Ai ra xứ Huế
Lên đồng ở Huế xưa
16:09 | 06/10/2009
VÕ HƯƠNG AN (*)Ngày trước tôi chưa thấy nơi nào nhiều am, miếu, điện, đền như ở Huế. Và cũng chưa thấy nơi nào mà việc lên đồng lại phổ biến và quen thuộc như ở Huế. Nội dọc con đường chạy từ xóm Cầu Đất tới cống Vĩnh Lợi đã có khá nhiều điểm lên đồng, nào am ông Cửu Cường, am bà Thầy Bụi, Phước Điền Điện của ông Giám Hưu, am ông Chấn.v.v nói chi đến những nơi khác nữa.
Lên đồng ở Huế xưa
Người đứng giá hầu đồng nam giới - Ảnh: vi.wikipedia.org

Trong cái trí nhớ còm cõi của tôi, tuy không biết cái tên chính thức nhưng  vị trí của mấy tụ điểm trứ danh thì khó quên lắm, nào cái am cổ kính núp dưới mấy tán cây cổ thụ, nằm phía ngoài cửa Nhà Đồ, xế nền trái của Phu Văn Lâu, nào cái am dựa gốc cây sanh ở mé nước chân cầu Gia Hội, nào am Hồ Mưng, am ngự Viên, am thầy Đội Ba ở Tá Duệ v.v. kể sao cho xiết. Xa Huế hơn ba mươi năm, không biết những am, miếu, điện, đền kia có còn không, riêng cái Phước Điền Điện, vì là chỗ hàng xóm nên tôi biết chắc là đang còn tiếp tục hương khói như hồi ông Giám sanh tiền.

 Mạ mi lên đồng...

Năm tôi học lớp Nhì, một buổi sáng nọ vừa ló mặt tới trường, thì thằng Đú, bạn cùng lớp, thấy mặt tôi đã la lên:

- Ê, hôm qua tau thấy mạ mi lên đồng ở am ông Cửu Cường

- Răng mi biết?

- Thì nhà tau ở gần am ông Cửu Cường. Hôm qua ở đó cúng to lắm. tau theo mấy đứa trong xóm tới kiếm xôi chè nhưng chỉ được khoai với đậu phụng luộc mà thôi.

Do tiết lộ của thằng Đú, từ đó trở về sau mấy đứa bạn trong lớp lại có thêm đề tài mới để châm chọc mỗi khi chúng không vừa ý tôi điều gì. Chẳng nói chi nhiều, chỉ cần một đứa vừa nhảy loi choi vừa giả bộ la hét như lên đồng và mấy đứa khác hát phụ họa.

Ông lên ông nhảy lom xom:
Bà lên bà nhảy bể om nước chè

là đủ cho tôi tức điên lên rồi.

Mẹ tôi là chân lính của Đức Chầu Nóng (theo lời của bà và mấy bà đàn em của bà nói lại). Vào những dịp rằm to vía lớn bà thường ít khi vắng mặt ở các am điện quen thuộc.

TIÊN THIÊN THÁNH GIÁO

Trong cuốn Việt Nam Phong Tục, học giả Phan Kế Bính dành ba trang để nói về tục lên đồng của người Việt Nam dưới mục Đồng cốt. Theo ông, "Đồng cốt là những người thờ về chư vị, như thờ bà Liễu Hạnh công chúa, Thượng Ngàn công chúa, Cửu Thiên Huyền Nữ v.v. thì gọi là đồng Đức mẹ; thờ các vị Hoàng tử thì gọi là đồng Đức ông; thờ về các cậu thì gọi là đồng Cậu quận, thờ về các cô thì gọi là đồng Cô". Đó là ông nói về lên đồng ở miền Bắc. Ở Huế có phần khác một chút.

Người Huế gọi đơn giản là Lên đồng, thậm chí cũng ít gọi là "đạo lên đồng". Ngay cả cái tên Tiên Thiên Thánh Giáo, là danh xưng chính thức của tập thể những người theo tín ngưỡng lên đồng ở Huế, dường như cũng chỉ mới xuất hiện sau này trong khoảng trước 1975 và sau 1960, nếu tôi nhớ không lầm. Mãi về sau này nhờ đọc được đâu đó trong sách vở và qua chuyện trò tôi mới có một chút ý niệm về tín ngưỡng lên đồng chứ trước kia tuy đã nhiều lần nghe nói tới Đức Chầu, Quan Lớn, Ông Chín Thượng Ngàn v.v nhưng chẳng hiểu hệ thống thờ phụng ra làm sao.

Người theo đạo lên đồng thờ Tam Phủ. Họ hay nói đến Vua cha Mẫu mẹ. Vua cha chính là Ngọc Hoàng Thượng Đế trị vì trên tất cả các cõi. Thế giới có ba cõi là Thượng thiên, Thượng ngàn và Thuỷ phù. Mỗi cõi như thế do một vị Thánh Mẫu cầm đầu, đó là Mẫu Trung Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thuỷ Phù mà các bà thường gọi là Mẫu Thoải. Mỗi Mẫu lại có các Thánh bà hầu hạ mà người ta thường gọi là các Đức chầu. Dưới quyền sai phái của Mẫu còn có năm vị Quan Lớn, từ Đệ Ngũ tới Đệ Nhất, 10 ông Hoàng, 12 Tiên cô, các cậu Quận, và những vong linh chết non (sút sảo, tảo vong) hiển linh thường được gọi là các cô Bé hay các Cậu.

Hiện thân của Mẫu Thượng Thiên là Liễu Hạnh Công Chúa tức Vân Hương Thánh Mẫu, còn Mẫu Thượng Ngàn là Thiên  Y A Na Thánh Mẫu tức nữ thần Po Naga của dân tộc Chàm, tôi chưa nghe nói vị nào là hiện thân của Mẫu Thoải. Điện Hòn Chén, tức Huệ Nam Điện, thánh địa của tiên Thiên Thánh Giáo, hiện thờ các vị này.

CĂN MẠNG

Phải nói thật là tôi không ưa lên đồng. Vì thế, khi biết được bài thơ Vịnh lên đồng của Tú Xương thì tôi khoái lắm, cứ ông ổng mà rằng:

Khen ai khéo vẽ sự lên đồng.
Một lúc lên ngay sáu bảy ông.
Sát quy ông dùng thanh kiếm gõ.
Ra oai bà giắt cái khăn hồng.
Cô giương tay ấn tan tành núi,
Cậu chỉ ngọn cờ cạn rốc sông..
Đồng giỏi sao đồng không giúp nước
Hay là đồng sợ súng thần công?

Có lần mẹ tôi nghe được, la cho một trận nên thân, cấm tôi không được nói như thế nữa, sẽ mắc tội báng bổ ông bà, coi chừng có ngày bị phạt. Chi không biết chứ việc bị ngài phạt thì tôi đã thấy tận mắt nhiều người nhưng đáng nhớ là cậu ruột tôi. Ông là anh của mẹ tôi, cửu phẩm bá hộ, chủ lò gạch, chân lính của Quan lớn Giám sát.

Khi có lễ cúng lớn tại am Triều Sơn, ông thường ngồi với bạn cung văn, hoặc cầm sanh gõ nhịp, hoặc giữ chuông và chầu văn thế cho ông Khóa Sanh, một tay chầu văn chuyên nghiệp, để ông này tạm giải lao một lát. Tôi cũng thường ngồi với bạn cung văn để xí phần bánh kẹo khi ngài ban lộc. Ngài ban lộc bằng tiền thì các ông bỏ túi, còn đối với bánh kẹo thì tôi được ưu tiên. Trong một lần như thế, tôi chợt thấy cậu tôi có vẻ khác thường. Cặp sanh gõ không còn đúng nhịp nữa mà cái mặt của cậu đỏ rần như uống rượu, hai con mắt long lanh. Bỗng cậu buông cặp sanh xuống, lao mình từ trong điện ra giữa sân, rồi từ giữa sân lao xuống sông, trồi lên hụp xuống như bị một người vô hình nào đó nhận nước vậy. Tôi nhớ hồi đó mẹ tôi chưa bị bắt lính. Bà cùng mấy bà khác chạy ra bến sông lạy như tế sao, xin ngài tha cho cậu. Sau khi tự hụp lặn như vậy một lúc, cậu tôi lội vào bờ, vừa đi lên sân vừa lấy hai tay tự tát lia lịa vào hai má vừa nói bằng một giọng lạ hoắc "Thằng nam, ngươi dám cãi lệnh ta à? Dám cãi lệnh ta à?..." Sau đó cậu hét lên một tiếng và ngã lăn ra đất. Mấy bà vái bốn phía, rồi đỡ cậu tôi dậy, khiêng về tắm rửa thay quần áo sạch sẽ để tới hầu ngài kẻo lại bị phạt nữa. Sau đó khi tôi hỏi mẹ tôi "Cậu làm chi lạ rứa?" thì bà giải thích rằng "Cậu là lính của Quan lớn Giám sát, ngài giáng về mà cậu thấy "dị", cưỡng lại, không chịu, nên mới bị phạt như rứa, chứ ai dại chi mà đi hành xác cho mệt."

Lính của các ngài thuộc đủ mọi giai tầng trong xã hội, thượng vàng hạ cám đều có mặt, theo tiêu chuẩn thầy sao trò vậy. Bởi thế, trong số đệ tử của chư vị không những có Bà cụ Lại, vợ một vị Thượng thư đầu triều, mà còn có cả chú Chấn thợ tre và chị Tài bán trầu chè.

