Ai ra xứ Huế
“Huế dịu dàng và sâu lắng lắm. Nhưng Huế cũng rất dữ dội...”
10:18 | 13/11/2009
LTS: Nhạc sĩ Trần Hoàn là người từng công tác nhiều năm, và có nhiều gắn bó với TTH. Nhân dịp ông vào Huế công tác, phóng viên Nguyễn Việt có cuộc trò chuyện với ông xung quanh những vấn đề về Huế và âm nhạc. Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện này.
“Huế dịu dàng và sâu lắng lắm. Nhưng Huế cũng rất dữ dội...”
Nhạc sĩ Trần Hoàn - Ảnh: vtc.vn

Phóng viên (PV): Là người từng công tác nhiều năm ở TTH, ấn tượng sâu đậm nhất của ông về mảnh đất và con người ở đây?
Nhạc sĩ Trần Hoàn (NSTH): Ấn tượng sâu sắc nhất là yêu Huế. Huế dịu dàng và sâu lắng lắm. Nhưng Huế cũng rất dữ dội, kiên cường trong đấu tranh cách mạng. Nhưng cái để đi xa mấy cũng nhớ Huế là Huế dịu dàng, Huế sâu sắc. Anh Tố Hữu có lần nói với tôi:"Huế có cái gì đó, khi ở gần thì có thể hơi buồn một chút. Nhưng đã đi xa là nhớ. Nhớ vô cùng và nhớ da diết".

PV: Lâu lâu ông mới có dịp trở lại Huế. Mỗi lần như vậy, ông thấy Huế có thay đổi gì nhiều - nhất là những năm gần đây?
NSTH: Cảm nhận của tôi là Huế thay đổi nhiều. Có lẽ đậm nhất vẫn là những tầng văn hóa được khai thác từ đất Huế mà lên. Theo ánh sáng của NQTW 5, Huế đã làm khá tốt nhiều mặt trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Đương nhiên, còn phải làm nhiều vấn đề nữa để có thể hoàn thiện hơn, đúng như tinh thần cơ bản của NQTW 5.

PV: Cụ thể là gì, thưa ông?
NSTH: Tôi nghĩ trước hết phải nghiên cứu cái định nghĩa cho đầy đủ ý của TW về di sản văn hóa. Đó là những giá trị truyền thống rất lớn. Nó không chỉ là những giá trị bác học mà cả giá trị dân gian. Nó không chỉ là những giá trị vật thể mà còn là giá trị phi vật thể rất quan trọng. Di sản văn hóa Huế không chỉ đánh dấu trong một thời đại nào, mà nó là một dòng chảy liên tục. Nó kế tục và phát triển nghìn đời nay - kể từ khi hình thành mảnh đất này. Phải chăng từ thời tiền sử, rồi sơ sử còn nhiều vấn đề cần tiếp tục khai thác để thấy cái dòng chảy ấy liền mạch như thế nào. Rồi các thời kì, giai đoạn lịch sử mang nhiều dấu ấn như Huyền Trân Công Chúa, các chúa Nguyễn, các vua Nguyễn... bên cạnh những hạn chế lịch sử, có nhiều điều hay về văn hóa. Đặc biệt, thời kì anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ lên ngôi ở Phú Xuân đã có những tuyên ngôn hùng hồn để khơi dậy lòng yêu nước, đoàn kết nhân dân đánh đuổi quân Mãn Thanh... Nhưng điều tôi muốn nói nhiều hơn, có lẽ chúng ta đã làm nhưng chưa khai thác hết, đó là văn hóa Huế dưới thời đại Hồ Chí Minh. Như chúng ta đã biết, bản sắc văn hóa dân tộc (VHDT) chính là lòng yêu nước, sự tự tôn, tự trọng; Nó là tinh thần gắn kết của cá nhân với gia đình, làng xã, cộng đồng, Tổ quốc. Những cái đó đã thấm sâu, in đậm trong cuộc sống của nhân dân, trong thi, ca, nhạc, họa, trong kiến trúc, điêu khắc, cả trong ẩm thực và nhiều mặt khác nữa. Chúng ta mới làm được bước đầu. Còn phải tiếp tục đào sâu những tầng văn hóa rất dày của mảnh đất Phú Xuân này để tìm hiểu kĩ hơn nữa bản sắc đích thực của VHDT ở đây.

PV: Là một nhạc sĩ - tức là "dân" nghệ sĩ, lại là một nhà quản lý cấp cao, hai cái đó có mâu thuẫn gì ở trong ông?
NSTH: (Cười) Nếu nó mâu thuẫn thì tôi đã không như bây giờ. Anh Tố Hữu có lần nói vui "làm bí thư nhiều khi bí thơ", nhưng chính trong lúc làm bí thư anh ấy cũng có không ít thơ hay. Tôi muốn nói: Cái chất sáng tác làm cho anh quản lý có tâm hồn, không bị xơ cứng. Quản lý, nói cho cùng là làm công tác về con người, phải có tình, có nghĩa. Chính cái chất nghệ sĩ đã giúp cho việc quản lý mềm dịu hơn, sâu sắc hơn, uyển chuyển hơn. Ngược lại, người quản lý với những hiểu biết kĩ càng về chính trị, đường lối, chủ trương đã giúp cho người nghệ sĩ có cái nhìn tỉnh táo, đầy đủ hơn. Nếu ta biết kết hợp tốt hai cái đó, nó sẽ giúp cho công việc của ta tốt hơn. Thực tế, đã có nhiều người kết hợp tốt hai cái đó.

PV: Với hai tư cách: ông nhạc sĩ và ông phó ban TT-VH TW, khi làm việc với báo giới, ông thích làm việc với tư cách nào hơn?
NSTH: (Cười) Rất khó trả lời. Nhưng tôi rất muốn hôm nay, cái ông phó ban TT-VH TW vắng mặt, để hiện diện ông nhạc sĩ thì hay hơn. Tôi nói thêm điều này: Tôi cũng có làm báo, và tôi rất thích báo chí, bởi báo chí là một phương tiện rất lớn của văn hóa. Tôi muốn tiếp cận với báo chí như người của báo chí nhưng thiên nhiều hơn về văn nghệ.

PV: Dù vậy, nhưng khi phải tiếp xúc với báo chí, ông có ngại không? Nếu có, đó là điều gì?
NSTH: Tôi tiếp xúc với báo chí cũng nhiều, tôi thấy cũng không có gì là ngại cả. Nếu họ hỏi thật thà, thẳng thắn thì tôi cũng trả lời thật thà, thẳng thắn. Điều gì mình biết thì mình nói. Điều gì mình chưa rõ thì nói tôi chưa rõ, và sẽ trả lời sau. Cũng có vấn đề mình phải nói: "Theo tôi nghĩ, điều đó không hay, xin gợi ý để các bạn suy nghĩ", hoặc "bạn nên tránh điều đó..." Đa số người làm báo, họ biết trách nhiệm của họ. Họ cũng có quyền giữ ý kiến của họ. Khi ấy, ta sẽ xử lý việc đó thông qua thảo luận, tranh luận, trao đổi...

PV: Xin trở lại với tư cách nhạc sĩ của ông. Khi sáng tác, ông thường nghĩ gì?
NSTH: Hồi đầu, trong kháng chiến, khi viết nhạc tôi có một suy nghĩ thôi thúc rất lớn là mình cần phải làm thế nào để động viên được quần chúng đi kháng chiến - tôi tham gia kháng chiến từ CMT8. Bấy giờ, nhân dân ham thích và say mê văn nghệ lắm. Rõ ràng, tác dụng của văn nghệ là rất lớn. Tôi nghĩ, nó là phương tiện giúp mình truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, và trước hết là tập trung trí tuệ và sức lực để giữ cho được độc lập dân tộc, thực hiện cho được lời Bác Hồ dạy. Nhưng càng ngày tôi thấy quần chúng họ hiểu văn nghệ một cách khác hơn. Hình như nó có một nhu cầu riêng của nó, không chỉ đơn thuần để làm nhiệm vụ chính trị, để cổ động, mà nó còn đem đến cho người ta cái đẹp. Cái đẹp tôi nói ở đây là cái đẹp chân thật, cái đẹp đích thực, cái đẹp hướng thiện - mà ta vẫn nói gọn là Chân - Thiện - Mĩ. Đó là điều để cho tôi rất nhiều suy nghĩ.

PV: Ông nghĩ gì về mảng sáng tác ca khúc của giới sáng tác trẻ trong những năm gần đây?
NSTH: Lớp trẻ ngày nay có nhiều sáng tác. Càng ngày họ càng có nhiều tìm tòi. Một điều hay là lớp trẻ không muốn đi theo lối mòn cũ. Họ rất cố gắng tìm cái mới. Nhưng cái mới như thế nào là hay thì họ cũng đang trong giai đoạn tìm tòi, thử nghiệm. Có người thì đang ở bước đầu, nhưng cũng có người đã có được thành đạt. Tuy nhiên, có lẽ còn sớm dể nói đến người này, người kia. Vấn đề là mới thế nào mà vẫn giữ được cái bản sắc dân tộc của mình, đó là điều rất quan trọng. Tiên tiến nhưng đậm đà bản sắc dân tộc là ở chỗ đó.

PV: Theo ông, thế nào là một ca khúc hay?
NSTH: Một ca khúc hay, chắc chắn được nhiều người yêu thích, nhưng một ca khúc được nhiều người yêu thích chưa chắc đã là một ca khúc hay. Cũng cần nói là hay với ai? Có nhiều đối tượng lắm. Thí dụ: Nhiều bài của tôi được nhiều cụ yêu thích lắm - nhất là những người đã đi qua chiến tranh. Nhưng với các em trẻ thì hình như chưa thấm lắm. Ngược lại, có những bài hát chưa đề cập được vấn đề gì sâu cả thì nhiều em trẻ có vẻ rất thích. Thậm chí có nhiều bài lẩn thẩn như con gái bây giờ thì như thế đấy, nói có là không, nói không là co... vậy mà nhiều em hát hồn nhiên và có vẻ rất thích thú. Gần đây trên VTV còn truyền thêm cả đàn ông là như  thế đấy, động đâu lang thang đấy... Tôi không chấp nhận được. Không phải tôi xơ cứng đâu. Tôi chỉ có thể chấp nhận nếu dùng nó trong sinh hoạt đùa vui, có tính nội bộ. Còn đưa lên báo, đài, phổ biến rộng rãi thì phải thận trọng, phải suy nghĩ. Tôi chấp nhận những bài hài hước, châm biếm để đem đến điều thiện, chứ không chấp nhận cái giải trí đơn thuần, không có mục đích.

PV: Ông nghĩ gì về tình ca? Trong lúc chúng ta đang tập trung cho sự nghiệp CNH, HĐH, theo ông tình ca có vị thế như thế nào?
NSTH: Làm nhạc là làm tình ca. Không có cái âm nhạc nào chỉ có lý trí không thôi. Nhưng phải hiểu tình ca như thế nào cho đúng. Có người hiểu tình ca như chỉ dành riêng cho phạm trù lứa đôi, tình yêu lứa đôi. Tôi không nghĩ như thế. Tình ca là những khúc ca về tình người. Cái tình ấy lớn lắm. Nó bao gồm nhiều: tình cha con, mẹ con, tình đồng chí đồng đội, tình đồng môn đồng nghiệp, tình đồng hương, đồng loại, tình làng nghĩa xóm, cao hơn nữa là tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lý tưởng cách mạng... Chúng ta từng biết những bài thơ, những bản tình ca như "Tình đồng chí" (Chính Hữu - Minh Quốc), "Tình ca" (Hoàng Việt), "Việt Nam quê hương tôi" (Đỗ Nhuận), "Quê hương" (Giang Nam) v.v... Những bài đó có tình không? Tình lắm. Yêu thương tha thiết lắm. Trong đó có tình yêu lứa đôi không? Có. Nhưng nó nằm trong một tình yêu lớn hơn, cao đẹp hơn. Nói thế không phải tôi khai trừ loại bài viết chỉ riêng tình yêu lứa đôi. Đó cũng là một đề tài phải làm bởi nó cũng có cái đẹp. Nhưng tôi không chấp nhận sự hiểu biết về tình ca là chỉ có tình yêu lứa đôi không thôi. Còn có ý kiến luận rằng cái hay nhất bây giờ là nói về tình cảm lứa đôi thì tôi không chấp nhận. Tôi cho rằng đó là sự thiếu hiểu biết, thiếu vốn sống, thiếu tài năng trong việc diễn đạt những cái hay, cái đẹp của cuộc sống chứ không phải tình ca chỉ là riêng của lứa đôi. Cho nên trên báo chí, truyền hình, phát thanh, ta cũng phải hiểu cái nghĩa của tình ca cho rộng rãi, đúng đắn hơn; to lớn và sâu sắc hơn của tình cảm.

PV: Câu hỏi cuối cùng: Với TTH, ông đã có khá nhiều bài hát. Theo ông, đã là bài hát hay nhất của ông chưa? Nếu chưa, ông có ý định sẽ viết bài hay hơn cho TTH không?
NSTH: (Cười) Sẽ là tự giết mình nếu cho rằng mình đã viết được bài hát hay nhất. Không bao giờ có chuyện đó. Cứ mài bút đi, tiếp tục viết nữa đi. Nhưng quả thật,  rất khó khi mình muốn vượt chính mình. Hiện nay tôi đã và đang viết nhiều bài về Huế đấy. Như bài phổ thơ của Thúy Bắc mà Hương Mơ mới hát chẳng hạn. Nhưng viết nhiều, chưa chắc đã đứng được mấy. Vì vậy phải tìm tòi, phải nghĩ ra một cách viết về Huế sao cho mới mà hay. Tôi xin nói thật là đang cố gắng tìm tòi để viết nhiều nữa về Huế. Không biết có đứng được không, nhưng tôi sẽ viết với tất cả tâm huyết và sức lực của mình.

PV: Chân thành cảm ơn ông. Chúc ông có thêm nhiều bài hát hay, không chỉ cho TTH mà cho cả cuộc đời, cho cả mọi người.

NGUYỄN VIỆT thực hiện
(127/09-99)





 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng