Ai ra xứ Huế
Về địa danh hành chính “Thuận Hóa” trong lịch sử
08:51 | 25/04/2024


VÕ VINH QUANG

Về địa danh hành chính “Thuận Hóa” trong lịch sử
Thừa Tuyên Thuận Hóa trong Hồng Đức Bản Đồ - Ảnh: wikipedia

1. Lời dẫn

Thuận Hóa (順化) là đơn vị hành chính xuất hiện từ đời Trần, vốn từ hai châu Ô - Lý, được vua Chăm Pa là Chế Mân dùng làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân (con vua Trần Nhân Tông, em vua Trần Anh Tông). Đại Việt sử ký toàn thư chép: “[Bính Ngọ, niên hiệu Hưng Long năm thứ 14 (1306) đời vua Trần Anh Tông] Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân1. Sau khi gả cưới công chúa Huyền Trân, vào năm Đinh Mùi (1307) “Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó. Trước đấy, chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua [Trần Anh Tông] sai Nhữ Hài đến tuyên dụ ý đức [của nhà vua] chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về”2.

Về sự kiện này, Đại Nam nhất thống chí lược thuật, cho biết rằng: “Đời Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 14 (1306), chúa Chiêm Thành là Chế Mân sai sứ sang cầu hôn, vua gả cho Huyền Trân công chúa. Chế Mân dâng đất hai châu Ô, Lý làm lễ cưới; năm thứ 15 (1307), đổi hai châu Ô, Lý làm hai châu Thuận, Hóa...3.

Như vậy, sử sách đã ghi chép khá rõ ràng về địa danh hành chính Thuận Hóa, đó là cách gọi chung, chỉ vùng đất gồm châu Thuận và châu Hóa thời Trần, được hình thành vào năm 1307, sau cuộc hôn nhân chính trị của Chế Mân (vua Chăm) và Huyền Trân công chúa.

Vừa rồi, có một số thông tin cho rằng danh xưng Thuận Hóa với tư cách là địa danh hành chính bắt đầu xuất hiện vào thời nhà Minh đô hộ nước ta, với tên gọi “phủ Thuận Hóa”, chứ không phải là tồn tại từ đời Trần. Vấn đề này khá thú vị, là ý kiến gợi mở để chúng tôi tiếp tục có những luận bàn kỹ càng hơn, và xin được trình bày ở bài viết dưới đây.

2. Đơn vị hành chính Thun Hóa trong lịch sử

Phủ Thuận Hóa là đơn vị hành chính thời nhà Minh xâm lược nước ta (1407 - 1427), sách Đại Nam nhất thống chí chép:

“...cuối đời Trần, thuộc nhà Minh, đổi đặt phủ Thuận Hóa, đem châu Thuận và châu Hóa lệ vào (Thiên Hạ quận quốc lợi bịnh thư chép rằng: Nhà Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 2 (1404), đặt 1 phủ lãnh 2 châu: châu Thuận có 4 huyện là Thạch Lan, Ba Lãng, Lợi Điền và An Nhân; châu Hóa có 7 huyện là Lợi Bồng, Sĩ Vang, Sa Lệnh, Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài và Bồ Lãng. Năm thứ 17 (1419) hợp 2 huyện Lợi Bồng và Tư Dung vào huyện Sĩ Vang, lại hợp 3 huyện Sa Lệnh, Bồ Đài và Bồ Lãng vào châu Hóa, còn 4 huyện châu Thuận thì đều hợp vào bản châu).4

Tuy vậy, phủ Thuận Hóa không phải là đơn vị hành chính đầu tiên của Thuận Hóa. Ngược lại, tên gọi Thuận Hóa và địa danh hành chính Thuận Hóa đã hiện hữu trong suốt thời Trần, được Đại Việt sử ký toàn thư và các thư tịch sử sách đương thời, cũng như nhiều đời sau biên chép. Cụ thể, tại mục Bản kỷ VII, phần chép về hoàng đế Trần Dụ Tông [Trần Hạo] ở Đại Việt sử ký toàn thư5, tờ 25a có đoạn:

Chữ Hán:

夏 四 月 命 杜 子 平 定 補 林 平 順 化 軍 及 繕 完 化 州城

Phiên âm:

Hạ tứ nguyệt, mệnh Đỗ Tử Bình định bổ Lâm Bình, Thuận Hóa quân cập thiện hoàn Hóa Châu thành.


Nghĩa là:

Nm Dần, [niên hiệu Đại Trị] năm thứ 5 [1362]... Mùa Hạ, tháng 4, sai Đỗ Tử Bình duyệt bổ quân lính ở Lâm Bình, Thuận Hóa và đắp thành Hóa Châu.

Tiếp đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần Duệ Tông hoàng đế [Trần Kính] ở Bản kỷ VII, tờ 43b chép rằng:

Hán văn:

命 黎 季 犛 督 乂 安 新 平 順 化 漕 運 以 給 軍. 初 占 城 主 制 蓬 峩 擾 邊 命 行 遣 杜 子 平 将 兵 鎮 化 州. 蓬 峩 賫 金 十 盤 上 進 子 平 盗 隱 入 已 詐 言 蓬 峩 傲 慢 無 禮 宜 加 兵 討 之 帝 大 怒 决 意 親 征. 時 官 軍 至 瀰 淪 海 門 諸 軍 駕 海 而 行. 帝 乘 馬 領 步 軍 縁 海 岸 至 日 麗 海 口 駐 營 操 練 一 箇 月. 新 平 順 化 人 虜 獲 占 人 迯 者 來 献.

Phiên âm:

... Mệnh Lê Quý Ly đốc Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa tào vận dĩ cấp quân. Sơ, Chiêm Thành chúa Chế Bồng Nga nhiễu biên, mệnh Hành khiển Đỗ Tử Bình tương binh trấn Hóa Châu. Bồng Nga tê kim thập bàn thượng tiến, Tử Bình đạo ẩn nhập dĩ trá ngôn, Bồng Nga ngạo mạn vô lễ nghi gia binh thảo chi Đế đại nộ quyết ý thân chinh. Thời, quan quân chí Di Luân hải môn chư quân giá hải nhi hành. Đế thừa mã lĩnh bộ quân duyên hải ngạn chí Nhật Lệ hải khẩu trú doanh, thao luyện nhất cá nguyệt. Tân Bình, Thuận Hóa nhân lỗ hoạch Chiêm nhân đào giả lai hiến.


Dịch nghĩa:

[Duệ Tông hoàng đế, Bính Thìn, Long Khánh năm thứ 4 - Dương lịch năm 1376, Tháng Chạp]... [Vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, dẫn 12 vạn quân xuất phát từ Kinh Sư...]... Sai Lê Quý Ly đốc thúc Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa chở lương cấp cho quân. Trước đây, chúa Chiêm Thành Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng lên [vua]. Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh. Bấy giờ quan quân đến cửa biển Di Luân, các quân vượt biển mà tiến. Vua cưỡi ngựa dẫn quân bộ, men theo bờ biển, đến cửa biển Nhật Lệ đóng quân lại, luyện tập trong một tháng. Người Tân Bình, Thuận Hóa bắt được người Chiêm trốn sang, đem đến dâng nộp.

Phần Bản kỷ VIII (tờ 18a-b), mục chép đời Trần Thuận Tông hoàng đế [Trần Ngung] ở Đại Việt sử ký toàn thư tiếp tục cho biết rằng:

Hán văn:

朝 廷 雖 以 黎 可 鑄 為 两 路 安 撫 使 但 在 京 遙 鎮 未 嘗 到 郡 惟 土 豪 潘 猛 范 矜 率 眾 歸 順. 猛 有膽 畧 多 覘 賊 情 有 邀 擊 奔 卒 之 功 上 皇 賞 賜 特 厚 官 至 翊 衛 将 軍 又 陞 威 明 将 軍 管 新 平 順 化 聖 翊 軍帶金 雲 符

Phiên âm:

Triều đình tuy dĩ Lê Khả Chú vi lưỡng lộ An phủ sứ, đản tại kinh dao trấn, vị thường đáo quận, duy thổ hào Phan Mãnh, Phạm Căng suất chúng quy thuận. Mãnh hữu đảm lược đa siêm tặc tình hữu yêu kích bôn tốt chi công, Thượng hoàng thưởng tứ đặc hậu quan chí Dực vệ tướng quân, hựu thăng Uy Minh tướng quân quản Tân Bình, Thuận Hóa Thánh Dực quân, đái kim vân phù.


Dịch nghĩa:

[Canh Ngọ, [Quang Thái] năm thứ 3 [1390]... Mùa xuân, tháng giêng, ngày 23, đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều, giết được chúa nó là Chế Bồng Nga.....] Triều đình tuy đã lấy Lê Khả Chú làm An phủ sứ hai lộ [Tân Bình, Thuận Hóa] ấy, nhưng chỉ ở kinh sư mà trấn trị từ xa, chứ chưa bao giờ tới quận. Chỉ có thổ hào Phan Mãnh và Phạm Căng đem dân chúng quy thuận. Mãnh là người can đảm mưu lược, dò biết được nhiều tình hình của giặc, lại có công đón đánh quân giặc bại trận chạy qua. Thượng hoàng thưởng cho rất hậu, cho làm tới Dực vệ quân, lại thăng làm Uy Minh tướng quân, chỉ huy quân Thánh Dực ở Tân Bình và Thuận Hóa, đeo vân phù vàng.

Tên gọi (địa danh) Thuận Hóa ở đoạn trích năm 1390 đời hoàng đế Trần Thuận Tông này đã góp phần làm rõ đơn vị hành chính “lộ” 路 của Thuận Hóa. Theo đó, nhà vua đã giao cho Lê Khả Chú chức “Lưỡng Lộ An phủ sứ” (An Phủ sứ hai LỘ Tân Bình - Thuận Hóa). Vậy nên, đây chính là tư liệu thực chứng góp phần khẳng định rằng Thuận Hóa thời Trần từ sau năm 1307, vốn từ 2 châu dần thuộc đơn vị hành chính “lộ” 路. Cấp hành chính “Lộ” “Trấn” và “Phủ” là các đơn vị hành chính địa phương cao nhất ở đời Trần.

Lộ Thuận Hóa một lần nữa được ghi nhận xuất hiện trước thời nhà Minh đô hộ (theo ghi nhận của Đại Nam nhất thống chí, đã dẫn ở trên). Cụ thể, vào triều vua Hồ Hán Thương, năm Thiệu Thành thứ 2 (1402), sách Đại Việt sử ký toàn thư đã nhắc tới lộ Thuận Hóa, ở đoạn dưới đây:

Hán văn:

[壬 午 漢 蒼 紹 成 二 年, 秋 七 月... 占 主 巴 的 吏 惧 遣 舅 布 田 進 白 黑 象 二 及 諸 方 物 仍 献 占 洞 之 地 請 退 師. 布 田 至 季 犛 脅 使 改表倂以古壘洞納之

因分其地爲升華思義四州 置升華路安撫使副以 轄之其原頭為新寕鎮 占城收其近便人民還國存者補 為軍.漢蒼調除順化路撫使阮景真為升華路安撫使 景真上言請依漢唐故事募人納粟以實邊或賜爵或免 罪名有差

Phiên âm:

[Nhâm Ngọ, Hán Thương Thiệu Thành nhị niên, thu thất nguyệt...] Chiêm chúa Ba Đích Lại cụ, khiển cữu Bố Điền tiến bạch hắc tượng nhị, cập chư phương vật, nhưng hiến Chiêm Động chi địa thỉnh thối sư. Bố Điền chí, Quý Ly hiếp sử cải biểu tính dĩ Cổ Lũy động nạp chi. Nhân phân kì địa vi Thăng Hoa Tư Nghĩa tứ châu, trí Thăng Hoa lộ An phủ sứ, Phó dĩ hạt chi, kì nguyên đầu vi Tân Ninh trấn. Chiêm Thành thu kì cận, tiện nhân dân hoàn quốc tồn giả bổ vi quân.

n Thương điều trừ Thuận Hóa lộ An phủ sứ Nguyễn Cảnh Chân vi Thăng Hoa lộ An phủ sứ. Cảnh Chân thướng ngôn thỉnh y Hán Đường cố sự, mộ nhân nạp túc, dĩ thật biên, hoặc tứ tước, hoặc miễn tội danh hữu sai.


Dịch nghĩa:

[Nhâm Ngọ [1402], Hán Thương Thiệu Thành năm thứ 2...] [a thu, tháng 7]... Chúa Chiêm là Ba Đích Lại sợ, sai cậu là Bố Điền dâng một voi trắng, một voi đen và các sản vật địa phương, lại dâng đất Chiêm Động để xin rút quân. Bố Điền tới, Quý Ly bắt ép phải sửa tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy. Rồi chia đất ấy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Đặt An phủ sứ và An phủ phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị; miền đầu nguồn đất ấy thì đặt trấn Tân Ninh. Chiêm Thành thu lấy những dân phụ cận đưa về nước. Người ở lại thì bổ làm quân.

Hán Thương điều An phủ sứ lộ Thuận Hóa là Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Cảnh Chân dâng thư nói xin theo việc cũ của nhà Hán, nhà Đường, mộ người nộp thóc để việc phòng bị biên cương được đầy đủ, những người nộp thóc thì hoặc ban tước cho, hoặc được miễn tội tùy theo mức độ.

Thậm chí, ngay vào lúc nhà Minh xâm lược nước ta (1407 - 1427), dẫu triều Minh áp đặt sự đô hộ và đổi đơn vị hành chính ở Thuận Hóa thành đơn vị “phủ” 府- phủ Thuận Hóa, thì thời điểm ấy cũng thuộc triều Hậu Trần của Đại Việt, dưới trướng của Giản Định đế Trần Ngỗi (1407 - 1409), Thuận Hóa cũng được sử dụng tên gọi hành chính “Lộ”, tức “lộ Thuận Hóa”. Cụ thể, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng:

Hán văn:

冬十月國公鄧悉調順化新平乂安演州清化等路軍進討東都師經長安福成等䖏舊官属及諸豪傑無不 應從

Phiên âm:

Đông, thập nguyệt, quốc công Đặng Tất điều Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa đẳng lộ quân tiến thảo Đông Đô. Sư kinh Trường An, Phúc Thành đẳng xứ, cựu quan thuộc cập chư hào kiệt vô bất ứng tòng.


Dịch nghĩa:

[Mậu Tý, [niên hiệu Hưng Khánh] năm thứ 2] (1408), Mùa đông, tháng 10, quốc công Đặng Tất điều quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến đánh Đông Đô. Khi quân đi qua các xứ Trường Yên, Phúc Thành, các quan thuộc cũ và các hào kiệt không ai không hưởng ứng đi theo.

Qua các dẫn liệu trên từ Đại Việt sử ký toàn thư - một trong những bộ chính sử quan trọng và khả tín nhất của đất nước ta - chúng tôi cho rằng địa danh hành chính Thuận Hóa giai đoạn đầulà sự hợp nhất giữa 2 châu Thuận - Hóa, về cuối đời Trần thì được đưa vào danh mục “Lộ” 路- lộ Thuận Hóa (một đơn vị hành chính lớn, trực thuộc 20 đơn vị Trấn - Lộ trong toàn lãnh thổ Đại Việt thời Trần6).

3. Thay lời tạm kết

Theo Lịch triều hiến chương loại chí, đất Thuận Hóa xưa kia thuộc Việt Thường. Đến thời Lý sơ, vua Thái Tông thân chinh Chiêm Thành, chúa Chiêm hiến đất 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Lý Thường Kiệt theo lệnh vua Lý Nhân Tông, đổi Địa Lý thành châu Lâm Bình, Ma Linh thành châu Minh Linh. Năm Long Phù thứ 3, chúa Chiêm là Chế Ma Na sang cướp phá nước ta, lấy lại ba châu cũ của Chiêm Thành. Nhưng đến năm thứ 4, Lý Thường Kiệt lại đánh dẹp quân Chiêm, Chế Ma Na phải nạp hoàn ba châu ấy. Năm Hưng Long thứ 14, vua Anh Tông nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm là Chế Mân, Chiêm cắt đất dâng hai châu Ô - Lý làm lễ dẫn cưới, hai châu ấy liền được đổi làm châu Thuận và châu Hóa.

