TRẦN VĂN DŨNG
Di tích Hưng Miếu là một trong những công trình thờ tự quan trọng bậc nhất bên trong Đại Nội Huế. Đây là ngôi miếu thờ ngài Nguyễn Phúc Côn và bà Nguyễn Thị Hoàn, song thân của vua Gia Long.
Mặc dù ngôi miếu ban đầu1 (1804) đã được thay thế bằng kiến trúc phủ đệ của ông hoàng Nguyễn Phúc Quang (1951), nhưng đây vẫn được xem là một di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao. Tại kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Bảo quản, tu bổ di tích Hưng Miếu” với tổng mức đầu tư là 47,730 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Việc quan tâm nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo di tích Hưng Miếu là điều hết sức cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới, thu hút khách du lịch trong ngoài nước đến tham quan.
Nội thất Hưng Miếu |
Cho đến nay trong giới nghiên cứu vẫn còn tranh luận và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sự kiện tái dựng Hưng Miếu vào năm 1951. Cụ thể như ông hoàng Nguyễn Phúc Quang có tước vị An Khánh vương hay An Khánh Quận vương? Địa điểm tọa lạc phủ đệ của ông hoàng An Khánh nằm ở đâu? Vì sao ngôi phủ đệ này lại có quy mô kiến trúc bề thế đến như vậy? Số phận phủ An Khánh hiện giờ ra sao?... Thông qua một số sử liệu quan phương nhà Nguyễn và tư liệu khảo sát điền dã, bài viết này sẽ cố gắng góp phần giải mã những tồn nghi nêu trên.
1. Lai lịch của ông hoàng Nguyễn Phúc Quang và một số hậu duệ
Ông hoàng Nguyễn Phúc Quang 阮福㫕sinh ngày 23 tháng 7 năm Tân Mùi (tức ngày 10/9/1811), là con trai thứ 12 của vua Gia Long, mẹ là Mỹ nhân Trịnh Thị Thanh2. Năm Minh Mạng thứ 6 [1825], ông hoàng Quang được triều đình tấn phong tước An Khánh Công 安慶公. Sách Đại Nam thực lục có đoạn chép: “Phong hoàng đệ Quang làm An Khánh Công, hoàng đệ Mão làm Từ Sơn Công, cho sách phong và ấn, cấp bổng hằng năm theo lệ các tước Công (mỗi năm tiền 3.000 quan, gạo trắng 60 phương, gạo lương 1.940 phương)”3. Đến năm thứ 21 [1840], vua Minh Mạng cho đúc các con thú bằng vàng để ban thưởng cho các hoàng thân, hoàng tử; trong đó hoàng thân An Khánh Công được ban cho một con kỳ lân bằng vàng nặng 3 lạng 5 đồng cân4.
Năm Thiệu Trị Nguyên niên [1841], với thân phận và địa vị cao quý là hoàng thúc của nhà vua đương triều, vua Thiệu Trị đã ban dụ miễn cho đức ông An Khánh Công cùng với các hoàng thân Kiến An Công, Định Viễn Công, Diên Khánh Công, Điện Bàn Công, Thường Tín Công, Từ Sơn Công khỏi phải lạy ngày thường chầu, trừ khi triều hội và các điển lễ lớn5. Đến năm Thiệu Trị thứ 4 [1844], triều đình tổ chức lễ tế trời đất ở đàn Nam Giao. Sau khi lễ tế Giao xong, vua Thiệu Trị đã trọng thưởng cho các hoàng thúc, hoàng thân, hoàng tử và các quan văn võ kim tiền, ngân tiền theo thứ bậc. Đồng thời, các vị hoàng thúc như đức ông An Khánh Công đều được nhà vua ban thêm một đồng kim tiền lớn hạng nhất có đề chữ “Long vân khế hội”6.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, vào ngày 25 tháng 5 năm Ất Tỵ (tức ngày 29/6/1845) đức ông An Khánh Công qua đời, hưởng thọ 35 tuổi. Để tỏ lòng tiếc thương, vua Thiệu Trị ra lệnh nghỉ chầu 3 ngày, ban thụy là Trang Mẫn 莊 敏, cấp cho 2000 quan tiền, nhiều gấm vóc và phái hoàng thân Thọ Xuân Công Miên Định khâm mệnh đến tế một tuần rượu7. Viên tẩm của đức ông An Khánh Công được triều đình xây dựng tại làng Trúc Lâm, tổng An Ninh, huyện Hương Trà (nay thuộc phường Hương Hồ, thành phố Huế). Đến năm Thành Thái thứ 11 [1899], đức ông An Khánh Công được nhà vua truy tặng làm An Khánh Quận vương8 安慶郡王, cải thụy thành Trang Cung 莊恭.
Đức ông An Khánh Quận vương khai mở ra Phủ - Phòng 12 thuộc Đệ Nhất chánh hệ và được ngự ban bài Phiên hệ thi để làm chữ lót đặt tên cho con cháu hậu duệ:
“Khâm tùng xưng ý phạm 欽從稱懿範
Nhã chánh thủy hoằng qui 雅正始弘規
Khải để đằng cần dự 愷悌騰勤譽
Quyến ninh cọng trấp hy 眷寧共緝熙”9
Năm Thành Thái thứ 2 [1890], theo lệ định đức ông An Khánh Quận vương qua đời mà không có con nối dõi thờ tự nên Phủ Tôn Nhơn dâng phiến xin chỉ dụ, chuẩn cho công tử Diên Điệp10 làm quá kế11 phòng An Khánh Quận vương để gìn giữ việc hương hỏa và trông coi nghi lễ tế tự, đổi tên thành Khâm Thạnh cho hợp với bài Phiên hệ thi và cách đặt tên trong phòng này đã được quy định dưới triều vua Minh Mạng12. Đến năm Thành Thái thứ 4 [1892], công tử Khâm Thạnh được triều đình tập phong tước An Khánh Huyện công (hàm Tòng Nhị phẩm). Năm sau (1903), ông được vua Thành Thái ân phong tước An Khánh Quận công (hàm Chánh Nhị phẩm).
Lúc bấy giờ, trong phủ An Khánh Quận vương có một số người làm quan lớn trong triều và kinh doanh buôn bán phát đạt nên phủ sở hữu, quản lý nhiều ruộng đất, nhà cửa ở Huế và vùng phụ cận. Do vậy, các thành viên thuộc phủ An Khánh Quận vương đã có nhiều đóng góp đối với việc xây dựng, trùng tu nhiều chùa chiền, đình miếu ở mảnh đất Thần kinh.
Trước tiên phải kể đến Khâm Thạnh 欽墭(1842 - 1909) được triều đình bổ nhiệm các chức vụ như Thừa phái Bộ Hộ (1873), Tư vụ (1874), Viên Ngoại lang, Giám thủ Triển Thân từ (1884), Tri huyện Nông Cống (1885), Tri phủ Hà Trung kiêm Tri phủ Thiệu Hóa (1886), Điển tịch (1888)… Quận công Khâm Thạnh cùng bà thứ thất Nguyễn Ngọc Thị Can đã cúng nhiều tiền bạc để xây dựng, trùng tu đình chùa ở Huế; góp công sức khai lập làng An Bình (nay thuộc phường Hương Hồ, thành phố Huế).
Tùng Lễ 從(1869 - 1954) là con trai trưởng của Quận công Khâm Thạnh, mẹ là bà Hồ Ngọc Thị Bình. Năm Thành Thái thứ 13 [1901], ông được triều đình ân phong tước Trợ Quốc khanh. Đến năm Duy Tân thứ 4 [1910], Tùng Lễ được cải thụ hàm Hồng lô tự Thiếu khanh, bổ lãnh chức Phụng hộ Phó sứ. Năm 1922, vua Khải Định thấy ông là người có học hạnh nên đã ban dụ chuẩn cho cải thụ hàm Quang lộc Tự khanh kiêm nhiếp Hữu Tôn khanh Phủ Tôn Nhơn13. Với chức phận này, vào năm 1924 Tùng Lễ được nhà vua tin tưởng giao nhiệm vụ làm Tổng Toản tu để tiến hành chỉnh sửa và bổ sung Tôn phả14. Sau khi về hưu, ông được vua Bảo Đại vinh thăng hàm Tham tri Bộ Lễ trí sự. Mặc dù được xem là một trong những người giàu có trong giới hoàng tộc lúc đó, nhưng cụ Tùng Lễ luôn giáo dục con cái rất chu đáo, chi tiêu có chừng mực chứ không hoang phí. Cụ cũng từng là chủ nhân một thời của nhà vườn An Hiên nổi tiếng15.
Tiếp đến là Xưng Trị 稱治 (1895 - 1955) là con trai trưởng của Tham tri Tùng Lễ, mẹ là bà Phạm Như Thị Khiêm. Ý Trinh 懿檉 (1912 - 1987) là con trai trưởng của Kỳ Ngoại hầu Xưng Trị, mẹ là bà Trương Thị Phương.
Sơ đồ phong tước tại phủ An Khánh Quận vương |
2. Phủ An Khánh Quận vương một thuở vàng son
Đức ông An Khánh mất mà không có con thừa tự nên được triều đình cho thờ phụng tại gian hữu nhất đền Triển Thân. Năm Thiệu Trị thứ 6 [1846], Phủ Tôn Nhơn và Bộ Lễ dâng tấu trình lên nhà vua cho đổi bán phủ đệ của đức ông An Khánh để nộp vào ngân khố. Sau đó, vua Thiệu Trị phán rằng: “Việc thờ Thân công và đền sở thờ sinh mẫu của Công, đã được Nhà nước làm cho, phủ đệ ấy cũng giao cho Tôn Nhơn Phủ đổi bán giữ lại, để chi về hương đèn hằng năm và tụng kinh, không nên nộp kho làm gì. Lại vì Công và Nghĩa Quốc Công Miên Tể đã chết đều là phiên vương bậc thân, tất cả các việc thờ tự đều giao cho Tôn Nhơn Phủ thời thường xem xét, cho được chu đáo”16. Đến năm Hàm Nghi Nguyên niên [1885], thần chủ đức ông An Khánh được rước về hợp thờ ở đền Thân Huân.
Sau khi được triều đình cho phép qua giữ việc hương hỏa phủ An Khánh, Khâm Thạnh đã mua 1 mẫu 9 sào đất của Nguyễn Hữu Đình ở làng Xuân Hòa để xây dựng lại phủ thờ vào năm Thành Thái thứ 8 [1896]. Tiếp đó, Khâm Thạnh đã tổ chức nghi lễ nghinh rước thần chủ đức từ Mỹ nhân Trịnh Thị Thanh17 và đức ông An Khánh về thờ tại đây. Quy mô kiến trúc chính của phủ thờ An Khánh Quận vương gồm một tòa nhà kép, với chính đường 3 gian 2 chái kép và tiền đường 5 gian 2 chái đơn; hai ngôi nhà tả hữu và một nhà bếp bằng ngói. Ngoài ra, phủ thờ An Khánh Quận vương còn được trang trí nhiều họa tiết tinh xảo, có giá trị văn hóa và thẩm mỹ. Vì vậy, một số hoa văn trang trí tại phủ thờ này đã được học giả Léopold Michel Cadière (1869 - 1955) đưa vào làm hình ảnh minh họa cho cuốn sách Nghệ thuật Huế (L'Art à Hué) xuất bản vào năm 1919. Đây là tác phẩm đặc sắc, có giá trị như cuốn từ điển bằng tranh về nghệ thuật của xứ Huế nói riêng và Việt Nam xưa nói chung.
Chúng tôi may mắn được tiếp cận bản di chúc của Tham tri Tùng Lễ viết vào ngày 11/10/1938, dưới sự chứng kiến của Tư giáo Đệ Nhất chánh hệ, Lý trưởng làng Xuân Hòa, Kiến An Huyện hầu Kiến Long, Trưởng phòng Kiến An Vương Kiến Long. Và có đóng dấu kiềm của Phủ Tôn Nhơn. Qua nội dung bản di chúc cho biết phủ An Khánh Quận vương thời hoàng kim là một trong những gia tộc giàu có ở Kinh đô Huế. Bởi, phủ An Khánh sở hữu nhiều tài sản, nhà cửa và ruộng đất rộng lớn. Đồng thời là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày nhiều hiện vật quý giá như thể sách, đồ ngự dụng, đồ tự khí, đồ gỗ, đồng, sứ, pháp lam trang trí nội thất, các vật dụng dùng trong sinh hoạt và nghi lễ thể hiện đầy đủ sự vinh quang và sang trọng của chốn hoàng gia. Nội dung di chúc có đoạn viết:
“Hương hỏa An Khánh Quận vương và Tiền triều Mỹ nhân Trịnh Thị Thanh: Sở vườn nhà thờ tại làng Xuân Hòa 1 mẫu 9 sào. Trên sở đất ấy có làm một cái nhà tiền đường hậu tẩm, hai cái nhà tả hữu và một cái nhà bếp bằng ngói. 10 mẫu ruộng tự điền tại làng Công Lương, huyện Hương Thủy, 4 mẫu đất thổ tại làng Vỹ Dạ, huyện Phú Vang và 2 mẫu đất thổ tại làng Long Hồ, huyện Hương Trà. Tự khí của ngài An Khánh Quận vương: 1 cái khám lớn, 1 cái sập, 1 cái hương án đều sơn son thếp vàng, 1 bộ phong công phân phần tự bộ bằng đồng bạch, 1 bộ thể sách phong Quận vương, 1 cái ngai nhỏ, 1 cái ghế quyển chạm cẩn, 1 cái độc lư chạm, 1 cái chuông, 1 cây đèn pha lê, 1 bộ đồ trà bằng ngọc liệu, 1 bộ khay hộp đồng, 1 cái quả mức bằng sành ngoài gỗ sơn son, dĩa và lồng bàn pha lê 1 bộ tròn và 1 bộ lục giác, 1 cái độc bình sành ngũ thể có tỳ, 1 cái thau pha lê, 2 cái cơi sơn son thếp vàng, 2 bát nước long phụng và 1 bộ tam sự. Tự khí của bà Trịnh Thị Thanh: 1 cái sập sơn son thếp vàng, 1 cái khám lớn, 1 cái hương án, 1 cái ngai nhỏ, 1 bộ tam sự”.
Trích bản di chúc của Tham tri Tùng Lễ |
3. Về sự kiện tái dựng Hưng Miếu và số phận của phủ An Khánh Quận vương
Sau khi triều Nguyễn cáo chung (1945), các thành viên hoàng tộc thuộc phủ An Khánh Quận vương rơi vào cảnh kinh tế sa sút. Phần lớn diện tích ruộng đất bị tịch thu, lấn chiếm hoặc bán dần lấy tiền chi dùng cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, phủ An Khánh vẫn còn gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn kiến trúc nhà rường truyền thống, cùng nhiều đồ tự khí quý hiếm.
Vào năm 1951, đức Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) cho gọi Ý Trinh đương chức Chủ tự phủ thờ An Khánh Quận vương đến gặp và tỏ ý muốn mua lại tòa nhà kép cùng 1 chiếc khám thờ, 1 hương án và 1 sập thờ để phục hồi lại Hưng Miếu đã bị phá hủy trong cơn binh hỏa18. Vài ngày sau, cụ Ý Trinh đã triệu tập cuộc họp tất cả các thành viên trong phòng An Khánh Quận vương và đi đến đồng thuận tuân theo lệnh của đức Từ Cung. Và đức Từ Cung cũng đã cho phòng An Khánh Quận vương 350.000 đồng để làm lại phủ thờ và phân phát cho con cháu trong phòng theo thứ bậc. Nội dung “Biên bản Thuận định trong Phòng An Khánh Quận vương” như sau:
“Chúng tôi đồng Phòng, Phòng An Khánh Quận vương đồng thuận trong Phòng lập biên bản này để sắp đặt công việc và phân chia các khoản về Phủ thờ Ngài chúng tôi sau khi đồng Phòng chúng tôi đã dâng Phủ thờ Đức ông về làm lại Hưng Miếu.
Nay trong Phòng đồng thuận ký tên vào biên bản này thì đã thỏa thuận và đồng ý kiến, không thể viện một lẽ gì mà sửa đổi và trở ngại công việc được.
Những khoản ấy kể ra sau này:
Khoản thứ nhất: Đức Đoan Huy Hoàng thái hậu thâu sở nhà thờ ngài An Khánh, để đem về làm Hưng Miếu có ban lại một số tiền Ba trăm năm chục ngàn đồng (350.000$00) để làm lại phủ thờ khác, thờ ngài An Khánh, nay đồng Phòng định trích ra Một năm mươi ngàn đồng (150.000$00) làm lại phủ thờ khác để thờ Ngài.
Khoản thứ hai: Số tiền 150.000$00 làm lại nhà thờ thì Phòng tôi đồng thuận gởi tại Phủ Tôn Nhơn rồi giao Chủ tự là Ý Trinh tuần tự nhận lần để lo làm lại nhà thờ khác.
Khoản thứ ba: Còn lại số tiền 200.000$00 trong Phòng thỏa thuận chia ra như sau này:
Ông Công tôn Tùng Lễ số tiền là 100000,00
Ông Tằng tôn Xưng Trị………… 400000,00
Ông Chủ tự Ý Trinh…………….. 400000,00
Ông Xưng Dõng………………… 100000,00
Ông Xưng Lệ……………………. 100000,00
Số tiền phần ai thì đến Phủ Tôn Nhơn ký nhận.
Biên bản này làm thành ba bản, trong Phòng 1bản, Chủ tự 1 bản, 1 bản lưu chiểu tại Phủ Tôn Nhơn.
Làm tại Xuân Hòa ngày 26 tháng 5 năm 1951 Bổn phòng đồng ký”.
Sau đó, toàn bộ cấu kiện kiến trúc bằng gỗ của phủ An Khánh Quận vương được hạ giải và giao lại cho nhà thầu khoán Nguyễn Ngọc Bang để tái dựng lại thành Hưng Miếu mới. Lễ khánh thành Hưng Miếu được tổ chức vào năm 1953. Về cơ bản, Hưng Miếu kế thừa kiến trúc của phủ An Khánh Quận vương, chỉ có điểm khác biệt lớn là chạm khắc thêm nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo và trang trí các ô hộc thơ văn để mang dấu ấn là một trong những miếu thờ trọng yếu của hoàng gia nhà Nguyễn19.
Quay trở lại phủ An Khánh Quận vương tọa lạc ở làng Xuân Hòa20. Sau khi tòa nhà kép bị tháo dỡ để đưa về Đại Nội phục vụ công tác tái thiết Hưng Miếu thì Chủ tự Ý Trinh đã lần lượt nhận số tiền tại Phủ Tôn Nhơn để xây dựng lại phủ thờ có quy mô kiến trúc đơn giản. Trải qua chiến tranh, kiến trúc phủ thờ An Khánh Quận vương bị xuống cấp, hư hỏng. Vì vậy, cụ Ý Trinh đã di chuyển các án thờ, khám thờ, thần chủ đức từ Mỹ nhân Trịnh Thị Thanh và đức ông An Khánh Quận vương về thờ phụng tại ngôi nhà của mình ở phường Thái Trạch thuộc Thành nội Huế21. Từ đây, ngôi nhà này trở thành phủ thờ An Khánh Quận vương.
Nội thất phủ thờ An Khánh Quận vương |
Hiện nay, kiến trúc phủ thờ An Khánh Quận vương gồm một ngôi nhà 3 gian truyền thống. Nội thất phủ thờ vẫn còn lưu giữ và thiết trí các hương án, bàn thờ, khám thờ, câu đối cổ, điểm tô thêm nét lộng lẫy, uy nghiêm. Ngoài ra trong khuôn viên phủ thờ An Khánh Quận vương còn gìn giữ nhiều đôn đá chạm khắc hoa văn. Những hiện vật này không chỉ lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa - lịch sử mà còn là những tác phẩm mỹ thuật vô cùng giá trị, phản ánh kỹ thuật chạm khắc trên chất liệu gỗ, đá thủ công cực kỳ tinh xảo, cùng với hệ thống văn tự, hoa văn mang một nét đặc trưng riêng có của vương triều Nguyễn.
Điểm đáng chú ý nhất là chiếc án thờ tuyệt đẹp được người nghệ nhân tạo tác công phu với chất liệu chạm nổi và sơn son thếp vàng. Những đề tài trang trí mang tính chất biểu trưng, nhằm thể hiện sự cao sang quyền quý của chốn phủ đệ và được kết hợp thành từng nhóm một như: Tứ linh (long, lân, quy, phụng); tứ thời (mai, lan, cúc, trúc ứng với 4 mùa xuân, hạ, thu, đông); bát bửu (8 vật quý như: gậy như ý, đàn, bầu thái cực, cuốn thư, quạt, sáo, pho sách, phất trần và kiếm) bố cục “nhất thi, nhất họa” (một ô chữ, một ô hình)... Ngoài ra còn có chiếc khám thờ khảm xà cừ và chạm khắc hoa văn tinh tế. Khám thờ được chế tác bằng gỗ gần giống như ngôi nhà có mái, trang trí các họa tiết lưỡng long chầu nhật, tứ quý, hoa lá tinh tế, đồng thời có cửa đóng mở, phía bên trong thiết thần chủ đức từ Mỹ Nhân Trịnh Thị Thanh, đức ông An Khánh Quận vương, Quận công Khâm Thạnh cùng các con cháu hậu duệ đã khuất.
Án thờ và khám thờ tại phủ An Khánh Quận vương |
Nhìn chung, mặc dù phủ An Khánh Quận vương đã trải qua những biến thiên của lịch sử và những lần thay đổi về địa điểm, quy mô kiến trúc, nhưng vẫn là một công trình trân tàng nhiều cổ vật có giá trị đặc sắc và mang đậm nét văn hóa cung đình triều Nguyễn. Đây là những hiện vật độc bản còn sót lại, gắn liền với dấu ấn của ngôi phủ đệ nổi tiếng một thời.
