Ai ra xứ Huế
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế 20 năm xây dựng và trưởng thành
08:47 | 06/04/2010
LÊ VIẾT XUÂNCó thể nói, so với các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn quốc, thì Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế có một vị trí quan trọng, sau khu Di tích Kim Liên (Nghệ An), khu Di tích Pác-Bó (Cao Bằng), khu Di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội.
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế 20 năm xây dựng và trưởng thành
Bảo Tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh tại Thừa Thiên Huế - Ảnh: cinet.gov.vn

Bởi Thừa Thiên Huế là nơi in đậm dấu ấn 10 năm (1895 - 1901 và 1906 - 1909) của Bác Hồ và gia đình Người đã sống, lao động, học tập và tham gia hoạt động yêu nước. Chính nơi đây, đã hun đúc, nuôi dưỡng và hình thành tư tưởng yêu nước của Bác Hồ, để từ đó, Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Những gì mà Bác Hồ và gia đình Người để lại trên mảnh đất này là niềm tự hào và tài sản vô giá, mà Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong việc gìn giữ, tôn tạo, quản lý, và phát huy tác dụng.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế ngày nay là sự tiếp nối và kế thừa của Phân viện Bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Trị Thiên trước đây. Qua 20 năm hoạt động, với đóng góp của nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế đã vượt qua những khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành và tự khẳng định mình, hòa nhập cùng hệ thống các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc, vươn lên đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng đặt ra, ngày càng thể hiện đầy đủ và rõ nét tính đặc thù của một Bảo tàng và Di tích lãnh tụ. Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh là một đơn vị có tổ chức bộ máy khá ổn định, một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị khá vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và đồng đều (Cán bộ Đại học chiếm 90%, trong đó có 3 Thạc sĩ, nhiều người có 2 bằng Đại trở lên). Đây là vốn quý, là sức mạnh nội lực giúp đơn vị tiếp tục phấn đấu đi lên, ngày một vững mạnh. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện quản lý gần 4000 tài liệu và hiện vật, 14 di tích và địa điểm di tích (trong đó có 04 Di tích đã được Nhà nước xếp hạng là Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, Trường Quốc Học, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nổ, và Đình làng Dương Nổ); Hàng năm, bằng các loại hình hoạt động phù hợp, thông qua trưng bày tại chỗ và triển lãm lưu động và vùng sâu, vùng xa, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã phục vụ và đón trên 3 vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu và tìm hiểu. Góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận và khích lệ, song chưa tương xứng với vai trò, vị trí của MỘT BẢO TÀNG LÃNH TỤ - Danh nhân Văn hóa lớn Hồ Chí Minh, ở một trong những trung tâm văn hóa - du lịch lớn của cả nước, và là Di sản Văn hóa nhân loại. Đồng chí Phạm Văn Đồng hoàn toàn có lý khi nhận định: "Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Các đồng chí cần đi sâu vào thời gian này, thời gian hình thành một con người lạ lùng, với một cuộc đời lạ lùng, những hoạt động lạ lùng đưa đến những thành tựu lạ lùng, mà chúng ta ở Việt Nam đang nghiên cứu, đồng thời nhiều người ở nước ngoài cũng đang nghiên cứu và sau này người ta còn nghiên cứu". Nhận thức sâu sắc điều đó, mặc dù là một tỉnh nghèo, lại liên tiếp hứng chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra, giữa bề bộn trăm thứ cần phải làm, lãnh đạo tỉnh ta vẫn quyết tâm phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng mới Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế - một công trình văn hóa trọng điểm của tỉnh chào đón năm 2000, và mừng sinh nhật lần thứ 110 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định hợp "Ý Đảng Lòng dân", với tầm nhìn xa trong rộng, thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế đối với Bác Hồ kính yêu, khẳng định quyết tâm đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng mới tại số 07 và số 09 Lê Lợi, thành phố Huế. Ở Huế khó có thể tìm được vị trí nào lại hội tụ đầy đủ các yếu tố lý tưởng như ở đây. Trên khuôn viên rộng 6810m2, nằm trên trục thẳng: Đàn Nam Giao-Đường Điện Biên Phủ-Kỳ Đài-Ngọ Môn. Bên bờ sông Hương thơ đẹp, có đường Lê Lợi bốn mùa rợp bóng cây xanh, gần ga Huế, khách sạn, Nhà thiếu nhi Huế, Trường Quốc Học (Di tích lưu niệm Bác Hồ). Ở vị trí này, nhìn từ hướng nào cũng rõ. Dường như "Người xưa và người hôm nay" đã gặp nhau ở chỗ là cùng "chọn" vị trí đắc địa này để xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nơi đây sẽ mọc lên một tòa nhà cao 3 tầng, với tổng diện tích xây với là 2500m2, có 4 mặt, trông xa như một bông sen trắng. Y tưởng về kiến trúc thật mới lạ, vừa thể hiện yếu tố kiến trúc truyền thống Huế, vừa mang dáng dấp hiện đại, vừa toát lên cái "thần" của Hồ Chí Minh, vừa hài hòa với cảnh quan môi trường. Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật, tài liệu, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (chủ yếu là 10 năm Bác Hồ và gia đình Người ở Huế), mà còn là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân Thừa Thiên Huế. Đây là nét mới đáng chú ý, thể hiện sự kết hợp sáng tạo trong việc khai tác công năng và phát huy hoạt động xã hội của Bảo tàng. Tránh được sự sai lầm đáng tiếc như một số công trình văn hóa (trong đó có nhà bảo tàng) đã xây đồ sộ, tốn kém nhưng chỉ là nơi "Xuân-Thu nhị kỳ" mới có khách đến thăm. Tổng vốn đầu tư và nguồn vốn để xây dựng công trình trình là xấp xỉ 1- tỷ đồng (chủ yếu là ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn đóng góp khác).

Công trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh được chính thức khởi công vào ngày 19 tháng 5 năm 1998, nhân kỷ niệm 108 năm sinh nhật Bác Hồ. Qua gần 2 năm thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại về thời tiết, vật liệu, nhân lực... nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, sự giúp đỡ và hỗ trợ tích cực và có hiệu quả của Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương, của các cơ quan Ban, ngành cấp tỉnh như Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục Đầu tư và Phát triển (trước đây), Sở tài chính - Vật giá, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở xây dựng, nhất là sự nỗ lực phấn đấu của những người trong cuộc (trực tiếp là Công ty Xây lắp tỉnh - đơn vị được vinh dự xây dựng Công trình này), đến nay tuy Công trình còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn và vướng mắc còn ràng buộc, nhưng quyết tâm của lãnh đạo tỉnh là bằng mọi cách, tổng lực và tập trung cao nhất nhân lực, vật lực, làm ngày làm đêm, hoàn thành cơ bản Công trình với chất lượng cao, làm nơi tổ chức kỷ niệm trọng thể 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là mệnh lệnh của Đảng và nhân dân đặt ra đối với những người trực tiếp và gián tiếp chịu trách nhiệm quản lý và xây dựng Công trình này. Giờ G đã điểm, không thể lùi bước, lúc này hơn bao giờ hết chỉ có đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực và quyết tâm cao, mới có thể hoàn thành Công trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Cầu mong cho mọi điều suôn sẻ.

Cũng cần nói thêm tính "nhân dân" của Công trình này trong quá trình xây dựng. Ngoài nguồn vốn của Nhà nước cấp, bằng ý thức và tình cảm của đông đảo các cá nhân và tập thể trong tỉnh đã nhiệt tình và tích cực đóng góp, hiện vật về Bác Hồ để làm phong phú thêm nội dung trưng bày, và tiền của để làm đẹp và bền cho kiến trúc của Công trình. Tiêu biểu của phong trào đóng góp này có thể kể đến: nữ anh hùng Kan Lịch với chiếc đài Bác Hồ tặng, bác Hà Văn lâu, Trung tướng Lê Tự Đồng, bác Hồ Đống, bác Hùng Sơn... với những kỷ vật quý hiếm Bác Hồ tặng, các cơ quan Ban, ngành như Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Bưu điện tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đặc biệt là Đảng bộ Dân Chính Đảng tỉnh với cuộc vận động đóng góp đúc tượng đồng Bác Hồ, và Hội Cựu chiến binh tỉnh đóng góp đúc lư trầm bằng đồng, đặt tại gian long trọng của Bảo tàng. Đây là nét mới của quá trình xây dựng Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh cần phải được phát huy và nhân rộng lên một tầm cao hơn.

Cùng với việc xây dựng Bảo tàng mới, một Đề án Bảo tồn, tôn tạo và Phát huy giá trị của Hệ thống Di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người đã được hoàn thành, đang chờ lãnh đạo tỉnh phê duyệt và dự kiến sẽ được thực thi vào đầu năm 2001. Và như vậy, hy vọng trong một thời gian không xa, ở Thừa Thiên Huế, bên cạnh Di sản Văn hóa nhân loại, những Di tích lịch sử, cách mạng, và danh thắng, sẽ có một Bảo tàng Hồ Chí Minh đúng với tầm vóc, và một Hệ thống Di tích gắn bó máu thịt 10 năm Bác Hồ và gia đình Người ở Huế được trả lại dáng vẻ nguyên sơ. Đó là những địa chỉ đỏ, điểm hẹn của khách du lịch trong nước và nước ngoài khi đến Huế. có nghĩa rằng: 10 năm Bác Hồ và gia đình Người ở Huế mãi mãi còn âm vang, là hành trang quý giá, giúp chúng ta vững tin bước vào thế kỷ XXI, với những kỳ vọng tốt đẹp về quê hương và đất nước. Trong quá trình đi lên ấy, có phần đóng góp không nhỏ của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

Huế, tháng 4 năm 2000
L.V.X
(135/05-00)



 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng