Ai ra xứ Huế
Màu sắc địa phương trong tờ tạp chí địa phương
15:33 | 14/07/2023

NGUYỄN QUANG HÀ

Mỗi lăng tẩm, đền đài, đình các, cung điện, chùa chiền... đều góp phần làm đẹp cho Hương Giang. Tạp chí Sông Hương cũng đã góp một chút gì đó cho Huế.

Màu sắc địa phương trong tờ tạp chí địa phương
Ảnh: tư liệu

Tôi không làm phép so sánh để tôn tạp chí Sông Hương lên. Nhưng sự thật Sông Hương đã là một nét Huế, đã có một cái gì đó thật gần gũi với từng nhà. Việt kiều từ chân trời xa về thăm Huế đều tìm Sông Hương như một chút quà quê hương.

Thấm thoát, vừa ngày nào đó, giống như con chim bóc vỏ, ngơ ngác nhìn cái tổ đơn sơ của mình, Tạp chí Sông Hương cũng đã được hoài thai như thế trong một con buồng hẹp 12 mét vuông, vậy mà đã 15 năm trời.

Đúng tháng 9 năm 1998 Sông Hương đã ra được 115 số. Nếu đặt 115 số ấy chồng lên nhau, đóng lại, ta sẽ được một quyển sách khổng lồ, dày tới 11.500 trang, tôi đã lấy thước đo thử, 11.500 trang cao tới 70 phân. Cao ngang một đứa trẻ 4, 5 tuổi. Với đời có được một câu văn đã quý. Ở một tạp chí địa phương, nối tiếp nhau 11.500 cánh trắng tung bay. Đó là một bầy chim vỗ cánh báo tin vui.

Tôi nhớ những số đầu tiên ra đời, được bạn bè trong nam ngoài bắc đón chào, những ngày đó căn buồng 12 mét vuông chật ních tiếng cười. Một quyết tâm mới được nhen lửa bằng những tiếng cười ấy: quyết tâm làm cho tạp chí Sông Hương trở thành một nét văn hóa của Huế.

Đã đành báo chí trong cả nước lúc ấy đang đếm trên đầu ngón tay. Cố đô Huế, Kinh đô của một vương triều cuối cùng được cả nước vọng về. Thơ Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Minh Mạng, Thiệu Trị, Miên Thẩm, rồi sau này của Xuân Diệu, Huy Cận, Võ Liêm Sơn, Nam Trân, Tố Hữu cất lên từ đất Huế này, được suốt Bắc Trung Nam mến yêu. Sông Hương bây giờ cũng được hưởng hương thơm, mỗi ngày được mến mộ dần. Quyển sách dày 70 phân mang tên đề Tạp chí Sông Hương đủ không phụ lòng mến yêu ấy.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhận chức Tổng biên tập đầu tiên, được coi là người sáng lập, đặt viên gạch đầu, nơi khởi thủy của một dòng chảy mới về văn học của một vùng đất đầy truyền thống. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã làm cho Sông Hương sáng láng lên. Ngày Kỷ niệm 5 năm Sông Hương như một ngày hội của những người làm văn học ở Huế. Hội những người yêu Huế ở Paris phát hành Sông Hương. Hội nhà văn Bi-ê-lô-rút-xi-a kết nghĩa với Hội văn nghệ Bình Trị Thiên. Chi hội nhà văn Việt Nam ở Huế được thành lập. Ngày vui nối ngày vui tưng bừng.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê, dù chỉ làm 4 số Sông Hương đã có một đóng góp đáng kể. Anh đã đưa Sông Hương từ hai tháng một kỳ lên một tháng một kỳ. Cải cách bìa chữ thành bìa hình. Vòng quay Sông Hương nhanh hơn. Đến tay bạn bè nhanh hơn. Khối lượng bài vở được sử dụng tăng gấp hai, tạo được một cái đà mới cho Sông Hương đi tới.

Đến nhà văn Hồng Nhu, anh đã nhanh chóng ổn định tạp chí Sông Hương cho nó hòa nhập được vào cơ chế thị trường. Ở giai đoạn mới này, đó là điều cần thiết. Sông Hương chảy một dòng chảy bình yên giữa hai bờ xôn xao không khí đổi mới.

Lắm lúc tôi tự hỏi: Cái gì đã làm cho Sông Hương có được cái tư thế ấy? Ngẫm đi nghĩ lại, câu trả lời tìm được thật dễ dàng. Ấy là Sông Hương đã tìm được thật chính xác cho mình cái “Màu sắc địa phương trong một tờ tạp chí địa phương”.

Điều đó lý giải được vì sao quần chúng hân hoan chào đón bài hát “Huyền Thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn, “Áo trắng” của Hoàng Sông Hương, “Dòng sông ai đã đặt tên” của Trần Hữu Pháp. Các bài hát này đăng trên Sông Hương và mau chóng trở thành bài hát được mọi người yêu thích của cả nước.

Họa sĩ Tôn Thất Đào vẽ “Múa đèn hoa sen”, họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng vẽ “Hổ quyền”, họa sĩ Phạm Đăng Trí đăng bài nghiên cứu “Tỷ lệ vàng của kiến trúc Ngọ Môn”, đều làm cho độc giả bàng hoàng. Gần như sự khám phá Huế trong nghệ thuật. Lần lượt các họa sĩ Bửu Chỉ, Dương Đình Sang, Hà Văn Chước, Phạm Đại rồi Trần Thanh Bình, Phan Chi, Ngô Lan Hương vân vân, đã góp phần rất tích cực làm cho tờ Sông Hương đẹp lên, mang một dáng vẻ riêng. Nhìn bìa, minh họa, trang trí, phụ bản, đã thấy ngay trong đó dáng dấp của Huế.

Riêng các nhà thơ nhà văn Huế có Sông Hương được thời tung hoành. Tôi đơn cử ra đây một vài trường hợp chợt nhớ bất kỳ.

Có lẽ một câu thơ rất hay về Sông Hương là do cây bút trẻ Huy Tập viết nên:

“Nếu như chẳng có dòng Hương
 Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi”.

Thu Bồn đam mê Huế. Chỉ một đêm sống với Huế mà bật lên những câu thơ như thần:

“Mặt trời hồng từ phía nón em nghiêng”.

Rồi:

“Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.

Nguyễn Trọng Tạo giả say mà rất thật:

“Sông Hương hóa rượu cho ta uống”.

Song anh có những câu rất thật mà lại ngẩn ngơ:

“Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt
 Một đứa vợ la chín đứa kinh”.

Thơ Hải Bằng đọc trang nào cũng rưng rưng:

“Theo chị đi hội làng giục giã
 Bắt được chiếc hài mà chẳng dám cầm tay”.

Hoặc:

“Con chim tha rác trên cành phượng
 Xây tổ hay là dỡ tổ đi”.

Khi anh ngạo mình cũng là cái cười chảy ra nước mắt, ấy là lúc anh đi cho làm mình một hàm răng giả cho đỡ móm mém:

“Nụ cười trắng xóa răng nhà nước
 Nước mắt ân tình lệ cá nhân”.

Có thể kể ra đây các nhà thơ Huế được cả nước mến mộ: Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hải Bằng, Lê Thị Mây vân vân.

Các cây bút văn xuôi ở Huế đã có một thời rất hoành tráng. Các tác giả định hình từ kháng chiến chống Mỹ, với các tác phẩm có tiếng vang như “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu”, “Cửa thép”, “Dòng sông im lặng” đều có mặt trong ban biên tập tạp chí Sông Hương.

Nếu không có những con đường Huế như lạc vào xứ mơ, sẽ không thể có “huyền thoại chim phượng” của Trần Thùy Mai. Nếu không có sông Hương là một trong những con sông chảy qua thành phố thơ mộng, vừa phảng phất chất hoang sơ vừa đằm sâu những triết lý, chắc không thể có bút ký nổi tiếng “Ai đã đặt tên cho dòng sông” rồi “Hoa lá quanh tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Dòng sông ấy, hoa lá ấy có một phần tâm hồn Tường tách ra, nhập vào. Hóa thân xong bỗng cất tiếng thành những bài văn xuôi ngập hồn thơ ấy.

