Ai ra xứ Huế
Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Huế
14:46 | 23/07/2025


NGUYỄN HỮU PHÚC

Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Huế

1. Dẫn nhập

Thờ đá là một trong những tín ngưỡng dân gian phổ biến ở Việt Nam, thể hiện mối quan hệ gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên. Từ buổi bình minh lịch sử, đá đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người thời nguyên thủy bởi lúc đó hang đá trở thành nơi trú thân, các góc cạnh sắc bén làm công cụ săn bắt, sự rắn chắc của hai mảnh đá tạo ra lửa để sưởi ấm và nấu chín thức ăn,… Hay nói cách khác, đá gắn liền với cuộc “cách mạng” với nhiều biến đổi sâu sắc về kinh tế, văn hóa và xã hội thời nguyên thủy, đồng thời cũng là nhân tố góp phần cho sự tiến hóa và phát triển loài người. Ngay cả khi con người trở về thế giới bên kia, đá là một trong những vật để gởi gắm thể xác hay dùng khắc tên để người còn sống tưởng niệm. Rõ ràng, con người tìm thấy được sự an yên và sức mạnh của mình từ đá nên như một điều hiển nhiên, con người đã khoác lên những hòn đá chứa đựng yếu tố thiêng, trở thành vị thần linh có quyền năng siêu nhiên. Ngoài ra việc lưu giữ biểu tượng đá, tục thờ cúng đá cùng các dạng thức của đá cũng phản ánh sự giao lưu và tiếp biến văn hóa, minh chứng rõ nét nhất là hình tượng Thai Dương phu nhân và Kỳ thạch phu nhân, cũng như Thạch thần trấn giữ ở các làng xã, thôn xóm trên địa bàn thành phố Huế. Để hiểu hơn về tục thờ đá trong mối quan hệ với các tín ngưỡng dân gian của người Việt, bài viết này tập trung nghiên cứu một số biểu hiện về tín ngưỡng thờ đá của người Việt tại Huế.

2. Nguồn gốc của tục thờ đá ở Việt Nam

Trong tâm thức của người Việt sự tồn tại thuyết “vạn vật hữu linh”, với quan niệm cho rằng mọi vật đều có linh hồn, vì thế đá không chỉ là vật vô tri vô giác mà còn ẩn chứa sự sống trong đó. Theo đó, đá cũng có phần hồn và phần xác như con người, là nơi cư trú cho các linh hồn. Bởi lẽ, trong buổi đầu của lịch sử, con người đã dùng hang đá làm nơi trú ngụ khi còn sống và khi chết cũng có khi nằm trong đá (chum đá của các dân tộc Lào, quan tài chèn đá của người Mường,…). Mặt khác, đá mang đặc trưng cơ bản của núi (núi đá), mà núi là chốn linh thiêng, là nơi thông linh giữa trời và đất. Cũng vì thế mà con người đã biết dùng đá vào các hành động mang tính chất ma thuật nhằm mục đích như: cầu mùa, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và gia đình sung túc, sự may mắn, bình an, cầu con,… Chính vì vậy mà xuất hiện tục thờ đá và nó đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần lẫn vật chất của con người1. Bên cạnh đó, tục thờ đá còn hướng đến nhiều giá trị nhân văn như biểu hiện cho sự bền vững, thủy chung như “Hòn vọng phu” ở Lạng Sơn.

Bàn về nguồn gốc tục thờ đá của người Việt nói chung, người Huế nói riêng, Léopold Cadière đã viết như sau: “Viên đá cũng như cây bàng đều linh, có sức mạnh thần thiêng ngự trị. Và đây là nguồn gốc việc thờ viên đá. Người ta thấy viên đá mỗi ngày mỗi to ra. Người ta bắt đầu khấn vái và thấy được đáp ứng toại nguyện. Việc tin tưởng và thờ bái thế là ngày càng tăng… Vị thần ngự trong viên đá được gọi là Ông Thần Đá. Thần phạt những ai vô lễ nhưng chủ yếu là ban ơn”2. Cũng trong nghiên cứu của mình, Léopold Cadière cũng ghi rất rõ những chuyện linh ứng liên quan đến tục thờ đá của người Việt, tiêu biểu như: “Đây là huyền thoại liên quan đến viên đá. Ngày xưa có một cư dân trong thôn đã mang viên đá về rồi dùng kê giường trong nhà. Y ngã bệnh rồi chết. Thầy bói cho biết bệnh là do viên đá linh lắm. Từ đó viên đá được sùng bái.

Thỉnh thoảng Thần Đá bắt những trẻ em đến chơi nghịch vô lễ chung quanh viên đá, phạt chúng ngã bệnh. Thế là người ta phải cúng lễ giải trừ”3. Từ những ghi chép của Léopold Cadière về tục thờ đá của người Việt là bắt nguồn từ những sự linh ứng, ban ơn hay phạt của Thần Đá mà được lưu truyền trong dân gian.

Tín ngưỡng thờ đá trong dân gian cũng có thể xuất phát từ tâm lý e sợ sự nguy hiểm. Trên những địa hình ghềnh thác dọc theo các con sông thì đá luôn là những vật cản gây ra những tai họa có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của con người. Để giải quyết về mặt tâm lý, thông thường ở những khúc sông này người ta sẽ dựng nên các miếu thờ đá. Những thần đá được người Việt tôn thờ thường là những tảng đá khác biệt do hình thù kỳ dị hiếm có, hoặc do nguồn gốc, tính chất phức tạp, nhưng thông thường là những tảng đá có tính tự nhiên4. Bên cạnh đó, người Việt thờ đá để trấn giữ không cho tà ma vào quấy phá dân làng, nhà cửa cũng vì thế mà thường có tục thờ đá trấn, trong trường hợp này đá đóng chức năng là thần hộ pháp, thần giữ cửa. Người Việt còn thờ đá để nhằm cầu con (dành cho những gia đình hiếm muộn), con cái hay đau ốm, khó nuôi thường đem đến những nơi này để gửi cho thần/ ông Mốc. Với trường hợp cầu con và nuôi dưỡng trẻ con, đá lúc này sẽ đóng chức năng như thần bảo trợ trẻ em, hay Mẹ Sanh Mẹ Độ như ở miền Nam.

Đối với các tôn giáo, tín ngưỡng, người Việt muốn cụ thể hóa các đối tượng thờ cúng như Phật, Thánh Mẫu, Thành Hoàng, ông bà tổ tiên, họ sẽ tạc lên những khối đá thành những hình người hay bằng những tấm bia bằng đá. Sau lễ an vị hay hô thần nhập tượng, các tượng đá này sẽ có sự ngự trị của thần linh và con người phải cúi chào, đảnh lễ, thờ phụng, tôn kính. Đá sẽ trở thành trạm trung chuyển những đức tin, mong ước, sự nguyện cầu giữa con người với thế giới thần linh. Hay những linh vật chầu trước các đền, miếu như Hổ, Voi, Ngựa cũng được làm từ chất liệu đá.

Có thể nói, đá có rất nhiều công dụng, cũng vì thế mà con người đã biết sử dụng đá để phục vụ cho đời sống. Đá có đặc điểm là cứng và con người có thể sử dụng độ cứng của đá để tạo ra công cụ sắc bén mang lại hiệu quả trong lao động, đá được dùng để xây nhà, xây thành lũy, xây đập, xây đê, làm đường,… Người bình dân dùng đá phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của mình như: đánh lửa, dựng bếp, kê cột,... Đối với tầng lớp vua chúa dùng đá để xây dựng các công trình kiến trúc, đền đài, cung điện, lăng tẩm... và tầng lớp thượng lưu sử dụng đá làm vật trang sức. Vì thế, từ đời sống tinh thần cho đến vật chất, đá là vật không thể thiếu và được thiêng hóa thành những vị thần bảo trợ cho con người trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, khiến cho các thế lực đó cảm động và trợ giúp con người. Chiếc cối và chày bằng đá còn là nét văn hóa phồn thực của văn hóa Việt, đại diện cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Cối giã gồm có chày và cối tượng trưng cho “âm dương, hợp cách” chỉ sự sinh sôi, phát triển.

3. Tục thờ đá của người Việt ở vùng Huế - những sắc thái biểu hiện

3.1. Thạch thần trấn giữ các xóm làng

Trên hành trình mở cõi về phương Nam của dân tộc, vùng đất Thuận - Quảng được mệnh danh là vùng “Ô Châu ác địa” vì thế mà các cuộc di dân khẩn hoang vùng đất mới luôn ẩn chứa nhiều mối hiểm nguy. Trong bối cảnh đó, các tôn giáo, tín ngưỡng như tấm thông hành mang chức năng an ủi, phủ dụ, là nơi bám víu, che chở cho tâm hồn Việt tha hương xa xứ, di cư trên vùng đất đầy lạ lẫm. Sau khi định cư trên vùng đất mới và thành lập làng ấp, cộng đồng người Việt sống tại Huế luôn sợ các thế lực “ma quỷ” quấy phá cũng như tạo dựng được sự bình yên trong tâm thức. Mặt khác, trong quá trình cộng cư, chung sống với người dân bản địa nơi đây mà cụ thể là dân tộc Chăm, người Việt đã tiếp thu những vị thần linh của họ để rồi hình thành cho mình một hệ thống thần linh có nhiều nguồn gốc khác nhau. Cũng chính vì thế, tục thờ đá được hình thành với chức năng “trấn trạch”, “vị thần hộ pháp” cho dân làng. Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu cho biết, ở Huế có tên thần Thạch Cảm Đương (石敢當) thường được khắc vào những tảng đá lớn dùng để trấn tà khí, giữ gìn sự yên ổn cho làng xóm và tên thần cũng được đưa vào văn tế của làng. Đây có lẽ là một hình thức thờ đá có từ rất lâu của người Việt, bên cạnh những loại đá thần khác, như đá mốc giới (thường gọi là ông Mốc), đá bùa... được thờ cúng5.

Miếu thờ Thạch thần tại làng Phù Khê


Ở Huế, có hai ngôi làng còn dấu tích của tục thờ Thạch thần mang chức năng trấn giữ, bảo vệ thôn xóm, đó là làng Phú Khê và làng Dương Nỗ. Làng Phú Khê thuộc xã Phú Dương, thành phố Huế, đây là một ngôi làng cổ của xứ Huế. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục thì làng Phú Khê thuộc huyện Phú Vang, tổng Dương Nỗ với 12 xã 6 phường, các xã bao gồm: Dương Nỗ, Nam Phổ, Phú An, Xuân Hòa, Tích Ba, Vinh Vệ, Phú Khê, Thạch Căn, Bàn Môn, Phú Môn, Thanh Hà, Vĩnh Lại; còn các phường là: Thượng An, Tân An, An Phú thượng, Ân Phú hạ, Phúc An, Phú Quý6. Về vị trí tiếp giáp của làng trong Địa bạ triều Nguyễn có ghi chép cụ thể như sau: “Phú Khê xã: Đông giáp các xã Nam Phổ, Dương Nỗ. Tây giáp các xã Võng Trì, Phổ Trì, Thạch Căn, sông. Nam giáp các xã Phổ Trì, Nam Phổ, Võng Trì, Thế Vinh. Bắc giáp các xã Thạch Căn, Dương Nỗ, sông7. Cũng theo nhiều nghiên cứu cho biết, vào các ngày lễ tết, cúng xóm, tế làng, mồng một, ngày rằm hay có vấn đề gì bất trắc thì người dân thường mang lễ vật đến những ngôi miếu thờ Thạch thần để cầu nguyện. Một điểm khác biệt của làng Phú Khê so với các làng xã khác trên địa bàn thành phố Huế là những ngôi miếu mang chức trấn tứ hướng sẽ thường thờ các vị nữ thần, nam thần hay thiên thần thì ngôi làng này lại thờ Thạch thần ở bốn góc của làng. Bốn ngôi miếu mang chức năng trấn giữ này sẽ có ghi thêm các dòng chữ như: Tây Phương Thần Thạch, Đông Phương Thần Thạch, Bắc Phương Thần Thạch và Nam Phương Thần Thạch. Riêng ở giữa làng có ngôi miếu thờ đá khá to nhưng không thấy đề tước hiệu như bốn miếu kia, nhưng theo phỏng đoán của tác giả là Trung ương Thần Thạch.

Miếu thờ Thạch thần tại làng Dương Nỗ


Cũng nằm cạnh làng Phú Khê là làng Dương Nỗ cũng xuất hiện các miếu thờ Thạch thần. Các ngôi miếu này cũng có nét giống với làng Phú Khê với miếu thờ khá nhỏ, trong có tượng đá được phủ khăn đỏ. Vị trí của miếu thường nằm ở đầu xóm hoặc nằm ở ngã ba, ngã tư, nơi tập trung người dân sinh sống. Hàng ngày, người dân trong làng vẫn đến đây cầu nguyện và chăm lo thờ cúng một cách trang nghiêm.

3.2. Tục thờ chó đá

Cũng mang chức năng trấn giữ, bảo vệ thôn xóm như Thạch thần, ở Huế còn có một dạng thức khác đó là thờ chó đá. Đây là một tục thờ rất độc đáo mà đến ngày nay vẫn còn duy trì là tục thờ “Thần cẩu” hay “Thiên cẩu” dưới dạng chó đá. Hiện nay trên vùng đất Huế còn rất nhiều nơi có thờ chó đá như: Làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền; Kiệt 11 và kiệt 16, thôn Trung Đông và xã Phú Thượng, huyện Phú Vang; Tổ 11, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Ở mỗi nơi đều có cách thờ chó đá riêng kể cả về chất liệu (chất liệu đá ở làng Bao Vinh hay chất liệu xi măng ở thôn Trung Đông)8, quy mô am miếu, nhưng điểm chung đều coi chó đá như một vị thần bảo hộ cho xóm làng, xua đuổi tà ma và là nơi tâm linh để người dân cầu đảo những điều bí ẩn không giải thích được9. Về sự linh ứng của Thần cẩu có thể lấy minh chứng ở làng Bao La như sau: “Có một lần gia súc trong vùng bị dịch bệnh lạ, quá sợ hãi nên ban ngày người dân đến miếu “Thần Cẩu” để khấn vái và ngay trong đêm đó trong làng xuất hiện một con chó trắng có 3 chân vừa chạy vừa sủa quanh làng, sáng hôm sau bệnh dịch bỗng nhiên chấm dứt”. Hay câu chuyện giải nạn hỏa hoạn của làng Hạ Lang như sau: “Dân làng Hạ Lang trong nhiều năm liền gặp hỏa hoạn cháy nhà mà không biết lý do và có những nhà bị cháy đến hai lần, có nhà vừa mới làm xong đã bị cháy nên người dân hết sức sợ hãi liền mời một vị thầy về giải hạn. Khi thầy đến giải và phán rằng, những ngôi nhà bị cháy này ở trước mặt “thần cẩu” làm cản trở tầm nhìn của “Ngài” nên ngài nổi giận. Sau đó, làng Hạ Lang cho xây một bức bình phong có hình con hổ lớn phía trước ngôi miếu trên đất của làng Bao La - Đức Nhuận đối diện với miếu “thần cẩu” khoảng vài trăm mét, kể từ đó làng Hạ Lang được yên ổn10. Miếu thờ chó đá được đặt trước kiệt hoặc nằm ở vị trí trung tâm của làng, trong miếu đặt tượng chó đá trong tư thế hai chân trước đứng thẳng, hai chân sau trong tư thế ngồi. Hàng năm cứ đến ngày mồng một, ngày rằm hay cuối năm, cúng tế, người dân đều mang hoa quả đến dâng cúng. Như vậy, từ motif Chó và Thần linh có thể rút ra được một điểm chung trong văn hóa tâm linh của người Huế là mọi vật đều có linh hồn và phải quý trọng, yêu thương các loài vật xung quanh, đặc biệt là chó vì nó mang tính thiêng. Cũng vì điều này mà người Huế cũng như tín đồ đạo Phật là rất kiêng ăn thịt chó.

Miếu thờ chó đá ở thôn Trung Đông


3.3. Tục thờ đá trong mối quan hệ với tín ngưỡng thờ Mẫu

Bàn về tục thờ đá trong mối tương quan với tục thờ nữ thần của người Việt ở Huế, Léopold Cadière đã nhận định rằng: “Đằng sau viên đá là một cái am thờ kính khoảng hai mươi vị thần. Bài vị chính là bài vị “Bà Chúa Ngọc”, hay là “Thánh Mẫu”. Viên đá nằm phía bên trái của am; bên phải là một cây bồ đề to lớn, ở thân cây có một cái am nhỏ, đơn giản chỉ là khám thờ bên trên một trụ vôi gạch, gọi là “miễu Bà”. Người ta thờ “Bà Hỏa” ở đó. Như thế là những yếu tố thờ bái mà chúng ta thường thấy đi chung với nhau được hội tụ về cả nơi đây: am miếu thờ các nữ thần, “Bà Chúa Ngọc”, “Bà Hỏa”, những cây linh thiêng, đá thần”11. Từ đây có thể thấy rằng, trong mối tương quan giữa các loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu có mối liên hệ với tục thờ đá.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, các vị nữ thần mang nhiều quyền năng và được nhân dân hết sức kính trọng. Qua khảo sát nhiều ngôi điện thờ Mẫu ở Huế, đa phần Thánh Mẫu được thờ trong hình ảnh là pho tượng hay bài vị được làm rất tinh xảo, nhiều màu sắc. Tuy nhiên, có hai ngôi điện thờ Mẫu mà Thánh Mẫu được tôn thờ dưới dạng tảng đá lớn đó là Điện Thiên Sanh (làng Cổ Bưu) và Sơn Chúa Điện (làng La Khê Bãi). Điểm chung của hai ngôi điện này đều thờ Mẫu dưới dạng khối đá lớn cũng như phối thờ chung với nhiều vị thần linh khác thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Ban đầu, tảng đá khá nhỏ nhưng trải qua thời gian đá to dần và ẩn chứa nhiều câu chuyện linh ứng mà được truyền tụng trong dân gian. Ngoài việc phụng thờ, hai ngôi điện này còn diễn ra lễ hầu đồng cũng như thu hút đông đảo du khách thập phương về đây chiêm bái, cầu nguyện.

Bên cạnh đó, tục thờ đá ở Huế còn phản ánh sự giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt - Chăm, gắn liền với tín ngưỡng thờ Thai Dương phu nhân và Kỳ Thạch phu nhân. Sự linh ứng của Thai Dương phu nhân đã được Dương Văn An ghi rõ trong Ô Châu cận lục như sau: “Tại làng Thai Dương huyện Kim Trà, tục truyền thần là người Chiêm. Vốn có hai người anh và em gái, thuở trẻ côi cút linh đinh khốn khổ, sống lang thang. Vì một chuyện anh em giận nhau, người anh lấy dao chém vào đầu em gái, gây thương tích. Sau đó anh em mỗi người một phương. Người anh đi sang nước khác, sau trở nên một người buôn bán lớn, đi thuyền biển trở về. Nữ thần đã tình cờ gặp lại người anh, kết làm vợ chồng, tình rất sâu đậm, ít lâu có thai. Thần vốn trước không biết là anh em. Một hôm, người anh nhìn đầu vợ có vết sẹo rành rành, liền hỏi duyên cớ. Thần bèn nói rõ việc trước. Người anh mới biết chính là anh ruột, trong lòng vô cùng sợ hãi, chẳng nói với thần, chỉ lấy một nửa vàng ngọc, của cải tặng cho vợ. Đến đêm, âm thầm cỡi thuyền ra đi. Thần ngày đêm nhớ chồng, ra ngóng đợi bên bờ cát, buồn rầu mà chết. Cái thai hóa thành một khối đá.

Có người dân làng đánh cá biển ở đây, gối đầu vào đá này ngủ say, mộng thấy một người đàn bà có thai lấy tay chỉ vào đầu anh ta mà nói rằng: chớ phạm vào thai nhi của ta. Người đánh cá tỉnh dậy, cho là linh dị, khấn rằng: “Nếu thiêng xin cho đêm nay bắt được nhiều cá”. Quả thực như lời, bèn lập miếu thờ. Ai tới cầu đảo đều rất linh ứng.

Mỗi khi tế vào mùa đông, đều dùng con gái làm tế vật. Sau vì hại đến người sống, dùng bò sắc hồng thay thế. Vào kỳ tế đông, thần giáng xuống. Dân gian gọi là Bà Dàng”12. Còn về sự linh ứng của Kỳ Thạch phu nhân, sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có nội dung như sau: “Ở xã Thạch Phước, huyện Hương Trà, trước có một người bủa lưới ở sông. Khi kéo lên thấy nặng, bèn lặn xuống nước xem biết là có viên đá vướng lưới, bèn dời đi khúc sông khác. Đến đêm, mộng thấy một bà già bảo rằng: “Ta đây là thần, nếu đem được ta lên bờ, ta sẽ phù hộ”. Ngày hôm sau, người chài họp những người đồng bọn lặn xuống sông khiêng đá lên bờ, thì là hai viên đá có nét chạm thân người mặt thú, 20 tay và 4 chân, người chài ấy sợ cho là thần, đem để ở chỗ sạch sẽ rồi dựng đền tranh để thờ. Từ đấy tỏ ra linh ứng. Hồi đầu bản triều phong là “Kỳ Thạch phu nhân chi thần”. Gặp năm đại hạn, sai quan đến cầu đảo hàng mấy tuần không được mưa, bèn sai dời hai viên đá đến bờ sông, đêm hôm ấy liền nổi gió to mưa lớn, sáng hôm sau ra xem, thấy mất một viên, còn lại một viên, bèn rước về tế tạ. Viên đá ấy nay vẫn còn”13.

Qua hai truyền thuyết về sự linh ứng của Thai Dương phu nhân và Kỳ Thạch phu nhân được ghi chép một cách cẩn thận trong tài liệu thành văn, có thể nhận thấy những vị thần linh này đóng vai trò như vị thủy thần. Đây cũng là hai vị nữ thần đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Huế cũng như nhận được nhiều sắc phong thần của triều Nguyễn. Tuy gọi là danh xưng “phu nhân” (mang yếu tố nữ) nhưng hình tượng của họ được biểu hiện là những “tảng đá” được trang trí theo phong cách Champa. Điều này cho thấy, đá và nữ thần có mối liên hệ với nhau, hay nói cách khác đá cũng mang yếu tố nữ, biểu hiện cho sự sinh sôi, phát triển. Hiện tượng thờ cúng này cũng cho thấy sự giao lưu giữa hai dân tộc Việt - Chăm trên góc nhìn tín ngưỡng, tôn giáo. Từ công thức Đá - Nước - Phụ nữ, những thứ này đều mang tính âm, nên chúng dễ đồng nhất và gắn kết với nhau, tạo thành sự tổng hòa của tín ngưỡng thờ Đá, thờ thần Biển và tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong công trình Thần, người và đất Việt, Tạ Chí Đại Trường đã có nhận xét khá là thú vị từ sự chồng chất văn hóa Việt - Chăm và mang yếu tố nữ từ tục thờ đá như sau: “Ở mức độ này của quan niệm thờ đá, có thể cho rằng việc thờ các tượng Chàm cũ - còn nguyên hay sứt gãy - chính là thờ thần - người (đá), có thêm xác định chủng tộc, văn hóa, cho nên ngoài ý thức, nhu cầu được bảo vệ còn là lễ cầu mong khỏi bị trả thù (tương đương và đồng thời với lễ cúng Ngu liên quan đến ruộng đất)”, “Sự đồng nhất cây - đá có thể hiểu được trong một quan niệm phồn thực cổ sơ mà ở đây, nữ tính nổi bật… Cho rằng đá cũng mang nữ tính, sinh sản”14. Từ hiện tượng này, chúng ta cũng có thể thấy được mối tương quan, giao hòa giữa nền văn hóa Chăm (Thần Biển) với văn hóa Việt (thờ Đá và thờ Mẫu), đây cũng là nhân tố góp phần tạo nên loại hình tín ngưỡng đặc trưng ở vùng Huế. Ngoài ra, tại một số ngôi điện thờ Thánh Mẫu trên đất Huế cũng xuất hiện các ban thờ Thạch thần được đặt trước cổng ra vào. Và cũng trong một số nghi lễ dân gian Huế, đá còn được sử dụng trong lễ động thổ xây lăng mộ, xây nhà ở hay làm các công trình.

Kết luận

Có thể nói, trong đời sống tâm linh của người dân Huế, tục thờ đá đã trở thành một phần không thể thiếu. Từ đối tượng thờ cúng, nghi lễ cúng tế và phương thức thực hành đức tin đã tạo nên nét đặc trưng, độc đáo trong văn hóa dân gian Huế. Tục thờ đá ở Huế không chỉ phản ánh một loại hình tín ngưỡng, một biểu tượng văn hóa mà còn như một thông điệp muốn gửi đến mọi người là hãy biết quý trọng và yêu mến thiên nhiên, vì giữa con người và thế giới tự nhiên có sự gắn kết nhất định. Thông qua tục thờ đá ở Huế còn phản ánh bức tranh văn hóa và sự phong phú trong đời sống tinh thần của người dân vùng đất Cố đô cũng như mối liên hệ, gắn kết giữa các loại hình tín ngưỡng dân gian.

N.H.P
(TCSH57SDB/06-2025)

---------------------
1 Triệu Minh Thùy (2018), Biểu tượng “Đá” từ đời sống đến tác phẩm văn học dân gian (sự tích “Hòn vọng phu” ở Lạng Sơn), truy cập tại địa chỉ: https://bak16.lce.edu.vn/vi/news/Tin-tuc-Su-kien-53/bieu-tuong-da-tu-doi-song-cong-dongden-tac-pham-van-hoc-dan-gian-su-tich-hon-vong-phu-o-lang-son-889.html.
2 Léopold Cadière (2021), Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Đỗ Trinh Huệ biên dịch và bổ chú, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 506.
3 Léopold Cadière (2021), sđd, tr. 509.
4 Nguyễn Cường, Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Quảng Trị, truy cập tại địa chỉ: https://trungtamquanlydi tichvabaotangquangtri.vn/baoton/baiviet/tuc-tho-da-trong-tin-nguong-dan-gian-cua-nguoi-viet-quang-tri/187.
5 Lê Nguyễn Lưu (2017), “Đôi nét về tín ngưỡng thần linh ở làng xã Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (141), tr. 10.
6 Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Văn hóa - Thông tin, tr. 88-89.
7 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (2020), Địa danh làng xã Việt Nam qua tài liệu địa bạ triều Nguyễn, Tập II Bắc Trung Bộ (Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên), Nxb. Hà Nội, tr. 546.
8 Theo người dân cho biết, ban đầu tượng làm bằng chất liệu đá nhưng sau do thời tiết, lụt bão nên họ đã thay thế bằng chất liệu khác.
9 Trần Nguyễn Khánh Phong (2018), Chó đá trong đời sống của cư dân Thừa Thiên Huế, truy cập tại địa chỉ: http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p2/c15/n26390/Con-cho-trong-doi-song-cua-cu-dan-Thua-Thien-Hue.html.
10 Hà Oai (2024), Ly kỳ văn hóa độc đáo thờ “chó đá” ở Huế, truy cập tại địa chỉ: https://nguoihanoi.vn/ly-ky-net-vanhoa-doc-dao-tho-cho-da-o-hue-ky-1-lam-le-ruoc-than-cau-85436.html.
11 Léopold Cadière (2021), sđd, tr. 506.
12 Dương Văn An (2021), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh dịch và bổ chú, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 103-104.
13 Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 195.
14 Xem thêm: Tạ Chí Đại Trường (2013), Thần, người và đất Việt, Nxb. Tri thức, tr. 254 - 257.

 

 

Các bài đã đăng