Ai ra xứ Huế
Gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại
16:51 | 06/12/2024

NGUYỄN VĂN MẠNH

Suốt quá trình lịch sử, các thế hệ gia đình Huế đã hình thành và bồi đắp nên những truyền thống tốt đẹp, tạo nên một diện mạo giá trị riêng của gia đình Huế.

Gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại
Ảnh: tư liệu

Giá trị nổi bật của gia đình Huế là giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình: ông bà gương mẫu; cha mẹ nhân từ; con cháu hiếu thảo; anh chị em yêu thương, hòa thuận, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau,… cùng với các phong tục, tập quán trong cưới xin, ma chay, giỗ tết v.v... Hiện nay, dưới tác động mạnh mẽ của xã hội hiện đại, xã hội công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, hệ giá trị gia đình Huế đang có những biến đổi theo chiều hướng khác nhau, cả những nét đẹp chuẩn mực truyền thống vẫn được giữ gìn, cả xuất hiện những hiện tượng lệch chuẩn của gia đình Huế. Bài viết này, vì vậy tập trung đề cập 4 vấn đề: (1) Các nhân tố tạo nên các giá trị đặc trưng của gia đình Huế; (2) Các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế; (3) Các hiện tượng lệch chuẩn của gia đình Huế trước những thách thức của thời đại; (4) Giải pháp bảo tồn các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế.

1. Các nhân tố tạo nên các giá trị đặc trưng của gia đình Huế

Chúng ta có quyền tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên và bề dày lịch sử, sự giao lưu, hội tụ dân cư - văn hóa của vùng đất Cố đô Huế. Về thiên nhiên, Huế nằm ở vị trí có điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú với diện mạo riêng, đã tạo nên một không gian phong cảnh thiên nhiên kỳ thú từ núi Ngự Bình, đồi Thiên An - Vọng Cảnh, đến dòng sông Hương hiền hòa thơ mộng. Huế, vì vậy có thể nói, là thành phố hội đủ các dạng địa hình: một Huế của núi - đồi; một Huế của cồn bãi; một Huế của đầm phá, tạo thành một không gian cảnh quan thiên nhiên - đô thị nhà vườn, đô thị thơ1. Về lịch sử, vùng đất này vốn là một bộ phận của vương quốc Chămpa và sau đó lại được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Huế sau đó còn là thủ phủ và Kinh đô của ba thế lực phong kiến Việt Nam (Chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và triều Nguyễn). Về dân cư, cội nguồn hình thành cộng đồng người Huế là tập hợp cư dân ở Đồng bằng Bắc Bộ, và Thanh - Nghệ di cư vào sau khi vùng đất này về với Đại Việt, năm 1306. Vì vậy, cộng đồng dân cư Huế mang nhiều sắc thái văn hóa vùng miền khác nhau.

Có thể nói, Huế về thiên nhiên là vùng đất sơn thủy hữu tình, thơ mộng; về lịch sử là vùng đất giao thoa giữa Đại Việt - Chămpa - Ấn - Hán và từng là thủ phủ, Kinh đô của các thế lực phong kiến Việt Nam; về dân cư, cộng đồng này mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Trong bối cảnh đó, con người nơi đây đã tạo nên tính cách và lối sống rất đặc trưng: kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong,… Đó là những nhân tố góp phần tạo nên các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế.

2. Cái giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế

Do cư trú trên một vùng đất sơn thủy hữu tình, do lối sống Phật giáo, do ảnh hưởng của văn hóa cung đình, nên người Huế luôn ứng xử nhẹ nhàng, khiêm tốn, chuẩn mực, trong chất “Mệ”. Các Mệ tự tạo cho mình bằng một hệ ứng xử xã hội, tác phong đường bệ, ngôn ngữ hào sảng, sang trọng. Đó cũng là cách để các “Mệ” cố gắng bảo vệ nếp quyền quý mà thời gian và lịch sử đe dọa tước mất2. Nếp sống đó đã tạo nên “chất” gia đình Huế không dễ bị mai một. Bước vào các gia đình Huế người ta sẽ cảm nhận ngay được rằng người Huế sống rất có phép tắc, từ già tới trẻ. Tất cả tuân theo một khuôn phép đã có từ trước: đó chính là truyền thống nền nếp gia phong. Người lớn tuổi luôn được kính trọng và đề cao, lớp con cháu phải luôn giữ gìn phép tắc. Người đàn ông trong gia đình, đặc biệt là người chồng, người cha có một vị trí hết sức quan trọng: Họ thường quyết định mọi việc, chi phối các thành viên khác trong gia đình theo cách thức hài hòa.

Nền nếp gia phong đó đã tạo nên các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế; để gia đình Huế không chỉ hòa vào trong các giá trị chung của gia đình Việt Nam mà còn giữ gìn sâu đậm các giá trị đó trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, trong những biến động của thời cuộc. Điều đó có nghĩa các giá trị đặc trưng của gia đình Việt Nam phần nào “hóa thạch/ ít biến đổi” ở gia đình truyền thống Huế. Đó là các giá trị thương yêu và chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận trong quan hệ vợ chồng, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo, anh chị em yêu thương, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, trọng danh dự,… cùng với các phong tục, tập quán trong cưới xin, ma chay, giỗ tết. Thực chất đó là những nét văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam tồn tại bền vững trong suốt chiều dài lịch sử của gia đình Huế.

Nét đặc trưng của gia đình truyền thống Huế còn ở chỗ đậm nét các giá trị gia đình Việt Nam, như con cháu không chỉ kính trọng, yêu thương, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà mà còn phấn đấu tu dưỡng bản thân, không ngừng học tập vươn lên vinh danh bản thân, mang lại cho cha mẹ niềm tự hào về sự thành đạt của con cái. Trong quan hệ anh, chị, em, sự hòa thuận được coi là yêu cầu, chuẩn mực hàng đầu, anh chị em trong gia đình phải luôn yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không xích mích, tranh giành quyền lợi với nhau ngay cả khi đã có gia đình riêng, cuộc sống riêng. Hòa thuận không chỉ là nhu cầu nội tại của mối quan hệ giữa anh, chị, em mà còn là yêu cầu, mong muốn của cha mẹ, họ hàng. Dù xã hội có nhiều biến đổi, nhưng sự hòa thuận, gắn bó bền chặt giữa những người ruột thịt vẫn giữ vị trí rất cao trong gia đình Huế. Dù giàu có hay nghèo khó về vật chất nhưng anh chị em vẫn giữ trọn tình nghĩa với nhau, luôn hòa thuận, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong cuộc sống.

Cùng với việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa trong mối quan hệ gia đình, gia đình Huế rất coi trọng tình cảm họ hàng, dòng tộc, đề cao truyền thống hiếu học, đạo lý tôn sư trọng đạo, lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người,…

Bên cạnh đó, gia đình Huế rất chú trọng đến lễ nghĩa thực hiện các nghi lễ cưới xin, tang ma, lễ tết,…và duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình, làm cho các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ, góp phần hình thành lối sống và cách sống của con người Huế trong cuộc sống hiện đại. 

3. Các hiện tượng lệch chuẩn của gia đình Huế trước những thách thức của thời đại

Tuy nhiên, mặt trái của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế cũng làm cho gia đình Huế không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Thực tế là lối sống, cách sống xa lạ, trái với những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Huế nói riêng đã và đang xâm nhập vào đời sống của nhiều thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Một số gia đình thiên về mưu cầu lợi ích cá nhân đã lãng quên những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của gia đình; một bộ phận trong giới trẻ có tâm lý học đòi cách sống thực dụng, cách sống xa lạ, quay lưng lại với thuần phong mỹ tục của gia đình truyền thống Huế. Sự gắn kết của các thành viên trong gia đình ngày nay lỏng lẻo, thiếu tính bền vững hơn trước. Thuần phong mỹ tục của gia đình Huế vốn được tự hào của bao thế hệ con người nơi đây đã trở nên mỏng manh, dễ bị đổ vỡ hơn, chuẩn mực đạo đức truyền thống bị xem nhẹ, những hiện tượng lệch chuẩn có xu hướng gia tăng.

Đâu rồi những ngôi nhà rường Huế với hàng cây chè tàu bao quanh, với cổng nhà, bình phong, với hòn non bộ, phong thủy hữu tình, với hệ thống cửa lớn bao che ba mặt tiền của ngôi nhà, với các cột kèo, xà, vách ngăn đều được chạm khắc như một bức họa đủ loại đề tài, hoa văn, với một khuôn viên vườn nhiều loại cây khác nhau: Đông trồng đào, Tây trồng liễu, trước cau, sau chuối,… Hiện nay, các ngôi nhà vườn truyền thống, nơi ôm ấp, giữ gìn các giá trị thuần phong mỹ tục của gia đình Huế, hoặc bị phân rã, chia lô, hoặc xuống cấp đến mức đau lòng: Cây cối trong vườn tan hoang không người chăm sóc, nhà cửa ủ dột, tối tăm, xuống cấp nghiêm trọng mà chủ nhân của nó hoặc bỏ đi làm ăn xa, hoặc bất lực trước nhu cầu cải tạo, nâng cấp, phục dựng. Ngôi nhà rường - nhà vườn vốn là biểu trưng của gia đình Huế, nơi giữ gìn nét đẹp thuần phong mỹ tục của gia đình Huế không được giữ gìn, rất có thể các giá trị đặc trưng của gia đình nơi đây khó giữ được như ngày nào. Theo đó giá trị được coi là đặc trưng đậm nét của gia đình Huế là giữ gìn nền nếp gia phong, tôn trọng quá khứ, truyền thống ông cha đang đứng trước những thách thức, như xu hướng gia đình 3, 4 thế hệ ít tồn tại, ông bà không còn chức năng dạy bảo cháu con,…

Thêm vào đó, trong những năm gần đây do tác động của cơ chế thị trường, do các yếu tố đô thị, lối sống hiện đại, ngoại lai đang hàng ngày, hàng giờ lan tràn vào đời sống của từng gia đình Huế nói riêng và gia đình Việt Nam nói chung; trong tình hình đó, gia đình không chỉ tiếp nhận những cái hay, cái được của lối sống tiên tiến hiện đại, như đời sống kinh tế nâng cao, điều kiện sống, phương tiện sống được cải thiện hơn, mà còn chịu tác động của những lối sống thực dụng, suy đồi, tôn thờ đồng tiền, coi thường nhân cách, làm đảo lộn thang giá trị đạo đức của gia đình truyền thống.

Điều đặc biệt là mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho đạo lý gia đình truyền thống bị lung lay. Người ta chạy theo đồng tiền, lợi nhuận mà quên hết tình nghĩa anh em, dòng tộc, lối sống tính toán, sòng phẳng đến đáng sợ trong quan hệ họ mạc, bà con cũng làm cho nền nếp gia đình bị phá vỡ. Gia đình thời mở cửa với biết bao nỗi nhức nhối, như truyền thống gia đình, họ tộc bị con, cháu lãng quên, người ta kiếm tiền bằng tất cả mọi biện pháp, kể cả những biện pháp tồi tệ nhất, như mở quán cà phê đèn mờ, bia ôm, karaoke ôm ngay tại tư gia, bất chấp sự phản đối của ông bà họ mạc. Và rồi lòng hiếu thảo, hiếu học, lòng nhân ái, tình yêu quê hương của cháu con trong gia đình thời mở cửa cũng bị những toan tính thiệt hơn gặm nhấm mất dần hết ý nghĩa cao đẹp của nó.

Cũng do cơ chế thị trường với lối sống đô thị hóa, hiện đại hóa mà các gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” bị lung lay... Thêm vào đó, do bận rộn với hoạt động kinh tế thời mở cửa mà nhiều gia đình, con cái ít được bố mẹ quan tâm, người ta phó mặc cho nhà trường và xã hội. Bởi vậy, việc giáo dục các thế hệ cháu con sống theo gia phong, nền nếp của ông bà tổ tiên bị hạn chế, lãng quên. Tất cả đó là những hiện tượng lệch chuẩn trong gia đình Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

4. Giải pháp bảo tồn các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế

Theo chúng tôi, giải pháp có tính hàng đầu bảo tồn các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế là xây dựng một lối sống lành mạnh trong gia đình và ngoài xã hội, đừng để cho mặt trái của cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ đến các mối quan hệ của con người. Phối kết hợp giáo dục giữa Gia đình - Dòng họ - Nhà trường - Xã hội; coi đó là những nhân tố nền tảng trong việc bảo tồn các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Gia đình, dòng họ phải giữ lấy nền nếp kỷ cương; nhà trường phải trong sạch, chuẩn mực; xã hội phải ổn định, lành mạnh. Có như vậy mới tạo nên một giải pháp đồng bộ cho việc giáo dục thế hệ trẻ hiện nay.

Giải pháp tiếp theo cho việc bảo tồn các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế là phải thường xuyên khơi dậy truyền thống gia đình, dòng họ bằng cách phục hồi “gia phả gia tộc, họ tộc”, giáo dục ý nghĩa về tổ tiên, nguồn cội, như con cháu phải hiếu thảo với cha mẹ khi cha mẹ còn sống và thành kính biết ơn, thương tiếc khi cha mẹ khuất núi về với tổ tiên.

Giải pháp tiếp nữa là phải cụ thể hóa hệ giá trị chuẩn mực của gia đình Huế trong thời kỳ mới, ví như giá trị giáo dục cần phải cụ thể giáo dục giá trị gì cơ bản nhất trong gia đình (giáo dục gia phong; giáo dục tâm linh: thờ cúng, lễ tết, cúng kỵ, tảo mộ, hướng về tổ tiên, nguồn cội; giáo dục đạo đức: học và làm theo điều tốt, tránh cái xấu, độc hại).

Giải pháp sau nữa, tập trung xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp biến những giá trị tiến bộ, hiện đại. Tăng cường gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình nhằm tạo nên sự gắn kết trong mỗi gia đình, gắn tình yêu gia đình với tình yêu đất nước. Đồng thời, khắc phục, loại bỏ những truyền thống không còn phù hợp như: gia trưởng, bất bình đẳng về giới, những nghi lễ rườm rà tốn kém trong ma chay, cưới hỏi,… Tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa của nhân loại, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của lối sống trái với thuần phong mỹ tục.

Nhưng giải pháp mang tính đồng bộ để bảo tồn và phát huy các giá trị của gia đình truyền thống Huế là quan tâm xây dựng khu dân cư, làng, bản, tổ dân phố văn hóa, tạo môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, an toàn, thuận lợi để bảo tồn phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình. Gắn xây dựng gia đình văn hóa với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

*

Nói đến gia đình Huế người ta thường đề cập đến tính nền nếp, gia phong và các giá trị đặc trưng của gia đình Việt Nam phần nào “hóa thạch/ ít biến đổi” ở gia đình truyền thống Huế. Đó là nơi lưu giữ và chuyển giao các giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Cũng chính những giá trị truyền thống là yếu tố nội sinh góp phần xây dựng gia đình Huế nói riêng và gia đình Việt Nam nói chung thật sự trở thành tổ ấm, thành cái nôi nuôi dưỡng cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên, hiện nay cùng với quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế các giá trị đặc trưng của gia đình Huế đang đứng trước những thách thức và xuất hiện nhiều hiện tượng lệch chuẩn. Vì vậy, cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững của gia đình truyền thống Huế nói riêng và gia đình Việt Nam nói chung.

N.V.M
(TCSH429/11-2024)

-------------------------
[1] Trần Quốc Vượng và cộng sự (2015), Văn hóa Việt Nam, những hướng tiếp cận liên ngành, Nxb. Văn học, Hà Nội.
2 Nguyễn Hữu Thông (2000), Có hay không chất “Mệ” trong phong cách ứng xử văn hóa của người Huế. Tạp chí Dân tộc học, số 2.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Võ Thị Hồng Loan (1998), Nhân cách văn hóa và ảnh hưởng của gia đình, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 6.
2. Phùng Đình Mẫn (2008), Bước đầu tìm hiểu tính cách con người Huế qua văn hóa của xứ Huế, Tạp chí Tâm lý học, số 12.
3. Nguyễn Hữu Thông (2000), Có hay không chất “Mệ” trong phong cách ứng xử văn hóa của người Huế. Tạp chí Dân tộc học, số 2.
4. Ngọc Trang (2001), Đặc điểm truyền thống của gia đình xứ Huế, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 6-7.
5. Trần Quốc Vượng và cộng sự (2015), Văn hóa Việt Nam, những hướng tiếp cận liên ngành, Nxb. Văn học, Hà Nội.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùa Tiên (24/11/2023)