T.V.D
(TCSH427/09-2024)
--------------------------
1 Miếu được dựng từ năm Gia Long thứ 3 [1804], trên vị trí Thế Miếu hiện nay với tên gọi là Hoàng Khảo Miếu. Năm Minh Mạng thứ 2 [1821], Hoàng Khảo Miếu được dời lùi về phía bắc chừng 50m để lấy chỗ dựng Thế Miếu và đổi tên thành Hưng Tổ Miếu. Hưng Miếu nằm cùng khuôn viên với Thế Miếu nhưng có bờ tường gạch ngăn cách. Miếu chính nằm ở vị trí trung tâm là một tòa nhà kép, chính đường 3 gian 2 chái kép, tiền đường 5 gian 2 chái đơn. Tháng 2/1947, trong bối cảnh chiến tranh, Hưng Miếu bị đốt cháy cùng nhiều cung điện khác trong Hoàng thành.
2 Đức từ Trịnh Thị Thanh 鄭氏清(1790 - 1830) có nguyên quán ở xã Tu Hoàng, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Năm Gia Long thứ 3 [1804], bà vào hầu vua, rồi được phong làm Tài Nhân. Sau khi qua đời, bà được vua Minh Mạng truy tặng làm Mỹ nhân, ban thụy là Cung Lệ.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 412.
4 Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 5, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 696.
5 Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 66.
6 Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, Sđd, tr. 578.
7 Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Tập 3, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 69.
8 Cuốn sách Hoàng tộc lược biên do cụ Tôn Thất Cổn biên soạn vào năm 1942 viết hoàng tử Nguyễn Phúc Quang có tước vị An Khánh vương. Tuy nhiên căn cứ vào nội dung của thần chủ, bia mộ, gia phả và các văn bản Hán Nôm hiện tồn tại phủ thờ đều ghi tước An Khánh Quận vương. Vì vậy, tác giả cho rằng hoàng tử Nguyễn Phúc Quang chỉ được triều đình truy phong lên đến tước vị An Khánh Quận vương mà thôi.
9 Tôn Thất Cổn (1943), Hoàng tộc lược biên, Nxb. Imprimerie Nguyễn Văn Của, Sài Gòn, tr. 9.
10 Diên Điệp 延堞là con trai thứ 16 của Diên Khánh Vương Nguyễn Phúc Tấn và bà phủ thiếp Trần Hưng Thị Toàn.
11 Quá kế có nghĩa là người hàng con cháu phủ - phòng này được chỉ định qua giữ việc hương hỏa cho bậc trưởng bối phòng khác không có con trai nối dõi.
12 Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 79.
13 Quốc sử quán triều Nguyễn (2010), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, Nxb. Thời đại - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 315.
14 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục chính biên - Đệ thất kỷ, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 456.
15 Nhà vườn An Hiên nằm ở làng Xuân Hòa (nay tại địa chỉ số 58 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, thành phố Huế). Năm 1936, ông đã bán lại cơ ngơi này cho ông bà Tuần phủ Nguyễn Đình Chi.
16 Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, Sđd, tr. 848.
17 Đức từ Mỹ nhân nguyên thờ phụng ở phủ của ông hoàng An Khánh Công, rồi ông hoàng mất, không có người coi sóc. Đến năm Thiệu Trị thứ 6 [1846] chuẩn theo sớ tâu của Bộ Lễ xây nhà thờ ở xã Tu Hoàng quê của bà Mỹ Nhân, rồi giao cho người trong xã giữ và thờ cúng.
18 Xem chú thích (1), trang 77.
19 Đến năm 1995, Hưng Miếu lại được trùng tu, tôn tạo thêm một lần nữa. Trong lần trùng tu này, Hưng Miếu được sơn son thếp vàng.
20 Qua nghiên cứu khảo sát, chúng tôi cho rằng vị trí phủ thờ An Khánh Quận vương xưa nằm trong khuôn viên mảnh đất tại địa chỉ số 66 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, thành phố Huế.
21 Nay thuộc địa chỉ số 37 Xuân 68, phường Đông Ba, thành phố Huế. Hiện phủ thờ do ông Phạm Trúc (hậu duệ đời thứ 6) quản lý và chăm sóc hương khói.