Nếu không có cái mênh mông của Tam Giang như thảo nguyên, và ngư dân sống như du mục kia - chắc hẳn không thể có “Lễ hội ăn mày” của Hồng Nhu. Anh đã dấn thân sống suốt thời trai trẻ và nghiền ngẫm một đời để viết lên một truyện ngắn lung linh như những đốm nắng trên mặt nước Tam Giang.

Không có địa linh sông-nước Thừa Thiên, không thể nảy sinh những tài ba kia. Sức sống của đất đai đã nuôi dưỡng suốt quá trình văn hóa của mình để đẻ ra những tác phẩm.

Không thể kể ra đây, trong phút giây này về 11.500 trang sách. Chỉ có kẻ nào thờ ơ hay tự huyễn hoặc mình mới không thấy những giọt mồ hôi trí tuệ lung linh trên tập sách khổng lồ cao 70 phân kia.

Tôi rất mong, nếu Sông Hương có tiền, đem in riêng những bài viết về văn hóa Huế trong tạp chí, có thể có một bộ sách dày tới 2000 trang. Có đầy đủ các bài nghiên cứu, từ Tháp Liễu đôi, đến rượu trong ca dao, từ vật hội làng Sình tới lễ cầu ngư Thuận An. Từ mộ Ngô Văn Sở, tới lăng Ba Vành. Từ Cửu Đỉnh tới tranh gương trong lăng tẩm. Từ Chu dịch trong kiến trúc kinh thành Thuận Hóa tới nhìn Thiên An Môn để thấy Ngọ Môn vân vân...

Có những cuộc tranh luận thú vị, như cãi nhau về 9 khẩu súng thần công trước Ngọ Môn, hay là 10 khẩu. Có thể nói rằng cả Huế đã làm ầm lên chỉ về một chi tiết tư liệu thiếu xác thực. Thế mới biết đụng vào văn hóa là cuộc đụng độ kinh thiên. Lúc xảy ra những cuộc tranh luận, mới thấy thì ra thiên hạ đọc Sông Hương rất kỹ.

Nói vậy, song Sông Hương cũng có lúc thăng, lúc trầm. Sóng còn có gốc có ngọn huống là tình đời, không có những biến động thì làm gì có triết học. Quy luật vẫn là quy luật, nhất là quy luật vận động của tự nhiên.

Thơ “Từ xa nhìn Tổ quốc”, “Người 43 tuổi nói về mình”, văn xuôi “Bốn Ma-phi-a”, rồi “Qua sông” đã có một thời làm cho Sông Hương loạng choạng.

Hai lần đóng cửa Sông Hương ấy, tôi rất buồn. Tôi nhẩm đọc thơ Tố Hữu để nhìn lại mình:

“Mỗi lần ngã là một lần đứng dậy
 Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần
 Hướng đường đi còn lắm bước gian truân
 Đây chưa phải trận cuối cùng chiến đấu”.

Cũng giống như mỗi lần có điều gì xao xuyến trong lòng, chao chạnh trong lòng, tôi lại lên nghĩa trang liệt sĩ thăm lại đồng đội tôi đã ngã xuống trên đất Huế này. Đại đội Ngô Gia Tự của tôi vào Thừa Thiên vừa tròn một đại đội nghiêm chỉnh, 155 người. Ngày Sài Gòn bắn pháo hoa mừng chiến thắng, tôi ngồi đếm lại, cái đại đội Ngô Gia Tự của tôi chỉ còn 17 người cả cụt cả què, cả mù, cả bán thân bất toại. Tôi sống thêm một ngày so với các anh là tôi lãi một ngày. Nghĩ lại thế để sống, để vững vàng hơn, giống như để mài thêm một nốt gợn cho hòn bi đá kia tròn thêm một chút.

Tôi nhớ đang thời chiến tranh, lúc chôn đồng đội của mình, tôi đã làm một bài thơ hai câu. Không phải làm để in, mà làm cho mình:

“Máu người chết đổ ra lặng lẽ
 Kẻ sống nhiều khi lắm lời”.

Mỗi lần thắp hương cho bạn bè, lòng tôi như nguôi đi, vơi đi một chút nặng nề trong tâm trạng. Và thêm một lần thấy cuộc đời này đáng yêu biết bao nhiêu. Kẻ nào phản bội máu xương kia, kẻ ấy không xứng đáng còn có mặt trên đời. Nghĩ thế và tôi tự nhủ mình: hãy sống cho xứng đáng.

Và sau việc đi thắp hương cho bạn bè trên nghĩa trang thành phố, tôi về thăm lại các cơ sở đã từng nuôi tôi, đậy hầm bí mật cho tôi thời địch tạm chiếm. Nhiều mẹ vắt cơm nuôi tôi dưới hầm xưa không còn. Nhiều chị đậy hầm cho tôi đang còn vất vả trong cuộc sống ngày thường. Tôi thấy mình có cái gì như không phải. Có cái gì như một món nợ mà tôi chưa trả được. Có cái gì đó thật khó nói thành lời, thành chữ nghĩa, cứ tan tác trong tôi. Định tâm lại. Thêm một lần nữa tôi nhủ mình: hãy sống cho xứng đáng.

Gần hai chục năm sau giải phóng miền Nam, đồng đội xưa, những mẹ, những chị xưa vẫn là chỗ dựa cho tôi bây giờ. Vẫn là cái ô che nắng gió, bão táp mưa xa, đưa tôi từng bước vào đời.

Đất đai này đã nuôi tôi và tôi phải trả.

Tôi rất muốn đem được màu sắc ân tình của đất đai ấy vào trong màu sắc của tạp chí Sông Hương.

Ở một tạp chí địa phương đánh mất đi màu sắc văn hóa địa phương thì không còn gì là tạp chí nữa.

Rất may ở Thừa Thiên Huế, màu sắc địa phương trong văn hóa rất đậm đặc. Có đủ cả văn hóa cung đình, văn hóa dân gian. Vua có lễ hội Tịch điền, lễ hội Nam Giao thì dân có lễ hội đền Hòn Chén. Vua có nem công chả phượng thì dân có bánh canh, kho cá bống, canh tập tàng. Trong cung đình có luật phép vương triều, thì dân có lá lành đùm lá rách. Vua có Ba Vũ, có Duyệt Thị Đường thì dân có hò giã gạo, hò mái nhì vân vân...

Văn hóa vật chất và văn hóa phi vật chất trên đất Huế rất phong phú.

Phải làm thế nào cho tạp chí Sông Hương có màu sắc văn hóa địa phương vẫn là điều chúng tôi đinh ninh, chúng tôi tâm niệm. Ở mỗi số báo chúng tôi đều tính toán bài vở số trang làm sao phần văn hóa địa phương chững chạc, đàng hoàng đủ sức làm say lòng bạn đọc về một vùng đất được cả nước mến yêu này.

Nói như thế không có nghĩa là Sông Hương “Bế quan tỏa cảng”. Các tác giả Hà nội đã dốc công sức làm cho phần lí luận nghệ thuật, văn học của Sông Hương nặng cân. Các tác giả Nam Bộ, Tây Nguyên tạo cho Sông Hương có màu sắc đa thanh, truyền cảm.

Sông Hương không muốn là con chim sơn ca chỉ hót một giọng dù rất véo von. Hót một giọng cho thật hay, làm ngả nghiêng bạn đọc, ấy là tư chất, là trí tuệ, là phong cách của một tác giả. Với một tạp chí phải là giọng của con chim bách thanh. Chim bách thanh có thể hót được tất cả các giọng hót của bất cứ giống chim nào. Tạp chí là sự đua nở của trăm hoa. Có như vậy Tạp chí Sông Hương mới xứng đáng với một vùng đất trung tâm văn hóa, để tụ hội về cho tạp chí mình những trí tuệ nhân tài.

Hương Giang đẹp, không phải chỉ một Hương Giang cất lên tiếng hát của mình. Hương Giang đẹp bởi đã được hầu hết các nhà thơ trên toàn cõi Việt Nam viết về nó. Giống như Nam Trân đã cho Huế 4 chữ thôi: “Huế Đẹp và Thơ”, từ đấy Huế bỗng bất tử Đẹp và Thơ.

Tôi cầu mong cho Sông Hương của Huế trước tiên là Huế, đồng thời cũng là con chim bách thanh huyền diệu.

N.Q.H
(TCSH116/10-1998)

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng
Tiếng Huế chay (05/07/2023)