Thời nhà Minh xâm lược, triều Minh đặt làm hai phủ Tân Bình và Thuận Hóa. Thời Lê Sơ, vua Lê Thái Tổ vẫn theo như cũ, và đặt chức lộ tổng quản và Tri phủ. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) vua Lê Thánh Tông đặt làm Thừa tuyên Thuận Hóa kiêm quản 2 phủ (Tân Bình, Triệu Phong) và8 huyện7. Đến niên hiệu Hồng Thuận (1509 - 1516) đời vua Lê Tương Dực thì gọi Thuận Hóa là Trấn. Và, vào giai đoạn quân chúa Trịnh vào “bình Nam”, chiếm cứ đất này từ năm Ất Mùi (1775) trở đi thì gọi Thuận Hóa là Xứ.

Qua các thông tin tham chiếu từ chính sử, cùng các sách địa chí, chúng tôi thấy rằng địa danh Thuận Hóa từ ngày hình thành (gồm 2 châu Thuận và châu Hóa năm 1307) đã trải qua nhiều đơn vị hành chính khác nhau, như Châu, Lộ, Thừa tuyên, Trấn, Xứ... cùng đó là cương vực, lãnh thổ ở mỗi thời kỳ sẽ có sự biến đổi, dị biệt. Song, về cơ bản, vùng đất Thuận Hóa xưa kia nằm trong giới hạn từ Bắc Quảng Trị (ngày nay) cho đến phía bắc Điện Bàn. Dẫu thế nào thì tên gọi Thuận Hóa cũng đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ XIV, dưới các triều vua nhà Trần, chứ không phải hiện hữu vào giai đoạn nhà Minh đô hộ như một số nhận định gần đây.

Huế, ngày 01 tháng 03 năm 2024
V.V.Q
(TCSH52SDB/03-2024)

--------------------------
1 Quốc sử quán triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư (Bản in Nội Các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18/1697. Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính), tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, H. Tr.90.
2 Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Sđd, tr.91.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, tập 1 (Viện Sử học dịch), Nxb. Thuận Hóa, tr.14.
4 Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Sđd, tr.91.
5 Các ảnh bản Đại Việt sử ký toàn thưtrong bài viết này được chúng tôi trích dùng từ trang https://www.nomfoundation. org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Search-History-of-Greater-Vietnam?uiLang=en của Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm.
6 Theo Đào Duy Anh trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời, mục Nước Đại Việt ở đời Trần và đời Hồ (Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.127) thì cuối đời Trần có 20 Trấn, Lộ như sau: 1/ Lộ Đông Đô, 2/ Lộ Bắc Giang, 3/ Lộ Lạng Giang, 4/ Lộ Lạng Sơn, 5/ Phủ lộ Thiên Trường, tức lộ Sơn Nam, 6/ Lộ Long Hưng, 7/ Lộ Khoái Châu, 8/ Phủ lộ Kiến Xương, 9/ Lộ Hoàng Giang, 10/ Trấn Thiên Quan, 11/ Phủ lộ Tân Hưng, 12/ Lộ Hải Đông, 13/ Lộ Tam Giang, 14/ Trấn Quảng Oai, 15/ Trấn Thiên Hưng, 16/ Trấn Thanh Đô, 17/ Trấn Vọng Giang, 18/ Trấn Tây Bình, 19/ Trấn (lộ?) Thuận Hóa, 20/ Lộ Thăng Hoa.

Tại sách này, học giả Đào Duy Anh chưa xác định rõ Thuận Hóa cuối thời Trần là Trấn, hay Lộ. Căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư thì chúng tôi cho rằng Thuận Hóa bấy giờ thuộc đơn vị hành chính LỘ, tức Lộ Thuận Hóa.
7 Phan Huy Chú (1972), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1 (Bản dịch của Tố Nguyên Nguyễn Thọ Dực), Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa xuất bản, tr.343-344.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)