Ở đó chúng ta thấy sự hội tụ của triết lý âm dương luật phong thủy... với con người để tạo nên tính cách con người xứ Huế và nó chỉ tồn tại và cảm nhận được ở mảnh đất này.
Khi nói đến tính cách của Huế người ta thường nêu bật sự hài hòa giữa con người với tự nhiên được thể hiện trong kiểu nhà vườn.
Tình yêu thiên nhiên là một tình cảm lớn trong tâm hồn của người Huế. Sự kết hợp giữa thiên nhiên với con người là nguyên lý cơ bản để tạo nên kiến trúc nhà vườn Huế. Ý niệm vườn được quán xuyến nhất quán trong các loại hình kiến trúc ở đây. Các công trình kiến trúc Huế hầu hết đều có khối tích nhỏ và vừa, đường nét mềm mại, thanh nhã được bố trí trong một không gian rộng, thoáng được bao bọc bởi cây xanh, nhà với cây cứ nối tiếp ôm ấp lấy nhau, tạo thành mô hình lý tưởng của một thành phố nhà vườn.
Người Huế dựng nhà, làm vườn từ đời này qua đời khác ngót hàng trăm năm, đến nay đã trở thành một nghệ thuật nhuần nhuyễn mà có lẽ không nơi nào sánh kịp.
Huế vốn có bản sắc văn hóa đặc trưng riêng hòa quyện vào bản sắc văn hóa chung của cộng đồng dân tộc. Con người Huế, thiên nhiên đã tác động qua lại lẫn nhau, tạo nên cái bản sắc văn hóa rất riêng. Nhà vườn Huế là nét văn hóa đặc trưng của vùng này.
Đối với người Phương Đông nói chung, bao giờ giá trị văn hóa truyền thống cũng là yếu tố nổi trội. Hơn nữa di sản văn hóa Huế là vô cùng quý giá, là bảo tàng sống của quá khứ là bài học bổ ích cho hiện tại và tương lai. Những ngôi nhà vườn có tính cổ truyền xưa chính là một trong những di sản quý báu đó của văn hóa Huế.
Trải qua bao thăng trầm và đổi thay, Huế vẫn còn giữ được nét quyến rũ thuở nào, và dường như với các nước phương Tây ngày một thêm thu hút, là nơi cần tìm đến bởi họ đã quá mệt mỏi cái không gian cư trú nhà hộp chen chúc nhau, ngán ngẩm lối sống hối hả và lạnh lùng của xã hội công nghiệp hóa. Lúc này Huế đang đứng trước những khó khăn và thách thức vừa phải giữ vững bản sắc văn hóa và những giá trị truyền thống đồng thời phải biến chuyển để hòa nhập, thích ứng với nền kinh tế thị trường. Huế buộc phải tìm lại chính mình, và nhà vườn Huế hiện nay cũng đang nằm trong sự “thao thức trăn trở” đó.
Trong xu thế biến đổi hiện nay nhà vườn Huế một mặt vừa khẳng định được những ưu điểm nổi trội của mình, mặt khác cũng không sao tránh khỏi những nhược điểm trong quá trình biến đổi. Đó là sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của nhà vườn về kinh phí, khoa học kỹ thuật để phục chế tái tạo của các cấp, các ban ngành liên quan. Hiện nay, với sự chia rẻ thành nhiều chủ như vậy trong tương lai sẽ không còn tồn tại khái niệm “nhà vườn Huế” hoặc có chăng đi nữa thì cũng đã biến dạng và không còn là kiểu nhà vườn truyền thống đặc trưng của xứ Huế.
Nguyên nhân của tình trạng xuống cấp là các nhân tố khách quan và chủ nhận tác động đan xen với nhau. Song bao trùm là do chưa có chủ trương tích cực bảo tồn nâng cấp các giá trị của nhà vườn như là di sản văn hóa đặc sắc được tạo lập từ lâu đời.
Mặc dù vậy trong thời gian qua nhiều chủ nhà vườn với khả năng hạn hẹp của mình cũng đã cố gắng chăm chút ngôi nhà vườn xưa để lại. Song dù cố gắng đến đâu, diện mạo của các ngôi nhà vườn cũng thể hiện khá rõ tình hình “lực bất tòng tâm”. Lực ở đây bao gồm cả nhân lực, vật lực và tài lực. Điều đó đòi hỏi cần phải có sự hỗ trợ về kinh phí khoa học kỹ thuật để phục chế tái tạo của các cấp các ban ngành liên quan đối với những ngôi nhà vườn này. Sự hỗ trợ trên nhiều góc độ cũng như với mức độ, phương thức tùy điều kiện cụ thể của từng nhà vườn. Song tính bức thiết là yêu cầu chung của mọi nhà vườn hiện nay.
Cần phải có những biện pháp tích cực tôn tạo lại những ngôi nhà vườn bị hư hỏng, phải khôi phục đến mức tối đa mô hình của nhà vườn cũ, để giữ lại tính nghiêm trang và cổ truyền vốn có của nó.
