Ai ra xứ Huế
Phủ Tuy Biên Quận công - địa chỉ văn hóa truyền thống quý giá
15:16 | 23/06/2023

TRẦN VĂN DŨNG

Từ trung tâm thành phố, qua khỏi Đập Đá, theo hướng về biển Thuận An, qua thôn Vỹ Dạ thì đến làng Nam Phổ nằm bên cạnh dòng sông Phổ Lợi thơ mộng.

Phủ Tuy Biên Quận công - địa chỉ văn hóa truyền thống quý giá
Phủ thờ Tuy Biên Quận công

Ngôi làng này được nhiều người biết đến với những vườn cau xanh tốt, trái rất ngon và sai quả qua bài hát ru:

“Ru em, em théc cho muồi,
Để mẹ đi chợ mua vôi têm trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”.

Ngoài trái cau Nam Phổ từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi thì vùng đất phì nhiêu này cũng là nơi được các ông hoàng bà chúa triều Nguyễn lựa chọn để xây dựng phủ đệ cho bản thân mình như Tuy Biên Quận công Miên Sủng (1831-1865), Tân An Quận công Miên Bảo (1835 - 1854), Phù Cát Quận công Miên Thân (1837 - 1875)…

Ngày nay, phủ thờ Tuy Biên Quận công tọa lạc tại số 1 tổ 1 thôn Nam Thượng, phường Phú Thượng, thành phố Huế (Tọa độ: 16,495266; 107,598289). Ngôi phủ thờ này không chỉ có giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn là nơi làm sáng tỏ thêm cho truyền thống huấn đạo trong các gia đình hoàng tộc xứ Huế.

1. Đức ông Tuy Biên Quận công: nổi tiếng học hạnh và lễ nghĩa

Hoàng tử Miên Sủng 綿寵 sinh ngày 26 tháng 2 năm Tân Mão (1831), là con trai thứ 53 của vua Minh Mạng, mẹ là Tiệp dư Nguyễn Thường Thị Viên1. Đức ông là con trai đầu lòng của Đức từ Tiệp dư2. Từ thuở nhỏ ông hoàng Miên Sủng đã có tiếng văn chương học hạnh và làm việc gì cũng biết giữ lễ3. Vì vậy năm Minh Mạng thứ 21 (1840), hoàng tử Miên Sủng được vua cha tấn phong làm Tuy Nhân Quận công 綏仁郡公 khi mới 10 tuổi4, trở thành một trong những vị hoàng tử nhỏ tuổi nhất được phong tước vị Quận công. Điều này cũng cho thấy ông hoàng Tuy Nhân được nhà vua rất yêu quý. Cũng trong năm đó, vua Minh Mạng cho đúc các con thú bằng vàng để ban thưởng cho các hoàng thân, hoàng tử. Đức ông Tuy Nhân Quận công được ban cho một con kỳ lân bằng vàng nặng 4 lạng 1 đồng cân5. Đến niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), nhà vua cải phong cho hoàng đệ Miên Sủng làm Tuy Biên Quận công 綏邊郡公, vì chữ Nhân 仁trùng với thụy hiệu của vua Minh Mạng6.

Ngày 3 tháng 7 năm Ất Sửu, niên hiệu Tự Đức năm thứ 18 (1865), ông hoàng Tuy Biên Quận công lâm trọng bệnh, thuốc thang không thuyên giảm và đã trút hơi thở cuối cùng. Khi hay tin Đức ông Tuy Biên qua đời, vua Tự Đức vô cùng thương xót, ban thụy là Cẩn Mục 謹穆, lệnh cấp ban tiền tuất, vải vóc, gấm lụa, sai quan đến tế. Viên tẩm của Đức ông nguyên táng tại vùng Sơn Điền thuộc làng Dương Xuân Thượng (phường Thủy Xuân). Sau này được con cháu hậu duệ cải táng mộ phần đến đồi Thiên An (xã Thủy Bằng).

Sơ đồ tập phong tước tại phủ Tuy Biên Quận công

Ông hoàng Tuy Biên Quận công và các thế hệ hậu duệ khai mở Phòng 53 thuộc Đệ Nhị chánh hệ và được ngự chế ban bộ chữ Phong 風để đặt tên cho các con cháu trong phòng. Đức ông Tuy Biên có nguyên phối là Đức bà Nguyễn Thị Tình và 3 phủ thiếp: Trương Thị Mẫn, Trương Thị Vị, Lê Thị Thạnh. Sinh hạ được 3 nam, 2 nữ gồm có công tử Hường Phiêu (1851 - 1904), Hường Chiêm (1864 - 1928), Hường Linh (1865 - 1945), công nữ Thị Giáp (1854 - 1915), Thị Lê (1860 - 1862). Năm Tự Đức thứ 22 (1869), con trai trưởng là công tử Hường Phiêu (1851 - 1904) được tập phong làm Kỳ Ngoại hầu. Tiếp nối truyền thống gia phong dòng tộc, con cháu của Kỳ Ngoại hầu Hường Phiêu có nhiều người làm quan trong triều như Thái thường tự khanh Ưng Lương (1885 - 1950), từng giữ chức Phó sứ lăng Triệu Tường, Chánh sứ Thế Miếu và Thái Miếu; Hàn lâm viện Biên tu Ưng Thùy (1888 - 1925); Kiểm tịch Ưng Phất (1889 - 1938)… Đặc biệt, Thái thường tự khanh Ưng Lương có bà kế thất Lê Thị Cam (1900 - 1967) người làng Hương Cần, con gái của Tiền quân Đô thống Lê Văn Bá (1867 -1941) - một vị quan đại thần dưới triều vua Khải Định. Ông chính là người được vua Khải Định tín nhiệm giao nhiệm vụ chỉ huy công trường xây dựng Ứng Lăng. Lăng vua Khải Định được đánh giá là công trình kiến trúc mang vẻ đẹp độc đáo bởi sự kết hợp tinh tế của kiến trúc Đông - Tây, đồng thời là một kiệt tác về nghệ thuật khảm sành sứ cung đình Huế.

2. Phủ Tuy Biên Quận công: nơi lưu giữ truyền thống gia phong lễ giáo

Sau khi Đức ông Tuy Biên Quận công qua đời, phủ đệ được chuyển đổi chức năng thành phủ thờ. Mệ7 Công Tằng Tôn Nữ Thị Bạch Yến8 cho biết nguyên xưa phủ thờ Tuy Biên có kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái, mái lợp ngói liệt, với khuôn viên diện tích 4 sào 7 thước 6 tấc. Khoảng thập niên 30 của thế kỷ XX, Thái thường tự khanh Ưng Lương đã xây dựng lại phủ thờ gồm 1 nhà chính và 1 nhà ngang mang dấu ấn phong cách kiến trúc Đông - Tây hài hòa. Hơn 50 năm sau, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, nhiều hạng mục tại phủ thờ Tuy Biên Quận công đã xuống cấp, hư hỏng. Trước thực trạng đó, vào năm 1971, Phòng trưởng kiêm Chủ tự Bửu Bang9 đã đứng ra vận động toàn thể phủ - phòng Tuy Biên Quận công đóng góp công sức và tiền bạc để trùng tu, tôn tạo phủ thờ cho thêm phần khang trang nhưng vẫn đảm bảo gìn giữ các yếu tố văn hóa kiến trúc truyền thống. Bên cạnh việc chủ trì, giám sát việc trùng tu phủ thờ một cách chu toàn, mệ Bửu Bang còn phác họa “Cây gia tộc” và biên soạn bản “Nội quy phòng Tuy Biên Quận công” để góp phần gìn giữ, vun bồi nề nếp gia phong lễ giáo và đoàn kết con cháu trong dòng tộc vì kế mưu sinh đã phân tán tứ phương.

Cây gia tộc do mệ Bửu Bang vẽ năm 1958
Bản nội quy phòng Tuy Biên Quận công biên soạn năm 1971


Sau khi đọc xong nội dung cuốn “Nội quy phòng Tuy Biên Quận công”, mệ Bửu Oai - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc đã viết lại dòng cảm tưởng như sau: “Trong số 130 phủ - phòng, tôi được hân hạnh đến thăm viếng, dự lễ và tìm hiểu, có thể có ước chừng 50 phủ - phòng còn giữ lề lối cũ, thờ phụng tôn nghiêm, tổ chức nội phòng chu đáo. Một trong số 50 phòng này, có phòng Tuy Biên Quận công (Đệ Nhị chánh hệ) do ông Bửu Bang làm phòng trưởng. Ông Bửu Bang, một người đứng tuổi, lịch duyệt, hoàn toàn thành công đối với các vấn đề thế sự, và cũng thành nhân đầy đủ hai chữ trung, hiếu, đối với tổ tiên. Trong cuộc mưu sinh đầy cam go, phức tạp, ông đã mất nhiều thì giờ cho các nghiệp vụ thương trường, nhưng không phải vì vậy mà ông không dành những tháng ngày để nghĩ đến việc tổ chức lại một cách rất quy mô cho phủ phòng của ông.” Nghị sĩ Tôn Thất Đính10, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc, một hôm nhận được Cây truyền hệ do ông phòng trưởng Tuy Biên gửi biếu hội đồng đã có ý kiến như sau: “Ông Bửu Bang là một tôn tộc đáng làm gương cho các tôn tộc khác và nếu chư phủ - phòng có sự tổ chức nội phòng như phòng Tuy Biên Quận công, thật là một điều đáng vui mừng”11.

