Tính số lượng thì chùa Thiên Mụ có tất cả năm tấm bia. Trừ tấm bia của Thành Thái chẳng có nội dung gì quan trọng, còn lại bốn tấm điều có hình dáng chạm trổ công phu, qui mô bề thế, lời văn trên bia khá dài đáng được chúng ta lưu ý. Theo thứ tự thời gian ta có thể liệt kê như sau: 1. Bài Minh ký ghi việc tu tạo chùa Thiên Mụ ở Thuận Hóa của quốc chúa Nguyễn Phúc Chu pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng đạo nhân thuộc dòng Đổng Thượng Chánh Tông đời thứ 30 do Nguyễn Phúc Chu viết vào cuối mùa đông năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) (1). 2. Bài Bia tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ của Thiệu Trị viết vào tháng tư niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846). 3. Bài Tiếng chuông Thiên Mụ của Thiệu Trị viết vào tháng tư niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846). 4. Bài Nhân đến thăm tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ bỗng làm được bài thơ của Khải Định viết vào ngày 27 tháng 11 niên hiệu Khải Định thứ tư (1919). Đọc những bài văn bia này, ta thấy các tác giả của chúng ta đã đề cập đến nhiều khía cạnh. Trước hết, hầu như tất cả các bài đều ca ngợi phong cảnh xinh xắn của ngôi chùa, đó là nơi hội tụ tinh hoa kỳ thú của núi sông đất nước, ca ngợi ngôi chùa có cái thế “rồng cuộn hổ ngồi” như Thiệu Trị viết trong bài Bia tháp Phước Duyên: “Nước Đại Nam ta, trời sinh thánh nhân, kiến tạo núi sông, dựng xây đất nước. Trải xem hình thế phong cảnh núi sông, ở đồng bằng xứ Hà Khê bỗng nổi lên một gò cao như đầu rồng ngoảnh lại, đằng trước thì cúi xuống nếm nước nguồn Hương sâu thẳm, phía sau thì chặn giữ lấy mặt hồ phẳng lặng ung dung”. Trong bài bia Tiếng chuông Thiên Mụ Thiệu Trị lại viết: “chùa Thiên Mụ: nơi hội tụ tinh hoa của núi sông linh sảng, (thế đất như) rồng cuộn quay đầu xa chầu kinh đô, như hổ cao ngồi gầm cúi nhìn dòng Hương”. Nguyễn Phúc Chu trong bài văn bia của mình còn cho rằng: “Đó là nơi núi đồi đẹp đẽ như loan phụng, phân nhánh tợ rồng bay, phía Tây cách xóm làng bởi đồng ruộng bao la, kết rèm bao quanh như bèo gối. Bên trái, núi vươn cao lại gặp khúc lượn của con sông, thật là nơi tuyệt đẹp”. Nguyễn Phúc Chu không chỉ ca ngợi cái địa thế đặc biệt ấy mà còn đặt nó trong mối tương quan tổng thể của phong cảnh Thuận Hóa. Bằng con mắt của “vị quốc chúa”, Nguyễn Phúc Chu còn muốn nói sự phong phú của xứ Thuận Hóa, đó là nơi chứa chan sức sống, đủ điều kiện để xây dựng thành một nơi sầm uất đô hội, ông viết: “Người có huyết mạch, đất có khai mở, ở phía Nam biển khơi nước Việt ta, hướng Tây nam thì núi non trùng điệp, hướng Đông bắc sóng cả mênh mông, cát vàng vạn dặm bao quanh đầm nước… cây cối tốt tươi, đất đai màu mỡ, cọp giống sô ngu, chim như tường phụng. Phong tục xưa nay tốt đẹp, con người lại hòa nhã tươi vui thường lấy điều thiện làm gốc”. Điều đó cho ta thấy rõ ý đồ của ông là muốn lấy Thuận Hóa làm nơi gầy dựng đế nghiệp của mình. Nói chung, việc ca ngợi vị trí chùa Thiên Mụ trong các bài văn bia tất nhiên không tránh khỏi cái nhìn duy tâm thần thánh dưới quan điểm của ý thức hệ phong kiến, nhưng chùa Thiên Mụ hẳn nhiên là một thắng cảnh nổi tiếng của Huế. Ngày nay, cái thế đất “rồng cuộn hổ ngồi” ấy phần nào đã bị thời gian làm thay đổi, thế mà nét hùng vĩ, kỳ lạ của cảnh chùa vẫn không phai, càng giúp cho sông Hương thêm duyên dáng hữu tình. Nội dung thứ hai mà các bài văn bia đều đề cập đến, là nhắc lại sự tích và mô tả công việc xây dựng trùng tu ngôi chùa. Bài văn bia của Nguyễn Phúc Chu là bài có sớm nhất trong số những bài văn bia ở đây. Khi đề cập đến việc trùng tu chùa, sau khi nhắc lại việc ông đã mời Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Quốc sang Thuận Hóa (2) truyền tâm ấn cho ông, để tỏ lòng ngưỡng mộ, Nguyễn Phúc Chu đã “nương theo chỗ cũ của chùa Thiên Mụ, muốn dựng một nước Phật mới ở trời Nam. Bèn quyên góp ngọc ngà, chẳng tiếc tiền bạc. Mỗi khi lệnh nước truyền ra thì vật hạng, nhân công chẳng hề sợ hao tốn khó nhọc. Chẳng kể sức dân, chẳng lo ngày tháng. Công trình lớn ấy có sức của các quan cần chánh, chưởng cơ, đại chưởng cơ, giám viên, phó giám … cứ lấy trong quân từ nhiều chọn lấy ít, lại chọn lấy người tài, sử dụng theo sức mà thưởng xứng theo công, cốt lấy lòng thành mà ban ơn úy lạo. Điều thợ thi công chừng một năm, cũng nhờ ơn Sơn môn mà điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, nhà thuyết pháp, lầu kinh, lầu chuông trống hai bên, điện Thập vương, nhà nghỉ, nhà ăn, nhà thiền, điện Đại Bi, điện Dược Sư, nhà tăng, thiền xá kể hàng chục nhà. Sau vườn Tỳ Gia là phương trượng cũng trên chục nhà. Tất cả đều sáng loáng rực rỡ, khiến người xem phải kinh hãi, giật mình, thật là một kim sắc giới, một quang minh tạng vậy”. Qua đó ta thấy lần trùng tu lớn nhất tạo cho chùa Thiên Mụ có một qui mô lớn, ấy là năm Giáp Ngọ (1714) dưới thời Nguyễn Phúc Chu. Ngày nay phần lớn các công trình kể trên đây không còn nữa, nhưng đoạn văn vẫn có thể giúp ta hình dung được quang cảnh rực rỡ nguy nga của Thiên Mụ thời ấy. Hơn 130 năm sau, trong bài Bia tháp Phước Duyên Thiệu Trị vẫn còn khen là “bửu điện lầu kinh, thiên đường tuệ thất nối nhau chi chít, quanh co chót vót khiến ngọn núi trở thành một cảnh tuyệt đẹp”. Cũng trong bài văn bia này. Thiệu Trị đã nhắc lại sự tích của ngôi chùa bằng một truyền thuyết quen thuộc như sau: “Theo lời “Bà trời” lúc hiện xuống nói rằng: ứng ý trời, thuận lòng người, nơi đây sẽ có vị chân chúa đến dựng chùa để linh khí và giữ long mạch. Tin lời ấy, đến năm Tân sửu thứ 44 (tức thời Nguyễn Hoàng - 1601) bèn dựng chùa ở núi này để thể hiện điềm lành mà chọn nơi đất phúc để định đô”. Tiếp đó Thiệu Trị điểm lại công việc trùng tu chùa của Nguyễn Phúc Chu như đúc chuông lớn năm Canh Dần (1710), sửa sang chùa vào năm Giáp Ngọ (1714), dựng bia năm Ất Vị (1715). Qua triều Nguyễn, việc trùng tu chùa được Thiệu Trị kể lại như sau: “Năm Ất Hợi niên hiệu Gia Long (1815), lại sửa sang thêm lớn, rực rỡ sáng loáng. Đến thời Minh Mệnh lại tu bổ đẹp hơn. Tất cả đều thuận theo ý nguyện của muôn người mà cũng vì dân để cầu phúc vậy”. Riêng đời Gia Long, việc tu bổ chùa được Khải Định nhắc lại khá cụ thể trong bài bia của mình: “Đức Thế tổ Cao hoàng đế ta lúc mới trung hưng đã sai bộ Công đại trùng tu, xây thêm trước chùa một tiền đường gọi tên là Đại hùng điện kỵ”. Còn tháp Phước Duyên, một công trình kiến trúc tiêu biểu cho thắng cảnh Thiên Mụ và cho cả phong cảnh xứ Huế thì mãi đến đời Thiệu Trị mới xây dựng. Công việc xây dựng ngôi tháp này Thiệu Trị đã mô tả khá tỉ mỉ trong bài bia Tháp Phước Duyên của mình như sau: “Nay gặp buổi nước nhà nhàn hạ, ngoài trong yên ổn, bèn chi từ kho nhà nước ra để dựng tháp bảy tầng thờ Phật, mong thể phát duyên lành, rưới nhân trạch ra khắp muôn phương. Ta bèn tự định ra qui cách rồi sai quan vũ lâm doanh là Hửu Dực thống chế Hoàng Văn Hậu sửa chữa xây cất vào năm Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị (1844), đến năm Ất Tị (1845), chỉ trong vòng hai năm mà làm xong. Từ đỉnh núi xây cao lên, nếu dùng thước cũ thì đo được ngoài 87 thước, nếu đo thước nay thì thành ra 5 trượng 3 thước 2 tấc. Tất cả chẳng hề tốn đến của dân, chẳng động đến sức dân, chỉ lấy của kho trời, dùng binh túc vệ, họp thợ thi công thong thả mà làm xong. Lại dựng thêm một đỉnh cao gọi là đỉnh Hương Nguyện, ngôi tháp cao kia gọi là tháp Phước Duyên”. Thiệu Trị còn cho biết cách thờ phượng trong bảy tầng tháp ấy như sau: “Trong bảy tầng tháp đều thờ tượng Phật bằng vàng để cùng tương chiếu với ánh trăng. Cứ y theo kinh điển nhà Phật, thờ các vị Phật từ trước đến sau: Tầng thứ nhất thờ quá khứ Tỳ-bà-thi Phật; tầng thứ hai thờ Thi-khí Phật; tầng thứ ba thờ Tì-xá-phù Phật; tầng thứ tư thờ Câu-lưu-tôn Phật; tầng thứ năm thờ Câu-na-hàm-mâu-ni Phật; tầng thứ sáu thờ Ca-diếp Phật; tầng thứ bảy là Trung điều ngự bổn sư Thích-ca-Mâu-ni văn Phật. Còn thờ phụ thêm Tây thiên cực lạc pháp vương, A-nan và Ca-diếp tôn giả”. Như vậy, từ thời các chúa Nguyễn qua các vua nhà Nguyễn đều có xây dựng tu tạo chùa Thiên Mụ, hoặc xây cất thêm, hoặc sửa sang dọn dẹp lại. Điều đó chứng tỏ nhà Nguyễn có quan tâm đến đạo Phật, nhưng việc xây dựng trùng tu chùa chiền của họ không còn mang tinh thần “kính Phật trọng tăng” như các triều đại Lý, Trần nữa mà đó chỉ là một phương thức củng cố chế độ hơn là tôn sùng tín ngưỡng. Nguyễn Phúc Chu trong văn bia của mình tuy tỏ ra ái mộ đạo Phật, nhưng việc trùng tu chùa Thiên Mụ của ông vẫn không ngoài mục đích như ông viết: “Nguyện cho thân quyến xa gần trong dòng họ Nguyễn đều được lên pháp hội, mãi giữ được ngôi phúc chúa, tu tạo thêm chùa chiền, bà con nội ngoại đều chứng được quả bồ đề. Riêng tôi học được những bài kinh quí báu, luôn gặp được vận hội lớn, đất nước mở mang, nông thương sầm uất, lính mạnh nước giàu, giữ yên sự nghiệp”. Cũng chiều hướng ấy, Thiệu Trị trong những dòng cuối bài văn Bia Tháp Phước Duyên cũng viết: “Bảy tầng tháp quý mãi đứng giữa trời, một tấc lòng thành nguyện chân như Phật. Lầu Ngọc Phúc cao, mạnh khỏe an vui càng tăng tuổi thọ, dòng châu rực sáng, khuông phò hỗ trợ thêm nức công huân. Nhà yên nước trị, công nghiệp vững bền lớn lao muôn thuở, khí thuận lúa nhiều chúng sinh đông đúc giàu có quây quần. Trong yên ngoài lặng, mỉm cười ca hát thênh thang, chúa sáng tôi hiền ca tụng mừng vui bệ vệ”. Khải Định cũng bắt chước những người đi trước, trong bài bia của mình đã lợi dụng phong cảnh chùa để ca ngợi “ân đức tiên vương”: “Ung dung trong gió quên niềm tục, Hư vô trước cảnh lắng bụi đời Càng xem càng cảm ơn tiền liệt Dày công tu niệm với tô bồi”. Thiệu Trị đã xếp chùa Thiên Mụ vào thắng cảnh thứ 14 trong số 20 thắng cảnh của Huế, mà những thắng cảnh ấy đều là những công trình kiến trúc qui mô cũng không ngoài mục đích xây dựng kinh đô của triều đại mình thêm bề thế. Mặt khác, các tấm bia ở chùa Thiên Mụ đều ít nhiều có đề cập đến triết lý đạo Phật. Chúng tôi không có tham vọng phân tích vấn đề này, chỉ muốn qua một số văn bia giúp bạn đọc hiểu biết thêm ngôi chùa cổ kính đã từng lôi cuốn bước chân của nhiều du khách. Huế 10-1983 P.H.T (7/6-84) --------------- (1). Trong bài này chúng tôi không để nguyên văn, xin tạm dịch tất cả ra tiếng Việt. (2). Xem thêm Hải Ngoại ký sự của Thích Đại Sán - Ủy ban phiên dịch sử liệu, viện Đại học Huế, 1963. |