Điều này còn góp phần tích cực vào việc quảng bá, lôi cuốn những du khách muốn tìm hiểu về những nét cổ truyền của văn hóa Huế mà Festival Huế 2. 000 là một minh chứng. Nếu coi văn hóa là sự thích ứng và biến đổi tự nhiên bởi con người, thì ở bất cứ dân tộc nào đất nước nào, địa phương nào con người cũng phải sống trong một môi trường tự nhiên nhất định thích ứng với nó tạo ra văn hóa cho mình. Tuy nhiên, có ít nơi nào như ở Huế, con người được sống trong môi trường tự nhiên vừa đẹp, vừa thơ mộng, lại biết tạo cho mình một cách ứng xử hài hòa với thiên nhiên, đưa cái tự nhiên vào văn hóa, biến cái tự nhiên thành văn hóa. Từ xưa, con người Huế đã biết khai thác sự phong phú của môi trường tự nhiên tạo ra sự đa dạng của văn hóa Huế. Ngoài môi trường tự nhiên đã có sẵn, ở Huế nhà vườn là một “tác phẩm” của con người được kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiên tạo và nhân tạo. Nó làm cho môi trường sinh thái ở đây luôn trong sạch, làm dịu bớt cái nắng gay gắt của mùa hè trong những mùa mưa lũ, cây trong vườn sẽ là những “chướng ngại vật” chống xói mòn đất.
Cây xanh, hồ nước, thảm cỏ trong nhà vườn Huế là “lá phổi” cung cấp ôxy, là lá chắn bụi và tiếng ồn, là một phần sức khỏe của người dân Huế. Các nhà chuyên môn coi cây xanh là người thầy thuốc được đầu tư đào tạo thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Vì vậy với cái vốn có, đáng quí của mình, cái mà không một nơi nào có được, là ước mơ của bao nhiêu người thành phố nhà vườn “thành phố cây xanh” Huế phải và phải mãi mãi như vậy.
Trong quá trình đô thị hóa hiện nay cùng với thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt cũng đã làm giảm đi những mảng mầu xanh đáng quí ở thành phố này.
Mặc dù vậy, một điều không thể chối cãi là từ trước đến nay, Huế là nơi vốn có tiềm năng to lớn về du lịch. Các nhà vườn Huế là những thành tựu văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, rất hấp dẫn du khách sẽ đóng góp đáng kể cho chiến lược phát triển kinh doanh du lịch của khu vực này.
Để khai thác tiềm năng nhiều mặt của nhà vườn Huế đòi hỏi chúng ta phải có những kế hoạch và hình thức khai thác, đầu tư đúng mức cho từng loại vườn. Cần phải nghiên cứu toàn diện, làm rõ vấn đề bản sắc văn hóa của nhà vườn Huế. Bởi vì bản sắc văn hóa là điều cảm nhận và hưởng thụ, trên cơ sở xác định cụ thể các tiêu chuẩn bản sắc văn hóa vườn và nhà vườn xứ Huế thì mới có thể tôn tạo nâng cấp và giữ gìn được những nét đẹp truyền thống đó.
Mặt khác, cần đưa nhà vườn vào qui hoạch tổng thể của thành phố, giảm đến mức tối đa việc đô thị hóa, xóa bỏ các khu vườn có giá trị văn hóa. Hơn nữa cần xem nhà vườn là một bộ phận của đô thị theo kiểu Huế để giữ được vẻ cổ kính uy nghiêm vốn có của nó.
Đối với những nhà vườn có giá trị về cảnh quan song còn có một số khiếm khuyết về công trình kiến trúc vật cảnh, hoặc về quy hoạch thiết kế thì có thể sửa chữa bổ sung cho hoàn chỉnh để tăng vẻ mỹ quan nhưng vẫn giữa được nét đẹp truyền thống.
Như chúng ta đã biết, sự xuống cấp của nhà vườn Huế hiện nay là do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan quyết định, trong yếu tố chủ quan thì vai trò của các chủ nhà vườn là hết sức quan trọng. Thế những hiện nay các chủ nhân nhà vườn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tôn tạo và phục chế các loại nhà vườn. Hiệu quả kinh tế còn thấp. Một số lớn nhà vườn thu nhập đủ sống, không đủ dư thừa để tái tạo và nâng cấp vườn. Muốn làm việc này các chủ nhà vườn phải dựa vào các nguồn thu nhập khác. Mặt khác, các chế độ chính sách hiện hành chưa thể hiện rõ sự ưu tiên và hỗ trợ cho các nhà vườn có giá trị văn hóa. Một số đất làm vườn bị xâm lấn và bị chiếm dụng lâu ngày không được xử lý để chủ nhà vườn yên tâm đầu tư...
Để góp phần giải quyết các khó khăn đó, thiết nghĩ cần nghiên cứu một số vấn đề chế độ chính sách như vấn đề hỗ trợ đầu tư, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, nghiên cứu biểu thuế các loại vườn... theo hướng khuyến khích phát triển vườn phục vụ cho du lịch, nhất là những nhà vườn có giá trị văn hóa cao.
Một nhân tố quan trọng giúp phát triển tôn tạo, nâng cấp nhà vườn chi phối tất cả các nhân tố trên đó là cần phải được sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo và các ban ngành có liên quan, thể hiện ở những chủ trương, biện pháp cụ thể và hữu hiệu. Bởi vì chỉ có tích cực, khuyến khích về vật chất lẫn tinh thần, nâng đỡ sáng tạo thì những gì thuộc về bản sắc văn hóa mới bộc lộ ra đầy đủ. Khi đó Huế mới trở thành thành phố vườn theo đúng nghĩa của nó từ ngàn xưa.
L.T.K.H (137-07-00)
|