Ai ra xứ Huế
Thuận Hóa - câu hỏi sâu thẳm
16:11 | 21/08/2023


NGÔ THỜI ĐÔN

Thuận Hóa - câu hỏi sâu thẳm
Thừa Tuyên Thuận Hóa trong Hồng Đức Bản Đồ - Ảnh: wiki

Nếu không đi quá xa vào các thiên niên kỷ đầu của lịch sử dân tộc, thì cái mốc 1306-1307 là rất có ý nghĩa đối với Thuận Hóa: Công chúa Huyền Trân về làm vợ Chế Mân; Đại Việt có của sính lễ là hai châu Ô và Lý (Rí); Đoàn Nhữ Hài mang lệnh triều đình đổi tên hai châu này thành châu Thuận và châu Hóa... Trong ý thức của nhà nước Đại Việt lúc bấy giờ, cách đặt tên ấy hàm ý đây là vùng đất mới, hơn nữa đây là "đất dữ" - "Ô châu ác địa" cần phải "giáo hóa" cho "thuận mệnh".

Ý thức thống trị ấy của nhà nước Đại Việt lúc bấy giờ là cần thiết đối với miền đất biên viễn. Song cư dân Thuận Hóa lúc bấy giờ (ở đây chỉ nói bộ phận cư dân người Việt) đã sống như thế nào? Lịch sử thì đã qua, các nhà nghiên cứu thì chỉ mới dự kiến cư dân sẽ sống theo hai đàng: một đàng "thuận" với ý thức thống trị, nghĩa là "hóa" được; còn đàng kia là sự tự phát buổi đầu, nhưng lại "thuận" và "hóa" tự nhiên theo "tính cách" "bản lĩnh" của cư dân Thuận Hóa. Đàng đầu có khả năng tạo thế bàn đạp cho các bước Nam tiến của dân tộc về sau; Đàng sau có triển vọng hun đúc tính cách, bản lĩnh của lớp người tiền phong để họ đi tới cho đến lúc dừng chân trên mũi Cà Mau. Nói một cách thô thiển, "thuận hóa" theo ý thức thống trị của nhà nước Đại Việt là trụ chân cho vững mà định canh, định cư; còn "thuận hóa" tự phát theo tính cách và bản lĩnh của cư dân Nam tiến là nhấc chân lên, tiếp tục Nam tiến.

Chặng lịch sử này của Thuận Hóa không phải đã dễ hiểu.

Khoảng 100 năm sau, Nguyễn Trãi viết Dư Địa Chí (nếu tác phẩm ra đời sau ngày kháng Minh thắng lợi thì Thuận Hóa đã sống 14 năm dưới chế độ Minh thuộc) ông đã có vài nhận định về tính cách người Thuận Hóa.

Hơn 100 năm sau nữa, Dương Văn An viết Ô Châu Cận Lục, cũng nhận định về thiên nhiên và con người Thuận Hóa.

Rồi hơn 100 năm sau nữa, Lê Quý Đôn viết Phủ Biên Tp Lục lại cũng nêu nhận định về con người ở đây.

Trên 300 năm, cả ba tác giả, không ai nói khác ai về cư dân Thuận Hóa. Điều này, không hẳn là sự thừa kế vụng về của người viết sau mà vì qua nhiều chặng đường của lịch sử, cư dân Thuận Hóa vẫn giữ được cái gì trong tính cách như buổi mới định cư chăng?

Từ 1307 đến 1786, liên tiếp gần năm thế kỷ, Thuận Hóa được nhà nước phong kiến Việt Nam coi là đất biên cương. Tâm lý chung của cư dân vẫn là tiếp tục trả lời câu hỏi: định canh định cư hay tiếp tục Nam tiến? Định canh định cư thì phải thích ứng với đất lạ và tuân thủ mệnh lệnh triều đình, hòa vào khối cộng đồng dân tộc. Đến đây, câu hỏi sâu thẳm của Thuận Hóa đã hiện ra: Lớp cư dân Nam tiến tiếp tục hay lớp cư dân định canh định cư là giữ nguyên tính cách bản lĩnh của cư dân Thuận Hóa buổi đầu? Tìm hiểu Thuận Hóa xưa bỗng kéo theo việc tìm hiểu cộng đồng của cư dân Nam Bộ ngày xưa...

Bức chân dung vùng đất và con người Thuận Hóa đã được các nhà nghiên cứu phác thảo, ít nhiều thành công ở từng điểm, từng chặng hơn là thành công ở cả trường kỳ lịch sử. Các đề tài khảo cổ, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học ở vùng Thuận Hóa lâu nay, đã cống hiến thật nhiều và đang lần bước đi tới với kỳ vọng giải thích đầy đủ hệ thống vấn đề của một vùng đất mà mỗi chi tiết của hệ thống chỉ có thể nối liền hữu cơ với hệ thống chứ không bị khu trú hoặc gián đoạn như bấy lâu...

Ấy cũng là một mục tiêu quan trọng của ngành khoa học xã hội ở Thừa Thiên Huế.

N.T.Đ
(TCSH54/03&4-1993)

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng
Tiếng Huế chay (05/07/2023)