Ai ra xứ Huế
Chùa Phổ Quang
14:48 | 29/08/2023

LÊ NGUYỄN LƯU

Thừa Thiên Huế ngày xưa còn được gọi là Thiền Kinh. Kể từ sau khi Nguyễn Hoàng xây dựng chùa Thiên Mụ (1601) và chùa Sùng Hóa (1602), các nhà tu hành thấy được đấy là nơi thuận lợi cho việc hoằng Pháp, và những thảo am đầu tiên tức chùa tranh, lần lượt mọc lên...

Chùa Phổ Quang
Ảnh: giacngo.vn

Rồi nhiều du tăng khất sĩ từ Trung Quốc đến theo thuyền buồm. Vùng chung quanh Huế, nhất là khu vực “lâm lộc” phía nam sông Hương (An Cựu và Phú Xuân, Dương Xuân) trở thành trung tâm sinh hoạt sôi nổi của Phật giáo giữa thế kỷ XVII về phát triển sâu rộng khắp địa bàn Thuận Hóa trong thế kỷ XVIII.

Hầu hết chùa chiền ở Huế tồn tại đến ngày nay đều đã có mặt từ thuở ấy, trải qua nhiều lần trùng tu hoặc tôn tạo trên cơ sở cũ. Có chùa chỉ liên quan mật thiết đến sự hoằng dương Phật pháp (như Thuyền Tôn), có chùa còn liên quan ít nhiều đến lịch sử dân tộc (như Thiền Lâm), có chùa mang bóng dáng của những con người tên tuổi trong quá khứ. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một ngôi chùa vốn ít ai quan tâm tìm hiểu: Chùa Phổ Quang.

Qua khỏi cầu Bến Ngự một đoạn ngắn, rẽ trái, đi dọc đường xe lửa chừng trăm thước, du khách ngẩng nhìn lên bên phải, sẽ thấy một cái cổng tam quan cũ không lớn lắm đứng chơ vơ lưng đồi. Đằng sau cổng ấy là chùa Phổ Quang, nơi cụ Phan Bội Châu từng tạm trú ngót nửa năm. Gốc tích chùa như thế nào?

Về mặt văn bản, hiện còn một tấm bia lớn khắc bài văn do Lâm Mậu (1) viết năm 1930. Tác giả mở đầu rằng: Phổ Quang tự kiến trúc bất tường hà đại. Thủy tụng cận nhật, Yết Ma hòa thượng thập kệ đng liệt Thiền kinh quan sơn tứ thập cnh chi nhất (chùa Phổ Quang không rõ xây dựng vào đời nào. Thoạt đầu nghe truyền tụng mười bài kệ của hòa thượng Yết ma khoảng gần đây xếp vào một trong bốn mươi cảnh chùa ở vùng núi công chốn Thiền Kinh). Thế nghĩa là Lâm Mậu vẫn chưa biết gì về nguyên ủy của chùa, do ai lập ra và từ năm nào?

Về mặt truyền thuyết, người ta kể rằng thời chúa Tiên tức Nguyễn Hoàng (1525 - 1613), vào trấn thủ Thuận Hóa năm (1558), một vị tướng đánh trận thua, lui về gò Phú Xuân nghỉ ngơi. Nhân mộng thấy một vị bồ tát khuyên nên lập chùa sẽ tốt, ông bèn dựng thảo am thờ Phật, đọc sách. Sau ông lại ra làm tướng, quả nhiên đánh trận thắng lợi. Câu chuyện khá ngược đời, Phật nào lại phù hộ cho việc đánh giết nhau?! Nhưng một ông tướng như thế thì có thể tìm thấy trong sử, mà không phải ở thời chúa Tiên. Đó là Nguyễn Hữu Hào (1644? - 1713).

Nguyễn Hữu Hào là con của Nguyễn Hữu Dật (1604-1681), anh của Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), tước Hào Lương hầu, cả ba vị đều lừng danh võ tướng xứ Đàng Trong, riêng Nguyễn Hữu Hào còn giỏi về văn học. Năm 1689, ông làm cai cơ, trấn thủ Cựu Dinh (Quảng Trị), rồi được điều vào Nam làm tham mưu giúp Mai Vạn Long đánh Chân Lạp. Năm 1690, mắc mưu nữ sứ Chân Lạp là Chiêm Rao Luật, hai ông phạm tội "chần chờ làm hỏng việc quân" nên bị cách hết chức tước, đuổi về làm dân thường. Ông dựng nhà gần núi Hòn Mô, chơi cảnh và đọc sách. Năm 1691, Nguyễn Phúc Chu lên ngôi chúa; phục chức cho ông, lại thăng Chưởng cơ. Năm 1694, chúa mời Hòa thượng Thạch Liêm sang Phú Xuân, ở tại chùa Thiền Lâm mở đàn truyền giới. Thạch Liêm thường cùng ông trao đổi thư từ bàn về văn chương. Năm 1704 ông ra trấn thủ Quảng Bình. Nhân việc công thong thả, dinh trấn yên vui, ông viết Song Tinh, truyện nôm đầu tiên trong lịch sử văn học miền Nam. Ông mất tại nhiệm sở năm 1713, tặng Đôn Hậu công thần, Thụy Nhu từ.

Hành trạng này có chỗ khớp với truyền thuyết như về địa điểm gần núi Hòn Mô (tên cũ của núi Ngự Bình), và chi tiết hai lần làm tướng. Việc lập chùa thờ Phật là thói quen của tầng lớp quí tộc và quan lại xứ Đàng Trong. Do đó, việc Nguyễn Hữu Hào dựng thảo am năm 1690 cũng là bình thường. Có lẽ lúc ấy ông thấy đường công danh đã dứt, quyết chí tu hành trốn đời lánh tục, biết đâu còn có dịp trở lại quan trường...

Không rõ sau khi ông ra trấn thủ Quảng Bình, ai thừa kế thảo am, hay bỏ hoang một thời gian. Sau này, những lần trùng tu sùng tạo được Lâm Mậu thuật lại khá rõ:

- Năm 1827, Hoà thượng Tĩnh Viên mở rộng quy mô chùa, ngọc vàng rạng rỡ, quả là một tòa b đề lớn trong cõi núi rừng, công chúa Nguyễn Ngọc Nguyệt, cung tần Tống Thị Thuận và đề đốc Tôn Thất Đính cùng tiếp tay với các đàn Việt làm thêm...

- Năm 1895, chùa hư hỏng nặng không sửa chữa nổi, tự trưởng Nguyễn Thái Tứ (hiệu Chính Động đại sư) cúng dường cho Hòa thượng Cương Kỷ chùa Từ Hiếu. Phần tiền đường cũ bị giở đưa đi. Sau đó, bà tì kheo họ Hồ, pháp danh Thanh Linh xin bỏ tiền ra trùng tu, “điện Phật ca không, phòng tăng nhà bếp rạng r đổi mới; tranh tượng đồ thờ trang nghiêm, đầy đủ. Rồi hòa thượng Tịnh Minh làm tự trưởng mới bắt đầu xây dựng tòa tam quan và đúc quả đại hồng chung còn lại đến ngày nay.

- Năm 1927, Tịnh Minh mất, chùa lại hoang phế. Năm 1930 theo lời thỉnh cầu của con gái bà họ Hồ là Nguyễn Thị Kim Đính, Giáo hội cử Nguyễn Văn Trí (pháp danh Tâm Diên, tự Y Truyền) về làm tự trưởng. Rồi bà Lê Thị Vượng (vợ ông quan năm Pháp) bỏ tiền ra trùng tu. Công việc xong xuôi, sư Giác Tiên chùa trúc Lâm mới nhờ Lâm Mậu làm bài văn khắc vào bia đá để ghi sự tích.

Quy mô hiện nay là do các tự trưởng, trụ trì kế tục sửa sang, tôn tạo, nhưng đất đai thì dần dần thu hẹp, vì nhượng lại cho các tín đồ làm nhà ở. Chùa xây trên đỉnh đồi, quay mặt ra sông Bến Ngự, con đường xe lửa chạy bọc quanh dưới chân đồi. Cảnh trí trông rất khoáng đãng. Các sư tăng đồ đệ ra sức trồng cây cành điểm xuyết thêm vẻ trang nhã thâm u. Từ ngoài vào, không có thành quách, qua cổng tam quan là cái sân rộng rãi bằng phẳng. Tháp mộ đại sư Tịnh Minh nằm ở khu vườn bên trái. Cuối sân, tòa Phật điện nguy nga, do hậu điện ngày xưa được cải tạo lại, cùng với những tăng xá tịnh thất hợp thành chữ "khẩu".

Thực ra, lai lịch chùa Phổ Quang thì cũng đại khái như bao ngôi chùa khác trong vùng, quy mô lại bình thường chẳng có gì đặc biệt. Lâm Mậu viết: sự thịnh suy của đạo Phật không liên quan gì đến sự hưng phế của một ngôi chùa. Sở dĩ chúng tôi chú ý đến nó, vì nơi đây ít nhiều cũng từng phảng phất bóng dáng của nhà thơ - võ tướng Nguyễn Hữu Hào và còn là chỗ tạm trú của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

Theo hồi ký của nhiều người (Đào Duy Anh, Lâm Hồng Phấn, Tôn Quang Phiệt...), thì sau phiên xử ngày 23-11-1925 của Hội đồng đề hình Hà Nội, thực dân Pháp buộc phải ân xá Phan Bội Châu trước áp lực của nhân dân cả nước. Nhưng để ngăn chặn ảnh hưởng của cụ trong đồng bào, chúng đưa cụ về Huế, ép ở tại dinh của Nguyễn Bá Trác, một tên phản bội đang làm thị lang bộ Hình. Nhân dân và trí thức Huế kéo đến chất vấn Trác khiến y hoảng sợ, phải đưa cụ ra ở nhà riêng của Phan Khắc Hòe tại Đập Đá. Nhưng Phan Khắc Hòe cũng đang là công chức của chính phủ Pháp, làm tham tá tòa sứ Thừa Thiên, nên dư luận vẫn xôn xao phản đối. Thực dân đành cho cụ tự do, tất nhiên đặt dưới sự giám sát của bọn mật thám. Nhóm trí thức như Lê Ấm, Trần Đình Nam, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Đình Huân... điều đình với Trụ trì chùa Phổ Quang. Đại sư Tịnh Minh cũng có lòng yêu nước, khẳng khái nhận lời. Đại sư, nhân dân gọi là thầy Huân, thu xếp nhường dãy tăng xá bên phải cho cụ Phan cư ngụ và tiếp khách...

"Ông già Bến Ngự" ở đây ngót nửa năm (từ 6-1926 đến 1-1927), nhà chùa trở nên rộn rịp khác thường. Một vị tu theo đạo thanh tĩnh sống bên cạnh một vị tu theo đạo "yêu nước" nhưng không có gì mâu thuẫn. Chính nơi đây, hàu hết các thanh niên nam nữ nhiệt tình lo lắng cho tiền đồ Tổ quốc trên đất thần kinh đều quy tụ xung quanh cụ Phan, nhen nhúm các hoạt động, các phong trào chống thực dân Pháp. Nữ công học hội ra đời ngay từ tháng 6 năm 1926 tại tăng xá, nhằm giáo dục và giúp đỡ phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, cụ Phan làm cố vấn cho hội, hội trưởng là Tôn Nữ Đồng Canh (con gái thứ hai của Hoằng Hóa quận vương, tức cháu nội của Minh Mạng, tự Quý Nương, hiệu Đạm Phương), tổng thư ký là bà Trần Quang Khải, thư ký là Trần Thị Như Mân... Ít lâu sau, đồng bào trong nước gửi tiền về tặng, cụ mới nhờ người mua đất làm nhà trên dốc và dời lên ở đầu năm 1927.

Cách mấy tháng, đại sư Tịnh Minh chết, không biết cụ có viếng câu đối nào để lưu tình chăng?

L.N.L
(TCSH54/03&4-1993)

 

----------------------
(1) Lâm Mậu là con của Lâm Sum (ông Sum làm tri huyện ở Duy Xuyên, tham gia phong trào Cần Vương, thất bại, bỏ quan về làm thuốc), đỗ giải nguyên, tốt nghiệp trường Hậu bổ, chỉ xin đi dạy học. Ông làm hiệu trưởng các trường Sơ đẳng ở Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh), rồi Quảng Ninh (Quảng Bình), năm 1926 đổi về Huế dạy môn Quốc văn trường Đồng Khánh (nay Hai Bà Trưng), ông thường đi lại với Phan Bội Châu, giao du với các nhà sư, giúp Đào Duy Anh soạn từ điển Hán Việt. Con gái là Lâm Thị Cẩm, con trai là Lâm Hồng Phấn (1921 - 1982) đều có tham gia hoạt động cách mạng.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tiếng Huế chay (05/07/2023)