Ai ra xứ Huế
Chạp mả họ - nét đẹp văn hóa họ tộc của người Việt ở Thừa Thiên Huế
14:28 | 10/01/2025


NGUYỄN HỮU PHÚC

Chạp mả họ - nét đẹp văn hóa họ tộc của người Việt ở Thừa Thiên Huế
Chạp mả ở làng. Ảnh: Hữu Phúc

1. Dẫn nhập

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có trên 4.000 dòng họ. Đánh giá vai trò của các họ tộc ở Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định rằng: “Các dòng họ ở Thừa Thiên Huế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ nề nếp gia phong của dòng họ mình. Vậy nên chính các bác, các chú, các anh trưởng họ tộc và già làng ở đây là những tấm gương sáng, nhân tố quan trọng khẳng định sức sống nội sinh và sự lan tỏa, phát triển của văn hóa Huế; của một Huế truyền thống văn hiến, sang trọng trong quá khứ và hội nhập, giàu có trong hiện tại, để Huế phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa”1. Theo đó, các hình thức sinh hoạt họ tộc hay còn gọi việc họ diễn ra hằng năm, trong đó có Chạp mả những vị thủy tổ, tổ tiên các chi, các nhánh đóng vai trò quan trọng, hình thành tình yêu gia đình, dòng tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đó là xuất phát điểm để mở rộng, hình thành tình yêu Tổ quốc, giống nòi, góp phần duy trì nét đẹp văn hóa dòng họ, ăn sâu gốc rễ tâm hồn nhiều thế hệ như một mặc định2.

2. Chạp mả họ trong dòng chảy của tục thờ cúng tổ tiên ở Thừa Thiên Huế

2.1. Nguồn gốc lễ Chạp mả

Trong nhận thức của người Việt, chết chưa phải là hết, mà là sự tiếp diễn của sự sống ở một thế giới bên kia. Cũng bắt nguồn từ nhận thức này mà phong tục thờ cúng tổ tiên được xem như nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của con cháu đối với những người đi trước. Chính vì vậy, việc xây dựng lăng mộ gia tộc được xem là một việc làm quan trọng giúp những người đã khuất trong gia đình, dòng tộc có thể ở gần nhau, sống chung có thể ban phước lành cho con cháu trong gia đình và cùng họ hàng. Mộ họ hay còn gọi là một nghĩa trang riêng biệt của một dòng họ và thuộc quyền sở hữu của họ tộc đó. Đây được coi là vùng đất tâm linh mang nhiều yếu tố phong thủy để chôn cất vị thủy tổ hoặc những người đứng đầu của các chi, phái của một dòng họ.

Lễ Chạp mả, có nơi gọi là lễ xủi mả, lễ tảo mộ là nghi thức chăm sóc mồ mả trong những thành viên quá cố cùng một họ, những người đã mất từ rất lâu, là ông tổ của họ, đây là nghi lễ lớn nhất đối với mỗi họ tộc. Mỗi họ lại được chia ra nhiều phái, vì thế còn có thêm tên gọi là Chạp mả phái, đây là những khu mộ của những người từ bậc trên ông cố. Đây là nghi lễ có tính nhân văn cao, vì mang ba ý nghĩa lớn: thứ nhất là sửa sang mồ mả (căn nhà) cho ông bà tổ tiên để chuẩn bị đón năm mới; thứ hai là giáo dục cho con cháu về nguồn gốc dòng tộc và thứ ba là dịp để con cháu quây quần bên mâm cỗ cùng chia sẻ chuyện dòng tộc, chuyện buồn vui trong cuộc sống, thắt chặt tình gia tộc vốn là cơ sở quan trọng nhất của thiết chế xã hội ta. Chạp mả gồm các hoạt động chính sau: phân công nhau đi “giẫy mả” ông bà tổ tiên theo từng chi phái; tập trung về nhà trưởng tộc, trưởng chi hay từ đường/ nhà thờ họ để làm lễ cúng3. Chạp mả còn thể hiện quan niệm của người Việt về “không mồ không mả đố ả làm nên” vì nếu mồ mả không tốt, con cháu sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Mặt khác, nếu không có dịp Chạp mả họ, có lẽ nhiều thế hệ con cháu sau này chẳng thể nào biết hết được vị trí mồ mả của tổ tiên trong dòng họ để mà tìm về thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ.

Với quan niệm thật đơn sơ mà sâu sắc, rằng ngôi nhà của mình cần dọn dẹp tinh tươm để ăn Tết thì ngôi nhà của ông bà, cha mẹ cũng cần quét dọn, nhổ cỏ, um đắp nấm mồ để đón xuân. Bởi vậy, sau khi thực hiện xong phần việc thiêng liêng này, người ta cảm thấy thanh thản và ấm lòng để trở về nhà chuẩn bị đón năm mới. Vì thế, người Việt nói chung, người Huế nói riêng đều chọn tháng cuối năm để tiến hành nghi lễ này, bởi thời gian này là thời điểm có thời tiết, khí hậu phù hợp và công việc đồng áng, lưới chài cũng không quá bận rộn như những tháng khác. Mặt khác, vì thực hiện vào tháng Chạp là thời điểm sau lụt lội, mồ mả có thể bị sạt lở, hư hỏng nên dịp Tết đến xuân về, họ luôn dành thời gian để chăm sóc “ngôi nhà” của ông bà tổ tiên. Cũng do vậy mà tháng 12 người Việt hay gọi là tháng Chạp, tháng mà nhiều dòng họ chọn thời gian này để làm đẹp những ngôi mộ tổ tiên các đời của dòng họ mình. Nếu ở Trung Quốc, lễ tảo mộ diễn ra vào tiết Thanh minh nhằm đầu tháng ba âm lịch, thì lễ tảo mộ ở Việt Nam diễn ra trong tháng Chạp. Các nhà nghiên cứu cho biết chữ “Chạp” trong tiếng Việt là biến âm của chữ “lạp” trong “lạp nguyệt” của chữ Hán. Người Trung Quốc gọi tháng cuối năm là “lạp nguyệt” - tháng cúng tế thần linh. Người Việt đã tiếp nhận “lạp nguyệt” và biến thành “tháng Chạp”. Và từ đó, danh từ “lạp” trong Hán tự đã thành động từ “Chạp” trong tiếng Việt: chạp mồ, chạp mả. Người ở Bắc Bộ đi Chạp mộ từ sau ngày 20, người Nam Bộ Chạp mộ từ ngày 25, nhưng đều trong tháng Chạp. Ở Huế thì người ta Chạp mả từ đầu tháng Chạp và ngày đầu năm (mùng 1 Tết) thì đi viếng mộ ông bà, cha mẹ, gọi là “thăm mộ”. Nghi thức và lễ vật mỗi nơi mỗi khác, nhưng đều chung nhau ở tấm lòng thành với tổ tiên, ông bà của dòng họ mình4.

Với quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “một người làm quan cả họ được nhờ”, do đó, họ hàng là một mối quan hệ huyết thống cao hơn mà con người càng phải củng cố. Chính vì thế, việc họ càng được quan tâm và chú trọng hơn trong ngày nay, mà biểu hiện sinh động nhất là Chạp mả. Đây là những nghi lễ nhằm củng cố tình đoàn kết của cộng đồng những người cùng dòng tộc, hướng họ có trách nhiệm trong việc thờ cúng tổ tiên, sau nữa là sự ứng xử hài hòa, không đố kỵ mà biết thương yêu, quý trọng nhau. Không phải chưa từng có những chuyện giằng co, tranh cãi, làm hao mòn, xấu tình nghĩa máu mủ, thậm chí là không biết mình là bà con lẫn nhau. Chính vì thế, Chạp họ là dịp để mọi người được nhìn nhận nhau, cùng chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, được gặp nhau sau một năm làm ăn, từ đó tăng thêm tình cảm gắn kết với nhau, cùng hỗ trợ nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

2.2. Lễ Chạp mả ở Thừa Thiên Huế - những sắc thái biểu hiện

Lễ Chạp mả với ý nghĩa xin được sửa sang, thu dọn cỏ rác để tỏ lòng thành của người đang sống với người đã khuất và cũng là lời khấn mời gọi vong linh tổ tiên trở về dự lễ cúng tại nhà thờ họ chung cùng con cháu trong dòng tộc. Có thể nói Chạp mả là nghi lễ rất quan trọng, nó không chỉ là công việc lao động bình thường mà qua đó con cháu đang sống ký gửi tất cả sự thành kính, lòng biết ơn của mình đối với tổ tiên.

Đến ngày định ước, tùy theo từng họ mà những quy định khác nhau là tảo mộ diễn ra hai ngày hay một ngày. Họ Võ làng Thai Dương Thượng (nay xã Hải Dương, huyện Hương Trà) ghi hẳn thể lệ tảo mộ vào tập Gia phả như sau: “Hàng năm, họ ta tổ chức lễ tảo mộ vào tháng Chạp âm lịch, nghi thức như sau: 1. Từ sáng mồng 5, con cháu nội ngoại tập trung đi viếng mộ và tảo mộ; 2. Tối mồng 5, lễ Tiên thường [tức lễ cáo] được cử hành tại nhà thờ Đại tôn; 3. Ngày mồng 6, con cháu nội ngoại tề tựu dự chánh lễ tại nhà thờ Đại tôn”. Còn nhà thờ họ Lương ở Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) còn giữ một văn bản có quy định về lễ Chạp mả như sau: “Theo tục của ta, tế mộ vào ngày sóc (tức mồng 1) tháng Chạp… Tế mộ, trước một ngày, cáo ở từ đường (có nghi tiết, văn cáo). Đến ngày cáo ở mộ, sửa đắp huynh nấm. Sáng sớm hôm ấy, ông trưởng họ và người trong họ cùng tập trung tại mộ ngài Thủy tổ, làm lễ cáo và đắp nấm, rồi đắp khắp các phần mộ đời trước. Trở về tế tại từ đường. Xét: Tế mộ thì tế ngay ở nấm mộ. Nay mộ phần rất nhiều, chôn la liệt không cùng một chỗ, nên tục tảo mộ phần lớn tế chung ở từ đường”5.

Dù lễ Chạp mả diễn ra một hay hai ngày thì đặc điểm chung đều diễn ra trong tháng Chạp, với sự tham gia đông đủ con cháu nội ngoại với hai nghi lễ là giẫy mả và cúng tại từ đường/nhà thờ họ. Đối với phần lễ giẫy mả thì vào ngày này, tất cả những công việc thường nhật, đồng áng đều được bỏ lại để tập trung cho việc chăm sóc mồ mả người đã khuất. Sáng sớm, con cháu bên nội ở xa kéo nhau về nhà thờ chung của họ để tiến hành giẫy mả. Công việc giẫy mả được con cháu trong họ thực hiện nghiêm túc, với các hoạt động như: um đắp nấm mộ, sơn quét, dọn rác nhằm làm cho khuôn viên cũng như ngôi mộ được khang trang. Với những phần mộ bị cỏ vây quanh hay lở đất, dịp này sẽ được con cháu thu dọn, làm cho khu mả gọn gàng, tươm tất hơn. Qua đây, thế hệ con cháu cũng được người lớn kể về vai vế, công trạng, đức tính... từng người nằm dưới mồ. Tuy nhiên, từ hôm trước, con cháu ở từ đường dựng rạp, mổ heo, bò, nếp, đậu, thiết soạn hoa quả sắp lên các bàn thờ.

