Bởi lẽ “Huế trong một thời gian dài là kinh đô lịch sử, có sóng sông Hương ru vỗ du dương, bao bọc bởi những đồi cây xanh tốt, được trang trí thêm bởi những vườn tược cây trái sum suê, có những dòng kênh chằng chịt như chạm khắc, thêu ren, thành phố là một bài thơ đô thị kiệt tác”. Dọc theo hai bờ sông Hương rải ra các lăng tẩm các vua triều Nguyễn. Đó là tác phẩm của những người lao động và những người thợ thủ công khéo tay nhất trong nước… Mỗi một lăng vua, với tính cách riêng biệt độc đáo của nó, là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh vật và mỗi lăng tẩm khêu gợi trong cảm xúc của khách tham quan một âm vang đặc biệt. “Huế cũng là một bộ phận tố thành của di sản văn hoá loài người” (1). Với sự đánh giá của thế giới như thế đặt ra cho chúng ta vấn đề giới thiệu Huế như thế nào để đạt được yêu cầu giới thiệu văn hoá Việt Nam với nước ngoài, thể hiện được quan điểm chính trị của nước ta và thu hút được ngày càng nhiều khách du lịch đến thăm quan. Vừa qua chúng ta đã làm tốt việc này. Đội ngũ giới thiệu khá đông đảo. Không những các nhân viên thuyết minh “chuyên nghiệp” ở các cơ quan du lịch, cơ quan quản lý di tích, cơ quan văn hoá mà còn có những nhân sĩ trí thức, nhà văn, nhà thơ, các đồng chí nghiên cứu văn hoá lịch sử ở các trường đại học. Nhờ sự giới thiệu rộng rãi này mà trung tâm văn hoá Huế đã được đồng bào trong nước và thế giới biết đến khá nhiều. Huế đã chiếm được một vị trí khá quan trọng trong tình cảm người đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên, trong sự giới thiệu chưa được huấn luyện và quản lý một cách chặt chẽ ấy cũng đã gây ra những ngộ nhận đáng tiếc hoặc chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Thỉnh thoảng tôi đi thuyết minh cho một vài đoàn khách của Huế và qua những lần ấy tôi đã được nghe một vài mẫu giới thiệu cần trao đổi. 1. Vì thiếu nghiên cứu đối tượng khách, không rõ quan điểm chính trị của người nghe nên một người giới thiệu đã kết thúc bài giới thiệu lăng Tự Đức với một kiến trúc sư tư bản rằng: “Khi xây dựng lăng này đã có một cuộc nổi dậy chống lại vua Tự Đức. Trong dân gian từ đó có câu ca dao: “Vạn niên là vạn niên nào, thành xây xương lính hào đào máu dân”. Ông khách liền hỏi lại: “Thế có một kỳ quan nào trên thế giới mà không thành xây xương lính hào đào máu dân không?” Người giới thiệu đâm lúng túng, đỏ mặt. Trên khuôn mặt của người khách mất đi một phần hứng thú sau khi được nghe giới thiệu cái chất thơ của lăng Tự Đức. Giới thiệu như thế là đúng nhưng không hợp với đối tượng nên không đạt được hiệu quả. 2. Một lần khác tôi gặp một đoàn khách quốc tế bình thản đứng xem mấy cái vạc đồng trước điện Cần Chánh. Khi họ nghe cô thuyết minh nói trước đây các vua chúa Việt Nam đã sử dụng các vạc đồng này để nấu dầu xử tử hình các tội nhân. Thế là cả đoàn khách đưa máy lên chụp lia lịa các vạc đồng và họ xầm xì với nhau về sự dã man của người Việt Nam xưa. Thật sự thì các vua chúa Việt Nam có nhiều người có những hành động dã man hơn thế, nhưng trong lịch sử Việt Nam không hề có chuyện dùng vạc dầu để xử tử tội nhân. Việc đúc vạc đồng có mục đích giống như đúc các đỉnh đồng, nó rất thiêng liêng đối với các chúa Nguyễn. Không nên tùy tiện thuyết minh gây cho khách có một ngộ nhận về lịch sử chúng ta! Cũng cùng một cách thuyết minh như thế có người thuyết minh trong biên chế nhà nước đã giới thiệu với khách quốc tế về 9 khẩu súng thần công để sau cửa Thế Nhân rằng: “Đây là những khẩu súng quan quân Việt Nam đã dùng bắn vào Tòa Khâm sứ Pháp năm 1885. Vì súng không điều chỉnh được nên đạn rơi ra ngoài giết chết quân nhà Nguyễn khá đông. Việc đó đã đưa đến hậu quả kinh đô thất thủ”. Không nên thay thế sự hiểu biết lịch sử bằng những tồn tại, phỏng đoán hoặc tài liệu thiếu chính xác. 3. Không những nói, giới thiệu sai, ngay cả những tài liệu được in ấn phổ biến rộng rãi, nhiều cơ quan biên soạn cũng đã gây ra không ít sự hiểu lầm. Tôi xin đơn cử cái phụ bản báo Dân “Huế của chúng ta”. Ngay trang 2 viết “vài nét về lịch sử Huế” đã có đến 3 lỗi không được đính chính: Tài liệu viết vua Quang Trung lên ngôi tại Phú Xuân tháng 12-1789 (lịch sử ghi 1878), cuộc khởi nghĩa Chày Vôi năm 1886 (lịch sử ghi là 1866), cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1915 (lịch sử ghi là 1916)… Đó là sai trong một trang, những trang khác cũng không tránh được sai sót như thế. In ấn sai sót là sự thường. Nhưng điều đáng nói là có nhiều người đọc cứ căn cứ vào đó mà tranh luận và cũng không hiểu vì sao Báo Dân không làm một cái đính chính trên báo. Sở dĩ tôi chọn tờ phụ bản báo Dân để trích dẫn vì nó mới ra đời và nhiều người có. Việc chọn lựa này không có nghĩa những tài liệu ra trước và sau tờ phụ bản vừa trích dẫn không có những điều đáng xem lại. Ngay cả những tài liệu của nhà Huế học nổi tiếng L-Cadière chủ nhiệm tập san Đô Thành Huế cổ (B.A.V.H) vẫn có những điều cần phải xem lại. Muốn tìm được sự thực phải tham khảo trên nhiều nguồn tư liệu chứ không nên căn cứ trên một tư liệu nào rồi khẳng định. Hơn nữa, giới thiệu Huế hoàn toàn không chỉ giới thiệu các di tích. Huế là một trung tâm văn hoá, là một nơi có nhiều thắng cảnh tuyệt diệu. Người giới thiệu Huế ngoài sự hiểu biết các di tích (lịch sử và cách mạng) còn phải hiểu biết về ca nhạc truyền thống Huế, về kiến trúc phong cảnh, về nghệ thuật tạo hình, về cách ăn, cách mặc, việc ăn ở, học hành của người Huế qua các thời đại… và muốn cho phong phú hơn cần phải biết cả những chuyện thâm cung bí sử của các triều đại đã tồn tại trên đôi bờ sông Hương nầy. Tôi chưa được hân hạnh nghe thuyết mình phần này nên chưa dám có nhận xét. Để cho việc giới thiệu Huế tốt hơn, tôi xin đề nghị: a- Các cơ quan Văn hoá phải chịu trách nhiệm về nội dung giới thiệu Huế. Những người thuyết minh chính thức phải trải qua một cuộc tuyển chọn do ngành văn hoá và du lịch đứng ra tổ chức. Những người có khả năng làm công việc này được phát thẻ chính thức để phân biệt với những người “nghiệp dư”. b- Vì đặc điểm của Bình Trị Thiên về Huế là một trung tâm văn hoá và du lịch lớn của cả nước nên các ngành tuyên huấn, tuyên truyền nên có một chương trình giáo dục cho toàn dân, đặc biệt là sinh viên, học sinh, hiểu biết một cách chắc chắn về lịch sử và những giá trị của di sản văn hoá của chúng ta. c- Nhà nước nên gấp rút tổ chức các cơ quan có liên hệ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách đúng đắn những giá trị tinh thần và vật chất của di sản văn hoá Việt Nam tại Huế và Bình Trị Thiên để hỗ trợ cho ngành du lịch tỉnh nhà. Hiện nay Trung ương và tỉnh Bình Trị Thiên đã có những quyết định quan trọng về việc phát triển ngành du lịch ở tỉnh ta thành một ngành công nghiệp quan trọng, đặt ra vấn đề nâng cao việc giới thiệu Huế là một hành động tích cực để hưởng ứng những quyết định quan trọng ấy. Chúng tôi mong bạn đọc, những người yêu thích văn hoá Việt Nam ở Huế tham gia thêm ý kiến trên diễn đàn này. Tháng 6-1984 N.Đ.X (9/10-84) |