Ai ra xứ Huế
Chuyện từ câu nói dân gian: “Bác ngạn thanh liêm, Đường Xuyên trung ái” ở Thừa Thiên Huế thế kỷ XIX
10:17 | 10/08/2023

NGUYỄN THẾ

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, người dân Thừa Thiên Huế (lúc đó gọi là phủ Thừa Thiên) có truyền tụng câu: “c ngạn thanh liêm, Đường Xuyên trung ái”.

Chuyện từ câu nói dân gian: “Bác ngạn thanh liêm, Đường Xuyên trung ái” ở Thừa Thiên Huế thế kỷ XIX
Khu lăng mộ Nguyễn Tri Phương và đền thờ tam công trung hiếu xã Phong Chương - Ảnh: internet

Bác ngạn có nghĩa là bờ sông Bác Vọng. Hồi đó Bác Vọng là nơi đăng ký hộ tịch của gia đình các vị họ Đặng làm quan thời Nguyễn như: Đặng Văn Hòa, Đặng Văn Chức, Đặng Huy Trứ, Đặng Huy Tá, Đặng Hữu Phổ… Khi ghi về xuất xứ gia tộc của mình, danh nhân Đặng Huy Trứ đã viết: “Tổ hương Hiền Sĩ, tịch hương Bác Vọng, ngụ hương Thanh Lương…” (quê tổ ở làng Hiền Sĩ, nhập tịch tại làng Bác Vọng, cư ngụ tại làng Thanh Lương…). Các vị quan lớn của dòng họ Đặng ở nơi đây đều nổi tiếng thanh liêm. Đặc biệt là cụ Đặng Văn Hòa.

Thanh liêm và trung ái là từ ngữ chỉ về đức tính cao thượng của những người làm quan dưới thời phong kiến. Những vị quan thanh liêm là những người “trong sạch”, chỉ biết lo cho dân, cho nước, không hề biết đến chuyện tham nhũng, hối lộ hay làm giàu cho bản thân và gia đình mình. Còn những người trung ái, tức là “trung với vua, trung với nước”, hết lòng “yêu nước thương dân”.

Khuê Văn Các ở Văn Miếu đã được ông Đặng Văn Hòa cho sửa vào năm 1837

Đặng Văn Hòa (sau cải là Đặng Văn Thiêm) tự Lễ Trai, sinh năm 1791 mất năm 1856, bác ruột của danh nhân Đặng Huy Trứ. Tổ tiên trước ở làng Hiền Sĩ, huyện Phong Điền, sau nhập tịch làng Bác Vọng thuộc huyện Quảng Điền, rồi chuyển cư về Thanh Lương, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ông đỗ Hương cống khoa thi Hương đầu tiên tổ chức ở Thừa Thiên vào năm 1813. Năm 1819, bổ tri huyện Hà Đông, Quảng Nam. Từ 1822 - 1827 giữ chức Lang trung bộ binh, Hiệp trấn Thanh Hóa. Năm 1828, đang giữ chức thự Binh bộ Tham tri, Đặng Văn Hòa được vua Minh Mạng bổ giữ chức binh tào Bắc thành, từng cùng Vũ Văn Tín kéo quân lên biên giới lấy lại đồn Phong Thổ từ tay quân Thanh. Được bổ quyền biện Tuần phủ Hà Nội, rồi tiếp tục lĩnh Tuần phủ Nam Định, thự lý Tổng đốc Định Yên quan phòng. Ông còn có công mở rộng Hoàng Giang, đắp thành Nam Định, Hưng Yên, đào sông Cửu An..., xin khất, giảm tô thuế, phát chẩn cho dân nghèo đói, lo việc đê điều, trị thủy, khai thông luồng lạch các cửa sông, ven biển khiến cho đời sống dân chúng bình yên, được thăng Tổng Đốc. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chuyển làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình). Thời gian giữ chức Tổng đốc Hà Ninh (lần thứ nhất), ông đã có công trong việc tổ chức binh bị, đắp đường quai và mỏ kè ở Hà Nội. Phát triển giống tằm kén trắng đến tận Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sửa đường Thiên lý Hà Nội - Phú Xuyên. Quy hoạch sắp xếp lại nhà cửa, mở rộng đường sá, đề phòng hỏa hoạn. Lập miếu hỏa thần, làm trường thi, tu bổ Khuê Văn các, chùa Một Cột (nay còn bia ghi công trạng và hai câu đối do Đặng Văn Hòa cung tiến). Đặng Văn Hòa nổi tiếng là một vị quan “chí công vô tư”. Khi vua giao xử vụ Án sát Bắc Ninh Trần Thế Nho về tội lợi dụng chức quyền (lấy thợ nhà nước làm việc riêng), ông đã xử theo phép nước chứ không vị nể. Khi vua điều bổ Bố chính Hải Dương là Trần Văn Trung về làm Bố chính Hà Nội, Đặng Văn Hòa tâu rằng: “Bố chính Hà Nội Trần Văn Trung là chỗ họ ngoại, vốn có tình nghĩa với nhau, vậy xin hồi tị (tránh đi làm quan nơi khác). Vua dụ rằng: “Đặng Văn Thiêm (Văn Hòa) là đại thần của nước, ta giao trọng trách một địa phương, Trần Văn Trung cũng nhiều lần được lựa dùng, cất nhắc đến quan hàm như vậy. Các người đều nên một niềm giữ lấy công bằng trung trực, không thẹn với lương tâm, chứ không cần phải tị hiềm là chỗ bà con, cố cựu”.

Năm Minh Mạng 20 (1839) Đặng Văn Hòa được điều về kinh giữ chức Thượng thư Bộ Công, kiêm quản Hàn Lâm viện, sung chức Cơ mật viện đại thần. Năm 1840, thự tổng đốc rồi thăng Tổng đốc Bình Phú (Bình Định - Phú Yên). Thời gian ở Bình Phú, ông cho tra xét việc hào lý chiếm ruộng đất tốt của dân. Xin sức bắt triệt bỏ hết các phường hộ nấu rượu để khỏi hao tổn đến thóc gạo, giảm thói uống rượu say ảnh hưởng đến công việc.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), đổi bổ ra làm Tổng đốc Định Yên (Nam Định -Hưng Yên), ông xin xếp lại ngạch quân, xin đặt xã Minh Hương cho người Hoa.

Tháng 5/1843, Đặng Văn Hòa được điều về kinh giữ chức Thượng thư Bộ Hình, kiêm quản ấn triện Đại lý tự, gia hàm Hiệp biện đại học sĩ, sung Đại thần Cơ mật viện.

Năm 1846, lĩnh Thượng thư Bộ Lễ, định rõ việc thờ tự các công thần ở miếu Hiển trung (Gia Định), miếu Trung hưng, Trung tiết ở Huế. Tham gia làm tập “Thiệu Trị văn quy” sung chức Tổng vựng làm bộ “Đại Nam hội điển sự lệ”.

Tháng 8/1846, Đặng Văn Hòa được vua Thiệu Trị gia hàm Thái tử thiếu bảo, lĩnh Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình lần thứ hai. Lần này, ông đã cho quy hoạch lại đê điều vùng Hà Nội. Khơi hào vùng Đống Đa, Thịnh Quang, cho thu nhặt hài cốt quân Thanh đắp thành 12 gò; lập đàn thờ cô hồn: “Nghĩa trủng lệ đàn”; dựng bia chùa Một Cột…

Tháng 7/1847, tiếp tục bổ lĩnh Tổng đốc Định Yên (Nam Định - Hưng Yên). Khi Đặng Văn Hòa làm Tổng đốc Định Yên, có thuyền buôn của một người Trung Hoa bị bão, phải vào trú ở cửa biển, gặp khó khăn về lương thực, ông đã cấp gạo ăn, lại cho họ đem hàng lên Hà Nội bán. Chủ thuyền đến tạ ơn, ông đi kinh lý vắng nhà nên bà vợ họ Hoàng đã nhận. Trong hộp chè có vàng. Khi về, biết việc này, ông đã trách mắng vợ: “Cầm hộp chè phải biết nặng nhẹ thế nào chứ? Bà nên thu xếp sớm về quê. Việc này ở đây gia nhân biết, bà ở đây ngày nào tôi làm sao răn đe được nha lại”. Và ông đã cho vợ về quê. Ông còn cho tìm chủ thuyền để trả lại quà biếu, nhưng người này đã nhổ neo về nước, không biết tung tích ở đâu. Ông quyết định dùng thoi vàng đó làm tượng cúng vào chùa Hòa Viện quê vợ của ông và làm lễ kính cáo thần Phật để giãi bày tấm lòng thanh khiết, ngay thẳng của mình. Hòa Viện là quê của bà chánh thất họ Hoàng, vợ của Thái tử thiếu bảo, Hiệp biện đại học sĩ Đặng Văn Hòa. Ở đình làng Hòa Viện, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện còn tấm bia đá lập năm 1851 (thời Tự Đức) ghi rõ việc bà này đã từng cúng cho làng 3 pho tượng gỗ, một hương án, một cặp lọng thêu, một bộ ngũ sự, một chuông lớn, hai cặp câu đối.

Đặng Văn Hòa là một vị “Tứ triều nguyên lão”, làm quan trải 4 triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, là người thanh liêm đức độ, luôn được đồng liêu trong triều ngoài nội mến phục. Khi làm quan ở các địa phương đều ra sức kinh bang tế thế, giúp cho các địa phương phát triển, đời sống nhân dân được no ấm. Người dân Hà Thành từng có bài ca khen ngợi công đức của ông:

So công đức ai bằng quan họ Đặng,
Nhà Bắc Nam gặp hội thanh bình,
Vâng ơn trên ra tỉnh Hà Thành,
Ngôi đại hiến mọi bề then khóa,
Từng năm thứ thanh cần tấc dạ,
Mười hai năm lịch duyệt đã nhiều lần…

(Theo sách “Nhĩ Hoàng di ái lục”: yêu thương để lại Nhị Hoàng của Đặng Huy Trứ).

Đặng Huy Trứ, cháu gọi Đặng Văn Hòa bằng bác ruột cũng là một vị quan thanh liêm có tiếng cuối thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn. Suốt cuộc đời làm quan của mình, ông luôn hết mình lo cho dân cho nước. Ông đã từng viết:

“Mình thiệt, lợi dân, dân gắn bó
Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn
Hờn căm, gắn bó tùy ta cả
Duy chữ thanh, thanh đối thế nhân”

Chữ “thanh” trong quan niệm của Đặng Huy Trứ chính là thanh liêm. Ông đã từng viết cuốn “Từ thụ yếu qui”: Không thể nhận (từ) và Có thể nhận (thụ). Đối với nội dung Không thể nhận, tác giả đưa ra 104 kiểu hối lộ quan chức diễn ra trên mọi mặt của đời sống bao gồm các lĩnh vực: giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… dưới các hình thức và thủ đoạn không khác nhiều khi so sánh với tệ nạn hối lộ - tham nhũng đang hoành hành trong xã hội hiện tại. Đối với nội dung Có thể nhận, tác giả chỉ nêu 5 trường hợp “có thể nhận” như: trong dịp lễ tết hằng năm, quà được biếu là sản vật bình thường của địa phương; ba trường hợp tiếp theo là việc tạ ơn khi được giúp đỡ một cách hợp tình, hợp lý và hợp pháp như giúp thu được món lợi chính đáng, giúp cho tai qua nạn khỏi hoặc giúp thành tựu sự nghiệp; và thứ năm là quà biếu nhân việc vui buồn.

Trong sách “Từ thụ yếu qui”, Đặng Huy Trứ có viết về đức tính thanh liêm của ông Trần Văn Trung (người mà Đặng Văn Hòa đã tâu vua xin “hồi tị”, khi vua điều bổ Trần Văn Trung về làm Bố chính Hà Nội, vì có quan hệ thân thích bên ngoại), nội dung như sau: “Khi cụ Trần Văn Trung làm Tổng đốc Bình Định - Phú Yên, người thiếp của cụ bắt được một cán dao bổ cau bằng đá, nhưng chưa có lưỡi. Đến khi cụ về làm Thượng thư bộ Công, người thiếp lén nhờ cục trưởng cục chế tạo (bộ Công) chọn thép tốt luyện cho một lưỡi dao để tra vào dùng. Khi người ấy mang dao đến, cụ Trung tức giận vặn hỏi người thiếp và mắng: “Nếu ta không làm ở bộ Công thì bà không có dao bổ cau ư?”. Nói rồi lập tức rút lưỡi dao trả lại cho người cục trưởng. Từ đó, tuy ở bộ Công nhiều năm mà không ai dám biếu xén gì”.

Trong sách “Đặng Dịch Trai ngôn hành lục” (Lời nói và việc làm của cha tôi) viết về cụ thân sinh Đặng Văn Trọng, Đặng Huy Trứ có viết về người bác của mình là Đặng Văn Hòa như sau: “Bác Thiếu bảo tôi làm quan trong triều, ngoài tỉnh, đã tự nhậm ở Bình Định, Thanh Hóa, Gia Định, Hà Nội, Nam Định… toàn là những tỉnh lớn giàu có mà bác tôi không hề cầu lợi. Hơn 30 năm làm quan mà cửa nhà, vườn tược ở quê vẫn y như hồi ông tôi để lại. Mãi đến năm Đinh Hợi (1837), bác tôi mới làm nhà thờ, còn nhà ở thì chưa nghĩ đến”.

Những câu chuyện về đức tính thanh liêm các vị quan lớn của triều Nguyễn ở bên bờ sông Bác Vọng cho đến nay vẫn được người dân nhắc nhở, và họ luôn mong muốn thời nay phải cần có nhiều những vị quan chức thanh liêm, hết lòng lo cho nước cho dân.

Những tấm gương trung ái: “trung với vua, trung với nước”, hết lòng “yêu nước thương dân” của những vị quan lại dưới thời phong kiến đã được sử sách nhắc nhở. Họ chính là những người luôn yêu nước thương dân, sẵn sàng hy sinh tấm thân mình để bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân. Câu “Đường Xuyên trung ái” chính là nhắc đến tấm gương của Nguyễn Duy, em ruột Nguyễn Tri Phương, quê ở làng Đường Long, nay thuộc xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguyễn Duy, tự Nhữ Hiền, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 21 tháng 12 năm Kỷ Tỵ (26/1/1810). Khoa Nhâm Dần (1842), đỗ Tiến sĩ được bổ Hàn Lâm viên biên tu, rồi Biên tu nội các.

Từ 1845 - 1850, ông lần lượt nhậm chức Tri phủ ở nhiều nơi như Tân An (Gia Định), Quảng Hóa, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Bình. Năm 1852 Nguyễn Duy được cử đi sứ sang Trung Hoa, xong việc, vua Tự Đức ban thưởng một Kim khánh hạng nhì và một bài thơ ngự chế. Năm 1856, ông được cử đi quân thứ ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Tại đây, Nguyễn Duy đã cùng với Đào Trí tổ chức bố phòng vùng bờ biển và thành Điện Hải (Đà Nẵng) rất chặt chẽ làm cho quân Pháp phải kiêng dè.

Tháng 3/1859, Nguyễn Duy tình nguyện vào mặt trận phía Nam, nhậm chức Định Biên Tán lý, sung Gia Định quân thứ. Trong trận quyết tử với quân Pháp ở Đại đồn Chí Hòa (còn gọi là Kỳ Hòa ở Gia Định) vào hai ngày 24 và 25 tháng 2 năm 1861, Nguyễn Tri Phương bị thương, Nguyễn Duy trúng đạn đại bác của quân địch, thi hài bị biến dạng nhưng nhờ vào dấu áo và chiếc đai lưng, nên quân sĩ mới nhận biết được và đưa thi hài của ông về chôn tạm ở cửa Đông, Biên Hòa. Vua Tự Đức thương xót công thần hy sinh vì nước đã “ban gấm đoạn sô sa để tẩm liệm và 500 quan tiền để lo việc tống táng”, đồng thời ra lệnh cho tỉnh thần Gia Định hộ tống quan cửu Nguyễn Duy về an táng tại quê nhà thuộc xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông được truy tặng Binh bộ tả tham tri, được thờ vào án giữa đền Trung nghĩa.

Sau khi thi hài Nguyễn Duy đã được cải táng đưa về quê, người dân và đồng đội của ông vẫn vun lại nấm mồ xưa để tưởng nhớ người đã khuất. Nguyễn Thông (1827 - 1884), một nhà doanh điền, một chiến sĩ chống Pháp ở Nam bộ đã làm bài thơ khóc ông, trong đó có câu:

Niên niên hư trủng thượng,
Di lão loại phương tôn
”.

Tạm dịch:

“Thường năm trên nấm mồ không
Nhớ thương già rót chén nồng tri ân
.

Chứng tích trận đánh Đại đồn Chí Hòa hiện vẫn còn lưu giữ tại một bảo tàng ở Tây Ban Nha. Đó là lá cờ của quân đội triều đình Nguyễn. Khi cộng tác với Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ), GS Ngô Thanh Nhàn và TS Ngô Trung Việt đã chuyển cho tôi ảnh và tư liệu về một lá cờ ở Bảo tàng Tây Ban Nha. Lá cờ có 5 chữ Hán: “中 軍 中 保 一” (Trung quân trung bảo nhất). Từ nội dung các chữ Hán trên lá cờ, tôi xác định đây là một lá cờ trận của quân đội triều Nguyễn. Đây không phải là lá đại kỳ của vị tướng soái cầm đầu, không có thông số về kích thước, song chúng tôi dự đoán kích cỡ lá cờ khá lớn, vì đây là cờ của một đội quân ở trung tâm trận đánh (trung quân). Qua thông tin bằng email của người chụp ảnh lá cờ (Adrian Bruma) gửi cho Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (Nomfoundation), trong đó có ghi thời điểm xuất hiện lá cờ này (ở Tây Ban Nha) là ngày 16 tháng 12 năm 1861. Có thể xác định, đây chính là lá cờ họ thu được từ trận đánh Đại đồn Chí Hòa. Tư liệu đính kèm có mô tả sơ lược về các giai đoạn đội quân Tây Ban Nha tham gia đánh đại đồn Chí Hòa như sau: “... Vào 10/4/1860, viên chỉ huy Tây Ban Nha mới tới Sài Gòn, Đại tá D. Carlos Palanca, ông ta thấy mình chỉ có một chi đội quãng 200 người. Họ đã phải chống đỡ những trận tấn công nặng nề ở đó, như trận ở chùa Clochetons vào ngày 4/7/1860 (xưa gọi là chùa Kiểng Phước ở khu vực Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, nay không còn), trong khi chờ đợi tăng viện.

Tình hình này kéo dài cho tới tháng giêng 1861, khi thiếu tướng hải quân Pháp Charner có thể tiếp ứng họ với đội quân lớn hơn, điều chỉ ra hoàn toàn rõ ràng chi đội Tây Ban Nha số lượng ít ỏi thế nào. Palanca đã cố gắng dàn xếp điều này bằng việc tham gia đánh nhau cùng lính của mình ở vị trí tiên phong trong mọi trận đánh, như trong cuộc xung phong đánh đồn Kỳ Hòa (25/2/1861), khi binh nhì Antonio Hernandez chiếm được lá cờ...”.

Sự nghiệp và công trạng của Tán lý Nguyễn Duy đối với đất nước rất lớn, hiện nay, ông được liệt thờ cùng anh là Nguyễn Tri Phương và cháu là Phò mã Nguyễn Lâm ở đền thờ Trung hiếu tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở đình Mỹ Khánh, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng có ban thờ Nguyễn Tri Phương cùng Nguyễn Duy.

Nguyễn Tri Phương (nguyên tên là Nguyễn Văn Chương) tự Hàm Trinh, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân, tức ngày 9 tháng 9 năm 1800. Quê quán thôn Chí Long (còn gọi là Đường Long), nay là thôn Trung Thạnh, xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Năm 1820, Văn Chương xuất thân từ chân thơ lại nhỏ tại huyện đường Phong Điền. Do khi lập hồ sơ một vụ án ở huyện, Nguyễn Văn Chương đã giải trình tình tiết vụ án một cách khúc chiết, nên khi án văn được đưa lên tỉnh rồi lên Bộ, ông đã được cấp trên chú ý và đưa lên Bộ làm việc. Có thuyết kể rằng, ông từng được vua Minh Mạng trực tiếp sát hạch, Nguyễn Văn Chương đã trổ tài văn chương lý luận, ứng đối trôi chảy nên được vua khen rằng: “Văn hay chữ tốt, phẩm cách hơn người, dù bậc đại khoa cũng không hơn được1. Sau đó được nhận vào Nội các, phong hàm điển bộ, chức biên tu (1823). Nhiều lần được sai đi “làm việc công” tại Hạ Châu (Singapore), Lữ Tống (Philippines), Quảng Đông (Trung Quốc), đi các xứ Ấn Độ thuộc Pháp; cuối năm 1836, được lệnh đến Java, Singapore để mua đại bác.