Tới ngày phải đi chầu đi hầu mà không tới am tới điện dâng lễ bái thì chân lính đang khỏe cũng hóa bệnh ngay. Ấy là ngài phạt. Ngược lại, tới ngày sóc vọng nhưng trong người ngó bộ mệt mỏi, bần thần muốn binh mà ráng tới dâng lễ bái rồi ngài thương ngài giá lâm một hồi thì trong người hồi sinh khỏe khoắn ngay. Hiện tượng này khá phổ biến đối với các chân lính, quí vị nào tò mò muốn biết thiệt giả và tìm cách lý giai thì rất nên nghiên cứu!

CHẦU VĂN

Lân mà không có trống phèng la cầm nhịp thì làm sao lân múa cho được? Lên đồng cũng vậy, bắt buộc phải có chầu văn. Điệu chầu văn là một trong những điệu cổ nhạc hay nhất của Việt Nam. Trong khi đa số các điệu cổ nhạc khác mang một vẻ chậm rải ủy mị thì điệu chầu văn lại đầy sức sống, rất là giật gân, nhất là chầu văn Quan lớn, đúng là nhạc của nhảy múa.

Ban cung văn thường có một cây đàn nhị, một cây đàn nguyệt, trống con, cặp sanh, và chuông. Nếu không có đàn và trống thì chỉ một chiếc chuông cũng đủ hầu ngài về!

Chuông chầu văn cũng là một loại chuông nhỏ, đường kính chừng 25 phân thường dùng ở các gia đình thờ Phật. Tuy nhiên, lối đánh chuông lên đồng hoàn toàn ngược lại với lối đánh chuông cúng Phật. Khi đánh chuông cúng Phật (chuông gia trì, không phải đại hồng chung), người ta tạo ra một âm thanh trầm mặc khoan thai, ngân nga trong không gian như một sự lan tỏa của từng làn sóng mềm mại trên mặt hồ tĩnh lặng. Để tạo ra loại âm thanh đó, cái đầu của dùi chuông được quấn bằng một lớp vải dày và mềm để cho sự va chạm dược dịu dàng; động tác đánh chuông cũng từ tốn. Còn tiếng chuông lên đồng thì khác hẳn, ngắn, sắc cạnh, the thé và dồn dập. "Chập, cheng cheng. Chập, cheng cheng, Chập chập, cheng cheng..." Để tạo ra loại âm thanh đó, người ta trở đầu cán để gõ (nghĩa là không gõ bằng đầu bọc vải mềm), khi thì gõ trên miệng chuông, khi thì gõ trên thân chuông, đã thế còn lại dùng cán chặn vào chuông để ngăn âm thanh lại, không cho ngân dài, mục đích tạo ra những tiết tấu, nhịp điệu khác nhau phù hợp với bài văn hầu giá đồng đang lên.

Những người chầu văn chuyên nghiệp đều thuộc lòng những bài văn đó. Bên cạnh những bài bản sẵn có, đôi khi cung văn có thể ngẫu hứng sáng tác một vài câu một vài đoạn cho phù hợp với một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Trong một lần trà dư tửu hậu, có người kể chuyện rằng trong một buổi hầu đồng nọ, có một bà đang lên giá Cô Năm Thoải. Ban cung văn đàn ngọt hát hay, giá Cô Năm với mái chèo trong tay tha hồ mà nhún nhảy, nhịp nhàng và yểu điệu. Đang lúc cao hứng như thế thì cơ hậu môn mất kiểm soát nên giá cô phát ra tiếng "bùm" rất lạc điệu. Anh cung văn liền biến tấu ngay:

Cô lên, cô hát, cô chơi
Cô bắn súng lục, cô bơi thuyền rồng.

Nịnh đúng lúc nên anh cung văn được cô thưởng lớn.

Có nhiều điệu chầu văn khác nhau. Nói một cách khác, nhạc điệu chầu văn thay đổi theo cấp bậc và cảnh cõi của chư vị. Điệu văn chầu các Thánh Mẫu hay các Đức Chầu - là những bậc cao trong hệ thống chư vị - thường khoan thai, đỉnh đạc và trang trọng. Điệu văn chầu các Quan Lớn thì oai nghiêm, hùng dũng, mạnh mẽ như khúc quân hành. Điệu văn hầu các Ông các Cô thì rộn ràng, vui tươi, tha hồ mà nhảy múa, cũng như giới trẻ ngày nay gặp Rock'n Rol hay Disco vậy... Các tay chầu văn chuyên nghiệp có thể đổi từ điệu này sang điệu khác một cách dễ dàng, như nhạc sĩ hay ca sĩ tân nhạc đổi gam trong bản nhạc vậy, để đáp ứng kịp thời sự thay đổi của giá đồng đang lên.

Đặc biệt khi các Ông và các Cô thuộc cõi Thượng Ngàn (chẳng hạn Ông Chín Thượng Ngàn, Cô Bảy Thượng Ngàn) về thì cung văn liền giá ngay giọng Thượng, nghĩa là giọng của người thiểu số nói tiếng Kinh, để bài chầu văn cho phù hợp, tạo nên một sắc thái khá độc đáo.

Tuy rằng mỗi cấp bậc của giá đồng có một điệu chầu văn khác nhau nhưng bất cứ giá đồng nào khi thăng cũng đều được cung văn tiễn đưa bằng một câu giống nhau, là loan xa giá ngự hồi cung hay xa giá hồi loan. Có thể nới khác dùng chữ khác nhưng tôi nghĩ mô thức hẳn phải tương tự. Các vị có vai vế lớn thường chỉ về một mình, mỗi lần một vị, sau đó đến phiên các cô các ông thì có thể về một lúc ba bốn giá đồng, đó là điều Tú Xương mỉa mai là "một lúc lên ngay sáu bảy ông". Cung văn đang chầu văn ngao trớn, bỗng nghe một tiếng hét rồi có người ngã vật ra, biết ngay là có cô hay ông đã thăng, liền tấu ngay câu loan xa giá ngự hồi cung kèm theo ba tiếng chuông tiễn đưa, rồi mới tiếp tục bài văn đang chầu.

Ai cũng biết là giọng Bắc không giống giọng Huế hay giọng Nam; điệu chầu văn cũng thế. Chầu văn Huế không giống chầu văn Bắc, tuy rằng tín ngưỡng len đồng đã từ châu thổ sông Hồng vượt đèo Ngang để vô tới Huế với đủ lề lối mang theo. Tụng kinh Phật, chầu văn, hát ru con, khi đi từ Bắc vô Nam đã thay đổi làn điệu với mỗi trạm dừng chân trên bước đường Nam tiến. Hay là thủy thổ mới tạo ra phong cách mới chăng?

ÁO NGỰ KHĂN CHẦU

Cái va li đựng "đồ nghề" hầu đồng của mẹ tôi chỉ lớn cỡ cái va-li 20 inches được phép mang lên máy bay mà thôi, nhưng đầy đủ khăn áo cho giá Đức Chầu mà bà là chân lính và bà chỉ hầu có một mình ngài thôi, trong khi các bà các cô khác, ngoài giá bổn mạng có thể các ngài khác cũng mượn đỡ làm chân lính nên sắm nhiều đồ hầu hơn. Thím Nhiêu, lính của cô Bảy Thượng Ngàn, là đàn em của mẹ tôi, phụ trách cái va-li mỗi khi hai thầy trò cùng đi lễ tại một am, đền nào đó. Thím cũng người hầu dưng (chầu dưng) cho mẹ tôi khi ngài đã nhập đồng, lo hầu dâng khăn áo và đồ trang sức, tuy rằng lúc đó có thể có thêm một hai người khác nữa phụ giúp nhưng thím Nhiêu là đệ tử ruột. Giá mà mẹ tôi còn sống và được qua Mỹ để thấy mấy cái va-li đồ hầu của quý vị đệ tử ở đây thì mặc sức mà hít hà. Toàn là gấm vóc lụa là thứ thiệt đắt tiền, vừa nhiều vừa sang, cái nào cũng lóng lánh như nạm ngọc dát vàng, đến áo ngự khăn chầu của vua chúa Việt Nam ngày xưa chắc cũng chừng đó mà thôi.

Tôi thấy hình như chẳng ai sửa sọan gì nhiều khi ngồi đồng. Chỉ cần rửa mặt mày tay chân sạch sẽ, áo xống chỉnh tề, làm lễ trước bàn thờ rồi đứng hay ngồi xếp bàn trước bàn thờ, phủ cái khăn đỏ lên đầu, nghe cung văn đàn hát một hồi thì cái đầu bắt đầu đảo, càng lúc càng nhanh. Rồi bỗng nhiên con đồng thét lên một tiếng và đứng dậy, ấy là ngài đã về. Cũng có người chẳng thấy phủ khăn gì ca, đang ngồi trong đám hầu dưng, tự nhiên ngài nhập về lúc nào không hay. Có người biết chắc rằng mình sẽ hầu giá bổn mạng nên lo mặc y trang trước rồi mới ngồi đồng. Đối với những người không chuẩn bị thì sau khi ngài nhập rồi, người hầu dưng mới dâng khăn áo, đồ trang sức và binh khí hoặc các món mà ngài thường ưa thích khác. Ngòai ra, khăn đội đầu, và hai dải khăn bằng lụa dài chừng 3 thước, với màu sắc tùy theo giá đồng (dùng thắt ngang lưng, bên ngòai áo, bỏ múi hai bên) là trang phục chính, các ông các bà còn sắm thêm nhiều món trang sức phụ khác, nhiều hay ít, tầm thường hay sang trọng là tùy theo túi tiền nặng nhẹ, chẳng hạn vòng vàng chuỗi hột, nước hoa, son phấn v.v...

Nếu là đã quen thuộc với giá đồng, người hầu dưng biết ngay là phải dâng món gì cho hợp với ngài. Có khi chính giá đồng ra lệnh. Chẳng hạn nếu là chư vị Quan Lớn giá lâm thì đừng quên dâng khăn đóng và thanh long đao hoặc đôi thiết chùy để cho ngài múa. Với giá cô Ba Thoải thì nhớ phải có mái chèo để cô bơi thuyền cô đi.

Với giá các Cô khác thì đó là đôi đèn sáp hay đôi roi để cho các cô múa. Còn với giá ông Chín Thượng Ngàn thì đừng quên mang cho ông cái khèn và cái ống vố để ông hút thuốc. Tôi thấy có người cúng cho (lính) ông Chín tẩu Dunhill đàng hoàng. Khi ông Chín về thì thế nào cũng gọi lính của ông về theo, đó là ông Hổ. Hễ thấy ông Hổ về thì chớ lấy khăn áo. Hãy lấy ngay cái lốt cọp may bằng vải mà mặc cho ông. Lốt may rất khéo (may theo kiểu áo liền quần của pilot, gài phía trước bằng nút), cũng có cái đuôi ve vẩy đàng hoàng. May xong, người ta đem nhuộm vàng rồi dùng mực Tàu vẽ vằn vện, mặc vào nhảy nhót ngó như cọp thiệt. Rồi lại phải có người lo múc một thau nước đầy kèm theo lát thịt heo sống để trên đĩa cho ông thưởng thức. Sau một hồi gầm thét nhảy nhót theo ông thầy (ông Chín), ông Hổ có thể uống cạn thau nước như không, còn thịt thì ông chỉ lấy vuốt lật qua lật lại và ngửi chứ không ăn.

Trong khi các bà các cô lên bóng Cô thì múa roi hay múa đèn trông rất yểu điệu dịu dàng, rất là điệu nghệ, thì chỉ thấy mẹ tôi cầm nguyên cả nắm hương huơ huơ như thầy pháp thư phù, không nghệ thuật chút nào. Không rõ mẹ tôi không biết nhảy múa hay vì đóng vai giá đồng lớn, cần giữ sự trang nghiêm của vai vế nên không nhảy nhót như giới trẻ. Bà chỉ đi tới đi lui nhịp nhàng theo điệu chầu văn như Đoàn Dự thi triển Lăng ba vi bộ, lại còn truyền cho hầu dưng lấy giấy tinh đốt lửa chung quanh, vì ngài vốn chú về Hỏa! giá đồng đang lên Ta troàn lai cho căn mạng....

Thế giới đồng bóng có ngôn ngữ riêng của họ. Cỡ như các Đức Chầu hay Quan Lớn thì luôn luôn xưng là ta, và gọi người đối diện là nhà ngươi hay thằng nam, con nữ. Nếu là người có chút địa vị trong xã hội thì các ngài sẽ gọi bằng cách khác. Hồi bấy giờ còn chút hơi hướm vua quan nên tôi đã từng nghe các ngài gọi vua là vua trần, và vì bố tôi có làm quan nên được gọi là nam quan, mẹ tôi ăn theo nên được gọi là nữ quan. Đến khi mẹ tôi được bắt lính thì các ngài gọi là căn mạng. Cái câu Ta troàn lai cho căn mạng... là câu tôi nghe thím Cai Nghinh trong giá đồng Quan Lớn đã truyền cho mẹ tôi điều gì đó. Thay vì nói "truyền" thì thím lại nói trại là "troàn" làm mấy chục năm qua mà tôi còn nhớ tới giờ! Không biết những năm sau 75, Huế có còn lên đồng không? Và cũng không biết khi lên đồng thì ngôn ngữ của các ngài có cập nhật theo thời đại không, nghĩa là có gọi ai là đồng chí không?

Một bà nọ có con còn nhỏ, đêm ngủ không yên giấc, thường hay giật mình, năm mơ la khóc, lại ốm đau luôn. Khi cầu xin ngài cứu giúp thì được ngài cho một đạo bùa với lời phán rằng "Ta ban cho nhà ngươi đạo bùa này, đem về đeo cho ún mụn thì bách bịnh tiêu tán, hoạn nạn tiêu trừ, bình yên vô sự". "Ún mụn" là chữ các ngài dùng để chỉ đứa con nít.

Với các ông Quận (ngoài Bắc gọi là cậu Quận) và các Cô thì ngôn ngữ bình dân hơn, gần gũi hơn. Giọng của các ông các cô thường là giọng trẻ con, thích hờn dỗi nên người ta phải khéo chiều, nếu để quí vị ấy phật lòng thì coi chừng bị trác, cũng kiểu như bên phải bùa chú bị tô trác vậy. Chiều như chiều vong là vậy.

Có điều lạ là bất cứ người Huế nào lên đồng - bất kể chân lính xuất thân từ hạng nào trong xã hội - cũng đều có một điểm giống nhau, ấy là không nói giọng Huế nữa mà nói bằng một giọng khác lạ, không phải Bắc không phải Nam mà không phải giọng hát bội hay cải lương Hồ Quảng. Điều này không thể viết mà diễn tả được, phải nghe mới nhận ra được. Thế là thế nào? Hay là chư vị không phải gốc Huế nên không nói tiếng Huế? Hoặc giả, đã là ngài thì phải nói khác đi?

Chú Chấn và chú Ấm Chi đều là lính ông Chín Thượng Ngàn, thường về chữa bệnh bằng cách cho bùa và thuốc bằng cây lá. Trong hai người, giá đồng của chú Ấm Chi gây ấn tượng trong tôi nhiều hơn. Trong khi ông Chín của chú Chấn không biết hoá trang, có giọng nói Thượng nhưng không hay, thì ông Chín của chú Ấm nhập vai rất khéo. Khi ông Chín nhập vào, chú Ấm Chi cởi áo dài đen ra, xắn quần lên tận bẹn, lấy giấy tinh đốt thành than, xoa khắp mặt mày mình mẩy, đen thui như anh Bảy Chà, đầu vấn khăn đầu rìu, lưng đóng khố, mình choàng một cái áo cánh vải rằn hoặc in hoa nhỏ xanh đỏ dày đặc, loại vải mà người Thượng ở Huế thích mua dùng. Chưa hết, chú lại còn mang gùi trên lưng, trong gùi có sẵn mớ cây lá thuốc phơi khô ,mà lát nữa ông Chín sẽ ban phép cho ai muốn xin thuốc chữa bệnh. Khi cung văn chuyển qua điệu Thượng ngàn thì người ta dâng cho ông Chín cây khèn, vốn treo sẵn cạnh bàn thờ của ông trong am. Ông Chín khom mình vừa thổi khèn vừa nhún nhảy theo điệu nhạc, chẳng khác chi kiểu nhảy múa của người Thượng vào lễ đâm trâu. Xong màn nhảy múa, ông Chín nhồi thuốc vào tẩu, vừa vập vập ống vố vừa nghe người ta khai bệnh để cho thuốc. Đôi lúc ông Hổ cũng về cho thuốc và cho bùa. Tôi thấy người ta để tờ giấy tinh lên khay, ông Hổ co bàn tay thành nắm đấm, nhúng vào nghiên son, in vào trên giấy rồi hà hơi vào đó, thành ra lá bùa của ông. Nghe nói bùa này trừ quan sát. Đối với các giá đồng lớn, thường các ngài không ở lâu, giá lâm một lát để chứng lễ cúng bằng cách phê son đỏ vào tờ sớ do gia chủ dâng lên, phán truyền một vài điều rồi thăng. Giá đồng của ông Chín thường ở lại làm việc cứu nhân độ thế rất lâu, có khi suốt buổi cúng.

Cậu tôi vốn người cứng cỏi nhưng hiền lành và ít nói. Vậy mà khi nhập vai Quan Lớn thì ngó như người của thế giới khác. Sắc mặt đổi khác, hai mắt long lanh, giọng nói khi ban truyền thì nghe như tiếng rít, nghe lanh lảnh, sắc cạnh, còn tiếng hét thì có uy làm thiên hạ phải sợ. Cậu đội khăn đỏ, thắt lưng điều bỏ múi hai bên và múa thanh long đao. Ngài nhảy một chân, chân kia xếp ngang lại theo hình chữ ngũ. Trên đao người ta có gắn ba cái lục lạc bằng đồng, bởi vậy khi ngài vừa nhảy vừa rung, giật thanh long đao thì tiếng lục lạc nghe như tiếng tambourine của ban nhạc pop, rất hợp với điệu chầu văn Quan Lớn, là điệu hay nhất, giật gân nhất trong chầu văn.

Trong các Quan Lớn, ở Thuỷ Phù có Quan Lớn Đệ Tam là đặc biệt hơn hết. Ngài có cái bệnh của Tề Tuyên Vương, "qủa nhân hữu tật", vì vậy hễ con gái mà lọt vào mắt xanh của ngài thì khó lấy chồng lắm, bị ngài bắt mất tam hồn cửu phách nên người vui buồn thất thường, có lúc ngẩn ngẩn ngơ ngơ, đúng là kẻ mất hồn. Chính vì lý do đó mà các bà thường cấm con gái soi bóng dưới sông và không nên tới chỗ am miếu đồng bóng.

Khi đã vương vào tay ngài thì phải lo dâng lễ Thánh, xin ngài buông tha nhả nhớm ra mới mong trở thành người bình thường mà tính chuyện chồng con. Bởi vậy trong lễ Thánh gia chủ phải cúng 2 hình nộm để thế mạng sanh nhơn, nghĩa là mượn hình nộm để thay cho người con gái ngài phải lòng. Hình nộm này người ta đem ra chỗ sông nước mà thả sau lễ cúng. Tôi còn nhớ có lần mẹ tôi theo gia chủ chèo thuyền ra cúng tận Ngã Ba Sình.

Khi hầu Quan Lớn về, người ta xúm vào năn nỉ ngài dữ lắm. Người ta hoá trang người con gái cho trở thành xấu xí lem luốc, và mỗi người một câu van xin để làm cho ngài xiêu lòng. Có nhiều bà nói có vần có điệu hay lắm.Đại khái như: Lạy ngài vạn lạy, xin ngài buông tha nhả nhớm cho con nữ. Trong hậu cung của ngài thiếu chi người mỹ miều mặt hoa da phấn, còn cái con nữ này mặt lọ da đen, môi thâm má bủng, ngài giữ làm chi, lạy ngài xả bỏ nó ra tội nghiệp... Thường thì ít khi ngài chịu liền, phải năn nỉ gãy lưỡi mới được. Đến khi ngài tỏ ý bằng lòng, người ta đưa ra cái áo của người con gái, xin ngài khạc tam hồn cửu phách của con nữ vào đó rồi cầm ngay cái áo ập vào trước ngực người con gái, bảo giữ lấy. Đó là dấu hiệu của sự trở về, sự hoàn hồn. Khi ngài khạc, người ta phải đếm, nếu chưa thấy đủ tam hồn cửu phách thì phải năn nỉ cho đủ thì mới ăn chắc là ngài không còn giữ lại một chút gì của cô gái để gây vướng mắc về sau.

NGÀI BAN LỘC

Phải nói ngay rằng các ngài rất rộng rãi, nhất là các ông các cô. Hầu như khi nào về trần, các ngài cũng có ban lộc cho đệ tử cả. Nào bánh nào kẹo, nào hương hoa quả phẩm bày cúng trên bàn thờ, tất cả đều sẵn sàng để trở thành lộc thánh qua bàn tay ban phát của chư vị. Đã gọi là lộc thánh thì dĩ nhiên là nặng giá trị tinh thần hơn vật chất. Đó chỉ là chiếc bánh in hay đôi ba cái kẹo, một hai quả chuối, hoặc một nhánh hoa lấy ra từ độc bình, hoặc miéng cau trầu, chiếc lá trầu không v.v. tất cả đều được đón nhận trang trọng, kính cẩn bởi vì người ta tin ở cái huyền lực may mắn, giải trừ, nằm ở trong đó.

Bên cạnh những hương hoa phẩm biến thành lộc thánh, các ngài cũng có ban lộc bằng tiền mặt, bạc giấy mới thơm phức. Việc ban lộc bằng tiền rõ ràng là tuỳ thuộc vào túi tiền của chân lính vì tôi thấy chỉ các bà các cô có tiền rủng rỉnh trong túi, nghĩa là ngoài đời thuộc hạng khá giả, mới ra tay thi ân bố đức cho đệ tử chứ cỡ nghèo hèn như thím Nhiêu, sống bằng nghề chích lễ bầu giác với ông chồng làm thuê thì tiền đâu mà ban lộc! Trong loại lộc tài này, mâm cung văn được ưu ái hưởng nhiều nhất. Thì cũng như loại tiền "típ" thưởng cho ban nhạc chơi hay, vậy thôi. Nghe nói lên đồng ở Mỹ cũng tốn tiền khá bộn, có khi ngài phát ra tổng cộng tới bạc ngàn vì rút ra toàn tờ mười đồng với hai mươi đồng chứ bạc một đồng thì nhỏ quá ! Cung văn được thưởng đã đành mà hầu dưng hót chầu hay, ngài nghe sướng bụng thì cũng được lộc hậu hĩ.

BẰNG TRÊN SÔNG HƯƠNG

Mỗi năm cứ vào độ hè về, con công đệ tử của Tiên Thiên Thánh Giáo thuộc xứ Huế lại náo nức chuẩn bị ngày hội lớn: ngày vía Mẫu tại Điện Hòn Chén. Đứng trên đồi Vọng Cảnh nhìn xuống dòng sông Hương chảy quanh dưới chân núi sẽ thấy thấp thoáng bên kia bờ sông Điện Hòn Chén ẩn hiện trong đám lá cây rừng của núi Ngọc Trản. Thắng tích này được các vua Nhà Nguyễn cho trùng tu nhiều lần, kể từ đời Minh Mạng, và ban cho tên chính thức là Huệ Nam Điện nhưng dân Huế thì chỉ quen với cái tên Điện Hòn Chén mà thôi. Bởi điện nằm bên bờ sông nên đường thuỷ là con đường tiện lợi nhất để đưa khách hành hương  hay du khách tơi nơi danh thắng này.

Ngày nay thì đa số thuyền đò đều gắn máy đuổi tôm nên khỏi nhọc công người chèo đò như ngày xưa. Duy có một điều không thay đổi, ấy là người ta vẫn còn dùng tới những chiếc bằng vào dịp này. Bằng là hai chiêc đò ghép lại với nhau liên kết với nhau bằng những tấm ván lót nằm ngang, tạo nên một mặt bằng rộng rãi. Một chiếc đò lớn ở Huế, gọi là đò 5 mui, bề ngang chừng non hai thước. Bề ngang này không đủ rộng và an toàn cho việc thiết lập bàn thờ và sàn nhảy khi hầu đồng. Do đó chiếc bằng đã và chỉ thành hình vào dịp này. Sau khi tan hội thì đâu lại hoàn đó, đò ai nấy ở, thuyền ai nấy chèo. Trên bằng, người ta thiết lập án thờ với tất cả vẻ trang nghiêm và rực rỡ nhất có thể được. Chính cái mớ cờ quạt, tàn lọng trang trí phụ hoạ đã tạo cho chiếc bằng mang cái vẻ hào nhoáng của thuyền rồng hồi trước. Tất cả đều ngược dòng Hương để cùng tới điểm hẹn linh thiêng. Trên những con đò, những chiếc bằng ngược sông Hương vào thời điểm đó không phải chỉ có đệ tử của Tiên Thiên Thánh Giáo mà còn có cả những du khách nữa. Người ta thành tâm mà náo nức chờ lễ cúng lúc nửa đêm. Ai là chân lính của ngài nào thì lo sửa soạn y trang của ngài đó, tạo nên một quang cảnh rực rỡ nhiều màu sắc và âm thanh mà những lễ hội khác không bì được. Đó là đại hội hầu bóng lớn nhất trong năm, đệ tử nào bỏ sót sẽ ân hận suốt năm dài.

Có thể nói trong các lễ hội truyền thống ở Huế thì ngày lễ này của Tiên Thiên Thánh Giáo đem lại nhiều ấn tượng hơn cả, nên không lấy làm lạ khi thấy về sau này người ta khai thác trong du lịch.

Tú Xương có đến hai bài vịnh lên đồng. Bài thứ nhất thì bạn đọc đã đọc rồi. Bài thứ hai có hai câu kết rất dễ làm mất lòng các cô các bà:

Chị em thỏ thẻ khi thanh vắng.
Chẳng sướng gì hơn lúc thượng đồng.

Cụ Phan Kế Bính thì sau khi trình bày vẻ tín ngưỡng lên đồng đã dành cả trang để luận bàn, cũng toàn một giọng chê bai:

"Khốn nạn thay cho các kẻ ngu xuẩn, chỉ tin những sự huyền hoặc, mà không biết trọng cái sự hiển nhiên. Những chốn thôn quê, đàn ông phần nhiều cũng như đàn bà. Đôi khi có người kiến thức, lấy điều khôn lẽ phải mà bảo thì lại cho là báng bổ chớ biết đâu người báng bổ ấy mới thực là người biết trọng quỉ thần.

... Than ôi, đạo phù thuỷ cũng là đạo đồng cốt còn thịnh hành ngày nào thì dân trí còn ngu xuẩn ngày ấy. Bao giờ trong nước tuyệt hẳn cái mối ấy thì mới có cơ khôn ngoan cả được."

Cụ Bính viết những dòng này hồi đầu thế kỷ 20, khi Việt Nam chưa biết đến hai chữ "nguyên tử" là gì, thuốc kháng sinh chưa có. Bây giờ thì nguyên tử cũng trở thành xưa rồi, kháng sinh có loại mất hiệu lực, mà đồng bóng vẫn còn, có điều không biết ở trong nước nền lên đồng có thịnh vượng như xưa không. Điều tôi biết rõ hơn cụ Bính ấy là các ngài đã theo đệ tử vượt biên vượt biển qua tới Tây tới Mỹ một cách rất hiên ngang, tự hào. Nghe đâu cũng đã có ông Tây mụ đầm làm lính của ngài. Dĩ nhiên là không khỏi có chuyện lên đồng giả, chuyện buôn thần bán thánh để kiếm cơm, thậm chí để làm giàu. Tuy nhiên, muốn kết luận lên đồng là gì thiết tưởng không phải chỉ trong vài dòng mà nói được. Nó đòi hỏi một sự nghiên cứu rộng rãi và nghiêm túc. Ở đây, tôi là kẻ chiều hôm nhớ nhà, và nhớ có Huế lên đồng, trong đó thấp thoáng bóng mẹ già nên kể chuyện đời xưa.

V.H.A
(189/11-04)

----------------------
(*) Một người bạn từ San Jose Hoa Kỳ gửi qua mail về Huế cho nhà văn Nguyễn Đắc Xuân




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Linh hồn Huế (06/07/2009)