Trong ngày Chạp mả, mỗi người sẽ đảm trách một công việc khác nhau, chính điều này đã góp phần thể hiện ý thức, trách nhiệm và sự đoàn kết của các thành viên với nhau. Theo đó, các bô lão lo nghi lễ cúng kiếng, một số bậc trung niên lo chuẩn bị việc hương án, sắp dọn bàn thờ, số thì ra cồn mồ (nghĩa trang), người vác cuốc xẻng, dao rựa lẫy cỏ, dọn dẹp, sửa sang, đắp đất vun cao nấm mồ. Phụ nữ thì đi chợ, lo cau trầu, trà bánh; các bà thím nhỏ cùng với ông chú được họ cử làm xâu, lo nấu dọn cỗ bàn. Không khí ngày Chạp mả vì thế mà trở nên nhộn nhịp, vui vẻ, thân tình, là dịp để bà con nội, ngoại biết nhau. Tình cảm ruột rà, thân thuộc, người ở làng, kẻ ở xa từ đó mà gần gũi. Tiếng cười, nói râm ran như những ngày hội làng. Khi đám người đi Chạp mả xong việc về lại từ đường thì mâm bàn đã được chuẩn bị sẵn sàng. Lễ cúng diễn ra, người trưởng họ, trưởng phái thay mặt con cháu quỳ trước bàn thờ khấn vái, cầu xin tổ tiên, ông bà phù hộ và mời về ăn Tết cùng con cháu. Bắt đầu lễ cúng, bộ phận chủ bái, hương, đèn, rượu khăn áo chỉnh tề vào đúng vị trí đã phân công và thực hiện công việc theo lời xướng của chủ lễ. Tiếng chiêng, tiếng trống liên hồi; khói hương nghi ngút; trầm hương ngào ngạt; mùi xôi thịt thơm lừng, tất cả tạo nên một không khí tôn nghiêm, thiêng liêng và thật ấm cúng.

Mâm cỗ trong lễ cúng tại nhà thờ cũng tùy vào điều kiện từng dòng họ để hào soạn. Trước đây, thường hay bày “thịt côi xôi dưới” trong những chiếc mâm có lót lá chuối cùng thêm dĩa muối đậu, tô nước xáo, chén nước mắm và nắm dưa hành; sang lắm là có thêm chai rượu trắng. Bây giờ do có điều kiện nên nhiều họ tộc bày biện mâm cỗ khá “sang trọng”, có đầy đủ các món được chế biến theo hình thức đám cưới, có bia, có nước ngọt, thậm chí có món tráng miệng. Hương tàn thì lạy tạ bốn lạy để hạ lễ. Sau khi con cháu đảnh lễ xong, cỗ bàn dọn xuống, những bậc cao niên, chức sắc lớn trong họ được mời ở mâm cao nhất, con cháu theo thứ bậc trên dưới ngồi vào mâm ăn cỗ cúng. Các bà o, con cháu ngoại và con cháu rể khi về dự Chạp họ, được ưu ái xếp ngồi mâm trước con cháu nội. Trước đây, các bậc lớn tuổi được ngồi trên sập, ngựa, bàn, giường. Con cháu soạn thức ăn ra trên những chiếc chiếu đặt dưới đất và ngồi “xếp bàn” vây quanh “thọ lộc” thật ngon lành. Tuy nhiên giờ đây, nhờ điều kiện kinh tế phát triển, nhiều họ tộc dùng mâm cỗ trên các bàn tròn, có trải khăn bàn nhìn sang trọng không thua gì đám cưới.

Một điều đặc biệt là nhiều họ tộc ở Thừa Thiên Huế trong dịp này còn lồng ghép công tác khuyến học gia đình, dòng họ vào trong ngày giỗ chạp để tuyên dương, khen thưởng con cháu có thành tích, đỗ đạt. Tuy hình thức chưa thật phong phú nhưng cũng phần nào thể hiện rõ nét sự quan tâm của dòng họ đến việc học của con em. Từ nguồn đóng góp của các hộ gia đình, các dòng họ ở Thừa Thiên Huế đã duy trì nền nếp cứ vào dịp Chạp mả, con cháu xa gần lại tề tựu để biểu dương, khen thưởng những con em có thành tích trong học tập. Phần thưởng tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa trong việc động viên, khích lệ con em hăng say học tập, rèn luyện về mọi mặt để vươn lên lập thân, lập nghiệp. Đây cũng là việc làm nhằm đẩy mạnh xây dựng quỹ Khuyến học, khuyến tài, tuyên truyền các tiêu chí về “dòng họ học tập”, “gia đình học tập”; động viên khen thưởng kịp thời để các cháu trong dòng họ phấn đấu rèn luyện và đạt thành tích cao hơn trong học tập. Nhờ vậy, việc Chạp mả không chỉ là dịp tri ân của con cháu đối với tổ tiên của họ tộc, mà còn là dịp gặp mặt và tuyên dương những con cháu có thành tích cao trong con đường học vấn khiến dịp Chạp mả thực sự là ngày hội của dòng họ.

3. Giá trị lễ Chạp mả của người Huế

3.1. Giá trị lịch sử

Chính quyết định “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa mà từng bước biến Huế trở thành trung tâm hội tụ văn hóa của cả nước thời các chúa Nguyễn và cả nước thời của các vua Nguyễn. Đó như là một tất yếu, dòng họ Hoàng tộc nhà Nguyễn được coi là lớp cư dân người Việt có mặt đầu tiên ở vùng đất này. Ngoài ra ở Huế còn nhiều dòng họ danh gia vọng tộc vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Trải qua mấy trăm năm lịch sử, trên mảnh đất Thừa Thiên Huế đã có rất nhiều dòng họ đến sinh cơ và lập nghiệp. Mỗi dòng họ đều có một mốc son lịch sử, đều đồng hành, tham gia vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, nhưng đều có con cháu dòng họ cùng góp công, góp sức, góp của để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giúp dân yên ổn làm ăn và trở thành những anh hùng hào kiệt. Nối tiếp truyền thống vẻ vang của cha ông, các thế hệ con cháu dòng họ ở Thừa Thiên Huế tự hào, noi gương, ra sức học tập, chiến đấu, công tác, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Mặc dù Thừa Thiên Huế hiện nay có nhiều dòng họ, nhưng trong tâm thức của cư dân nơi đây vẫn coi như đều từ một bụng mẹ mà ra, nên từ đồng bào, ca dao có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thông qua lễ Chạp mả, các con cháu như có dịp được bày tỏ lòng tự hào, sự biết ơn đối với các bậc tiên tổ có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển dòng tộc ngày càng vững mạnh.

3.2. Giá trị văn hóa

Lễ Chạp mả tuy diễn ra đơn giản nhưng được tổ chức với thái độ thành kính, trang nghiêm nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn các vị tiên tổ trong dòng họ. Lễ Chạp mả là phương thức để bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa dòng họ. Tưởng chừng lễ Chạp mả chỉ diễn ra ở các nghĩa địa, nơi có các khu mộ chôn cất những bậc tiên tổ của dòng họ mình, nhưng lại có sự gắn kết với nhà thờ, từ đường, bàn thờ tổ tiên. Có thể nói, cùng với việc lập nhà thờ, ban thờ, duy trì các nghi lễ cúng kỵ, xây dựng lăng mộ, lễ Chạp mả là những giá trị di sản văn hóa quý báu, trở thành vật thiêng liêng trong tâm thức của người Việt tại vùng đất Huế.

Với sự duy trì đều đặn và sự tham gia một cách nhiệt tình, mà lễ Chạp mả đã góp phần đóng góp không nhỏ vào mục tiêu giáo dục con cháu hướng về cha ông, tổ tiên, biết giữ gìn đạo lý gia phong. Nó trở thành phương thức giáo dục trong gia đình, dòng họ, duy trì được đường nét cơ bản trong truyền thống quý báu của dòng họ mình, từ đó, tạo cơ sở cho việc xây dựng văn hóa dòng họ lành mạnh. Cũng nhờ vào lễ Chạp mả mà phần nào tác động nhất định đến đời sống và hôn nhân của các thành viên dòng họ. Đó là việc lựa chọn đối tượng để kết hôn, tổ chức hôn lễ, chăm lo đời sống sau hôn nhân cũng như những tác động khác đến đời sống, lối sống, cư xử của các thành viên dòng họ. Vì vậy, để xây dựng gia đình Việt Nam “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh” chúng ta cần chú trọng đến việc duy trì và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dòng họ đối với đời sống của các thành viên, nhất là trong việc hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong gia đình.

Sống trong môi trường của dòng họ mỗi cá nhân và gia đình đều phải tuân theo những phép tắc, những quy định ứng xử riêng của gia đình, dòng họ mình. Vì vậy, khi có mâu thuẫn xảy ra trong gia đình của các thành viên thì dòng họ sẽ có những tác động đến việc hòa giải các mâu thuẫn đó. Bởi theo nếp suy nghĩ của người Việt Nam thì giải quyết trong nội bộ gia đình vẫn được xem là biện pháp đầu tiên. Do đó, những người lớn tuổi trong dòng họ sẽ tìm những lời lẽ đúng đắn để khuyên răn con cháu mình làm những điều hay, lẽ phải, theo thuần phong mỹ tục và dùng tình cảm, sự yêu thương để tác động, khuyên răn. Trên thực tế đã có rất nhiều những trường hợp, những mâu thuẫn, rạn nứt trong gia đình nhờ có sự tác động của gia đình và họ hàng đã được hòa giải và mang lại sự bình yên và hạnh phúc6. Từ đó tạo nên một nếp sống lành mạnh, có văn hóa, có tổ chức và biết cách duy trì những giá trị tốt đẹp của từng gia đình và dòng họ, làm nên một nét đẹp thuần phác mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

3.3. Giá trị cố kết cộng đồng

Trước sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và lo toan “cơm áo gạo tiền”, nhiều gia đình lại ít tham gia các hoạt động của dòng họ, đây chính là nguy cơ khiến cho tình cảm trong dòng tộc bị rạn nứt. Do đó, việc họ mà cụ thể là Chạp mả là phương thức để gắn kết, cầu nối giữa các thành viên trong cùng một dòng họ. Cũng vì thế lễ Chạp mả không chỉ là hoạt động tâm linh nhằm tri ân đến bậc tiên tổ của dòng họ mà còn có ý nghĩa kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của những con người có cùng chung huyết thống, máu mủ, ruột rà, thân tộc. Trước và trong lễ Chạp mả, mỗi người một công việc, một trách nhiệm, tất cả đều cùng chung tấm lòng hướng về nguồn cội. Mọi người cùng tề tựu về tại từ đường, nhà thờ họ và khu mộ tổ để cùng đảm trách mọi công việc trong ngày lễ Chạp mả, giờ đây giá trị của mỗi con người là như nhau, tất cả đã cùng hòa quyện là “con chung một nhà”. Chạp mả đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành viên, từ trưởng họ là bậc lão thành đảm trách công việc cúng tế, bày soạn lễ vật, các thanh niên trai tráng tay cầm cuốc xẻng ra làm đẹp tại khu mộ đến các bà, các chị đi chợ, nấu nướng chuẩn bị mâm cỗ cúng. Mặc dù là nghi thức tâm linh, mang tính trang nghiêm nhưng lại chứa đựng sự vui tươi, hớn hở vì có tiếng cười, tiếng trò chuyện làm tăng tình yêu thương lẫn nhau.

Để chuẩn bị cho việc Chạp mả cũng như lễ cúng tại từ đường, nhà thờ họ, đòi hỏi sự chung tay, góp sức về vấn đề kinh tế. Việc làm này không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn là biểu hiện tấm lòng của con cháu muốn dâng lên ông bà, tổ tiên. Các khoản chi trong dịp lễ không chỉ phục vụ cho lễ cúng, mâm cỗ thưởng thức mà còn là những phần thưởng để nhằm tuyên dương cho con cháu có thành tích cao trong học tập. Ngoài ra, số tiền dư sau khi phục vụ cho lễ cúng, mâm cỗ dọn ăn, phần thưởng cho trẻ em thì còn dùng làm quỹ để cho con cháu gặp khó khăn có thể vay mượn dùng khi cần thiết. Chính những việc làm thiết thực trong ngày lễ Chạp mả đã tạo nên sự hấp dẫn, sự háo hức của các thành viên trong cùng dòng họ luôn nhớ đến ngày này để về tham dự.

Mặc dù, cộng đồng dòng họ có sự phân chia phái, chi nhưng sự gắn kết ở đây chủ yếu là thuộc về đời sống tâm linh, về mặt tâm lý, tinh thần được thiêng liêng hóa trong hai tiếng huyết thống (cùng một dòng máu) dù có loãng đến đâu vẫn không mất. Nhờ vào sự gìn giữ nền nếp hương khói, kỵ giỗ, Chạp mả tổ tiên các chi, các nhánh mà con cháu luôn có nơi tìm về, thậm chí là cơ sở để con cháu tìm gốc tích khi thất lạc.

