Ai ra xứ Huế
Một vài nơi trong Kinh thành Huế
16:39 | 17/09/2010
NGUYỄN ĐÌNH HÒE VÀ L.CADIÈRE(B.A.V.H. 1992, trang 189-203)HỒ TỊNH TÂM - Từ thời Gia Long, khi xây kinh thành Huế, một nhánh sông đã được ngăn chặn lại ở trên làng Kim Long hiện nay và dòng sông đó bị lấp đi ở một vài nơi, một số nơi khác thì được mở rộng và uốn nắn lại cho đều đặn. Chính một phần của nhánh sông ngày xưa ấy đã tạo ra Hồ Tịnh Tâm, nay ở tại bên trái đường Lục bộ, gần với Cầu kho, hay vùng nhượng địa (cho Pháp ở Mang Cá lớn).
Một vài nơi trong Kinh thành Huế
Hồ Tịnh Tâm - Ảnh: hotinhtam.vnweblogs.com
Trước tiên, trên hai cái đảo nổi lên giữa hồ, người ta xây dựng hai cái nhà kho một để chứa thuốc súng và một để chứa diêm tiêu, và nơi đó được gọi là hồ Ký tế (Ký tế trì). Muốn hiểu vì sao người ta đã chọn địa điểm nầy, phải nhớ lại rằng tất cả các dãy nhà kho của Hoàng gia ngày xưa đều đã được tập trung tại chỗ bao bọc ở phía tây và phía bắc. Vị trí gần kề nhau như vậy xem chừng có phần nguy hiểm. Cho nên sau đó (1) hai dãy nhà kho ấy được dời qua phía đông một chút, ở trong cái hồ mà ngày nay có Tàng thơ lâu đang tọa lạc, còn các nơi đang để không ấy được gọi là Hồ Tịnh Tâm. Nó có một cái tên khác nữa là Bắc Hồ. Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân cho chúng ta biết chi tiết những nhà lục giác, những nhà Thủy tạ, những hành lang và những bến thuyền làm cho địa điểm này trở thành một trong những cảnh đẹp nhất của thành phố.

Tất cả những thứ đó hầu như không còn gì cả, ngoại trừ vòng tường thành cao có trổ bốn cửa bốn mặt: phía nam là cửa Hạ Huân, phía đông là cửa Xuân Quang, phía tây là cửa Thu Nguyệt, phía bắc là cửa Đông Hy. Bên trong vòng tường thành, ở giữa hồ có ba hòn đảo nhỏ; ở phía nam là đảo Bồng Lai, ở phía bắc là đảo Phương Trượng, cuối cùng là đảo Định Châu. Đây là ba cái tên đặt cho những cái đảo thần tiên ở, theo truyền thuyết của Trung Hoa.

Trên đảo Bồng Lai có xây điện Bồng Dinh, ba gian hai chái, lợp ngói vàng và bọc lan can ở bốn phía, theo một bức tranh xưa, điện nầy có hai lớp mái, sát cạnh phía đông của điện là Thanh Tâm Tạ, và cạnh phía tây là lầu Trùng Luyện. Trước mặt điện dựng một cái cửa ăn thông với một chiếc cầu gọi là cầu Bồng Dinh giống với tên điện; và phía bắc xây cầu Hồng Cừ.

Trên đỉnh đảo Phương Trượng xây Nam Huân các, hai tầng lợp ngói men vàng và làm lan can bốn phía, chung quanh có nhiều ngôi nhà: ở phía đông là Thiên Nhiên Đường, phía tây là Dương Tỉnh Hiên, phía bắc là Tịnh Tâm Lâu. Trước mặt có một cái cửa tên là Bích Tảo Môn xây trên chiếc cầu có cùng tên.

