Ai ra xứ Huế
Viết bằng lời con tim
15:45 | 14/06/2010
THÁI DOÃN LONGKính tặng thầy: Cao Xuân Hưởng, Nguyễn Trực Luyện và H.N
Viết bằng lời con tim
Kinh thành Huế xưa - Ảnh: Internet
"Vừng ơi mở cửa ra!"

Đất nước ta đẹp như giải lụa vắt bên thềm biển Đông, trên bức tranh đô thị nổi bật nhất ba thành phố đặc trưng đó là Hà Nội, Huế, Sài Gòn mà nay đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Bao giờ cũng vậy, sự phát triển văn hóa trong đó có kiến trúc không nằm ngoài bối cảnh của lịch sử. Nói đến lịch sử hình thành thủ đô Hà Nội ta nhớ ngay đến Lý Công Uẩn với bài chiếu Thiên đô đã quyết định dời kinh từ Hoa Lư về Thăng Long vào độ mùa thu năm 1010. Với Sài Gòn thì lại khác, giáo sư Trần Văn Giàu nói ý rằng: "Ông cha ta chinh phục phương Nam không phải bằng thanh gươm mà bằng lưỡi cày", và Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người đã có công định hình về mặt hành chính miền đất ấy cho đất nước ta cách nay 300 năm, rồi lịch sử Sài Gòn bắt đầu từ đấy.

Trước khi nói về Huế, lùi xa hơn vào quá khứ thời gian trước thời Nguyễn Hoàng, có lẽ hình ảnh Huế đã manh nha từ câu chuyện cảm động đến nao lòng (năm 1306) Công chúa Huyền Trân đi lấy chồng rồi đem về cho dân tộc món quà cưới miền đất gồm hai châu Ô và Lý, tuy nước mắt tuôn rơi nhưng còn có cả nụ cười. Và ai biết được lịch sử sẽ thế nào nếu Huyền Trân từ chối Chế Mân. Dân tộc ta vốn đa đoan, quá trình giữ nước và đi mở đất không ít trang bi tráng, thế mà đôi lúc lịch sử cũng ưu ái đấy chứ.

Huế 143 năm (1802-1945) với tư cách là kinh đô thứ 5 và cũng là kinh đô cuối cùng của nền quân chủ phong kiến Việt Nam. Cho đến nay Huế ngót 200 tuổi, so với các thành phố nổi tiếng thế giới thì Huế ít tuổi hơn. Song có lẽ do có quá nhiều thăng trầm lịch sử trong quá trình phát triển đã tạo nên tầng văn hóa hết sức phong phú, trong đó nổi bật là các công trình kiến trúc luôn luôn thu hút sự chú ý của nhiều người.

Nhà Nguyễn có lỗi với dân tộc là để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp ngót một thế kỷ. Ta tạm gác qua một bên cái lỗi trên của nhà Nguyễn, cái đáng trân trọng là di sản văn hóa mà họ để lại và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Một di sản văn hóa được kiến tạo bởi tư tưởng địa lý nhân văn, bằng kinh nghiệm thực tiễn, tài hoa, trí tuệ và lao động sáng tạo của một lớp người thuộc thế hệ cha ông ta. Sự thành công đó trước hết phải nói tới yếu tố thiên nhiên. Địa lý tự nhiên quả thực đã tạo cho miền đất này một kiệt tác ít đâu có. Những triền đồi thoai thoải xuống những vùng thấp hơn với thảm thực vật phong phú đa dạng có mặt đủ cả ba miền Bắc Trung Nam. Và dòng sông Hương là linh hồn của Huế như Thu Bồn đã có lần nói hộ:

            "Con sông dùng dằng con sông không chảy
            Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu"