Tháng 3/1837, Nguyễn Văn Chương được gia hàm Tham tri Bộ Lễ, rồi được bổ chức Cơ mật viện đại thần.

Tháng 1/1838 đưa người đi học tập máy móc và mua quân dụng ở Jakarta.

Tháng 8/1841, Thiệu Trị điều Nguyễn Văn Chương vào Nam giữ chức Tuần phủ An Giang, hộ lý quan phòng tổng đốc An Hà. Sau đó được đổi bổ làm Tuần phủ Vĩnh Long, hộ lý quan phòng tổng đốc Long Tường.

Sự có mặt của Nguyễn Văn Chương ở Nam Kỳ trong giai đoạn này đã giúp triều đình Huế giải quyết được những rối ren ở nội địa và đánh lui quân Xiêm xâm phạm biên giới phía Tây Nam.

Tháng 6/1844, Nguyễn Văn Chương được điều sang chức vụ tổng đốc An Hà.

Tháng 3/1847 Nguyễn Văn Chương được Triều đình thưởng một cấp trác dị, một bài vàng khắc danh hiệu An Tây trí dũng tướng, hàm Hiệp biện Đại học sĩ, tước Tráng liệt tử và giao chức Thượng thư Bộ Công. Tháng 8/1872, vua Tự Đức tiếp tục sai Nguyễn Tri Phương ra Bắc làm Khâm mệnh tuyên sát đổng sức đại thần.

Tháng 5/1873, tham tán Tôn Thất Thuyết xin cho Khâm mệnh Nguyễn Tri Phương về trấn trị Hà Nội. Trong thời gian ở Hà Nội, Khâm mệnh Nguyễn Tri Phương đã ngăn chặn và phản kháng kịch liệt những hành động lộng quyền của tên lái buôn côn đồ Dupuis dưới sự bảo hộ của quân Pháp.

Quan phục của khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương do người Pháp lấy sau khi họ chiếm thành Hà Nội. Hiện vật của Bảo tàng Quân sự Pháp tại Les Invalides. - Ảnh: wikipedia


Lấy cớ để can thiệp vụ việc của Dupuis, Thống đốc Nam kỳ đã cử F. Garnier ra Bắc. Nhưng với âm mưu xâm chiếm Việt Nam, nên 5 giờ 30 phút ngày 20/11/1873 Garnier tấn công thành Hà Nội. Nguyễn Lâm (con Nguyễn Tri Phương) tử trận, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, không chịu cho quân Pháp chăm sóc, nên đã mất vào ngày 20/12/1873.

Trong lịch sử thế giới, hiếm có những vị tướng lĩnh tuổi đã 74 mà vẫn cầm quân ra trận như anh hùng lão tướng Nguyễn Tri Phương. Cảm phục trước sự hy sinh cao cả đó, vua Tự Đức đã cho đưa thi hài về an táng tại quê nhà, chuẩn cho Nguyễn Tri Phương được thờ vào đền Trung nghĩa.

Suốt 52 năm làm quan, trải ba đời vua Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Nguyễn Tri Phương luôn thể hiện tấm lòng trung quân ái quốc và ý chí chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, với tư tưởng canh tân đất nước ông đã từng dâng lên triều đình nhà Nguyễn những kế sách để phát triển kinh tế, quốc phòng như việc mở đồn điền ở biên giới phía Tây Nam. Chủ trương mở các đồn điền ở biên giới phía Nam của ông không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt chiến lược quân sự. Ông là người có công lớn trong việc bình Xiêm, ổn định biên giới phía Nam; đánh dẹp các lực lượng thổ phỉ Trung Quốc ở các tỉnh phía Bắc; là vị tướng chỉ huy tối cao ở các mặt trận chống quân Tây dương xâm lược tại Đà Nẵng, Nam Kỳ và Hà Nội...

Trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, ngoài sự hy sinh anh dũng của lão tướng Nguyễn Tri Phương còn có sự hy sinh của những thành viên trong gia đình; đó là em ruột Nguyễn Duy và người con trai thân yêu Nguyễn Lâm.