Giữa hai đảo có một ngôi nhà lục giác, gọi là Tứ Đạt Đình thông với một dãy nhà cầu 44 gian; phía nam là cầu Hồng Cừ, phía bắc là cầu Bích Tảo, và thông với đê Kim Oanh bởi một dãy nhà dài 56 gian, hai bên trồng liễu và có lan can, phía đông thông với cầu Lục Liễu và cửa Xuân Quang, về phía tây cũng của con đê ấy, thông với cửa Thu Nguyệt, mà muốn đến cửa ấy phải đi qua một chiếc cầu gọi là Bạch Tần cầu.

Cuối cùng, về phía tây nam Bạch Tần kiều, ở giữa mặt nước, dựng khúc tạ, gọi tên như vậy là vì nó được cấu tạo bằng bốn dãy hành lang. Trước mặt tạ nầy, ở phía nam, là đảo Dinh châu.

Tất cả những chiếc cầu ấy đều được che bằng mái ngói, toàn bộ mặt hồ được trồng sen, các con đê thì có trồng tre viền hai bên, khắp nơi có chim bay, cá lội, thật là một tổng thể hài hòa, ở đó những màu hồng chen lẫn với những màu xanh đậm lạt khác nhau.

Có một bức cổ họa trên gỗ, gốc từ Đại Nội, minh họa những bài thơ vịnh “Những cảnh đẹp của Thần Kinh” của vua Thiệu Trị. Bức họa được vẽ một cách chân chất địa đồ mặt bằng toàn thể các hồ và nhà cửa của Tịnh Tâm dẫn giữa thế kỷ 19. Từ bức cổ họa nầy, chúng tôi soạn lại một bản vẽ đơn giản hơn (Bản đồ LXIX).

Ở đây, người ta có thể thấy con đê dài Kim Oanh chạy băng qua hồ từ đông sang tây, trên đê trồng liễu và giữa đê có một dãy nhà cầu, giao điểm ở giữa là Tá Đại đình, bên phải về phía bắc, là đảo Phương Trượng với những nhà cửa của nó, bên trái về phía nam, là đảo Bồng Lai cùng với các công trình kiến trúc, xa hơn cũng về phía nam, là Khúc Tạ.

Một vài kiến trúc không được Đại Nam Nhất Thống Chí nhắc đến trong khi mô tả, lại được vẽ trên bức họa nầy, và những kiến trúc đó rất hữu ích, vì có hai kiến trúc được nhắc đến trong những câu thơ của Minh Mạng mà chúng tôi sắp đề cập đến dưới đây. Trước tiên là ở giữa Khúc Tạ, có một thứ yên xưởng gọi là Thanh tước; đó là một cái nhà sàn, nối hai dãy hành lang vào một ngôi nhà khác có cùng tính chất, từ cái nhà sàn ấy đi xuống nước bằng một cầu thang ít nấc và nhà vua đến đó để thưởng thức, “Hà phong” là cái tên dùng để đặt cho ngôi nhà. Trong phần trên của bức tranh, phía bên trái, có một cái rạp dài với ghế băng, bên trên để những chậu hoa. Cũng ở phía trên, nhưng phía bên phải, có một cái đình nhỏ, tre bao bọc chung quanh, ăn thông với bốn hàng một lối đi hẹp, ở đó có cột một chiếc thuyền, đó là Trúc Kinh Hạ Lương: vị trí nầy được đề cập đến trong bài thơ thứ tư của vua Minh Mạng trong “Bắc Hồ Thập Cảnh” mà chúng tôi sẽ dẫn ra dưới đây.

Bên cạnh trái đỉnh ấy, có dựng một cái am gọi là Tịnh Tâm Thần Trì, am xây vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838) để thờ sự trong sạch của nước hồ, sự thanh khiết của không khí, ảnh hưởng của các thiên thể đối với địa điểm này, và phước lành của các vị thần siêu nhiên ban cho. Người ta cúng thần trong mùa xuân và mùa thu, một ngày sau khi cúng ở đền Nam Hải Long Vương (2) và người ta cúng một con heo và xôi. Nếu có vua hiện diện tại đó trong ngày lễ thì một vị Thái giám đến làm chủ lễ, nếu không thì buổi lễ được đặt dưới sự chủ trì của một viên Quản vệ.

Ở đằng trước cửa Xuân Quang, mở ra trên đường Lục Bộ và đình Tứ Đạt, người ta thấy cầu Lục Liễu, nằm ở chỗ cao hơn, nhưng chỗ nầy có mô tả một điều hữu ích: đó là nơi mà “buổi sáng người ta thưởng thức vẻ đẹp của ba hòn đảo” (tam châu hiếu cảnh). Lời nói ấy được dùng làm cho bài thơ thứ nhì của Minh Mạng có làm những câu thơ vịnh “Bắc Hồ Thập Cảnh”:

Con đê Kim Oanh phản chiếu sắc xuân;
Làn gió mát thổi đến Khúc tạ mang theo hương sen;
Trên mặt hồ Tịnh Tâm ánh trăng tràn lan khắp cả;
Trong ngõ trúc người ta thưởng thức sự mát dịu;
Từ ngôi lầu ở giữa hồ, người ta thấy cá lội nhởn nhơ
Sương mù và mưa xuân bao phủ cái đình trên hồ;
Trên một thuyền nhỏ mỏng manh, người ta đi ngắm hoa sen
Trong Nam huân các, người ta thưởng thức các món cao lương mỹ vị;
Ở Thanh Tâm tạ, chiều về, người ta muốn thời gian chậm lại để ngắm cảnh;
Toàn bộ ba hòn đảo hiện ra trước mắt ta với tất cả vẻ đẹp của nó”
.

Những câu thơ ấy đã được khắc lên trên những tấm bia đá.

Những bài thơ vịnh hai mươi cảnh đẹp của Thần Kinh của Thiệu Trị cũng có một bài, nhan đề là “Tịnh Hồ Hạ Hứng”. Những câu thơ nầy được khắc lên một bản đồng.

Đức Michel Chaigneau đã thấy Tịnh Tâm, và ông đã để lại cho chúng ta một đoạn văn mô tả rất thú vị:

“Đó là một ngôi đình xinh xắn nắm giữa một chiếc hồ nhỏ bé, trên một hòn đảo lởm chởm những hòn non bộ xen lẫn với các thứ cây nhỏ, cây leo và hoa cỏ. Ngôi đình có kích thước nhỏ hơn các cung điện thông thường, nhưng những sự cân xứng của nó thì mỹ lệ hơn, phần trên của mái được xây bằng gạch với những hình nổi phủ sơn, hai đầu và bốn góc đều được nâng cao. Các vật trang hoàng bên trong Tịnh Tâm tuy khá phong phú nhưng cũng rất giản dị. Một bức tường bằng gạch bao quanh và che khuất nơi giải trí nầy khỏi những sự nhìn ngắm tò mò, và dành cho chung quanh hồ một lối đi rộng rãi mà bên lề đường này thì tô điểm bằng những bồn hoa và bên lề kia thì có những luống đất với những cây lúp xúp chen lẫn với đá. Đất của những bồn hoa và của những luống nầy được giữ lại bằng những đường viền bằng gạch được xây cao làm nổi bật các bức tranh màu vẽ nổi. Một chiếc cầu gỗ sơn bắc qua hồ dẫn đến ngôi đình ấy nơi nhà vua thường cho phép có những cuộc bệ kiến sau giấc ngủ trưa của vua”.

Lời ký thuật này không phải là một bản vẽ chi tiết về Tịnh Tâm, đó chỉ là một bản phúc họa toàn cảnh, nhưng chúng ta phải biết độ chính xác của nó: Đức Chaigneau vẽ lại cho chúng ta thấy cái mà ông đã mục kích nhiều lần: Chính tại trong cung điện nhỏ nhắn nầy vua Minh Mạng đã cho gọi tôi đến nhiều lần để hỏi han về nước Pháp mà tôi vừa thấy được, và để yêu cầu tôi cắt nghĩa về những bức tranh khắc chạm mà cha tôi đã mang làm quà cho nhà vua, những bức tranh ghi lại những trận đánh đáng ghi nhớ của Thời Đệ Nhất Đế Chính”.

Trong đoạn văn chi tiết mà tác giả kể lại sau lần thăm thứ nhất, ông cung cấp cho chúng ta những chi tiết không thiếu phần thích thú: “Tôi đến trước cửa Tịnh Tâm, Người mang sắc chỉ mà Minh Mạng đã sai đem đến cho tôi, đã tới trước đó vài phút, đợi tại đây để dẫn tôi vào và cũng để dự phòng những trở ngại do các quan viên và những kẻ hầu hạ có thể gây ra, vì lệnh lạc của họ cực kỳ nghiêm ngặt. Tôi đi với người đó về phía ngôi điện, và sau khi đi qua một chiếc cầu, và một vườn cảnh, tôi đến một phòng đợi, tại đây, người ấy chỉ cho tôi thấy cái cửa mà tôi phải đi qua để đến phòng của nhà vua. Tôi đi qua cái cửa ấy không một tiếng động và tôi đã ở ngay trước mặt Minh Mạng. Vừa trông thấy tôi, vua đã nói: “Ồ” - và vẫy tay bảo tôi lại gần vua. Đoạn Minh Mạng chỉ cho chúng tôi một cái bệ thấp đặt gần bệ của nhà vua và hai chúng tôi đến ngồi xuống đó”.

“Minh Mạng chỉ cho phép hai chúng tôi đến gần vua; các quan hầu và mấy lính thị vệ thì đứng sau một cánh cửa mở hé và những kẻ tôi tớ từ 15 đến 20 tuổi thì đứng bất động ở một góc phòng, lưng dựa vào tường, và sẵn sàng theo lệnh của vua để tiến đến quỳ gối dâng lên một điếu thuốc cháy sáng sau khi họ đã hít vài hơi để thắp: Tất cả thế giới ấy đều hoàn toàn chú ý vào những cử động nhỏ nhặt của nhà vua.

Minh Mạng dựa lưng vào một chiếc gối vuông bọc nhung vàng. Nhà vua sai đem để trước mặt mình trên một cái điếu khắc lộng lẫy sơn son thếp vàng ở những phần nhô lên, rất nhiều họa đồ được mở ra, chồng lên nhau, trải rộng và đặt các vật khác nhau dằn lên ở bên góc.

Cái cảnh xẩy ra tiếp theo đó đầy thích thú được kể lại với một vẻ khôi hài, và cho thấy được tính khí của các nhân vật, nhất là của Minh Mạng. Lời kể quá dài không thuật lại ở đây làm gì nhưng nó mô tả những hoạt động ở trong những cái đỉnh mà Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân đã liệt kê cho chúng ta thấy một cách khô khan mà ngày nay chỉ còn vỏn vẹn cái chỗ mà thôi.

Đoạn trích văn ấy của Đức Chaigneau đã cho chúng ta hai vấn đề:

Đức Chaigneau đã thấy Tịnh Tâm nhiều lần, đó là một điều chắc chắn.

Ông thấy lại Tịnh tâm trong lần lưu trú thứ hai ở Huế như ông đã nói rõ, nghĩa là từ 1821, điều đó không ai chối cãi, nhất là trong những năm tháng đầu tiên khi trở lại đây, 1821 - 1822. Như vậy, trong khi Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân bảo rằng vào năm 1838 các kho thuốc súng ở Tịnh Tâm được xích về phía đông một ít, ở tại cái hồ có dựng Tàng thơ lâu, với dữ kiện đó, chúng ta đừng kết luận rằng Tịnh Tâm chỉ có thể xây dựng vào thời ấy. Sự kiện đó có xảy ra nhưng có lẽ không phải tất cả mọi thứ, mà chỉ dời dãy nhà chính từ những năm 1821 hoặc 1822.

Vấn đề thứ hai liên quan đến địa điểm nguyên thủy. Có phải Tịnh Tâm luôn luôn ở trong phạm vi vòng tường hiện nay và đồng thời với những kho thuốc súng hay là trước hết nó được xây dựng ở một địa điểm khác và chỉ được dời đến vị trí hiện tại vào năm 1838, trong khi người ta xây dựng kho thuốc súng?

Đức Chaigneau cũng đã nói rõ rằng “Gần kho vàng, ở góc tường vây quanh là Tịnh Tâm” hoặc vòng tường, mà ông nói với chúng ta đó là “vòng tường thứ hai” cũng là vòng tường mà ông gọi là “vòng tường của Hoàng Thành” và vòng tiền này bao quanh toàn bộ Hoàng Cung, hay là vòng tường thứ hai, như ngày nay người ta còn nói.

“Ở góc tường của vòng thành” nên hiểu là bên trong hay bên ngoài của góc tường? Bản đồ Huế mà Đức Chaigneau để lại cho chúng ta dường như đủ để giải quyết điều khó khăn trong giả thiết thứ nhất; thật vậy, địa điểm Tịnh Tâm được chỉ rõ ở phía trong của góc đông bắc vòng tường Hoàng Thành. Nhưng phải chú ý rằng trong bản đồ này, phần phía bắc của kinh thành bị vẽ sai nhiều điểm; vẽ chỗ thoát nước của các con kênh bên ngoài kinh thành ở góc tây bắc, trong khi đó sự thực thì nó ở góc đông bắc; đó là lý do thứ nhất để nghi ngờ. Hơn nữa, khu vực Hậu bổ (một khu vực rộng lớn nằm kín giữa các bức tường được dựng lên ở trước mặt trường chuyên nghiệp hiện nay), khu vực đó không bao giờ nằm gộp vào bên trong vòng tường của Hoàng Thành, nó lại được đưa vào bên trong vòng tường thành nầy trong bản đồ của Đức Chaigneau và trong bài giải thích của ông; đó là một điểm mới nữa để nghi ngờ.

Những kỷ niệm của Đức Chaigneau chắc chắn là đã được ký tái vào năm 1867, năm in sách của ông. Có lẽ ông không nhớ được rằng vòng tường của Hoàng Thành đã được tiếp nối với vòng tường của khu vực Hậu Bổ, và tách biệt với vòng tường của Tịnh Tâm. Nhìn qua thì những vòng tường đó dường như nối tiếp nhau và không thấy khoảng trống ngăn cách, và khoảng trống ngăn cách ấy vào thời Đức Chaigneau lại bị toàn bộ các kho vựa choán chỗ, những kho vựa này lại được các vòng tường vây quanh nữa. Đối với ông ta, Tịnh Tâm nằm ở góc bên trong vòng tường Hoàng Thành, điều đó hoàn toàn đáng nghi ngờ, nhưng phải hiểu rằng: nó nằm ở bên ngoài góc thành và cách một khoảng xa kể từ vòng tường của Hoàng Thành. Vậy nếu chúng tôi không lầm thì Tịnh Tâm luôn luôn tọa lạc ở địa điểm hiện nay.

P.T.A dịch
(5/2-84)


----------
(1). ĐNNTC đời Duy Tân nói rằng việc ấy xảy ra vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Nhưng không phải chấp nhận niên đại ấy một cách máy móc được. Xem lời bàn về vấn đề này ở phần sau trong một đoạn văn phân tích về kho thuốc súng.
(2). Miếu Nam Hải Long Vương ở nơi động cát gần cửa Thuận An. Ngày xưa miếu dựng ở làng Dương Xuân, thuộc huyện Hương Thủy. Vào năm Gia Long thứ 12 (1813) được dời đến vị trí hiện nay. Ngoài vị thần chính, người ta còn thờ “các thần của cửa biển Thuận An”, các “Thần của cửa biển Tư Hiền” và Hà Bá nữa. (ĐNNTC đời Duy Tân Q.1, tr.20)



 


Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Món ăn Huế (07/07/2010)