PHẠM HỮU THU
Chưa có năm nào Huế có được “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” như năm 2024. Nhìn cảnh cả vạn người hôm 13/10 háo hức hội tụ về quảng trường Ngọ Môn cổ vũ cho em Võ Quang Phú Đức đang trổ tài trên chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” được truyền hình trực tiếp mới thấy “thiên thời” đã tiếp thêm luồng sinh khí và góp phần làm nổi bật “background” hoành tráng của Kinh thành Huế như thế nào.
Cũng nhờ mưa thuận gió hòa mà cây cầu vượt cửa biển Thuận An - dài nhất miền Trung và cây cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương đạt và vượt tiến độ, kịp thông xe kỹ thuật chào đón kỷ niệm 50 năm ngày Huế giải phóng.
Như nhiều người dân Cố đô, dù đoán mọi điều sẽ hanh thông nhưng không thể không ngóng về hội trường Diên Hồng theo dõi thời khắc lịch sử của ngày 30/11/2024 và vỡ òa hạnh phúc khi bảng điện tử hiển hiện con số tỷ lệ 95,62% đại biểu Quốc Hội tán thành Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã trân trọng “Cảm ơn chân thành đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu Quốc Hội, các sở, ban, ngành, địa phương đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ; sự đồng hành, chia sẻ của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà để góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương!”
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2025 tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức mang tên mới: thành phố Huế phát triển theo định hướng “Đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”!
Riêng về Văn hóa, theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ sẽ phát triển theo hướng: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hóa Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, con người Huế. Xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế, hướng tới một xứ sở hạnh phúc, thành phố Festival của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa khu vực châu Á. Tập trung bảo quản, bảo tồn, sưu tầm và phát huy giá trị các di sản, bảo vật Quốc gia gắn với Quần thể di tích Cố đô Huế; để biến di sản văn hóa thành điểm đến hấp dẫn, sau giai đoạn ứng cứu khẩn cấp những công trình chính của Di tích Cố đô Huế đã và đang được trùng tu.
Nổi bật nhất là khu vực Tử Cấm thành. Đầu năm 2024, khi biết điện Kiến Trung sau thời gian phục dựng chính thức mở cửa, du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đã nườm nượp đổ về tham quan và cuối năm 2024 đã không ngớt trầm trồ về nét kiêu sa khi chiêm ngưỡng nội thất điện Thái Hòa và mừng vui khi biết trong quá trình trùng tu, nghệ nhân đã dát đến 300 lượng vàng, làm cho các họa tiết trở nên lộng lẫy. Chốn thâm u bỗng trở nên rạng rỡ!
Chưa dừng lại ở đó, trên trục thần đạo này, từ nguồn ngân sách địa phương, Huế đã khởi công xây dựng lại điện Cần Chánh và đề ra mục tiêu, 4 năm sau sẽ đưa ngôi điện này vào khai thác, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.
Ngoài 8 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh (trong đó có 2 di sản chung với các địa phương khác), theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thành phố Huế còn có đến 95 di tích quốc gia bao gồm vật thể và phi vật thể. Trong 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì có đến ½ được ghi danh vào năm 2024, đó là: “Tri thức May và Mặc áo dài”, “Lễ hội truyền thống Điện Huệ Nam”, “Nghề làm bún Vân Cù”. Và nếu được Chính phủ công nhận, thì Làng cổ Phước Tích trở thành di tích quốc gia đặc biệt thứ 4 mà Huế sở hữu!
Cùng với các di sản thế giới, di tích lịch sử và cách mạng thì kiến trúc Huế, y phục cổ truyền Huế, văn hóa ẩm thực Huế và nhiều làng nghề truyền thống đã và đang được bảo tồn, khôi phục và phát triển, tạo bản sắc văn hóa độc đáo của riêng Huế.
Những “bảo tàng sống” ở Huế với sự tiếp sức của ngân sách địa phương đã có hàng chục nhà vườn, nhà rường ở Kim Long, Thủy Biều, Bao Vinh, Vỹ Dạ, Phước Tích… được trùng tu, tôn tạo, đưa vào phục vụ, góp phần đa dạng dịch vụ du lịch và nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống Cố đô Huế.
Đang dần trở thành phế tích, sau khi được xếp hạng, di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên đã được trùng tu và đáp ứng điều mong mỏi của các văn nghệ sĩ Huế và những ai yêu mến danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị nơi đây (kiệt 355 Nguyễn Sinh Cung - Huế) sẽ trở thành một địa chỉ sinh hoạt của các câu lạc bộ thơ, các chương trình biểu diễn ca Huế, kết hợp đưa vào các tour tuyến phục vụ khách du lịch.
Là địa phương tiên phong xây dựng Quỹ bảo tồn di sản Huế, từ khi chính thức hoạt động từ quý II năm 2023 đến nay được sự quan tâm của cộng đồng, Quỹ đã tiếp nhận được khoảng 8 tỷ đồng để bổ sung nguồn lực đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế, trong đó con cháu của bà Từ Dụ thuộc dòng họ Phạm Đăng ở Gò Công - Tiền Giang tài trợ gần 7 tỷ để trùng tu lăng mộ Hoàng thái hậu Từ Dụ (vợ vua Thiệu Trị) ở làng Cư Chánh, phường Thủy Bằng - Huế.
Từ nhiều năm nay, người ta biết Huế là nơi có 2 bảo tàng độc đáo: một của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị và một của họa sĩ Lê Bá Đảng - cả hai là kiều dân ở Pháp đều chọn Huế làm nơi lưu giữ tác phẩm của mình và trong những năm gần đây nhiều bảo tàng ngoài công lập xuất hiện, có thể kể đến: Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Bảo tàng ký kiểu thời Nguyễn; Bảo tàng Gốm cổ sông Hương; Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham, Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ (đang tìm địa điểm phù hợp).
Cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Huế, xét về quy mô dân số, có thể khẳng định Huế là nơi có hệ thống bảo tàng đa dạng góp phần phản ánh sự đa dạng của vùng đất mà các bảo tàng công lập chưa bao quát nổi. Và, trong tiến trình chấn hưng văn hóa Huế, không thể không đề cập đến việc hình thành “Tủ sách Huế”, một việc làm rất được những người trân quý văn hóa Huế mến mộ. Từ bộ “Dư địa chí Thừa Thiên Huế” đến bộ “Huế - Di tích và Danh thắng”, sau 3 năm triển khai, đến nay “Tủ sách Huế” đã xuất bản được 13 ấn phẩm góp phần giới thiệu và quảng bá văn hóa, con người và cảnh vật xứ Huế có giá trị trường tồn mãi với thời gian.
Bao trùm và nổi bật hơn cả là sau khi các vạn đò sống trên sông Hương được đưa lên bờ tái định cư, Huế đã và đang dồn sức di dời hơn 5.000 hộ ra khỏi khu vực I Kinh thành Huế trả lại nguyên trạng để tiếp tục chỉnh trang để xứng danh với di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO tôn vinh.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, một trong những thách thức lớn nhất của thành phố Huế tương lai chính là đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị. Nhưng dù mô hình phát triển thành phố có thay đổi như thế nào thì việc cải thiện đời sống cho người dân vẫn là điều quan trọng nhất, bởi đó cũng là “niềm tâm cảm mong cho Huế vươn lên khỏi giới hạn “hàn sĩ” - nghèo mà vẫn thơ, vẫn mộng, vẫn tộng bộng hai đầu - đều nóng ruột mơ ngày Huế tiến bước ngang tầm với cả nước và thời đại” như nhà văn Trần Kiêm Đoàn bày tỏ.
*
Theo dõi kỳ họp cuối cùng của Hội đồng nhân dân Thừa Thiên Huế, tôi rất mừng, dù chưa kết thúc niên khóa tài chính 2024 nhưng thu ngân sách địa phương đã đạt xấp xỉ con số 13.000 tỷ đồng. Mặc dù còn thua kém nhiều nơi nhưng cần biết rằng sau nhiều năm phấn đấu, mãi đến năm 2021 lần đầu tiên thu ngân sách địa phương mới cán mốc 10.000 tỷ. Điều đó cho thấy nền kinh tế của Thừa Thiên Huế đã và đang chuyển mình và hứa hẹn sẽ có những cú bứt phá ngoạn mục, nếu nhìn từ khu vực Chân Mây - một khu kinh tế ra đời khá sớm nhưng “èo ọt” vì vắng bóng những nhà đầu tư. Nếu lấy năm 2024 - năm bản lề trước khi Thừa Thiên Huế chuyển thành thành phố Huế, tại đây - Khu kinh tế Chân Mây, ngày 3/02, Công ty Kim Long Motor bằng việc ra mắt dòng xe bus mang tên Kim Long Mobiline đã chính thức gia nhập thị trường ô tô Việt Nam; tiếp đó, ngày 23/8 Công ty này khởi công xây dựng nhà máy sản xuất động cơ ô tô có trị giá 260 triệu USD và ngày 7/12, thông qua cảng Chân Mây đã chuyển giao cho khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh những chiếc xe Bus cho đối tác.
Tôi nhớ hôm dự lễ bàn giao lô xe bus giường nằm đầu tiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương hồ hởi dự báo, sau khi Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motor Huế (có tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng) hoàn thành, dự kiến mỗi năm Khu liên hiệp này sẽ đóng góp cho ngân sách chừng 8.000 tỷ! Chúng ta từng biết vị trí của bia đối với nền kinh tế. Nhờ chiếm lĩnh được thị trường có thời gian khá dài nó đã “gánh” đến 1/3 ngân sách địa phương.
Dẫn ra để thấy, Huế tương lai muốn “bằng chị bằng em” phải tạo điều kiện tối đa và mời cho bằng được những nhà đầu tư tầm cỡ, có thực lực trong và ngoài nước đến tham gia làm ăn trên tinh thần như slogan của Thủ tướng Phạm Minh Chính “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”!
Bắc Ninh, Vĩnh Phúc xuất phát điểm nền kinh tế khá tương đồng với nhiều địa phương nhưng chỉ cần có Toyota, Samsung, Canon… nhảy vào, nền kinh tế địa phương này đã có những cú bứt phá ngoạn mục. Riêng Quảng Nam kể từ có Tập đoàn Trường Hải, nguồn thu của địa phương này liên tục tăng. Riêng năm 2023 Thaco đã nộp ngân sách cho Quảng Nam gần 16.000 tỷ đồng!
Huế mình có cảng biển Chân Mây, dự kiến đến năm 2026 có 5 bến với tổng chiều dài 1.450 m và nhờ có đê chắn sóng dài 750m nên hầu như khai thác quanh năm; sau khi xây dựng mới, sân bay quốc tế Phú Bài hành khách đều thừa nhận đẹp và hiện đại, kèm theo hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt quốc gia chạy qua là lợi thế. Bên cạnh 2 khu kinh tế, Huế hiện nay có 6 khu công nghiệp diện tích gần 2.400 ha.
Tại khu công nghiệp Phú Bài, Công ty Gilimex đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật có tổng diện tích 460 ha. Nhận thấy “địa lợi”, nhiều nhà đầu tư đã đăng ký kinh doanh, sản xuất.
Riêng ở khu công nghiệp La Sơn, sau khi ký văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư, Công ty liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát dự án xây dựng khu công nghiệp, giai đoạn I dự kiến diện tích khoảng 500 ha; nếu khả thi cùng với Hương Thủy, Phú Lộc sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới ở phía nam Huế.
Huế đang đứng trước cơ hội lớn.
Từ Hoa Kỳ, nhà văn Trần Kiêm Đoàn bày tỏ: “Người Huế trên quê hương và khắp mọi miền phương ngoại dầu đứng ở phương vị nào cũng đồng cảm biết ơn những tấm lòng ưu ái dành cho Huế. Tình yêu và nghệ thuật lãng mạn mà quyết đoán kiểu Huế thường không có chỗ cho những cảm tính phân ranh nhất thời và định kiến tị hiềm nhỏ bé.”
Hy vọng với thế và lực mới, thành phố Huế sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Dân có giàu, nước mới mạnh!
P.H.T
(TCSH431/01-2024)