Nguyễn Lâm, nguyên tên là Thế Trâm, tự là Mặc Hiên, lấy công chúa Đồng Xuân, làm phò mã đô úy. Vì lâu ngày không được hầu hạ cha sớm tối, nên Lâm đã dâng sớ xin ra Bắc thăm cha. Khi Pháp vây hãm thành Hà Nội, Lâm được cha sai giữ cửa Đông Nam. Quân Pháp đánh vào cửa ấy trước nên phò mã Lâm bị trúng đạn chết. Chuyện đến tai vua, vua thương xót, dụ rằng: “Làm tôi chết vì trung, làm con chết vì hiếu, là qui tắc của đời xưa. Nguyễn Lâm không có trách nhiệm gì đến việc giữ thành, đem quân mà biết hiếu nghĩa như thế, ơn nước, tiếng nhà hai đằng không hổ thẹn…2. Sau đó nhà vua phong cho Lâm chức Binh bộ thị lang, chiếu theo hàm mà cấp tuất. Lại sai quan tỉnh Hà Nội sức dân phu hộ tống quan cửu của Phò mã Lâm về quê chôn cất.

Vua Tự Đức nghĩ rằng: Tri Phương cùng em là Nguyễn Duy, con là Nguyễn Lâm hoặc vì nước hy sinh, hoặc cùng cha tuẫn tiết. Trung hiếu, tiết nghĩa tụ cả một nhà, nên đặc ân cho dựng “Đền Trung hiếu” ở chính quê hương Đường Long. Hằng năm sai quan sở tại đến tế. Bài Văn tế còn ghi trong sách Đại Nam liệt truyện có đoạn mở đầu:

Đài tưởng niệm Tam công Trung liệt ở xã Phong Chương - Ảnh: baothuathienhue.vn

i trung con hiếu, đời nào cũng có. Một nhà ba người tiết liệt. Than ôi! Có được mấy nhà...”. Hai câu cuối của bài văn tế khẳng định: “Vạn cổ anh phong, sơn cao thủy trường”, có nghĩa là: Tiếng anh hùng để lại muôn đời như non cao biển rộng3. Riêng với Nguyễn Tri Phương, do công lao to lớn trải 3 triều nên triều đình đã đưa vào thờ tại án chính của đền Hiền Lương. Nhiều nơi trong nước như: Hà Nội, Biên Hòa, Đà Nẵng đều lập đền thờ Nguyễn Tri Phương. Năm 1988, thành phố Đà Nẵng đã cho dựng tượng đài Nguyễn Tri Phương ngay trên vùng chiến địa năm xưa, nơi ông từng chỉ huy đánh lui quân Pháp.

Năm 1990, lăng mộ Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm và đền thờ tam công trung hiếu ở quê nhà xã Phong Chương đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Câu “Đường Xuyên trung ái” không chỉ nói đến tấm gương hy sinh vì dân vì nước của Nguyễn Duy ở đại đồn Chí Hòa (Gia Định) năm 1861, mà 12 năm sau đó, tức là năm 1873, Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Lâm đã anh dũng hy sinh khi giữ thành Hà Nội. Bởi vậy, thời bấy giờ người ta gọi trường hợp này là “nhất gia tam trung” (một nhà có ba người tôi trung).

Danh nhân lịch sử văn hóa là bộ phận của di sản văn hóa dân tộc; các bậc hiền tài là nguyên khí quốc gia, là biểu tượng văn hóa của mọi thời đại. Đặng Văn Hòa, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm… là những người con xứ Huế. Họ đã phát huy truyền thống yêu nước thương dân, lập nên những công trạng lớn trên đất Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng và Huế. Trong suốt cuộc đời làm quan, họ luôn nổi tiếng thanh liêm. Khi ra chiến trường chống giặc ngoại xâm, họ là những vị chỉ huy tiên phong gan dạ, không ngại “thịt nát xương tan”, sẵn sàng hy sinh anh dũng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. “Bác ngạn thanh liêm, Đường Xuyên trung ái” mãi là câu chuyện truyền đời từ một thế hệ của cha ông cách đây gần 200 năm. Họ là những người chính trực, luôn một lòng vì nước vì dân. Đây chính là những tấm gương sáng để thế hệ người dân Việt chúng ta hôm nay và cả các thế hệ mai sau mãi mãi noi theo.

N.T
(TCSH413/07-2023)

-----------------------------
1 Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Tri Phương, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên - Sài Gòn, 1974, Tr 36-37.
2 Đại Nam liệt truyện, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994, tr.465.
3 Đại Nam liệt truyện, tập 3, sđd, tr. 464.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tiếng Huế chay (05/07/2023)