kinh đô Huế. Và dù đa phần những câu chuyện được “người lớn kể” luôn mang nặng màu sắc tâm linh huyền hư, cũng đã sinh sôi nhiều mầm mơ trong trí tưởng non nớt của một đứa bé. Có thể từ mấy câu chuyện nghe kể xa xưa ấy đã khiến tôi bây giờ nhìn Ngự Hà với một ánh mắt mơ mộng thoát ra ngoài cảnh vật thực tế.

Vâng, chỉ là... có thể lúc lang thang cùng sông trong những đêm tràn ngập ánh trăng viên mãn hay trong những mai sớm mùa thu mù sương, tôi sẽ gặp lại được chiếc thuyền Ngự lộng lẫy hoa đèn, réo rắt tiếng đàn tiếng sáo, tiếng ca ngâm của phi tần mỹ nữ áo phượng khăn vành bên những võ, văn quan uy nghiêm chập chờn trên sóng nước thường xuất hiện trong những đêm trăng rằm. Hay sẽ bắt gặp linh hồn của một cô gái tuyệt vọng vì tình yêu môn đăng hộ đối cổ lỗ mà trầm mình trên dòng sông này, để tạo nên một câu chuyện tình bi đát truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác của cư dân sống ven bờ và con ma rà tuyệt tình ấy thường hóa thân thành một nàng thiếu nữ ngồi khóc tỉ tê bên bờ sông,  dụ dỗ những ai đồng cảnh ngộ bước tới gần là nắm tay lôi tuột xuống đáy sông... Nhiều lắm, những huyền thuyết trên một con sông mà khi tôi vừa biết khôn, biết nhìn nhận bằng con mắt trần trụi thì nó chỉ là một lạch nước tù đọng bùn lầy, đen ngòm chứa đầy rác rến. Đeo bám hai bên bờ là những ngôi nhà, mái lều tạm bợ nhếch nhác. Nó trước đây là vậy, thì lấy đâu ra hình ảnh chiếc thuyền rồng của vua chợt hiện trên khói sóng vào những đêm trăng tròn. Lấy đâu ra những bến nước sâu hút, nơi con ma rà dụ người đến gần để dìm chết thế chỗ cho mình đi đầu thai.

Để rồi nỗi sợ hãi con ma rà nhớt nhát thả dài mái tóc óng ả, niềm khát khao nhìn thấy chiếc thuyền Ngự giăng đèn kết hoa lộng lẫy trong từng giấc mơ của tuổi thơ cũng dần dần phai nhạt. Dòng sông đầy câu chuyện kể ấy đã chết, còn lại chăng chỉ là một lạch nước đen đúa rều rác, hệ quả của một thời gian dài chiến loạn và việc quản lý lỏng lẻo, nên hai bờ bị lấn chiếm, san lấp. Rất nhiều người từ thôn quê di tản lên thành phố để tránh mưa bom bão đạn. Do nhu cầu cấp thiết nơi ăn chốn ở cho những nạn dân này, chính quyền thời đó, phải tạm bố trí, cho phép họ được che chắn lều trại dọc hai bên bờ sông. Giai đoạn đầu các cấp chính quyền sở tại vẫn nghiêm cấm việc xây dựng các công trình bền vững kiên cố. Nhưng về sau việc quản lý càng lỏng lẻo, nên những “lều trại tạm thời” ấy dần biến thành những ngôi nhà bề thế bê tông cốt thép và điều tất nhiên là mép sông vô hình trung trở thành nơi đổ rác thuận lợi của đa số cư dân. Chính sự vô tâm đổ rác thải dồn tụ lâu ngày đã khiến Ngự Hà bị thu hẹp dòng và khô kiệt, từ một dòng chảy rộng hơn bốn mươi mét bị biến dạng thành một lạch nước bé nhỏ rộng không quá vài mét, sình lầy đen ngòm, đứt quãng bởi đủ loại rều rác, cỏ dại.

Sau năm 1975, chính quyền cũng nỗ lực nạo vét mong phục dựng diện mạo và công năng sông Ngự Hà. Từ những năm 1992, 1996, 2000 đã thực hiện nạo vét dòng chảy với kinh phí rất lớn, tiếng máy hút bùn, tiếng máy xúc ì ầm ngày này sang ngày khác, năm này qua năm nọ, nhưng cứ hễ nạo vét xong, chỉ vài ba tháng sau thì đâu lại trở về đó, sông cũng đầy rác, tắc dòng. Nguyên nhân chính vẫn là do không giải tỏa được số nhà cửa đeo bám dọc hai bên bờ.

Và rồi cái gì đến nó phải đến, đó là chiến lược đồng loạt giải tỏa toàn bộ nhà cửa, cư dân trên hai bờ. Có thể nói như một giấc mơ tưởng rằng không hề có thực. Mỗi buổi sáng bây giờ tôi theo thói quen chạy bộ dọc theo sông để được hít thở không khí trong lành, để nhìn ngắm thỏa thích thiên hạ. Không chỉ riêng lứa ông già bà lão như tôi, mà đông đen đông đỏ nam thanh nữ tú kéo đoàn tốp năm, tốp ba vừa đi thể dục vừa cười đùa tám chuyện trên trời dưới đất. Dưới sông thì tấp nập thuyền chài giăng câu thả lưới, đa số những ngư dân này ở tận những làng dọc phá Tam Giang, họ mang theo cả gia đình đủ thuyền lớn, đò nhỏ lên đây cắm neo dưới những vòm cống trú mưa trú nắng, đánh bắt năm bữa nửa tháng mới rút về, theo lời họ nói là con sông này, tuy ngắn, hẹp nhưng nước sâu, trong lành và mát nên cá sinh sôi nhiều vô kể, tha hồ đánh bắt.

Phải thừa nhận đây là kết quả quá sức tưởng tượng sau rất nhiều nỗ lực của chính quyền. Từ việc tổ chức đền bù, giải tỏa, di dân. Rồi an sinh định cư được cho hàng trăm hộ gia đình từng bám víu dọc theo hai bờ của sông. Rồi cải tạo, phục dựng cảnh quan, khai thông hai con đường ven hai bờ chạy dài theo sông, nơi đã từng bị nhà cửa chen chúc xâm lấn bịt kín. Thật sự mà nói, đối với những người không phải là dân Thành nội Huế, hay sống kế cận hàng chục năm dài, cũng chẳng mấy ai quan hoài đến chuyện sống chết của một dòng sông nhỏ, thậm chí đến cái tên rất chi là vương đế, cũng chẳng mấy người từng nghe và biết về nó. Không như tôi, xưa từng có một thế giới cổ tích kỳ ảo đầy những mơ mòng mộng mị bởi con thuyền Ngự... Và bây giờ lại trở về với chủ thể sáng tạo cuộc chơi hình ảnh nhàn rỗi của tôi. Với lại nó vốn dĩ xưa nay là con sông trước hiên nhà nên rất gắn bó với môi trường sống, trước đây nó ngắc ngoải sình lầy ứ đọng bốc mùi thì những ngôi nhà gần nó cũng ngợp ngụa ngất ngư, chừ nó trong xanh mỹ lệ thì tôi cũng hưởng dụng đủ thứ “thơm lây”.

Cứ chạy, cứ đi, cứ đạp xe chầm chậm quay quanh một dòng chảy trong xanh thoáng đãng, lác đác vài chiếc thuyền chài chập chờn gõ dầm đuổi cá trong màn sương sớm, tôi nghĩ ai cũng có thể cảm nhận được hết cái sinh thú, thi vị của những ông vua triều Nguyễn khi nhàn du thưởng ngoạn cảnh sắc xanh thơm dịu mát trong những ngày hè nóng nực của Huế... Ngự Hà. Hy vọng trong tương lai, chính quyền sẽ khai thông được toàn bộ dòng chảy Ngự Hà từ sông Kẻ Vạn đến sông Hàng Bè để ngành du lịch của Thừa Thiên Huế có thể thực hiện được tour du lịch bằng thuyền từ Hương giang xuôi Hàng Bè vào Ngự Hà ra Kẻ Vạn để du khách đến Huế có thêm một địa chỉ bềnh bồng thú vị không thua gì được ngồi thuyền vua, tha hồ gõ nhịp Lưu Thủy Hành Vân.

N.Q
(TCSH47SDB/12-2022)

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng