Ai ra xứ Huế
Trịnh Công Sơn ơi, có về thăm Huế không?
10:01 | 01/04/2010
BỬU Ý28 Tháng Hai lại về, gợi nhớ về sinh nhật của Trịnh Công Sơn. Vào thời điểm này, bạn bè Trịnh Công Sơn ở Huế và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị cho Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn theo chủ trương của UBND tỉnh và mong muốn của những người yêu mến nhạc sĩ tài hoa này.Sông Hương xin giới thiệu bài viết của Bửu Ý- người bạn rất gắn bó với Trịnh Công Sơn - như một gợi ý mời gọi bạn bè cùng góp ý để sớm hình thành ý nguyện này.
Trịnh Công Sơn ơi, có về thăm Huế không?

Giả như có ai đó cất tiếng hỏi lừng lựng giữa trời: “Trịnh Công Sơn ơi, có về thăm Huế không?” Thì hãy cố mà nghe cho ra câu trả lời đại loại phải là: “Có. Về Huế thăm là bắt buộc. Về thăm sông Hương. Về thăm bạn bè. Về thăm biết bao nhiêu người chưa quen biết nhưng đã từng gặp nhau qua một vài ca khúc. Về thăm và còn về lại mãi mãi.”

Ai nấy thừa hiểu rằng Trịnh Công Sơn hiện giờ đang lồng lộng giữa một cảnh giới hoàn toàn thênh thang mà lúc sinh thời anh thường trực dự cảm. Chẳng có gì chế ngự nổi anh, từ vật chất đến quyền lực. Bao nhiêu cám dỗ chẳng gây hệ lụy, bao nhiêu hung hiểm không làm nao núng. Phải nói kỳ hết những lời canh cánh, dù có lòn lỏi giữa hai lằn đạn. Phải nốc cạn cốc mật ngọt cùng mật đắng của tình đời. Có như vậy mới để lại cho đời những gì là tinh hoa, tha thiết nhất của mình trước khi nhẹ bước ra đi.

Và Trịnh Công Sơn tất nhiên đã du hành khắp cõi vì anh là người của muôn nhà, muôn nơi: đến Pháp đi từ Paris xuống Bordeaux, qua thăm Montréal, về Californie, đi tới vài thành phố của Đức, có thể nán lại lâu hơn tại chùa Phước Huệ của Sydney hay là thư viện ở Torino, nơi đôi vợ chồng nghệ sĩ người Ý là Fulvio Albano và Sandra Scagliotti sưu tập và chăm sóc từng tài liệu về Trịnh Công Sơn và, trước khi về quê hương, ghé sang Tokyo và Singapore... Nơi nào cũng có nhà và bạn bè thân quen.

Về đến Việt Nam, Trịnh Công Sơn sẽ đến thành phố Hồ Chí Minh thăm ngôi nhà của mình ở đường Phạm Ngọc Thạch ngắm lại tác phẩm của Lê Thành Nhơn tạc chân dung mình, xuống Thủ Đức vào ngôi nhà mình ở Bình Quới, rồi vào rừng cao su xem Trương Đình Quế hoàn thiện bức tượng cho mình ngồi cạnh pho tượng Bùi Giáng, sau đó phiêu du lên xứ sương mù thơ mộng ngắm công trình của Phạm Văn Hạng đặt Trịnh Công Sơn cùng với Hàn Mặc Tử mơ màng trên đồi Mộng Mơ của Đà Lạt.

“Về Huế thăm là bắt buộc. Về thăm sông Hương. Về thăm bạn bè. Về thăm biết bao nhiêu người chưa quen biết nhưng đã từng gặp nhau qua một vài ca khúc. Về thăm và còn về lại mãi mãi.” Đó là điều tất nhiên đối với Trịnh Công Sơn và đối với mọi người. Không có một ngôi nhà cho Trịnh Công Sơn ở Huế thì ăn nói ra làm sao đây với thiên hạ, nhất là một khi Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng đã ăn yên ở yên từ bao giờ ở những địa điểm trọng vọng?

Lần cuối cùng Trịnh Công Sơn về Huế, năm 2000, giữa thời gian diễn ra Festival, anh có nói lên mơ ước thiết lập ngôi “Nhà Nguyện Tình Yêu” của mình. Lãnh đạo thành phố lúc ấy niềm nở hưởng ứng và hứa hẹn nhiều điều. Thiện chí ấy, từ đó đến nay, suốt gần bảy năm, vẫn lai hoàn thiện chí. Chưa có hành động cụ thể nào, mới có những “dợm” hành động trong việc đề nghị và lựa chọn địa điểm cho ngôi nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn tương lai: ban đầu có thể là vùng Kim Long, rồi tới vùng đồi Thiên An, tiếp theo là sự đánh tiếng về một địa điểm trên đường Lê Lợi (Đài Phát Thanh cũ ở chân cầu Trường Tiền, hoặc nhà ăn Vườn Thiên Đàng, hoặc trung Tâm Festival), sau đó là cơ sở Cây xanh trên đường Lê Duẩn, mới đây có đề nghị một ngôi nhà vườn hiện bỏ phế phía bên kia Đập Đá.

Địa điểm ở đâu chưa rõ, nhưng ngôi nhà cho Trịnh Công Sơn trở về viếng thăm, vui chơi và gặp gỡ người mến mộ nên ở vào một địa điểm trọng vọng, khoảng khoát, gần trường học, gần thanh niên, không bị cách trở vì thời tiết.

Ngôi nhà lưu niệm này hẳn nhiên không phải là nơi chỉ có trưng bày kỷ vật, cũng không phải là nơi người ta lui tới một hai lần định kỳ trong năm, mà chủ yếu là một địa chỉ văn hóa cho thành phố Huế vốn là một thành phố văn hóa, là một trung tâm phát huy và khuyết sung văn hóa trong tương lai bao gồm các loại hình hoạt động phụ tùy theo yêu cầu và óc năng động sáng tạo của những người chịu trách nhiệm trông coi và quần chúng vãng lai. Do đặc tính của thành phố Huế, ngôi nhà được mở ra cho cả nước, và luôn cả cho khách nước ngoài. Nó còn là nơi gặp mặt, vui chơi hàng ngày, dẫn dắt bằng âm nhạc, giữa một không gian văn hóa.

Nhiều người có đề nghị thêm về địa điểm khả dĩ trưng dụng cho ngôi nhà lưu niệm: có thể là ngôi nhà số 4 đường Hoàng Hoa Thám hoặc trụ sở hiện tại của Tạp chí Sông Hương trên đường Phạm Hồng Thái. Hai địa điểm này có nhiều thuận lợi, chỉ sợ không gian có hạn chế.

Thiết tưởng đã đến lúc những người có trách nhiệm nên có đề nghị và quyết định về vấn đề này một cách công minh đối với văn hóa và lịch sử trong một viễn tượng lâu bền, và đối với riêng thành phố Huế thân yêu.

  B.Y
(217/03- 07)


Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng