Ai ra xứ Huế
Nói về Duyệt Thị Đường
14:52 | 15/12/2009
JEAN CLAUDE VÀ COLETTE BERNAY (Chủ tịch Hiệp Hội "Nghệ thuật mới Việt Nam", thành viên của Nhóm công tác Huế - Unesco, phụ trách dự án Duyệt Thị Đường từ năm 1993)
Nói về Duyệt Thị Đường
Nhà hát Duyệt Thị Đường - Ảnh: simplevietnam.com

Chúng tôi rất thích thú được đọc những bài viết trên Tạp chí Sông Hương số 118 phát hành tháng 12 năm 1998 nói về việc trùng tu những Di tích lịch sử của Huế, được UNESCO xếp hạng vào danh sách Di Sản Thế giới từ tháng 12 năm 1993.

Trong bài viết về các nguồn tài trợ nước ngoài (trang 37) dành cho Duyệt Thị Đường, chúng tôi nhận thấy có sự lầm lẫn và chúng tôi xin cám ơn Ban biên tập Tạp chí Sông Hương đã đồng ý cho chúng tôi trình bày toàn bộ công việc này mà chúng tôi đã theo đuổi từ năm 1993.

Sau cuộc hội thảo được UNESCO và Pháp tổ chức tại Huế vào những ngày 1 và 2 tháng 4 năm 1994, thông qua Hiệp Hội Codev Việt Pháp, Chính phủ Pháp đã chính thức thông báo sẽ phối hợp với những doanh nghiệp của Pháp như EDF và CBC để giúp đỡ tài chánh thực hiện công đoạn đầu (tường và mái) của việc trùng tu Duyệt Thị Đường, và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là chủ công trình.

Theo tiến độ thi công công trình chúng tôi cũng đã chuyển giao cho Trung tâm Bảo Tồn Di tích Cố đô Huế từ năm 1994 đến 1997 khoản tiền tổng cộng là 124.000 đô la Mỹ, chứ không phải là 1.087.400 đồng Việt Nam như đã được in nhầm trong bài viết đã nêu.

Khoản tài trợ này dùng mua gỗ lim để sửa chữa lại một số hệ vì kèo mái, các cấu kiện làm mới toàn bộ các cửa và cửa sổ. Khoản tiền này còn để mua toàn bộ số ngói Thanh Lưu ly lợp lại mái. Ngoài ra, Codev Việt Pháp còn hỗ trợ kỹ thuật giúp cải thiện việc sản xuất ngói và thiết kế công trình.

Tháng 10 năm 1997, khi những công việc trùng tu giai đoạn đầu hầu như kết thúc, một cơn lốc mạnh đã làm hư hỏng nặng mái ngói, hệ vì kèo mái và các cấu kiện của Duyệt Thị Đường, Tả Vu và Quốc Tử Giám.

Trung tâm Bảo Tồn Di tích Cố đô Huế đã phải ngừng công trình Duyệt Thị Đường, tháo dỡ toàn bộ ngói, sửa chữa lại cho chắc chắn hệ vì kèo và các cấu kiện. Công việc sửa chữa này đã được tiến hành vào tháng 7 năm 1998 nhờ vào khoản trợ giúp đặc biệt 50.000 đô la Mỹ của UNESCO cho việc phục hồi lại những công trình đã bị hư hỏng do cơn lốc. Việc thi công phần mái của Duyệt Thị Đường đến nay vẫn chưa hoàn tất do những nguyên nhân về kỹ thuật và hành chánh.


(Một góc Duyệt Thị Đường đang sửa chữa - Ảnh: Trung Sơn)


Duyệt Thị Đường (500 m2 ở tầng dưới) được xây dụng từ năm 1826 dưới thời Minh Mạng, để làm nơi biểu diễn Nghệ thuật cung đình (hát, múa, nhạc, hát bội) cho vua và nội cung. Duyệt Thị Đường được sửa đổi và mở rộng nhiều lần dưới các triều đại nhà Nguyễn. Năm 1957, nhà hát lại được mở rộng thêm một lần nữa để làm trường Âm nhạc (800m2 ở tầng dưới và 600m2 ở tầng trên). Nay tầng dưới của Duyệt Thị Đường được dùng làm nơi biểu diễn Nghệ thuật Cung đình cho du khách Việt Nam và nước ngoài. Ở tầng trên, các phòng sẽ được bố trí để trưng bày trang phục, nhạc cụ và các tài liệu liên quan đến Nghệ thuật truyền thống cung đình.

Đối với Trung tâm Bảo Tồn Di tích Cố đô Huế, đây là công việc bảo tồn và phát huy giá trị đầy phức tạp và khó khăn. Công việc này đòi hỏi phải có thời gian khảo sát và nghiên cứu. Nó bao gồm công việc trùng tu và việc bảo tồn các công trình dưới thời Minh Mạng và Khải Định, việc phục hồi bằng cách tìm được kiểu kiến trúc hòa hợp với khung cảnh của Đại Nội. Cũng cần phải thực hiện những dịch vụ mới nhằm đáp ứng những qui phạm về an toàn và tiện nghi đối với những người hiện nay đang sử dụng địa điểm lịch sử sống động này.

Tính phức tạp và những khó khăn này đòi hỏi phải có những kiến thức đa ngành và có chiều sâu để đạt được chất lượng mà Nhóm công tác Huế - Unesco từng mong muốn. Với những lý trên, được sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ Pháp, Hiệp hội "Les Arts du Viet Nam Renouvelés" đã tổ chức từ đầu năm 1998 "Những cuộc Tọa đàm Sư phạm Quốc tế", có kết hợp với các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài đang làm việc tại Đại Nội. Các cuộc hội thảo này nhằm giúp cho các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nâng cao kiến thức chuyên môn.

Trong tháng 3 năm 1999, chúng tôi, những chuyên gia về cố vấn công trình, về ngôn ngữ và văn minh phương Đông, đã tổ chức những buổi tọa đàm Quốc tế về những chủ đề sau:

* Qui hoạch khu Duyệt Thị Đường với sự tham gia của nhóm công tác người Pháp gồm một kiến trúc sư về lịch sử và hai kiến trúc sư về cảnh quan, kết hợp với nhóm công tác Nhật của Trường Đại Học Tổng Hợp Waseda ở Tokyo. Nhóm công tác của Nhật này bao gồm hai kiến trúc sư về lịch sử chuyên ngành về kiến trúc gỗ của Đông Nam Châu Á và về lập danh mục và phân tích các di tích của Đại Nội. Các nhóm công tác này đã nhận được sự giúp đỡ của các thành viên Việt Nam của câu lạc bộ "Les Arts du Viet Nam Renouvelés" của Huế.

* Sản xuất gạch hoa xi - măng với những hoa văn đã từng được tạo ra dưới thời Khải Định với sự tham gia của nhóm công tác Waseda và một doanh nghiệp Việt - Pháp ở Hà Nội.

* Thi công toàn bộ mặt tiền phía Đông của lối vào của Duyệt Thị Đường, trên những nghiên cứu về màu sắc của các nhóm công tác Ba Lan và Pháp với sự tham gia của doanh nghiệp Việt - Pháp Todimax Maestria.

* Thi công phần lắp đặt kỹ thuật về chiếu sáng và điều hòa nhiệt độ cho Duyệt Thị Đường, với sự tham gia của một doanh nghiệp Việt - Pháp đóng ở Hà Nội và Sài Gòn.

Tuy những công việc này là khó khăn, chúng tôi vẫn hy vọng rằng Trung tâm Bảo Tồn Di tích Cố đô Huế có thể nghiệm thu phần thi công giai đoạn một (tường và mái) vào tháng 4 năm 2000, vào dịp Festival Huế năm 2000 và phần thi công của giai đoạn hai (bố trí nội thất và qui hoạch sân vườn) vào tháng 3 năm 2001, nhân Hội thảo về Duyệt Thị Đường và Vườn Lịch sử mà chúng tôi dự định tổ chức với sự bảo trợ của Unesco.

Buổi tọa đàm "Vườn Lịch sử, Di sản và Cảnh quan" được tổ chức vào ngày 27 tháng 3 vừa qua về chủ đề qui hoạch khu di tích Duyệt Thị Đường đối với chúng tôi là một cuộc giao lưu văn hóa và kỹ thuật rất phong phú.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn những người đã tham dự và các quan khách đã có mặt:

1. Ông Thái Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
2. Ông Phùng Phu, Kiến trúc sư trưởng.
3. Ông Richard ENGELHARD, Chủ nhiệm về Đông Nam Châu Á và Thái Bình Dương của UNESCO.
4. Bà Sabrina SCHLIWANSKI, Đại diện thường trực của vùng Nord-Pas de Calais.
5. Bà Tôn Nữ Hiệp Vân, cháu của Tuy Lý Vương và chắt của Hoàng đế Minh Mạng.

J.C - C.B
(123/05-99)



 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chợ Đông Ba (19/11/2009)