Ai ra xứ Huế
Mấy suy nghĩ về ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa xã hội Huế
15:40 | 20/11/2009
HOÀNG NGỌC VĨNHTrong hơn 300 năm từ 1636 đến 1945, với tư cách là Trung tâm chính trị và văn hóa của Đàng Trong và là kinh đô của đất nước thống nhất, Huế trải nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được những thuần phong mỹ tục và các thành tựu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, hội tụ được nhiều kỳ tích về nhiều phương diện. Huế bình tĩnh, chắc chắn đi lên và đang hiện đại hóa. Cố đô cổ kính hài hòa trong thành phố mới sôi động, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà UNESCO trao tặng trong tháng 8. 1994 "Huế di sản văn hóa của thế giới".
Mấy suy nghĩ về ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa xã hội Huế
Chùa Từ Đàm - Ảnh: Võ Văn Tường (nguồn: quangduc.com)

Huế cũng đã từng là thủ đô Phật giáo của cả nước một thời. Ngày nay Huế vẫn là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất của cả nước. Phật giáo ở Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng có đủ cả Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ. Cách sống bình tĩnh, dung dị, sâu lắng, thủy chung của người Huế có một phần hun đúc của tư tưởng đạo đức Phật giáo.

Dĩ nhiên khi tiếp nhận Huế, chính quyền Trung ương buổi đầu đã không còn mang tinh thần lấy Phật giáo làm quốc đạo nữa: Từ Trần Anh Tôn (1311) trở đi đến Hồ Quý Ly, Hậu Lê đều đề cao Nho giáo. Với luật Hồng Đức (1460) vua Lê Thánh Tông đã xem tăng, ni là kẻ bất tài, chùa chiền là vô dụng, Phật pháp là hư ảo viễn vông. Nhưng không vì thế mà Phật giáo bị tiêu diệt. Trái lại, khi xuất hiện để khẳng định chủ quyền lãnh thổ người Việt trên đất Thuận Hóa, trước những bỡ ngỡ cô đơn, bởi dân cư thưa thớt và văn hóa đền tháp Chăm pa xa lạ, huyền bí, đầy sự đe dọa, nhân dân miền Bắc Việt Nam lúc ấy đã phải giữ sự bình an của tâm hồn bằng chính những ngôi chùa Phật, dù chỉ là tranh tre yếu ớt. Nếu ở miền Bắc tăng, ni vào núi hoặc về nông thôn ở ẩn thì tại Thuận Hóa lúc này "những ngôi chùa làng vị tha, hướng thiện, từ bi của Đức Phật là nơi an ủi tâm hồn, giúp con người vượt khổ nạn".

Năm 1624, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), cho xây lũy Trường Dục và lấy sông Gianh làm giới tuyến, từ đây Phật giáo Bắc Nam ít ảnh hưởng lẫn nhau.

Trong 9 đời chúa Nguyễn, nhờ mộ đạo Phật của các chúa, Huế tồn tại phái thiền của thiền sư Hương Hải (có lẽ ảnh hưởng của Phật giáo miền Bắc) và 2 phái Lâm Tế, Tào Động từ Trung Quốc trực tiếp truyền sang và phái Liễu Quán của người Việt Nam bằng sự kết hợp Lâm - Tào với truyền thống tư tưởng của người Đàng Trong.

Dưới thời Tây Sơn (1788 - 1802), vua Quang Trung chủ trương mỗi phủ, huyện chỉ để một chùa lớn, tuyển chọn tăng, ni người nào hiểu đạo và chân chính ở trông coi chùa và truyền đạo, còn ai núp bóng cửa thiền sinh sống thì vua bắt hoàn tục. Mặc dù giai đoạn này có một số chùa được trùng tu, một số chuông được đúc mới nhưng vì triều Tây Sơn quá ngắn không thể khẳng định có cuộc phục hưng Phật giáo.

Dưới triều Nguyễn (1802 - 1945), Phật giáo được truyền khắp nước. Nhiều chùa ở Huế và cả nước được trùng tu, khởi tạo, khai sơn. Dù đề cao Nho giáo nhưng Phật giáo cũng được các vua ưu ái coi như là biện pháp để thu phục nhân tâm. Từ 1858, Pháp xâm lược Việt Nam và đề cao Thiên Chúa giáo. Ở Huế, Phật giáo không vì thế mà suy yếu, trái lại từ triều Đồng Khánh đến Khải Định lại có thêm nhiều chùa xuất hiện như Ba La Mật, Kim Quang, Phổ Phúc, Phổ Quang, Hải Đức, Châu Lâm, Diệu Đức, Diệu Viên, Hồng Ân, Phổ Tế, Hồng Khê, Hiếu Quang, Giác Lâm, Bảo Vân, Khuôn hội Dương Biều, Kiên An, Thuận Hóa, Tịnh Bình, Vĩnh Nhơn, Thành Nội, Thường Lạc, v.v... Từ chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1788) cho đến những năm 30 của thế kỷ XX, sau hàng trăm năm trầm lặng sóng gió, Phật giáo Huế mới được chấn hưng, mà thời kỳ rạng rỡ là 1920 - 1939. Lúc này, kinh Phật đã được dịch ra tiếng Việt. Cả nước đều có Phật học đường. Cho đến nay các chùa Bảo Quốc, Tây Thiên, Diệu Đức vẫn là nơi đào tạo nhiều cao tăng nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài, như các vị: Trí Quang, Thiện Siêu, Đôn Hậu, Mật Nguyện, Trí Thủ v.v...

Tuy 1945 - 1946 có giao động nhưng sau đó với tinh thần "kính đạo yêu đời" Phật giáo cả nước nói chung, Phật giáo Huế nói riêng duy trì chấn hưng Phật giáo. Năm 1951 Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (chùa Tường Vân) được suy tôn làm Hội chủ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Từ 1945 - 1975 Phật giáo Huế là điểm bừng sáng trong niềm tin yêu của nhân dân Huế và cả nước qua pháp nạn 1963 trong chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm, và sau này là sự chèn ép phân biệt tín ngưỡng của Nguyễn Văn Thiệu. Chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế, chùa Phước Nguyên đã từng bừng lên các ngọn lửa tự thiêu cúng đường vì Phật pháp và vì bình an của dân tộc (1), chống Thiệu, Kỳ và Johnson. Tăng, ni tín đồ Phật tử Huế cũng đã nghe theo thượng tọa Thích Trí Quang, ủng hộ ngài đấu tranh chống Thiệu và chống Thích Tâm Châu, Thích Tâm Giác, v.v... (2).

Sau 4/ 1975 Phật giáo Thừa Thiên Huế ngày càng hiểu rõ chủ trương chính sách mới về tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, yên tâm tu hành tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, thực hiện nếp sống "đẹp đạo-tốt đời" và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân với đất nước, xã hội theo đường hướng "đạo pháp-dân tộc-xã hội chủ nghĩa".

Phật giáo Huế là biểu hiện đặc thù của thế giới quan duy tâm. Chủ nghĩa duy tâm là cơ sở triết học của Phật giáo. Mặt tích cực của chủ nghĩa duy tâm là đã phát triển năng động tư duy con người, nhưng lại phát triển trừu tượng phiến diện biến nó thành cái tuyệt đối tách khỏi vật chất và thần bí. Nói chung triết học Phật giáo cho đến nay vẫn là duy thức luận và vô thần luận có tính biện chứng. Trừ một số chùa như chùa Tăng Quang (Phú Hiệp), tịnh xá Ngọc Phương (Thuận Lộc), Thiền Lâm (Thủy Xuân) là Nam tông (Tiểu thừa), còn hầu hết đều thuộc phái Bắc tông (Đại thừa), chủ trương "tự giác giác tha, tự độ độ tha",tức là mình đã giác ngộ thì phải giác ngộ người khác. Con người có thể giác ngộ đến Niết bàn không chỉ bằng tự lực, mà còn bằng tha lực. Các chùa đều thờ Phật và quan niệm với sự dẫn dắt của Phật, con người có thể giác ngộ chứ không chỉ bằng nỗ lực của bản thân. Nhân sinh quan Phật giáo Huế nói chung vẫn thể hiện tập trung ở "Tứ Diệu Đế", Nói gọn lại là giải thoát luận, hướng đạt mục đích cuối cùng là giải thoát, là đạt tới Niết Bàn. Cứu khổ, giải thoát là nội dung và là mục đích của nhân sinh quan Phật giáo. Nhưng hạn chế là để đạt mục đích giải thoát.

Cuối thế kỷ 17 mới có chùa của Sơn Môn Huế, chùa do tầng lớp thượng lưu, vua, chúa, quan lại vì những lý do khác nhau cúng đường hoặc khai tạo. Có thể nói ở Huế mỗi làng có một chùa. Chí ít 3 làng một chùa. Chùa làng là nét riêng của Phật giáo Huế. Phật giáo Huế vì thế cũng là tín ngưỡng dân gian.Chùa làng hiện nay hầu hết trở nên khuôn hội, dân cư trong khuôn hội tùy theo đó mà bày tỏ tín ngưỡng của mình với Đức Phật tại Niệm Phật đường. Khuôn hội và Niệm Phật đường có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần và văn hóa nhân dân Huế.

Tùy khởi tâm Phật của tín đồ, Phật giáo Huế không quy vùng không thống kê, không cấp thẻ tín đồ. Quy y là tự nguyện. Chính vậy sự thống kê số lượng tín đồ Phật giáo là việc làm khó và không tuyệt đối chính xác.

Các chùa Từ Hiếu, Từ Đàm, Thiền Tôn, Thiền Lâm, Tây Thiên, Báo Quốc, Phước Quang, Quy Thiện, Ba La Mật, Pháp Hải, v.v... là những chùa có tàng bản quý hiện còn giữ gìn phổ biến nhiều kinh điển và sách Phật giáo. Trong dân gian Huế, Phật giáo là nghi thức tụng niệm. Họ thường tụng các Kinh cầu an, cầu siêu, Diệu Pháp Liên Hoa, A Di Đà, Địa Tạng, Thủy Sám, Lương Hoàng Sám. Trong giới trí thức còn có Kinh Kim Cương, Pháp Bảo Đàn, Thiền tông, Bát Nhã. Trong giới tăng, ni thì rất nhiều kinh điển.

Phật giáo không tin ở số phận nhưng tin ở nghiệp. Một người nào đó sống như thế nào là do chính nghiệp của người đó quy định. Trong các chùa Huế và Niệm Phật đường ở Huế thường xuyên giảng về "nghiệp" và "tu tâm" cho tín đồ từ trẻ em đến người lớn là một việc làm có ý nghĩa nhân văn.

Phật giáo Huế ngày nay là sự hòa quyện giữa Thiền tông với Tịnh độ tông: là sự kết hợp giữa thiền Lâm Tế với thiền Tào Động thành thiền Liễu Quán - tôn giáo của người Việt Nam yêu thiên nhiên, yêu nước; Phật giáo Huế nhập thế nhằm vào con người ở thế gian chứ không chỉ con người ở cõi Phật. Đến với các chùa Huế, ta không chỉ đến với một tín ngưỡng truyền thống đã được chọn lọc qua thăng trầm của lịch sử mà còn đến để chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của mỗi ngôi chùa. Tại mỗi chùa tu sĩ không phải cách ly với đời thường, họ tham gia sản xuất, tham gia hoạt động từ thiện, xã hội. Trong khuôn viên mỗi chùa đều có vườn để sản xuất, trồng hoa, trồng cây cảnh, có nơi an nghỉ, nơi thờ cúng, nơi hành tưởng và niệm. Đến với chùa Huế mà lỡ cười nói huyên náo, lỡ đi nặng chân thì chợt nhận ra ngay là mình không phải. Tất cả chùa Huế, dù tọa lạc ở đâu vẫn luôn giữ vẻ trầm mặc gắn liền quá khứ với hiện tại và tương lai. "Tất cả đều mang trong lòng một sức sống thanh tịnh, vị tha, liên tục và hoàn toàn không cách ly với những thăng trầm của dân tộc".

Phong trào Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm của Phật giáo Ấn Quang trong những năm chống Mỹ-Thiệu với sự góp mặt của Phật giáo Huế là những bằng chứng chứng minh cho tinh thần yêu nước của Phật giáo Huế. Việc các chúa Nguyễn và triều Nguyễn cử chức quốc sư, sắc cấp độ điệp, phong chức tăng cang cho nhà Phật, sắc phong chuyển một số chùa thành chùa công và cấp công điền cho chùa công, chứng tỏ Phật giáo Huế đã không thờ ơ với nhân thế, đã giúp được các vương triều giữ gìn củng cố địa vị của mình. Chính vì thế mà Phật giáo Huế đã được các vương triều vận dụng để thu phục nhân tâm.

Nếu gạt bỏ tất cả những gì hạn chế, tiêu cực trong giáo lý và giới luật của Phật giáo thì phải thấy rằng: Phật giáo Huế luôn gạn đục khơi trong, vị tha hướng thiện, từ bi, hỷ-xả, an ủi giúp đỡ con người, có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống văn hóa - xã hội Huế. Nơi tọa lạc của mỗi ngôi chùa là điểm cao, thanh tịnh và theo luật phong thủy. Nếu trước đây tiếng chuông Thiên Mụ nói riêng, nhân sinh quan Phật giáo Huế nói chung đã ảnh hưởng sâu sắc đối với cuộc sống của nhân dân kinh đô Huế và công việc trị vì của các chúa, các vua, thì ngày nay mỗi người dân Huế dù không là tín đồ Phật giáo thì khi xa Huế biểu tượng của chùa Thiên Mụ bởi tháp Phước Duyên với dòng sông Hương, cầu Trường Tiền, núi Ngự Bình giúp họ nhớ Huế rất sâu. Còn mỗi ai đang sống tại Huế, tiếng chuông chùa, cảnh chùa và hình ảnh của các tăng, ni dù bất cứ lúc nào, ở ngôi chùa nào, trong hoàn cảnh nào, ở đâu lại chẳng nhắc nhở ai đó hãy bình tâm, kiên nhẫn, dịu dàng, thủy chung và thiện tâm. Một khoảng khắc như vậy để mỗi người tự kiểm về mình và nghĩ về người khác.

Trong những ngày lễ vía như mồng 1 và 15 tháng một; 08 và 15 tháng 2; 04 và 15 tháng 4; 19 tháng 6; 13, 15 và 30 tháng 7; 19 và 30 tháng 9; 17 tháng 11; 8 tháng 12 và mùa kiết hạ từ 15/4 đến 15/7 (theo âm lịch) thì ở các chợ Huế các món ăn chay được bày bán rất phong phú: món mít non giả thịt; món thấu mít non; các món nộm từ rau, quả; các món ăn từ khuôn đậu, v.v... từ lâu đã nổi tiếng trong cả nước. Hiện nay ở Huế xuất hiện khá nhiều quán chay nổi tiếng.

Cùng sự xác lập chủ quyền lãnh thổ của người Việt thuở ấy trên đất Thuận Châu và Hóa Châu các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn đã mộ đạo Phật, dùng đạo Phật làm chiến lược thu phục nhân tâm. Năm 1963 phong trào đấu tranh của Phật giáo vì Phật pháp và dân tộc khởi đầu từ Huế, thì 1993 với sự kiện 24/5 cũng làm náo động cả nước và thế giới. Tuy nhiên không thể đồng nhất kiện 8/5/1963 với sự kiện 24/5/1993 được, nhưng cũng phải thấy như vậy Phật giáo có một vị trí nhất định xứng đáng trong lòng người dân Huế. Hiện nay cả nước có khoảng 10 triệu tín đồ Phật giáo, chiếm chừng 17% dân số cả nước, thì Huế tỉ số đó là 31%. Cả nước khoảng 24.000 tăng, ni chiếm khoảng 0,034% dân số cả nước thì ở Huế tỉ số đó là 31%. Cả nước khoảng 24.000 tăng ni chiếm khoảng 0,034% dân số cả nước thì ở Thừa Thiên Huế với 438 tăng, ni chiếm khoảng 0,044% dân số Thừa Thiên Huế, riêng thành phố Huế tỉ số đó còn cao hơn nữa. Trong tổng số 12.500 ngôi chùa của cả nước thì ở Thừa Thiên Huế đã có đến 400 ngôi chùa chiếm 1/31 số chùa của cả nước (4). Những điều ấy chứng tỏ nhân sinh quan Phật giáo Huế, con người và văn hóa Huế đã có một bề dày lịch sử dung hòa đan quyện nhau. Việc 1985 chỉ có 17% dân số Bình Trị Thiên theo đạo Phật, 1990 đã có 22% dân số Thừa Thiên Huế theo đạo Phật và đến 1994 tỉ số đó ở Thừa Thiên Huế là hơn 30%. Năm 1990 Thừa Thiên Huế đã khôi phục lại 96 gia đình Phật tử trong 156 niệm Phật đường thì 1994 số niệm Phật đường đã tăng lên thành 299 (5), đó là những con số có ý nghĩa và biết nói về nhiều phương diện. Đó là chưa nói đến ở Huế, các chùa Tây Thiên, Báo Quốc, Diệu Đức, từ trước đến nay vẫn duy trì được nhiệm vụ đào tạo học tăng, tăng ni cho cả nước. Các cao tăng trong "Giáo hội Phật giáo Việt Nam" trong nước và nước ngoài số đông đã trưởng thành từ Huế.

Dưới thời Pháp thuộc, thời Ngô Đình Diệm, thời Nguyễn Văn Thiệu, Phật giáo miền Nam bị chính quyền o ép và thao túng một số tín đồ Phật tử kể cả tăng, ni nhằm chống phá Phật giáo. Tuy nhiên những cao tăng chân tu của Phật giáo Huế hoặc xuất thân tu hành trưởng thành từ Huế đã cùng Phật giáo miền Nam, Phật giáo cả nước hoằng dương Phật pháp, kiên định sự tồn tại của mình trong lòng nhân dân, trong lòng dân tộc.

Người dân Huế vẫn có thói quen cung kính chào các tăng ni và tu sĩ. Ngày nay, ở Huế nhiều gia đình vẫn gửi con em mình cho chùa chăm sóc, dạy bảo. Thân, tâm thanh tịnh, trong sáng của các cao tăng và những nhà tu hành vẫn còn vị trí xứng đáng trong tâm hồn và tình cảm của người dân Huế. Phần lớn các gia đình ở Huế đều có cách sắp đặt bàn thờ trong nhà khá giống nhau: nơi cao và trang nghiêm nhất là bàn thờ Phật, rồi tả, hữu, trước, sau và thấp hơn là bàn thờ tổ tiên. Số đông thiếu niên Huế hiện nay đang tham gia tích cực các đội oanh vũ nam, oanh vũ nữ trong các tổ chức "hướng đạo" và "gia đình Phật tử". Nhiều trẻ em Huế cũng hiểu rõ khái niệm ăn chay và nhớ kĩ những ngày ăn chay trong tháng. Tất nhiên có người thờ Phật chưa hẳn đã tu, cũng có người tu chưa hẳn đã tin và thành Phật, nhưng chính các chi tiết này cho thấy đạo đức, nhân cách của các vị tu hành, có ảnh hưởng không nhỏ tới đạo đức, nhân cách của thanh, thiếu niên Huế. Chính lẽ đó, mà Việt Nam hôm nay và đặc biệt Huế ngày nay đang rất cần các vị cao tăng như quốc sư Khuông Việt, thiền sư Pháp Thuận, quốc sư Vạn Hạnh, thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ... đã góp phần làm rạng rỡ giống nòi, cùng nhân dân chống giặc ngoại xâm; như cố lão hòa thượng Thích Đôn Hậu đã từng là đại biểu quốc hội, là ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là phó chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình. Những cao tăng và những nhà tu hành như vậy là thực hiện chân lý của Phật giáo Việt Nam "không đặt sự tồn tại của mình như nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc" (3) là trách nhiệm cao cả của Phật giáo Huế đối với Huế, với Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Phật giáo Huế từ khi du nhập đến nay luôn gắn bó với thiên nhiên, với quê hương, với con người; cứu rỗi, giải thoát con người gắn liền với tình cảm dân tộc, vì dân tộc. Chính sự hòa quyện ấy mà gạn đục khơi trong để Phật giáo Huế tồn tại vững chắc trong lòng người Huế. Đến với mỗi chùa Huế ta đều tìm thấy sự thanh thản cho tâm hồn, bởi ở đây ngoài cảnh đẹp thiên tạo, nhân tạo ra còn chính là sự không phân biệt gốc gác, nam, nữ, lứa tuổi... Các chùa Huế đang ngày càng loại trừ mê tín dị đoan và biệt giáo, chỉ giữ lại cho mình từ, bi, hỉ, xả, nghiệp, duyên, luân hồi, vị tha không thoát ly trần thế. Phật giáo Huế chỉ đánh mất mình trong mạch sống dân tộc, trong tình cảm tư tưởng con người Huế khi Phật giáo Huế tách rời truyền thống hòa quyện, gắn bó giữa tư tưởng Phật giáo với tư tưởng văn hóa Huế hơn 300 năm qua, và tách rời truyền thống gắn bó tư tưởng Phật giáo với tư tưởng văn hóa Việt Nam suốt 2000 năm qua.