Trên bản đồ nơi khúc sông chảy qua kinh thành lòng sông được nới rộng hơn, cong nao nao như quai nón của ai đó, hai đầu "quai" tạo hóa đã không quên điểm thêm hai hòn đảo xinh là tả Thanh Long hữu Bạch Hổ, hệ thống những sông ngòi nhỏ hơn chảy quanh khu kinh thành làm phong phú thêm khu vực này. Núi Ngự - viên ngọc quý với độ cao trên 100m được chọn làm tiền án cho kinh thành, nhô lên khỏi các đồi thấp được sắp xếp như có tiết tấu giai điệu. Xa một chút về phía bờ bắc sông Hương trên mỏm đồi Hà Khê có chân choãi ra sông tạo thêm ở đây một nốt duyên. Vùng đất đắc địa này như chỉ dành riêng cho Phật, tháp Phước Duyên bảy tầng vút lên trời luôn nhắc nhở một điều thiện. Xa hơn nữa nơi trung nguồn, núi Kim Phụng uy nghi trầm mặc như người đàn ông từng trải, phong độ chuyển tiếp những lớp không gian cuối của thành phố lên dải Trường Sơn mờ ảo mà lúc nào cũng có hơi tím bốc ra từ dưới núi phía chân trời.

Cha ông ta đã biết cách sử dụng không gian Huế một cách giỏi giang đầy tính bác học. Suốt những năm đầu thế kỷ 19 hàng loạt các thành quách cung điện lần lượt được xây dựng kế tiếp nhau. Kinh thành Huế chính thức xây dựng từ năm 1805 - 1832, có chu vi gần 11km, độ dày 21m, cao 6.6m với diện tích thành nội khoảng 520ha. Đây là khu vực thiết yếu quan trọng nhất của Huế bởi lẽ trong đó có Hoàng thành nơi xây dựng các lâu đài của nhà vua trên khuôn viên hình vuông mỗi cạnh 600m, hàng trăm công trình được xây dựng để phục vụ triều đình trong đó nổi bật nhất là điện Thái Hòa và cửa Ngọ Môn kết hợp với Hoàng thành..v.v... Bao quanh khu Hoàng thành là dinh thự làm việc của quan lại và những khu nhà vườn được sắp xếp xây dựng phân bố theo mạng lưới giao thông hợp lý. Như vậy kiến trúc kinh thành Huế có sự thành công từ ý đồ quy hoạch đến việc xây dựng từng công trình kiến trúc riêng biệt mà vẫn có sự tổng hòa. Còn có hàng trăm ngôi chùa và nhà thờ lớn nhỏ lẩn khuất trong không gian thành phố, làm phong phú thêm cho cảnh quan đồng thời tăng thêm vẻ đẹp tinh thần của xứ Huế.

Trên các vùng đồi phía tây nam là hệ thống bảy khu lăng tẩm từ lăng Gia Long đến lăng Khải Định; những kiến trúc lăng tẩm được tạo ra như là nơi để nghỉ ngơi chứ không phải là những chốn mộ địa u lạnh. Sự kết hợp giữa cảnh thiên nhiên và nhân tạo ở đây đã đạt đến sự nhuần nhuyễn trong nền kiến trúc cổ Việt Nam.

Chúa Nguyễn tiến vào Phú Xuân xuất phát từ cái nôi văn hóa Thăng Long, văn hóa đó còn được người Việt mang theo trong công cuộc đi mở đất. Là miền đất mới đối với người Việt nhưng lại là miền đất đã có văn hóa của người Chàm chịu ảnh hưởng luồng văn hóa từ Ấn Độ. Sau đó đến lượt người Pháp nhập cư đem theo văn hóa của họ. Như vậy trên đất Huế có sự giao thoa các luồng văn hóa Đông Tây hòa nhập với không gian địa lý vô cùng đa dạng... Chưa hết: biết bao những biến động của lịch sử kèm theo đã giải thích tại sao với tuổi đời thành phố Huế không nhiều mà có tầng văn hóa sâu và phong phú đến như vậy. Điều quan trọng nhất là cha ông đã biết tiếp thu có chọn lọc để rồi tạo ra một hiện tượng văn hóa đặc sắc cả vật chất và phi vật chất độc đáo cho riêng mình.

Trải qua năm tháng bị chiến tranh tàn phá, một phần bị thời gian làm băng hoại bởi lẽ kiến trúc chủ yếu được làm bằng gỗ và gạch ngói thông thường. Tuy vậy phần còn lại so với những cố đô khu vực Đông Nam Á thì Huế vẫn bảo lưu được chân dung quần thể kinh đô thời quân chủ còn nguyên vẹn. Di sản văn hóa kiến trúc và cảnh quan Huế đã được khẳng định giá trị và ghi nhận để bảo tồn, phát triển tốt. Không nên hiểu thiển cận Huế như bảo tàng, cứ u hoài với quá khứ. Làm cho Huế lớn lên mà vẫn giữ được di sản văn hóa đó, việc đầu tiên là giải pháp quy hoạch xây dựng đô thị. Kể từ sau năm 1975 công tác qui hoạch luôn được quan tâm hàng đầu, nhiều đồ án đã liên tục kế thừa nhau ra đời. Cho đến nay việc điều chỉnh qui hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần thứ hai với 5 tính chất cơ bản như sau:

1/ Cố đô Huế là một di sản văn hóa thế giới, là trung tâm văn hóa du lịch quan trọng có ý nghĩa quốc tế.

2/ Là tỉnh ly trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế - khoa học kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế.

3/ Là trung tâm đào tạo đại học đa ngành và trường dạy nghề chất lượng cao của khu vực.

4/ Là trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung.

5/ Là một trong những đầu mối quan trọng trong quan hệ giao lưu kinh tế văn hóa vùng và là hành lang thương mại Đông Tây theo trục đường Chín.

Thành phố có diện tích tự nhiên 6.777,3 ha, với qui mô dân số theo số liệu năm 1995 là 283.312người, tỷ lệ tăng tự nhiên 2,31%. Theo tính toán nếu tỷ lệ tăng giảm dần xuống mức 1,22% vào năm 2020 thì dân số sẽ là khoảng 410.000người. Việc định hướng phát triển không gian cho đô thị Huế cần dựa trên nguyên tắc là nâng cao giá trị của quần thể di tích cố đô, tôn trọng tư tưởng chủ đạo trong qui hoạch trước đây dựa trên thuyết phong thủy. Thành phố Huế đã đạt được sự kết hợp hài hòa cân bằng giữa các không gian kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên, để tránh được sự phá vỡ cân bằng đó chỉ nên hạn chế qui mô dân số tối đa từ 30-40 vạn dân là vừa. Biện pháp cụ thể là thúc đẩy sự phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh Huế như Phú Bài, Thuận An, Tứ Hạ, Chân Mây... để thu hút dân số, tránh sức ép dân cư cho Huế.

Thừa Thiên Huế là tỉnh nhỏ chỉ có diện tích tự nhiên 5.009,2km
2, dân số trên một triệu người, nhưng lại có nhiều vùng đất xinh đẹp thuận lợi để phát triển xây dựng. Ngoài những đô thị vệ tinh của Huế đã kể trên, còn những miền đất với không gian đẹp chuyển tiếp không gian đẹp hơn, dường như tạo hóa đã cố tình ban tặng những ưu thế đó cho vùng đất nầy. Hệ thống đầm phá chạy gần suốt chiều dài tỉnh từ Điền Hòa tới Cầu Hai rất giàu hải sản song song với bờ biển xanh êm đềm. Vịnh Chân Mây chuyển tiếp khu Lăng Cô lên núi Bạch Mã như một Đà Lạt, vẫn là những tiềm năng hấp dẫn chờ đợi, gọi mời các nhà đầu tư cho nghỉ ngơi du lịch... Sẽ là thiếu sót lớn nếu nói đến sự phát triển của Huế lại để quên những khu vực này.

Mặt khác không nên phát triển ở Huế loại công nghiệp độc hại, công nghiệp nặng - công nghiệp tập trung có quy mô lớn, đồng thời phải đưa ra khỏi thành phố các loại công nghiệp gây bẩn và vận tải nặng. Ngoài các khu di tích đã được xác định, các trục cảnh quan thiên nhiên như sông Hương núi Ngự, núi Tam Thai, cồn Hến, cồn Giã Viên... cùng các khu vực phố cổ Bao Vinh, các làng nghề truyền thống phải được giữ gìn, bảo vệ và chỉnh trang nâng cấp dần.

Huế được quan niệm là thành phố vườn, tuy vậy tình trạng gia tăng dân số tự nhiên đang ở mức cao dẫn đến việc xây dựng tự phát xâm phạm các khu di tích. Hiện có 2.800 hộ dân đang ở tạm trong các khu nói trên cần phải có hiện pháp và kế hoạch giải tỏa dần. Riêng khu vực kinh thành dân số hiện nay gần 59.000 người với mật độ 121người/ha là khá cao chưa kể con số vãng lai. Theo đề xuất của phương án qui hoạch khu vực nội thành số dân cần giảm xuống còn 42.000người với mật độ 86,5người/ha là vừa. Đất trong các nhà vườn hàng năm đang tiếp tục bị chia nhỏ để xây dựng nhà ở, mật độ xây dựng ngày càng tăng trong khi vườn bị thu hẹp dần. Sẽ không còn khái niệm nhà vườn nếu tình trạng này không được ngăn chặn lại và có giải pháp đúng để khắc phục. Mật độ xây dựng trong thành nội hiện nay là 35-40% cần phải được giảm xuống 25-30% và không nên để tăng thêm nữa. Các công trình xây xen tại các khu vực trong thành nội chỉ nên làm với quy mô vừa phải từ 1-2 tầng, tầng cao trung bình không vượt quá con số 1.5. Số dân cư đang còn ở trong các eo bầu dưới chân tường kinh thành cần được giải tỏa dần trả lại đất dành cho cây xanh, bên cạnh đó việc đẩy nhanh tốc độ nạo vét, sửa sang các con sông xung quanh kinh thành đã từ lâu bị bồi lắng như sông Đông Ba, Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm, hồ Thành Hà cũng cần được quan tâm sớm, đồng thời với việc chỉnh trang nâng cấp những con đường vốn xưa nay để tự nhiên đìu hiu như đường làng. Có như vậy di tích kiến trúc kinh thành mới được bảo vệ tốt và nâng cao thêm giá trị.

Tự bao giờ xứ Huế xuất hiện cư dân vạn đò chuyên sống trên sông nước, đời sống và văn hóa thấp kém, làm xấu dòng sông, bẩn đục nguồn nước, khó khăn lắm mới đưa được một số lên bờ định cư tại khu Kim Long và Thủy Trường. Số đông vẫn còn dạt về các con sông nhỏ hơn, nhưng nhất thiết phải được giảm xuống mức tối đa loại cư dân này để đảm bảo cho vẻ đẹp của các con sông và môi trường sống.

Có lẽ do ảnh hưởng từ chỗ lăng tẩm của các vua quan thường được xây dựng quy mô lớn, có cái chiếm tới hàng chục mẫu đất như lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức v.v... người Huế tuy không giàu nhưng các ngôi mộ dân thường cũng được xây dựng cầu kỳ to hơn hẳn những nơi khác và chiếm nhiều đất trong khi quỹ đất ở Huế không phải là vô hạn. Quý trọng tổ tiên chăm lo đến phần mộ của ông bà là tình cảm thiêng liêng cao đẹp, nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, nhưng cứ để tình trạng tự phát như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn tới vẻ đẹp của thành phố. Vô vàn ngôi mộ của biết bao thế hệ vây kín quanh khu vực chân núi Ngự. Núi Bân nơi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế giữa hàng vạn quân sĩ xếp hàng xuất quân ra Bắc dẹp giặc, bây giờ thay vào đó là lớp lớp mộ chí phủ kín mặt đồi di tích thiêng liêng này... Còn có bao nhiêu khu tương tự như thế trong thành phố, đã đến lúc cần thiết cảnh báo cho dân biết và ngừng chôn cất ở 2 khu vực quan trọng nói trên. Sớm hay muộn cũng nên có giải pháp di dời các ngôi mộ về nơi hợp lý, xa hơn, trả lại vẻ đẹp ban sơ cho hai khu vực này, biến nó thành nơi sinh hoạt văn hóa cho đời sau.

Người Huế vốn yêu quí da diết thành phố quê hương mình tuy có hơi chút "cực đoan"... cùng nhiều bạn bè của Huế thường trăn trở với ý nghĩ: kiến trúc Huế sẽ phát triển như thế nào trước thềm thiên niên kỷ mới? Và lâu hơn nữa trong tương lai? Làm sao để vẫn bảo tồn được các di sản văn hóa, không đánh mất bản sắc riêng của Huế đồng thời tiếp cận được với xu thế văn minh của thời đại mà vẫn có sự tổng hòa giữa quá khứ và tương lai? Trả lời được câu hỏi này không phải dễ, nhưng người Huế khi hướng vào tương lai luôn nhìn lại quá khứ của mình. Để có lời giải đáp đúng sẽ là một quá trình lao động tìm tòi sáng tạo bằng bàn tay, khối óc, trái tim và tâm hồn của nhiều lớp người.

Nền kiến trúc Việt Nam sau 1975 nhất là sau những năm đổi mới, bước vào giai đoạn kinh tế thị trường với tốc độ xây dựng ồ ạt đến chóng mặt, nhu cầu về nhà ở được cải thiện một bước lớn. Thành phố nào cũng lớn lên trông thấy hàng ngày.

Điều đáng buồn là có nhiều ý kiến than phiền về thành quả kiến trúc mà chủ yếu là văn hóa trong kiến trúc. Các đô thị cứ hao hao giống nhau về phong cách, kiểu dáng pha tạp, kiến trúc đông tây kim cổ lố nhố không trật tự. Hội chứng tháp nhọn tua tủa trên nền trời Hà Nội đang có chiều hướng lan về các đô thị khác trong nước.

Một điều may mắn là khi nhìn lại thực trạng kiến trúc đất nước Hội kiến trúc sư Việt Nam đã đánh giá khá chính xác, đã thấy rõ được những căn bệnh cơ bản. Nhưng nguyên nhân cần phải được làm rõ hơn nữa, điều quan trọng là tìm được phương thức sửa chữa trong khi còn chưa quá muộn.

Quy hoạch chia lô xây nhà ống riêng lẻ không phải là cách làm tốt, đó chỉ là biện pháp tình thế tạm thời đã bộc lộ quá nhiều điểm yếu. Nhớ lại những năm 1989-1991 tôi được Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển nông nghiệp (NHPTNN) Việt Nam lúc bấy giờ là ông Lê Trọng Khánh mời làm cố vấn về việc xây dựng các công trình kiến trúc trong nước thuộc ngành ông. Sau khi đã nghiên cứu xong công trình nhà N.H.P.T.N.N Việt Nam tại Hà Nội, trong khi chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, ông cử tôi xuống nghiên cứu tiếp nhà N.H.P.T.N.N Hải Phòng. Trước khi vào thành phố tôi chợt thấy ngay ở cửa ngõ có những ngôi nhà xếp liền nhau thành một dải trông ngồ ngộ, lô nhô cao thấp như đoàn "tàu chợ" của trò chơi con trẻ. Không gian giữa hai nhà như chỗ tiếp nối hai toa mà khoảng hở nhỏ nhoi không thể dùng làm được gì, kể cả trồng một gốc cây. Tôi tự hỏi không hiểu đây là loại kiến trúc gì, rồi thấy hẫng buồn và lo, nếu như các thành phố nay mai sẽ tiếp tục với cách làm như thế...

Mỗi lần được ra Hà Nội, dạo một vòng quanh Hồ Gươm ngắm cảnh để may ra còn được nhìn thấy con rùa nào ngoi lên bờ hong nắng... và tôi cứ thấy tiêng tiếc thế nào với hình ảnh một số công trình hiện hữu, dường như được làm ra không phải để cho cảnh quan Hồ Gươm. Nhà bưu điện là công trình khởi đầu cho sự lạc điệu ấy với dáng vẻ thô kệch quê mùa, rồi đến trụ sở U.B.N.D thành phố lạnh lùng khó hiểu như hù dọa điều gì chăng? Sau này là nhà "Hàm cá mập" với lối kiến trúc nhố nhăng õng ẹo khoe tiền, rồi suýt nữa là công trình "Hà Nội vàng" cứ rộn lên như sắp hái của đến nơi. Dư luận đã quá nhiều rồi, nhưng dẫu sao tôi cũng muốn nhắc lại rằng: Giá như những công trình tốn kém ấy không nên có quanh Hồ Gươm.

Nói thêm những điều trên với một mong muốn là tránh đi những cách làm đáng tiếc tương tự đối với kiến trúc thành phố Huế. Bởi lẽ chăm sóc và giữ gìn được vẻ đẹp Huế là giữ được một tài sản quý báu của dân tộc.

Và tôi cũng không tán thành ý kiến của kiến trúc sư lừng danh Le Corbusier cho rằng: "nhà là cái máy để ở". Sẽ không còn là Huế nữa nếu chỉ thiết kế và xây dựng ở đây toàn những cái "cái máy" như vậy. So với các đô thị khác thì Huế xây dựng chưa nhiều lắm nhưng cũng đã lây nhiễm những căn bệnh chung, cũng đã có những sai lầm xảy ra. Vẫn lời trong bài thơ của Thu Bồn rất nổi tiếng viết về Huế ấy còn có câu rằng:

"Nón rất Huế nhưng đời không phải thế"

Điều ấy đúng cả với kiến trúc mới ở Huế. Những sai lầm về xây dựng ở đây xảy ra theo cách gậm nhấm từ từ và sửa chữa sai lầm cũng từ từ. Người viết bài này xin nói rõ hơn vào một dịp khác. Nhưng may mắn thay là sự phá vỡ cân bằng không gian mức độ lớn chưa xảy ra trong khi người Huế đã tỉnh táo hơn với việc suy xét xây dựng các công trình mới. Điều thú vị hơn là còn có thêm tiếng nói bảo vệ quyết liệt của những cựu chiến binh nữa.

Có hai thành phố gây nỗi nhớ cho nhiều người bởi vẻ duyên dáng độc đáo đó là Huế và Đà Lạt. Và như thế chúng ta không nên tạo ra bộ mặt kiến trúc mới cho Huế giống bất kỳ nơi đâu. Không nên hoài cổ, nhưng cách kiến tạo các công trình trong thời Nguyễn vẫn là những bài học quý báu tại chỗ cho chúng ta học tập. Sẽ thất bại nếu cố tình gán ghép vào đây những kiểu kiến trúc thời thượng xa lạ. Thiên nhiên Huế không kết duyên lâu bền với những thứ xa lạ ấy, những nét truyền thống mà Huế đã đạt được sau quá trình thử thách gạn lọc lâu dài.

Nền âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc đi sâu vào lòng người, nếu lắng tai hơn dường như bài nào nghe cũng có phảng phất một giai điệu dân ca nào đó trong ký ức từ lời mẹ ru thuở còn nằm đung đưa trên cánh võng. Tôi nghĩ chính đó là bản sắc văn hóa dân tộc. Kiến trúc cũng vậy, những công trình đạt được bao giờ cũng có sự thừa kế truyền thống một cách hài hòa. Kiến trúc phải chăng là bản nhạc câm lặng, ngoài việc như cái tổ chứa đựng nuôi dưỡng cuộc sống con người ở bên trong, mọi chi tiết được tạo ra để làm gì, muốn nói điều gì, đặt ở không gian nào đều có ngôn ngữ và ẩn số của nó, lý giải được những ý trên mới hy vọng có sự thành công tốt đẹp.

Huế là thành phố văn hóa du lịch, đã và đang có sức hấp dẫn lớn. Phải chăng sinh ra Huế là để gây nỗi nhớ cho đời...! Là kho tàng vô tận của văn hóa chứa đầy báu vật nhưng viên ngọc quý nhất cất dấu nơi đâu? Dẫu sao tôi cũng như bao người từng ao ước một lần may mắn như trong chuyện cổ tích, tìm được cái chìa khóa - câu thần chú để gọi: "Vùng ơi mở cửa ra!".

Huế, tháng 9 năm 2000
T.D.L
(142/12-00)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Hồn Huế (11/05/2010)
Cảm nhận Huế (10/05/2010)