4. Kết luận

Tục lệ Chạp mả được duy trì từ đời này sang đời khác, trở thành một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt ở Thừa Thiên Huế. Hằng năm, mỗi khi đi về tại nhà thờ họ cũng như bên khu mộ của tổ tiên, mọi người lại có dịp được bày tỏ, thể hiện lòng tri ân tổ tiên, gần gũi, nhìn nhận bà con bên nội bên ngoại, khiến nghi lễ này càng trở nên thiêng liêng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của các dòng họ và được lưu giữ mãi đến ngày nay. Do vậy, vào thời điểm tháng 12 âm lịch, có dịp về thăm những vùng quê nông thôn ở Huế, chúng ta sẽ được sống trong cảnh nhộn nhịp của ngày Chạp mả.

N.H.P
(TCSH430/12-2024)

--------------------
1 Hoàng Nghĩa (2021), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gặp mặt trưởng họ tộc, già làng, truy cập tại địa chỉ: svn.vn/chu-tich-ubnd-tinh-thua-thien-hue-gap-mat-truong-ho-toc-gia-lang1610734819.html, ngày 3/9/2024.
2 Nguyễn Văn Uông (2022), Nét văn hóa họ làng của một vùng quê thuần nông xứ Huế, truy cập tại địa chỉ: http:// vannghehue.vn/tin-tuc/p0/c162/n3808/net-van-hoa-ho-lang-cua-mot-vung-que-thuan-nong-xu-hue.html,ngày 3/9/2024.
3 Lê Thí (2022), Chạp mả vị tha nhân, truy cập tại địa chỉ: https://baoquangnam.vn/chap-ma-vi-tha-nhan-3026791. html, ngày 5/10/2024.
4 Minh Tự (2021), Tháng chạp thành kính tâm thức Việt, truy cập tại địa chỉ: https://tuoitre.vn/thang-chap-thanh-kinh-tam-thuc-viet-20210206080011718.htm, ngày 1/10/2024.
5 Lê Nguyễn Lưu (2006), Văn hóa Huế xưa: Đời sống văn hóa gia tộc, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 299-303.
6 Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (2019), Phát huy vai trò của dòng họ trong việc giáo dục, hòa giải mâu thuẫn gia đình góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình, truy cập tại địa chỉ: https://vhtt.ninhbinh.gov.vn/vi/gia-dinh/phat-huy-vai-tro-cua-dong-ho-trong-viec-giao-duc-hoa-giai-mau-thuan-gia-dinh-gop-phan-giam-thieu-bao-luc-gia-dinh-303. html, ngày 3/9/2024.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Nguyễn Lưu (2006), Văn hóa Huế xưa: Đời sống văn hóa gia tộc, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Hoàng Nghĩa (2021), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gặp mặt trưởng họ tộc, già làng, truy cập tại địa chỉ: svn.vn/chu-tich-ubnd-tinh-thua-thien-hue-gap-mat-truong-ho-toc-gia-lang1610734819.html, ngày 3/9/2024.
3. Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (2019), Phát huy vai trò của dòng họ trong việc giáo dục, hòa giải mâu thuẫn gia đình góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình, truy cập tại địa chỉ: https:// vhtt.ninhbinh.gov.vn/vi/gia-dinh/phat-huy-vai-tro-cua-dong-ho-trong-viec-giao-duc-hoa-giai-mau-thuan-gia-dinh-gop-phan-giam-thieu-bao-luc-gia-dinh-303.html, ngày 3/9/2024.
4. Nguyễn Văn Uông (2022), Nét văn hóa họ làng của một vùng quê thuần nông xứ Huế, truy cập tại địa chỉ: http://vannghehue.vn/tin-tuc/p0/c162/n3808/net-van-hoa-ho-lang-cua-mot-vung-que-thuan-nong-xu-hue.html, ngày 3/9/2024.
5. Minh Tự (2021), Tháng chạp thành kính tâm thức Việt, truy cập tại địa chỉ: https:// tuoitre.vn/thang-chap-thanh-kinh-tam-thuc-viet-20210206080011718.htm, ngày 1/10/2024.
6. Lê Thí (2022), Chạp mả vị tha nhân, truy cập tại địa chỉ: https://baoquangnam.vn/ chap-ma-vi-tha-nhan-3026791.html, ngày 5/10/2024.

 

 

Các bài đã đăng