Không bỗng dưng mà giữa các thành phố sôi động, náo nhiệt của cả nước, Huế vẫn là thành phố yên tĩnh, trầm mặc. Dọc theo sông Hương hay trên các đường phố, vào mỗi xóm thôn ở Huế, phải nói nơi đâu ta cũng gặp đình, chùa, tịnh thất, tịnh xá. Chùa Huế không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng mà còn là một nếp văn hóa người Huế. Phật ẩn mình trong ngút ngàn lá xanh, sừng sững trên đồi cao, cung kính trang nghiêm trong cung điện, hay bình dị hiền từ bên đường phố, trong xóm thôn, đâu đâu cũng mang từ bi phủ đắp cho tâm hồn người Huế. Có phải vậy mà những bài ca, những bài thơ ở Huế và về Huế thời nào cũng dịu dàng sâu lắng.

Mỗi chùa Huế có một vẻ đẹp riêng dung dị, thiết tha. Hàng trăm ngôi chùa là hàng trăm vẻ đẹp chung tạo cái đẹp Huế. Tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ chưa một lần bị tách lẻ bởi sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, bến Thương Bạc, cửa Ngọ Môn. Đã từ lâu tháp Phước Duyên với chùa Một Cột, bến Nhà Rồng là biểu tượng cho ba miền của đất nước và cũng là biểu tượng cho ba thành phố thân yêu của Tổ quốc: Huế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ cũng như trên truyền hình và trong tình cảm của mỗi người. Bởi thế đến Huế mà chỉ chú ý đến lăng tẩm không thôi thì lại vẫn chưa đến Huế. Phật giáo Huế đã có một bề dày lịch sử gắn bó vững chắc trong lòng người Huế. Trong chung tạo nền văn hóa Huế có sự góp mặt của chùa Huế. Con người Huế, cách sống Huế không thể không có sự hun đúc của đạo đức Phật giáo Huế. Phật giáo Huế đã từng là chất gắn khít con người với dân tộc. Phật giáo Huế hiện nay đang vào thời kỳ hưng thịnh lấy "Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội" làm phương châm hành động. Đó cũng là truyền thống nhập thế của Phật giáo Huế, Phật giáo Việt Nam trong mạch sống dân tộc.

H.T.V
(126/08-99)

--------------------------------------------------
(1) Xem "Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam - Vân Thanh - PL 2518, Sài Gòn, 1974, tr, 439-441.
(2) Sđd, tr.407, 408, 418, 419, 429, 441, 444, 446, 447, 450, 453, 454, 467. 470.
(3) Sđd, tr.158, 173, 269, 274, 278, 295, 297, 306, 313.



TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo của UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên Huế 13/5/1994.
2. Chủ nghĩa xã hội khoa học. Nxb Giáo dục và Đạo tạo, Hà Nội, 1991.
3. Danh lam xứ Huế - Trần Đại Vinh. Nxb Hội nhà văn TP.HCM, 1993.
4. Dự thảo báo cáo về công tác tôn giáo của tỉnh ủy Thừa Thiên Huế 26/12/1990.
5. Nghiệp dẫn luân hồi trong lục đạo - Thích Thanh Từ, 1992.
6. Kiến trúc Cố đô Huế - Phan Thuận An. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1992.
7. Tu Tâm - Thích Thiện Hoa. Nxb Hương Đạo, Chợ lớn, 1971.
8. Lời dạy của Thích Ca Mâu ni Phật - Hiệp hội truyền bá Phật giáo Nhật Bản. Kosaido Printing. CoLtd Tokyo Japan, 1986.
9. Lược khảo Phật giảo sử Việt Nam - Vân Thanh. PL 2518, Sài Gòn, 1974.
10. Phật giáo - Những vấn đề triết học - OOROZEN BERG. Trung tâm tư liệu Phật học, Hà Nội, 1990.
11. Phật học phổ thông - Thích Thiện Hoa. Quyển nhứt, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, 1992.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chợ Đông Ba (19/11/2009)