TRẦN THÙY MAI
Các bạn gái Huế khi tiếp xúc với người từ địa phương khác vẫn thường được khen: giọng Huế dễ thương quá.
Được nghe vậy ai chẳng thích, nhưng thành thật mà nói, giọng Huế chỉ có ưu thế khi thủ thỉ ở cự ly gần. Còn khi nói trước đám đông thì không thuận lợi mấy, dù là nay đã có sự hỗ trợ của các loại micro tối tân.
Bằng chứng là đa số người Huế khi vào sống trong Nam đều phải đổi giọng hoặc ít, hoặc nhiều. Không phải là không yêu không quý giọng nói của mình, nhưng chức năng chính của ngôn ngữ là giao tiếp. Mỗi lần nói gì phải nhắc lui nhắc tới người ta mới hiểu, thì quả là bất tiện. Cho nên, chí ít cũng phải “chuyển ngữ” một số từ địa phương, mà ta thường gọi là những “tiếng Huế chay”: mô, ri, tê, răng, rứa. Sau khi chuyển ra: đâu, này, kia, nào… thì tiếng Huế đã biến thành một thứ “tiếng Huế phổ thông”, có thể dùng ở miền Bắc, nhưng vào Nam đi chợ thì ngay tiếng Huế phổ thông vẫn còn khó khăn, muốn nhanh gọn lẹ thì hay hơn hết là đổi luôn cả thanh âm.
Rất nhiều khi, tôi vào chợ Bến Thành, đang xổ giọng Nam ra để hỏi mua vài thứ, thì chị bán hàng vừa nghe được cái âm lơ lớ trong giọng tôi, chị liền đổi giọng từ giọng Nam ra giọng “Huế chay”. Thì ra chị là người Huế, vào Nam lập nghiệp từ năm 1968. Khỏi nói, hai bên cùng xổ giọng Huế “gin” ra, cả hai đều thấy sung sướng vô cùng. “Thiên lý tha hương ngộ cố tri” mà lị!
Sau này, khi qua sống ở Mỹ, nhiều lần đi siêu thị tôi cũng gặp chuyện tương tự. Thấy anh thu ngân tóc đen tôi cứ nghĩ là người Tàu hay Phi gì đó, nhưng anh vừa nhìn tên trên thẻ liền phát ra tiếng Việt, hai bên đều vui như Tết. Anh ta bày cho tôi những cách để làm thẻ ưu đãi, ôi mừng quá, đồng hương thật là tử tế quá chừng.
Trở lại với tiếng Huế! Với đà phát triển của đất nước, người các vùng miền đi lại, giao lưu, làm việc buôn bán… càng lúc càng tăng. Những phương ngữ của Huế, thứ tạo thành “tiếng Huế chay” thân thương, thứ tạo ra cảm giác quê nhà mỗi lần về thăm lại, càng lúc càng bị chuyển ra tiếng phổ thông, một số đã dần bị quên lãng. Mấy hôm trước, đọc bài tôi viết, một cô bé Huế hỏi: “Chữ “the thía” nghĩa là gì hả cô?”. Tôi ngạc nhiên, vì cứ tưởng người Huế ai cũng biết từ đó. Thời tôi còn thường xuyên đi chợ Đông Ba, nếu buổi sáng tôi ra mua cái gì, các bà bán hàng thường vừa cầm tiền vừa xuýt xoa: “The thía, lành vía tốt tiền, người hiền tiền tốt.” Để giảng nghĩa tiếng này, thật là khó, chỉ biết rằng, nó gợi lên trong ta một cảm giác gì như là “gừng cay muối mặn”, bởi vì the cũng là cay, nhưng là cái cay nhè nhẹ đủ hít hà đầu lưỡi, đủ thấm thía như cái tình người bán với người mua, được tỏ bày qua một lời cảm ơn đồng thời là lời chúc sớm mai.
Hai chữ “the thía” đã bị quên rồi, chắc rất nhiều từ “Huế chay” cũng đã phai mờ trong ngôn ngữ thường ngày ở Huế. Có chăng là còn trong ca dao tục ngữ.
Ngày trước khi mới bắt đầu công tác tại trường Đại học Sư phạm, tôi được giao công việc sưu tầm văn học dân gian. Mỗi mùa hè đi với sinh viên về miền quê, tôi gom góp được rất nhiều câu hò điệu hát. Phải nói dân ca Huế là một kho tàng đầy “tiếng Huế chay”, mô tê ri răng rứa mà nghe rất dễ thương, không quê mùa một chút nào:
Anh xa em ra chưa đầy một tháng,
Nước mắt lai láng hai mươi tám đêm ngày
Biết răng chừ cho nước ráo lòng mây
Nước sông Dinh bớt chảy, duyên nớ với nợ này mới thôi thương.
“Nước sông Dinh” tức là nước sông Hương. Với người hồi xưa, Dinh tức là Huế, kinh đô. Gần Huế có Truồi, là nơi có sông nước xóm làng trù phú, có dâu ngọt, nước trong. Cho nên con gái Truồi nổi tiếng đẹp: “Gái Truồi làm bạn với trai Dinh/ Giả như Phu Văn Lâu sánh với núi Ngự Bình có xứng không?”
“Tiếng Huế chay” trong nhiều câu hò Huế sẽ làm các bạn trẻ “nổ não” không hiểu “nàng” nói gì với “chàng”?
Chờ anh bơ tuổi em cao/ Bơ duyên em lạt, bơ má đào em hư?
Ý cô gái còn ngần ngừ, chưa muốn gắn bó với chàng trai, có lẽ vì chàng ta không đem lại đủ yếu tố cho nàng tin tưởng. Cái tiếng “bơ” ở đây thiệt là khó chú thích, chú thích sao cũng không thể diễn tả hết cái dễ thương trong ngữ điệu mà chỉ người “Huế chay” mới cảm thấy được!
Để được thiếu nữ đặt lòng tin mà chờ đợi, thì phải làm sao? Yêu cầu của nàng rất giản dị:
Anh ăn ở làm răng cho đằm đẹ như rơm/ Đừng ở lờm xờm như muối lâu năm!
Ai ở nông thôn và đã từng nằm ổ rơm rồi mới biết rơm nó ấm và “đằm đẹ” như thế nào. Còn muối lâu năm, các bạn cứ lấy muối sống và cất trong hũ vài ba năm, lấy ra sẽ được một thứ thuốc dùng để trị thương rất tốt. Nhưng hình thù nó lởm chởm, gai góc hết sức, nếu chàng trai mà có ứng xử gai góc lởm chởm như vậy, thì không ai tin tưởng là phải rồi.
Khi tìm hiểu thì thận trọng, dè dặt như vậy, nhưng khi đã thương nhau, cô gái Huế tỏ ra có thừa can đảm:
- Thầy mẹ đánh em trăm roi vô một chỗ, ngàn roi cũng vô một chỗ
Máu đổ tràn lan
Em đây lẳng lặng lấy muối bóp tan
Theo nhau cho trọn đạo cả thế gian chê cười
- Thiếp nguyện với chàng có cơm ăn cơm, không có cơm ăn cháo
Có áo bận áo, không có áo thì bận da
Ở làm răng cho trên thuận dưới hòa
Như Phạm Công thuở trước với Cúc Hoa trọn niềm
Những câu hò Huế, gắn liền với kỷ niệm về những vùng quê thân thương mà tôi đã đi qua: Dạ Lê, Thanh Toàn, Vân Thê, Phù Lai, Bác Vọng… mãi là kho từ điển “tiếng Huế chay” mà mỗi lần đọc lại, nghe lại, càng nhớ như in lời ăn tiếng nói ở nơi thân thương nhất của mình.
Bởi vậy, đi đâu làm gì, lâu lâu mình cũng phải về quê hương, để nghe và nói “tiếng Huế chay” của mình!
T.T.M
(TCSH412/06-2023)