Hiện nay, phủ thờ Tuy Biên Quận công được con cháu trong gia tộc gìn giữ và bảo quản khá tốt. Khuôn viên phủ thờ có hình chữ nhật, với diện tích 2.084m2. Mặt bằng khu đất đã được quy hoạch và xây dựng theo những nguyên tắc kiến trúc truyền thống của phương Đông. Với một bố cục chỉn chu, các công trình kiến trúc tuy không nhiều nhưng đều được sắp xếp một cách có quy chuẩn. Lối đi từ cổng vào phủ thờ được viền bằng 2 hàng cau ở hai bên, mang lại ấn tượng trang nghiêm và thanh tĩnh. Trước sân phủ thờ là bể cạn và bình phong xây bằng gạch có kiến trúc thanh thoát, nhẹ nhàng, ở giữa có hình chữ “thọ”, hai bên có hai chữ “song hỷ”. Tấm bình phong vừa biểu thị cho những yếu tố của thuật phong thủy trong kiến trúc, vừa làm gia tăng các giá trị thẩm mỹ của tổng thể công trình. Khắp trong vườn phủ, các thế hệ con cháu của ông hoàng Tuy Biên Quận công đã cho trồng hàng chục loại cây lưu niên và loài hoa quý, thay nhau đơm hoa kết trái quanh năm.

Mệ Công Tằng Tôn Nữ Thị Bạch Yến đứng trước gian thờ đức ông Tuy Biên Quận công


Ở giữa khu vườn là kiến trúc phủ thờ Tuy Biên Quận công thể hiện sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp. Nếu như bên trong nội thất chánh đường với nguyên tắc bài trí “tiền Phật hậu linh” (thờ Phật phía trước, thờ tổ tiên phía sau) vẫn giữ cốt cách bản sắc văn hóa Huế, thì bên ngoài lại mang hơi hướng phương Tây với không gian tiền đường được thiết kế theo mô tuýp Roman, đặc trưng với các đầu cột, chạm nổi hoa văn và sàn nhà lát gạch Pháp. Mái phủ thờ lợp ngói liệt và trang trí biểu tượng “lưỡng long triều nhật”.

Không gian nội thất chánh đường của phủ thờ tương ứng với ba căn chủ yếu dành cho việc thờ phụng và thực hành các nghi lễ tế tự. Gian giữa thờ Đức ông Tuy Biên Quận công, Đức từ Tiệp dư Nguyễn Thường Thị Viên và các bà phủ thiếp, gian bên phải (hướng nhìn vào) thờ Kỳ Ngoại hầu Hường Phiêu, Tứ phẩm cung nhân Trần Thị Vung và Thái thường tự khanh Ưng Lương, gian bên trái thờ các thế hệ con cháu hậu duệ đã khuất của phủ Tuy Biên Quận công. Ba gian nhà có treo 3 bức hoành phi, trong đó gian chánh giữa treo bức hoành phi quan trọng nhất của phủ thờ, đề 5 chữ Hán đại tự: “Tuy Biên Quận Công từ 綏邊 郡公祠” (Phủ thờ Tuy Biên Quận công), lạc khoản ghi: “Kim chi đĩnh tú; Ngọc diệp tăng huy 金枝挺秀玉葉增輝” (Cành vàng sinh vẻ đẹp; Lá ngọc thêm rực rỡ); gian hữu treo bức “Huyên giai ban thái 萱 階斑彩” (Thềm huyên rực rỡ), lạc khoản ghi: “Bảo Đại Quý Dậu tiết thuộc mạnh thu; Đồng tôn tương tế phổ đồng thư hạ 保大癸酉節屬 孟秋;同尊相濟譜同書 賀(Tiết thuộc tháng 7 niên hiệu Bảo Đại năm Quý Dậu [1933]; Đồng tôn tương tế phổ12 cùng viết tặng); gian tả treo bức “Vụ diệu huy hoàng 婺曜輝煌” (Sao Vụ Nữ huy hoàng), lạc khoản ghi: (Bảo Đại Quý Dậu tiết thuộc mạnh thu; Thừa Thiên phủ quan viên đồng trang hạ 保大癸酉節屬孟秋; 承天府官員仝莊賀(Tiết thuộc tháng 7 niên hiệu Bảo Đại năm Quý Dậu [1933]; Quan viên phủ Thừa Thiên cùng kính tặng). Đặc điểm của 3 bức hoành phi này có phần thân chính sơn màu đen hoặc đỏ. Đây là nơi chạm nổi nhóm văn tự được thếp vàng. Chung quanh nền đen/ đỏ hình cuốn thư là một đường viền rộng chạy gấp khúc nhưng liên tục. Nền của đường viền sơn son nhưng những hình ảnh trang trí nổi trên đó lại được thếp vàng, bao gồm các đề tài tứ linh (long - lân - quy - phụng) và biểu tượng “lưỡng long triều nhật”, “kỳ lân hý cầu”.

Bức hoành phi đề “Tuy Biên Quận công từ”


Phía dưới hàng cột gian giữa có treo câu đối chữ Hán do gia đình thông gia là Tiền quân Đô thống Lê Văn Bá đề tặng mừng thọ bà Trần Thị Vung13, chánh thất của Kỳ Ngoại hầu Hường Phiêu trong dịp tròn 80 tuổi vào năm 1933. Lạc khoản bên phải ghi “Bảo Đại Quý Dậu mạnh thu 保大癸酉孟秋” (Tháng 7 niên hiệu Bảo Đại năm Quý Dậu [1933]); lạc khoản bên trái ghi: “Hôn nghị Tiền quân Đô thống phủ Đô thống Chưởng phủ sự Thống quản thị vệ đại thần trí sự Lê Văn Bá thư hạ 婚誼前軍都統府都統掌府事統管侍衛大臣致事黎文栢書 賀” (Thông gia Tiền quân Đô thống phủ Đô thống Chưởng phủ sự Thống quản thị vệ đại thần trí sự Lê Văn Bá viết tặng). Nội dung như sau:

四德揚徽尊牖合賡蘋澡韻
八旬晋壽班庭喜看玉芝香

Phiên âm:

Tứ đức dương huy, tôn dũ hợp canh tần tảo vận;
Bát tuần tấn thọ, ban đình hỉ khán ngọc chi hương.

Dịch nghĩa:

Tứ đức khen hay, nối tiếp nếp nhà tảo tần phong nhã;
Lên tám mươi tuổi, mặc áo gấm vui ngắm hương ngọc chi.

Nội thất phủ thờ Tuy Biên Quận công


Ngay trên cửa chính để đi vào chánh đường, mặt hướng vào phía nội thất còn treo bức hoành phi do vua Bảo Đại ban tặng cho bà Trần Thị Vung nhân dịp tròn 90 tuổi vào năm 1944. Trên nền màu sơn son, tất cả các chữ đều thếp vàng. Chung quanh hoành phi được viền bằng một khung chạm nổi, trên đó trang trí đề tài chữ vạn, hình tượng chim phượng hoàng và biểu tượng “lưỡng long triều nhật” một cách công phu và tinh xảo. Lòng bức hoành đề các chữ Hán:

敕賜壽考維祺

保大拾玖年玖月初玖日承天府富榮縣楊弩總南浦社南甲四品恭人陳

氏坟年登九十壽甲寅年柒月九日刻生禮工部大臣膺蔚恭錄

Phiên âm:

Sắc tứ - Thọ khảo duy kỳ

Bảo Đại thập cửu niên cửu nguyệt sơ cửu nhật. Thừa Thiên phủ, Phú Vang huyện, Dương Nỗ tổng, Nam Phổ xã, Nam giáp, tứ phẩm cung nhân Trần Thị Vung, niên đăng cửu thập thọ, Giáp Dần niên thất nguyệt cửu nhật khắc sinh. Lễ Công bộ đại thần Ưng Úy cung lục.

Dịch nghĩa:

Sắc ban - Trường thọ an vui

Ngày 9 tháng 9 niên hiệu Bảo Đại năm thứ 19 (1944). Tứ phẩm cung nhân Trần Thị Vung ở Giáp Nam, làng Nam Phổ, tổng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên, thọ 90 tuổi, sinh ngày mùng 9 tháng 7 năm Giáp Dần (1854). Đại thần Ưng Úy14 thuộc Bộ Lễ, Công cung kính sao chép.

Bức hoành phi đề “Sắc tứ - Thọ khảo duy kỳ”


Ngày nay, con cháu của gia tộc Tuy Biên Quận công vẫn thường kể cho nhau nghe câu chuyện lúc sinh thời, dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà Trần Thị Vung vẫn là một người sống nguyên tắc, rất nghiêm khắc, dạy dỗ con cháu trong phủ Tuy Biên có khuôn phép, tôn ti trật tự rất rõ ràng và gìn giữ nề nếp gia phong hoàng tộc trước những biến động của thời cuộc.

