THU HÀ
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 2/1943) xác định phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời là một sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng ban đầu cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới, được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, nhân văn và dân chủ. Đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt với tầm nhìn chiến lược của Ðảng đối với sự phát triển của đất nước ngay từ khi cách mạng còn chưa giành được chính quyền.
Từ những giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam
Khởi nguồn từ Đề cương về văn hóa năm 1943, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Thông qua những giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam, khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập toàn cầu một cách toàn diện.
Ngày 24/11/1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc với sự khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Kể từ thời điểm này cho đến năm 1975, đường lối văn hóa kháng chiến - kiến quốc dần hình thành và hoàn thiện dựa trên nền tảng căn bản mà Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đề ra. Trong công cuộc xây dựng đất nước sau ngày giải phóng, các văn kiện, tài liệu và nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Đề cương về văn hóa năm 1943. Nhờ đó, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ngày càng sáng rõ, tỏa sáng. Văn hóa, văn nghệ đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với vai trò lãnh đạo sự nghiệp văn hóa, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận nhằm thể chế hóa các quan điểm, tạo lập nền tảng và định hướng cho việc xây dựng khuôn khổ chính sách văn hóa ở Việt Nam. Đây là thành quả của tư duy không ngừng tìm tòi, sáng tạo và ngày càng hoàn thiện lý luận về văn hóa trong lịch sử hơn 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nền tảng tinh thần của Đề cương trong 80 năm qua đã được bổ sung và phát triển trong các văn kiện của Đảng: từ việc xác định “văn hóa là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải quan tâm” (Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943), “một trong ba cuộc cách mạng phải tiến hành đồng thời” (Đại hội IV), rồi nâng tầm “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” (Hội nghị Trung ương 5, Khóa VIII), đến khẳng định: “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ cả ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định để bảo đảm cho sự phát triển toàn diện bền vững của đất nước.” (Hội nghị Trung ương 10, Khóa IX) và chỉ rõ: “Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.”(Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011); cụ thể hóa 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nêu trong Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội.
Trong những năm đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội đã và đang quan tâm xây dựng mới, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật, các nghị định, thông tư nhằm điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển, phù hợp với tình hình mới. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Một số chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, bao gồm cả các giá trị truyền thống (yêu nước, nhân ái, đoàn kết...) và các giá trị hiện đại (năng lực sáng tạo, tôn trọng pháp luật...), đã từng bước được thể chế hóa, đưa vào các văn bản pháp luật, quy ước, hương ước làng, xã, quy chế, quy tắc, nội quy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Phẩm chất, năng lực của con người Việt Nam được phát huy, hướng tới phát triển con người toàn diện. Việc chấn hưng nền văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là những minh chứng hùng hồn khẳng định sự nhất quán, sức sống bền vững của đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn đã được Đảng ta vạch ra từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943.
Đến việc vận dụng Đề cương về văn hóa Việt Nam trên địa bàn Thừa Thiên Huế
Trải qua hơn 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, vùng đất văn hóa, lịch sử này mang trong mình nhiều di sản vô giá, tầm vóc thế giới, trở thành “Một điểm đến, 7 di sản”, với nhiều di tích và di sản cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt. Di sản văn hóa Huế là tài sản đặc biệt quý với nhiều giá trị tinh hoa văn hóa qua nhiều giai đoạn lịch sử nối tiếp nhau, kết tinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể qua kiến trúc, âm nhạc, lễ nghi, ẩm thực, ngành nghề thủ công truyền thống,... Người dân Huế lịch thiệp, hiếu học, con người và cộng đồng dân cư luôn có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa. Chính các giá trị đặc sắc trên là nền tảng quan trọng cho sự phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.
Vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong suốt 80 năm qua, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, trong xu thế hội nhập và phát triển, cùng với phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thì vấn đề bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc luôn đóng vai trò nền tảng trong đời sống xã hội của tỉnh. Tỉnh đã cụ thể hóa nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam, các văn bản chỉ đạo của Trung ương qua các kỳ Đại hội Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XVII), Nghị quyết 33-NQ/ TW, Nghị quyết 23-NQ/TW, Kết luận 76-KL/ TW, Chỉ thị 41-CT/TW… để chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện, như: Nghị quyết 23-NQ/TU, ngày 14/4/2015 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 27/3/2009 của Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Kế hoạch số 02-KH/TU, ngày 28/12/2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 76-KL/ TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW. Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, ngày 24/5/2021 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Các giá trị văn hóa của Thừa Thiên Huế đã được bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả: các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được quan tâm ưu tiên trùng tu và phát huy giá trị, đóng vai trò tích cực trong giáo dục truyền thống và phục vụ có hiệu quả các hoạt động du lịch. Quần thể di tích Cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới đã được huy động các nguồn kinh phí tập trung tu bổ, góp phần vào việc giữ gìn văn hóa, di sản, và khai thác phục vụ du lịch. Nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền đã được tổ chức, tập trung hướng về cơ sở, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian, Festival Huế là nơi hội tụ tinh hoa của văn hóa nghệ thuật, đại diện cho các vùng miền Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc ở ba miền Bắc - Trung - Nam và các quốc gia, khu vực trên thế giới, với nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài có chất lượng và đẳng cấp quốc gia, quốc tế tiêu biểu. Nhiều loại hình nghệ thuật sắp đặt, trình diễn nghệ thuật, lễ hội cộng đồng, hội chợ, các cuộc trưng bày và triển lãm mỹ thuật và các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động văn hóa cộng đồng diễn ra sôi động trên địa bàn tỉnh. Festival Nghề truyền thống Huế nhằm tôn vinh và giới thiệu tinh hoa của các nghề và làng nghề truyền thống Huế: đúc đồng; mộc mỹ nghệ điêu khắc; mỹ nghệ kim hoàn; chạm khảm; thêu ren; nón lá; mây tre; đan lát… đã góp phần giữ gìn và tôn tạo những giá trị văn hóa Huế, tạo nên sự gắn kết giữa các nghệ nhân, giữa các làng nghề truyền thống nổi tiếng các vùng miền trên cả nước và quốc tế, khẳng định vị thế của Huế là một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Xác định giá trị văn hóa là nền tảng cốt lõi của mỗi quốc gia, dân tộc; với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế - con người Huế, xứng tầm là Trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về 5 đức tính của con người Việt Nam, và thông qua tổng kết thực tiễn, tỉnh đã cụ thể hóa 5 đức tính là: xây dựng con người Thừa Thiên Huế yêu quê hương, đất nước, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng ỷ lại; xây dựng tác phong làm việc năng động, sáng tạo, đoàn kết, xây dựng lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, thực hiện quy ước văn hóa ở làng, thôn, bản, khu phố, tổ dân phố...; phát huy truyền thống yêu nước, thường xuyên học tập nâng cao dân trí, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái nhằm đưa quê hương phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập. Chú trọng việc bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ, nhân cách làm trọng tâm cốt lõi của phát triển văn hóa. Nhiệm vụ xây dựng con người phát triển toàn diện được đặt trong mối tương quan với các nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng Đảng; xây dựng văn hóa Huế và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, đảm bảo sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, đảm bảo để văn hóa thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển.
Trước tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, song xu thế hòa bình, hợp tác vẫn là chủ đạo. Đất nước ta tiếp tục kiên trì đường lối văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, là nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển đất nước; xây dựng con người Việt Nam với những đức tính tiêu biểu theo tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh đó, Thừa Thiên Huế có nhiều thuận lợi để xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước. Trên tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về văn hóa, nhất là vận dụng có hiệu quả ba nguyên tắc lớn (dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa) trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, Thừa Thiên Huế luôn tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của địa phương gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trong tỉnh, tạo sức sống cho văn hóa, phát huy thế mạnh về tài nguyên văn hóa, xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
T.H
(TCSH48SDB/03-2023)