Hàng năm, các lễ tiết quan trọng diễn ra tại phủ thờ Tuy Biên Quận công gồm có lễ mùa xuân vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch - lễ Thanh minh, ngày mồng 7 tháng 2 âm lịch - lễ hiệp tế (cúng đồ mặn) và lễ mùa thu vào ngày mồng 3 tháng 7 âm lịch - lễ hiệp tế (cúng đồ chay). Những ngày này, con cháu trong phủ tề tựu cùng nhau đi thăm, quét dọn mồ mả tổ tiên và chuẩn bị mâm cơm tươm tất để dâng lễ lên tổ tiên tại phủ thờ Tuy Biên. Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn, là dịp để con cháu trong dòng tộc tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất trong phủ - phòng.

Trải qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử, phủ Tuy Biên Quận công vẫn được các thế hệ hậu duệ bảo tồn, giữ gìn khá nguyên vẹn giá trị. Trong tâm thức của toàn thể gia tộc, phủ thờ Tuy Biên là nơi hướng về cội nguồn và phụng thờ công đức ông bà tổ tiên. Từ đó, các con cháu hậu duệ của phòng Tuy Biên Quận công luôn noi gương tiên tổ, gìn giữ và vun bồi truyền thống gia phong lễ giáo, sống hết lòng vì mọi người. Đó cũng chính là một nét riêng có về gia giáo Huế cổ truyền trong dòng chảy văn hóa lịch sử dân tộc.

T.V.D
(TCSH411/05-2023)

---------------------------

1 Đức từ Nguyễn Thường Thị Viên (1812 - 1837) là con gái của Đô thống, tặng Thiếu bảo Quận công Nguyễn Thường Khiêm.
2 Hoàng tử Miên Sủng có 4 em cùng mẹ: Duy Xuyên Quận công Miên Tiệp (1832 - 1871), Phú Hậu Công chúa Phương Trinh (1834 - 1886), Mỹ Thuận Công chúa Nhàn Tuệ (1835 - 1863) và Lâm Thạch Công chúa Hòa Trinh (1836 - 1869).
3 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 165.
4 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 5, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 694.
5 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 5, Sđd, tr. 695.
6 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 6, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 380.
7 “Mệ” là từ dùng để chỉ những người thuộc hoàng tộc triều Nguyễn, không kể già hoặc trẻ, nam hay nữ, cư trú trong các phủ đệ ở Huế.
8 Mệ Công Tằng Tôn Nữ Thị Bạch Yến (sinh năm 1935) là con gái của Thái thường tự khanh Ưng Lương và bà Lê Thị Cam, là cháu ngoại của Tiền quân Đô thống Lê Văn Bá. Hiện nay, mệ đang quản lý và chăm lo hương khói cho phủ thờ. Mặc dù đã ở độ tuổi 88 nhưng mệ Bạch Yến rất minh mẫn và am tường về lịch sử phòng Tuy Biên Quận công.
9 Mệ Bửu Bang (1915-2006) là con trai Thái thường tự khanh Ưng Lương, cháu nội của Kỳ Ngoại hầu Hường Phiêu. Lúc trưởng thành, ông dấn thân vào con đường thực nghiệp làm giàu. Ông Bửu Bang là người sáng lập và làm Giám đốc hãng Rồng Vàng (tại số 105 Trần Hưng Đạo, Huế) nổi tiếng trên thương trường một thời ở Huế. Ngoài ra, ông còn có tài năng về hội họa, những tranh chân dung thờ trong phủ Tuy Biên đều do ông Bửu Bang tự vẽ.
10 Nghị sĩ Tôn Thất Đính (1926 - 2013) thuộc Phòng 10, Hệ 9 Tiền biên (các con của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát).
11 Phòng Tuy Biên Quận công (1971), Nội quy Phòng Tuy Biên quận công, Huế, tr.2.
12 Đồng tôn tương tế phổ là một tổ chức thuộc hoàng tộc triều Nguyễn. Phổ được thành lập vào năm 1926 nhằm đoàn kết và chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho những người hoàng phái, tôn thất.
13 Bà Trần Thị Vung (1854 - 1945) là mẹ của Thái thường tự khanh Ưng Lương.
14 Ưng Úy (1889 - 1970) là một hoàng thân thuộc phủ Tuy Lý Vương. Năm 1942, vua Bảo Đại cho ông nắm giữ chức Thượng thư bộ Công và Nghi lễ.

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng